vendredi 14 juin 2019

Đi tìm “Động Hoa Vàng” của Phạm Thiên Thư:

Đi tìm “Động Hoa Vàng” của Phạm Thiên Thư: 
Rằng xưa có gã từ quan…
Những ai say đắm bài thơ Động Hoa Vàng của nhà thơ Phạm Thiên Thư chắc sẽ bất ngờ khi biết nhiều ý tứ về “động hoa vàng” được ông lấy cảm hứng từ căn gác gỗ ở khu cù lao Phan Xích Long. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát bất tử “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”.
Có thể nói một cách nào đó, khu cù lao Phan Xích Long chính là “động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư. Ở nơi đây, ông đã trải qua những năm tháng sáng tác rực rỡ nhất trong cuộc đời mình.
Khu cù lao còn là nơi cư ngụ của nhiều văn nghệ sĩ như Trụ Vũ, Thụy Long, cũng là nơi lui tới bàn chuyện con chữ thế sự của Phạm Duy, Sơn Nam…
Ngẫm về chốn cũ
Chúng tôi tìm gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư khi ông đã chuyển về sống cùng người vợ thứ ba trong căn nhà nhỏ trên đường Hồng Lĩnh, thuộc khu cư xá Bắc Hải (Q.10).
Tầng dưới của ngôi nhà ông mở quán cà phê đặt tên Hoa Vàng, luôn vang tiếng dương cầm réo rắt. Phía trước quán, ông để vài cái ghế, và đó cũng là chỗ ngồi thường xuyên của ông.
Gặp Phạm Thiên Thư bây giờ, thật đúng như hình dung của chúng tôi về một nhà thơ – tu sĩ khi tuổi đã về già. Mặc bộ đồ giản dị, ông ngồi dưới giàn dây leo râm mát với một cuốn sách cũ, cặm cụi ghi ghi chép chép. Trước mặt ông đặt một tảng đá, cắm những bông cúc vàng.
Có lẽ cuộc đời người thi sĩ hằn sâu, ấn tượng với cảnh hoa vàng, nên mỗi địa điểm cư ngụ ông đều để hoa vàng như một biểu tượng của ký ức. Trong số đó có căn nhà trong hẻm Trần Kế Xương, P.2, Q.Phú Nhuận mà ông gắn bó nhiều năm.
Có thể nói hình ảnh hoa vàng xuất hiện dày đặc trong thơ Phạm Thiên Thư. Nó trở thành một biểu tượng xuyên suốt, một nỗi hoài niệm.
Ông kể: “Năm 1942 khi cả gia đình còn ở xã Chi Ngãi, huyện Chí Linh (Hải Dương), bố tôi mua hẳn ngọn đồi Phượng Hoàng. Hoa cúc dại vàng mênh mông, bát ngát chạy dài che khuất đường chân trời”.
Năm 14 tuổi, ông theo mẹ di cư vào miền Nam, ngụ tại khu Tân Định. Sau khi học xong tú tài, khác với nhiều người, Phạm Thiên Thư chọn cửa Phật làm chốn dừng chân. Ông theo học Trường Phật học Vạn Hạnh, gửi hồn trong lời kinh tiếng kệ.
Năm 1968, gia đình nhà thơ mua 400m2 đất ở khu cù lao. Rồi ông sáng tác thi phẩm Động Hoa Vàng với 100 đoạn thơ.
Mỗi đoản khúc là một tiếng hót của loài dị điểu, sẵn sàng yêu và chết, và để tiếng hót của mình rơi rụng trên sông.
Trong thời gian sống cùng bà Tuệ Mai (con gái Á nam Trần Tuấn Khải), ông bà thường đọc thơ cùng nhau ở nơi này. Lúc đó Phạm Thiên Thư đã nổi tiếng với tác phẩm Đoạn Trường Vô Thanh. Ông từng tu hành 7-8 năm ở chùa Vạn Thọ, gần kênh Nhiêu Lộc.
Động hoa vàng trong ký ức
Chính vì tuổi cao, lại trải một qua cơn bệnh cách đây chưa lâu, nhà thơ Phạm Thiên Thư không còn nhớ được nhiều. Nhưng khi nghe nhắc về “động hoa vàng” ở căn nhà cũ nơi cù lao thơ mộng, nhà thơ gọi tên người bạn thân thiết: tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã.
Theo lời kể của tiến sĩ Nguyễn Nhã, ông và Phạm Thiên Thư biết nhau từ những năm tháng tuổi đôi mươi, khi bắt đầu chung nhóm nghiên cứu về văn hóa.
Có lần cha của ông Nhã qua cầu bị té xuống kênh, chính Phạm Thiên Thư vì nhà trổ cửa nhìn ra sông trông thấy nên hô hào người dân kéo lên bờ. Tiến sĩ Nhã kể nhà ông và nhà Phạm Thiên Thư ở gần nhau.
Khi nghe nhắc về cây hoa vàng, ông Nhã xác nhận đúng là trước đây ở đầu ngõ nhà của nhà thơ có cây hoa vàng rực, khung cảnh nên thơ vô cùng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư lúc còn trẻ chụp trước căn nhà có cây hoa vàng trong khu cù lao Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận mà ông gắn bó nhiều năm 
Năm 1968, nơi này gọi là đường Hàng Keo. Nhà Phạm Thiên Thư có hình chữ L, ở cuối xóm. Ông làm một cái gác nhỏ, nhìn ra hướng sông.
Ông nói đó là động hoa vàng, có chuẩn bị hoa cỏ, đèn dầu, thuốc lá cho bạn bè thân hữu mỗi khi ghé chơi (Phạm Duy, Trụ Vũ, Bùi Giáng, Sơn Nam, Nguyễn Nhã…).
“Căn gác gỗ của Phạm Thiên Thư rất thơ mộng, cửa sổ trổ ra balcon nhìn về hướng mặt trăng. Căn gác trang trí mây tre cũng là sự hữu ý của Phạm Thiên Thư vì nhà thơ rất đề cao tính truyền thống, yêu thích hình ảnh cây tre khi gió mạnh thì cúi rạp người nhưng khi cần chiến đấu thì có thể chặt thành từng đoạn cắm dưới lòng sông” – ông Nhã kể.
Thi thoảng, ông Nguyễn Nhã cũng ghé đến quán cà phê Hoa Vàng hiện nay để thăm người bạn già Phạm Thiên Thư. Trong mắt ông, Phạm Thiên Thư là người giản dị, yêu sâu đậm đất nước qua những vần thơ giàu tính truyền thống, hòa nhã với bạn bè thân hữu.
Duyên kỳ ngộ Phạm Thiên Thư – Phạm Duy
Trong những năm sống ở khu cù lao, Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ Phạm Duy có mối liên hệ mật thiết. Cách đây hơn 40 năm, Phạm Duy đã lui tới căn gác của Phạm Thiên Thư để phổ nhạc một số bài thơ của ông.
Năm 1971, Phạm Duy đã phổ nhạc 10 bài đạo ca của Phạm Thiên Thư mà chính nhà thơ đã nhận xét rằng cách phổ nhạc rất hay.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết thi thoảng khi ghé nhà Phạm Thiên Thư, ông cũng gặp nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc sĩ và nhà thơ bàn về nhạc, về thơ say sưa, tâm đầu ý hợp.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ khá nhiều bài thơ của Phạm Thiên Thư, có thể kể đến Động hoa vàng, Ngày xưa Hoàng Thị, Em lễ chùa này, Gọi em là đóa hoa sầu… Thậm chí giữa Phạm Thiên Thư và người nhạc sĩ hơn ông 20 tuổi đã có mối tri kỷ từ những ngày đầu mới gặp.
Khi Phạm Thiên Thư còn tu tập trong chùa, nhạc sĩ Phạm Duy có ghé vào thăm. Họ cũng đã nhiều lần chia sẻ những dự định, những trăn trở về đường sáng tác, về nỗi cô đơn trong cuộc đời.
Về mối lương duyên với Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy kể trong cuốn Vang Vọng Một Thời:
“Sau vụ Tết Mậu Thân, tức là khoảng 1969 – 1970, giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn bị dao động trước những biến cố của đất nước, có chủ trương trở về nguồn. Cơ sở văn nghệ hoặc tập san đều chọn những tên thấm nhuần tinh thần về nguồn: An Tiêm, Ca Dao, Giữ Thơm Quê Mẹ… Trong văn có Lý Chánh Trung với cuốn Tìm Về Dân Tộc, có Người Việt Đáng Yêu của Doãn Quốc Sĩ… Trong nhạc có nhóm Tiên Rồng, nhóm Nguồn Sống và có tôi với nhạc tập Dân Ca và cuốn Biên khảo về dân nhạc.
Về nguồn, nghĩa là về với mình – về với loại nhạc của cõi tâm – thì tôi muốn thăng hoa mọi thứ lên. Lúc đó cũng có nhiều người muốn làm như tôi, ví dụ như Phạm Thiên Thư. Anh là một nhà sư trẻ (đạo danh Tuệ Không), có một đàm trường – kiểu đàm trường Viễn Kiến của Nguyễn Đức Quỳnh – để bạn bè tới nói chuyện văn nghệ. Tất cả đều rất trẻ nhưng cung cách của họ giống như các ông cụ non. Tuy nhiên khi đàm luận với nhau, họ không có gì là lúng túng hết. Họ rất ung dung và họ cũng rất già dặn trong tâm hồn, bởi vì họ già trước tuổi. Khi phải sống dưới biết bao nhiêu đe dọa, cũng như trong hoàn cảnh kinh tế sa sút, họ chỉ còn có cách trốn vào một đàm trường, vào một cái vỏ trong đó họ có thể ung dung ngồi nói chuyện thi phú, nói chuyện tư tưởng, những chuyện nhẹ nhàng bên trong với nhau, không lý gì đến chuyện bên ngoài và không cần phải ai biết đến họ.
Sự gặp gỡ của tôi với Phạm Thiên Thư – mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi và một đám mây – là nhờ ông Nguyễn Đức Quỳnh. Vào năm 1971, ông Quỳnh bị ung thư dạ dày và vào nằm trong bệnh viện cho hai bác sĩ Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh cứu chữa. Ngày tôi tới thăm ông tại bệnh viện thì gặp Phạm Thiên Thư ở đó. Và chúng tôi yêu mến nhau ngay.
Sau đó, chúng tôi gặp nhau gần như hằng ngày. Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca. Phạm Thiên Thư đưa cho tôi tập thơ Ðưa Em Tìm Động Hoa Vàng hay bài thơ Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu… để tôi phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại. Ðối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài Ðưa Em Tìm Động Hoa Vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng… Ðể làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy”. 
Bài thơ Động Hoa Vàng với 100 đoạn, 400 câu, chứng tỏ sự tài hoa của tác giả, nhưng ít người quan tâm đến nét thâm trầm của những câu thơ, diễn tả giấc mơ thoát tục của con người trong một giai đoạn nhiễu nhương, đồng thời niềm hoài vọng hướng về quá khứ xa xưa của dân tộc, nhớ nhung nhiều kỷ niệm cũ càng, có thật hay hư tưởng, từ quê hương thôn dã, một thuở thanh bình đã phôi pha.
Rằng xưa có gã từ quan…
Muốn từ quan thì phải làm quan, thường là quan to, bậc khoa bảng, thành phần giai cấp quyền lực. Tác giả đã hạ giá danh vọng bằng từ “gã” bình dân, thân mật.
Lên non tìm động hoa vàng ngú say
Trong lối hiểu thông thường, thì ngủ say đây là cách quên công danh, những hệ lụy công danh, mà cũng là cách quên đời:
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan… 
Nói chung, bài Động Hoa Vàng là bài ca siêu thoát, giữa xã hội và thời sự đảo điên, những lời thơ chấp chới đào vong vào một giấc mơ dài, kết nối nhiều hình ảnh thi vị của một trần gian xa cách. Quê hương thanh bình, con người an vui, trong một nền văn hóa đã quá khứ. Hạnh phúc đơn sơ :
Ngày xưa trên giậu vàng hoa
Chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời
Người đọc, nhất là người nghe nhạc, chú ý đến những câu thơ tình trong bài. Ái tình ở đây chỉ làm đề tài cho thơ hồi tưởng. Những cô áo hồng, áo xanh phơ phất, cho dù có mang một ít sắc màu ký ức, cũng chỉ là đề tài thi ca, kết hợp nhuần nhuyễn với toàn bộ tập thơ. Tình yêu ở đây là mơ mộng, trắc trở, xa cách, nhớ nhung.
Có lúc chàng kể :
Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa
Hồi khác chàng lại kể :
Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang
Thì không ai biết cô nàng mặc áo màu gì. Thậm chí nàng có thực hay không, hoặc nàng chỉ là ảo ảnh của thiên nhiên, thường xuyên thay áo.
Khi tình yêu chỉ là điển cố văn chương, như mượn ý ca dao, Phạm Thiên Thư vẫn có thể làm được câu thơ hay:
Thôi thì em chẳng yêu tôi,
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
Có lúc chữ nghĩa gây nên tình cảm thê thiết :
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi.
Ý thơ dàn trải, không có gì cao siêu. Nhưng lời thơ da diết, luyến láy, dằn vặt. Nhạc sĩ Phạm Duy đã thể hiện tài phổ thơ của mình bằng cách “nhặt” ra những câu khúc chiết nhất trong bài thơ rất dài để viết thành 1 bài hát bất hủ, chắp cánh cho tên tuổi của bài thơ và tác giả bài thơ bay cao trong bầu trời nghệ thuật miền Nam.
Phạm Thiên Thư viết Động Hoa Vàng những ngày đầu ngấm giáo lý nhà Phật, như đánh dấu mình vào một cõi của chính mình trong thi đàn. Dĩ nhiên, Động Hoa Vàng chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời viết của ông, nhưng nó đã làm nên một ‘thương hiệu’ của Phạm Thiên Thư. Những câu thơ đẩy cái đạo đời bềnh bồng trên cõi Phật, làm hiện hữu cuộc đời đáng sống trong mênh mang bao la của phù vân hư ảo:
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên giục bây giờ chim đi…
Nhiều người đã cho rằng Phạm Thiên Thư đi tu mà lòng vẫn hướng về cõi tục. Ông chỉ cười: ‘Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình’. Quả thực là từ cõi Phật, ông đã làm được những điều đáng nể: thi hóa kinh Phật, sáng tác những thi phẩm hay và đẹp thuộc diện hiếm hoi trong văn học Việt Nam… Thơ của ông được nhiều người có tên tuổi trong giới và rất nhiều bạn đọc mến mộ…”
Trích đoạn từ tập thơ “Động Hoa Vàng”
Ừ thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông
Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa
Đường về hái nụ mù sa
Đưa theo dài một nương cà tím thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu
Đêm dài ươm ngát nhụy hoa
Chim kêu cửa mộ trăng tà gõ bia
Em ơi rủ tóc mây về
Nhìn trăng nỡ để lời thề gió bay
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên dục bây giờ chim di
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe dường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc trên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.
Bài hát “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chảy một giòng thôi
Mấy đầu sông thấm tóc người cuối sông
Nhớ xưa em chửa theo chồng
Mùa Xuân may áo áo hồng đào rơi
Mùa Thu em mặc áo da trời
Sang Đông lại khoác lên người áo hoa
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau
Thôi thì em chẳng còn yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng
Thôi thì thôi mộ người tà dương
Thôi thì thôi nhé… đoạn trường thế thôi
Nhớ xưa em rũ tóc thề
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi Tây hững hờ
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
Chim ơi chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu.
Theo nhacxua.vn 
Ngọc Hà 🌷

 Sưu tầm Mai Ngọc Dung

Nancy Quách chuyển 



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire