lundi 4 février 2013

Đại Hội Tết ở Sherbrooke 1980 để giúp các đồng bào tỵ nạn (KĐ)


Đại Hội Tết  ở Sherbrooke 1980 để giúp các đồng bào tỵ nạn

Năm hết Tết sắp đến, mấy tuần nay chuẩn bị sắp xếp các bài Sớ do các Táo Bà từ khắp nơi gởi về, vừa hoàn tất xong (1) và được các bạn vui vẻ đón nhận nên KĐ rất hồ hởi , phấn khởi và  cũng muốn viết  bài để đón Xuân. 

Vào Đặc San TV được nghe lại một số bài hát hay của nhà  nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy (cũng vừa mới từ trần) do Phương Hà chọn lọc, trong số đó có bài `Giọt Mưa Trên Lá`. Nghe xong nhạc phẩm này KĐ xúc cảm mạnh, thấy thật thấm thía, vì nhớ ngay đến Đại Hội Tết 1980 được tổ chức ở Sherbrooke để giúp đỡ các đồng bào tỵ nạn và hôm ấy KĐ đã hát hợp ca đúng bài này với các anh chị bạn  trước một số quan khách khá đông đảo trên 500 người.

 Giọt mưa trên lá


Anh hội trưởng hội Người Việt Nguyễn Hải Bình nguyên Chủ tịch Liên hội người Việt Canada vào đầu thập niên 80 cùng  anh chị Hà, anh Năng (nhạc sĩ), chị Cúc, chị Long, chị Luân, anh chị Cường, anh Tuấn  và ban chấp hành  đã làm việc rất hăng say để huy động gần như toàn lực của người Việt trong cộng đoàn nên cuộc tổ chức đại hội Tết đã đạt được thành công mỹ mãn, với một chương trình văn nghệ rất phong phú, ngoài màn múa lân mừng Tết còn có các màn vũ 'Thiên thai' ,'Trấn thủ lưu đồn', hát quan họ, trình diễn thời trang, múa rối, hợp ca, đơn ca….
Ngoài phần tham dự vào các màn hợp ca 'Ly rượu mừng',  KĐoan và  cô Dung còn đảm trách thêm phần dạy vũ bản 'Thiên Thai', tập luyện cho các cháu mỗi cuối tuần trong vòng hơn 2 tháng; vì có được sự khuyến khích, cổ võ các cháu đã chăm chỉ lắng nghe những lời hướng dẫn nên màn vũ rất hay.

Lời chào mừng quan khách của anh N.H.Bình 

 

 Ly Rượu Mừng

 Sàigòn ơi vĩnh biệt,  Qua cầu gió bay, Trống cơm
 Áo cưới của KĐ được dem trình diễn thời trang

KĐ và ban múa  Thiên Thai
2 Tiên chính
Đêm tổng dợt

Trấn Thủ lưu đồn


 Ban ẩm thực
Các quan khách
Chụp hình lưu niệm
Sherbrooke số người Việt tuy không đông lắm nhưng tinh thần làm việc cho cộng đoàn rất cao, luôn mong muốn người Gia Nã Đại biết thêm về văn hóa Việt qua đại hội Tết , vì thế tùy theo khả năng, mỗi người hăng say tham gia hoặc vào ban văn nghệ, hoặc ban ẩm thực, may quần áo, tiếp tân, bán vé…. Được làm việc chung với nhau, cùng một mục đích giúp đỡ các đồng bào đang gặp khó khăn ai cũng đem hết tài sức của mình để đóng góp mong sao buổi đại hội Tết được thành công, kỷ niệm này thật quý báu mỗi khi nhìn lại, nhất là mỗi độ Tết đến Xuân về.
Kim Đoan (02-2013)

Xin thành thật cảm ơn anh chị  Bình đã tặng Tuấn Đoan rất nhiều hình ảnh sinh hoạt với hội người Việt Sherbrooke. 
Sau đại hội Tết, hội đã được đài truyền hình Télé Quebec mời trình diễn về các màn có tính cách thuần túy dân tộc VN, thật là một vinh dự cho cộng đoàn người Việt ở Sherbrooke.

Đài truyền hình cũng phỏng vấn về ẩm thực của VN trong chương trình

`` Des 4 coins du monde`` 



Tên nước rất lãng mạn


Một số nước có cái tên rất lãng mạn !

H.O.L.L.A.N.D
- Hope Our Love Lasts And Never Dies .
- Hi vọng tình yêu của chúng ta tồn tại mãi mãi và bất tử.


I.T.A.L.Y
- I Trust And Love You.
- Tôi tin tưởng và yêu bạn.


L.I.B.Y.A
- Love Is Beautiful, You Also .
- Tình yêu đẹp, bạn cũng vậy.


F.R.A.N.C.E.
- Friendships Remain And Never Can End
- Tình bạn tồn tại mãi & không bao giờ chấm dứt.


C.H.I.N.A.
- Come Here. I Need Affection.
- Hãy đến đây, tôi cần tình thương yêu.

dimanche 3 février 2013

Ngôn Ngữ Của Tình Yêu

03 Tháng Hai
Ngôn Ngữ Của Tình Yêu

 
Có lẽ cái tên của Helen Keller, một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở thành bậc khoa bảng, không còn xa lạ với chúng ta nữa. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh này trở thành mù lòa và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã khép hẳn cánh cửa lại với cô. 
Làm thế nào để truyền thụ kiến thức cho một người đã câm điếc lại còn mù lòa? Cha mẹ của cô bé dường như muốn bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không muốn bỏ cuộc. Hy vọng duy nhất mà cô giáo này còn đó là còn có thể truyền thông và liên lạc với cô gái mù lòa và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bằng đôi tay, nhưng Helen Keller đã có thể học xong Đại Học, tốt nghiệp Tiến sĩ và trở thành văn sĩ. 
Cho người mù lòa và câm điếc chạm vào một sự vật và viết lên tên gọi của sự vật ấy: đó là phương pháp của cô giáo Anna Sullivan. Dạy về những sự vật cụ thể như cái bàn, cuốn sách, cành cây, con chó… xem ra không hẳn là điều khó. Nhưng làm thế nào để diễn tả cho Helen hiểu được những ý niệm trừu tượng như tình yêu chẳng hạn? 
Ngày kia, cô giáo Anna Sullivan đã viết lên tay của Helen Keller hai chữ "Tình Yêu" rồi ôm trầm lấy cô bé hôn lấy hôn để với tất cả sự thành thật và nhiệt tình của cô. Lần đầu tiên trong đời, cô gái câm điếc mù lòa bỗng cảm thấy tim mình đập mạnh và cô hiểu được thế nào là Yêu Thương

Ngôn ngữ của Tình Yêu là những hành động cụ thể. 
Anh mắt trìu mến, những âu yếm vuốt ve của người mẹ đối với đứa con mới lọt lòng có giá trị hơn bất cứ một quyển sách biên khảo nào về tình yêu. Nhưng mồ hôi và nước mắt, những hy sinh hằng ngày của người cha giúp con cái hiểu được thế nào là Yêu thương hơn bất cứ lời dẫn giải nào về Tình Yêu. Và có lẽ cũng thừa thãi để bảo rằng khi hai người yêu nhau thì sự thinh lặng và những cử chỉ âu yếm có sức mạnh hùng hồn hơn những lời nói hoa mỹ, những trống rỗng. 
Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài tỏ tình, Ngài bộc lộ tình yêu với con người không chỉ bằng những lời nói suông, mà bằng cả lịch sử của những can thiệp, những thể hiện cụ thể. 
Một tình yêu không được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể là một tình yêu giả dối, lừa bịp. 
Đạo Kitô của chúng ta là Đạo của Tình Yêu. Một người kitô không sống Tình Yêu, không viết lên hai chữ Tình Yêu bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân, người đó chỉ là một người Kitô giả hiệu, một Đức Tin không việc làm là một Đức Tin chết. Một lòng Mến không được thể hiện bằng hoa trái của lòng Mến chỉ là lòng Mến giả tạo.
Trích sách Lẽ Sống

vendredi 1 février 2013

Lịch Sử lá quốc kỳ, quốc ca





Giới Thiệu Một Cuốn Phim Quý

Sản xuất (producer): GS Nguyễn Ngọc Bích

Viết lời cho phim (script writer): Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa

Dẫn phim: Ngọc Hà


Phim thực hiện công phu với nhiều tài liệu quý giá. Từ lịch sử lá quốc kỳ, quốc ca được trình bầy với hình ảnh chứng minh. Những câu chuyện về quốc kỳ VNCH thật cảm động như tại Sundre (Canada), anh Trần Nam mua cột cờ thứ 11 để treo và sau đó là những ngày đấu tranh để cờ vẫn tung bay. Câu chuyện tại Massachusetts , tại Đại Hội Trẻ Sydney…

Thật cảm động khi quốc kỳ của một dân tộc đã mất lãnh thổ vào tay cộng sản độc tài mà vẫn hiên ngang tung bay ngạo nghễ khắp thế giới.

Tôi đã khóc khi xem đoạn phim thuật lại trận đánh không tên của Thiếu Sinh Quân VNCH trong những ngày cuối 4/1975. Trận đánh của các những đứa con của quân đội chỉ ở độ tuổi 15,16 mà cộng sản không khuất phục được. Trận đánh mà cuối cùng cộng sản phải nhờ thân hào nhân sĩ điều đình và các đứa con oai dũng của Thiếu Sinh Quân đã ép được cộng sản phải chấp thuận cho các em được làm lễ chào quốc kỳ lần cuối. Tôi nhủ lòng, không lẽ con em quân đội chúng ta hào hùng thế mà bây giờ chúng ta không dựng lại được cơ đồ sao?

37 năm trôi qua. Chúng ta hãy tin tưởng rằng sự bạo tàn sẽ không thể tồn tại, cộng sản sẽ phải sụp đổ, trả lại ta sông núi. Dù tuổi ngoài 60,70, thậm chí 80, cũng hãy sống cho xứng đáng, đừng vì chút lợi danh mà phản bội. Nếu tất cả đều đồng lòng không chấp nhận cộng sản, không hòa hợp với cộng sản và sẵn sàng hỗ trợ người trong nước thì không lẽ lòng dân không đổi được số phần?

Hãy giữ vững tấm lòng son sắt với lá cờ chính nghĩa vì chúng ta là con Rồng, cháu Tiên, là giống da vàng không khuất phục bạo quyền. Chúng ta đã vượt bao gian khó để làm những việc không hề có trên thế giới là lá cờ vàng tung bay, bất chấp không còn lãnh thổ thì việc cướp lại giang san nơi những kẻ độc tài áp bức, lẽ nào không làm được?

Xin trân trọng cảm ơn Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa với những lời dẫn phim rất cảm động, cảm ơn ê kíp làm phim.


Mỗi tổ chức cộng đồng nên có một DVD phim này. Người dân nào cần thì cộng đồng sẽ copy. Mỗi gia đình nên có, phải có để nhắc nhở con em chúng ta về lịch sử lá cờ, về những câu chuyện rất cảm động khi bảo vệ lá cờ và những hình ảnh tuyệt vời khi cờ tự do phất phới bay khắp thế giới, từ lá cờ tự do trên cổ Giáo Hoàng, đến trên áo các vị dân cử khắp thế giới.
 

jeudi 31 janvier 2013

Buổi pháp đàm giữa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Cha Laurence Freeman


Buổi pháp đàm giữa
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma
Cha Laurence Freeman
về chủ đề Bậc thầy và Ðệ tử
tại Sarnath, Varanasi
Stars



Ngày 12 tháng 1 năm 2013 được dành riêng cho buổi pháp đàm giữa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và đạo hữu tâm linh lưu niên là đức Cha Laurence Freeman, ngài đang điều hành Cộng đồng Thiền Kitô giáo Thế giới.

Chủ đề đàm luận là Chúa Giêsu và Ðức Phật với vai trò là các bậc đạo sư và bổn phận của người đệ tử. Ðịa điểm tổ chức tại Hội trường Atisha, Ðại học Trung ương Nghiên cứu Tây Tạng ở Sarnath.

Trước khi buổi pháp đàm diễn ra, Ðức Ðạt lai Lama và đức cha Laurence cùng một số đạo hữu và các tín chủ đã có buổi gặp gỡ.

Một câu hỏi được đưa lên về vấn đề chân lý, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma trả lời, "khi đã quen thuộc với chân lý thì chân lý sẽ ảnh hưởng đến tâm thức của quý vị. Khi truyền trao giáo pháp, Ðức Phật đã mô tả thực tại theo nhiều cách khác nhau phù hợp với căn cơ từng đệ tử.

Khi Kitô hữu và Phật tử tới cùng với nhau, chúng ta có thể nói rằng chúng ta có hai luận giải về chân lý, nếu đệ tử Hồi giáo cùng tham gia, chúng ta sẽ có ba".


Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và đức cha Laurence Freeman cùng
các đạo hữu tại Sarnath, Uttar Pradesh, Ấn Ðộ,
trên 12 Tháng 1 năm 2013.
Photo / Jeremy Russell / OHHDL

Khi được hỏi về sự cần thiết của tôn giáo, ngài trả lời, "tôn giáo là một công cụ để chuyển hóa tâm thức trở nên tích cực. Mọi người đều mong cầu hạnh phúc và tại đây trong thế kỷ 21, khi cơ sở vật chất được phát triển cao, thực sự còn rất nhiều người nghèo, nên vẫn cần sự phát triển về vật chất.
Tuy nhiên, phần lớn mọi người bắt đầu nhận thức được những giới hạn của giá trị vật chất và hướng tới các giá trị tinh thần. Cho đến nay sự phát triển của bản thân vật chất đã thất bại trong việc tạo ra một xã hội hạnh phúc."

Trước thính chúng khoảng 250 người trong hội trường lớn hơn, đức cha Laurence đã mở đầu buổi pháp đàm bằng việc nhắc lại trong một dịp trước đó, khi ông đã thỉnh mời Ðức Ðạt Lai Lạt Ma bình xét về một số đoạn trong Phúc âm, "chúng tôi vô cùng cảm động trước những huấn từ linh thiêng của ngài và trí tuệ của ngài về chân lý của Phúc âm. Phải cần rất nhiều hùng tâm."

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đáp lại rằng: "Tôi tìm thấy những tư tưởng giống với Phật pháp và điều đó giúp cho buổi gặp gỡ rất có giá trị. Sau đó quý ngài cùng các đạo hữu đã tới Bồ Ðề Ðạo Tràng, và lần đầu tiên các Phật tử và các Kitô hữu cùng cầu nguyện với nhau dưới gốc Bồ đề."

Cha Laurence luận giải rằng ông sẽ chia sẻ về Chúa Giêsu và bằng cách nào để thấu hiểu rằng ngài là một bậc đạo sư và sau đó đức Dalai Lama sẽ chia sẻ về Ðức Phật. Ông thỉnh mời Ðức Ðạt Lai Lạt Ma có thể ngắt lời của ông khi ngài thấy cần đưa ra quan điểm.

"Tất cả chúng ta là con người. Khi tôi gặp một người, tôi nghĩ rằng, đây là một con người giống như tôi đang mong cầu có được hạnh phúc ".

Những nghi thức chỉ tạo ra các rào cản không cần thiết giữa chúng ta. Cùng là thành viên của một gia đình nhân loại, chúng ta không cần đối xử hình thức với nhau, vì vậy nếu tôi có điều cần chia sẻ, tôi sẽ làm như vậy."

Ðức cha Laurence bắt đầu chia sẻ quan điểm của mình:

"Tôi coi Chúa Giêsu như một con người, một con người lịch sử sau khi thấu hiểu ngài chính là Pháp tử của Thiên Chúa. Tôi nghĩ tới ngài như một đức chúa tự nhiên, một trong số ít các bậc xuất chúng đã trở thành đấng đạo sư của loài người.

Chúng ta biết rất ít về đời sống thời trẻ của ngài, nhưng chúng ta biết rằng ngài đã có một sự thức tỉnh khi ông được thanh thanh tẩy bởi đức cha Join và tinh thần đó đã thúc đẩy ngài bước vào sa mạc thực hành trong bốn mươi ngày. Ðức Chúa Giêsu đã giáo hóa bằng những dẫn dụ, vì vậy đời sống của ngài là những bài pháp.”


Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Cha Laurence Freeman tại
Sarnath, Uttar Pradesh, Ấn Ðộ, vào ngày 12
Tháng 1 năm 2013. Photo / Jeremy Russell / OHHDL

"Ðức Chúa Giêsu là một mẫu hình cho đời sống của tôi. Tôi tôn kính ngài như một bậc đạo sư của vũ trụ, một người toàn vẹn với chủ quyền tự nhiên, ngài là hiện thân của chân lý. Ngài là nơi chốn tôi có thể nương tựa với niềm tin và sự chí thành. Mối liên hệ với Chúa Giêsu đã giúp tôi loại bỏ mọi những mê mờ.”

Ðức cha nhận xét rằng dường như có một sự tương thông giữa các tư tưởng Kitô giáo cho rằng tất cả mọi người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa và Phật tính. Khi ngài trải nghiệm Ðức Chúa bên trong mình, ngài thấy đức Chúa được phản ánh nơi những người mà ngài gặp gỡ.

"Ðức Chúa Giêsu là một thầy thuốc, một nhà trị liệu, không phải là một thẩm phán; ngài mang pháp dược chữa lành cho thế giới. Ngài là một bậc đạo sư, một lãnh tụ và là một con đường sống. Bởi tôi cảm thấy như vậy nên tôi có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa."

"Tuyệt vời, tuyệt vời, đó là thực sự cũng là hiểu biết của riêng tôi về đức Chúa Giêsu," Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã đáp lại. "Thông qua sự phân tích trí tuệ của mình, quý ngài đãcó sự hiểu biết làm chuyển hóa đời sống của mình."

"Tất cả Phật tử đều chấp nhận rằng Ðức Phật từng là thái tử. Khi ngài nhận ra rằng ngay cả đời sống của một thái tử cũng đầy những phiền não và chướng ngại, ngài đã đi tìm một đời sống ý nghĩa hơn và đi tìm sự hiểu biết về thực tại.

Ngài rời hoàng cung và dành sáu năm thiền định, trường chay và khổ hạnh. Ngài đã nghiêm mật trì giữ giới, định, tuệ. Ngài đã chứng đạt giác ngộ và từng tới thánh địa Sarnath để bắt đầu truyền trao giáo pháp. Ngài không màng tới địa vị xã hội, coi các vị vua và những hành khất bình đẳng như nhau; điều quan trọng là sự thực hành.

"Sau khi rời hoàng cung, ngài đã xuống tóc và xả bỏ trang phục hoàng gia, đắp y vàng của tăng sĩ. Ngoài các giới chính, các giới nguyện của tăng sĩ được thiết lập bất cứ khi nào Ðức Phật chỉnh sửa những lỗi mà chư tăng đã mắc, ngài đã không đưa ra các quy tắc được thiết lập từ trước.

Ngài đã thuyết dạy rằng không có một bản ngã độc lập mà bản ngã chỉ là một danh xưng thuần túy trên hợp thể thân tâm. Mục đích thực sự của giáo pháp chính là làm đoạn trừ tự ngã, đó là điều mà một niềm tin chuyên nhất nơi Chúa cũng có thể mang lại cho chúng ta.

Tất cả các tôn giáo đều có cùng một thông điệp về tình yêu thương, sự khoan dung, lòng từ bi và sự tha thứ, mặc dù quan điểm triết học có thể khác nhau.




Thính chúng lắng nghe buổi pháp đàm giữa
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Cha Laurence Freeman
tại Sarnath, Uttar Pradesh, Ấn Ðộ, trên 12
tháng 1 năm 2013. Photo / Jeremy Russell / OHHDL

Trên đường trở lại hội trường sau giờ buổi trưa, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma được cung đón bởi các đạo hữu, các cháu gái bị khiếm thính cùng các giáo viên tại Học viện Jeevan Jyoti giành cho người khuyết tật, nơi đây ngài đã giành nhiều trợ giúp.

Trong buổi pháp đàm đầu giờ chiều về chủ đề ý nghĩa của người đệ tử, cha Laurence, một lần nữa, chia sẻ rằng khi đức Chúa Giêsu tập hợp các đệ tử lại cùng nhau, ngài đã dạy rằng:

"Hãy theo ta". Ðức cha cho biết hình ảnh này về đệ tử mang ý nghĩa đặc trưng trong Kitô giáo, nhưng đồng thời cũng có một hàm ý phổ quát. Người đệ tử phải có tâm rộng mở, niềm tin và nói sự thật. Bậc thầy phải là niềm tin nơi đệ tử. Sự trung thực là biểu trưng cho mối quan hệ Bậc thầy-Ðệ tử. Ðức cha khẳng định rằng một mối quan hệ chân chính với bậc thầy là ánh sáng dẫn đường cho cuộc đời của người đệ tử.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma chia sẻ rằng một bậc thầy phải có kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm nội chứng tâm linh. Ðiều quan trọng là khi thực hành theo một bậc thầy, bạn trở thành một người tĩnh tại hơn. Cả hai phía đều có bổn phận của mình, bổn phận của bậc thầy là giáo dưỡng người đệ tử và người đệ tử phải có hành động với lòng tôn kính.

Ngài nhắc nhở rằng chúng ta thường coi trọng quá nhiều tới hình tướng bên ngoài, ví như các phụ nữ trẻ trang điểm vẻ bề ngoài bằng các loại mỹ phẩm, trong khi điều quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta là vẻ đẹp nội tâm. Từ sự an bình nội tâm sẽ mang lại hạnh phúc cho cá nhân, cho gia đình và cộng đồng.

Nếu chúng ta có bình an nội tâm thì khi phải đối mặt với các rắc rối, chúng ta có thể dễ dàng hóa giải chúng. Bình an nội tâm mang lại sức mạnh.

Một câu hỏi được đưa lên rằng, có thể đồng thời là một tín đồ của Chúa Giêsu và Ðức Phật được không. Cha Laurence nhận xét rằng, Kinh Thánh có dạy, chúng ta nên đón nhận lời khuyên từ tất cả những bậc hiền trí, điều đó có nghĩa ta nên chấp nhận chân lý bất cứ nơi nào khi ta tìm thấy.

Ngài dẫn lời của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma rằng, có thể là một Phật tử và một Kitô hữu trong một thời gian, nhưng cuối cùng quý vị sẽ thấy bản thân nên thuộc về một truyền thống. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đồng ý quan điểm đó.


Ðức Ðạt Lai Lạt Ma gặp gỡ đạo hữu, các cháu gái bị
khiếm thính và giáo viên tại Học Viện Jyoti Jeevan
giành cho người khuyết tật ở Sarnath,
Uttar Pradesh, Ấn Ðộ, ngày 12 tháng một năm 2013.
Photo / Jeremy Russell / OHHDL


Một số thính chúng có đặt câu hỏi về các Kitô hữu thực hành thiền Phật giáo. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đáp lại rằng, có nhiều phương pháp khác nhau để trưởng dưỡng tâm và cũng có thể áp dụng thực hành như vậy. Quý vị cần phải xem đâu là phương pháp là hiệu quả nhất cho mình.

Một câu hỏi về những gì xảy ra cho con người sau khi chết, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma dạy rằng, "điều đơn giản là trong khi vẫn còn sống, hàng ngày chúng ta nên sống một đời sống có ý nghĩa.

Hãy giúp đỡ người khác bất cứ nơi nào mình có thể, nếu không thì ít nhất cũng tránh làm tổn hại tới họ. Nếu được như vậy, khi cái chết tới, chúng ta sẽ không hối tiếc và có thể cảm thấy tự tin đi tới thiên đường hay được một tái sinh tốt lành.

Ðây là những gì bản thân tôi đang làm. Ngay cả trong những giấc mơ của mình, tôi khắc ghi rằng mình là một tăng sĩ, không phải là Ðạt Lai Lạt Ma. Nếu cái chết tới đêm nay, tôi sẽ không hối tiếc và tôi mong nguyện sự tự tin này sẽ tiếp tục lan tỏa khắp. "


Phúc Cường trích dịch
Nguồn: Dalailama.com/news
 Phạm Anh chuyển

Hãy là chính mình



HÃY LÀ CHÍNH MÌNH

Ngày nọ, một cậu bé đứng tựa vào gốc cây to xù xì, thì thầm hỏi:

- Thần cây ơi! Thần cây hãy chỉ cho con cách nào làm ba mẹ vui lòng mà con vẫn được là chính con?

Thần cây đáp:

- Con hãy nhìn ta đây. Cả một đời ta phơi mình trong nắng gió, biết bao lần phải oằn người trong giông bão nhưng ta vẫn là ta, vẫn là thân cây tỏa bóng mát cho mọi người.

Qua hôm sau, một người đàn ông tìm đến cây than thở:

- Cây ơi, tôi là một người đàn ông bất tài vô dụng. Bao năm trôi qua rồi mà tôi vẫn chỉ là một anh nhân viên quèn, không thăng tiến được. Tôi không thể lo cho vợ con mình một cuộc sống  
tốt đẹp hơn. Tôi thật sự đã thất bại, tôi chán bản thân mình lắm rồi.

- Anh hay nhìn tôi mà xem - Cây lên tiếng chia sẻ - Tôi chấp nhận tự thay đổi để thích nghi với mọi điều kiện. Vào mùa xuân, tôi khoác lên mình chiếc áo xanh tươi, đâm chồi nở hoa rực rỡ.

 Nhưng khi mùa đông lạnh giá kéo về thì tôi ủ rũ, xám xịt với những cành cây khẳng khiu. Đến hè, tôi lại vươn vai tỏa bóng mát sum suê. Và như anh thấy đấy, dù có thay đổi thế nào thì tôi  vẫn là tôi, là gốc cây đứng bên vệ đường chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống.


Đến một ngày, một cô gái đang đau khổ vì tình yêu chạy tới ôm lấy thân cây, òa khóc nức nở:

- Cây ơi! Người yêu của tôi đã rời xa tôi rồi. Tôi cảm thấy mất mát thật nhiều và đau khổ lắm. Giờ đây, có lẽ tôi không thể yêu thương ai khác được nữa.

Cây nhìn cô gái đầy thương cảm, dịu dàng nói:

- Cô hãy ngước lên và nhìn tôi đi. Nào là chim chóc, sâu bọ, gõ kiến, nào là rong rêu, dây leo, cây tầm gửi bám đầy trên người tôi. Hằng ngày, chúng lấy đi của tôi biết bao nguồn nhựa sống 
. Nhiều khi, tôi tưởng như không còn sức chịu đựng thêm được nữa. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi. Tôi vẫn là tôi, hiên ngang cho đi và dám hy sinh những gì mình có.

Chúng ta cũng giống như cây kia vậy, phải luôn thay đổi sao cho có thể thích ứng với từng giai đoạn của cuộc sống. Hãy hướng đến những điều lớn lao nhưng cũng đừng nên quá tuyệt vọng 
khi sự việc diễn ra không như những gì bạn mong đợi. hãy sống mỗi ngày theo cách trọn vẹn nhất của bạn. Hãy để lòng dịu lại và lắng nghe con tim mách bảo, dũng cảm đối diện với khó khăn, thách thức. Cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nếu chúng ta cứ luôn sợ hãi, cân nhắc đắn đo giữa sự cho và nhận và không dám mạo hiểm trước nhứng gì cần mạo hiểm.

Ngọc Nga sưu tầm