vendredi 14 mars 2014

Hoa kiểng lạ

jeudi 13 mars 2014

Nếu Tôi Biết Tha thứ



Đức Giáo Hoàng Píus 12

13 Tháng Ba
Nếu Tôi Biết Tha thứ
 
Trong những năm 1944-1945 dân Roma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Đức quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Anh viết thư cho Đức Giáo Hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin Ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương Cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành.
Đức thánh cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển đến anh sự tha thứ của Ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt mân côi. Đến nhà giam, sau khi đã làm theo lời căn dặn của Đức Giáo Hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: "Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý. Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình. Đức Giáo Hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao qúy. Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này". Nói rồi anh bật khóc: "Con không dám động đến tràng hạt của Đức Giáo Hoàng bằng đôi tay vấy máu của con. Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con". Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria...
Xin được tha thứ, đó là một trong những hành động vĩ đại nhất của con người... Quỷ Satan đã có lần trách móc Thiên Chúa như sau: "Ngài không công bình. Có biết bao nhiêu tội nhân đã làm điều ác. Họ chỉ trở lại một đôi lần, nhưng lần nào Ngài cũng niềm nở tiếp đón họ. Tôi chỉ có làm một điều bậy, tôi chỉ có phạm tội một lần, thế mà Ngài đã tuyên phạt tôi đời đời". Nghe thế, Thiên Chúa mới hỏi vặn lại Satan: "Thế ngươi có bao giờ mở miệng xin tha thứ và ăn năn sám hối chưa?".
Mở miệng kêu xin tha thứ là bước lần đến ngưỡng cửa Thiên Đàng. Nhưng xin tha thứ cho chính mình thôi, chưa đủ, con người cần phải tha thứ cho người khác. Cánh cửa Thiên Đàng sẽ mở ra mỗi khi con người thành thực thứ lỗi cho người khác.
Nhận ra lầm lỗi của mình, kêu cầu sự tha thứ và tha thứ cho người khác: đó là đôi cánh Thiên Thần giúp con người bay lên tới Chúa.
Chén cơm trong ngày

mercredi 12 mars 2014

Tên gọi University và College khác nhau thế nào

Lễ tốt nghiệp 2009 tại vận động trường của Đại Học Sherbrooke

Ở Mỹ, khi bạn vào một University nghĩa là bạn sẽ tốt nghiệp từ một College nào đó của trường. Còn ở Canada và Úc, College chỉ cung cấp các loại chứng chỉ. 

Trong hệ thống giáo dục Mỹ, College là đại học chỉ đào tạo và cấp bằng về một lĩnh vực cụ thể, còn University là một tổng thể bao gồm nhiều College với nhiều lĩnh vực đào tạo. Ví dụ, trong một University, bạn có thể tìm thấy College of Business (gồm các ngành như Accounting (Kế toán), Finance (Tài chính), Marketing (Tiếp thị), Business management hoặc College of Engineering (gồm các ngành về kỹ sư phần mềm, vi tính, cơ khí, cầu đường, dầu khí, hóa…), College of Architecture (ĐH Kiến trúc), College of Education (ĐH Sư phạm)... 
Ở một số trường đại học, người ta cũng có thể dùng từ School thay cho College. Ví dụ, School of Medicine (ĐH Y khoa), School of Business, School of Engineering…
Nói cách khác, khi bạn vào một University, nghĩa là bạn sẽ tốt nghiệp từ một College nào đó của trường. Do vậy, xét về mặt học thuật, ý nghĩa của hai từ University và College không khác biệt nhiều khi nói đến đại học ở Mỹ. Phần lớn người Mỹ đều dùng từ College thay vì University để nói đến việc học ở cấp bậc đại học.
Người ta chỉ dùng từ University khi đề cập đến một trường đại học cụ thể nào đó, ví dụ như Harvard University, Stanford University, hay University of California in Los Angles...
Tuy nhiên, cũng có một số trường đại học vẫn giữ chữ College trong tên trường của mình thay vì University vì nhiều lý do. Một trong những lý do đó là ý nghĩa và giá trị lịch sử của ngôi trường. Ví dụ như College of William & Mary ở Virginia, thành lập năm 1693 vẫn giữ nguyên tên này cho dù nó tương đương University.
Hoặc Dartmouth College ở New Hampshire thành lập năm 1769 cũng là một đại học danh tiếng bậc nhất của Mỹ. Cũng có những University hoàn toàn không dùng từ này trong tên trường của mình như Massachusetts Institute of Technology (MIT).
Mặt khác, ở Mỹ, bạn cũng cần phải phân biệt College trong các trường đại học với Community College. Trong khi các trường đại học có thể đào tạo và cung cấp các bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ và làm các công việc nghiên cứu thì Community College chỉ có thể đào tạo và cung cấp các bằng hai năm (Associate’s degree, giống như bằng trung cấp ở Việt Nam), hoặc các chứng chỉ dạy nghề (certificates).
Sinh viên cũng có thể theo học hai năm đầu của bậc đại học ở Community College trước khi chuyển sang đại học để học hai năm cuối và lấy bằng cử nhân tại đại học đó. So với các trường đại học, Community College rẻ tiền hơn và cũng dễ dàng được nhận vào hơn.
Tuy nhiên, ở một số nước nói tiếng Anh khác trên thế giới, việc sử dụng từ University và College cũng có sự khác biệt. Ví dụ, ở Canada, University là nơi cung cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, hoặc tiến sĩ, nhưng College chỉ có thể cung cấp các loại chứng chỉ.
Tương tự, ở Australia, các trường College được gọi là Technical and Further Education (TAFE) cũng chỉ có thể cung cấp các loại chứng chỉ.
Vì vậy, nếu nhìn ở góc độ của người Mỹ, các trường đại học Việt Nam đều là College vì mỗi trường chỉ đào tạo một lãnh vực riêng biệt. Ví dụ, ĐH Bách khoa chỉ đào tạo kỹ sư, nên nó chỉ có thể là College of Engineering, ĐH Kinh tế là College of Business, ĐH Y là College of Medicine, ĐH Y Dược chỉ có thể là College of Pharmacy, ĐH Sư phạm là College of Education…
Nhưng nếu đem Việt Nam ra so sánh với các nước khác trên thế giới, việc sử dụng từ University hay College cũng có thể được thay đổi tùy theo hoàn cảnh (giống như ở Canada hay Australia). Cho nên, việc dịch tên các trường đại học ở Việt Nam sang tiếng Anh quan trọng nhất là đúng ý nghĩa và chức năng của từng trường và cần có sự thống nhất giữa các trường.
Nguyễn Nghĩa

mardi 11 mars 2014

Nhan sắc mùa hạ Huế

Thăm Thành Nội 2007
Nghe nhạc cung đình trên sông Hương 2007
Phái đoàn thăm lăng tẩm 2007
Mùa hạ ở Huế như một bức tranh rực rỡ đầy quyến rũ. Bất cứ nơi đâu cũng có thể bắt gặp những cây hoa đua nhau khoe sắc.

Những ngày mùa hạ tháng 5, cố đô Huế quyến rũ kỳ lạ. Dường như tất cả các loài hoa nơi đây đều đua nhau nở, tạo nên  không gian tươi tắn và rực rỡ trong nắng gió chan hòa. Huế lúc này đẹp theo một cách khác, không còn vẻ tĩnh buồn, thâm trầm vốn có.
Khắp mọi nẻo đường, mọi con phố, từ Kinh thành cổ kính ở bờ Bắc sông Hương cho tới khu phố mới ở bờ Nam sông Hương, từ bên trong cho tới bên ngoài Thành Nội, từ những công viên lớn bên sông cho tới những khuôn viên nhỏ của mỗi công trình... đâu đâu cũng gặp những cây hoa mùa hạ cùng khoe sắc.
Hoa nở trên cây, hoa in trên nền lá, nền trời; hoa rụng dưới mặt đất thành những tấm thảm. Màu đỏ nồng nàn của hoa phượng, màu tím da diết của hoa bằng lăng, màu vàng dịu dàng của hoa điệp, màu trắng thanh khiết của hoa sứ, hòa quyện cùng màu xanh của lá, của nước, của trời... tất cả tạo nên một bức tranh với những hòa sắc đầy quyến rũ.
Bức tranh đó có những mảng màu rực rỡ, mạnh mẽ nhưng cũng có khi, có những góc chỉ là những điểm xuyết chấm phá nhẹ nhàng, dung dị, nhưng đều đem lại những cảm xúc ấn tượng khó quên.
Huế có một "nhan sắc" khác - "nhan sắc" mùa hạ.
Những màu hoa rực rỡ tô điểm cho công viên dọc đường Lê Lợi bên bờ sông Hương

 

Gốc phượng nổi tiếng ở chân cầu Trường Tiền phía Nam.

 
Những bông điệp vàng trên bờ sông sà vào sát cầu Trường Tiền

 
Hoa bằng lăng nở tím trên hè đường Lê Lợi

 
Làm dáng trước khách sạn Saigon Morin

 
Cây bò cạp nước vàng rực trước giảng đường trong khuôn viên Đại học Sư phạm.

 
Một chùm hoa bò cạp nước

 
Hoa điệp vàng, phượng đỏ ở hai bên bờ sông An Cựu...

 
Hòa sắc cùng hoa giấy màu tím hồng, trắng ở đường Phan Chu Trinh bờ nam sông An Cựu.

 
Những cây muồng anh đào ở gần nhà ga, bên sông An Cựu nở hoa màu hồng cam

 
Góc nhìn sang bờ Bắc sông An Cựu

 
Hoa điệp ở trường Quốc học.

 
Hoa phượng như những ngọn lửa thắp lên mùa chia tay của các bạn học sinh.

 
Cây phượng trong khuôn viên Nhà lưu niệm Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị

 
Hoa điệp phủ thành tấm thảm vàng trong sân.

 
Hàng cây sứ trước Kinh thành nở hoa trắng, hòa cùng các màu hoa khác ở Công viên Phu Văn Lâu.

 
Đường Đặng Thái Thân trong Thành Nội, phía sau Hoàng Thành.

 
Hoa nở hai bên bờ sông Hộ thành ngoài cửa Đông Ba, phía Đông Kinh thành.

 
Nhan sắc mùa hạ Huế làm thành phố lãng mạn càng thêm lãng mạn.
CTV Hà Thành/VOV online
                        Luân Minh chuyển

lundi 10 mars 2014

Canada phát triển công nghệ viên nang nội soi không dây


Cập nhật lúc 08h08' ngày 10/03/2014


Bộ đa dạng hóa kinh tế miền Tây Canada (WD) cuối tuần qua công bố khoản đầu tư của chính phủ liên bang trị giá 99,500 CAD nhằm thương mại hóa công nghệ nội soi không dây của các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Saskatchewan.
Theo thông báo của WD, khoản đầu tư trên sẽ giúp các nhà nghiên cứu mua sắm thiết bị phát triển và thử nghiệm công nghệ viên nang nội soi không dây, cũng như tối ưu hóa các phần mềm và phần cứng hỗ trợ để “thuốc điện tử” này mang lại hiệu suất cao.


Viên nang nội soi. (Ảnh: wikipedia.org)

Công nghệ này sau đó sẽ trải qua thử nghiệm rộng rãi và tạo mẫu trước khi thực hiện các bước tiếp để ra mắt trên thị trường.
Công nghệ nội soi không dây hình dạng viên nang gồm phần mềm nén hình ảnh và thành phần tùy chỉnh vi mạch gói gọn bằng kích cỡ viên thuốc dạng con nhộng.
Khi cho bệnh nhân nuốt “thuốc điện tử", các bác sỹ sẽ có hình ảnh, thông tin đầy đủ về tình trạng toàn bộ hệ thống đường ruột của bệnh nhân.
Dữ liệu từ các viên nang được chuyển đến điện thoại thông minh của người bệnh thông qua một ứng dụng của thiết bị di động và bộ chuyển đổi có kích cỡ bằng thẻ SIM.
Công nghệ nội soi không dây do giáo sư Khan Wahid và đồng sự thuộc Đại học Saskatchewan bắt đầu nghiên cứu vào năm 2010 và đã được cấp bằng sáng chế.
Giới chuyên gia khẳng định công nghệ viên nang nội soi của Canada không chỉ phát huy tác dụng trong lĩnh vực y sinh học mà còn có thể sử dụng trong các ngành công nghiệp, an ninh và môi trường.
Theo số liệu chính thức, thị trường thiết bị nội soi thế giới năm 2013 đạt giá trị 28 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt mức 37 tỷ USD vào năm 2018

Gieo Gió Gặt Bão

10 Tháng Ba
Gieo Gió Gặt Bão
Đêm 17/5/1987, một chiến đấu cơ do Pháp chế tạo đã được Iraq sử dụng để phóng đi hai hỏa tiễn Exocet cũng do Pháp chế tạo. Không rõ do tính toán hay tai nạn, hai hỏa tiễn này đã đâm bổ xuống hàng không mẫu hạm Satark của Mỹ đang đậu trong vùng vịnh Ba Tư. 37 người Mỹ đã vong mạng trọng vụ ấy!
Người Ả Rập thường nói: "Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi". Có lẽ người Mỹ và nhiều nước Tây phương cũng xử sự theo châm ngôn ấy. Trong cuộc chiến kéo dài 8 năm của Iran và Iraq, đa số các nước Tây phương kể cả Liên Xô đều đứng về phía Iraq.
Liên Xô là nước cung cấp cho I raq nhiều vũ khí nhất. Từ giữa năm 1983 đến năm 1988, Iraq đã mua của thế giới một số vũ khí trị giá khoảng 34 tỷ Mỹ kim. Cùng với chiến xa T-72 và hỏa tiễn Scud-B, Liên Xô là nước đã bán cho thế giới đến 50% khí giới.
Để đổi lấy dầu của Iraq, Pháp đã bán cho nước này số khí giới trị giá khoảng 16 tỷ Mỹ kim. Ngày nay, 133 chiến đậu cơ Mirage F.I và hỏa tiễn Exocet mà Iraq đã đưa vào cuộc chiến ở vùng vịnh Ba Tư đều do Pháp cung cấp.
Năm 1984, Hoa Kỳ đã tái lập ngoại giao với Iraq và loại Iraq ra khỏi sổ những nước chuyên gây các cuộc khủng bố trên thế giới. Sự tín nhiệm của Hoa Kỳ đối với Iraq cũng khiến cho những nước Tây phương khác như Tây Đức cung cấp cho Iraq chuyên viên, kỹ thuật và nguyên liệu nhờ đó Iraq đã có thể chế tạo các vũ khí hóa học và nguyên tử.
Vô tình hay hữu ý, các nước Tây phương đã củng cố cho nền độc tài của Saddam Hussein và đưa ông đến cuộc thách thức hiện nay. Một nhà chính trị người Iraq hiện lưu vong tại Pháp đã nói như sau: "Chúng tôi đã lên tiếng về chế độ độc ác của Hussein. Nhưng đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Vì bức tường của những lợi lộc kinh tế, chúng tôi đã không được lắng nghe. Kết quả cho thấy là một nhà độc tài như ong được nuôi trong tay áo, nay đang hiện nguyên hình thành một quái vật".
Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta rút ra một bài học về những hậu quả mà người ta phải gánh chịu về những việc làm của mình. Chúng ta vẫn thường nói: "Gieo gió thì gặt bão"... Các nước Tây phương ngày nay hẳn phải đấm ngực để chịu đựng cơn bão táp mà chính họ là người đã đóng góp vào để tạo nên. Khí giới do Tây phương cung cấp ngày nay đã quay lại chống họ.
Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Galata đã kêu gọi chúng ta, thay vì gieo trong xác thịt, hãy gieo trong thần khí.
Gieo trong xác thịt tức là gieo rắc hận thù, chết chóc, là nuôi dưỡng ích kỷ, là gây đố kỵ, chia rẽ: những hạt giống ấy chỉ nảy nở bằng cây của tang thương, đau khổ và hủy diệt cho chính mình cũng như cho người khác.
Gieo trong thần khí chính là sống quảng đại, phục vụ, hòa nhã, yêu thương, cảm thông, nhẫn nhục, tha thứ... Hạt giống của thần khí có thể là hạt giống nhỏ bé và âm thầm như hạt cải, nhưng sẽ trở thành cây to lớn. Không có một nghĩa cử nào, dù nhỏ mọn đến đâu, mà không mang lại hoa trái Bình An cho tha nhân và cho chính bản thân.
Chiến tranh trên quy mô thế giới, chiến tranh giữa nước này với nước nọ, chiến tranh trong cùng một quốc gia: Ở mọi quy mô, chiến tranh nào cũng là cơn bão táp mà chính con người tự góp gió để thổi lên.
Nơi nào có bất hòa, thì nơi đó có chiến tranh. Nơi nào lợi lộc được đặt lên trên mọi giá trị khác, thì nơi đó đã có chiến tranh.
Người môn đệ của Đức Kitô, Nguyên Ủy của Hòa Bình, luôn được mời gọi để xây dựng Hòa Bình và Hòa Bình chớm nở khi con người bắt đầu gieo trồng hạt giống của Yêu Thương.
Chén cơm trong ngày