samedi 13 septembre 2014

Những cách kết hợp mang lại hiệu quả tuyệt vời cho sức khỏe


Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra rằng, nếu biết cách kết hợp, giá trị của thực phẩm sẽ nâng lên rất nhiều. Dưới đây là 8 cách kết hợp mang lại những hiệu quả hữu hiệu cho sức khỏe:

Sữa chua và chuối

Việc tiêu thụ hai chất dinh dưỡng đa lượng này cùng lúc trong thời gian ngắn ngay sau khi tập luyện thể dục thể thao sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục của cơ bắp. Sự kết hợp giữa các chất carbonhydrate và protein làm tăng mức insulin. Càng nhiều insulin, các cơ càng được bù đắp dưỡng chất như các a-xít amin, glucose nhanh hơn sau khi đã hoạt động quá mức, giúp hệ cơ trở nên mạnh hơn.

Đậu đũa và khoai tây

Sử dụng các loại thực phẩm này cùng một lúc sẽ bổ sung thêm chất sắt cho cơ thể, giúp ích cho hoạt động của não và hệ cơ. Cơ thể chúng ta chỉ hấp thu được chất sắt non-heme (có trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như đậu đũa, đậu nành, các loại rau có lá và bột ngũ cốc) ít hơn 33% so với chất sắt heme (có trong những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt bò, cá và thịt gà).

Để làm tăng khả năng hấp thu chất sắt non-heme, cần tiêu thụ những thực phẩm giàu chất sắt kèm với những thực phẩm giàu vitamin như khoai tây, cam, cà chua và các loại dâu. Vitamin C giúp thay đổi chất sắt non-heme thành một dạng dễ hấp thu hơn. Chất sắt rất cần thiết để sản xuất ra các huyết sắc tố, một loại protein giữ nhiệm vụ vận chuyển ô-xy đến các cơ và não. Lượng chất sắt trong cơ thể nếu ở mức thấp sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, suy nhược và kém tập trung.

Đường và cà phê

Nhiều người có thói quen uống cà phê thêm một chút đường, nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng việc làm này rất có ích. Bởi điều này sẽ mang đến những thứ khả quan hơn trong công việc. Một nghiên cứu cho thấy khi kết hợp chúng, một số khu vực ở não có được sự chú ý, tập trung hiệu quả hơn so với khi dùng riêng biệt hai thành phần trên. Khả năng tập trung làm việc sẽ hiệu quả hơn.


Nếu bạn không thích cà phê thì có thể thay thế bằng trà xanh, trà đen kết hợp với một chút mật ong. Điều cần nhớ là phải có giới hạn về liều lượng, dưới 6 muỗng cà phê/ ngày cho nữ và 9 là con số cho nam.

Nghệ và cá hồi

Curcumin (một thành phần của củ nghệ) và DHA (chất béo omega -3 trong dầu cá) đều có tác dụng bảo vệ cơ thể và chống lại bệnh ung thư. Hai loại thực phẩm này kết hợp sẽ giúp làm chậm sự phát triển của khối u (đặc biệt là ung thư vú) nhiều hơn so với khi dùng riêng biệt).

Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng, DHA trợ giúp các tế bào sử dụng curcumin. Hãy chế biến cá hồi sử dụng bột nghệ trong tẩm ướp. Mùi vị chắc chắn cũng không tồi mà lại tốt cho sức khỏe. Nghệ có đặc tính chống viêm và chữa lành vết thương.




Cá hồi chứa ít carbon hydrate nhưng rất nhiều protein. Nếu hai loại thực phẩm này được kết hợp với nhau thì axit béo omega 3 trong cá hồi sẽ tăng, giúp bảo vệ hệ thần kinh chống lại các tác nhân gây lão hóa. Ngoài ra, nó còn tăng cường hàm lượng HDL - một loại cholesterol tốt giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Sự kết hợp hai loại thực phẩm này sẽ làm giảm sự tăng trưởng các khối u.

Tỏi và cá

Kết hợp tỏi với cá không những tốt cho hệ tim mạch mà còn tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên. Ngoài ra, một số món hải sản khi kết hợp với tỏi còn có tác dụng giảm cholesterol xấu trong máu.

Táo và nho

Chất quercetin flavonoid, một chất chống ôxy hóa trong táo có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh ung thư và rất tốt cho trí não. Trong khi đó nho có chứa catechin, một dạng của flavonoid. Hai loại flovonoid này kết hợp với nhau có tác dụng tăng cường sức khỏe của tim mạch và chống lại bệnh đông máu. Ngoài ra chất catechin còn có trong rượu vang đỏ, chocolate và trà xanh.

vendredi 12 septembre 2014

Chia tay Thương Xá Tax


Chia tay Thương Xá Tax
           
Bất cứ cuộc chia tay nào cũng mang theo nhiều luyến tiếc. Chia tay giữa người và người thường mang những kỷ niệm riêng tư, những giây phút bên nhau bỗng chốc trở thành kỷ niệm. Nếu như có cơ hội gặp lại nhau thì người xưa đã trở thành “cố nhân” trong muôn vàn khuôn mặt.

Không phải chuyện chia tay chỉ xảy ra giữa người và người. Có những cuộc chia tay ngoài ý muốn và mang tính cách rộng lớn hơn của nhiều người với nơi mình đã sinh sống, thậm chí còn chia tay với cả một đất nước khi phải bỏ xứ ra đi.

Trong bài viết này, tác giả không nói đến những cuộc chia tay như vậy mà chỉ bàn đến sự chia tay Thương xá Tax của những người Sài Gòn đã từng, không ít thì nhiều, gắn bó với một địa điểm thường lui tới tại trung tâm thành phố có tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Tôi biết đến Thương xá Tax từ năm 1953 khi gia đình từ miền Bắc di cư vào Nam thời Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tax đã hiện diện tại Sài Gòn từ năm 1880 trong thời Pháp thuộc với cái tên “Cửa hàng Charner” (Grands Magasins Charner – GMC) tại góc của hai con đường Charner (Nguyễn Huệ ngày nay) và đường Bonard (Lê Lợi).

Những cái tên đường “rặt Tây” như Charner, Bonard được chính phủ Bảo hộ đặt từ năm 1865 để vinh danh Đô đốc Hải quân Pháp, Léonard Victor Joseph Charner (1797-1869) và Louis Adolphe Bonard (1805 - 1867), là những người có liên quan đến việc chinh phục Đông Dương của quân đội Pháp.

Trước đó, đường Bonard mang một cái tên rất bình dân: “Đường 13”. Đó chỉ là một con đường trong một xóm nhỏ mà cư dân địa phương thời đó gọi bằng một cái tên cũng dân dã không kém: “Xóm Thơm”.


Mãi đến năm 1955, Ban Quản lý Định cư dưới thời Tổng thống Diệm mới đổi tên đường Charner thành Nguyễn Huệ, đường Bonard trở thành Lê Lợi. Hai tên đường từ đó mang tên các danh nhân Việt thay thế những ông tướng Pháp và rất may, Nguyễn Huệ - Lê Lợi vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.


Vị trí của “Cửa hàng Charner” (Grands Magasins Charner – GMC) thời Pháp thuộc

“Cửa hàng Charner” do “Công ty Thuộc địa các Nhà hàng lớn” (Société Coloniale des Grands Magasins - SCGM) xây dựng với số vốn ban đầu 12 triệu franc sau lên đến 30 triệu vào năm 1925.


Ban đầu, mặt tiền của tòa nhà Grands Magasins Charner, thường được gọi tắt là GMC, có gắn tháp đồng hồ theo kiến trúc của Pháp nhưng pha trộn những đường nét Á Đông với mái cong trên tháp. 


Mặt tiền của GMC với tháp đồng hồ

GMC tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của trung tâm Sài Gòn, kinh doanh các mặt hàng mà thời Pháp thuộc gọi là “bazar”, những sản phẩm đắt tiền, sang trọng được nhập cảng từ Pháp và Anh nhằm phục vụ cho người Pháp tại thuộc địa, giới thượng lưu Sài Thành và các đại điền chủ Nam kỳ Lục tỉnh.

GMC thời đó cũng đăng quảng cáo trên báo, tự hào là “Cửa hàng rộng nhất; Nhiều mặt hàng nhất và là Thương xá tốt nhất” (Magasins les plus vastes; Magasins les mieux assortis; Magasins vendant le meilleur marché).


Bên cạnh các cửa hàng buôn bán, GMC còn có “phòng trà” (salon de thé) và “quán bar kiểu Mỹ” (bar Americain) với lời quảng cáo “Vào cửa tự do” (Entrée Libre) như để khuyến khích khách vãng lai đến mua sắm [*].


Quảng cáo của Cửa hàng Charner

Năm 1942, việc kinh doanh lúc này rất thịnh vượng nên “Công ty Thuộc địa các Nhà hàng lớn” xây thêm một tầng lầu và đập bỏ phần tháp đồng hồ ngoài mặt tiền. Thay vào đó là hàng chữ GMC.

Đối với những người Sài Gòn xưa, bộ mặt mới của GMC với 3 tầng lầu trong thập niên 1940 so với 2 tầng lầu nguyên thủy có phần “đồ sộ” hơn nhưng hình như tòa nhà đã đánh mất vẻ “cổ kính” với tháp đồng hồ mang những đường nét kiến trúc Á Đông.


Phải chăng đó cũng là “cái giá” phải trả khi người ta mải chạy theo cái được gọi là “đồ sộ” mà quên đi những nét kiến trúc đặc thù của một công trình cổ. Xin nhắc lại, đó mới chỉ là thay đổi đầu tiên trong thập niên 1940 vì tòa nhà CMG sẽ còn phải đương đầu với nhiều thử thách những năm sau đó. 


GMC với 3 tầng lầu vào năm 1942

Tại đây người ta có thể mua các mặt hàng từ bình dân như đồ chơi trẻ con cho con cháu… đến những thứ đắt tiền như đồng hồ, máy ảnh hoặc nữ trang bằng vàng hay kim cương cho vợ hoặc người tình. Nói chung, Tax có thể coi là “thiên đàng mua sắm” của người Sài Gòn vào những thập niên 60 và 70.

Ngày xưa, trong “lộ trình” của người Sài Gòn khi “bát phố Bonard” không thể nào thiếu mục “ghé Tax”, đó có thể vào lúc khởi đầu hay kết thúc của cuộc hành trình dọc theo đường Lê Lợi. Quả thật, bên trong Tax người mua hàng bao giờ cũng ít hơn người “bát phố” với mục đích chỉ muốn được hòa mình vào đám đông. Dân “bát phố” thậm chí trong túi chỉ đủ tiền để uống ly nước mía Viễn Đông nằm ở góc Lê Lợi và Pasteur!


Vào những ngày cuối tuần còn có sự xuất hiện của những bộ kaki vàng, màu áo của sinh viên sĩ quan Thủ Đức được về phép. Họ vào đấy để tìm lại cảm giác được sống giữa Sài Gòn đô hội sau một tuần đổ mồ hôi trên thao trường nắng cháy. Mai đây khi tốt nghiệp, ra trường họ sẽ tỏa đi các đơn vị khắp 4 vùng chiến thuật và sẽ ít có cơ hội nhìn lại hậu phương Sài Gòn! 


CMG trở thành Tax từ thập niên 1960

Vào thập niên 60, người Sài Gòn rất hãnh diện với Tax. Hãnh diện từ thiết kế bên ngoài lẫn bên trong thương xá. Đường dẫn lên lầu là hai cầu thang bằng đồng hình vòng cung trông sang trọng như trong một dinh thự quyền quý.

Khách vào đây có thể đứng tựa lan can nhìn xuống cảnh mua bán tấp nập phía dưới hoặc ghé cửa hàng giải khát, gọi ly cà phê đá hay nước ngọt uống để làm dịu cơn nóng nực lúc ban trưa.

Buổi sáng tại Pôle Nord ngay tầng trệt cũng có phục vụ điểm tâm, vừa ăn vừa nhìn thiên hạ qua lại trước mặt. Buổi tối ngồi nhấm nháp chai bia Con Cọp, bia 33… một cái thú tương đối rẻ tiền mà Tax đem lại cho bất cứ ai ghé chơi vào bất cứ lúc nào.


Đó chính là sợi dây vô hình “buộc” người Sài Gòn với Tax cũng như La Pagode, Givral, Brodard, Thanh Thế hay kem Mai Hương đã một thời gắn bó với cuộc sống Sài Gòn. Những cái tên quen thuộc giờ đây đã trở thành hoài niệm đối với những người nay tóc đã điểm sương. 

     
Thương xá Tax năm 1965

Thương xá Tax cũng đã đi vào văn chương, thơ phú và âm nhạc của người Sài Gòn. Trong ký ức một thời của mình, Ngô Thụy Miên ngồi tại hải ngoại viết về những quán hàng quen thuộc của Sài Gòn xưa:

“Em nhớ không, La Pagode, Givral của những sáng hẹn hò, Hoàng Gia, Pôle Nord của những chiều đưa đón, dạo phố tết Nguyễn Huệ, Lê Lợi tấp nập người qua, và những tối ghé quán Bà Cả Đọi, rồi Đêm Mầu Hồng. Cái không khí ấm áp tràn đầy tình thương của quê hương đó, làm sao có thể ngờ được chỉ trong vài tháng đã chỉ còn để lại một mùa Xuân, một mùa Xuân cuối cùng của những đổi thay…”

Bài hát “Chiều trên Phá Tam Giang” của Trần Thiện Thanh lại diễn tả một buổi tối Sài Gòn sắp vào giờ giới nghiêm và Thương xá Tax đang chuẩn bị đóng cửa:


“… Giờ này thương xá sắp đóng cửa, người lao công quét dọn hành lang, giờ này thành phố chợt bừng lên để rồi ta nghỉ sớm. Ôi Sài Gòn, Sài Gòn giờ giới nghiêm, ơi Sài Gòn, Sài Gòn giờ giới nghiêm, ôi em ơi Sài gòn không buổi tối…”.


“Thương xá Tax” của Sài Gòn xưa

Sau ngày Sài Gòn “đổi chủ”, Thương xá Tax cũng được “đổi đời”! Nhu cầu mua sắm của người Sài Gòn được thay thế bằng “hệ thống bao cấp nhu yếu phẩm” của nhà nước cho nên sự nhộn nhịp của một trung tâm mua sắm ngày nào nay không còn lý do để tồn tại. Tax biến thành nơi trưng bày mặt hàng sản xuất của các công ty quốc doanh.

Đến năm 1978, Tax được “cởi trói” và “hóa kiếp” thành “Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố”. Người bán hàng, khi đó được gọi là “Mậu dịch viên”, lại “thắt khăn quàng đỏ” như thiếu nhi để bán mặt hàng chính là đồ chơi cho trẻ con được sản xuất bởi các công ty quốc doanh.

Dĩ nhiên là “phục vụ thiếu nhi” như tên gọi của cửa hàng nhưng chắc chắn việc trả tiền là của các bậc phụ huynh. Họ chắt chiu từng đồng trong thời khó khăn bao cấp để “mua” nguồn vui cho trẻ thơ qua những con búp bê bằng nhựa tái sinh hay chiếc xe hơi làm bằng gỗ.


Đến năm 1981 Tax một lần nữa đổi tên thành “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố” trực thuộc Sở Thương Nghiệp và trở thành một trong những cửa hàng lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Tax khi đó mang cái tên thật lạ lẫm, vừa dài vừa khó nhớ đối với người Sài Gòn nên trong suốt thời gian từ 1981 đến 1990 người ta vẫn dùng cái tên cũ: “… đi lên Tax”… “mua cái này ở Tax…”.


Thương xá Tax trở thành “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố”

Đáng chú ý là “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố” đã thu hút một số du khách đến từ các nước Đông Âu nên người Sài Gòn lại có một cái tên “bán chính thức” là “Chợ Liên Xô” hay ngắn gọn hơn, “Chợ Nga”! Khách hàng nhiều khi đóng thành từng thùng để chuyển về nước những mặt hàng… tư bản.

Vào thời điểm “thịnh vượng”, tòa nhà trở thành một trung tâm giao dịch với các mặt hàng phong phú, từ quần áo, may mặc, mỹ nghệ đến những mặt hàng xa xỉ đều xuất hiện.


Hình như nhà nước cũng ý thức được “Thương hiệu Tax” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân nên ngày 19/1/1998 dòng chữ “Thương xá Tax” chính thức được đặt trên nóc tòa nhà! Thế là sau bao nhiêu năm “lận đận”, tòa nhà được “phục hồi danh hiệu” đã có từ xưa. 


Thương hiệu “Thương xá Tax” xuất hiện trở lại năm 1998

Bước vào thời kỳ “đổi mới” trước sự cạnh tranh từ các trung tâm thương mại do người nước ngoài đầu tư và quản lý, một lần nữa áp lực cạnh tranh đã buộc Thương xá Tax phải tự làm mới mình.


Thương xá từ đó thuộc quyền quản lý của “Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn”, trực thuộc “Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn” với tên thương mại là SATRA (Saigon Trading Group), được thành lập từ năm 1995. 


SATRA bên cạnh thương hiệu “Thương xá Tax”

Đọc đến đây chắc hẳn có bạn đọc thắc mắc tại sao bài viết này lại mang tựa đề “Chia tay Thương xá Tax”?

Nếu chú ý theo dõi báo chí trong nước ta sẽ hiểu ngay vì sao sẽ phải chia tay. Báo Tuổi trẻ, ngày 20/8/2014, đưa tin trong một bài viết có tựa đề “Tiểu thương Thương xá Tax “chết đứng”:

“Việc thương xá Tax thông báo kết thúc hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh tại đây trước ngày 1/10 đã khiến các tiểu thương than “chết đứng”. Trong khi đó khu vực kinh doanh trên đường Nguyễn Huệ (Q. 1, TPHCM) bị ảnh hưởng bởi việc xây nhà ga metro cũng kêu trời khi việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Trên Thanh niên Online, tác giả Trần Thùy Linh sau khi nhắc lại việc “xóa sổ” khu vực Passage Eden đã viết:


“… Và mấy hôm nay, có một nỗi đau tưởng đã lên da non, bỗng bùng lên, dữ dội, khi nghe tin thương xá Tax sẽ vĩnh viễn bị xóa sổ. Tôi tin rằng những “vô tri, vô giác” ấy, những “vật cần phải hy sinh cho sự phát triển” trên khu đất vàng ấy, đã đau lắm. Một cao ốc 40 tầng hiện đại, sáng choang sẽ mọc lên, thay thế cho Tax già nua cũ kỹ đã 134 tuổi. Khu trung tâm Sài Gòn sẽ còn gì?” .


Mô hình dự án toà tháp Tax Plaza cao 40 tầng

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng trong bài viết “Sài Gòn đang trở nên xa lạ” đưa ra nhận xét mang tính cách chuyên môn:

“Với một diện tích khiêm tốn vài trăm ha, trung tâm Sài Gòn vốn được quy hoạch thành khu trung tâm hành chính và công cộng nay lại đang được nén chặt đến mức ngộp thở. Sài Gòn xưa giờ đang trở thành đô thị của một nước xa lạ nào đó, những bản sắc vốn có và hồn đô thị của thành phố 300 năm tuổi đang bị xóa nhòa.


Liệu bạn có còn tìm được nét Sài Gòn xưa ở những cao ốc mang tên nước ngoài như Royal Garden, Eva Royal Plaza, Avalon, Sailing Tower, Centec Tower hay Kenton Residence, Gemadept Tower, The Manor? Cái tên Sài Gòn cũng được nhắc tới nhưng lại rặt một nét lai căng, ví như Saigon Sky Garden, Saigon Plaza…”



Người Sài Gòn ngồi nhìn Thương xá Tax trước ngày chia tay

Tôi bỗng rùng mình khi nhớ lại một câu nói của ai đó. Câu này đã được dẫn trước bài viết nhưng cũng xin ghi lại một lần nữa để chúng ta đừng quên:

“Nếu anh bắn vào quá khứ bằng khẩu súng lục,
tương lai sẽ bắn lại anh bằng một khẩu đại bác”

Nguyễn Ngọc Chính
*********************************************************************************

Dự án Metro số 1 ở SàiGòn



Metro đường hầm chuẩn bị công trình tại nhà hát ở Sài Gòn sẽ có 4 tầng, được đào sâu 40 m, trong khi đó Metro dưới chợ Bến Thành trông giống như khu trung tâm thương mại.

Tuyến nhà hát thành phố tuyến Metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên đang được bắt đầu công trình, tuyến nằm dưới khu vực nhà hát thành phố. Sài Gòn đang thực hiện việc cấm đường Lê Lợi, chặt cây... để bắt đầu công trình tuyến đường hầm.




Tuyến có 4 tầng đường hầm và 5 cửa vào. Tuyến rộng 27 m, dài, 190 m và sâu 30 m. Có thể thấy rõ khu vực dành cho khách đi xuống Metro từ trên mặt đường.



Tuyến có 4 tầng. Phía trên là gian kiểm soát vé hành khách. Tầng 1 gồm nơi chờ đợi, máy bán vé, trạm thu phí... Tầng 2: sân tuyến, nơi có Metro dừng đón trả khách. Tầng 3: Khu vực nghỉ ngơi, điều hòa, thiết bị... Tầng 4: sân tuyến, bên trái là cầu thang xuống, lên tàu bên phải.

Theo thiết kế, Metro sẽ được công trình theo phương pháp đào hở, đoạn từ Metro thành phố đến tuyến Ba Son sẽ được dùng khiêng đào. Trong ảnh là máy đào TBM dùng trong công trình tuyến Metro này.



Ngoài Metro thành phố, thời gian tới khu Metro quan trọng ở dưới khu vực chợ Bến Thành cũng sẽ được thực hiện. Trong ảnh là họa đồ Metro. Phần khu vực Metro gồm 3 tầng kết nối với 4 tuyến Metro trong tương lai và phần thương mại mua sắm bao quanh Metro. Hiện tại thiết kế kỹ thuật đang được hoàn chỉnh để trình duyệt. Dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu công việc tuyển nhà thầu.



Không gian đường hầm Metro Bến Thành nhìn từ mặt cắt ngang.



Metro này sẽ có các trung tâm thương mại mua sắm. Có thể thấy rõ phần đỉnh chợ Bến Thành từ phía dưới lòng đất Metro.



Quang cảnh đường xuống đường hầm Metro trong tương lai.



Tuyến Nhà hát thành phố có chiều dài 190 m, rộng 26 m gồm 4 tầng với chiều sâu 40 m; còn tuyến trung tâm Bến Thành ngoài chức năng kết nối giữa các tuyến Metro còn được thiết kế xây dựng hệ thống thương mại dịch vụ, có tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 1 tỷ USD.
Tuyến Metro số 1 nối từ Bến Thành đến Suối Tiên dài khoảng 20 km với số vốn đầu tư lên đến 2,4 tỷ USD. Tuyến gồm hai đoạn đi đường hầm và trên cao với tổng cộng 14 tuyến và một depot.



Cùng với 3 tuyến đường hầm, đoạn còn lại đi trên cao (dài hơn 17 km) sẽ có 11 tuyến trên cao (Suối Tiên, Tân Cảng...) và depot Long Bình (quận 9). Bắt đầu từ tuyến số 1 trung tâm Bến Thành (tuyến số 1) Metro sẽ đi đường hầm dưới đường Lê Lợi gồm hai tuyến đường hầm đơn chạy song song, từ ngã tư Lê Lợi - Pasteur chuyển sang chạy trùng tim (hầm trên, hầm dưới) đi qua bên hông Nhà hát thành phố, qua trụ sở Công ty Điện lực Sài Gòn, theo đường Nguyễn Siêu, qua FAFILM đến khu vực nhà máy Ba Son. Từ sau tuyến số 3 (tuyến Ba Son), tuyến chuyển từ đi đường hầm sang đi trên cao.


Tiếp theo, tuyến sẽ vượt đường Nguyễn Hữu Cảnh đi theo rạch Văn Thánh (bờ phía Bắc), đi sát công viên Văn Thánh, vượt đường Điện Biên Phủ, vượt sông Sài Gòn tại khu vực nhà hàng Tân Cảng; sau đó đi tiếp trong hành lang phía Bắc xa lộ Hà Nội vượt sông Rạch Chiếc; tiếp tục đi theo hành lang xe điện nằm trong hành lang phía Bắc thuộc lộ giới xa lộ Hà Nội rồi vượt sang phía Nam xa lộ Hà Nội để vào tuyến Suối Tiên (tuyến số 14), sau đó tuyến sẽ rẽ phải vào Depot Long Bình.
*

Hàng loạt cây cổ thụ ở Sài Gòn bị đốn hạ để xây tuyến đường hầm Metro

Sáng 22/7, nhiều cây cổ thụ trước Nhà hát thành phố (quận 1) bị đốn hạ để chuẩn bị cho việc công trình Metro đường hầm đầu tiên của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

image
Bắt đầu cho việc công trình Metro đường hầm đầu tiên (tuyến Nhà hát thành phố) của tuyến Metro số 1, toàn bộ cây xanh ở công viên Lam Sơn (phía trước Nhà hát) sẽ bị đốn hạ.

image
Sáng nay, đóng đường Lê Lợi đoạn từ giao lộ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi

image
Nhân viên công ty cây xanh bắt đầu việc hạ cây.

image
Nhiều người dân tỏ ra tiếc nuối khi thấy những cây cổ thụ hàng chục năm, đường kính 50-60 cm, cao hàng chục mét bị chặt.

image
Thành phố rồi sẽ hiện đại, giao thông thuận tiện hơn nhưng dù sao cũng tiếc những cây cổ thụ này quá. Chúng gắn bó với người dân ở đây hàng chục năm rồi. Chúng làm cho Sài Gòn đẹp hơn, có hồn hơn rất nhiều nếu sau này chỉ toàn nhà cao tầng, công trình hiện đại"

image
Cây xanh sau khi bị đốn hạ, nhanh chóng được cưa nhỏ, chuyển đi nơi khác để bàn giao lại mặt bằng cho đơn vị xây dựng.

image
Cùng với công viên Lam Sơn, cây xanh ở vòng xoay cây liễu cùng đài phun nước ở giao lộ Nguyễn Huệ với Lê Lợi cũng phải di dời.

image
Nhân viên công ty cây xanh đang di dời hàng cây liễu. "Mỗi mùa lễ Tết, Sài Gòn đẹp nhất là vòng xoay này. Những cây liễu ở đây được rất nhiều du khách chọn chụp ảnh lưu niệm"

image
Sắp tới, đường Lê Lợi đoạn từ Pasteur đến Đồng Khởi sẽ bị đóng đường, các loại xe phải lưu thông theo lộ trình khác./.