mercredi 25 février 2015

Ca khúc Ly Rượu Mừng


Ca khúc "Ly Rượu Mừng" là một bài hát thịnh hành trong dịp Tết. Bài hát mời mọi người cùng uống rượu mừng Xuân và nói những lời chúc Tết đến toàn dân và đất nước. Tuy bài hát không mô tả những cảnh tượng và sinh hoạt Tết như pháo nổ, hoa tươi sặc sỡ, bánh kẹo, bài hát tiêu biểu cho Tết Việt Nam vì chúc Tết là một tục lệ quan trọng trong Tết Việt Nam. Cộng với điệu nhạc vui tươi, giai điệu tiết tấu sống động, và lối diễn tả bình dị với vài điểm đặc sắc, "Ly Rượu Mừng" là một bài hát bất hủ trong dịp Xuân về.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết ca khúc "Ly Rượu Mừng" là một bài hát Xuân gồm có những lời chúc Tết đến mọi người và đất nước. Bài hát rất thịnh hành trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Hầu như năm nào các đài phát thanh, truyền hình đều trình bày "Ly Rượu Mừng" trong suốt mấy ngày Tết. Trong các bữa tiệc, người ta thường hát bài này khi cụng ly chúc mừng Tết. Bài hát vẫn còn thịnh hành hiện nay ở hải ngoại trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Tuy nhiên, ca khúc "Ly Rượu Mừng" không còn được ưa chuộng bởi giới trẻ tại Việt Nam hiện nay (Xem, thí dụ như, Anh 2015; Chị 2015).

image 
image
Có vài chữ trong bản gốc in năm 1966 có lẽ viết sai. Thí dụ "tuông rơ" thay vì "tuôn rơi"; "Muông người" thay vì "Muôn người"; "đang phơi phới" thay vì"dâng phơi phới."
Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của "Ly Rượu Mừng." Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc, nhưng sẽ có phần nói về các khía cạnh âm nhạc của bài hát. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.

Thời điểm bài hát được viết không được rõ. Trong tài liệu từ Wikipedia, năm viết được ghi là 1952 (Wikipedia 2015). Tuy nhiên, tờ in nhạc bản gốc ghi có giấy phép in ngày 28-12-1966 (Dòng 2014). (Nhạc sĩ miền Nam thường in lại những tác phẩm viết trước đó.) Bài hát có nhắc đến chiến tranh, hoà bình, và lời chúc các binh sĩ. Nhưng Việt Nam hầu như lúc nào cũng có chiến tranh trong các thập niên 1950 và 1960. Do đó chi tiết này không cho biết rõ thời gian bài hát được viết.

image

Tiểu sử vắn tắt của tác giả (Wikipedia 2015).

image
Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Ông xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc. Cha ông là Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được hai người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long. Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Người con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út là Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.

image
Phạm Đình Chương học nhạc từ năm 13 tuổi, bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 17 tuổi. Năm 1951, ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với tên Hoài Bắc, ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ra ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Năm 1967, ông thành lập phòng trà "Đêm Mầu Hồng" tại Sài Gòn rất nổi tiếng (Robertino147 2006). Ông viết khoảng sáu mươi ca khúc, gồm nhiều thể loại như dân ca, tình ca, nhạc phổ thơ. Những ca khúc nổi tiếng của ông gổm có: Tiếng Dân Chài, Anh Đi Chiến Dịch, Ly Rượu Mừng, Người Đi Qua Đời Tôi, Nửa Hồn Thương Đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng Dưới Hoa (thơ Đinh Hùng).
Năm 1979, ông vượt biên và đến định cư tại California, Hoa Kỳ (Robertino147 2006). Ông mất vào ngày 22 tháng 8 năm 1991 tại California.
A. "Ly Rượu Mừng" tiêu biểu cho nhạc Xuân vì bài hát chú trọng vào lời chúc Tết và có điệu nhạc vui tươi sống động
image
"Ly Rượu Mừng" có nội dung đơn giản, là ca khúc mừng xuân với những lời chúc Tết tới mọi người được hạnh phúc ấm no trong cảnh đất nước thanh bình tự do. Bài hát không có những mô tả hình ảnh hoặc sinh hoạt trong những ngày quanh dịp Tết (thí dụ, pháo nổ, màu hoa sặc sỡ, kẹo bánh) nhưng rất tiêu biểu cho ngày Tết Việt Nam. Đó là vì bài hát chú trọng vào điểm quan trọng nhất trong dịp Tết: chúc Tết. Ngoài ra, bài hát được viết với điệu nhạc Valse, đem lại nét vui tươi sống động trong mùa Xuân. Giai điệu vả tiết tấu có nhiều khía cạnh linh hoạt theo nội dung, rất thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.
1. "Ly Rượu Mừng" gồm những lời chúc Tết cho mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc và đất nước hưởng thanh bình tự do:
Bài hát mở đầu với lời mời nâng chén rượu để chúc mọi người ở khắp nơi ("Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi"), từ anh nông phu được mùa lúa thơm, người buôn bán có lợi tức, cho tới công nhân lao động thoát được cảnh nghèo khó ("Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó.") Với các chữ "nông (phu)," "thương (gia)," và "công (nhân)," ta không thể không liên tưởng đến "sĩ nông công thương," được coi là bốn giai cấp xã hội Việt Nam thời xưa. Không rõ tại sao Phạm Đình Chương bỏ "sĩ" (người học hành). Trong đoạn sau, ông có nhắc đến "sĩ," nhưng đó là "nghệ sĩ" là những người sinh sống qua nghệ thuật, chứ không phải là những người sinh sống qua học hành hoặc hành nghề chuyên môn như bác sĩ, kỹ sư, luật sư. Có thể lúc bấy giờ, số người "sĩ" không nhiều trong xã hội bằng ba giới "nông, công, thương."
Với "nâng chén," tác giả mở đầu bằng hành động giơ cao ly rượu khi chúc mừng. Tác gỉả dùng "chén" và "ly" như nhau trong toàn bài hát. Ta nên nói thêm về "chén" và "ly" trong tiếng Việt.
Chữ "chén" có nhiều nghĩa trong tiếng Việt. Nghĩa thông thường của "chén" là vật dùng để uống nước, rượu, trà, thường bằng sành hay sứ. Một chữ có nghĩa tương tự là "tách" (do tiếng Pháp "tasse") nhưng "tách" thường có tay cầm trong khi "chén" thường không có tay cầm. Nghĩa thứ hai là vật dùng để ăn, như chén cơm, chén cháo. Trong nghĩa này, người miền Nam dùng "chén" thay cho "bát" hoặc "tô" mà người miển Bắc thường dùng. "Chén" còn có thể dùng với nghĩa bóng, hàm ý chứa đựng ý tưởng, tâm tình (như "chén tình" trong bài hát).
"Ly" khác "chén" ở hai điểm: "ly" thường làm bằng thủy tinh và sâu hơn "chén." Để uống rượu, người Tây phương thường dùng "ly" và rất ít khi dùng "chén." Ngược lại, người Việt dùng "ly" và "chén" tùy vào loại rượu. Nguyễn Dư (2014) viết một bài lý thú về nguồn gốc các dụng cụ uống rượu (chén, bát, ly, cốc).
image
Ta cũng nên để ý là khi uống rượu chúc mừng, người ta thường nói "nâng chén" hoặc "cụng ly" chứ ít ai nói "cụng chén." Có thể vì thói quen "cụng ly" là tạo âm thanh cho thêm phần vui nhộn, và thường thì thủy tinh pha lê của ly mới tạo ra được âm thanh trong vắt, chứ không có mờ đục buồn tẻ như sành sứ của chén. Thực ra có nhiều nguồn gốc giải thích cho thói quen "cụng ly." Một giải thích theo thói quen Hy Lạp là khi cụng ly, ta có thể làm văng thuốc độc bỏ vào ly rượu của mình vào ly rượu của kẻ đang muốn hại mình (Xem, thí dụ như, Etiquette International; Upton 2010). Một lý thuyết khác là khi cụng ly, ta đuổi ma quỷ ra khỏi rượu và do đó uống rượu an toàn hơn (Etiquette International; Upton 2010). Một giải thích nữa là một ly rượu ngon khơi mạnh các giác quan về nhìn, đụng chạm, vị, và mùi. Do đó, khi cụng ly, ta tạo thêm cảm nhận âm thanh, cho đầy đủ ngũ quan (Etiquette International). Với hai lý thuyết đầu, "cụng ly" hay "cụng chén" đều có ý nghĩa. Nhưng với lý thuyết thứ ba, "cụng ly" có lẽ đúng hơn "cụng chén" vì như trình bày trên, âm thanh tạo bởi hai ly thủy tinh va chạm nhau nghe thánh thót và vang vang hơn chén sành.
Ngoài ra, tiếng Việt ta dùng "nâng chén" và "nhấc ly" chứ không dùng "nâng ly" hoặc "nhấc chén." Đó là vì "nâng" là hành động trịnh trọng, hàm ý dùng sức (thực sự hay bề ngoài). Trong lúc uống rượu bằng chén thời xưa, người ta thường dùng hai tay để "nâng" chén rượu mời với ngụ ý trịnh trọng hoặc bày tỏ sự kính trọng. "Nâng" trong "nâng khăn sửa túi" hoặc tiếng lóng "nâng bi" có ý nghĩa kính cẩn trịnh trọng tương tự. Ngoài ra, vì chén thường không có tay cầm, dùng hai tay để "nâng" chén giữ cho chén thăng bằng, không đổ hoặc rớt. Ngược lại, "ly" thường có hình thể thon dài, có bầu sâu chứa rượu và chân ly dài, và nhẹ, nên cầm ly dễ dàng và không dùng sức nhiều. Do đó, khi đưa ly rượu lên cao, người ta thường dùng một tay để "nhấc" thay vì "nâng." Một điểm nữa, có lẽ hơi lạc đề, là cách "nhấc" ly hoặc cầm ly rượu. Cách đúng nhất là cầm chân hoặc thân (stem) ly, và không bao giờ cầm bầu (bowl) ly (Xem, thí dụ như, Real Simple). Lý do là khi cầm chân hoặc thân ly rượu, tay người cầm ly sẽ không che rượu trong ly (để màu và mức trong của rượu được nhìn thấy), và thân nhiệt ở tay sẽ không làm thay đổi nhiệt độ rượu. Vì cầm ly rượu ở chân hoặc thân ly và bằng một tay, hành động đưa ly lên thường không cần phải có sự trịnh trọng hoặc nặng nề. Do đó, "nhấc ly" nghe hợp lý hơn "nâng ly." Tuy nhiên, "nâng ly" hoặc "nâng cốc" vẫn được dùng để ngụ ý trịnh trọng, lễ phép, trong lúc chúc tụng.
image
Trở về với "Ly Rượu Mừng," mọi người cùng nhấp chén rượu đầy vơi, chúc vui mọi người ("Á A A A Nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui.") Trong dịp Xuân về, ai cũng nao nao với những mối duyên nợ cuộc đời ("Á A A A Muôn lòng xao xuyến duyên đời.") Với quãng "Á A A A," bài hát khuyến khích mọi người cùng ca. Có lẽ đó là lý do "Ly Rượu Mừng" thích hợp cho hợp ca và trong cuộc họp mặt đông người khi mọi người cùng nâng ly rượu chúc lẫn nhau.
Ly rượu được rót tràn đầy để chúc người binh sĩ lên đường ra nơi trận mạc xa xôi được thành công, làm tươi sáng cuộc đời dân lành ("Rót thêm tràn đầy chén quan san/ Chúc người binh sĩ lên đàng/ Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành/ Mừng người vì nước quên thân mình.") Ta hiểu "quan san" là quan ải và núi non, thường để chỉ những nơi xa xôi, hoặc ở biên giới, đồn trú cho binh lính. Lời chúc cũng được gửi tới những bà mẹ già nơi xa xôi, nhớ thương con cháu mong mỏi được gặp lại người con đi xa, sẽ có dịp gặp lại con trở về hội ngộ chan hòa niềm yêu thương ("Kìa nơi xa xa có bà mẹ già / Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa/ Chúc bà một sớm quê hương/ Bước con về hòa nỗi yêu thương.") Mọi người cùng hát bài hát vui vẻ làm tươi thắm đời người chiến sĩ, và để cho người mẹ già không còn lo âu buồn bã vì con nữa ("Á A A A Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính/ Á A A A Chúc mẹ hiền dứt u tình.")
Ly rượu mừng cũng gởi đến những cặp tình nhân hoặc vợ chồng đang xây tổ ấm cùng nhau ("Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương/ Xây tổ ấm trên cành yêu đương.") Điều đó không có nghĩa là chúc mừng những cặp vợ chồng mới cưới. Ta biế̉t ít ai làm đám cưới trong mùa Xuân vào dịp Tết. "Đôi uyên ương" chỉ có nghĩa cặp tình nhân, hoặc cặp vợ chồng trẻ đang tạo dựng gia đình nhỏ. Với người nghệ sĩ, chúc mừng họ đem lời ca, tiếng nhạc, câu thơ văn, và nét họa tô điểm cuộc đời thêm mới mẻ tốt đẹp ("Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ/ Tiếng thi ca nét chấm phá tô nên đời mới.") Như trình bày ở trên, "nghệ sĩ" đây không phải là giai cấp "sĩ" trong "sĩ nông công thương" mà là những người theo ngành nghệ thuật như nhạc sĩ, ca sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, ̣điêu khắc gia, v.v.
image
Nhưng lời chúc thiêng liêng nhất là lời chúc cho đất nước hòa bình, không còn chiến tranh, thịt rơi máu đổ. Đó là ngày quê hương được yên vui và những người lính trở về với chén rượu ấm chứa chan đầy tình thương yêu ("Bạn hỡi, vang lên/ Lời ước thiêng liêng/ Chúc non sông hòa bình, hòa bình/ Ngày máu xương thôi tuôn rơi/ Ngày ấy quê hương yên vui/ đợi anh về trong chén tình đầy vơi.") Có thể đây là lý do ca khúc "Ly Rượu Mừng" không còn được thịnh hành tại Việt Nam hiện nay nữa, vì lời chúc hòa bình có vẻ mất ý nghĩa. Tuy nhiên, với tình trạng thế giới hiện nay và thái độ ngang ngược của Tàu cộng, chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, chiến tranh không nhất thiết là về quân sự, mà còn có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội, v.v. Với những ý nghĩa đó, Việt Nam hiện nay vẫn còn chiến tranh trên toàn đất nước dưới sự thống trị tàn bạo của cộng sản.
Mọi người hãy cùng nhấc cao ly rượu, chúc cho tương lai sáng sủa tràn đầy tự do, đất nước thanh bình, và mọi người được hạnh phúc tràn trề ("Nhấc cao ly này/ Hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do/ Nước non thanh bình/ Muôn người hạnh phúc chan hòa.") Trước hết, ta để ý tác giả dùng "nâng chén" và "nhấc cao ly rượu" (thay vì "nâng ly" hoặc "nhấc chén") như đã đề cập ở trên. Thứ nhì, trong phiên khúc này, tác giả chúc đất nước tự do và thanh bình. Ta phải hiểu Phạm Đình Chương ngụ ý cầu mong nước non thanh bình và sáng trời tự do cho toàn thể đất nước Việt Nam từ Nam ra Bắc. Lúc bấy giờ, miển Nam đã được hưởng nền dân chủ tự do, nhưng miền Bắc bị dưới ách thống trị tàn bạo của cộng sản. Phạm Đình Chương lúc nào cũng tưởng nhớ đến miền Bắc. Tên hát của ông là Hoài Bắc, nói lên tâm tư này. Thứ ba, đây là lời chúc khác với lời chúc trong phiên khúc trước. Trong phiên khúc trước, lời chúc "non sông hòa bình" khác với "nước non thanh bình." "Hòa bình" ngụ ý không còn chiến tranh, chém giết lẫn nhau. "Thanh bình" ngụ ý yên tĩnh, không bị khuấy động. Một đất nước hòa bình không có nghĩa là thanh bình nếu nước đó vẫn còn những bất công, đàn áp bởi kẻ cầm quyền. Thí dụ điển hình là Việt Nam. Tuy không còn chiến tranh, Việt Nam hiện nay còn bị khuấy động nhiều hơn cả lúc đang chiến tranh, vì những bất công, tham nhũng, đàn áp, và tàn bạo do nhà nước cộng sản xảy ra toàn diện trên khắp vùng đất nước. Đó là không kể hiểm họa mất nước có thể xảy ra nay mai.
image
Tổng kết, mọi người mơ ước hạnh phúc ở khắp mọi nơi và hương thơm thanh bình đang dâng cao ("Ước mơ hạnh phúc nơi nơi/ Hương thanh bình dâng phơi phới.") "Phơi phới" hàm ý một khí thế đang lên. Lời chúc "thanh bình" gồm cả "hòa bình" lẫn yên tĩnh, và do đó có ý nghĩa mạnh mẽ hơn "hòa bình."
"Ly Rượu Mừng" là một ca khúc đơn giản, gồm những lời chúc Tết cho mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc và đất nước hưởng thanh bình tự do. Bài hát có nhiều khía cạnh khác biệt với những bài hát khác về Xuân.
2. Tuy không mô tả cảnh tượng hoặc không khí Xuân, "Ly Rượu Mừng" tiêu biểu cho ngày Tết vì chúc Tết là tục lệ quan trọng nhất trong Tết Việt Nam:
Ca khúc "Ly Rượu Mừng" thuần túy là những lời chúc Xuân cho mọi người và đất nước. Bài hát hoàn toàn không có mô tả cảnh tượng đón Xuân, hoặc các trang lễ, chuẩn bị, và không khí của những ngày Tết theo truyền thống Việt Nam. Phạm Đình Chương cố tình gạt bỏ những hình ảnh về Xuân, mà chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất là chúc Tết. Cả toàn bài hát không hề có các cảnh tượng thiên nhiên mùa Xuân như màu sắc hoa (mai, đào), mùi hương thơm hoa, nắng vàng, gíó ngàn, tiếng chim hót; hình ảnh đón Tết và trang hoàng trong nhà như bếp hồng, bánh dầy, bánh chưng, kẹo mức, hạt dưa, trái cây, cây nêu; cảnh tượng đường phố như trẻ em khoe quần áo mới, người đi nườm nượp, phố phường đông đúc; các hình ảnh và âm thanh Tết như pháo nổ đì đùng, trống đập múa Lân, phong bì đỏ lì xì, tiếng nhạc ca hát mừng Xuân, v.v.
image
Những bài hát khác về Xuân luôn luôn có, không nhiều thì it, những hình ảnh hoặc gợi ý cho cảnh Xuân và không khí đón Tết. Thí dụ như: "Rừng hoa mai đua nở" ("Tâm Sự Nàng Xuân" của Hoài Linh); "Ngắm vườn bên thấy mai đào nở," ("Nghĩ Chuyện Ngày Xuân" của Song Ngọc); "Hoa lá nở thắm," "hoa đào hồng thắm," ("Cánh Thiệp Đầu Xuân" của Minh Kỳ & Lê Dinh); "Hoa đào hoa mai," "trẻ thơ khoe áo xinh xinh," "mứt vàng hạt dưa," "bánh dầy bánh chưng," "phong bì thắm tươi" ("Ngày Tết Việt Nam" của Hoài An); "chim hót mừng," "Lập lòe tà áo xanh xanh," "đàn chim non xinh xinh tung bay," "tiếng pháo đì đùng," "Ngàn hoa hé môi cười vui" ("Xuân Đã Về" của Mink Kỳ); "cánh hồng tươi thắm," "Muôn sắc khoe tươi," "Nồng ngát hương thơm" ("Gió Mùa Xuân Tới" của Hoàng Trọng); "nụ hoa vàng mới nở," "lộc non vừa trẩy lá," "bầy chim lùa vạt nắng," "rung nắng vàng ban mai," ("Anh Cho Em Mùa Xuân" của Nguyễn Hiền, thơ Kim Tuấn); "mai đào nở vàng bên nương," "pháo giao thừa rộn ràng," "trông bánh chưng ngồi chờ sáng," "cho tà áo mới ba ngày xuân đi khoe phố phường" ("Xuân Này Con Không Về" của Trịnh Lâm Ngân); "nắng vàng," "nâng phím đàn cùng hát ca," ("Xuân Họp Mặt" của Văn Phụng).

 image
Thực ra, cả toàn bài "Ly Rượu Mừng," chỉ có một chữ "Xuân" duy nhất trong câu đầu. Nếu bỏ chữ "Xuân" này và thay bằng một chữ khác như "vui," cả toàn bài chỉ hoàn toàn nói về chúc tụng mọi người và đất nước, và không có một chút xíu gì về Xuân hoặc Tết cả. Nhưng có thật là vậy không?
Tại sao "Ly Rượu Mừng" luôn luôn được coi là bài hát tượng trưng cho dịp Xuân về, Tết đến?
Câu trả lời thật đơn giản nhưng cũng có thể gây ngạc nhiên: Chính lời chúc tụng là đặc tính độc đáo của Tết Việt Nam.
Tết Việt Nam có thể không có cảnh tượng thiên nhiên như chim hót, nắng vàng, gió mát, hoặc những hoạt động nhân tạo như pháo nổ, múa rồng, múa lân, hoa mai, hoa đào, bánh chưng, kẹo mứt, quần áo mới, tiếng hát Xuân, phong bì đỏ lì xì.
Nhưng Tết Việt Nam không thể nào không có lời chúc Tết.

image
Chúc tụng hoặc chúc mừng nhau gần như là căn bản sinh hoạt ở xã hội Việt Nam. Người Việt hình như bị ám ảnh với chúc tụng. Người ta chúc nhau trong bất kỳ dịp nào: sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, sinh đẻ, thi cử (trước và sau khi thi), thăng quan tiến chức, mua sắm đồ dùng, mua nhà, mua xe, cưới hỏi, du lịch, nghỉ hè, đau ốm, ra vào bệnh viện, ra mắt tác phẩm, mở cửa hàng, nhận chức vụ mới, thuyên chuyển, trình diễn, trúng thầu, ký khế ước. Trong một buổi họp mặt, cho dù bất cứ có dịp gì, luôn luôn có người đứng lên ngỏ lời chúc mọi người. Trong một bữa tiệc, sẽ có người nói, "Chúc quý vị một bữa tiệc vui vẻ." Trên đài phát thanh hoặc truyền hình hàng ngày, các xướng ngôn viên luôn luôn có lời chúc khán thính giả, lúc thì một ngày vui vẻ, một ngày nghỉ an toàn, hoặc một buổi tối ấm cúng với gia đình. Trong một lá thư hay một e-mail, người viết thường mở đầu hoặc kết luận bằng một lời chúc. Ngay cả trong lúc gặp nhau hàng ngày cũng có lời chúc vui vẻ hoặc mạnh khỏe. Những lời chúc nhiều khi biến thành những lời chào hỏi hàng ngày, thí dụ như "Chúc bạn một ngày vui," tương tự như những câu nói sáo rỗng "Have a nice day!" ở Hoa Kỳ.
Chúc tụng hoặc chúc mừng nhau không phải chỉ xảy ra thông thường ở Việt Nam. Dân chúng tại nhiều quốc gia khác cũng có thói quen tương tự. Nhưng tại các quốc gia này, chúc tụng thường xảy ra tại các buổi họp mặt, tiệc tùng, ăn mừng một dịp nào đó, và thường không xảy ra giữa cá nhân hoặc qua thư từ, và không có sắc thái hầu như là ám ảnh của người Việt. Tại các quốc gia khác, trong bữa tiệc họp mặt, ngoại trừ các xã hội cấm uống rượu (thí dụ, đạo Hồi), thường có những lời chúc tụng giữa khách và chủ qua cách giơ cao ly rượu và cùng uống (toasting). Đa số những lời chúc tụng là cho sức khoẻ (Etiquette Scholar).

image
Người Việt có lẽ tin tưởng vào các lời chúc tụng sẽ quả thật đem lại may mắn, sức khỏe, tiền bạc, thành công, tình yêu. Trong các dịp lễ long trọng như ngày Tết, lời chúc còn có ý nghĩa "thiêng liêng" hơn các dịp khác vì có sự tin tưởng vào thần thánh, tổ tiên ông bà hoặc những người đã khuất trong gia đình, hội họp trong dịp Tết và sẽ giúp những lời cầu chúc thành sự thật. Phong tục cổ truyền Việt Nam trong dịp Tết có nhiều tục lệ như cúng kiến, xông đất, xuất hành, chúc Tết, hái lộc, biếu quà, kiêng cữ, v.v. nhưng có lẽ chúc Tết là tục lệ quan trọng nhất. Trong những ngày đầu năm, câu đầu tiên người ta nói với nhau khi gặp nhau là lởi chúc Tết. Ngay cả ngày nào đi chúc Tết ai cũng được quy định rõ rệt: "Mồng một chúc Tết mẹ cha/ Mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy."
Do đó, tuy không có những mô tả thiên nhiên, cảnh tượng, nhà cửa, đường phố, thiên hạ, và các hoạt động Tết, ca khúc "Ly Rượu Mừng" biểu hiện một đặc tính quan trọng nhất trong Tết Việt Nam. Đó là những lời chúc Tết trong các ngày đầu năm. Tết Việt Nam sẽ mất ý nghĩa nếu không có những lời chúc Tết và do đó "Ly Rượu Mừng" luôn luôn là một ca khúc được hát trong dịp Tết hàng năm.
3. Giai điệu, tiết tấu, và điệu nhạc valse thích hợp cho lời chúc mừng Xuân với nét vui tươi và sống động:
Bài hát được viết với nhịp 3/4, dưới điệu nhạc Valse có tốc độ/ hành độ (tempo) nhanh và do đó đem lại nét sống động và vui tươi, thích hợp cho dịp vui ăn mừng ngày Tết. Nhạc sĩ thường chọn lựa điệu nhạc (tiết điệu) khi soạn nhạc. Tiết điệu là chu kỳ của các phách mạnh và yếu theo một nhịp điệu nào đó. Tiết điệu cho thấy sự liên kết nhịp nhàng trong chuyển động. Thí dụ: valse, rhumba, fox, slow, tango (Phạm Đức Huyến, 37). Ta nên biết có hai điệu nhạc Valse, hoặc Waltz theo tiếng Mỹ: Waltz chậm (slow Waltz) và Viennese Waltz. Cả hai đều có cùng nhịp điệu căn bản nhưng Viennese Waltz có tốc độ nhanh hơn Waltz chậm, có thể nhanh gấp ba bốn lần. Waltz chậm còn được gọi là Boston, do tên thành phố Boston tại Hoa Kỳ khi điệu Waltz được phát triển và du nhập qua Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 (Xem, thí dụ như, OSLH). Nhạc Việt thường dùng Boston cho Waltz chậm và Valse cho Viennese Waltz. Trong bài "Ly Rượu Mừng," nhạc sĩ Phạm Đình Chương ghi rõ điệu Valse trên tờ nhạc, và bài hát nên được trình bày với tiết điệu nhanh và sống động của điệu Viennese Waltz.

image
Giai điệu và tiết tấu của bài hát thích hợp cho hợp ca, như trong buổi họp mặt. Bài hát có những khúc trầm bổng, ngắn gọn và kéo dài tùy vào nội dung của câu hát, tạo nên nét linh hoạt và sống động. Thí dụ câu "Bạn hỡi/vang lên/ Lời chúc/ thiêng liêng" có bốn ngắt quãng với dấu nghỉ, và ở nốt cao, diễn tả lời kêu gọi mọi người cùng vang lên lời chúc. Lời kêu gọi đó được nhấn mạnh qua bốn ngắt quãng và nốt cao tạo nên khí thế thúc giục mạnh mẽ. Tương phản với câu kêu gọi thúc giục đó, câu "Kìa nơi xa xa có bà mẹ già" có cùng trường độ, nhưng không có dấu nghỉ và lời ca được kéo dài liên tục; do đó tạo ra âm hưởng êm ái nhẹ nhàng, thích hợp cho hình ảnh bà mẹ già mong chờ con.
Bài hát gồm có những lời chúc mọi người và toàn dân đất nước. Do đó, âm hưởng bài hát sẽ có khí thế mạnh mẽ và ý nghĩa khi bài hát trình bày qua hợp ca. Tuy bài hát có thể do một ca sĩ hát, âm điệu sẽ được hay hơn nếu có nhiều ca sĩ cùng hát một lúc. Những quãng Á A A A trong bài hát là dành cho khúc hợp ca, có nhiều người đồng xướng. Bài hát cũng sẽ được trình bày linh động nếu có những khúc hát hợp ca xen kẽ những khúc hát đơn ca, hoặc hợp ca giọng nam xen kẽ hợp ca giọng nữ. Ban Hợp ca Thăng Long phối hợp kỹ thuật hợp ca và đơn ca, và hợp ca giọng nam cùng giọng nữ rất tinh vi, đem nét linh động, vui tươi, và nhiều sắc thái cho bài hát (Xem, thí dụ như, Doppelpass01 2010).
B. Bài hát có lối diễn tả đơn giản thích hợp cho các lời chúc Tết chính xác và có vài nét đặc sắc đem lại nét linh hoạt sống động:
Trong "Ly Rượu Mừng," Phạm Đình Chương không có lối dùng chữ hoặc kỹ thuật trình bày gì đặc biệt. Bài hát có ít mỹ từ. Các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, không cầu kỳ bóng bẩy. Đó chính là điểm hay của bài hát. Bài hát gồm những lời chúc Tết cho mọi người; do đó, ngôn từ cần phải đơn giản thích hợp với bản chất bình dị và chất phác của đa số dân Việt thời bấy giờ. Không ai muốn nói những lời chúc khó hiểu hoặc bóng bẩy làm mất đi ý nghĩa chân thành của lời chúc đầu năm. Ngoài ra, vì bài hát là những lời chúc Tết và không phải là một câu chuyện hoặc tâm trạng của một người nên không có nhiều những khía cạnh kỹ thuật viết như lối trình bày, "cho thấy, đừng kể," chú trọng vào chi tiết rõ rệt, v.v...
image
Tác giả dùng những lời chúc chính xác, ̣đánh đúng vào nguyện vọng của mọi người. Với người nông phu, còn gì sung sướng hơn là ruộng lúa được mùa; thương gia buôn bán có lời nhiều; người lao động không còn nghèo khó; người chiến sĩ thành công nhiệm vụ, giúp dân lành; bà mẹ già gặp lại con trở về, hết cơn u buồn; cặp tình nhân xây tổ ấm; người nghệ sĩ tô điểm đời thêm tươi đẹp; non sông hòa bình và đất nước hưởng thanh bình tự do. Ta không thấy những lời chúc mơ hồ, sáo rỗng, máy móc, như "sức khỏe sung túc," "sống lâu trăm tuổi," "tài lộc dồi dào," "con hiền dâu thảo," "thăng quan tiến chức," v.v...
Tuy bài hát có lối diễn tả bình dị và đơn giản, cũng có vài điểm đặc sắc đáng ghi. Trước hết, Phạm Đình Chương trình bày cuộc uống rượu mừng là một chuỗi tác động rót rượu, nâng chén hoặc nhấc cao ly, nhấp nháp rượu, uống cạn ly, và rót thêm rượu ("nâng chén ta chúc nơi nơi / Nhấp chén đầy vơi/ Rót thêm tràn đầy chén/ Nào cạn ly/ chén tình đầy vơi/ Nhấc cao ly này"). Mỗi tác động kèm theo lời chúc mọi người. Cách mô tả đó tạo ra cảnh tượng linh hoạt sống động của một bữa tiệc khi mọi người cùng giơ cao ly rượu và chúc lẫn nhau. Thứ nhì, bài hát có vài chỗ dùng "cho thấy, đừng kể," chi tiết rõ rệt, và ẩn dụ nhẹ nhàng. Thí dụ như "mắt vương lệ nhòa," "máu xương thôi tuôn rơi," "chén tình," "thoát ly đời gian lao." Cộng với điệu nhạc vui tươi và giai điệu tiết tấu sống động, các diễn tả này đem lại những nét chấm phá rải rác trên khắp bài hát, giúp khán giả có tâm trạng lâng lâng sảng khoái.
C. Kết Luận:

image
Ca khúc "Ly Rượu Mừng" là một bài hát bất hủ cho Tết. Bài hát không có những mô tả thông thường về Tết như pháo nổ, hoa mai hoa đào nở, bánh kẹo trái cây, nhưng đánh đúng vào sắc thái quan trọng trong dịp Tết là chúc Tết. Ngoài ra, với điệu nhạc Valse vui tươi, giai điệu trầm bổng, tiết tấu sống động, và lời ca đơn giản, bài hát thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.
Với người Việt, Tết là mùa vui vẻ. Những ngày đầu năm là những ngày ai cũng vui cười, trao quà, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Ngày Tết thực ra có thể tạo căng thẳng cho một số gia đình phải lo tốn kém chuẩn bị, mua sắm và sửa soạn nhà cửa. Với nhiều gia đình nghèo, ngày Tết cũng như mọi ngày trong cuộc đời. Ngoài ra, có nhiều gia đình thiếu thốn người thương yêu vì họ bị giam cầm cho những tội bịa đặt của nhà nước cộng sản. Do đó, trong khi ta hưởng thụ những ngày Tết hạnh phúc với gia đình, ta cũng nên có chút suy nghĩ đến những người đang chịu khổ cực đọa đầy, nhất là những người đang trong ngục tù cộng sản vì đấu tranh cho dân chủ tự do.
Đáng kể nhất, ngày Tết còn là những ngày nhắc nhở đến nỗi đau thương cho những gia đình mất người thương yêu trong Tết Mậu Thân năm 1968 khi quân cộng sản, nuốt lời đình chiến đã tuyên bố qua đài phát thanh, tổng tấn công những thành phố đô thị miền Nam. Cuộc thảm sát tại Huế là bằng chứng cho bản chất dã man vô nhân đạo của cộng sản. Bản chất đó vẫn không hề thay đổi từ lúc cộng sản được thành lập cho đến nay, trong suốt 85 năm trời.

image
Tuy chiến tranh không còn trên Việt Nam, đất nước vẫn chưa được hưởng thanh bình và tự do dưới ách cộng sản. Do đó, "Ly Rượu Mừng" vẫn là bài hát có ý nghĩa trong mùa Xuân với lời cầu chúc đất nước "ngày mai sáng trời Tự Do" và "nước non thanh bình."

image

Tết về nhớ quê xưa: Một chút hoài niệm tuổi trẻ thời VNCH


image
Bộ mặt Sài gòn, lúc 1955, người ta còn thấy những thầy Cảnh Sát được gọi là Mã Tà, đứng huýt còi ở các ngã tư đường. Vậy mà chẳng bao lâu chữ gọi mã tà đó đã biến mất.

Và sau này, sẽ còn nhiều cái biến mất như thế.

image
Nhiều cái biến mất như thế để Sài Gòn như hôm nay.

Người ta vẫn còn thấy những xe thổ mộ đủng đỉnh, kêu lóc tóc vui tai với các lục lạc của xe ngựa kéo trên các con đường từ chợ Bến Thành xuống tận Ngã Tư Bảy Hiền, hay từ Bến thành đi chợ Bà Chiểu. Nó vẫn như ngang nhiên thách đố với các tuyến đường xe buýt nay đã chật ních người. Nó vẫn có những khách hàng quen thuộc là những người thuộc giới bình dân, giới buôn thúng bán mẹt.

image

image
Nó chỉ dần dần biến mất lúc nào không ai hay khi mà những chiếc xe Lambretta ba bánh nhập cảng từ Ý đã được chế biến lại cùng chạy trên những tuyến đường đó. Xe Lam nhanh hơn, chở tới 12 người, 10 người ngồi ở đằng sau, khi cần, có thể ghé thêm hai người ngồi bên cạnh tài xế. Vậy tất cả là 13 người chứ không 12. Xe lại có nhiều chuyến hơn, cứ đầy là chạy và ngồi thoải mái hơn.

image
Đặc biệt bên hai thành xe có ghi hai câu: Hữu sản hóa, đợt tự chủ. Nếu tôi nhớ không lầm chính sách hữu sản hóa này là ở dưới thời ông Kỳ làm Thủ tướng. Nhưng xe xích lô ba bánh, xích lô đạp, đặc sản miền Nam vẫn tồn tại trong suốt 20 năm miền Nam còn lại.

Người trung thành nhất với xích lô đạp, phải chăng là thi sĩ Vũ Hoàng Chương? Có thể ông nghèo vì hút thuốc phiện, nhưng mỗi lần đi dạy ở trường Chu Văn An ông luôn luôn đến trường bằng xe xích lô đạp. Quần áo luôn luôn là ủi thẳng nếp, thắt cravate, tay áo manchette bằng vàng, đầu chải bóng.

image
Người chạy xích lô đạp thường tranh nhau mời ông không phải vì ông là thi sĩ, mà vì người ông nhẹ như bấc, không chắc ông có cân nặng bằng nửa số ký của người khác không?

Tác giả Lửa Từ Bi hồi 75 đã đi tù Cộng Sản.

Ông nhẹ như bấc, không biết người Cộng sản sợ ông nỗi gì, sợ một người nhẹ như bấc mà đầy đọa ông trong tù. Hỡi những kẻ ngồi lom khom viết bài bênh “Cụ Hồ” nghĩ gì về việc đầy đọa trong tù một thi sĩ trói gà không chặt? Lúc họ thả thì vài ngày sau, ông giã từ cõi thế. Chắc ông cũng chả muốn sống làm gì?

Và có ai ngờ rằng, xích lô đạp vẫn có chỗ của nó sau hơn nửa thế kỷ sinh tồn.

image
Sau giải phóng, rất nhiều nhà văn, nhà báo, chuyên viên, giáo sư đổi ra đạp xích lô.

Đó cũng là một góc cạnh về thế hệ thanh niên miền Nam đọa đầy dưới gót của đôi dép râu?

Và tự nhiên nay nó trở thành biểu tượng nếp sống văn hóa của một thời. Hà Nội nay nhan nhản xích lô đạp dành cho khách du lịch chạy vòng vòng quanh khu phố cổ Hà Nội.

image
Người ngoại quốc danh tiếng nào đến Việt Nam thì cũng có dịp ngồi trên đó cả. Mới đây vợ chồng Brad Pitt và Angelina Jolie cũng có dịp ngồi xe xích lô cho biết mùi vị Việt Nam.

Nhưng cái đổi thay rõ nét nhất là cái áo dài con gái thay thế cho chiếc áo bà ba, chiếc quần hai ống rộng. Chẳng bao lâu sau, chẳng biết từ lúc nào toàn miền Nam mà đặc biệt các nữ sinh Trung Học, từ Sài gòn ra Trung, từ Sài gòn xuống Lục tỉnh. Chỉ áo dài là áo dài. Áo dài Trưng Vương, áo dài Gia Long, áo dài Nguyễn Bá Tòng, áo dài Nữ trung học Lê văn Duyệt, áo dài Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, áo dài Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long, áo dài Nữ Trung Học Nha Trang và nhất là áo dài Đồng Khánh Huế.
Và nó cũng mở đầu cho thiên tình khúc tuyệt vời Ngày xưa ... Hoàng Thị của Pham Thiên Thư:

image

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ..
Anh đi theo hoài
Gót giày thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng
Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Bước em thênh thang
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mây mầu
Chân tìm theo nhau
Còn là vang vọng …

Nó biểu tượng cho cái gì tinh khiết, trinh nữ, tinh tuyền và mời gọi. Nó che dấu bằng hai vạt áo dài mà như thể mở, biện chứng kín mà hở. Nó mời mọc mà kín đáo chối từ, nó bày tỏ phái tính, sexy đến ứ cổ họng với nét nổi lên của chiếc quần lót hằn lên tuổi dậy thì. Không có y phục phụ nữ nào trên thế giới lại sexy đến như thế. Ngay cả sau này với mini-jupe cũng không sánh bì.

Nó không cần đến những Cardin, Courrèges, St. Laurent, Paco Robanne. Cùng lắm, nó chỉ thua Le Panty, Monokini, quần lót Le petit bâteau của thập niên 1970 Nhưng những thứ này phải “ăn gian” từng centimét mới có được như thế.

image
Áo dài không ăn gian. Cạnh đó là hàng nút bấm mong manh như lối ngõ vào bên trong nằm hở ra cạnh sườn. Nó không những chỉ là một nét đẹp con gái mà nó trở thành biểu tượng cho một nếp sống văn hóa Việt Nam.

Sau này, không biết bao nhiêu những tranh ảnh, bìa báo Xuân, báo Tết chụp hình các thiếu nữ trẻ miền Nam trong chiếc áo dài truyền thống đó.

Và người ta có thể hãnh diện về điều này mà không có gì phải hổ thẹn khi nói đến.

Tuổi thanh xuân thiếu nữ đi liền với nét đẹp con gái ấy.
Nó phản ánh thế hệ thanh thiếu nữ thời ấy mà hễ bất cứ ai không còn là con gái, xồ xề một chút, vùng đùi, vùng mông nở nang một chút là mặc áo dài thường khó coi.

image
Sự đòi hỏi của tôi có khắt khe quá chăng? Nhưng chính sự đòi hỏi khắc nghiệt ấy làm tăng giá trị chiếc áo dài miền Nam tuổi trẻ. Nhiều phụ nữ các bà mặc trong các dịp lề hội. Thấy làm sao.

Rất tiếc sau 75, ra ngoài đường, Sài gòn vắng bóng chiếc áo dài. Cũng là vắng bóng tuổi trẻ miền Nam? Hay tuổi trẻ miền Nam không còn nữa? Người ta không còn phân biệt ai là con gái, ai là đàn bà được nữa đến như thể ai cũng là đàn bà, đến như thể ai cũng mất cả rồi.

Khi không còn những áo dài đó, Sài gòn buồn thiu. Như cây rừng không còn lá.

image
Tuổi trẻ miền Nam thời ấy biểu tượng vẫn là hình ảnh cô thiếu nữ mặc áo dài trắng quần trắng. Đừng thứ mầu khác, đừng xanh đỏ lò loẹt. Vén tà áo dài sang bên, hở một bên, kín một bên, cho thấy đùi trinh nữ, cho thấy tuổi dạy thì, hai đùi nhẹ khép lại khi bước đi hay khi ngồi trên chiếc xe vê lô sô lếch thời thượng.

Bây giờ, tôi không thấy những bước đi kiêu sa thiếu nữ như thế nữa. Đó là hình ảnh cô gái, mình ong thon thon ngồi trên chiếc xe Solex trông giống như một con bò ngựa biết bay. Phất phới, tung gió, nhẹ lướt, mái tóc hất lại đẵng sau, đầu buộc bím mầu xanh tím, để lại đằng sau những cái nhìn dõi suôi bắt không kịp. Và những đôi mắt thèm thuồng.

Ingarary gọi đó là một chuỗi diễn hành phái tính (Mascarade de la fénimité )

Xin mượn lời thơ của Nguyên Sa:

image

Giấc mơ em mặc jupe hồng ... thôi rồi Sài Gòn ơi!

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Ri th cho làn áo trng bay?
Em cười tà áo bay trên
Đám mây dưới ni phin mun xa
Anh ngi ch hn hôm qua
Đám mây ngi cnh bài thơ nh nhàng,
Gic mơ mc áo la vàng
Nơi anh nm ng có hàng Thùy dương
(Nhẹ nhàng) (8)


image
 
Trong khi đó thì những cậu con trai cỡi xe Vespa, đời ED, đôi kính mầu đen, chiếc áo Montagu, mầu xanh đậm rồ ga hay lượn uốn éo. Nếu Solex là con gái, thì Vespa là con trai. Nếu Solex là con bò ngựa thì Vespa là con bọ hung. Solex là nữ tính, Vespa là nam tính (9).

Nếu con gái ăn quà thì con trai Bát phố. Bát phố phải chăng là nói nhại từ tiếng Pháp battre le pavé? Thôi thì là gì cũng được. Và xin mượn lại chữ nghĩa của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng:

... Từ xa phố chợ đến giờ
Chân thôi bỏ lệ gõ bờ lộ quen (10)


Bát phố là một thứ giải trí chiều thứ bảy của con trai Sài gòn. Mà điều căn bản là có mặt. Làm gì, bận bịu gì cũng bỏ đi Bonard bát phố. Sinh viên, học sinh các lớp tú tài, lính tráng đi hành quân ở xa về, công chức các bộ, các nha đều đi dạo phố, ngắm người hay *rửa mắt. Mà phần lớn bọn họ là độc thân, chưa có vợ con. Nếu sang một tý thì vào Givral ngồi, tàm tạm thì một ly nược mía Viễn Đông cũng xong.

image
Đi dạo phố trở thành một thói quen, một nếp sống của con trai Sài gòn. Ngoài Sài gòn, tôi chỉ thấy ở Huế có sinh hoạt bát phố tương tự. Nhưng ở Huế, số con gái đi dạo phổ kể là đông và đi từng nhóm hai ba cô. Họ sợ bị bắt nạt chăng? Cô nào cũng có chiếc nón không phải để che nắng, che mưa mà để che cái nhìn trộm của con trai. Gái Huế đi dạo trên đường Trần Hưng Đạo mới thật là một diễn hành phái tính. 10 lần ra Huế thì y như rằng ra đi là để lại một cái gì?

Con gái biểu tượng nhất, cái Look theo nghĩa bây giờ là hình ảnh cái thân hình dong, lưng thẳng, găng tay trắng, cặp kính mầu, áo dài trắng, phải áo dài trắng mới được, mới con gái, mới trinh nữ, mới thanh khiết. Vạt áo dài phía sau vắt ngang sang bên kia để hở một bên phần đùi trông cộn hẳn lên trên chiếc Vê lô solex mầu đen. Đi xe vê lô solex chứng tỏ con nhà khá một tý, sang trọng và đài các. Cái dáng ngồi solex trông rất con gái, rất phái tính.

image
Người phụ nữ sinh ra là để như vậy. Les femmes seraient faites ainsi.
Quyến rũ bằng chính thân xác mình.

Nhờ áo dài đó mà phụ nữ, cô nữ sinh trở thành phụ nữ hơn. La robe lui permettait de devenir plus féminine. Phải nói là thời thượng và ấn tượng lắm. Cộng thêm cái thói ăn quà vặt. Ăn qùa vặt là rất con gái, rất trẻ, rất bắt mắt. Khi cô nữ sinh ăn quà thì tưởng là ăn quà thật. Nhưng đôi khi cũng chỉ là cái cớ sự cho sự trình diễn, sự được nhìn. Nó như chờ đợi một điều gì đó. Điều mà Thị Nở đã chờ đợi từ tuổi 15, 16 thời con gái, nay đà 30 và bao nhiêu thế hệ con gái cũng đã chờ đợi như thế. Như cơn mưa mùa hạ. Như chồi non hé nụ. Như em chờ anh lúc này. Chí Phèo chỉ đến hoàn tất công việc chờ đợi ấy.
Cuộc đời đôi khi đơn giản là như thế.

Ngoài hai thứ đó ra, con gái cũng đi dạo phố. Con trai đi dạo phố là để ngắm. Con gái đi dạo phố xuất hiện như một trình diễn, ăn diện, mốt, kiểu để được nhìn, để được thừa nhận, để nhận phần lớn là những lời tán tỉnh, khen tặng.

image
Vespa Sài Gòn (thập niên 1960)

Đó là cả một cái guồng máy của sự xuất hiện. L’engrenage du paraitre .
Và cuối cùng, thú vui giải trí chung cho cả con trai lẫn con gái vẫn là ciné và tiệm sách. Ciné là nơi hẹn hò để trai gái gặp nhau cuối tuần để trò chuyện, để tỏ tình, để lén lút hôn nhau. Những nụ hôn mật ngọt ấy. Quên sao được. Những mối tình của giới trẻ thời đó đến đó và dừng lại ở đó. Sau đó để lại một chút gì. Để kỷ niệm, để nhớ, để mãi mãi là như thế.

Nay gặp nhau cuối đời, lòng như chợt tỉnh, như chấu ủ bếp lửa bừng lên từ đám tro tàn. Gặp nhau muộn phiền, thương hoài ngàn năm.

Viết đến đây lại chợt nghĩ đến Nguyên Sa. Ông đã nói hộ cho tuổi trẻ Sài gòn:

Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng

image
Tuổi trẻ miền Nam là như thế. Lành mạnh mà không thiếu lãng mạn, tình tứ. Dắt tay nhau mà đi. Làm thơ tình. Gởi gắm nhắn nhe.

Chân díu bước mà mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần tôi chỉ dám quay đi
Cả những giờ bên lớp học trường thi
Tà áo khuất thì thầm chưa phải lúc
(Tuổi mười ba)

Trích Le Dragon d'Annam của vua Bảo Đại, trang 333.
(2) Trích trong Nhìn lại 60 năm tranh đấu cho Việt Nam, hồ sơ đệ tứ tập 3, trang 318, Nhóm đệ tứ tại Pháp.
(3) Đọc thêm 1945/1995 , Lê Xuân Khoa, trang 266-276
(4) Trích lại trong Thập Giá và lưỡi gươm, Trần Tam Tỉnh, trang 111. LM Trần Tam Tỉnh là giáo sư đại học Laval, tỉnh Québec. Cuốn sách vừa kể trên thật ra chỉ là cuốn sách dịch từ cuốn Dieu et César, Paris, thánng 10/1978. Và bằng một cách không lương thiện, Vương Đình Bích, một linh mục quốc doanh dịch chẹo ra Thập giá và lưỡi gươm. Đổi nhan đề như thế với đầy ác ý. Tôi đà có 4,5 lần có dịp găp Lm Trần Tam Tỉnh từ chiều đến đêm, chỉ có hai người. Lm đã không bao giờ nhắc đến bản dịch này. Phần tôi cũng không tiện hỏi. Cuốn sách do sự chỉ đạo biên tập của Trương Văn Khuê. Thêm mối nghi ngờ cắt xén, thêm bớt, ngụy tạo. Đã hẳn cần dè dặt lắm đối với bản dịch này. Cả một cuốn sách như thế, nhưng tôi không hề thấy một tham khảo, trích dẫn tài liệu từ bất cứ sách vở nào, trừ sự trích dẫn từ mấy tờ báo.
(5) Trong cuốn Những gì còn nhớ do tập san Y sĩ phát hành, 2001
(6) Xem Việt Nam niên biểu 1939/1975, Chính Đạo 401
(7) Trích Trần Mộng Tú Hà Nội Gió hopluu.net/ Phụ trang đặc biệt/ Ký – HanoiGio-tmt.htm
(8) Trích lại trong Trong dòng cảm thức Văn Học miền Nam của Trần Văn Nam, trang 411-412
(9) Dĩ nhiên, sau velo Solex thì cũng có một số xe hiệu khác như xe gắn máy hiệu Goebel, Sach của Đức. Có thể nó hữu dụng, nhưng trong bề ngoài khó coi, dị tướng. Rồi cái PC nhỏ nhắn, xinh sắn, xe đạp Mini cũng một thời cho đến lúc xuất hiện xe Honda 67. Chiếc xe Honda đến thay đổi hẳn diện mạo xe gắn máy ở Sài gòn. Hữu dụng, mát mắt, vụt phóng, không cần phải đạp ga ì à ì ạch.
(10) Trích Bùi Bảo Trúc trong bài Chữ Nghĩa chúng ta

Nhưng may thay, mọi người Việt Nam, nhất là thanh niên, giới trẻ, lúc bấy giờ đều có một giấc mơ là làm thế nào để có một miền Nam phát triển và phú cường để đối địch với miền Bắc.

Và mặc dầu còn có những bất cập đủ thứ, tôi vẫn phải nhìn nhận rằng, những năm tháng còn lại, kể từ ngày ấy, mỗi giây phút năm tháng sống, học hành, lớn lên thành người thời đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam vẫn là những năm tháng ân sủng cho tuổi trẻ của tôi và những bạn bè cùng trang lứa.

Chúng tôi đã lớn lên từ đó, trở thành người hữu dụng cũng từ đó.

image
Cafe Givral, Mở cửa từ năm 1950

Như lời Phạm Duy tỏ bày: ”Dưới thời Cộng Hòa thứ nhất, từ khi chế độ nhà Ngô thành lập và tiến dần tới thời thịnh trị rồi mạt vận, miền Nam, nếu chưa được là thiên đường của đông đảo văn nghệ sĩ đi tìm tự do thì cũng là nơi đất lành chim đậu. Một thế hệ văn nghệ sĩ mới đã thành hình và họat động dữ dội bên những vị đàn anh di cư từ miền ngoài. Phòng trà, tiệm bánh, quán nước như Kim Sơn, Mai Hương, La pagode, Givral, Brodard … là nơi không hẹn mà văn nghệ sĩ tới gặp nhau hằng ngày.” (11)

Trong 9 năm cầm quyền thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chỉ có 3 lần có những biến động chính trị. Nhưng chỉ riêng năm 1964, có 13 lần miền Nam rơi vào những biến động có thể làm lung lay nền Cộng Hòa. Nói như thế để thấy rằng sự ổn định chính trị nằm ở thời điểm nào.

image
Người nào không nhìn nhận những điều ấy thì chỉ thiệt thòi cho chính họ thôi, bởi vì họ tự mình bôi xóa tuổi trẻ của chính họ. Nhiều người đã bôi xóa như thế để chạy theo vài ảo tưởng chính trị, hoặc nếu ở ngoại quốc thì chạy theo những xu hướng thiên tả vốn chẳng dính dáng gì đến thực tế chiến tranh Việt Nam.

Phần tôi nghĩ rằng, chúng tôi không bước đi những bước đi đơn độc.

image

Chúng tôi có bạn đồng hành, đồng trang lứa, có những người lính, người sĩ quan VNCH cùng lớn lên ở đấy, đang xả thân thay cho chúng tôi. Và cho dù cuối cùng để mất miền Nam thì những giá trị tinh thần ấy vẫn còn đó.

Luc Nguyen Van
LT chuyển

dimanche 22 février 2015

Năm Mùi vui chuyện Dê trong kinh thánh


Hoàng Đức Trinh 2/11/2015

Giống như mục tử phân ra,
Chiên bên tay phải, dê qua trái người. (x. Mt 25, 33).

NĂM MÙI VUI CHUYỆN DÊ VỀ KINH THÁNH

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh con dê trong cuốn sách giáo lý mà thời tôi còn bé, bố tôi thường mở ra chỉ dạy cho tôi. Cuốn sách có khổ lớn, mở ra to bằng trang nhật báo, cứ một trang in chữ, một trang in hình. Tôi không còn nhớ tên cuốn sách, nhưng nhớ mãi những trang hình, đặc biệt là cảnh hoả ngục.

Hoả ngục được vẽ trong tranh ấy có bẩy cửa, tượng trưng bẩy mối tội đầu. Mỗi cửa có vẽ một con vật làm biểu tượng cho một tội. Con heo cho tội mê ăn uống, con rùa cho tội làm biếng, con dê canh cửa thứ ba “giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục”.

Năm Mùi, nhớ lại con dê trong cảnh hoả ngục, tôi liền mở Kinh Thánh tìm xem Sách thánh nói đến con dê như thế nào?

Ngay cuốn sách đầu tiên là Sáng thế ký đã nhắc đến con dê, và rải rác các sách khác cũng có nói về dê, kể cả trong Tân Ước. Tuy dê không được Kinh Thánh coi trọng bằng bò tơ, cừu đực, nhưng cũng nói đến nhiều. Chúng tôi bắt đầu chuyện dê đầu tiên trong Sáng thế ký.

Thịt dê thế thịt rừng

Ông Ixaac và bà Rêbêca có hai người con trai là Exau và Giacop, ông thích thịt rừng nên ưa cậu cả Exau, bà lại thương con út Giacop hơn. Một hôm bà nghe được ông sai Exau đi săn lấy thú rừng về nấu cho ông món thịt rừng ông vẫn ưa thích, rồi ông chúc lành cho trước khi ông nhắm mắt về với tổ tiên. Bà liền vội vàng sai Giacop ra chuồng gia súc bắt hai con dê non mập mạp đem cho bà. Hai con dê bị bà lóc da, xẻ thịt, nấu món ăn theo đúng sở thích của ông Ixaac. Khi đã xong, bà cho Giacop đóng vai Exau bưng cỗ lên mời bố để nhận lãnh lời chúc phúc, trong khi Exau còn đang mải săn thú rừng. Giacop đắn đo: “Mẹ à, anh Exau người rậm lông, nhỡ ba con cầm tay con, biết là con xí gạt thì phúc chả thấy, thấy tội”… Bà Rebeca lấy da dê non bọc tay và cổ cho Giacop, bà còn dùng áo của Exau mặc cho Giacop… Ông Ixaac tuy loà không thấy, lại nghe giọng nói khác Exau, ông cũng bán tín bán nghi… Nhưng khi sờ thấy tay bọc da dê đầy lông, ông nghĩ đúng là Exau, nên đã chúc phúc cho Giacop!

Chính vì mâm cỗ lấy thịt dê thế thịt rừng ấy mà anh em hiềm thù nhau. Giacop phải trốn đi ở chăn dê cho cậu, ở mãi tận Khaban. (xem St 27, 1- 46).

Dê, của lễ đền tội

Dê được dùng làm tế phẩm dâng tiến Yavê, nhưng chỉ được dùng để làm của lễ đền tội, không như các con bò tơ hay chiên béo được dùng làm lễ vật tôn kính Chúa. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt người ta có thể dùng con dê cái non để giết ăn mừng lễ. (x.Đnl 15,22).

Theo sách Dân số, ông Môisen đã được Đức Yavê truyền dạy về những con vật được giết làm của lễ toàn thiêu dâng tiến Chúa như sau:

Trong các dịp lễ: lễ bánh không men, lễ các tuần, lễ lều, ngày sóc, ngày hò la, ngày xá tội…ngoài các tế phẩm như bò tơ, chiên con, cừu đực… còn phải có một con dê đực làm lễ đền tội (x. Ds 18). Một lễ đền tội điển hình được mô tả như sau: Vua Êxach tế lễ Chúa có dùng bẩy con dê đực làm lễ đền tội cho quốc gia. Bẩy con dê đực được dẫn đến trước mặt vua, rồi dân chúng đặt tay trên những con dê đó. Sau đó giết các con sinh tế ấy, lấy huyết rảy trên bàn thờ. (x.2Sk 29,20-24). Thông thường người ta dùng một con là đủ. Nhưng lễ đền tội cho một tập thể lớn, mới cần đến nhiều con dê đực, như trong lễ chuộc sau:

Ngày mồng ba tháng Ađa, năm thứ sáu triều vua Đariô (mồng 1 tháng 4 năm 515 trước công nguyên). Dân Itraen, các tư tế, các Thầy Lêvi và các dân lưu đày trở về, đã tổ chức lễ khánh thành Nhà Thiên Chúa, được xây trên nền cũ, tại Giêrusalem, sau kỳ lưu đày tại Babylon về. Họ đã dâng 100 con bò, 200 con cừu đực, 400 con chiên. Để làm lễ chuộc tội cho toàn thể dân Ítraen trong dịp này, họ bắt 12 con dê đực làm con sinh tế, đền thay cho số 12 chi tộc Ítraen. (x. Er 6, 15-17).

Đàn dê của ông Giacóp

Sau nhiều năm ở rể tại nhà ông Laban, Giacóp xin trở về quê hương cũ. Ông Laban nói với Giacóp: “Tôi biết, Đức Yavê đã vì anh mà chúc phúc cho tôi, tôi biết lấy gì mà trả công cho anh đây?”

Giacóp thưa lại: “Cậu đừng trả gì cho cháu cả, cháu chỉ xin cậu những con dê khoang lốm dốm thôi. Nếu mai này cháu xa cậu mà trong đàn dê của cháu có những con không khoang lốm đốm là không thuộc về cháu.”

Ngay hôm ấy, ông Laban cho lựa hết những con dê khoang lốm đốm dành cho Giacóp, lùa riêng đi cách xa đàn dê của ông tới ba ngày đường, giao cho các con ông chăm sóc, còn Giacóp vẫn phải chăn dê cho bố vợ như cũ. Giacóp muốn lợi dụng cơ hội này làm tăng thêm cho đàn dê khoang của mình. Ông chặt những cành cây bạch dương, cành hạnh đào, cành tiêu huyền còn tươi, bóc đi một phần vỏ cho lộ ra những sọc trắng. Ông cắm những cành cây đó cạnh máng nước, trước mặt những con dê đang uống nước, dê đực và dê cái khoẻ mạnh truyền giống bên máng nước ấy, sinh ra những con dê con mạnh khoẻ. Bằng cách ấy, Giacóp đã tạo cho mình thêm rất nhiều dê khoang đốm, đến nỗi Sứ thần Chúa cũng phải thốt lên: “Hãy ngước mắt lên mà coi, tất cả những dê đực dê cái phối giống bên máng nước đều sinh ra dê có khoang rằn ri lốm đốm… Bây giờ hãy chỗi dậy, ra khỏi đất này mà về bản quán của mình”. Lúc lên đường về quê, Giacóp đã giầu có lắm, với vô số cừu dê, tớ trai hầu gái đông đúc và từng bầy lạc đà, lừa vận tải…(xem. St 31, 24-43).

Dê, lễ vật ra mắt

Đọc Kinh Thánh, chúng ta đã biết Esau và Giacóp là anh em sinh đôi, Esau ra trước làm anh, nhưng vì đi săn về đói mệt đã bán chức trưởng nam cho Giacóp để lấy một bát cháo ăn đỡ lòng. Giacóp lại được mẹ hướng dẫn để dành được lời chúc phúc của cha. Chính vì thế, Esau tức giận đòi lấy mạng Giacóp, khiến bà mẹ phải để cho Giacóp trốn đi xa cưới vợ. Trở lại quê hương lần này, Giacóp vẫn sợ anh mình còn giận, nên đã bố trí cho cuộc anh em hội ngộ rất cẩn thận. Ông cho người ăn kẻ làm lùa những đàn vật đi trước để làm lễ vật ra mắt anh. Trong số những đàn vật ấy có một đàn dê đông đúc gồm hai trăm dê cái và hai mươi dê đực. Giacóp nghĩ thầm rằng, ta cho mang tặng phẩm này ra mắt anh trước để anh nguôi giận, sau ta mới đến giáp mặt anh ấy và may ra anh ấy sẽ nể ta.

Ông Esau được tin em về, cũng mang bốn trăm gia nhân đi đón Giacóp. Gặp nhau anh em ôm cổ nhau mà hôn, cả hai cùng đẫm ướt lệ mừng. Giacóp phải nài nỉ anh mãi, Esau mới nhận những món quà lòng thành Giacóp hiến tặng, trong đó có đàn dê là lễ vật cầu phúc. (x. St 32 và 33).

Con dê của bà Tôbit

Ông bà Tôbit là người kính sợ Chúa, ông thực hành đức bác ái bằng việc chôn xác những đồng hương bị giết rồi ném ra ngoài thành, dù ông bị ngăn cấm. Ông bà có một con trai tên là Tôbia.

Một hôm ông Tobit nằm ngủ ngoài hiên nhà, ông bị phân chim rơi trúng mặt, khiến hai mắt ông không còn thấy đường. Từ ngày ông bị mù, bà Anna vợ ông phải lo quán xuyến hết mọi việc nhà, lo bươn chải từ việc nặng nhọc đến những việc nhẹ, để bảo đảm cuộc sống gia đình. Tuy vậy, bà cũng không sao lãng bổn phận của phụ nữ: “Gái thì giữ việc trong nhà, Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa.”

Canh cửi không quá nặng nhọc, nhưng tốn nhiều thời gian, phải thức khuya dậy sớm làm việc thì mới dệt được nhiều vải. Bà cứ dệt, cứ dệt… được kha khá lại cắt vải đem đi giao hàng. Hôm ấy, nếu tính theo lịch Makêđônia là ngày mồng bảy tháng Đystro, tương đương với tháng Ađar của lịch Do thái, tức khoảng tháng hai tháng ba theo lịch ngày nay, bà xén vải đem đi giao. Họ đã trả đủ tiền vải cho bà, rồi còn tặng bà một con dê con, để bà có thể làm một bữa ăn thịnh soạn đãi cả nhà.

Con dê đã được cột một sợi dây vào cổ để bà có thể dắt nó đi dễ dàng. Khi bà dắt dê về đến nhà, con dê không chịu vào, bà lôi mạnh, con dê kêu lên be be… Ông Tôbit nghe tiếng dê kêu, liền hỏi bà:

- Ở đâu mà bà có được con dê đấy? Hay là bà bắt được của ai, hãy mau đem trả cho chủ nó! Vì ta không được phép dùng những của không phải là của mình.

Bà Anna vui vẻ, hãnh diện khoe với chồng:

- Con dê này là quà người ta tặng cho tôi, sau khi họ đã trả đầy đủ tiền vải.

Ông Tôbit vẫn không tin, có ai lại tốt bụng quá vậy. Ông cứ nằng nặc đòi bà phải đem dê đi trả, vì ông cảm thấy xấu hổ khi có bà vợ đi bắt dê của người ta về...

Thế là ông bất bình vì không đồng ý kiến, nhưng với tài thuyết phục và sự ngay thẳng của bà Anna, thế nào ông Tôbit cũng hiểu. (x. Tb 2,19-23).

Dê cừu song đấu

Đọc sách tiên tri Đanien, ta thấy ngôn sứ này được thấy nhiều thị kiến. Bằng giọng văn khải huyền, ông đã thuật lại những thị khiến ấy để tuyên sấm về những việc sẽ xảy ra, hầu cảnh cáo người đương thời. Một trong những thị kiến ấy là cuộc song đấu giữa một con cừu đực và một con dê đực.

Năm thứ ba triều vua Bantasa, vua nước Babylon, lần thứ hai Đanien được thị kiến. Khung cảnh của thị kiến được xảy ra ở thành Susa, trong địa hạt Êlam, đế đô của triều đại Akêđêmit, trên bờ sông Ulai. Khi ngôn sứ ngước mắt lên nhìn thì thấy một con cừu đực đứng đối diện với bờ sông. Bằng một sức mạnh kinh hồn, con cừu húc tới phía Tây, lao lên phía Bắc, rồi nhào xuống phía Nam mà không ai có thể cản nổi nó.

Ngay lúc ấy, xuất hiện một con dê đực từ hướng mặt trời lặn xông tới, nó rảo khắp thiên hạ mà chân không chạm đất. Dê xồm ấy có một cái sừng lồ lộ ngay giữa hai con mắt. Nó hùng hổ xông tới chỗ con cừu đực, con dê nổi giận đùng đùng, lấy đầu phang cho con cừu một phát, làm gẫy luôn cặp sừng của con cừu. Cừu đực lảo đảo, không còn sức chống cự. Được đà, con dê tông thêm một phát nữa làm con cừu lăn chiêng xuống đất. Rồi cứ thế, con dê dùng chân đạp túi bụi vào con cừu… Dê tưởng mình còn sung sức, không ngờ cũng choáng váng, vì cái sừng duy nhất đã bị gẫy sau khi triệt hạ đối phương. Nhưng ngay sau đó bốn sừng khác mọc lên, theo bốn hướng gió trời, thay thế cho cái sừng dê bị gẫy đó.

Thị kiến trên của ngôn sứ Đanien là một lời sấm tiên báo những việc xảy ra sau đó giữa các vua trong các xứ Mêđi, Ba tư và Hy lạp. Ai muốn biết rõ hơn về thị kiến trên, xin mở sách Đanien đọc tiếp. (x. Đn 8, 1-27).

Dê trong thi ca Kinh Thánh

Các tổ phụ dân Do thái xưa đều thuộc dân du mục, công việc chăn nuôi vì thế đã đi vào Kinh Thánh, nên sách Thánh đã ghi lại những kinh nghiệm trong cuộc sống, giống như ca dao, tục ngữ nước ta, nhờ đó hậu sinh nương đà mà phát triển:

Khi cỏ khô đã cắt và cỏ non lại mọc,

cỏ xanh trên đồi núi cũng được gom về,

thì con có tiền tậu ruộng nhờ dê,

sữa dê con uống thỏa thuê,

cả nhà no đủ, nữ tì cũng vui.(Cn 27, 25-27).

Dê giúp phát triển kinh tế, tăng nhanh tài sản như thế, nên không những được các chàng trai chăn dắt mà các thiếu nữ cũng góp phần. Cô thiếu nữ Gialiêm xưa khi đi chăn dê, muốn biết người tình đang nghỉ ở đâu, nàng đã được hướng dẫn:

Này hỡi trang tuyệt thế giai nhân,

nếu quả nàng không biết,

thì hãy ra đi theo vết chân đàn cừu,

mà dẫn dê con của nàng đi ăn

quanh các lều mục tử… (Dc 1,8)

Khi đã đến lều người yêu, nàng ngủ một giấc đầy mộng mơ, khiến chàng không dám cho ai làm nàng dở dang giấc điệp:

Nhân danh dê cái nhân vì linh dương,

Chớ làm kinh động cô nương.(Dc 2, 7).

Nàng đã say sưa ngủ, một giấc ngủ đầy mộng mơ. Mơ nàng xinh mái tóc, mơ chàng bảnh trai cường tráng:

Tóc nàng gợn sóng như đàn sơn dương từ trên ngàn Galat tủa xuống. (Dc 4, 1) và nàng muốn nói cùng chàng:

Hãy làm linh dương, làm nai nhỏ của lòng em. (Dc 8, 14).

Nhưng có lúc dê núi cũng gặp tai ách:

Sẽ như linh dương hoảng chạy, như cừu dê không người thâu họp. (Is 13, 14).

Không có người chăn quy tụ, bầy chiên dê biến mất khỏi ràn, (Kb 3, 17). Quả thật, cả chiên dê nhỏ nhất cũng bị lôi đi. (Gr 49, 20). Đúng như lời nguyền rủa: Chớ gì lều và chiên dê của chúng bị người ta lấy đi. (Gr 49, 29).

Để dựng lại cơ nghiệp, phải nhớ lời khuyên: Hãy trốn khỏi Babylon, ra khỏi đất Canđê và nên như những con dê đầu đàn,(Gr 50, 8) đợi khi chúng sẽ dẫn chiên dê đến đó. (Xp 2, 7).

Được kỳ bình an, người ta lo tìm của lễ tạ ơn:

Phải chăng Đức Chúa thích từng ngàn dê đực, hàng vạn suối dầu ? (Mk 6,7). Chúa không ưa của lễ dê bò, của lễ mà Chúa yêu thích chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm cung trước Chúa.

Vua Đavit tuy là người chăn dê, nhưng biết thực hành các đức tính ấy. Ông đã lãnh nhận sức mạnh từ nơi Đức Chúa, dùng trành ném đá hạ sát Goliat, Đavit được ca tụng như giết được mười ngàn tên giặc, cho nên:

Ông chơi với sư tử như giỡn với dê tơ,

Đùa với gấu như vờn vờ chiên nhỏ. (Hc 47, 3).

Dê còn được dùng trong nghi lễ tế tự, xông lên Giavê Thiên Chúa hương thơm, xin ơn xá tội:

Con tiến dâng Ngài bò chiên dê béo tốt,

Làm lễ toàn thiêu nghi ngút bay lên. (Tv 66, 15).

Dê trong ngày chung thẩm

Trong mắt các ngôn sứ, dê thường đại diện cho những kẻ phản nghịch với Thiên Chúa, mang ý nghĩa trái ngược với con chiên. Vì thế các tiên tri thường mô tả dê trú ngụ tại những nơi nhơ nhớp, gai góc rậm rạp…Isaia đã chúc dữ cho thành Babylon, một thành biểu tượng cho nơi điếm đàng:

Tại đó dã thú đến nằm nghỉ,

Cú vọ ở đầy nhà, đà điểu tới trú ngụ,

Và bầy dê ma quái nhảy nhót tung tăng,(Is 13, 21).

Quả thật, những nơi Đức Chúa chúc dữ thì chỉ còn các thú hoang hung ác ẩn nấp, ở đó chúng tha hồ quẩng dỡn, kết bầy phá phách:

Mèo hoang lại gặp chó rừng,

Loài dê ma quái hú mừng gọi nhau.(Is 35, 14).

Dê bị chúc dữ thì sống chui lủi, có khi còn phải tán loạn lìa đàn, bấy giờ như sơn dương bị săn đuổi (Is 13,14). Con người ta thì trái lại, sống trên trần thế không thiếu chi những cảnh người lương thiện thường gặp tai ách đủ điều, còn kẻ gian manh lại thấy lắm sang giầu quyền thế. Tuy nhiên, niềm tin vào Chân lý cho chúng ta biết sẽ có ngày chung thẩm, dù chiên, dù dê cũng đều tập trung: mọi chiên dê của Kêda sẽ được tập trung tại nơi ngươi, (Is 58, 14) lúc ấy mọi người đều được xét xử công minh: Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê. (Ed 34, 17).

Cuộc thẩm xét cuối cùng được Thánh sử Matthêu mô tả:

Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái…(Mt 25, 31-33).

Ngày chung thẩm sẽ không còn phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ có quyền thế hay người vô danh tiểu tốt mà chỉ còn công hay tội, thiện và ác. Đừng tưởng làm lớn là không bị kết án, ngôn sứ Dacaria đã khẳng định:

Trên các mục tử, cơn giận của Ta bừng bừng,

Ta sẽ hỏi tội các dê đầu đàn.(Dcr 10, 3).

Tiên tri Giêrêmia đã cho biết sau khi xét xử, kẻ gian ác sẽ bị đưa đến chỗ trừng phạt đời đời kiếp kiếp:

Ta sẽ đẩy chúng xuống lò sát sinh như chiên con, như cừu và dê đực. (Gr 51, 40).

Cũng theo Giêrêmia, những người lành thánh được đem đến cõi trường sinh no đầy ơn phúc:

Chúng sẽ đến reo vui trên đỉnh đồi Sion,

Chúng sẽ cuộn chảy về với phúc lành Giavê

với lúa miến, rượu mới, dầu tươi, với dê cừu, bò bê.

Sinh mạng chúng sẽ như thửa vườn nước nhuận

và chúng sẽ không còn phải ủ ê tiêu điều. (Gr 31, 12).

Quý vị nào muốn đọc thêm những câu Kinh Thánh nói đến dê, xin tiếp tục mở thêm vì còn rải rác rất nhiều. Nhân ngày Đầu năm Mùi, kính chúc quý vị Năm Mới đầy tràn Thánh Đức, hầu ngày cánh chung được chọn sang đứng phía bên phải Con Người, để khỏi trở thành những con dê lặng lẽ lầm lũi cúi đầu bước đi sang phía bên trái Chúa.[]