Nữ văn sĩ nổi tiếng nước Pháp Marguerite Duras là người đã giúp thế giới nhìn Việt Nam bằng con mắt của “L’Amant” (Người tình – 1984) lãng mạn hơn hình ảnh “đất nước của chiến tranh”.
“Người phụ nữ của ngôn từ”
Marguerite Duras (1914-1996) sinh tại Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam) trong một gia đình người Pháp có cha là giáo sư toán. Ông mở đồn điền nhưng thất bại, lâm vào cảnh nợ nần và mất năm 1918. Mẹ của Duras là hiệu trưởng một trường ở thị xã Sa Đéc bên bờ sông Mekong. Sau khi chồng qua đời, bà ở vậy nuôi ba anh em Duras trong cảnh khốn khó.
Năm 18 tuổi, Duras rời xứ Đông Dương trở về quê mẹ theo học Luật và Chính trị học. Sau đó, bà làm thư ký tại Bộ Thuộc địa. Duras từng là một chiến sĩ cộng sản, từng hoạt động hết mình trong phong trào kháng chiến chống Đức Quốc xã hồi Thế chiến II. Sau đó bà chuyển sang viết văn.
Trong suốt cuộc đời, Marguerite Duras đã dùng ngôn ngữ để chuyển tải niềm đam mê và khao khát, nỗi đau và sự tuyệt vọng. Bà đã viết 51 cuốn tiểu thuyết, thực hiện 15 bộ phim cùng hàng chục vở kịch khác nhau, trở thành một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ 20 của nước Pháp.
Tiểu thuyết “L’Amant” (Người tình) của bà ra mắt năm 1984 tức khắc gây chấn động lớn, vùn vụt đạt tới số bán kỷ lục, sau đó được tặng giải Goncourt 1984 – giải thưởng văn học danh giá của Pháp, được dịch ra 43 thứ tiếng và được đạo diễn Jean-Jacques Annaud chuyển thể thành phim cùng tên vào năm 1990.
Bảy năm sau đó, Duras một lần nữa trở lại với câu chuyện tình yêu ám ảnh giữa cô bé người Pháp mới lớn với chàng thanh niên Trung Hoa qua tác phẩm “L’Amant De La Chine Du Nord” (Người tình Hoa Bắc – 1991). Nổi tiếng trong trò chơi thật giả với văn chương, không ai biết những cuốn tiểu thuyết của Duras có bao nhiêu phần trăm là tự truyện.
Một trong những đóng góp lớn của Marguerite Duras là bà đã lưu lại bằng tiếng Pháp một phần văn hóa Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Trả lời tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur về cuốn “L’Amant”, Duras nói: “Tôi không thể giải thích được rõ rệt tại sao, chỉ cảm thấy nơi chốn chào đời ấy, với tuổi nhỏ và tuổi trẻ tôi ở đó, càng về cuối đời càng trở thành một hiện tại sáng rỡ trong tôi, như đó là bản mệnh tôi, như chính phần đời xa thẳm ấy tạo ra tất cả những phần đời của tôi sau nó. Và điều lạ lùng, cuốn sách này còn như một vệt sáng, một cắt nghĩa cho tất cả những cuốn sách tôi đã viết ra”.
Tình yêu không có tuổi
Người tình cuối cùng trong cuộc đời Marguerite Duras là Yann Andréa (sinh năm 1952), kém bà tới 38 tuổi.
Họ gặp nhau lần đầu vào năm 1975 trong lần ra mắt bộ phim “India Song”, khi Duras lừng danh đã 61 tuổi còn chàng sinh viên khoa triết Yann Andréa mới 22. Trong 5 năm liền, chàng trai quê vùng Bretagne đã viết hàng trăm bức thư gửi nữ sĩ bày tỏ lòng khâm phục và ngưỡng mộ bà. May mắn thay, anh được bà hồi âm.
Một ngày tháng 7/1980, Andréa gọi điện xin được gặp mặt nữ sĩ, lúc đó đang nghỉ tại thành phố biển Trouville. Bà nói: “Hãy đến đây đi, chúng ta sẽ cùng nhau cụng ly”. Andréa nhớ lại: “Lúc đó tôi đang ở không xa Trouville nên đã đến đó ngay. Tôi và bà cùng uống với nhau một ly rượu và không rời xa bà nữa. Một ly rượu thôi mà có thời gian dài đến 16 năm cơ đấy”.
Mối tình say đắm, khập khiễng và tốn nhiều bút mực của công luận này từng được Duras nói đến với tất cả lòng say mê và biết ơn, như báu vật cuộc đời đã ban tặng cho bà. Một số tiểu thuyết của bà đã in dấu mối tình sâu đậm của hai người như “L’homme Atlantic” (Người đàn ông Đại Tây Dương), “Yann Andréa -Steiner”… Về phần mình, trong tác phẩm “Cet amour” (Tình yêu ấy), Andréa cũng đã dành tặng cho Duras những xúc cảm tươi mới và nồng nàn nhất.
Chênh nhau gần 40 tuổi, giữa hai người thường xảy ra nhiều sóng gió và xung đột. Yann Andréa kể, đôi khi Duras muốn coi ông là sở hữu riêng của mình, không muốn ông tiếp xúc hay quan hệ với người khác. Nhưng ông lại muốn có cuộc sống riêng.
“Sống với bà thật tuyệt vời nhưng cũng thật khó khăn. Văn chương chính là người thứ ba trong cuộc sống của chúng tôi, giúp chúng tôi gắn bó với nhau” – ông giãi bày.
Có thể coi giai đoạn yêu Yann Andréa là thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Marguerite Duras. Cần mẫn, ái mộ, Yann Andréa không chỉ là người tình của Marguerite Duras mà còn là thư ký, tài xế, y tá, nô lệ và là nơi để bà trút tức giận nữa. Chỉ đến khi Marguerite Duras qua đời, Andréa mới sực tỉnh và hiểu ra rằng, với tuổi tác chênh lệch như thế, Duras hoàn toàn có thể là bà nội của ông.
Nhưng từ khi gặp bà lần đầu cho đến lúc bà mất, ông dường như bị cuốn vào chốn mê cung của ái tình. Đã bao lần, vì không chịu nổi cái tính khí kỳ quặc của Duras, Andréa đã chạy trốn khỏi bà, nhưng rốt cuộc cũng vẫn quay trở lại bên bà.
Người tình tri kỷ
Mùa hè năm 1929, trên chuyến phà băng qua một nhánh sông Mekong để về Sài Gòn, một nữ sinh trung học 15 tuổi người Pháp tình cờ làm quen với một chàng công tử người Việt gốc Hoa, sống tại Sa Đéc. Người sau đó đã trở thành tình nhân của cô.
Mối quan hệ tình cảm này đã ghi lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn thiếu nữ và sau này trở thành nguồn cảm hứng cho ba tác phẩm văn học, làm nên tên tuổi Marguerite Duras.
Trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ cùng nhiều mối tình phóng túng nhưng tình yêu đầu luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng Duras. Duras từng nói: “Anh ấy làm cho những mối tình khác trong cuộc đời tôi đều bị lu mờ, kể cả những cuộc tình chính thức thành chồng thành vợ”.
Mối tình đầu đã ám ảnh bà cho đến tận những năm tháng cuối đời. Tiểu thuyết “L’Amant” ra mắt năm Duras đã 70 tuổi mà văn chương vẫn rạo rực như thuở thiếu thời.
Mấy năm sau, khi nghe tin người tình tri kỷ qua đời, tất cả những kỷ niệm nồng nàn cháy bỏng từ thời thanh xuân lại ùa về nguyên sơ khao khát trong bà.
Trong “L’Amant De La Chine Du Nord”, bà viết: “Tôi được biết anh ấy đã qua đời. Đó là vào tháng 5/1990, cách đây một năm. Tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến sự ra đi của anh ấy. Người ta còn nói với tôi rằng anh được an táng tại Sa Đéc, rằng ngôi nhà màu xanh vẫn luôn ở chỗ đó, nơi gia đình và con cái anh ấy cư ngụ… Tôi viết cuốn truyện này trong niềm hạnh phúc điên dại. Tôi đắm chìm vào cuốn tiểu thuyết một năm, giam mình trong năm đó cùng với tình yêu giữa người đàn ông Trung Hoa và cô bé. Tôi không đi xa hơn chuyến khởi hành của con tàu, nghĩa là chuyến ra đi của cô bé. Tôi đã không hình dung ra được người đàn ông Trung Hoa lại có thể ra đi, sự ra đi của thân thể, làn da, đôi bàn tay anh. Trong suốt một năm, tôi đã thấy lại cái độ tuổi khi mình đi qua dòng Mekong trên chuyến phà từ Vĩnh Long”.
Và Duras nhận ra rằng, bà đã mãi mãi để lại trái tim tuổi thanh xuân của mình ở mảnh đất Sa Đéc…
Thanh Hải chuyển
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire