lundi 13 avril 2015

Cuộc đời và sự nghiệp của Hillary Clinton

Từ một luật sư danh tiếng, bà Hillary Clinton trở thành phu nhân thống đốc bang rồi bà chủ Nhà Trắng trước khi trở lại đường đua, tranh chức tổng thống Mỹ năm 2016.
 
Bà Hillary, tên khai sinh đầy đủ là Hillary Diane Rodham, chào đời năm 1947 ở thành phố Chicago, bang Illinois trong một gia đình có ba chị em. Sau bà là hai em trai. Ngày trẻ, Hillary say mê các môn thể thao như trượt băng, quần vợt, ba lê, bóng chuyền và bóng ném. Ảnh chụp Hillary những năm 1960 khi bà còn là một thiếu nữ. Ảnh: Everett Collection/Rex Features.
 
 
Năm 1969, Hillary học trường luật thuộc Đại học Yale sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân danh dự chuyên ngành khoa học chính trị của Đại học Wellesley. Ảnh: Sky News.
 
 
Hillary Rodham và Bill Clinton gặp nhau tại Đại học Yale khi cả hai là sinh viên ở đây. Năm 1975, hai người kết hôn và chuyển về bang Arkansas sống khi Bill xúc tiến chiến dịch vận động tranh cử vào quốc hội Mỹ. Trong thời gian này, Hillary làm việc cho một công ty luật chuyên đảm nhận các vụ án về quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: Guardian.
 
 
Bà trở thành phu nhân thống đốc bang Arkansas năm 1978. Chelsea, con gái duy nhất của vợ chồng bà, chào đời hai năm sau đó. Ảnh: Donald R. Broyles/AP.
 
 
Ông Bill Clinton tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 42 của Mỹ năm 1993. Phu nhân Hillary trở thành bà chủ Nhà Trắng đầu tiên có học vị thạc sĩ, cũng như thành công trong nghề nghiệp chuyên môn. Ảnh: Sky News.
 
 
Biểu cảm của phu nhân Hillary và con gái Chelsea lúc trông thấy nhiếp ảnh gia bị ngã khi đang chụp ở phía trước ngôi đền tình yêu nổi tiếng Taj Mahal ở Ấn Độ tháng 3/1995.
 
 
Năm 1998, gia đình Clinton trở thành mục tiêu của công luận khi tổng thống thừa nhận có quan hệ tình ái với nữ thực tập sinh Nhà Trắng, Monica Lewinsky. Lúc đầu, bà Hillary cho rằng những cáo buộc chống lại chồng bà đến từ "âm mưu của cánh hữu". Sau khi có chứng cớ rõ ràng, bà bày tỏ vững tin vào sự bền vững của hôn nhân với chồng. Về sau, cả hai thú nhận trong hồi ký đó là thời kỳ khó khăn và nhiều đau đớn.
Trong ảnh, gia đình Clinton rời Nhà Trắng đi nghỉ tháng 8/1998. Ảnh: Sky News.
 
 
Năm 2000, bà Hillary giành ghế đại diện cho New York tại thượng viện Mỹ. Khi quyết định chạy đua vào thượng viện, bà dọn về sống ở New York và là đệ nhất phu nhân Mỹ đầu tiên tranh cử một chức vụ dân cử. Ảnh: Kathy Willens/AP.
 
 
Bà Hillary tỏ ra quan tâm đến chiếc ghế tổng thống. Năm 2007, bà thành lập ủy ban thăm dò để ứng cử tổng thống và luôn dẫn đầu trong giai đoạn đầu của chặng đua giành đề cử từ đảng Dân chủ. Theo sau bà là thượng nghị sĩ Barack Obama, đại diện bang Illinois, và cựu thượng nghị sĩ John Edwards đến từ Bắc Carolina. Tuy nhiên sau đó, bà thất bại trước ông Obama khi không có đủ số phiếu cần thiết. Bà tuyên bố chấm dứt cuộc vận động tranh cử và ủng hộ ông Obama. Ảnh: Matt Campbell/EPA.
 
 
Tháng 12/2008, Tổng thống mới đắc cử Barack Obama cho biết ông sẽ đề cử bà Hillary Clinton làm ngoại trưởng Mỹ khi ông nhậm chức vào năm sau. Tháng 1/2009, bà Hillary được thượng viện phê chuẩn và trở thành Ngoại trưởng thứ 67 của nước này. Trong ảnh, ông Bill Clinton và con gái Chelsea có mặt trong lễ nhậm chức của bà Hillary. Ảnh: Sky News.
 
 
Vợ chồng bà Hillary hạnh phúc trong lễ cưới của con gái năm 2010. Chelsea Clinton kết hôn với nhân viên ngân hàng Marc Mezvinsky và đón con gái đầu lòng tháng 9/2014. Ảnh: Barbara Kinney/AFP.
 
 
Bà Hillary từ chức Ngoại trưởng Mỹ vào tháng 2/2013. Người kế nhiệm bà là thượng nghị sĩ John Kerry. Ảnh: Robyn Beck/AFP.
 
 
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ hôm qua không tổ chức họp báo lớn mà đăng tuyên bố chính thức trở lại đường đua vào Nhà Trắng trên trang cá nhân. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2016, bà Clinton sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Ảnh: Sky News.
 
Bình Minh

samedi 11 avril 2015

NHẠC CUỐI TUẦN

NHẠC CUỐI TUẦN

Mời quí thân hữu thưởng thức 4 PLAYLISTS rất hay, đã được hàng trăm
ngàn người truy cập, và nếu có thể mời quí vị đọc một ít LỜI HAY Ý ĐẸP
trong số nhiều, thật nhiều LỜI HAY Ý ĐẸP khác mà tôi đã nhận được
trong những ngày qua

Xin chân thành cảm tạ những thân hữu đã viết hoặc muốn viết thư cho tôi
TRẦN NĂNG PHÙNG


*********4 MOST-WATCHED PLAYLISTS**********************

1) CA SĨ NGOC LAN (383.600 views)

https://www.youtube.com/playlist?list=PLBF9259E528568D7F

 


2)NHAC SĨ TRINH CÔNG SƠN (246,000 views)

https://www.youtube.com/playlist?list=PLE2453F3F59F25F60

3) CA SĨ VŨ KHANH (245,770 views)

https://www.youtube.com/playlist?list=PL65DDD21D34746068

4) CA SĨ NHƯ QUỲNH (218,100 views)

https://www.youtube.com/playlist?list=PL59D4734819447617

vendredi 10 avril 2015

SV Gốc Việt Chế Ra Tủ Lạnh Khỏi Xài Điện, Giữ Lạnh 12 Giờ



BOSTON -- Tuổi trẻ gốc Việt tuyệt vời: một sinh viên gốc Việt đã chế tạo ra kiểu tủ lạnh không cần điện, và hy vọng phát minh này sẽ cải thiện đời sống của 1 tỷ người.
Bản tin CNN cho biết Quang Trương, một sinh viên MIT, suy nghĩ về số lượng rau quả bị hư thối vì nóng của nông dân các nước nghèo.

Tại các nước đang phát triển, khoảng 470 triệu nông trại nhỏ mất trung bình 15% thu nhập vì thực phẩm bị hư thối.

Vấn đề là tủ lạnh. Điện thì đắt giá, điện cũng bất thường trồi sụt, làm tủ lạnh có khi trở thành một khối sắt vô dụng.

Trương cùng với Spencer Taylor thiết lập Evaptainers, một công ty vì lợi nhuận bản doanh ở Boston.

Máy lạnh anh chế ra chỉ chạy bằng mặt trời và nước.

Hơi nóng từ trong tủ Evatainers bị hút ra các tấm aluminium dẫn nhiệt cao, các tấm này nối với loaị vải đặc biệt được giữ ẩm, và thế là bên trong tự nhiên mát lạnh.

Máy lạnh này cần 6 lít nước để chạy, và giữ lạnh đươc 12 giờ đồng hồ.

Tủ lạnh này sẽ bán giá từ 10 đôla tới 20 đôla, có sức chứa dung lượng 60 lít rau.


Cụ thể tủ lạnh này chứa khoảng 150 quả cà chua lớn.


L.Hoa sưu tầm

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH


GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHC SINH


Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật II Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra.  Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:

 
1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian.  Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau.  Người xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người.  Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới.  Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài.  Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp.  Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo.  Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài.  Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian.  Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya.  Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng.  Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày.  Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối.  Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt.  Không có thời gian nào Người không ở bên ta.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định.  Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.  Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá.  Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa.  Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi.  Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.


2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dậy niềm bình an, tin tưởng.


Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: “Bình an cho các con.  Người còn thổi hơi vào các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.


Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo.  Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình.  Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước.  Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.


Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình.  Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần.  Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến.  Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.


3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.

Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ.  Các môn đệ tuyệt vọng.  Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường.  Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy.  Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi.  Đức Kitô là linh hồn của họ.  Linh hồn đã ra đi.  Xác sống sao được.

Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.


4. Cảm nghiệm cuối cùng là Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.

Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ.  Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời.  Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó.  Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống.  Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bất chấp trời đã tối đen.  Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh.  Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.


Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.


Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh.  Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng.  Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ.  Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng.  Như Thánh Phaolô sau này đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.


Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta.  Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.


Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.

Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời.  Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú mẹ.  Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách.  Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ.  Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường.  Người ở bên những cuộc đời bế tắc không lối thoát.

Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người.  Hãy khao khát đón chờ Người.  Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người.  Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào.  Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.

Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn.  Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.


TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
P.Anh -NNga sưu tầm

Kumbhalgarh - Vạn Lý Trường Thành của Ấn Độ


Nằm phía tây Ấn Độ, pháo đài Kumbhalgarh là thành trì quan trọng thứ hai dưới triều đại Mewar, được xây dựng từ thế kỷ 15 và mất cả trăm năm để hoàn thành.


 
Nằm gọn trong phạm vi vùng núi Aravali và bao quanh bởi 13 đỉnh núi cao, công trình này được xây dựng từ thế kỷ 15 bởi Maharana Kumbha và là một trong 32 pháo đài do hoàng tộc Rajput của vương quốc Mewar xây dựng. Nó nằm cách thành phố Udaipur 84 km về phía bắc, ở bang Rajasthan.
 
Các pháo đài được bao quanh bởi một bức tường có chu vi dài 36 km, và chiều rộng thay đổi từ 4,5 đến 7,6m. 
 
Tài liệu cổ ghi rằng 8 con ngựa vừa đủ để có thể đi cạnh nhau trên tường thành.
 
Những bức tường khổng lồ tại Kumbhalgarh mất gần một thế kỷ để xây dựng, rất kiên cố và bất khả xâm phạm. Nhiều người gọi Kumbhalgarh với cái tên trìu mến như Vạn Lý Trường Thành ở Ấn Độ.
 
Khu thành trì này tự hào có 7 cổng lớn và 7 thành lũy kéo dài thẳng tắp, được bao quanh bởi các pháo đài và tòa tháp canh vĩ đại. Bên trong các bức tường thành lớn ấy là 360 đền thờ và cung điện tráng lệ thờ các vị thần Hindu và Phật được đặt trên đỉnh cao mang tên "Badal Mahal" hay "Cung điện trên mây". Đứng trên đỉnh, bạn dễ dàng phóng tầm mắt ra xa hàng cây số ngắm nhìn dãy núi Aravalli uốn lượn ngoạn mục và các cồn cát cao của sa mạc Thar.
 
Truyền thuyết kể rằng Maharana Kumbha phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi xây dựng các pháo đài. Lúc đó, một vị pháp sư đã phán rằng, chỉ khi có sự hy sinh tự nguyện của con người thì việc xây dựng mới diễn ra thuận lợi. Cuối cùng, có một người tình nguyện và ngôi đền được xây dựng ở nơi đầu và máu người ấy đã rơi. Ngày nay, ngôi đền thờ của người tình nguyện viên vô danh có thể tìm thấy ở gần cổng chính của tường thành.
 
Theo những câu chuyện dân gian kể lại, Maharana Kumbha từng thắp những ngọn đèn lớn có sức tiêu thụ 50 kg bơ sữa trâu lỏng và hàng trăm kg bông để cung cấp ánh sáng cho những người nông dân làm việc suốt đêm trên thung lũng. 
 
Vào những thời khắc nguy hiểm, khu thành trì này trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các đế chế cai trị của vương triều Mewar. 
 
Đây cũng là nơi người chiến binh vĩ đại Maharana Pratap được sinh ra và đào tạo.
 
Các pháo đài là nơi chỉ đạo các cuộc tấn công và trong lịch sử nó từng bị thất bại một lần khi kẻ phản bội đầu độc nguồn nước bên trong thành, để vua Mughal Akbar và các lực lượng từ Delhi, Amer, Gujarat, và Marwar dễ dàng thâm nhập, phá phỡ tuyến phòng ngự kiên cố của vương triều Mewar.

Xuân Lộc (Theo Amusing Planet)
TL sưu tầm 

jeudi 9 avril 2015

Sài Gòn và Tuổi Thơ của Tôi - Trần Mộng Tú

Tôi xa quê hương ở vào tuổi không quá trẻ dại để dễ quên và cũng không quá già để chỉ dành toàn thời giờ cho một điều mất mát, rồi đau đớn. Tôi ở vào tuổi mà khi bước đến vùng đất mới, đời sống đã như lôi tôi đi trong một cơn lốc trên những con đường khác nhau trước mặt, hầu như không ngưng nghỉ. Tôi chóng mặt, nhưng tôi vẫn biết tôi là ai và tôi ở đâu trên quê người, nên những lúc tôi phải ngưng lại để thở là những lúc hồn quê nôn nao thức dậy trong tôi.
Mỗi lần nhớ đến quê nhà là nhớ đến Sài Gòn trước tiên. Sài Gòn không phải là phần đất dành riêng cho người miền Nam nữa, đối với người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, người Trung chạy giặc Cộng năm 1968 thì Sài Gòn chính là phần đất quê nhà đáng nhớ nhất.

Tôi lớn lên, sống cả một thời niên thiếu ở Sài Gòn. Đi học, dậy thì, yêu đương, mơ mộng, làm việc, lấy chồng, khóc, cười, rồi chia ly với Sài Gòn.



Bên hông nhà thờ Đức Bà Saigon


Tôi nhớ lại hồi bé theo bố mẹ di cư vào Sài Gòn. Ba tôi làm việc ở Nha Địa Chánh, nên từ những căn lều bạt trong trại tiếp cư Tân Sơn Nhất, gia đình tôi được dọn vào ở tạm một khu nhà ngang trong sở của Ba ở số 68 đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng) sau lưng Bưu Điện. Tôi đi học, đi bộ băng qua hai con đường là tới trường Hòa Bình, bên hông nhà thờ Đức Bà. Tôi vào lớp Ba. Ngày đầu tiên cắp sách đến lớp, ma sơ dĩ nhiên là người Nam, hồi đó còn mặc áo dòng trắng, đội lúp đen. Sơ đọc chính (chánh) tả:
Hoa hường phết (phết là dấu phẩy)
Cái tai của con bé con Bắc kỳ không quen với phát âm miền Nam nên “hoa hường” thành “qua tường” và phết thành một chữ nữa. tôi viết: Qua tường phết.
Bài chính tả dài một trang của tôi chắc chắn là ăn một con số 0 mầu đỏ to tướng vì nguyên bài bị gạch xóa bằng mực đỏ lè. Tôi như một người ngoại quốc nghe tiếng Việt. Nhưng tôi học thuộc lòng trong sách thì giỏi và thuộc nhanh lắm. Khi khảo bài tôi được điểm tốt, mặc dù bạn học chung lớp khó hiểu con nhỏ Bắc kỳ đọc cái gì. Ma sơ cứ nhìn sách, nghe tôi đọc làu làu, biết là tôi có thuộc bài. Tôi nhớ một bài học thuộc lòng về thành phố Sài Gòn như thế này:

Sài Gòn vòi nước bùng binh
Này bảng báo hiệu này vòng chỉ tên
Trụ đèn, giây thép, tượng hình
Lính canh, cảnh sát giữ gìn công an
Mặc dầu đường rộng thênh thang
Ngựa xe đi lại luật hành phải thông
Mặc dầu đường rộng mênh mông
Mũi tên chỉ rõ bảng trông dễ tìm
Trần Hưng, Lê Lợi, Chu Trinh…

Trần Hưng là đường Trần Hưng Đạo, Chu Trinh là đường Phan Chu Trinh, viết tắt trong bài học thuộc lòng. Từ bài học đó, tôi hiểu được hai chữ “bùng binh” là gì.


Ngôi trường đó tôi chỉ học hết lớp ba. Sau đó Ba Mẹ tôi tìm được nhà ở bên Thị Nghè, tôi được đi học lớp nhì, lớp nhất ở trường Thạnh Mỹ Tây, có rất nhiều bạn cũng Bắc kỳ di cư như tôi.

Kỷ niệm về Sài Gòn tôi nhớ nhất là lần đầu tiên con bé Bắc kỳ tròn xoe mắt, nhìn thấy đồng bạc xé làm hai, nếu chỉ muốn tiêu một nửa. Mua cái bánh, gói kẹo nào cũng chỉ xé hai đồng bạc. Xé rất tự nhiên, tiền mới hay tiền cũ gì cũng xé. Người mua xé, mua; người bán xé để trả (thối) lại. Tôi đã biết bao lần, vào những buổi tối mùa hè, mẹ cho một đồng, hai chị em mua ngô (bắp) nướng của người đàn bà, ngồi dưới chân cột đèn điện trước cửa sở Địa Chánh với cái lò than nhỏ xíu, bán bắp nướng quẹt hành mỡ. Dưới ánh sáng hắt lờ mờ của bóng đèn từ trên cao xuống, cái lò than nhỏ xíu, thơm lừng mùi bắp non. Gọi là lò, thực sự chỉ có mấy cục than hồng để trong một miếng sắt cong cong, bên trên có cái vỉ bằng giây thép, rối tung, những cái bắp được xếp lên đó, mà bà bán hàng trở qua, lật lại. Đôi khi cũng là một cái lò gạch nhỏ đã vỡ, mẻ mất mấy miếng rồi, không thể kê nồi trên đó, bà hàng mang ra để nướng bắp. Hai chị em đứng líu ríu vào nhau (anh và chị lớn không tham dự vào những sinh hoạt của hai đứa em nhỏ này), cầm tờ giấy bạc một đồng, đưa ra.

Tôi luôn luôn ngần ngừ không dám xé, đưa cho bà bán hàng; bà cầm lấy, xé toạc làm hai, khi tôi chỉ mua một cái bắp. Bà đưa phần nửa tiền còn lại để chúng tôi có thể cất đi, tối mai lại ra mua bắp nữa. Mỗi lần thấy đồng bạc bị xé, tuy không phát ra tiếng động, tôi cũng giật mình đánh thót một cái như nghe thấy đồng bạc của mình bị bể hay bị gẫy. Cảm tưởng như mất luôn cả phần tiền đưa ra và phần giữ lại. Phải mất bao nhiêu lần nhìn đồng tiền bị xé mới quen mắt cái hình ảnh “Đồng bạc xé hai” này và tin là nửa kia vẫn dùng mua bán được.
Bẻ cái bắp làm đôi, tôi với em tôi chia nhau. Ngon ơi là ngon! Bắp dẻo, thơm mùi lửa than, thơm mùi hành mỡ. Chị em tôi ăn dè xẻn từng hạt bắp một. Ăn xong chúng tôi dắt nhau đi tìm ve sầu ở những thân cây me trong bóng tối. Buổi tối ve sầu mùa hạ, chui ở đất lên, bò lên các thân me, lột xác. Chúng tôi bắt những con chưa kịp lột cho vào cái hộp (không) bánh bích quy đã mang theo sẵn. Đó là những con ve mới ngơ ngác bò lên khỏi mặt đất, mang về nhà. Thuở thơ dại những trò chơi này là cả một thế giới thơ mộng và đầy hấp dẫn. Chị em tôi mang hộp ve sầu vào giường ngủ, ban đêm những con ve này sẽ chui ra bò lên màn, lột xác. Đêm chúng tôi đi vào giấc ngủ, thì ve chui ra, lột xác xong bỏ lại những vệt dài nhựa thâm đen trên những cánh màn tuyn trắng toát. Khi chúng tôi thức dậy nhìn thấy, chưa kịp dụi mắt tìm mấy con ve, đã thấy mẹ đứng ở ngoài màn với cái chổi phất trần trên tay. Chúng tôi chưa bị roi nào thì đã có bố đứng bên, gỡ cái chổi ở tay mẹ mang đi, trong lúc những cái lông gà trên chổi còn đang ngơ ngác.

Sài Gòn còn cho tuổi thơ của chúng tôi biết thế nào là cái ngọt ngào, thơm, mát của nước đá nhận. Trong sân trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây, tôi được ăn cái đá nhận đầy mầu sắc đầu tiên. Một khối nước đá nhỏ, đặt trên một lưỡi dao bào, bào vào cái ly bên dưới, khi đầy ly, ông bán hàng ấn (nhận) nước đá ép xuống, đổ ngược ly lại, lấy cái khối nước đá xôm xốp, có hình dáng cái ly ra. Rắc si-rô xanh đỏ, có khi còn có mầu vàng và mầu xanh lá cây với vị bạc hà nữa. Gọi là nước đá nhận. Học trò trẻ con, bạn thân, sung sướng chia nhau ở sân trường, mỗi đứa mút một cái, chuyền tay nhau. Nước đá nhận, bánh kẹo ở sân trường trong những giờ ra chơi đều được mua bằng đồng bạc xé hai này.



Ba tôi bảo cầm đồng tiền xé hai một cách tự nhiên như thế quả là một điều rất dung dị, xuề xòa, dễ dãi mà chỉ người miền Nam mới có được. Xé tiền mà như xé một tờ giấy gói hàng, giấy gói bánh, như xé một tờ báo. Mảnh xé ra có giá trị lúc đó, mảnh còn lại cũng vẫn còn giá trị sau này. Người Hà Nội cầm tờ giấy bạc rách, thì vuốt cho thẳng thắn lại, có khi lấy hạt cơm dẻo miết lên chỗ rách cho dính vào nhau, rồi cẩn thận gấp lại trước khi cho vào túi. Một thời gian sau, tiền không xé nữa, được thay bằng đồng bạc 50 su bằng nhôm, hình tròn, một mặt có hình tổng thống Ngô Đình Diệm, mặt sau là hình khóm trúc. (Biểu hiệu cho: Tiết Trực Tâm Hư)
Cuộc di cư 1954 đó giúp cho người Việt hai miền Nam, Bắc hiểu nhau hơn. Người Bắc sống và lớn lên ở Sài Gòn ở thế hệ chúng tôi học được cái đơn sơ, chân phương của người miền Nam và ngược lại những bạn học người Nam của tôi cũng học được cách ý tứ, lễ phép (đôi khi đến cầu kỳ) của người miền Bắc. Tôi đã được nghe một người miền Nam nói: Sau 1975 thì chỉ có những người Bắc di cư 54 là đồng bào của người miền Nam mà thôi. Hóa ra những người Bắc sau này ở ngoài cái bọc (đồng bào) của bà Âu Cơ hay sao? Nếu thật sự như thế thì thật đáng buồn!


 

Sài Gòn đầu thập niên sáu mươi vẫn còn có xe ngựa, đưa những bà mẹ đi chợ. Người xà ích lúc đó chưa biết sợ hãi trên những con đường còn mù sương buổi sáng. Tiếng lóc cóc của móng ngựa chạm xuống mặt đường như đánh thức một bình minh. Tôi nhớ có chỗ gọi là Bến Tắm Ngựa, mỗi lần đi qua, hôi lắm. Sau vài mươi năm xe thổ mộ ở Sài Gòn không còn nữa, chỉ còn ở lục tỉnh.


xích lô máy

Sài Gòn với xích lô đạp, xích lô máy, taxi, vespa, lambretta, velo, mobilette là những phương tiện di chuyển mang theo đầy nỗi nhớ. Kỷ niệm thơ mộng của một thời trẻ dại, hương hoa và nước mắt. Sài gòn với những cơn mưa ập xuống thình lình vào tháng năm tháng sáu, tiếng mưa khua vang trên những mái tôn, tắm đẫm những hàng me già, ướt sũng những lối đi vào ngõ nhà ai, Sài Gòn với mùa hè đỏ rực hoa phượng vĩ in xuống vạt áo học trò, với những hoa nắng loang loang trên vai áo bà ba của những bà mẹ là những mảng ký ức ngọt ngào trong tâm của chúng tôi.


Velo solex

Mỗi tuổi đời của tôi đi qua như những hạt nắng vàng rắc xuống trên những hàng me bên đường, như mưa đầu mùa rụng xuống trên những chùm hoa bông giấy. Những tên đường quen thuộc, mỗi con phố đều nhắc nhở một kỷ niệm với người thân, với bạn bè. Chỉ cần cái tên phố gọi lên ta đã thấy ngay một hình ảnh đi cùng với nó, thấy một khuôn mặt, nghe được tiếng cười, hay một mẩu chuyện rất cũ, kể lại đã nhiều lần vẫn mới. Ngay cả vệ đường, chỉ một cái bước hụt cũng nhắc ta nhớ đến một bàn tay đã đưa ra cho ta níu lại.


Mía ghim

Âm thanh của những tiếng động hàng ngày, như tiếng chuông nhà thờ buổi sáng, tiếng xe rồ của một chiếc xích lô máy, tiếng rao của người bán hàng rong, tiếng chuông leng keng của người bán cà rem, tiếng gọi nhau ơi ới trong những con hẻm, tiếng mua bán xôn xao khi đi qua cửa chợ, vẻ im ắng thơ mộng của một con đường vắng sau cơn mưa… làm nên một Sài Gòn bềnh bồng trong nỗi nhớ.
Sài Gòn mỗi tháng, mỗi năm, dần dần đổi khác. Chúng tôi lớn lên, đi qua thời kỳ tiểu học, vào trung học thì chiến tranh bắt đầu thấp thoáng sau cánh cửa nhà trường. Đã có những bạn trai thi rớt Tú Tài phải nhập ngũ. Những giọt nước mắt đã rơi xuống sân trường. Sau đó, với ngày biểu tình, với đêm giới nghiêm, với vòng kẽm gai, với hỏa châu vụt bay lên, vụt rơi xuống, tắt nhanh, như tương lai của cả một thế hệ lớn lên giữa chiến tranh.


 

Sài Gòn như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhớ lại, vẫn hiện ra như một vệt son còn chói đỏ. Sài Gòn như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống.
Sài Gòn khi đổi chủ chẳng khác nào như một bức tranh bị lật ngược, muốn xem cứ phải cong người, uốn cổ ngược với thân, nên không còn đoán ra được hình ảnh trung thực nguyên thủy của bức tranh.
Sài Gòn bây giờ trở lại, thấy mình trở thành một du khách trên một xứ sở hoàn toàn lạ lẫm. Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.


Trần Mộng Tú
Nguồn

mardi 7 avril 2015

NIỀM VUI PHỤC SINH

NIỀM VUI PHỤC SINH

Những ngày u ám đã qua.  Những đòn roi, tiếng hò hét đòi đóng đinh, những tranh luận gay gắt, tiếng chửi rủa, sỉ vả, tiếng búa chan chát, những giọt máu, vòng gai… chỉ qua một đêm là đã trở thành dĩ vãng.  Người thỏa mãn với quyền lực của mình thì vui tươi vì đã loại trừ được một cái gai trong mắt. Người sợ hãi thì giam mình trong những gian phòng tối.  Những cao trào hay ồn ào của sự kiện một người nổi tiếng bị đóng đinh cũng qua đi.  Mọi người lại trở về với cuộc sống bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy đến.  Lịch sử của cuộc đời Giêsu tưởng là đã chấm hết với những khăn liệm và ngôi mộ lạnh lẽo thê lương.  Ai ngờ, chính từ nơi cõi chết ấy, Thiên Chúa đã biểu dương quyền năng của Người.  Từ lòng đất âm u, Người đã cho bừng dậy muôn nơi những phúc ân rạng rỡ.

http://l.yimg.com/g/images/spaceout.gifSáng sớm hôm ấy, có một số người phụ nữ yêu mến Giêsu lặn lội chạy ra mồ khi trời còn chưa tỏ.  Trên đường đi, các bà còn lo lắng không biết phải đẩy tảng đá lấp mồ như thế nào, để có thể vào trong xức dầu thơm cho xác Chúa.  Trong nhãn quan của các bà, rõ ràng là Giêsu đã chết.  Nhưng vừa ra đến mồ, các bà kinh hãi vì tảng đá đã được dịch sang chỗ khác.  Lại còn có các Thiên Sứ sáng chói ánh hào quang cho biết là Đức Giêsu đã sống lại rồi.  Các bà vội chạy về báo cho các môn đệ.  Hai ông Phêrô và Gioan cũng vội vã chạy ra và chứng thực những gì mà các bà kể lại.  Bà Maria Madalena chưa kịp hoàn hồn, cứ ngỡ ai đánh cắp xác của Thầy mang đi.  Bà đứng đó mà khóc.  Sau khi được tiếng gọi của Đức Giêsu lay động, bà vui mừng hớn hở, chạy về loan tin khắp nơi.  Một niềm vui khác hẳn chợt bừng lên trong bà và những ai chứng kiến, một niềm vui có âm vị chưa từng có trong đời.  Niềm vui ấy là niềm vui do cảm nghiệm được sự sống thần linh, niềm vui được cảm nếm trước hạnh phúc Thiên Đàng, nếm được một sự sống thật, sự sống của chính Thiên Chúa.


Sự kiện Chúa chết và sống lại đã xảy ra cách đây khá lâu xét về mặt lịch sử.  Nhưng ơn phục sinh của Ngài vẫn luôn có đó và tuôn tràn khắp nơi, trong con tim và khối óc của mỗi người.  Có một hạt giống bị chôn vùi vào lòng đất, nay trổ sinh thành một chồi non mơn mởn, chứa đựng bên trong bao sức sống khác.  Mùa đông đã qua đi, mùa xuân đến kéo theo muôn chim vui ca hót tưng bừng, ngàn hoa đua nhau khoe sắc.  Xã hội có thể có những lúc khủng hoảng, nhưng rồi mọi chuyện cũng tốt lên.  Cuộc sống của chúng ta có thể có những khoảng thời gian u ám, tưởng như không sao vượt qua được, nhưng rồi một tia hy vọng chợt đến, giúp ta lấy lại thế quân bình, và tiếp tục sống những ngày tháng vui và hạnh phúc.  Thánh Thần chưa bao giờ thôi hoạt động.  Những sự sống mới lúc nào cũng nảy sinh.  Nơi góc đá khô cằn bên sườn núi, ta vẫn thấy có những cành hoa dại cố gắng vươn ra.  Nơi những triền dốc chơ vơ giữa trời, thấp thoáng vẫn có nhành cây nhỏ uốn mình theo gió.  Nơi sa mạc khô cháy và hoang vu, vẫn có những ốc đảo xanh rì rợp bóng mát.  Những dấu hiệu tự nhiên như thế cũng tỏ lộ phần nào quyền năng mãnh liệt của Thiên Chúa vượt lên trên sự chết rợn người.

Sự phục sinh của Giêsu cho chúng ta thấy những gì mà trước kia Ngài nói với chúng ta không sai chút nào.  Rằng nếu con người chịu chết đi cho những lụy tục của mình, con người sẽ được sống.  Rằng muốn đi đến vinh quang, con người phải đi qua thập giá.  Rằng niềm tin và tình yêu sẽ chiến thắng tất cả.  Rằng quyền năng của Thiên Chúa là vô đối vô song.  Rằng chỉ cần ta một lòng tín thác vào Chúa và vâng nghe Lời Người thì Người sẽ cho ta thấy Người tuyệt diệu biết bao khi dẫn ta qua những màn đêm của chết chóc.  Dẫu có khi đứng trước những hy sinh, ta có phần sợ hãi, buồn phiền, thậm chí là chùn chân, nhưng nếu ta tiếp tục tín thác và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp trong tay Chúa, ta sẽ được Người thưởng công bội hậu.

Để có thể trở thành một con bướm xinh, con sâu phải chịu đau đớn chui ra khỏi cái kén.  Để có thể trở thành một con chim sải cánh giữa trời bao la, những mệt mỏi khi cố gắng thoát ra khỏi cái vỏ là điều không thể tránh đối với nó.  Thành công nào cũng đòi phải có hy sinh.  Phục sinh nào cũng đòi phải bước qua thập giá.  Ước gì Chúa Phục Sinh ban thêm sức cho chúng ta, để chúng ta dám vượt thắng con người ù lì và nhát đảm của mình, dám hy sinh vì công lý, vì đạo nghĩa, vì Đức Kitô ngõ hầu chúng ta có thể được cùng Người sống lại trong vinh quang.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ