vendredi 7 août 2015

DÂN SỐ VIỆT-NAM SỐNG Ở HẢI NGOẠI VÀ HOA-KỲ

DÂN SỐ VIỆT-NAM SỐNG Ở HẢI NGOẠI VÀ HOA-KỲ


30-4-1975 là ngày khởi điểm dân tỵ nạn Việt Nam bỏ nước ra đi khắp thế giới để sinh sống. Đây là bảng thống kê dân số người Việt sống ở các quốc gia hải ngoại (trên 20,000 dân):
(dấu chấm, phẩy trong con số của Mỹ ngược lại hẳn của mình: phẩy là chấm, chấm là phẩy):  


Quốc gia
Dân số người Việt
1
Hoa Kỳ
1,799,632  (2010)
2
Cam-Bốt
   600,000  (2011)
3
Pháp
   300,000  (2012)
4
Taiwan
200,000  - 400,000
5
Úc
   210,810  (2010)
6
Canada
   157,450  (2011)
7
Hàn Quốc
   143,000  (2013)
8
Đức
   137,000  (2010)
9
Malaysia
     70,000
10
Czech Republic
61,012  -  80,000
11
Nhật Bản
     72,238 (2013)
12
Anh Quốc
     55,000
13
Poland
     50,000
14
Laos
     30,000  (2012)
15
Nga
26,205  -  150,000
16
China
      22,517
17
Norway
      21,721
18
Hòa-Lan
      20,603
19
United Arab Emirates
      20,000

Cứ mỗi mười năm chính phủ Hoa Kỳ làm thống kê dân số. Đây là dữ kiện về dân số người Việt ở Hoa Kỳ rút tỉa từ tài liệu Kiểm Tra Dân số năm 2010 của United States Census Bureau:   
       
1. Tổng số người Việt ở mỗi tiểu bang:

Tiểu bang
Dân số người Việt

 Hoa Kỳ
1,737,655
1
California
   647,589
2
Texas
   227,968
3
Washington
     75,843
4
Florida
     65,772
5
Virginia
     59,984
6
Georgia
     49,264
7
Massachusetts
     47,636
8
Pennsylvania
     44,605
9
New York
     34,510
10
North Carolina
     30,655
11
Louisiana
     30,202
12
Oregon
     29,485
13
Illinois
     29,101
14
Arizona
     27,872
15
Minnesota
     27,086
16
Maryland
     26,605
17
Colorado
     23,933
18
New Jersey
     23,535
19
Michigan
     19,456
20
Oklahoma
     18,098
21
Missouri
     16,530
22
Kansas
     16,074
23
Ohio
     15,639
24
Hawaii
     13,266
25
Nevada
     12,366
26
Tennessee
     11,351
27
Connecticut
     10,084
28
Iowa
       9,543
29
Utah
       9,338
30
Nebraska
       8,677

Theo tài liệu trên thì :

- Người Việt nhiều nhất ở tiểu bang California (40%), Texas (12%), Washington (4%), Florida (4%), và Virginia (3%).

- So với thống kê dân số năm 2000 thì tiểu bang trên 4000 dân người Việt dọn đến nhiều nhất  là Nevada (124%). Kế đến là Arizona (87%), Florida (76%), North Carolina (75%), Texas và Georgia (56%).

2. Thành phố có đông người Việt Nam nhất:


Thành phố, tiểu bang
Dân số người Việt
Tỷ lệ người Việt so với tổng số  dân thành phố

Little Saigon, Orange County, California*
106,556
25.0
1
San Jose, California
100,486
10.6
2
Garden Grove, California
47,331
27.7
3
Westminster, California
36,058
40.2
4
Houston, Texas
34,838
  1.7
5
San Diego, California
33,149
  2.5
6
Santa Ana, California
23,167
  7.1
7
Los Angeles, California
19,969
  0.5
8
Anaheim, California
14,706
  4.4
9
Philadelphia, Pennsylvania
14,431
  0.9
10
New York City, New York
13,387
  0.2
11
Seattle, Washington
13,252
  2.2
12
San Francisco, California
12,871
  1.6
13
Portland, Oregon
12,796
  2.2
14
Arlington, Texas
12,602
  3.4
15
Fountain Valley, California
11,431
20.7
16
Boston, Massachusetts
10,916
  1.8
17
Garland, Texas
10,373
  4.6
18
Milpitas, California
10,356
15.5
19
Oklahoma City, Oklahoma
10,095
  1.7

*Little Saigon ở miền Nam California là do ba thành phố số 2,3,6 Garden Grove, Westminster, Santa Ana  cộng lại.

3. County có đông dân Việt Nam nhất(ở Hoa Kỳ, County to hơn City: City rồi đến County và State):


County, Tiểu bang
Dân số người Việt
1
Orange County, California (Little Saigon, miền Nam)
183,766
2
Santa Clara County, California (vùng Bắc,  San Jose) 
125,695
3
Los Angeles County, California
  87,468
4
Harris County, Texas
  80,409
5
San Diego County, California
  44,202
6
King County, Washington
  38,726
7
Alameda County, California
  30,533

T.Loan sưu tầm 

mercredi 5 août 2015

Góp Nước Miếng Húp Chung-Tràm Cà Mau


Nhà có đám giỗ, chị Hương hớn hở nói với đứa con trai: “Sao không mời con Da-Ni-Phờ đến ăn cho vui? Con bé nầy dễ thương, vui vẻ, và ưa lăn vô bếp lăng xăng làm việc nầy việc nọ. Có khi giành rửa cả núi chén bát, mà mặt vẫn tươi như hoa nở.”

Trân thẳng thắn trả lới mẹ: “Nó ớn thấu óc lối ăn uống nhà mình rồi mẹ à. Nó nói thiếu vệ sinh, dễ lây lan truyền nhiễm bệnh từ người nầy qua người khác.”


“Sao vậy?” Chị Hương tròn mắt ngạc nhiên hỏi.

Trân rùn vai: “Nó nói nhà mình ăn đũa, ngậm vào miệng, rồi gắp thức ăn trong dĩa chung. Dính cả nước miếng, đờm dãi của người khác. Có người mang bệnh truyền nhiễm, không ai biết, rồi lây lan cho mọi người. Dơ dáy.”

Chị Hương gằn giọng: “Dơ dáy? Tụi bây hôn môi, ngoạm mồm, trún nước bọt cho nhau, dễ thường vệ sinh sạch sẽ hơn ăn đũa sao?”

Trân không dám cãi lại mẹ, lảng đi nơi khác. Bố của Trân hạ cuốn sách xuống nhìn bà vợ, rồi cười:

“Tôi đã nói với bà nhiều rồi, đừng dùng đũa gắp thức ăn cho ai cả. Mấy lần bà mút đũa cho sạch, rồi gắp thức ăn bỏ vào dĩa cho con Da-Ni-Phờ, tôi thấy cái mặt nó cứng sượng lại, dáng điệu sợ hãi lắm, cứ nhìn chăm chăm vào miếng ăn bà vừa gắp cho nó, mà không dám đụng đến. Bà gắp cho tôi thì được, chứ đừng nên gắp cho ai cả. Ngay cả bạn bè thân thiết hay con cái trong nhà cũng đừng. Riêng tôi với bà, thì xem như một, tôi không sợ cái dơ của bà, bà không sợ tôi lây bệnh. Đó là chuyện riêng của vợ chồng. Nhưng có lẽ, ngay cả vợ chồng, cũng không nên dùng đũa gắp bỏ cho nhau.”

Chị Hương hừ một tiếng, giọng giận hờn: “Người ta có thương, có quan tâm, mới gắp miếng ngon mời ăn. Nếu không thì mặc kệ. Hơi đâu mà tốn sức!”

Ông chồng chị tiếp lời: “Bà có cái thói dùng đũa sục sạo, moi móc, đão lộn thức ăn trong dĩa, tìm miếng ngon bỏ cho người khác. Cái tâm của bà tốt thật, nhưng hành động đó không hợp với văn minh chút nào.”

“Ưà, tui dã man mọi rợ như vậy đó. Ai chịu thì chịu, không chịu thì thôi!”

“Ai mà dám không chịu bà? Bà bỏ đói cho vêu mỏ ra thì khốn. Nhưng tôi có nhận xét sau đây, nói ra bà đừng buồn giận nghe! Bà học được cái thói đão thức ăn trong diã của mẹ bà. Mỗi lần về thăm ông bà cụ, trong bữa ăn tôi ớn lắm. Có lần ăn thịt gà bóp rau răm, mẹ dùng tay bốc và xé thịt bỏ vào chén tôi. Nhìn mười ngón tay của mẹ, móng dài, đóng khớm đất đen ngòm. Tôi cũng ớn lạnh. Mắt tôi muốn nổ đôm đốm. Tôi cứ hốt hoảng bảo xin mẹ để cho con tự nhiên, trong nhà cả mà, con đâu dám khách sáo. Nhưng mẹ cứ bốc bỏ thêm vào chén tôi. Tôi biết đó là tình thương, là lòng tốt của mẹ dành cho con rể, không thể phụ lòng mà từ chối, không đổ đi được, sợ mẹ buồn. Tôi nín thở nhắm mắt mà nuốt trỏng, không dám nhai, nó cứ nhờn nhợn trong cổ, nuốt hoài không xuống. Cứ nghĩ phải ăn các thứ vi khuẩn, vi trùng, sán lãi, chất dơ bẩn dính trong mười cái móng tay đen điu đó, không nổi gai ốc sao được. Chúng ta phải can đảm mà công nhận cái chưa đúng, lối sống thiếu vệ sinh của mình. Tìm cách cải tiến sửa đổi cho hợp với thời đại văn minh hơn. Nhiều lần tôi đề nghị ăn đũa hai đầu như thời xưa mấy người đi kháng chiến chống Pháp trong bưng biền, mà không ai chịu.”

Bà Hương cười chế diễu: “Ăn đũa hai đầu văn minh lắm hay sao! Mấy người đó, ở trong rừng đặt bày chuyện vệ sinh, khi về thành, có còn ai dùng đũa hai đầu nữa đâu. Hai đầu đũa đều dính dơ, dễ quệt vào áo quần. Khi muốn tạm gác đũa cũng không được, không biết gác vào đâu. Thêm lúng túng vụng về. Tôi nhớ nhiều lần ông đề nghị để thêm vài ba đôi đũa chung trên mâm cơm, để cả muỗng chung vào các dĩa thức ăn, khi gắp, thì dùng các thứ đũa muỗng chung đó. Thế mà ngay chính ông, cứ lẫn lộn, cầm đũa chung mà ăn, dùng đũa riêng mà gắp, lẫn lộn nhau, được năm ba hôm, phiền phức quá, rồi cũng dẹp. Chính ông phá chứ không ai cả.”

Ông chống bà rùn vai cười gượng: “Đúng. Tôi cứ lẫn lộn mãi vì quen thói cũ. Nếu chúng ta cứ tập lần lần, kiên nhẫn theo, rồi thành quen và sẽ không lẫn lộn nữa. Cái gì cũng phải tập, thói quen mấy chục năm từ ngày còn thơ ấu, đâu thể bỏ ngay được?”

Ông chồng bà Hương thở một tiếng rất dài, tằng hắng rồi nói:

“Cách ăn uống ở quê tôi còn thiếu vệ sinh hơn nhiều. Một lần tôi về thăm, được mời cơm chiều. Chiếu trải trên giường, mâm cơm có hai tô canh, một dĩa rau luộc lớn, một tô nước chấm bằng mắm nêm pha loảng với ớt cay, tỏi bằm, thêm một dĩa mắm cà vun. Quanh mâm cơm có tám người, hai ông bà nội, hai vợ chồng, ba đứa con, và tôi. Đường xa, đói bụng, nhìn mâm cơm tuy thanh đạm, nhưng tôi đã cảm được cái ngon trong tô canh, trong diã rau luộc và tô nước chấm cay xè. Cả nhà, ai cũng đua nhau ăn mau như vũ bảo. Mọi người dùng đũa gắp rau, rồi nhúng vào chén nước chấm chung, quậy quậy đũa, rồi đưa thẳng vào mồm. Thỉnh thoảng có người đang nhai nhồm nhoàm cơm đầy trong miệng, cầm tô canh lên húp một tiếng ‘rột’, rồi bỏ xuống, người khác bắt chước, cầm tô húp theo. Tô nước chấm hòa đủ nước miếng của mọi người trong nhà qua đôi đũa, càng ngày càng loảng và nhạt ra. Tôi đi đường xa, tuy bụng đói, nhưng cũng ngại ngần, không dám ăn rau luộc, không dám chan canh, chỉ khười khười mấy trái mắm cà, vì món nầy ít bị những đôi đũa xáo trộn.”


Ngưng một lát, ông chồng nói tiếp: “Đừng hỏi tại sao không chia cho mỗi người một chén nước chấm riêng. Nhà nghèo, chén đâu có nhiều mà bày ra. Dù nếu có được chén, cũng không thể đủ nhiều nước chấm để chia riêng cho từng người vài muỗng. Bởi thế, khi trong nhà có người bị bệnh truyền nhiễm thì nó lây lan vô tội vạ. Rán mà chịu. Nhưng thật ra, thì không biết làm sao hơn. Biết đâu đó cũng là một cách chủng ngừa lạc hậu nhưng lại hiệu nghiệm.”


Anh con trai tán thêm: “Khi nào đi ăn tiệc, con tránh ngồi chung bàn với ông Tư, dì Sáu, chú Tám. Mấy người nầy ăn uống tự nhiên, dễ dàng. Cứ dùng đũa đào bới lật qua lật lại thức ăn trong dĩa, gắp miếng nầy lên, bỏ miếng kia xuống, cho đũa chạy rong từ dĩa nầy qua dĩa khác để tìm gắp những miếng ăn mà họ vừa ý. Có mấy người khách chung bàn cứ nhíu mày, mắt theo dõi chăm chăm các đôi đũa đang sục sạo, có lẽ để tránh các nơi thức ăn đã bị đũa người khác nhúng vào rồi. Con thì cứ cười cười, quan sát nét mặt bất bình, không vui của những người sợ, và cái hớn hở thản nhiên của người đang dùng đũa bới đào chọn lựa, tìm được miếng ngon, thấy mà thương. Bác Ngô nói với con rằng, thường chỉ ăn được mấy miếng đầu tiên, khi những đôi đũa dơ dáy chưa đào xới diã thức ăn. Sau đó, bác gác đũa, ngồi nói chuyện vui. Bởi thế, mỗi lần phải đi dự tiệc tùng, bác bèn ăn cơm nguội trước ở nhà cho lưng lửng bụng mới ra đi. Bác nói tiếp, có thể người ta sạch sẽ vệ sinh hơn bác, nhưng bác không muốn ăn nước bọt, uống đờm dãi của người khác.”

Bà Hương trừng mắt gắt: “Thôi, thôi, mẹ không muốn nghe cái lối nói thiếu tử tế đó. Việc chi mà kêu là uống đờm dãi của người khác, nghe không lọt tai. Nên ăn nói cho thanh lịch, tử tế hơn. Ông ấy đâu có vệ sinh văn minh chi hơn ai mà bày đặt chê bai.”

Ông chồng bà Hương thấy vợ nỗi cáu, quay qua nháy mắt với anh con trai, và hạ giọng nói riêng với nó:

“Lần nọ ăn tiệc, ba ngồi gần bà chị hàng xóm cũ. Bà nầy quen thân từ nhỏ. Ngồi gần nhau, bà vui mừng nói chuyện tíu tít. Bà cho biết mới bị bệnh cúm xong, chưa lành hẳn, lâu lâu bà hắt xì nhảy mũi, lấy khăn xịt mũi xì xì, và ho sù sụ. Ba cũng sợ lây bệnh lắm, nhưng đành phó mặc cho Trời, và cầu sao đừng bị lây. Chị em lâu ngày gặp lại nhau, dù về nhà có bị bệnh, cũng đành chấp nhận. Nhưng chị cứ dùng đũa của chị, gắp thức ăn bỏ vào chén của ba mãi. Ba cứ van lơn cầu khẩn chị để cho ba tự nhiên, ưa ăn món nào thì sẽ tự gắp. Nhưng chị không chịu, cứ gắp bỏ cho ba hoài. Ba buồn lắm, nhưng không biết làm sao. Thấy dĩa thức ăn của ba cứ đầy vun, chị hỏi sao không ăn, ba ngại ngần giả vờ nhăn mặt, nói rằng bỗng nhiên nghe đau quặn trong bụng. Rồi ba chỉ uống nước cho đến khi tiệc tàn.”

Anh con trai cười thích thú kể cho hai ông bà nghe: “Ba mẹ có biết không, thằng James nó nói ăn lẩu là “góp nước miếng húp chung”. Mọi người đều gắp tôm cá thịt, rau, nhúng vào nồi, nhận chìm rau, quậy vục, chờ sôi, thọc đũa riêng vào mà vớt, mò, đôi khi lại dùng cả muỗng riêng mà múc nước húp,rồi cho vào chén. Mọi người đều cùng làm một động tác như nhau, không ai ngán ai lây truyền bệnh hoạn. Không biết nồi lẫu sôi có giết hết được các loài vi khuẩn, vi trùng hay không. Bởi thế, khi có ai mời di ăn món lẫu, nó thẳng thừng từ chối ngay, con cũng thế. Con ngán nhất những bữa cơm chung, khi có người kêu canh chua cá bông lau, nghe đề nghị là con can ngay. Vì cũng như ăn lẩu, mọi người vui vẻ thọc đũa vào tô canh mò, vớt cá ra dĩa, rồi thọc đũa riêng vào mà dày xéo xâu xé con cá. Có lẽ họ nghĩ nước mắm mặn cũng đủ giết chết vi trùng, vi khuần rồi chăng? Bởi vậy, khi nào ăn lẩu, ăn canh chua là không có con.”


Chị Hương tiếp lời anh con trai: “Người mình ăn đũa, dù cho là thiếu vệ sinh, nhưng đã chết ai đâu mà ầm ĩ?”


Ống chồng chị đưa tay ngắt râu ngứa, rồi từ tốn nói: “Có chắc chưa chết ai không? Thế mà thống kê cho biết, chỉ tại Hoa Kỳ thôi, số người bị lây nhiễm qua đường miệng do ăn uống hàng năm có đến gần 50 triệu người, mà 130 ngàn người phải đưa vào bệnh viện, và chết hơn ba ngàn người. Còn Việt Nam mình không có thống kê, cứ lặng lẽ truyền bệnh, âm thầm mà chết. Tôi nghĩ rằng, sở dĩ người Việt Nam mình đông đảo người bị bệnh gan, là hậu quả của ăn đũa. Đôi đũa, gây đại họa, đôi đũa bí mật giết người.” 


Chị Hương đã yếu giọng: “Chi đến nỗi bi thảm đến thế? Dễ chừng những xứ không ăn đũa ít bị bệnh gan hơn chăng?”


Anh con trai xen vào: “Ba nói đúng đó mẹ à. Bố mẹ của bạn con, mười người chết, thì có đến năm sáu người chết vì bệnh gan, chai gan, ung thư gan, bệnh gan B, bệnh gan C. Rồi mới đến bệnh tim, ung thư phổi, tử cung, ruột. Bác Sáu nói rằng, không hiểu sao những người hay về Việt Nam chơi, khi trở lại Mỹ, thường bị bệnh gan mà chết. Nói thế thì có lẽ cũng không đúng hẳn, không lẽ chỉ họ chết mà người bên Việt Nam mình không sao?”


Chị Hương lên giọng: “Đôi đũa cũng được xem như là một phát minh quan trọng của loài người. Là một bước tiến của nền văn minh cổ đại. Dùng đũa, có nhiều điều kỳ diệu. Còn bao hàm một cả triết lý của đông phương. Đó là nguyên lý âm dương, ngũ hành, kết hợp giữa thế động và thế tĩnh, động là chiểc đũa trên di động, tĩnh là chiếc dưới nằm yên. Đũa tiện dụng, có thể đào, bới, kẹp, lùa, xắn, cắt, xé, phân nhỏ, xiên, đè, quẹt, hất, giữ. Chỉ đôi đũa thôi, nó còn đa năng hơn hai ngón tay, hơn con dao, hơn cả muỗng nĩa. Đũa chỉ không gắp được chất lỏng mà thôi. Có lẽ vào thời xa xưa nào đó, khi còn ăn lông ở lỗ, tổ tiên chúng ta đã dùng que, nhánh mà khều thức ăn nướng trong lửa nóng. Ban đầu dùng một thanh, sau đó dùng hai thanh mà gắp, thấy thuận tiện, nên đôi đũa được phát sinh. Cũng có học giả cho rằng, loài người bắt chước những con chim mỏ dài gắp cá mà làm nên đôi đũa. Khi tay dơ dáy, dính đầy bùn đất, không muốn bốc thức ăn đưa lên miệng, dùng đũa là giải pháp tốt nhất.” - Ngưng một lúc, chị nói tiếp - “Dùng đũa, còn vệ sinh hơn dùng tay mà bốc như cách ăn của người Ấn Độ, Trung Đông. Đang ăn, ngứa đầu đưa tay lên gãi tóc, ngứa mông thọc tay vào quần gãi, rồi cũng bàn tay đó, bốc thức ăn cho vào miệng. Ăn đũa không rườm rà như ăn bằng dao, nĩa, muỗng của người Âu Châu. Người Nhật, người Hàn cũng dùng đũa, họ bày đặt ra những quy định riêng khá nghiêm ngặt khi sử dụng đũa, cũng bảo đảm được phần nào vệ sinh trong khi ăn chung.”


Anh con trai góp chuyện: “Con nghe chú Tú kể rằng, thời mới được tàu Nhật vớt trong khi vượt biển. Đến Nhật tình cờ gặp được người bạn cũ vào thời du học tại Mỹ trước đây. Được bạn mời cơm nhiều lần, và chú đã phạm phải nhiều sai sót khi dùng đũa. Vì người Nhật đã đưa nghệ thuật ăn đũa thành một thứ văn hoá, với nhiều quy định chặt chẽ. Chú cứ gắp thức ăn từ dĩa, lia lịa đưa thẳng vào miệng. Chủ nhà vì lịch sự không nói, nhưng có vẻ không bằng lòng. Trong khi đang ăn, nhiều lúc chú tạm gác đũa qua chén. Làm chủ nhà tròn mắt ngơ ngác. Với người Nhật, đây là một hành động cực kỳ vô phép, xúc phạm đến người nấu ăn, ý muốn nhắn rằng, đồ ăn dở như hạch, hay là tôi cóc cần các thức ăn nầy. Có khi chú đã dùng đũa đâm xiên vào cục thịt, cũng là một hành động vô lễ, giống như thử xem thức ăn đã nấu chín hay chưa. Sau nầy, chú đọc sách, học được nhiều quy tắc trong khi dùng đũa của người Nhật. Ví như không được ngậm đũa trên miệng, không được dùng đũa đề chuyền thức ăn cho nhau, giống hành động gắp tro xương người chết. Không cắm đôi đũa vào tô cơm, đũa chỉ được cắm vào tô cơm cúng người chết mà thôi. Cũng không được dùng đũa để chuyển dịch tô chén trên bàn ăn. Không được nhảy đũa từ món nầy qua món kia. Không mút đũa. Không dùng đũa khoắng trong tô canh. Khi gắp món ăn, gắp từ miếng nằm trên dần xuống miếng dưới, chứ không đào bới tìm miếng ngon vừa ý. Kể ra những quy tắc đó, có nhiều phần đúng với phép vệ sinh, nhưng cũng có nhiều cái mang nặng tính cách quy định không cần thiết. Nếu ăn đũa theo người Nhật, cũng bớt được phần nào truyền nhiễm bệnh từ nước miếng khi ăn chung.”

Sau khi pha cho chồng và con hai ly nước trái cây, chị Hương lục lọi trong tủ đựng các dĩa phim, rồi bảo sẽ cho chồng xem nghệ thuật cao siêu của người sử dụng đũa thuần thục. Trên màn ảnh truyền hình hiện lên một kiếm khách xứ Phù Tang, đầu đội nón rê xùm xụp, mang áo tơi lá, trông tơi tả nhếch nhác như một kẻ ăn mày, khệnh khạng bước vô quán, xem như chung quanh không còn ai. Lặng lẽ nâng cốc cạn rượu. Bỗng từ phía bàn kia, có người ném một ‘ám khí’ bay vụt thẳng vào mặt kiếm khách. Không né tránh, không vội vàng, kiếm khách cầm đôi đũa lên, gắp được miếng ám khí đang bay, vụt hất ngược lại, địch thủ thét lên một tiếng đau đớn mà ngã lăn quay ra chết. Rồi cũng đôi đũa đó, gắp lia lịa giết bọn ruồi nhặng đang bay vo ve trên dĩa thức ăn.

Anh chồng chị Hương vỗ đùi cười vang mà nói: “Xạo gần bằng chuyện đội phụ nữ anh hùng Thanh Hóa dùng cù ngéo tre móc rớt máy bay ‘Con Ma’ bắt giặc lái Mỹ.”

Chị Hương hỏi chồng: “Ngày nay văn minh, cả thế giới như đã thu hẹp lại. Hiểu biết và văn hóa phổ biến khắp nơi, thì tại sao các dân tộc ăn bốc không biết cải thiện, mà dùng dao nĩa, dùng đũa? Không biết dân Ấn Độ ăn bốc có vục tay vào tô cà ri mà thay muỗng, đưa lên miệng húp sồn sột, rồi mút và liếm bàn tay hay không? Có lẽ là không. Có thể họ đổ ra tô, diã của họ, rồi chấm mút chăng?”

Chồng chị Hương thong thả: “Nghe đâu ăn bốc, theo quy định, chỉ được bốc bằng các ngón của tay mặt mà thôi, tay trái được nghỉ ngơi, có lẽ vì tay trái chỉ xử dụng để làm những việc dơ dáy. Món ăn nào bị bàn tay trái của người khác đụng vào, thì xem như đã bị ô nhiễm, không ai dám đụng đến nữa, phải bỏ đi. Người ta khinh bỉ người ăn bằng tay trái, bị xem là hạ tiện, bất lịch sự. Trong truyện ‘Ngàn Lẻ Một Đêm’ của dân Ả Rập có kể chuyện một thương gia giàu có, vì ăn tỏi hôi tay, nên bị người tình là bà hoàng, chặt mất bàn tay mặt, phải dùng tay trái trong lúc ăn, ông ta bị khinh bỉ, hất hủi, miệt thị.

Khi bốc những thức ăn rời rạc như cơm, đậu, thì chúm các ngón tay mà vít lên, rồi lật ngữa bàn tay, để thức ăn vào giữa bốn ngón, sau đó dùng ngón tay cái mà lùa vô miệng. Không để thức ăn trong lòng bàn tay. Không bốc thức ăn từ dĩa đưa thẳng vào miệng. Ăn quen thì cũng gọn gàng, không bôi tèm lem vào râu ria, môi miệng.”

“Ăn bốc có gì hay mà không thay đổi nhĩ?” Chị Hương hỏi vẩn vơ.

Trân, con trai bà Hương trước đây có cô bạn gái người Ấn Độ, hay lui tới và định ‘kết’ với cô nầy, nên đã tìm hiểu, bèn giải thích cho mẹ:

“Ăn bốc cũng có cái triết lý cao siêu riêng của nó, chứ không phải là dã man, chưa văn minh, chưa biết dùng đến đũa hay dao nĩa. Họ quan niệm rằng, ăn bốc là một phối hợp kỳ diệu của ngũ hành với hệ thống thần kinh não bộ, nối liền với hệ thống bộ tiêu hoá, có nhiều ích lợi dinh dưỡng cho đời sống. Họ quan niệm năm ngón tay hàm chứa năng lực ‘ngũ hành’. Ngón cái là tiêu biểu cho lửa, ngón trỏ là khí, ngón giữa là trời, ngón đeo nhẫn là đất, ngón út là nước. Nếu mất thăng bằng của ‘ngũ hành’ nầy, thì dễ sinh bệnh hoạn. Khi ăn bằng tay, bốc bằng năm ngón, thì năm thứ năng lượng tiềm tàng nầy đi theo thức ăn mà vào cơ thể, làm cho thức ăn thành một món thuốc, chữa lành các bệnh hoạn, tăng sinh lực cho các vùng yếu đuối của cơ thể. Khi bốc bằng tay, thì cái xúc giác đưa tín hiệu lên não bộ, vào hệ thống kinh mạch, nên bao tử biết để đón nhận, và chấp nhận, tiết ra những dịch vị thích ứng, cho nên thực phẩm dễ tiêu hoá hơn. Mấy ngón tay cũng là cái nhiệt kế đo lường độ nóng lạnh của thực phẩm, để khỏi phỏng miệng la làng.”

Chị Hương cười: “Bày đặt! Tưởng tượng! Có chi chắc là nước, lửa, trời, đất, khí nằm trên năm ngón tay? Người ta tưởng rằng, ăn dao nĩa là văn minh và thuận tiện nhất. Không hẵn. Trước tiên, phải cho mỗi người một bộ. Dao nĩa cũng không thuận lợi bằng đôi đũa. Phở mà ăn bằng nĩa thì bất tiện lắm. Không thể nào câu sợi phở lên, cũng không thể quấn vòng vòng như ăn mì sợi, nó tuột mất. Thử xem, khi muốn gắp cục xương, dùng đũa vẫn dễ dàng hơn dùng nĩa, cục xương nằm chênh vênh trên cái nĩa, rất dễ rơi rớt ra bàn, văng vào áo quần người khác. Ăn bằng dao nĩa, phải phối hợp với ăn bốc. Như ăn bánh mì, họ phài dùng tay mà xé, ăn gà nướng, cũng bốc bằng tay. Nếu dùng đũa, thì không cần phải bốc bao giờ.”

Trân kể cho bố mẹ nghe rằng, sở dĩ con Da-Ni-Phờ không dám đến nhà ăn nữa, vì năm ngoái, nó đi du lịch bên Việt Nam với bạn. Chúng nó nghe nói thức ăn của các bà bán hàng rong rất ngon. Chúng ăn bún ốc. Ăn mỗi đứa ba tô ngon lành. Khi ăn thì chúng không để ý. Khi thấy chị hàng rong rửa tô trong một cái chậu nước nhỏ, và lau bằng cái khăn ướt ngã màu đen điu, mà trước đó nó thấy đàn ruồi bu đen, chạy nhảy trên khăn. Nó chợt nhận ra chậu nước đó đã rửa cả hàng chục cái tô của hàng trăm thực khách, bao nhiêu dơ dáy đều gom lại trong đó hết. Nó nghe dờn dợn trong cổ họng, rồi quay ra, kê đầu vào gốc cây mà nôn thốc nôn tháo ra hết. Nó tởn, không dám đụng đến các gánh hàng rong nữa. Sau đó, con Da-Ni-Phờ còn thấy tận mắt các bà bán hàng móc túi thối tiền, những tờ đen điu bèo nhèo dơ dáy, rồi cũng dùng bàn tay trần đó, bốc thịt, bốc rau, nhón tiêu hành, thả vào các tô chén cho thực khách ăn. Nó khiếp vía từ đó.

Chị Hương nói với Trân: “Con cứ kêu con Da-Ni-Phờ đến ăn đám giỗ cho vui. Nói cho nó biết, sẽ cho nó một dĩa riêng thức ăn, không chung đụng với ai cả. Con bé nầy dễ thương vui vẻ. Mỗi xứ có cái văn hoá riêng. Ai cũng tự hào về văn minh của mình. Đừng ai chê ai. Ăn bốc cũng tốt, ăn bằng dao nĩa cũng hay, nhưng tốt và tiện nhất là ăn đũa như chúng ta.”

Trân tiếp ý mẹ: “Thế sao chúng ta không phối hợp giữa dao nĩa, và đôi đũa mà ăn uống cho vệ sinh? Có đũa muỗng riêng, đũa muỗng chung, không ai ngại ai. Như thế thì có vệ sinh hơn không. Ngày nay, đũa muỗng cũng rẻ rề, mua bao nhiêu cũng có. Cứ tập dần, cái gì hay thì theo, cái gì không tốt thì bỏ đi.”

Chị Hương nghĩ ngợi một lúc, vui vẻ nói: “Mẹ tán thành ý kiến của con. Kể từ ngày mai, sẽ thi hành. Trong bữa ăn ai vi phạm sẽ xử phạt bằng tiền. Mẹ chắc Ba con sẽ bị phạt dài dài đó. Phạt mãi, sợ tốn tiền, thì sẽ tuân thủ mau.”

Ông chồng chị quay lại nói lớn: “Ừ, ừ, để xem ai bị phạt nhiều hơn ai cho biết. Bà cứ chê tôi hoài!” ./.

Tràm Cà Mau 2015

H.Công chuyển

Cấp cứu bệnh nhân đau tim . . .


Cấp cứu bệnh nhân đau tim rất đơn giản, bạn cũng có thể làm được.

Trong tiệc cưới năm 2011, có một cụ ông đang ngồi bỗng nhiên thở ngắt quãng và ngất xỉu. Nhìn ông có vẻ bị lên cơn đau tim. Mọi người nhanh chóng gọi xe cứu thương…
Bỗng nhiên có một người tới xắn tay áo ông cụ lên và bắt đầu vỗ mạnh vào mặt trong khuỷu tay của cụ (dưới bắp tay). Người đó cũng yêu cầu người thân của ông cụ vỗ mạnh vào khuỷu của cánh tay còn lại. Sau hàng chục lần vỗ mạnh, cụ già bắt đầu có đáp ứng. Ông đã thoát khỏi nguy kịch.

Y học Trung Hoa tin rằng “Khí hàn gây huyết ứ, máu lưu thông kém”. Việc thành lập và loại bỏ cục máu đông giống như của dầu đậu phộng: dầu kết tủa khi nhiệt độ thấp và hoá lỏng trở lại khi nhiệt độ tăng. Kinh (Thủ Thiếu Âm) là đường kinh lạc (dòng năng lượng) nối liền vùng khuỷu tay tới thẳng tim. Khi bạn vỗ mạnh hai đường kinh này ở hai bên cánh tay, “sự lưu thông của khí (năng lượng)” được thúc đẩy, kéo theo là tuần hoàn máu được lưu thông. Điều này giúp người bệnh ấm lên và đổ mồ hôi. “Khí dương” gia tăng giúp loại bỏ huyết khối và thông thoáng các mạch máu.

Ai cũng có thể tự trang bị kỹ năng đơn giản này mà không cần phải huấn luyện. Vỗ mạnh vào mặt trong khuỷu tay giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch và huyết áp thấp. Điều này giúp giảm nguy cơ bị lên cơn đau tim (nhồi máu).

Vỗ mạnh vào mặt trong khuỷu tay hàng ngày giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch và huyết áp thấp.

Những vết thâm trên cánh tay sau khi bị vỗ mạnh lại có thể giúp chữa lành bệnh tim của ai đó. Sự hiệu quả của phương pháp này cao hơn việc dùng bất cứ một phương tiện y học hiện đại nào. Nếu có vết thâm tím xuất hiện trên bề mặt da khuỷu tay sau khi vỗ, bạn nên tiếp tục vỗ cho tới khi vết bầm chuyển sang màu đỏ. Bất kỳ một bệnh tim mạch nào cũng sẽ được thuyên giảm, thậm chí là loại bỏ. Phương pháp điều trị này được gọi là “trị tận gốc”. Tiếp tục vỗ vào những đường kinh lạc khác (dòng năng lượng) trong cơ thể bạn, hay những nơi cảm thấy đau khi vỗ vào có thể giúp làm một số bệnh thuyên giảm, thậm chí là được loại trừ.
Thư Hùng biên dịch

M.Phượng chuyển

mardi 4 août 2015

CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ SAO DIÊM VƯƠNG TINH - Trần-Đăng Hồng, PhD


Diêm Vương Tinh, tức Pluto, được nhà thiên văn học Hoa Kỳ Clyde Tombaugh khám phá vào ngày 18/2/1930, và được xếp hạng là hành tinh thứ 9 trong thái dương hệ của Mặt Trời chúng ta (Mercury, Venus, Trái đất Earth, Mars, Jupiter, Saturn, Uranus, Neptune và Pluto). Có khoảng 1000 cái tên đề nghị cho hành tinh mới này. Tên Pluto (god of the underworld, Thần Diêm Vương) do một cô bé 11 tuổi người Anh ở Oxford đề nghị và được chấp nhận ngày 24/3/1930 sau khi ủy ban đặt tên chọn từ danh sách chung kết gồm 3 tên là Minerva, Cronus và Pluto. Cô bé được thưởng 5 Anh Kim, tương đương 450 Đô La Mỹ thời giá 2015. Tên Pluto được chính thức từ ngày 1/5/1930.


Hình 1. Thái dương hệ


Kể từ năm 1992, danh xưng hành tinh của Pluto bị đặt dấu hỏi sau khi khám phá thêm nhiều vật thể có kích thước tương đương với Pluto trong vành đai Kuiper. Cần nhắc lại là năm 1992, hai nhà Thiên văn học Dave Jewitt và Jane Luu (Người Mỹ gốc Việt) đã xác định một liên tục các vật thể có quỉ đạo giống như Sao Diêm Vương. Năm 2004 hai nhà khoa học này khám phá có nước đá và ammonia hydrate trên vật thể Quaoar trong vành đai Kuiper Belt, và một vật thể nhỏ khác được mang tên “asteroid5430 Luu” để vinh danh bà. Các vật thể này thảy đều là thành viên của Vành Đai Kuiper Belt. Năm 2005, vật thể Eris được khám phá có khối lượng lớn hơn Pluto 27%. Do cơ quan IAU (International Astronomical Union) có định nghĩa mới cho từ hành tinh (planet), Pluto mất danh hiệu hành tinh mà trở thành “Hành Tinh Lùn” (Dwarf planet).
Vì Pluto ở quỹ đạo ngoài tận cùng, lại nhỏ, cho hình ảnh mù mờ nên hiểu biết về Pluto rất hạn chế. Hiện tại (Tháng 7/2015) nhờ cuộc hành trình của phi thuyền liên hành tinh New Horizons khi bay ngang qua Pluto, chúng ta mới biết thêm nhiều về Pluto. New Horizons còn tiếp tục bay trong 16 tháng nữa, và cần nhiều thời gian để phân tích, chắc chắn chúng ta sẽ còn nhiều tin cập nhật nóng bõng trong tương lai.
Phi thuyền New Horizons được phóng lên không gian vào ngày 19/1/2006 từ Cape Canaveral. Mục đích của chuyến viễn hành không gian của phi thuyền New Horizons khi bay qua hành tinh Pluto là tìm hiểu hệ thống hành tinh Pluto, vành đai Kuiper Belt và Thái Dương Hệ. Phi thuyền sẽ nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
Vẽ bản đồ bề mặt của Pluto và mặt trăng Charon
Địa hình và địa chất của Pluto và Charon
Khí quyển trên Pluto
Khí quyển của Charon
Nhiệt độ trên bề mặt của Pluto và Charon
Tìm các vật thể vệ tinh bay quanh Pluto
Khảo sát tương tự như vậy cho các vật thể khác trong vành đai Kuiper Belt

Hình 2. Hỏa tiễn Atlas V 551 được phóng ngày 19/1/2006 mang theo phi thuyền không gian liên hành tinh New Horizons trang bị đài quan sát và nhiều thiết bị khoa học thăm dò vũ trụ.
Sau khi tách rời hỏa tiễn Atlas V551, phi thuyền New Horizons bay qua điểm gần Mặt Trăng nhất vào ngày 20/1/2006 (cách Mặt Trăng 189.916 km), qua điểm gần Jupiter nhất (2.300.000 km) vào ngày 28/2/2007, và bay gần Pluto nhất (12,500 km) vào ngày 14/7/2015. Như vậy, mất 9 năm 6 tháng để bay đến điểm gần Pluto nhất để có thể cung cấp thông tin và hình ảnh rõ ràng nhất như hiện nay.
Hình 3. Thái dương hệ trong vành đai Kuiper Belt. Điểm trắng ở trung tâm là vị trí Mặt Trời. Các chấm xanh li ti là các tinh tú trong vành đai Kuiper Belt.

Pluto cách xa Trái Đất bao nhiêu? Bởi vì Pluto bay trên quỹ đạo có hình gần tròn ở bên ngoài nhất mà Mặt Trời không phải là tâm điểm, trong khi Trái Đất bay trên quỹ quỹ đạo hình ellipse, ở gần trái đất hơn, nên khoảng cách giữa hai hành tinh này thay đổi rất nhiều. Khi Pluto ở vị trí “perihelion”, là vị trí gần nhất, thì cách xa Trái Đất 4,4 tỉ km, tức 30 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời. Pluto đã đến điểm này vào ngày 5/9/1989. Khi Pluto đến điểm xa nhất, mang tên “aphelion”, thì cách xa Trái Đất 7,3 tỉ km, tức 49 lần khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất, sẽ vào ngày 23/8/2113.
Tính đến ngày 14/7/2015, New Horizons đã bay được 4,88 tỉ km, lúc này cách Pluto 12.600 km, là lúc gần Pluto nhất để chụp hình rõ ràng, phân tích dữ kiện và gởi tín hiệu thông tin về đài quan sát ở Trái Đất. Vận tốc tín hiệu radio (bằng vận tốc ánh sáng) sẽ mất 4,6 giờ để từ trái đất đến Pluto, và phải mất 4,6 giờ nữa mới nhận được tín hiệu hay hình ảnh từ Pluto gởi về lại Trái Đất.
Trọng khối. Vì ở quĩ đạo ngoài cùng, Pluto thấy lờ mờ trên viễn vọng kính đặt ở Trái Đất hay đặt trên vệ tinh nhân tạo, việc ước tính trọng khối dựa vào toán học đưa nhiều kết quả khác nhau. Chẳng hạn ước tính năm 1931 là 1 Trái Đất (= trọng lượng của Trái Đất), năm 1948 là 0.1 Trái Đất (=1/10), năm 1976 là 0.01 Trái Đất (=1/100), năm 1978 là 0.02 Trái Đất (=1/500), năm 2006 là 0.00218 Trái Đất (1/459), và năm 2015 do NASA công bố dựa trên thông tin do phi thuyền New Horizons cung cấp vào giữa tháng 7/2015 là 0.00220 Trái Đất (1/455). Theo ước tính mới nhất do New Horizons cung cấp, trọng lượng Pluto là 1.31×1022 kg, nhỏ hơn Trái Đất 0,24%, Đường kính của Pluto là 2370 km. Diện tích bề mặt của Pluto là7013166500000000000♠1.665×107 km2, bằng diện tích của Russia. Trọng lực ước tính tại mặt là 0,063 g, so với 1 g ở Trái Đất. Nhiệt độ trung bình trên mặt là -230°C (43K)
Quỹ đạo. Diêm Vương Tinh có quỹ đạo hình “gần” tròn quanh Mặt Trời, còn các hành tinh kia, như Trái Đất, có hình ellipse (bầu dục). Vì quỹ đạo gần hình tròn nhưng Mặt Trời không phải là tâm điểm, nên vào ngày 5/9/1989, Pluto gần mặt trời nhất. Một năm của Pluto (chạy tròn một quỹ đạo) dài 248 năm Trái Đất.
Ngày. Ngày trên Pluto dài 6,39 lần Ngày Trái Đất vì quay quanh trục của nó rất chậm, và trục quay ngã nghiên với 1 góc 120° nên cách biệt giữa 4 mùa rất lớn (Trục Trái Đất ngã nghiên một góc 23°24’). Vào ngày chí (solstices, như hạ chí 21/6, đông chí 21/12 của Trái Đất), 1/4 bề mặt Pluto có ánh sáng, 3/4 chìm trong bóng đêm. Ánh sáng của ban ngày trên Pluto rất yếu, tương đương với ánh sáng lờ mờ lúc rạng đông ở Trái Đất.
Địa chất và địa hình. Bề mặt Pluto cấu tạo bởi hơn 98% lớp nitrogen đông đá (nitrogen ice), ít dấu vết methane và carbon monoxide đông đá. Mặt hướng phía mặt trăng Charon chứa nhiều methane đông đá, ngược lại mặt đối diện chứa nhiều nitrogen và carbon đông đá. Màu bề mặt Pluto rất thay đổi giữa màu đen, màu cam sậm và trắng. Đặc biệt gần vùng xích đạo có một vùng lớn, màu nhạt, có hình dạng trái tim nên mang tên “Heart”, dài khoảng 1.600 km, nay được mang tên “Tombaugh Regio” để tưởng niệm người khám phá ra Pluto.
Hình 4. Ảnh Pluto chụp ngày 13/7/2015, với vùng “Heart” mang tên “Tombaugh Regio”. Màu ở hình này gần đúng với thật tế.
Hình 5. Hình ảnh chi tiết đầu tiên của vùng rộng lớn có hình trái tim mang tên Tombaugh Regio’ gần xích đạo cho thấy có rặng núi với đỉnh cao tới 3.500 m nằm trên mặt băng giá.
Rặng núi cao nằm trên lớp băng giá nitrogen, methane và monoxide đông đá là điều chưa từng thấy ở các hành tinh khác trong thái dương hệ. Rặng núi cao lớn như vậy không thể nào trụ trên lớp băng giá mềm như vậy, mà phải có nền là lớp nước đá dày hay đá cứng (rock).
Dưới lớp nitrogen đông đá là lớp nước đá (water ice), và trong cùng là lỏi gồm đá (rock), lỏi có đường kính khoảng 1.700 km. Tỷ trọng của Pluto là 2.03±0.06 g/cm3.

Hình 6. Kiến trúc bên trong Pluto

Không xa rặng núi này là một bình nguyên băng giá mà bề mặt nỗi lên các khối giống như vảy rắn, mang tên “Sputnik Planum” gồm nhiều đồi núi mà chiều cao chưa xác định, có những vùng có vật liệu màu đen lắng tụ như do gió mang đến.
Mời xem video bình nguyên “Sputnik Planum” do New Horizons chụp ngày 17/7/015:http://www.space.com/29981-flying-over-pluto-ice-mountain-and-young-plains-video.html
Một khám phá kỳ lạ khác, không giống như các hành tinh khác trong thái dương hệ, là không tìm thấy một lỗ hũng nào, dấu vết của thiên thạch trong vũ trụ rơi xuống Pluto. Dựa trên các hình ảnh này, các nhà khoa học thiên văn cho rằng bề mặt Pluto còn rất trẻ, có lẻ tuổi dưới 100 triệu năm, so với 4,5 tỉ năm của thái dương hệ mà Pluto là một thành phần. Có lẻ Pluto còn trong thời kỳ đang hoạt động địa chất.
Khí quyển của Pluto. Pluto có một lớp khí quyển mỏng gồm khí nitrogen, methane và monoxide, số lượng cân bằng với dạng đông đá của nitrogen, methane và monoxide cấu tạo bề mặt của Pluto. Lớp khí quyển dày tới 1.600 km so với 120 km của Trái Đất. Cũng trong ngày 17/7/2015, New Horizons khám phá một đám mây khí nitrogen ở độ cao 109.000 km với cái đuôi dài, chứng tỏ đám mây nitrogen của Pluto bị gió mặt trời lôi cuốn bay mất ra ngoài vũ trụ, với cường độ mất khoảng 500 tấn nitrogen/giờ, rất lớn so với 1 tấn nitrogen/giờ của Hỏa Tinh. Lý do là trọng lực ở Pluton rất thấp (0,063g), không giữ được lớp khí quyển của mình,
Áp xuất của khí quyển rất thấp (6.5 to 24 μbar), bằng 1 phần triệu đến 1 phần trăm ngàn áp xuất không khí của Trái Đất.
Các vệ tinh (mặt trăng) của Pluto. Pluto có 5 mặt trăng bay quanh nó: Charon (khám phá năm 1978), Nix, Hydra (cùng khám phá năm 2005), Kerberos (khám phá năm 2011) và Styx (khám phá năm 2012). Các mặt trăng được thành hình là do nỗ vỡ của một vật thể khá lớn trong vành đại Kuiper Belt khi va chạm với Pluto.
Hình 7. Pluto và 5 mặt trăng bay quanh, New Horizons chụp vào tháng 6/2015

Mặt trăng Charon. Là mặt trăng lớn nhất trong số 5 mặt trăng của Pluto, có đường kính 1.200 km, gần bằng nửa đường kính của Pluto, là mặt trăng lớn nhất trong thái dương hệ nếu so sánh với hành tinh mẹ. Khối lượng của nó bằng 11,6% của Pluto.
Khác với bề mặt của Pluto bao phủ bởi nitrogenm methane và monoxide đông đá, bề mặt của Charon bao phủ bởi nước đá (water ice). Kiến trúc bên trong là một lỏi bằng đá cứng bao bọc bởi lớp vỏ nước đá. Khoảng cách trung bình giữa Pluto và Charon là 19.570 km. Nhiệt độ bề mặt Charon trung bình -230°C.
Hình ảnh mới nhất do New Horizon chụp ngày 14/7 cho thấy có một ngọn núi ngoi lên từ một hố sâu 4,8 km và rộng 1.200 km trên mặt trăng Charon (Hình 8). Ngoài ra, hình ở góc mặt cho thấy có các hố sâu từ 6 đến 10 km.
Ở phần cực bắc có một vùng màu đậm, được đặt tên “Mordor”. Ở gần trung tâm Mordor thấy các điểm trắng của các hố do thiên thạch rơi xuống tạo thành.
Hình 8. Pluto và Charon chụp ngày 13/7/2015 (trái). Ảnh chi tiết mặt trăng Charon chụp ngày 14/7/2015 (phải) với ngọn núi cao nằm trong khe vực sâu 10 km (vùng sậm ở góc trái trên chóp của hình phụ). Ảnh chụp từ New Horizons lúc cách Pluto 466.000 km.

Dọc theo đường chéo Tây Bắc xuống Đông Nam là một vùng lớn chạy dài tới 1.000 km nhấp nhô như gợn sóng gồm một loạt các máng và vách đá, có lẻ là hậu quả do hoạt động của lực bên trong lòng đất.
Bên dưới dãi máng và vách đá là một vùng bằng phẳng thỉnh thoảng chỉ có vài hố thiên thạch, điều này chứng tỏ mặt trăng Charon còn rất trẻ, và còn đang hoạt động địa chất.

Mặt trăng Hydra
Hình 9. Hình dạng Hydra

Hydra là một mặt trăng nhỏ, hình xoan, kích thước 43 x 33 km, cấu tạo hầu hết là nước đá. Hydra phản chiếu 45% ánh sáng đến từ mặt trời vì nhờ bề mặt nước đá như một kính soi mặt. Trọng khối ước tính 4,2×1017 kg. Nhiệt độ -240°C đến -218°C (33-55K).
Mặt trăng Nix. Hình ảnh sơ khởi cho thấy mặt trăng Nix nhỏ, rộng 40 km.
Trong vài ba ngày nữa, New Horizons sẽ gởi thêm nhiều hình rõ hơn của các mặt trăng.
Các thông tin mới nhất được công bố trên đây chỉ chiếm khoảng 2% thông tin mà New Horizons gởi về và sẽ được giới chuyên viên phân tích và công bố trong tương lai. 
Reading, 20/7/2015
Trần-Đăng Hồng, PhD