Garry Kasparov là kiện tướng cờ vua người Nga, ông có chỉ số IQ 190. Garry Kasparov đã làm toàn thế giới phải ngạc nhiên khi ông chơi một trận hòa với máy tính có thể tính toán ba triệu vị trí mỗi giây vào năm 2003. Ở tuổi 22, ông trở thành nhà vô địch thế giới trẻ nhất bằng cách đánh bại nhà vô địch Anatoly Karpov.
Philip Emeagwali là một kỹ sư, nhà toán học, nhà khoa học máy tính người Nigeria có chỉ số IQ là 190, ông là một trong hai người đoạt giải Gordon Bell Prize năm 1989, một giải thưởng của IEEE cho việc kết nối các siêu máy tính để giúp phát hiện các mỏ dầu lửa.
Marilyn vos Savant, có chỉ số IQ 190, là một nhà báo nổi tiếng của tạp chí Parade. Cô là người phụ nữ có chỉ số IQ cao nhất trong 5 năm liên tiếp. Thông qua "Ask Marilyn", độc giả có thể gửi câu đố và câu hỏi về các chủ đề khác nhau cho Marilyn vos Savant để cô giải quyết và trả lời.
Giáo sư toán học Croatia Mislav Predavec xếp thứ 7 trong danh sách với chỉ số IQ là 192. Ông là người sáng lập và chủ tịch của Hiệp hội Gener IQ, một tổ chức của một số những người thông minh nhất trên thế giới.
Rick Rosner có chỉ số IQ 192. Ông là một nhà sản xuất truyền hình Mỹ nổi tiếng với việc tạo ra các chip truyền hình. Rosner sau đó phát triển một vệ tinh di động trong quan hệ đối tác với DirecTV.
Christopher Langan được mô tả là "người đàn ông thông minh nhất nước Mỹ" với chỉ số IQ trong khoảng 195 - 210. Ông bắt đầu nói lúc 6 tháng tuổi, và tự học để đọc khi ông lên 3 tuổi. Ông đã phát triển một "lý thuyết về mối quan hệ giữa tâm trí và thực tế".
Tiến sĩ Evangelos Katsioulis người Hy Lạp được biết đến với chỉ số IQ là 198. Ông đã làm việc như một bác sĩ y khoa và bác sĩ tâm thần. Ông có bằng cấp trong lĩnh vực triết học, công nghệ, nghiên cứu y học và tâm thần học. Katsioulis cũng là một hoạ sĩ giỏi.
Với chỉ số IQ là 210, kỹ sư Hàn Quốc Kim Ung-Yong được coi là bậc thầy trong các thần đồng. Khi 6 tháng tuổi, ông đã có thể nói, hiểu tiếng Hàn và các ngôn ngữ khác. Ở tuổi lên 3, ông có thể đọc một số ngôn ngữ, bao gồm tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và tiếng Anh, cũng như giải quyết vấn đề tính toán phức tạp.
Christopher Hirata có chỉ số IQ là 225. Khi mới 13 tuổi, ông đã nhận được một huy chương vàng tại Olympic Vật lý quốc tế. Ở tuổi 16, ông đã làm việc với NASA trong sứ mệnh chinh phục sao Hỏa. Ở tuổi 22, ông lấy được bằng Tiến sĩ tại Đại học Princeton. Hirata hiện đang giảng dạy vật lý thiên văn tại Viện Công nghệ California CIT.
Terrence Tao là người có chỉ số IQ 230, cao nhất trong danh sách này. Ông là một nhà toán học người Mỹ gốc Trung Quốc được sinh ra ở Úc. Tao đã nhận bằng Tiến sĩ tại đại học Princeton ở tuổi 20 và trở thành giáo sư ở tuổi 24.
Theo VOV (Photo Courtesy: Wonderslist)
TTK sưu tầm |
lundi 12 octobre 2015
Những gương mặt thông minh nhất thế giới
Nhìn lại chặng đường dài 40 năm của vợ chồng nhà Hillary Clinton
Gần đây, cái tên phu nhân Hillary Clinton liên tục được giới truyền thông nhắc đến. Đơn giản vì bà đang là ứng cử viên của chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới. Vì thế mọi hoạt động của bà đều được giới truyền thông cập nhật liên tục.
Tổng thống thứ 42 của Mỹ Bill Clinton và vợ, bà Hillary Clinton – hiện là ứng viên tổng thống tiềm năng nhất của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào năm tới - vừa kỷ niệm 40 năm ngày cưới vào hôm Chủ nhật (11.10). Nhân sự kiện đặc biệt này, bà Hillary Clinton và ông Bill Clinton đã đăng những bức ảnh kỷ niệm lên trang mạng xã hội Twitter cùng những dòng chia sẻ đầy cảm xúc khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cựu Tổng thống đào hoa Bill Clinton đã đăng bức ảnh ông và bà Hillary chụp thời trẻ, khi họ mới bén duyên với nhau cùng với dòng chia sẻ: “Dường như mới chỉ như ngày hôm qua”… Cựu Tổng thống Bill Clinton đăng ảnh tình cảm với vợ khi 2 người còn trẻ nhân kỷ niệm 40 năm ngày cưới hôm qua (11.10). Trong khi đó, bà Hillary cũng đăng ảnh hồi trẻ của hai người cùng dòng chia sẻ tình cảm: “40 năm trước, tôi đã kết hôn với chàng trai dễ thương gặp ở thư viện. Chúc mừng kỷ niệm ngày cưới”… Bức ảnh do bà Hillary đăng lên trang Twitter cá nhân hôm qua nhân kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Bà Hillary Clinton và ông Bill Clinton đã kết hôn ngày 11.10.1975. Cặp đôi chỉ tổ chức một bữa tiệc nhỏ ngay tại phòng khách nhà riêng của họ ở Arkansas với chỉ 15 khách mời, theo hãng tin ABC News. Ngày 11.10.2015 đánh dấu tròn 40 năm họ bên nhau, cùng nhau vượt qua vô vàn sóng gió của cuộc đời. Bà Hillary và ông Bill gặp nhau tại thư viện Đại học Yale năm 1970. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2003, bà Hillary cho biết, khi đó ông Bill đã hớp hồn bà “ngay lập tức”. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn khác ứng viên Tổng thống Mỹ chia sẻ, bà từng từ chối lời cầu hôn đầu tiên của ông Bill vì quá bất ngờ và lo lắng. Về phần cựu Tổng thống Bill Clinton, trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin CNN, ông chia sẻ, bà Hillary đóng vai trò là “hòn đá tảng trong gia đình”. Còn trong một cuộc phỏng vấn với BBC, ông nhấn mạnh, ông ủng hộ mọi điều vợ mình muốn làm. Cuộc hôn nhân của bà Hillary và ông Bill đã trải qua không ít sóng gió bởi sự đào hoa của vị tổng thống thứ 42 của Mỹ. Đặc biệt, sự kiện ông Bill bị phát hiện ngoại tình với nữ thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky được cho là thách thức lớn nhất đối với cuộc hôn nhân của họ. Bà Hillary sau đó đã tha thứ cho chồng và luôn sát cánh cùng ông vượt qua sóng gió đó. Bà Hillary và ông Bill chỉ có một cô con gái duy nhất tên là Chelsea. Chelsea kết hôn năm 2010 và vừa sinh ra cô con gái đầu lòng năm ngoái, được đặt tên là Charlotte. Có thể nói bà Hillary có một sự nghiệp khá thành công đối với 1 người phụ nữ cũng như 1 gia đình rất hạnh phúc. Nguồn |
Đưa đón người cao niên ở Little Saigon: Dễ mà không dễ
Friday, October 9, 2015 1:42:38 PM
Quốc Dũng/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) - Đều đặn mỗi ngày, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, sáu “bác tài” tại Hội Cộng Đồng Người Việt Orange County (VNCOC), một tổ chức bất vụ lợi, rong ruổi xe từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều đến từng nhà “hành khách” để đón các vị cao niên đi bác sĩ khám bệnh.
Anh Tom Trần đưa một vị cao niên đi bác sĩ. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Quốc Dũng/Người Việt
Anh Tom Trần đưa một vị cao niên đi bác sĩ. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
“A lô, nhà bác Xuyên phải không ạ, khoảng 15 phút nữa cháu đến đón bác đi bác sĩ nha.” Khi gần đến nhà một “hành khách” cao niên, anh Tom Trần đều thông báo trước để khách chuẩn bị. “Nhiều lúc mình tới rồi, đợi rất lâu mới thấy khách ra. Nguyên tắc của hội là đưa đón tận cửa, không được vào nhà, nên nhiều trường hợp thấy khách yếu lần mò đi ra mà nhà không có người thân hỗ trợ, tôi xót lắm,” anh Tom Trần nói.
Dìu, đỡ, cõng, bế...
Anh Tom Trần cho biết, tùy vào sức khỏe của khách mà khi khách ra khỏi nhà, “bác tài” kiêm thêm việc dìu, đỡ, cõng, bế... để đưa khách ngồi vào xe. Cũng vậy, khi khách đến văn phòng bác sĩ, nếu bác sĩ ở trên lầu mà khách yếu không tự lên được, “bác tài” cũng phải dìu, đỡ, cõng... khách đến tận phòng và sau khi được bác sĩ khám xong, “bác tài” lại tiếp tục công việc như lúc đầu đã làm cho đến khi chở khách về đến nhà. Chưa kể, những ngày mưa phải dìu, phải che dù... “bác tài” cực hơn rất nhiều.
“Có nhiều bác lên xe than phiền chuyện gia đình, rằng con cái không quan tâm chăm sóc, bỏ người già tự đi một mình. Tôi mới nói cuộc sống bên này là phải như vậy, chứ không phải con bác bất hiếu đâu, ở Mỹ này có hiếu cỡ nào thì Thứ Bảy, Chủ Nhật mới làm được. Bác mà kêu ở nhà chăm sóc bác như ở Việt Nam thì chỉ có nước đi ra ngoài đường ở. Bởi vậy, bác thấy con bác không ở không thì phải mừng cho họ, chứ ở nhà chăm sóc bác thì lấy tiền đâu mà trả tiền nhà, tiền điện nước, xe cộ& Nghe xong, nhiều bác suy nghĩ và nói tôi nói đúng,” anh Tom chia sẻ.
Xe chạy chậm và dừng trên đường Sawgrass ở Santa Ana để đón bác Xuyên. Một sự tình cờ, bác Xuyên là mẹ người bạn học chung thời đại học với anh Tom Trần. Rồi xe lại lăn bánh qua đường McClure ở Garden Grove để đón bác Yên, mà theo anh Tom thì: “Bác Yên là người quen của gia đình tôi ngày trước bên đảo ở Philippines khi vượt biên sang Mỹ. Nhờ làm ‘bác tài’ mà gia đình tôi gặp lại bác, cũng như gặp những người quen khác, hay bạn bè cũ, vui lắm!”
Xe khởi hành, ba con người vừa lạ, vừa quen chuyện trò rôm rả suốt đoạn đường.
Bà Xuyên nói: “Không có chương trình chuyên chở y tế không khẩn cấp này thì người già chúng tôi sẽ phải tốn rất nhiều tiền để đón taxi, hoặc phải đi thật xa để đón xe buýt. Trong khi đó, tham gia chương trình này chúng tôi chỉ trả $2 cho một lượt đi và còn được xe đón tận nhà.”
Niềm vui của... đợi chờ
Đối với các “bác tài,” sau khi chở một chuyến đến nơi hẹn gặp bác sĩ thì sẽ hỏi giờ để quay lại đón khách. Trong thời gian chờ đợi đó, “bác tài” tiếp tục đi thêm chuyến khác. Vòng quay một ngày cứ xoay tròn và sít sao thời gian từng chút một.
Anh Tom Trần chia sẻ: “Mấy bác dễ chịu lắm, dễ thương lắm. Nhiều bác nói: ‘Con chỉ cần chở bác tới bác sĩ thôi, khi nào xong bác sẽ gọi,’ hay ‘Con không cần chạy nhanh đâu, chạy từ từ thôi, không cần gấp, chạy an toàn là tốt nhất.’ Nhiều lúc để các bác ngồi chờ cả tiếng đồng hồ mới tới rước, cũng tội các bác lắm, nhưng không có cách nào khác vì khi đó nhiều khách nên phải chạy vòng vòng. Các bác nói không sao nhưng cũng có bác khó chịu vì phải đợi chờ lâu.”
Bà Yên góp lời: “Tôi chờ bác sĩ còn mau hơn chờ tài xế, nhưng đôi khi cũng đợi bác sĩ ‘mút chỉ.’ Nhiều lúc tôi cũng ái ngại vì thấy tài xế chờ mình lâu, hay đang đi giữa đường đón người khác mà mình gọi giật lại để đón mình.”
Anh Tom cười nói: “Chuyện nhỏ bác ơi, mấy bác thông cảm đợi tụi con vài phút là tụi con tới liền. Con giúp mấy bác thì sau này con già mới có người giúp lại tụi con. Trái đất quay tròn bác ơi. Đời mà, chớp mắt mấy hồi.”
Bà Xuyên cảm động nói: “Thương tụi con lắm chứ. Thấy khách ra là đứng ngay cửa xe, đỡ khách lên. Luôn nhắc mọi người cài dây an toàn, chưa cài được thì đều giúp. Bởi vậy tụi con chở bác đi là bác mừng rồi. Đôi khi chờ đợi là niềm vui, mình hiểu cái tình của con người với nhau hơn. Không có tụi con thì bác sẽ chật vật cho những chuyến đi như thế này.”
“Thường chúng tôi không muốn để các bác chờ lâu nhưng một là đông quá, hai là những bác có hẹn bác sĩ cần phải tới đúng giờ hơn là bác đi về nhà. Có bác lên xe nói tại sao anh kia tôi gọi là đón liền mà sao anh lâu vậy. Tôi mới nói với bác là có ngày này ngày kia, chẳng hạn khi đang chở người khác đi bác sĩ thì bác gọi, do tiện đường nên tẻ vô đón bác luôn, thành ra bác về sớm hơn dự định,” anh Tom Trần kể.
Một ngày hơn 60 chuyến
Anh Tom kể tiếp những buồn vui trong nghề, trong những chuyến xe chở người cao niên đến những buổi hẹn đi bác sĩ: “Có bác trong thời gian đi chữa bệnh cần uống thuốc nhưng quên mang thuốc hay có bác quên mang theo giấy tờ khiến ‘bác tài’ phải mất công quay xe lại. Hay có bác không tự chủ được đi cầu đầy ra phải dọn dẹp, hay những người cao niên tuy lớn tuổi nhưng lúc nào cũng cười đùa vui vẻ...”
Theo anh Tom, một tháng trung bình tài xế đi hơn 1,000 chuyến, trong đó một ngày thường hơn 60 chuyến, tức cỡ 20-30 người trở lên. Ngoài ra, tài xế có ngày đi xa, có ngày đi gần (trung bình một ngày chạy 70-100 dặm), nên người xếp lịch hành trình thường phải sắp xếp khoa học, để tài xế đón được khách ở gần nhau trên những con đường lân cận.
Ông Trịnh Ngọc Luyện, người phụ trách các công việc của cộng đồng thuộc VNCOC, cho biết: “Tài xế nhiều lúc phải làm việc với áp lực cao nhưng lúc nào cũng phải vui vẻ, điềm tĩnh, kiên nhẫn, nhỏ nhẹ, nhã nhặn, nhanh nhẹn, cẩn thận, không nóng tính. Luôn luôn lái xe đúng tốc độ, biết cách xử lý an toàn khi lái xe.”
Ông Luyện cũng cho biết: “Chúng tôi không chỉ giúp người Việt Nam, mà còn người Nam Hàn, người Mexico, người Trung Đông... Và dù với sắc dân nào thì tài xế khi lái xe phải luôn luôn theo dõi, hỏi thăm bệnh nhân để biết bệnh nhân có vấn đề gì không... Dù tài xế không biết được cá tính bệnh nhân nhưng phải nói chuyện với bệnh nhân để biết bệnh nhân cần gì từ mình, chứ không chỉ chăm chăm vào lái xe.”
Từ 60 tuổi được tham gia chương trình
Ông Trịnh Ngọc Luyện cho biết: “Chương trình chuyên chở y tế cao niên không khẩn cấp sẽ đón tất cả hành khách có tuổi từ 60 trở lên, thường trú tại các thành phố Garden Grove, Huntington Beach, Santa Ana, Westminster, Midway City, Stanton, Cypress. Địa bàn hoạt động bao gồm các thành phố này và trong khoảng cách 15 dặm từ nơi cư ngụ đến nơi có dịch vụ y tế.”
“Để bảo đảm đúng hẹn y tế, hành khách gọi lấy hẹn chuyên chở ba ngày trước ngày hẹn qua số điện thoại (714) 558-3097. Nếu muốn hủy bỏ cuộc hẹn chuyên chở, hành khách phải báo trước ít nhất một ngày. Nếu không, cuộc hẹn sẽ bị coi là vắng mặt không báo trước. Bởi vì hành khách có hai lần vắng mặt không báo trước trong vòng sáu tháng thì sẽ bị loại ra khỏi chương trình,” ông Luyện nhấn mạnh.
Anh Tom Trần nói thêm: “Chương trình cho mỗi người được tám lần trong một tháng đi bác sĩ. Nếu hành khách có yêu cầu hơn thì phải có giấy chứng nhận của bác sĩ là tại sao người này phải đi hơn tám lần. Bởi vì có trường hợp, một số ít người thấy cước phí mỗi lượt đi chỉ có $2 nên gọi xin xe để đi bác sĩ nhưng thực tế là đi chợ, đi ăn..., trong khi chương trình dành cho những người thật sự có nhu cầu cần thiết đi.”
dimanche 11 octobre 2015
Hiệp ƯớcTrans Pacific Partnership (TPP) – Triển Vọng và Thách Đố - Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
10072015-tpp-hopes-n-fears.mp3
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, viết tắt là TPP) gồm 12 quốc gia thành viên bao gồm Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản.
Ba tháng sau khi làm các thị trường quốc tế rúng động vì tình trạng suy nhược kinh tế, hôm Thứ Hai mùng năm vừa qua, Trung Quốc lại gây chú ý vì vắng mặt trong một hệ thống hợp tác kinh tế đang thành hình trên vành cung Thái Bình Dương. Đó là Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, được gọi tắt là TPP, để tiến tới tự do thương mại giữa 12 quốc gia hàng năm sản xuất ra gần 40% sản lượng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hệ thống hợp tác ấy từ nhiều giác độ khác nhau.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Mờ sáng Thứ Hai vừa qua, giờ miền Đông Hoa Kỳ, 12 bộ trưởng hữu trách vừa thông báo thắng lợi lịch sử là đã hoàn tất năm năm đàm phán để tiến tới chế độ tự do thương mại giữa 12 quốc gia trong vành cung Thái Bình Dương, thường được gọi tắt là Hiệp ước Đối tác TPP. Dĩ nhiên là dư luận Việt Nam cũng chú ý đến bản hiệp ước vì Việt Nam là một thành viên trong hệ thống hợp tác quy mô này, dù là thành viên có nền kinh tế non yếu nhất và phải cải cách rất nhiều và rất nhanh hầu khai thác được một cơ hội phát triển mới trong các thập kỷ tới. Trong chương trình kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho nội dung của hợp tác và tính chất chiến lược của một trật tự kinh tế mới vì quốc tế đều nói đến sự vắng mặt của Trung Quốc trong hệ thống đang thành hình.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một cách khái quát thì nội dung chi tiết của các cam kết giữa 12 quốc gia về hơn 70 hồ sơ trình bày trong 30 chương khá dài chỉ được công bố trong nhiều ngày tới. Lý do là các cơ quan chuyên môn còn phải qua phần kỹ thuật là trình bày, rà soát ngôn từ luật pháp, phiên dịch rồi kiểm lại văn bản, v.v… trước khi có một văn kiện được quốc hội các nước cứu xét và phê chuẩn. Mặc dù nội dung chi tiết chưa được công bố sau năm năm và hơn hai chục vòng thương thuyết, người ta cũng đặt nhiều kỳ vọng về hệ thống tự do thương mai và đầu tư đang hình thành giữa 12 quốc gia có sản lượng kinh tế bằng 40% của toàn cầu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa:-Song song, như cô vừa hỏi, người ta cũng chú ý đến sự kiện Trung Quốc vắng mặt trong hệ thống tự do này khi nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới có dấu hiệu sa sút sau ba chục năm gây kinh ngạc. Vì vậy, bối cảnh chung là 1) sự xuất hiện của một trật tự kinh tế mới trên vành cung Thái Bình Dương, chủ yếu là Á Châu, khi 2) Trung Quốc chưa lên tới đỉnh với tham vọng của một siêu cường đã lại có chỉ dấu thoái trào và 3) chi tiết của hệ thống hợp tác mới đang được công khai hóa.
Những kinh nghiệm đó cho thấy giá trị của tự do trao đổi và trong cụ thể thì dù Hoa Kỳ có thể hưởng lợi nhiều khi buôn bán với 11 nước kia, mối lợi ấy vẫn chưa bằng những gì mà các nước chậm phát triển nhất sẽ được sau này. Việt Nam là thành viên được mọi nơi đánh giá là sẽ có lợi nhất...
Nguyên Lam: Chúng ta sẽ đi qua ba bước phân tích như ông vừa tóm lược về bối cảnh. Trước hết, hệ thống hợp tác TPP đang thành hình là cái gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta hãy cùng nhớ về một thời điểm then chốt, gần như là điểm lật vào năm 2008. Năm đó, Hoa Kỳ vừa bị khủng hoảng tài chính và toàn cầu bị nạn Tổng suy trầm khi Trung Quốc ào ạt bơm tiền kích thích kinh tế để vượt Nhật Bản thành nền kinh tế đứng hạng nhì về sản lượng. Năm đó, Hoa Kỳ mới chú ý đến sáng kiến hợp tác giữa bốn nước nhỏ là Singapore, Brunei, Chile và New Zealand và xin tham gia để xây dựng hệ thống giao dịch tự do về đầu tư và mậu dịch. Do sự tham gia của nền kinh tế dù sao vẫn giàu mạnh nhất, nhiều nước lần lượt hưởng ứng và mở ra vòng đàm phán khi cơ chế tự do thương mại đa phương là Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO lại lâm vào bế tắc từ Tháng 10 năm 2008.
- Thế rồi, Hoa Kỳ có lãnh đạo mới sau cuộc bầu cử cuối năm 2008 then chốt đó và Chính quyền Barack Obama thuộc đảng Dân Chủ lại có xu hướng bảo hộ mậu dịch rất mạnh và mất cả năm suy nghĩ, cân nhắc rồi mới hiểu ra lợi ích sâu xa của tự do mậu dịch để lại thúc đẩy việc đàm phán kể từ năm 2010. Hai năm sau, nền kinh tế đứng hạng ba là Nhật Bản mới vào cuộc. Tổng cộng là hiện có 12 quốc gia tham dự vào vòng đàm phán, nhưng không mời Trung Quốc.
Nguyên Lam: Hèn gì người ta cứ nói là thương thuyết mất hơn năm năm mới xong. Thưa ông, một cách khái quát thì các nước của hệ thống gọi là TPP đã đàm phán với nhau về những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nguyên tắc chung mà họ nhắm tới là chế độ trao đổi tự do, hết còn hàng rào quan thuế hay hạn chế, hạn ngạch về lượng lẫn phẩm để nhờ quy luật thị trường mà đem lại thịnh vượng cho mọi đối tác trong cuộc. Thể thức tiến hành là sự cam kết giải tỏa và cải cách để cùng tạo ra sân chơi bình đẳng trong một thị trường chung cho cả tập thể. Khi ấy, vì khác biệt về trình độ phát triển và hệ thống quản lý giữa các nước, họ phải đàm phán và tranh đấu về thể thức, điều kiện và thời hạn giải tỏa để trong một vài năm hay cả chục năm tới thì xây dựng được một trật tự mới.
Nguyễn-Xuân Nghĩa- Một cách cụ thể thì sẽ triệt tiêu hơn 18 ngàn rào cản về thuế suất nhập nội để các nước tự do buôn bán với nhau theo một trình tự thật ra khá phức tạp mà chúng ta chỉ hiểu ra dần dần khi nội dung của bản hiệp ước được công bố. Nếu thấy ra các vấn đề có vẻ tạp nhạp như trứng, sữa, gạo, hay cao cấp như xe hơi, dược phẩm được cãi cọ cùng với chuyện môi sinh, công nghệ tin học, hay quyền sở hữu trí tuệ, ta phải hình dung ra một thế giới mới của thế kỷ 21….
Trong hệ thống TPP, Việt Nam sẽ có hậu phương lớn của 11 nước để từ bông vải qua dệt sợi mà tiến vào thị trường áo quần may mặc hoặc từ các phụ kiện điện tử mà lên tới trình độ chế biến cao hơn, có giá trị hơn. Với một hậu phương mới, kinh tế Việt Nam sẽ bớt lệ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên vật liệu của Trung Quốc nên khó bị Bắc Kinh khuynh đảo
Nguyên Lam: Như ông vừa trình bày thì cái trật tự kinh tế mới chỉ bước vào giai đoạn hình thành và có phải là khi các thông tin chi tiết được công bố thì người ta mới biết thêm về triển vọng hay các rủi ro của tương lai không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là đúng như vậy và mọi số liệu về lợi hay hại của tự do thương mại mới chỉ là dự phóng, căn cứ trên kinh nghiệm của trăm năm tự do hay bảo hộ mậu dịch giữa các nước với nhau. Những kinh nghiệm đó cho thấy giá trị của tự do trao đổi và trong cụ thể thì dù Hoa Kỳ có thể hưởng lợi nhiều khi buôn bán với 11 nước kia, mối lợi ấy vẫn chưa bằng những gì mà các nước chậm phát triển nhất sẽ được sau này. Việt Nam là thành viên được mọi nơi đánh giá là sẽ có lợi nhất nhưng chính vì vậy mà sẽ bị xu hướng bảo hộ mậu dịch rất mạnh trong đảng Dân Chủ của nghiệp đoàn của nước Mỹ xoi mói và đả kích nhiều nhất, nào là có điều kiện lao động tồi tệ hay nhân quyền và môi sinh không được bảo vệ. Lý do mà tôi cho là lạc hậu của xu hướng này là Việt Nam chiếm lợi thế nhờ nhân công rẻ lãnh lương thấp nên sẽ làm lao động Mỹ mất việc. Nó cũng lạc hậu như lý luận tự do mậu dịch làm khu vực chế biến tại Mỹ sa sút vì doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra ngoài. Trong các năm tháng tới, ta sẽ còn thấy bùng nổ cuộc tranh luận này trong khi Việt Nam và nhiều xứ khác phải ráo riết cải cách để thực hiện những cam kết của mình.
Nguyên Lam: Giữa các chi tiết trùng điệp và phức tạp về tương lai lồng trong dự kiến hợp tác có quy mô toàn cầu, thưa ông, thế nào là một cách phán đoán về lẽ đúng sai và được thua?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng quy tắc phán đoán ở đây có hai mặt. Về nhận thức thì thành phần nào có lợi nhờ tự do sẽ ít nói đến mối lợi trong khi thành phần phải cạnh tranh thì chỉ nêu ra những điểm tiêu cực và ồn ào đả kích làm dư luận càng khó hiểu ra lợi hại của thực tế, vì nhận thức sai. Mặt kia về thực tế thì xứ nào sớm cải cách cơ chế để tiến tới tự do thì sẽ thành công hơn các nước hay thành phần chỉ muốn bảo vệ nguyên trạng. Cải cách cơ chế cũng quan trọng như xây dựng hạ tầng cơ sở và bảo vệ nguyên trạng của đặc quyền đặc lợi thì cũng tai hại như phá hủy cầu đường của chính mình. Cũng vì thế mà thông tin sẽ giữ vai trò quan trọng cho nhận thức và ý chí cải cách để giải phóng tiềm lực quốc gia, và ra khỏi sự kiềm tỏa của nhà nước.
Nguyên Lam: Hình như ông đang ám chỉ yêu cầu cải cách cho Việt Nam, là gỡ bỏ nguyên trạng của hệ thống doanh nghiệp nhà nước và cải thiện điều kiện lao động, môi sinh hay nhân quyền để giải phóng sức sản xuất của người dân hầu tiến tới thịnh vượng và phát triển. Thưa ông, ta bước vào phần thứ ba là vị trí của Trung Quốc trong cái trật tự mới đang được hình thành. Ông nhận xét thế nào về trật tự mới này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc đang đi vào nhiều năm thoái trào, cũng sẽ phải cải tổ để chuyển qua hướng phát triển mới hầu khỏi bị nội loạn. Nhưng tính chủ quan duy ý chí của lãnh đạo khiến họ đề xướng nhiều sáng kiến to tát cho các nước, như mở ra Con Đường Tơ Lụa Mới với sáu hành lang kinh tế dọc ngang từ Á sang Âu ngoài biển và trên đất liền, hoặc các dự án thành lập ngân hàng đầu tư hay phát triển cấp vùng, v.v…. Đùng một cái người ta thấy ra nhược điểm sinh tử của nền kinh tế mắc nợ đang bị suy trầm tại Trung Quốc trước sự lúng túng can thiệp hay kiểm soát mà vẫn bất lực của lãnh đạo. Biến cố 2008 nay mới dẫn tới một bước ngoặt khác!
- Thế rồi, vào đúng lúc này, hệ thống TPP lại có hy vọng thành hình sau năm năm trăn trở để từ nay các nước Á Châu có thể phát triển gắn bó hơn với Hoa Kỳ và Nhật bản là hai đầu máy khác của kinh tế toàn cầu. Trong vài năm nữa thôi, Nam Hàn và cả Đài Loan cũng sẽ gia nhập, khi ấy, các nước sẽ có sự chọn lựa giữa hai hình thái phát triển gần như đối nghịch về học thuyết kinh tế, giữa tự do kiểu TPP và kiểm soát kiểu Bắc Kinh. Hậu qủa ngoài kinh tế của hình thái phát triển ấy là những cân nhắc về an ninh chiến lược vì các sáng kiến kinh tế do Trung Quốc đề ra đều có nội dung và mục đích là an ninh, nhằm củng cố vai trò và ảnh hưởng của Bắc Kinh trên các nước.
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, Việt Nam nên tự chuẩn bị thế nào cho tình huống mới mà đạt kết quả phát triển nhưng cũng tránh được nhiều rủi ro?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau ba thập niên trôi dần vào trật tự Trung Quốc vì lãnh đạo chỉ muốn bảo vệ quyền lợi của đảng độc quyền và tay chân thân tộc ở dưới, Việt Nam có cơ hội thoát khỏi tình trạng lệ thuộc về kinh tế lẫn bế tắc về lý luận và nhất là thoát khỏi vòng kiềm tỏa về an ninh chiến lược của Bắc Kinh. Đấy là khung cảnh lớn của các bài toán chuyên môn về chính sách và cải cách. Nếu muốn khai thác cơ hội mới cho thắng lợi thì Việt Nam phải thay đổi tư tưởng và cải cách về tổ chức để người dân có quyền chọn lựa, một cách tự do, để làm chủ vận mệnh của mình.
- Một thí dụ thiết thực là trong hệ thống TPP, Việt Nam sẽ có hậu phương lớn của 11 nước để từ bông vải qua dệt sợi mà tiến vào thị trường áo quần may mặc hoặc từ các phụ kiện điện tử mà lên tới trình độ chế biến cao hơn, có giá trị hơn. Với một hậu phương mới, kinh tế Việt Nam sẽ bớt lệ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên vật liệu của Trung Quốc nên khó bị Bắc Kinh khuynh đảo. Các thị trường quốc tế đều đánh giá là từ hệ thống TPP, Việt Nam có lợi nhất và Trung Quốc bị thiệt hại nhất. Việt Nam phải mau chóng cải sửa để biến dự phóng ấy thành hiện thực. Lãnh đạo mà không dám hay không muốn thì người dân phải làm vì đấy mới là tương lai xứng đáng của mình.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về những phân tích này.
samedi 10 octobre 2015
Bốn Câu Chuyện Giúp Bạn Tỉnh Ngộ
Đôi lúc bạn cứ khăng khăng rằng chuyện này phải làm thế này mới là đúng, nhưng đôi khi người khác lại không nghĩ thế, hãy đặt bản thân mình vào vị trí của đối phương, bạn sẽ có được những suy nghĩ mới, biết đâu khi đó bạn chợt “tỉnh ngộ” và thốt lên “à thì ra là thế”.
1/ Mượn dù
Một ngày kia, Khổng Tử đi ra ngoài, bỗng trời muốn đổ mưa, nhưng ông không có mang theo dù, có người kiến nghị rằng: “Tử Hạ có dù, thầy có thể mượn của Tử Hạ”.
Khổng Tử vừa nghe xong, liền nói: “Không được, con người của Tử Hạ vốn rất keo kiệt, nếu như Thầy mượn mà y không cho, người khác sẽ trách móc rằng y không tôn trọng thầy của mình; còn nếu đưa cho thầy, trong lòng y nhất định sẽ khó chịu”.
Giao thiệp với người ta, thì cần phải hiểu rõ khuyết điểm lẫn ưu điểm của ngươi ta thì mới được, đừng có bao giờ khuấy động hoặc đùa cợt với khuyết điểm của họ, nếu không thì tình cảm của đôi bên sẽ không thể kéo dài được.
2/ Thỉnh kinh
Ngựa và lừa nghe nói Đường Tăng sẽ đi Tây Thiên thỉnh kinh, con lừa cảm thấy chuyến đi này khó nạn trùng trùng, liền bỏ cuộc; còn ngựa thì lập tức đuổi theo sau, trải qua 81 kiếp nạn, cuối cùng đã thỉnh được chân Kinh trở về.
Con lừa hỏi: “Người anh em, có phải là rất vất vả không?”.
Ngựa nói: “Kỳ thực, trong khoảng thời gian tôi đi sang Tây Thiên thỉnh kinh, con đường mà cậu đi nếu đem so với tôi thì cũng không kém cạnh gì, ngoài ra cậu còn bị người ta bịt mắt, đánh đập. Thật ra, tôi thấy sống những tháng ngày không có lý tưởng thì còn mệt mỏi hơn”.
Mệt mỏi thật sự đến từ sự vô tri và mê mờ trong tâm của mỗi người.
3/ Đậu xe
Trụ sở chính của công ty Volvo Thụy Sĩ có hơn hai nghìn chỗ đậu xe, những người đến sớm luôn đậu xe ở khu vực cách xa văn phòng làm việc nhất, mỗi ngày đều như vậy cả.
Một người hỏi: “Chỗ đậu xe của các vị là cố định hay sao?”.
Họ trả lời: “Chúng tôi đến tương đối sớm, có thời gian thì hãy đi bộ nhiều một chút. Các đồng nghiệp đến muộn hoặc đến trễ, họ nên là những người cần được đậu xe ở gần văn phòng làm việc hơn”.
Khi ta nghĩ nhiều đến người khác, con đường đi được sẽ nhiều và xa hơn.
4/ Hợp tác
Một ngày nọ, đêm khuya thanh vắng, ổ khóa gọi chìa khóa dậy, rồi oán trách: “Tôi mỗi ngày phải vất vả cực nhọc mà canh gác nhà cửa cho chủ nhân, vậy mà chủ nhân chỉ thích cậu thôi, lúc nào cũng mang cậu theo bên mình, thật là ngưỡng mộ cậu quá!”
Thế là chìa khóa cũng bất mãn, nói: “Cậu mỗi ngày chỉ ngồi ở nhà chờ đợi, thật là an nhàn thoải mái biết bao! Còn tôi hàng ngày phải đi theo chủ nhân, dầm mưa dãi nắng, khổ sở biết chừng nào! Mình phải hâm mộ cậu thì đúng hơn”.
Một lần kia, chiếc chìa khóa cũng muốn được sống những tháng ngày an nhàn, thế là liền giấu bản thân mình vào chỗ khác. Người chủ sau khi trở về thì không thấy chìa khóa đâu cả, trong lúc bực bội đã kêu thợ đến phá khóa, rồi tiện tay quăng luôn ổ khóa vào đống rác.
Sau khi vào nhà, chủ nhà đã tìm thấy chiếc chìa khóa, tức giận nói: “Ổ khóa cũng đã đập bỏ rồi, bây giờ giữ ngươi lại thì còn có ích gì nữa”. Nói xong, ông cũng tiện tay quăng chiếc chìa khóa vào trong đống rác.
Ở trong đống rác, ổ khóa và chìa khóa gặp nhau, bất giác tự cảm thán rằng: “Hôm nay, chúng ta rơi vào tình cảnh này, đều vì trong quá khứ, chúng ta không có nhìn thấy giá trị và phó xuất của đối phương, mà chỉ biết đứng núi này trông núi nọ, đôi bên chỉ biết so đo tính toán, đố kỵ và ngờ vực lẫn nhau”.
Rất nhiều lúc, mối quan hệ giữa con người với nhau đều là bổ sung cho nhau, những cuộc cãi vã, tranh đấu chỉ có thể mang lại thương tổn cho đôi bên, chỉ có phối hợp với nhau, tán thưởng, đoàn kết, ủng hộ, tín nhiệm, trân quý nhau, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể hợp tác thành công được.
.
Hoàng Trần chuyển bài
Theo Lặng Nhìn Cuộc Sống
TLoan sưu tầm
Xem cách người Nhật giải quyết rác một cách siêu hiệu quả
Bên cạnh những cách phân loại rác nghiêm ngặt, Nhật Bản còn có những phương pháp giải quyết rác rưới rất khoa học và hiệu quả.Với các giai đoạn phân loại rác vô cùng nghiêm ngặt, chúng ta đã phần nào hiểu vì sao nước lũ ở Nhật Bản lại trong hơn nước hồ bơi. Tuy nhiên, bạn có thắc mắc những loại rác sau khi phân loại sẽ được giải quyết như thế nào không? Nếu có, các bạn sẽ được biết câu trả lời ngay sau đây:Rác sẽ trôi về đâu?
Chắc hẳn bạn nghĩ các giai đoạn phân loại rác chặt chẽ như vậy là để giúp phần tái chế trở nên dễ dàng hơn? Điều này không sai, tuy nhiên trên thưc tế chỉ có 20,8% số rác thải của người Nhật là được tái chế.Con số này thấp hơn so với các nước như Hà Lan (51%) hoặc Anh (39%) - những đất nước có chung khó khăn về thiếu đất dùng chứa rác thải.Nhà máy rác Shinkoto, Tokyo (Nhật Bản)
Vậy số rác khổng lồ đó đi về đâu? Câu trả lời là: rác sẽ được đem đi đốt, nhưng không phải đốt như bình thường, mà là bằng công nghệ thân thiện với môi trường mang tên: “Công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi” (Circulation fluidized bed - CFB). Về căn bản, dùng cách này là vùi rác vào một lớp cát, sau đó sử dụng lưu lượng không khí trong quá trình nung lò, cùng một số hóa chất khác để tiêu hủy rác. Khi cho rác vào buồng đốt, luồng không khí được nung từ dưới đáy buồng sẽ thổi lên, đẩy những phần rác chưa cháy hết đi lên, sau đó lại quay trở lại phía dưới để đốt lại một lần nữa.Cách này được đánh giá là rất hiệu quả, có thể đốt cháy cả những vật liệu cứng đầu nhất ở tốc độ nhanh, có giá thành rẻ hơn nhiều loại khác.Không chỉ vậy, nhiệt độ của buồng đốt chỉ cần đạt khoảng 800 độ C (khá thấp so với các buồng đốt thông thường) nên lượng khí thải độc hại như NO hay SO2 sẽ ít hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, nhiệt lượng tỏa ra trong quá trình đốt rác có thể được sử dụng để sản xuất điện. Sau thảm họa Fukushima vào năm 2011, Nhật Bản đã dừng toàn bộ chương trình điện hạt nhân trên toàn quốc. Thế nên, công nghệ này được coi là phù hợp với đất nước này trong thời điểm hiện tại. Hiện nay, đã có nhiều nước trên thế giới đã bắt chước cách này của Nhật Bản – như Tàu, Thái Lan và Singapore.
TLoan sưu tầm
Một góc nhìn khác của nhà máy Maishima. Ai dám nghĩ đây nhà máy đốt rác ?Có một điểm đặc biệt, đó là những nhà máy đốt rác khổng lồ tại Nhật Bản đều giống như những tác phẩm nghệ thuật. Mỗi tòa nhà đều có một kiểu độc đáo cùng kiến trúc riêng biệt.Đến nỗi nhiều du khách đến đây đều ngỡ rằng mình đang đi đến một viện bảo tàng, hoặc một công trình kiến trúc đồ sộ nào khác hơn là... trung tâm đốt rác.
Rác được tái chếNhư đã nhắc đến ở trên, khoảng 20,8% lượng rác thải sẽ được tái chế. Đó là trường hợp của giấy, chai nhựa dẻo và đặc biệt là các chai làm bằng nhựa PET – polyethylene terephthalate – thứ được sử dụng phổ biến tại Nhật và nhiều nơi trên thế giới.Đó là rác giấy hoặc bìa carton, các loại rác thủy tinh... được tái chế tương tự các nước khác, nhưng nhựa PET thì khác. Theo đó, những chai làm bằng nhựa PET sau khi được người dân phân loại cẩn thận sẽ được nung chảy ở nhiệt độ cao, để sau đó tạo thành các chai PET mới.Bên cạnh đó, chai nhựa PET cũ có thể kéo thành sợi, tạo thành các vật dụng khác như quần áo, túi xách, áo mưa…Bên trong một nhà máy rác tái chế Tsurumi tại YokohamaĐiều này đã góp phần làm giảm lượng nguyên liệu (thường là dầu mỏ) sản xuất nhựa PET tới 90%, qua đó giảm đáng kể sự lãng phí cho nền kinh tế Nhật.
Tạo thêm đất bằng … rácBên cạnh đốt và tái chế rác, Nhật Bản còn có một cách khác rất độc đáo. Quốc gia này đã từng phải đối mặt với vấn đề không đủ đất để chôn rác nên họ đã nghĩ ra một cách "nhất cử lưỡng tiện": tạo thêm đất bằng chính rác thải của mình.Đảo cây cọ của các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất
Tương tự như trường hợp Đảo Cây Cọ tại Dubai (các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), Nhật Bản cũng tạo nên những hòn đảo nhân tạo bằng đá, xi măng, cát, và… rác.Phi cảng Quốc tế Kansai được xây trên hòn đảo nhân tạo
Ví dụ như phi trường quốc tế Chubu Centrair gần thành phố Nagoya và phi cảng Kansai – đều được xây dựng trên đảo nhân tạo. Hoặc tại thủ đô Tokyo, nơi vấn đề thiếu đất đang rất nghiêm trọng thì đã có thêm khoảng 249km vuông đất “mọc” ra tại vịnh Tokyo.Có ai tin phi trường quốc tế Chubu Centrair được xây dựng bằng... rácCó thể nói, qua các giai đoạn giải quyết rác thải nghiêm ngặt như vậy, sẽ không quá ngạc nhiên khi Nhật Bản được bình chọn là một trong những đất nước sạch nhất trên thế giới.
vendredi 9 octobre 2015
Chuyện đời người phụ nữ "3 không" giành giải Nobel
Tu Youyou trở thành người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên giành giải Nobel nhờ công trình nghiên cứu giúp chế tạo ra thuốc chống sốt rét. Con đường đến vinh quang của người phụ nữ 84 tuổi cũng khác thường so với nhiều nhà khoa học khác.
Bà Tu Youyou, 84 tuổi - chủ nhân giải Nobel Y học 2015
Mặc dù chiến thắng giải Nobel Y học nhưng bà không hề có bằng cấp y khoa hay bằng Tiến sĩ.
Tu Youyou từng theo học một trường dược ở Bắc Kinh. Không lâu sau, bà trở thành cán bộ nghiên cứu ở Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, bà hiện được gọi là người chiến thắng “3 không”: không bằng y khoa, không bằng Tiến sĩ và chưa từng làm việc ở nước ngoài.
Bà bắt đầu nghiên cứu về bệnh sốt rét sau khi đầu quân vào một cơ quan tối mật của Chính phủ được gọi là “Nhiệm vụ 523”.
Năm 1967, lãnh đạo Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông quyết định cần phải tìm ra một phương pháp chữa trị cấp bách bệnh sốt rét trên cả nước. Một đơn vị nghiên cứu bí mật đã được thành lập để tìm giải pháp cho căn bệnh này.
Hai năm sau, bà Tu Youyou được bổ nhiệm trở thành người đứng đầu “Nhiệm vụ 523”. Bà được điều đến đảo Hải Nam để nghiên cứu về căn bệnh. Trong suốt 6 tháng, bà sống ở đây, bỏ lại cô con gái 4 tuổi ở một nhà trẻ địa phương. Thời điểm đó, chồng bà được cử đi công tác ở vùng xa trong thời gian đỉnh cao của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.
Bà Tu Youyou thời trẻ đang làm việc cùng giáo sư người Trung Quốc Lou Zhicen
Từ khi bà bắt đầu tìm kiếm thuốc chữa sốt rét, hơn 240.000 hợp chất trên toàn thế giới đã được thử nghiệm mà không hề thành công.
Cuối cùng, nhóm của bà tìm thấy một tài liệu tham khảo cổ viết về một loại thảo mộc là cây ngải hoa vàng – thứ được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét ở Trung Quốc vào khoảng 400 năm trước Công nguyên.
Nhóm của bà đã tách một hợp chất hoạt động ở thảo dược này tên là artemsinin – chất này để đánh bại lại những ký sinh trùng hỗ trợ sốt rét. Sau đó, nhóm đã thử nghiệm chiết xuất của hợp chất nhưng không có hiệu quả cho tới khi bà Tu Youyou đọc lại tài liệu ban đầu. Sau khi nghiên cứu cẩn thận, bà đã tinh chỉnh công thức lần cuối, làm nóng chiết xuất mà không để nó đạt tới điểm sôi.
Bà Tu tìm ra thuốc chữa sốt rét nhờ nghiên cứu một văn bản cổ
Sau khi thuốc cho thấy kết quả đầy hứa hẹn ở chuột và khỉ, bà Tu Youyou đã tình nguyện là người đầu tiên thử nghiệm loại thuốc mới.
“Là người đứng đầu nhóm nghiên cứu, tôi có trách nhiệm” – bà giải thích với truyền thông Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, bà Tu vốn được đánh giá là một người phụ nữ rất khiêm nhường. Công trình nghiên cứu của bà lặng lẽ được công bố vào năm 1977, và trong nhiều thập kỷ, bà nhận được rất ít sự công nhận cho những đóng góp của mình với “Nhiệm vụ 523”.
Năm 2009, bà xuất bản cuốn tự truyện nhìn lại sự nghiệp khoa học đời mình. Tuy nhiên, bà nhanh chóng bị tấn công bởi một số kẻ cho rằng bà ham danh tiếng mà lờ đi những đóng góp to lớn của bà.
Một bộ phận khác cho rằng đã có 2 nhà nghiên cứu khác từng phát hiện ra loại hợp chất chữa sốt rét trong cây ngải hoa vàng trước khi bà Tu tham gia “Nhiệm vụ 523”.
Tuy nhiên, bà là người đã tham khảo tài liệu cổ để nghiên cứu ra cách tốt nhất chiết xuất hợp chất này để sử dụng trong y học.
Bà từng nhận giải thưởng y học danh tiếng Lasker DeBakey vào năm 2011. Ảnh: Corbis
Dù trong bất cứ trường hợp nào, bà cũng luôn được ca ngợi vì những đam mê đã dành cho y học. Lianda Li – một đồng nghiệp cũ cho biết bà Tu là một người “khó gần và khá đơn giản”. “Nếu không đồng ý với điều gì đó, bà ấy sẽ nói ra”.
Một đồng nghiệp khác là ông Fuming Liao – người đã từng làm việc với bà Tu hơn 40 năm – thì đánh giá bạn mình là “một người phụ nữ mạnh mẽ và cứng đầu”.
Rõ ràng bà đủ “cứng đầu” để dành ra hàng thập kỷ nghiên cứu các văn bản cổ, rồi áp dụng chúng cho khoa học hiện đại. Kết quả là hàng triệu sinh mạng được cứu sống.
Giải thưởng Nobel Y học 2015 được trao cho 3 nhà khoa học: William Campbell (người Ireland), Satoshi Omura (người Nhật Bản) và bà Tu Youyou (người Trung Quốc).
Hai nhà khoa học William Campbell và Satoshi Omura được tôn vinh nhờ các phát hiện liên quan tới phương pháp điều trị chống lại các bệnh nhiễm trùng do giun tròn ký sinh gây ra, trong khi bà Youyou Tu được vinh danh về những phát hiện liên quan tới một phương pháp điều trị bệnh sốt rét.
Mỗi giải thưởng Nobel trị giá 960.000 USD sẽ được trao cùng với một huy chương và bằng chứng nhận. Hai nhà khoa học Campbell và Omura sẽ chia nhau một nửa giá trị giải thưởng, trong khi bà Tu nhận nửa giá trị giải thưởng còn lại.
Inscription à :
Articles (Atom)