lundi 4 avril 2016

LỄ TRUYỀN TIN

LỄ TRUYỀN TIN

Trong ngày lễ Truyền Tin, Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng.  Thiên thần báo tin cho Ðức Mẹ rằng: Thiên Chúa muốn chọn Ðức Mẹ làm Mẹ Ðấng Cứu Thế.  Tin đó quá bất ngờ, vượt mọi suy nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi đợi chờ.  Phản ứng của Ðức Mẹ bắt đầu là bỡ ngỡ bàng hoàng lo sợ, nhưng tiếp đó là xin vâng (Lc 1:38).
Xin vâng là xin tuân phục ý Chúa.  Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, với sự từ bỏ mình, với sự tuyệt đối phó thác đời mình trong tay Chúa.
Lập tức sau lời "xin vâng" của Ðức Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Ðức Mẹ.  Tất cả đều diễn tiến một cách âm thầm, khiêm tốn.  Từ đó "xin vâng" đã được coi như một giao ước mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới.
Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Ðức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét (Lc 1:39-45).  Ði thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Ê-li-da-bét.  Theo Ðức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác.  Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác.  Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.
Thiết tưởng đó là một giao ước mới về bác ái liên đới phát sinh từ lời xin vâng.
Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Ðức Mẹ trong kinh Tạ Ơn "Linh hồn tôi tung hô Chúa" (Lc 1:46-55).  Tâm tình Ðức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa.  Tâm tình Ðức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại.  Tâm tình Ðức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.
Thiết tưởng đó là một bài ca mới về khiêm tốn khởi đi từ lời xin vâng.
Khi nói xin vâng được coi là một con đường mới, tôi nhớ lại biến cố Ðức Mẹ sinh Chúa Giêsu tại hang đá Bê-lem (Lc 2:1-7).  Ðang khi hầu hết mọi người đều coi giàu sang chức quyền danh vọng là những bậc thang giới thiệu giá trị con người, thì Ðức Mẹ đã không nghĩ như vậy, đã không vận động chút nào để được như vậy.  Trái lại, Ðức Mẹ đã lặng lẽ đi vào con đường khó nghèo.  Con đường đó đã khởi đi từ hang đá Bêlem và kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm, suốt cả cuộc đời Ðức Mẹ.  Trên con đường đó, Ðức Mẹ đã cầu nguyện, đã suy gẫm trong lòng, đã lắng nghe Chúa, đã thông hiệp với sự sống Chúa.
Thiết tưởng đó là một con đường mới về sự nghèo khó được vạch ra từ lời xin vâng.
Con đường mới đó, bài ca mới đó, giao ước mới đó đều nói lên Ðức Mẹ là con người mới.  Mới về nhiều phương diện, nhưng nhất là về phương diện Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ðức Mẹ, để đổi mới con người của Mẹ (Lc 1:35).
Qua việc Ngôi Hai xuống thai trong lòng Ðức Mẹ, Chúa Thánh Thần đã đưa tình yêu thương xót của Thiên Chúa vào nhân loại, đã mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, đã khai mở một nguồn mạch ơn thánh cứu độ vô cùng phong phú cho mọi người thiện chí.
Do đó, Ðức Mẹ là con người mới, là tác phẩm tuyệt vời của Chúa Thánh Linh.  Với đặc điểm là Ðức Mẹ có một trái tim giống trái tim Chúa Giêsu, trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, cháy rực lửa tình yêu thương xót.
Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào, để chuẩn bị mừng Lễ Truyền Tin một cách sống động sát với thời sự.
Thời sự hiện nay, nếu nhìn về góc độ xin vâng ý Chúa, thì đó là cả một vấn đề đáng phải lo ngại.  Bởi vì có những người coi trọng ý Chúa và xin vâng ý Chúa.  Cũng có những người coi thường ý Chúa và chống lại ý Chúa.  Có những người hiểu sai ý Chúa, vô tình hoặc cố tình.  Có những người gán cho ý Chúa những ý riêng của mình.  Có những người muốn ý Chúa hợp theo ý riêng mình, cho dù ý riêng mình là quái gở.
Thời sự hôm nay là Ít-ra-en, quê hương của Ðức Mẹ, đang là mảnh đất diễn ra vòng xoáy hận thù và đổ máu.  Vòng xoáy kinh hoàng này càng ngày càng mở rộng trên đất, đồng thời càng xoáy sâu vào lòng dân.  Từ mảnh đất này hằng ngày truyền đi khắp năm châu những tin đau đớn, gây nên băn khoăn nặng nề cho hòa bình thế giới.  Thời sự này làm cho rất nhiều người phải khóc, phương chi Ðức Mẹ.
Nhưng theo tôi, thời sự hiện nay quan trọng nhất chính là chuyện của bản thân ta.  Ta có lắng nghe ý Chúa không?  Và ta có xin vâng ý Chúa thực không?  Ðoạn Phúc Âm sau đây sẽ gợi ý cho ta thấy rõ ý Chúa về ta trong thời sự hôm nay:
"Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng.  Ðức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao?  Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu.  Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy."  "Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?  Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu.  Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy" (Lc 13:1-5).
Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên, tôi có cảm tưởng là Chúa muốn báo tin cho từng người chúng ta biết rõ ý Chúa.  Ðó là đừng quá bận tâm xét đoán người khác, nhưng hãy ưu tiên lo phần rỗi của mình.  Lo bằng cách sám hối ăn năn, đổi mới chính mình.  Cách đó là cách tốt nhất để góp phần vào việc cứu độ người khác.
Chúa báo tin cho chúng ta ý Chúa là như thế đó.  Rất rõ ràng.  Ở Fatima Ðức Mẹ cũng báo cho chúng ta tin đó.  Cũng rất rõ ràng.  Chúng ta hãy đáp lại bằng lời xin vâng.
Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa.  Hãy bước đi với những bước nhỏ.  Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi.  Như hằng ngày đến bên trái tim Ðức Mẹ, để xin trái tim Ðức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó.  Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ.  Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị.  Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.
Nếu lời xin vâng của chúng ta được hiệp thông sâu sắc với lời xin vâng của Ðức Mẹ, thì đây sẽ là một hy vọng mới cho tương lai bản thân ta, cho Hội Thánh ta, cho quê hương Việt Nam chúng ta, và cho tất cả nhân loại.
GM JB. Bùi Tuần

P.Anh chuyển


************************

Sự đồng trinh của Maria

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Hình vẽ bởi Francesco Albani. "Làm sao tôi biết điều này xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến người nam?", Luke 1:34
Sự đồng trinh của Maria hay Đức Mẹ đồng trinh là một tín điều dạy rằng mẹ của Đức Giêsu mãi mãi đồng trinh. Đó là sự đồng trinh trong cả ba giai đoạn: Thụ thai không có sự cộng tác của nam giới, sinh con mà vẫn còn nguyên vẹn, sau khi sinh vẫn còn đồng trinh.
Niềm tin này đã được đưa vào trong mọi bản tuyên xưng đức tin từ cổ xưa. Theo một bản văn có từ đầu thế kỷ thứ 2, người ta đọc thấy kinh Tin Kính của các Tông đồ tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô...bởi phép Đức Chúa Thành Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh". Nền tảng Kinh thánh của tín điều này có thể bắt nguồn từ lời trích trong sách Isaia (7,14) đã được Mátthêu áp dụng cho Đức Maria: "Vì thế, chính Đức Chúa sẽ ban một dấu chỉ. Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai đặt tên là Emmanuen nghĩa là "Thiên chúa ở cùng chúng ta".
Các giáo phụ thời kỳ đầu của Kitô giáo đã công nhận rằng Đức Kitô được thụ thai đồng trinh. Khoảng cuối thế kỷ I, Ignatiô thành Antiokia nói rằng: "Đức Giêsu "thật sự được sinh ra do một trinh tử". Tiếp sau đó là Justinô (100-165). Các tác giả của Hội thánh Công giáo đã nhất trí bênh vực cách giải thích lời sấm của Isaia theo chiều hướng Mêsia vừa nói đã được Mátthêu và Luca hiểu là chính Đức Giêsu.
Truyền thống Kitô giáo còn cho rằng chẳng những Đức Maria mang thai không cần sự giao hợp thể xác, mà trong khi sinh Đức Kitô, sự trinh nguyên của Đức Mẹ về mặt thể lý vẫn không bị hề hấn gì. Khi tu sĩ Jovinianô (chết năm 405) khởi xướng quan điểm cho rằng "Maria đã mang thai nhưng không sinh con", lập tức ông đã bị Thượng hội đồng ở Milan (390) do Thánh Ambrosiô chủ tọa kết án.
Đức Maria vẫn còn nguyên vẹn khi sinh Đức Giêsu hàm chứa trong tước hiệu Maria "trọn đời đồng trinh" đã được Công đồng Constantinopoli II (553) ban tặng. Các học giả như AmbrosiôAugustinô và Hieronimô không đi vào những chi tiết sinh lý học mà chỉ dùng những kiểu nói loại suy để diễn tả chân lý ấy: Đức Kitô đã xuất hiện từ một ngôi mộ đã niêm phong, Đức Kitô đi qua cửa đóng then cài, Đức Kitô như ánh sáng xuyên qua cửa kính, Đức Kitô như tư duy loài người xuất khỏi tâm trí[1].
Giáo lý Đức Maria vẫn còn đồng trinh sau khi đã sinh hạ Đức Kitô "post partum" đã bị Tertulianô và Jovinianô lên tiếng phản đối, nhưng đã được các Giáp phụ chính thống bảo vệ. Từ thế kỷ 4 trở đi, những kiểu nói như của Augustinô đã trở nên quen thuộc: "Đức Maria trinh nữ mang thai, Đức Maria trinh nữ hạ sinh, Đức Maria trinh nữ trọn đời".

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]


samedi 2 avril 2016

TẦN SỐ TÌNH YÊU

Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C

Thánh Thomas tông đồ

TẦN SỐ TÌNH YÊU

Thiên Phúc

Người cha dắt đứa con nhỏ đi dạo ngang qua một đài phát thanh của thành phố. Đứa bé chỉ ngọn tháp cao vút hỏi người cha: - Ba ơi! Cái tháp đó để làm gì vậy?
Người cha giải thích: - Con ạ! Đó là ăng-ten của đài phát thanh, hàng giây hàng phút nó phát đi những tin tức, âm nhạc và các chương trình hữu ích cho đại chúng.
- Nhưng thưa ba, con có nghe thấy gì đâu!
- Muốn nghe được những thông tin và các chương trình bổ ích đó, con chỉ cần có một cái máy thu thanh thật tốt, mở đúng tần số là con sẽ nghe rõ ràng, như cha con mình đang nói chuyện với nhau đây!
Chiều Phục Sinh đầu tiên, Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ, vắng mặt Tôma, một con người thực tế, muốn kiểm chứng bằng mắt thấy, tai nghe, tay sờ thì mới tin. Tám ngày sau, Đấng Phục Sinh lại hiện ra với các ông, có cả Tôma. Người gọi đích danh ông: “Tôma, hãy nhìn xem tay Thầy, hãy đặt ngón tay vào cạnh sườn Thầy. Đứng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Ông chỉ còn biết run sợ mà thưa với Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).
Tại sao Gioan chỉ cần nhìn thấy ngôi mộ trống và tấm khăn liệm xếp gọn gàng là ông đã tin Thầy sống lại, còn Tôma đã được các môn đệ làm chứng Thầy đã phục sinh mà ông lại không tin. Vậy điều khác nhau cơ bản giữa Gioan và Tôma chính là chiếc máy thu thanh của Tôma không mở đúng tần số, đó là tần số Tình Yêu, tần số của con tim. Tôma đòi phải xỏ tay vào lỗ đinh ở chân tay Thầy ông mới tin; còn Gioan, không cần thấy Thầy bằng con mắt thịt nhưng bằng con mắt đức tin, con mắt tình yêu. Chính tình yêu đã khiến Gioan chạy đến mộ Thầy nhanh hơn Phêrô, chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan nhận ra Thầy đầu tiên trên bờ biển Galilê, chính tình yêu đã làm cho ông trở nên “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” (Ga 21,7).
Tại sao Phêrô và Gioan đều thấy mộ trống và khăn liệm, mà Phêrô thì “rất đỗi ngạc nhiên” còn Gioan thì “Ông đã thấy và ông đã tin”? (Ga 20,8). Vì thế, Phêrô phải cố gắng vượt qua những dấu chỉ khả giác để đến với niềm tin, và Tôma cũng phải vượt qua cái nhìn của giác quan để đến với cái thấy của đức tin. Nhưng Đức Giêsu đã nói: “Phúc thay những người đã không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Đó cũng chính là phần thưởng của đức tin.
Sở dĩ Gioan nhận ra sự kiện ngôi mộ trống và khăn liệm như dấu chỉ của sự phục sinh, là vì ông đã nhớ lại lời Kinh Thánh: “ngày thứ ba, (Người) sẽ cho chúng ta chỗi dậy” (Hs 6,2) và phép lạ “ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm” (Gn 2,1). Vâng, chính Kinh Thánh sẽ soi sáng, hướng dẫn chúng ta nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong mỗi biến cố hằng ngày.
Niềm tin vào mầu nhiệm phục sinh của chúng ta hôm nay không phải là một niềm tin mơ hồ, mà là một niềm xác tín vào lời chứng chắc chắn của các Tông Đồ qua Kinh Thánh. Trong bài giảng đầu tiên của ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô đứng chung với mười một Tông Đồ lớn tiếng tuyên bố rằng: “chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32). Vâng, chính sự phục sinh của Đức Giêsu đã bảo đảm cho niềm tin của chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của mình” (1Cr 15,17).
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu nhiều hơn nữa, để chúng con tin Chúa mãnh liệt hơn.
Xin dạy chúng con biết siêng năng suy niệm Lời Chúa, để Lời Chúa mãi là đèn soi cho chúng con bước, là ánh sáng chỉ đường chúng con đi. Amen.
           

lundi 28 mars 2016

Cây cầu mang tên Đại Tây Dương

Cây cầu mang tên Đại Tây Dương nổi tiếng ở Na Uy được xây dựng trên các hòn đảo nhỏ và đảo đá ngầm, kết nối với nhau bằng nhiều đường đắp cao, cầu cạn.

Đường Đại Tây Dương, Na Uy dài hơn 8 km, rộng 6.5 m được xây dựng nhằm kết nối các hòn đảo trong vùng biển Na Uy và thành phố Averoy với phần đất liền tại Eide. Nối giữa các đảo nhỏ và đảo đá ngầm là nhiều đường đắp cao, cầu cạn và 8 cây cầu. Ảnh: taberhols

Trong đó nổi bật nhất là cầu Storseisundet với hình dạng vặn xoắn theo cấu trúc địa chất khu vực. Cầu Storseisundet dài 260 m, có hình dạng uốn cong theo cấu trúc địa chất khu vực và hướng gió. Do có độ uốn cong cao nên ở một số góc nhìn người ta tưởng chừng như cây cầu bị cắt ngang ở đỉnh.

Đường Đại Tây Dương được khởi công ngày 1/8/1983. Suốt thời gian xây dựng, khu vực này đã gánh chịu 12 trận cuồng phong. Đường được khánh thành vào ngày 7/7/1989, chi phí xây dựng là gần 15 triệu USD; 25% chi phí này được thu lại qua lệ phí cầu đường và phần còn lại lấy từ ngân sách. Kế hoạch thu phí dự kiến kéo dài trong 15 năm nhưng đến tháng 6/1999 đã thu xong và kể từ đó việc thu phí cũng được bãi bỏ.
Tháng 12/2009, đường Đại Tây Dương được Cục Di sản văn hóa Na Uy công nhận là di sản văn hóa cần bảo quản và được xếp hạng tuyến đường du lịch quốc gia. Các công ty sản xuất ô tô khi làm phim quảng cáo rất hay sử dụng bối cảnh của con đường này vì sự độc đáo và hấp dẫn của nó. Ảnh:unvisitedplaces

Năm 2006 nó được tạp chí The Guardian của Anh công bố là con đường có hành trình tốt nhất thế giới. Trước đó, con đường đã dành danh hiệu “Công trình xây dựng thế kỷ của Na Uy” trong năm 2005. Nó cũng được tạp chí Pravda của Nga bình chọn là một trong những con đường đẹp nhất thế giới năm 2009. Ảnh:wiki
Ngoài 8 cây cầu nằm dọc tuyến, đường Đại Tây Dương còn có 4 điểm dừng chân để nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Nhiều khu vực dành cho du khách, bao gồm ăn uống, câu cá và có cả khu nghỉ dưỡng dành cho người đi lặn biển được xây dựng trên đảo. Ảnh: unvisitedplaces

Du khách rất thích chinh phục cung đường này vào mùa biển động (từ đầu tháng 8), vì đây là cơ hội hiếm có để trải nghiệm những con sóng dồn dập, tung bọt trắng xóa và tràn qua cầu. Ảnh:unvisitedplaces

Khi biển động thì việc đi ngang qua đường Đại Tây Dương là một thử thách đầy mạo hiểm và không dành cho những người yếu bóng vía. Tuy nhiên, ngắm cảnh Bắc cực quang từ trên đường Đại Tây Dương, khung cảnh ngoạn mục, kỳ ảo với những màu sắc lung linh sẽ cho bạn một trải nghiệm không thể nào quên. Ảnh:lyngstadcreations

Có lẽ vì lý do đó mà trong buổi hoàng hôn, một phượt thủ vẫn mải miết chinh phục con đường nổi tiếng thế giới này. Ảnh: unvisitedplaces

Nguyễn Tuấn Quyền

samedi 26 mars 2016

Cách Lần Hạt Mân Côi

Cách Lần Hạt Mân Côi
by STEPHEN on SEPTEMBER 20, 2009 · 148 COMMENTS




Chuỗi Mân Côi

Lần Hạt Mân Côi:

(bắt đầu) Làm Dấu Thánh Giá và đọc Kinh Tin Kính
Đọc Kinh Lạy Cha
Đọc 3 Kinh Kính Mừng
Đọc Kinh Sáng Danh

Đọc Mầu Nhiệm thứ nhất và Kinh Lạy Cha
Đọc 10 Kinh Kính Mừng
Đọc Kinh Sáng Danh và Lời Nguyện Mân Côi

Đọc Mầu Nhiệm thứ hai, rồi đọc Kinh Lạy Cha
Lặp lại mục 6 và 7 => và tiếp tục cho đến hết các Mầu Nhiệm thứ 3, 4 và 5

Đọc Kinh Lạy Nữ Vương, Kinh Trông Cậy và Các Câu Lạy
Làm Dấu Thánh Giá
Hôn Thánh Giá Chúa với tâm hồn kính mến. (hết)
* Khi lần Chuỗi Mân Côi, xin lưu ý cố gắng sốt sắng và đừng đọc nhanh quá!


Cách Chọn Mầu Nhiệm Cho Từng Ngày Trong Tuần:
Thứ Hai & Thứ Bảy => Mầu Nhiệm VUI
Thứ Ba & Thứ Sáu => Mầu Nhiệm THƯƠNG
Thứ Tư & Chúa Nhật => Mầu Nhiệm MỪNG
Thừ Năm => Mầu Nhiệm SÁNG
Ngoại trừ những ngày đặc biệt sau:

Những ngày Chúa Nhật Giáng Sinh => Mầu Nhiệm VUI
Những ngày Chúa Nhật Mùa Chay => Mầu Nhiệm THƯƠNG


Suy Niệm 5 Sự Vui:

Hình Ngắm (suy gẫm)
Thứ nhất thì ngắm: Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
Thứ hai thì ngắm: Đức Đà đi viếng Bà Thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.
Thứ ba thì ngắm: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.
Thứ tư thì ngắm: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.
Thứ năm thì ngắm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền thánh. Ta hãy xin cho đươc giữ nghĩa cùng Chúa luôn.


Suy Niệm 5 Sự Thương:

Hình Ngắm (suy gẫm)
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. Ta hãy xin đóng đanh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.


Suy Niệm 5 Sự Mừng:

Hình Ngắm (suy gẫm)
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.
Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.


Suy Niệm 5 Sự Sáng:

Hình Ngắm
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.
Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.


Các Kinh:
Dấu Thánh Giá
Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.

Kinh Tin Kính
Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa GiêSu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh: chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy, Amen.

Kinh Lạy Cha
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Kinh Kính Mừng
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.

Kinh Sáng Danh
Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.

Lời Nguyện Mân Côi (hoặc còn gọi là Câu Than Fatima, hoặc Kinh Fatima)
Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhầt là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.

Kinh Lạy Nữ Vương
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ. Chúng con, con cháu E-và, ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

Kinh Trông Cậy
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chửa chúng con cho khỏi mọi sự dữ, Amen.

Các Câu Lạy
Thưa: Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Đáp: Thương xót chúng con.

Thưa: Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đáp: Cầu cho chúng con.

Thưa: Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Đáp: Cầu cho chúng con.

Thưa: Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Đáp: Cầu cho chúng con.

Thưa: Nữ Vương ban sự bằng an.
Đáp: Cầu cho chúng con.


Tham Khảo Thêm:

Nguồn Gốc Kinh Mân Côi
15 Lời Đức Mẹ Maria Hứa Ban Cho Những Ai Lần Chuỗi Mân Côi
Tại sao lần hạt mân côi?

jeudi 24 mars 2016

Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời

Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời

TTO - Năm 1940, chính quyền của Pháp ở Sài Gòn đặt tên cho con đường giới hạn bởi đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) và đường 11è RIC (nay là đường Trần Phú) là đường Pétrus Ký.
Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời
Bến xe Pétrus Ký ở Sài Gòn năm 1950 - Ảnh tư liệu
Còn con đường nối tiếp theo đường Pétrus Ký, từ đường 11è RIC đến đường Pavie (nay là đường 3 Tháng 2) được đặt tên là đường Boulevard de Ceinture. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn đã gộp 2 đoạn đường này thành một con đường và lấy tên là đường Pétrus Ký. 
Chính quyền Pháp đặt tên đường là Pétrus Ký nhằm tôn vinh một người Việt Nam đã được cả loài người tôn vinh là nhà bác học và cũng bởi con đường này khá gần với nhà cũ, mộ phần của nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký cũng như ngôi trường trung học nổi tiếng mang tên ông - lúc đó nằm trong khuôn viên khá rộng lớn, bao quanh bởi các con đường mà nay gọi là Trần Bình Trọng, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương (Q. 5).
Ngày 14-8-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đổi tên đường Pétrus Ký thành đường Lê Hồng Phong và nối dài tới đường Hoàng Dư Khương thuộc quận 10 như ngày nay.
Đường Pétrus Ký ngày xưa chỉ dài khoảng 1,3km, nhưng đường Lê Hồng Phong ngày nay có chiều dài hơn 2km, chiều rộng toàn mặt đường khoảng 30m, gồm 4 làn đường, chia cho mỗi chiều di chuyển có 2 làn đường.
Đường này giao nhau với các đường nay là: Trần Hưng Đạo, Phan Văn Trị, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Hùng Vương, Vĩnh Viễn, ngã bảy Chợ Lớn, Trần Quốc Toản (nay là đường 3 Tháng 2), Cao Thắng.
Đường Pétrus Ký xưa nối đường Hoàng Dư Khương (quận 10) với đường Trần Hưng Đạo (Q.5), chạy xuyên qua địa bàn của các quận 3, 5, 10 của Sài Gòn (nay là TP.HCM).
Những dấu ấn lịch sử trên đường Pétrus Ký
Đường Pétrus Ký chạy qua một khu vực mang dấu ấn lịch sử khá lâu đời của vùng đất Sài Gòn. Đó chính là giao điểm của các con đường: Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong), Hui Bon Hoa (nay là Lý Thái Tổ), Ngô Gia Tự, Điện Biên Phủ trở thành ngã bảy Lý Thái Tổ. 
Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, khu vực ngã bảy Lý Thái Tổ chính là khu vực mang tên Đồng Mả Ngụy từ thời vua Minh Mạng (1820-1840) - nơi chôn những người thma gia cuộc nổi dây của Lê Văn Khôi, con nuôi tổng trấn Lê Văn Duyệt.
Gần hơn, vào năm 1926, Hội Đức Trí Thể Dục đã được thành lập bởi các ông Nguyễn Khắc Nương, Lưu Văn Lang (được đặt tên một con đường nằm bên hông chợ Bến Thành ngày nay) và một số trí thức miền Nam Việt Nam thời bấy giờ đã phát động rộng khắp phong trào rèn luyện thể dục thể thao nhằm mục tiêu “dân cường, nước mạnh”.
Thập niên 1930, Hội Đức Trí Thể Dục đã tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện và hội họp của nhiều trí thức, sinh viên học sinh ở Nam kỳ về triết học biện chứng cũng như về thơ mới - thơ cũ thu hút nhiều thính giả.
Đặc biệt vào năm 1963, phong trào Phật giáo chống lại sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm đã diễn ra khắp Sài Gòn. Viện Hóa Đạo và Việt Nam Quốc Tự (hiện đang xây dựng mới) nằm ngay ngã tư đường Pétrus Ký - Trần Quốc Toản (nay là đường 3 Tháng 2) vốn là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng là một địa điểm nổi tiếng trong những năm tháng đấu tranh đẫm máu của Phật giáo Sài Gòn.
Bến xe vang bóng một thời Pétrus Ký
Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời
Bến xe Pétrus Ký ở Sài Gòn năm 1955 - Ảnh tư liệu
Chỉ sau khoảng 10 năm mang tên là đường Pétrus Ký thì con đường đã mang thêm một chức năng mới. Những năm cuối thập kỷ 1940 và những năm đầu thập kỷ 1950, lần lượt các bến xe khách Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung, miền Đông và miền Tây nằm rải rác ở nhiều nơi tại Sài Gòn (như ở đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Cư Trinh ở Q. 1…) đều được chuyển về đường Pétrus Ký.
Tên gọi Bến xe Pétrus Ký ra đời từ đó.
Dọc theo sát lề phía tây của đường Pétrus Ký, từ ngã sáu Lý Thái Tổ đến ngã tư Pétrus Ký - Nguyễn Trãi đã trở thành nơi đậu của hàng trăm chiếc xe khách.
Mỗi tuyến xe khách đều có một màu sơn cho xe khác nhau để hành khách dễ tìm xe, đã tạo cho phần lớn chiều dài của đường Pétrus Ký lộng lẫy màu sắc: nào là màu xanh của xe khách Dĩ An, Biên Hòa,màu đỏ của xe khách Đà Nẵng, màu vàng viền đỏ của xe khách Bình Dương…
Bến xe Pétrus Ký hoạt động 24/24g. Không khí nhộn nhịp diễn ra khắp chiều dài bến xe ngày cũng như đêm.
Biết bao thế hệ con người từ các tỉnh lên Sài Gòn lần đầu tiên đều đã chân ướt chân ráo trên bến xe Pétrus Ký này, với cặp mắt ngơ ngác khi nhìn thấy đất Sài Gòn bao la, lạ lẫm mà lâu nay họ tưởng tượng.
Dịch vụ ở bến xe Pétrus Ký
Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời
Bến xe Pétrus Ký ở Sài Gòn năm 1960 - Ảnh tư liệu
Với tần suất hàng trăm lượt xe khách vô bến và xuất bến mỗi ngày, bến xe Pétrus Ký đã nhanh chóng hình thành các loại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người thường xuyên có mặt ở bến xe, từ chủ xe, tài xế, lơ xe cho đến hành khách, phu khuân vác…
Hàng quán ăn uống mọc lên suốt chiều dài của bến xe Pétrus Ký, từ bình dân đến cao cấp. Nhà trọ, khách sạn mini cũng xuất hiện để phục vụ cho khách lỡ đường.
Dĩ nhiên không thể thiếu các mảnh đời thân thương: những mẹ gánh hàng rong, những chị bán trà đá, những em bán báo dạo… với những tiếng rao lảnh lót thỉnh thoảng lại vang lên giữa không gian ồn ào tiếng động cơ xe và khói bụi…
Bên cạnh những cảnh sống cơ cực bám theo sinh cảnh của bến xe Pétrus Ký còn có mấy mảnh đời đen tối. Suốt trong một thời gian dài, bến xe Petrus Ký cũng từng nổi tiếng với những dân đứng bến, những tay anh chị sống ngang tàng với nghề bảo kê, giựt dọc, đâm thuê chém mướn…
Cũng không thể không kể đến một số chị em từng sống chen chúc xóm Bình Khang - Cây Điệp hay còn gọi là khu nhà máy giày Bata (nay là Công ty cổ phần Giày Sài Gòn, thuộc khu phố 1, phường 2, quận 10), trong những căn nhà nhỏ hẹp ở khu vực dân lao động nằm cạnh hãng giày Bata nằm ngay trong khu vực bến xe Pétrus Ký, với một nghề nghiệp khá cổ xưa nhưng chưa được công nhận là một nghề: mại dâm.
Trở thành đường Lê Hồng Phong
Sau năm 1975, đường Pétrus Ký được đổi thành đường Lê Hồng Phong. Từ đó, bến xe Pétrus Ký trở thành bến xe Lê Hồng Phong. 
Ngày 11-12-1976, bến xe Lê Hồng Phong được đặt tên mới là xa cảng miền Đông Trung bộ. Năm 1981, bến xe chuyển đến phường 26, quận Bình Thạnh, rồi từ năm 1985, chuyển đến bến xe Miền Đông ngày nay.
Bao nhiêu sự ồn ào, phức tạp của khu vực vốn từng là bến xe cũng đã tan biến theo…
Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời
Một đoạn đường Lê Hồng Phong hiện nay. Ảnh chụp sáng 11-1 - Ảnh: HỜ TƯỜNG
Con đường mang tên nhà bác học Pétrus Ký dạo nào, nay đã quen thuộc với người dân thành phố suốt hơn 40 năm qua với tên gọi đường Lê Hồng Phong.
... Và TP.HCM hiện cũng có đường Trương Vĩnh Ký
TP.HCM hiện có một con đường mang tên Trương Vĩnh Ký, hiện đang nằm trên địa bàn phường Tân Thành, quận Tân Phú (thuộc tỉnh Gia Định xưa), dài khoảng 1km, từ ngã ba Trương Vĩnh Ký - Lũy Bán Bích đến giáp đường Gò Dầu.
Đường Pétrus Ký ở Sài Gòn với bến xe lẫy lừng một thời
Đường Trương Vĩnh Ký giáp với đường Lũy Bán Bích ở quận Tân Phú. ảnh chụp sáng 11- - Ảnh: Hồ
Tường

Hồng Công chuyển