jeudi 17 août 2017

Thủ Tướng Nhật sau khi nghỉ hưu

Thủ Tướng Nhật sau khi nghỉ hưu 
August 13, 2017


Khó có thể tưởng tượng được người đàn ông ngày ngày đạp xe đi chợ mua thức ăn cho vợ này là ai
Hàng ngày, người ta thấy một người đàn ông già đạp xe điềm tĩnh đi chợ mua đồ ăn. Ông được mọi người vô cùng yêu mến về phong cách của mình. Đó là Thủ tướng Nhật về hưu.
Người ta thường nói, khi lãnh đạo của một nước về hưu mà cuộc sống trở nên bình dị thì chứng tỏ tỷ lệ tham nhũng của nước đó thấp và ngược lại.
Gần như tất cả các cựu thủ tướng của nước Nhật đều có cuộc sống khá giản dị nếu không nói là nghèo khó sau khi nghỉ hưu.
Ngài Murayama sau khi mãn nhiệm vị trí thủ tướng Nhật Bản không lâu cũng từ bỏ vị trí trong Quốc hội đất nước, cả nhà già trẻ lớn bé đưa nhau về quê hương ở Oita, thuộc đảo Kyushu, Nhật Bản sinh sống.

Cựu thủ tướng đạp xe đạp đi chợ mua đồ ăn cho vợ.


Với phong cách bình dị, ông điềm tĩnh trên chiếc xe đạp đi chợ.



Ông nói: “Bà nhà dạo này hay bị đau lưng, nên tôi đạp xe ra chợ mua ít đồ ăn”.
Vậy đấy, bạn có nghĩ đến một người đàn ông già lại còn là một cựu thủ tướng đạp xe đạp hằng sáng ra chợ mua đồ ăn không?

Ngôi nhà may mắn

Mọi thứ bên trong ngôi nhà vẫn y như 2 năm trước, sạch sẽ và nhỏ xinh.


Ông Murayama nói rằng ngôi nhà này được xây từ thời Minh Trị cũng 130 năm rồi. Năm 1945 khi quân Mỹ ném bom thành phố Oita, thành phố bị tàn phá nặng nề nhưng ngôi nhà không bị hư hại nhiều. “Đây là một ngôi nhà may mắn nên tôi đã mua nó”, ông nói.


Bước vào nhà, một người phụ nữ thân thiện cúi đầu chào. Không thể ngờ đây là người từng là Đệ nhất phu nhân của nước Nhật. Bà giản dị, thân thiện chào mừng khách bằng bình trà nóng, chút bánh đậu dân dã.



Nhà của những cựu Thủ Tướng khác thì ít người dám lai vãng đến, nhà của cựu Thủ Tướng nhật Murayama không bảo vệ, không có các thiết bị an ninh cấp cao, không có người giúp việc, chỉ có đôi vợ chồng già hơn 90 tuổi mà có không ít người thường xuyên đến thăm hỏi. Cuộc sống của vợ chồng ông không khác gì với cuộc sống của những người dân nghèo khó quanh làng.

Hằng ngày ông dậy từ 5 giờ sáng để đi bộ đến công viên gần nhà, tập thể dục, nói chuyện hàn huyên với những người bạn già. Cứ 2 tiếng như vậy mỗi ngày đã góp phần không nhỏ vào củng cố sức khỏe cho ông.
Có người hỏi: “Thủ tướng nước Nhật nghỉ hưu thì được hưởng những chế độ gì?”
Ông nói: “Không có chế độ gì cả”.

Thủ Tướng Nhật sau khi nghỉ hưu

Tổng thống Mỹ sau khi nghỉ hưu, chính phủ sẽ cấp một khoản tiền để xây dựng thư viện.
Thủ Tướng Nhật sau khi nghỉ hưu, chính phủ không hề có bất cứ trợ cấp đặc biệt nào, thậm chí trợ cấp sách, báo, đi lại cũng không.
Nếu bị bệnh thì đến bệnh viện khám, lấy thuốc và trả 30% tiền thuốc thang viện phí như người dân bình thường, tiền hàng tháng cũng chỉ có số tiền lương hưu ít ỏi.

Khách mời cựu Thủ Tướng đi ăn trưa, cuối cùng ông cũng đồng ý.



Khi bước vào quán Sushi, quán nhỏ không quá nhiều người, mọi người vừa ngồi xuống nhân viên phục vụ đã mang đồ ăn ra. Bà chủ cửa hàng nói chỉ cần ông Murayama gọi điện đến là họ biết ông muốn ăn gì.



Tất cả tài xế taxi khi được hỏi đều biết về người đàn ông này. Họ nói rằng đây là người con của Oita, là niềm tự hào của Oita và họ đặt biệt danh cho ông là ông Tấn. Chẳng trách ông Murayama ra ngoài không cần bảo vệ, tình yêu thương của làng xóm, láng giềng đã là sự bảo vệ tốt nhất với ông.



Khi từ biệt mọi người, ông Murayama nói: “Thật ngại quá, anh nhất định trả tiền sushi, vợ chồng già chúng tôi cảm thấy rất có lỗi”, ông nói đến đây mọi người thực sự cảm thấy cảm động.



Bảo trọng nhé ngài Murayama!
Theo: Therealtz © VietBF
*Thế giới này có bao nhiêu cựu quan chức cấp cao có nếp sống bình dân, giản dị như ngài cựu Thủ Tướng Nhật Murayama ?


 
 Trong những cái họa, có lẽ không có cái họa nào lớn bằng không biết đủ.

Cuộc đời của một vị tổng thống không hạnh phúc hơn cuộc đời của một cậu bé đánh giầy. Cuộc đời của một tỷ phú không hạnh phúc hơn cuộc đời của một người ăn mày. Cậu bé đánh giầy hay người ăn mày có những niềm hạnh phúc mà vị tổng thống hay nhà tỷ phú không bao giờ có được. Và ngược lại, vị tổng thống hay nhà tỷ phú có những niềm hạnh phúc mà cậu bé đánh giầy hay người ăn mày không có được.
Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, hạnh phúc đích thực của con người chỉ có bấy nhiêu thôi. – Epicure


Thanks for sharing




L.Chi chuyển

mercredi 16 août 2017

KHÁM PHÁ KHO BÁU TIN MỪNG

KHÁM PHÁ KHO BÁU TIN MỪNG 

Kho tàng ẩn giấu dưới lòng đất
 
Qua bao đời, người Ả-rập Xê-út sống ngay trên những túi dầu khổng lồ với một trữ lượng lớn lao vượt xa các nơi khác trên thế giới mà không hay biết. Hiện nay, trữ lượng dầu của Ả-rập Xê-út lên đến 265 tỷ thùng dự trữ dầu, chiếm khoảng 20% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Thế mà, suốt cả mấy ngàn năm trước đây, tổ tiên ngàn đời của họ phải sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực vì đất nước của họ gồm phần lớn là sa mạc nóng cháy với một khí hậu khắc nghiệt khác thường.
Mãi cho đến năm 1938, nhờ kỹ thuật tân tiến của phương Tây, họ mới khám phá và khai thác những túi dầu lửa khổng lồ nằm ngay dưới chân mình. Nhờ đó, từ thân phận nghèo khổ bần cùng nhất thế giới, họ trở nên một dân tộc giàu có, phồn vinh.
 Tiếc thay, biết bao nhiêu thế hệ cha ông họ đã phải sống túng thiếu cùng cực ngay trên trữ lượng “vàng đen” khổng lồ chỉ vì không phát hiện được kho tàng ẩn giấu!
 ♦♦♦
Kho tàng ẩn giấu trong cuốn Tin mừng
 
Vì lòng yêu thương vô bờ dành cho con cái mình, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một kho tàng quý báu hàng tỷ lần hơn kho dầu bên Ả-rập; đó là Tin mừng sự sống được rao truyền cho nhân loại suốt hai ngàn năm qua.
 Tin mừng Chúa Giê-su là sự khôn ngoan của Thiên Chúa được Chúa Giê-su mang từ trời xuống tặng ban cho thế giới.
 Tin mừng Chúa Giê-su là phương dược cứu chữa nhân loại khỏi chia rẽ, hận thù và tự hủy diệt.
 Tin mừng Chúa Giê-su đề ra giải pháp tối ưu để xây dựng một thế giới yêu thương huynh đệ, công bằng, hạnh phúc.
 Nhưng tiếc thay, cũng như người Ả-rập trước đây phải sống lây lất trong nghèo đói, bần cùng và lạc hậu vì không biết khám phá và khai thác những túi dầu khổng lồ dưới chân mình, thì nhiều người hiện nay vẫn chưa phát hiện được những giá trị vô cùng cao quý do Tin mừng mang lại nên phải sống trong tình trạng nghèo tình thương, đói công lý, nhân phẩm bị chà đạp, công bằng xã hội bị tiêu hủy, hố cách biệt giàu nghèo gia tăng, nếp sống đạo đức sa sút nghiêm trọng…
 Sở dĩ như thế là vì Tin mừng là kho báu, nhưng là kho báu ẩn giấu dưới những dòng chữ, là ngọc quý ẩn mình trong những trang sách, nên mặc dù sách Tin mừng đang ở trong tầm tay mọi người, nhưng nhiều người không phát hiện được giá trị tiềm ẩn bên trong nên không tìm cách khai thác để mang lại lợi ích cho mình.

Hăm hở khai thác kho tàng
 Hiện nay, khi thấy dấu hiệu có trữ lượng dầu lửa đáng kể nằm sâu dưới lòng đất hay dưới lòng đại dương, các quốc gia lân cận lập tức xác nhận chủ quyền của mình trên những vùng biển hay vùng đất đó và tìm cách khai thác cho bằng được. Nếu cần, các quốc gia liên hệ có thể huy động cả lực lượng quân đội hùng hậu nhất để cưỡng chiếm những vùng đất đó nhằm thu lợi về cho riêng mình. Nói chung, ai cũng hăm hở khai thác những nguồn lợi nằm trong tầm tay của mình dù phải trả giá rất cao.
 Đó cũng là chọn lựa của anh nông dân bất ngờ khám phá ra kho báu hay của một thương gia đi săn lùng ngọc quý trong dụ ngôn Tin mừng Mát-thêu sau đây (13, 44-46):
 “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”
♦♦♦

Lạy Chúa Giê-su,
 Tin mừng của Chúa là một kho tàng tuyệt vời đang ẩn mình dưới những dòng chữ, là viên ngọc vô cùng quý báu chìm khuất trong những trang sách, nhưng tiếc thay, vì người đời chẳng hay biết nên họ tỏ ra dửng dưng, hờ hững với Kho tàng nầy.
 Xin cho chúng con biết đánh giá đúng giá trị của Tin mừng để rồi quyết tâm khám phá cho bằng được và sẵn sàng đầu tư khai thác không quản ngại phí tổn thời giờ và công sức; vì một khi sở hữu được kho tàng vô giá nầy, một khi làm chủ được viên ngọc quý báu nầy, cuộc đời của mỗi người sẽ được cải thiện, xã hội sẽ có thêm công bằng hạnh phúc và tương lai của nhân loại sẽ bừng sáng.

 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

mardi 15 août 2017

MARIA, THẦY DẠY ĐỨC TIN

MARIA, THẦY DẠY ĐỨC TIN



Trong một đan viện nọ, có hai tu sỹ ngồi đàm đạo để cùng giúp nhau thăng tiến về đời sống thiêng liêng.  Họ mở Kinh Thánh ra và cùng nhau chia sẻ.  Đoạn Kinh Thánh được đọc lên, trích trong Tin mừng Luca chương 15, nói về dụ ngôn đứa con hoang đàng.  Câu chuyên khá dài với nhiều tình tiết.  Gấp sách lại, cả hai thinh lặng cầu nguyện và trao đổi.  Một đan sĩ lên tiếng: “Tôi không hiểu tại sao thằng bé này lại bỏ nhà đi hoang.  Nó có một gia đình khá đầy đủ về vật chất.  Hơn nữa, nó còn có một ông bố yêu thương nó hết lòng.  Vậy tại sao nó lại thoát ly gia đình?”  Suy nghĩ một lát, vị đan sĩ kia lên tiếng: “Đứa bé này bỏ nhà đi bụi, vì trong ngôi nhà ấy vẫn vắng bóng một người mẹ.”

May mắn, chúng ta có một người Mẹ tuyệt vời là chính Đức Maria.  Người vừa là hiền mẫu, vừa là Thầy dạy đức tin và cũng là đấng phù trợ chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin trần thế.  Mừng lễ Mẹ lên trời hôm nay, Giáo hội cũng nhắc nhớ chúng ta hướng về người mẹ thiêng liêng và tuyệt diệu này. 
Đồng thời, chúng ta cũng nhìn về Đức Maria như là khuôn mẫu đức tin để noi theo.

 Ý nghĩa mầu nhiệm Mẹ lên trời hồn xác

 Năm 1950, Đức Thánh Cha Piô XII đã công bố tín điều này.  Đây là tín lý thuộc đức tin mang tính thần khải và Công giáo.  Giáo hội xác tín chân lý ấy dựa vào nhiều lý chứng.

Trước hết, bởi vì Mẹ là thụ tạo vượt trổi, đã được Chúa giữ gìn khỏi lây nhiễm tội lỗi.  Tội tổ tông không để lại âm hưởng gì nơi Mẹ, đồng thời Thiên Chúa cũng gìn giữ mẹ luôn mãi vẹn tuyền.  Ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Ngài phó trao cho Mẹ những đặc sủng tương thích với sứ vụ cao cả này.  Thân xác Mẹ cho dù có phải nếm trải sự chết giống như Đức Giêsu, nhưng thân xác vẹn tuyền đó không thể  bị hủy hoại.  Vì vậy Giáo hội xác tín rằng sau khi chết, Mẹ đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác.

Thứ đến, cuộc đời của Mẹ đã gắn kết chặt chẽ với Đức Giêsu.  Đức Giêsu đã phục sinh và lên trời.  Mẹ cũng vậy.  Phần thưởng nước trời dành cho Mẹ như một hệ quả tất yếu của sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu.

Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh đã nói đến sự chiến thắng của người nữ trên con rắn.  Người nữ đạp dập đầu con rắn và con rắn rình cắn gót chân bà.  Người phụ nữ này là hình tượng chỉ về Hội thánh, về Đức Maria, về những con người sống hiệp thông chặt chẽ với Đức Giêsu trong nhiệm cục cứu độ.  Cũng tương tự, người nữ trong sách Khải Huyền đã chiến thắng con rồng đỏ, cũng ám thị về Đức Maria và về toàn thể Giáo hội.

Giáo hội công bố tín điều này để mời gọi chúng ta hướng về Mẹ như khuôn mẫu đức tin.  Mẹ chính là Thầy dạy Đức tin cho chúng ta.

Thầy dạy đức tin

Sau khi Chúa về trời, Kinh Thánh nói rất ít về Mẹ.  Tin mừng Gioan chỉ tóm gọn trong một câu ngắn: “Từ lúc ấy, môn đệ đem Mẹ về nhà mình (Ga 19,27).  Sách Tông đồ Công vụ chỉ duy nhất một lần nói về sự hiện diện của Đức Maria giữa các tông đồ khi cầu nguyện tại Giêrusalem trong dịp lễ Ngũ Tuần.  Sau đó, Chúa Thánh Thần đậu xuống trên các tông đồ và trên Đức Mẹ (Cv. 1,12).   Như vậy, sau biến cố Phục sinh, Mẹ đã hoàn toàn rút vào trong thinh lặng để suy niệm và cầu nguyện.  Thái độ đức tin này cũng được Thánh Luca tóm kết bằng một câu đơn giản: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc. 2,19).  Vì vậy, qua phụng vụ hôm nay, Giáo hội cũng mời gọi chúng ta hướng về Mẹ như là Thầy dạy đức tin của mọi tín hữu.

“Phúc cho bà là kẻ đã tin” (Lc. 1,45).  Đây là lời được mặc khải qua miệng bà Elizabeth.  Trước khi chúng ta chiêm ngắm các nhân đức và những đặc phúc nơi Mẹ, chúng ta hãy nhìn về Mẹ như là Thầy dạy đức tin của chúng ta.

Cuộc hành trình đức tin của Mẹ được dàn trải trong suốt cả cuộc sống, từ biến cố truyền tin đến cao điểm là phút giây hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu dưới chân Thập giá.  Thái độ đức tin đó được thể hiện bằng cách Mẹ luôn tìm kiếm và quy thuận thánh ý Thiên Chúa.  Có lần, khi Chúa Giêsu đang giảng giữa đám đông, Đức Maria chợt đến.  Người ta báo cho Chúa biết là “bà cố” đang đến.  Người trả lời: “Ai là mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Mc 3,31-35).  Đức Giêsu gián tiếp đề cao thái độ đức tin nơi Mẹ.  Tính cách làm Mẹ của Ngài hệ tại ở việc biết nghe lời Thiên Chúa và đem ra thi hành.

Mẹ được đem về trời cả hồn lẫn xác là dấu chứng của một cuộc vinh thắng, và đó chính là cuộc chiến thắng trong đức tin.  Trong thư Rôma, thánh Phaolô so sánh Ađam với Đức Kitô (xem chương 5).  Ađam gieo sự tội vào trần gian vì bất tuân, còn Đức Kitô đưa sự giải án tuyên công đến cho con người qua vâng phục.  Cũng như Evà đã liên đới với Ađam trong tội nguyên tổ, thì Đức Maria được sánh ví như Evà mới, đã hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu để đem ơn cứu độ đến cho con người.  Nhiều thần học gia còn gọi Mẹ là Đấng “Đồng công Cứu chuộc” (Corredemptorist).  Sách Giáo lý Công giáo cũng mời gọi chúng ta hướng nhìn về Mẹ như là Biểu tượng Cánh chung (Eschatological Icon) cho toàn Giáo hội trong cuộc lữ hành trần thế (Giáo lý Công giáo số 972).  Những điều này nói về Mẹ như là khuôn mẫu và Thầy dạy đức tin cho chúng ta.

Ở Đức, trong một vở kịch diễn lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, diễn viên trình diễn cảnh Giuđa sau khi phản bội đã ra đi tự vẫn.  Trước khi chết, anh ta thét lên: “Khốn thân tôi, tôi biết chạy đến với ai bây giờ ?”  Nghe vậy, một đứa trẻ ở gần đó nói với mẹ: “Mẹ ơi, sao anh ta không chạy đến với Đức Maria.”

“Trên đời này, không có một kỳ quan nào cao cả và vĩ đại cho bằng trái tim của người mẹ.”  Cũng vậy, chúng ta có Đức Maria là Hiền Mẫu, là Thầy dạy đức tin và cũng là nơi nương náu an toàn nhất trong cuộc lữ hành trần thế hôm nay.


Lm G.B. Trần Văn Hào SDB

T.Anh chuyển

lundi 14 août 2017

SÓNG ĐỜI

Chúa Nhật XIX thường niên - Năm A
SÓNG ĐỜI
Trầm Thiên Thu


Khi nói đến sóng, người ta nghĩ ngay tới biển. Sóng có lúc rất hiền hòa, rất thơ mộng khi sóng “mơn man vỗ mạn thuyền”, do đó mà người ta áp dụng nghĩa này cho vấn đề trừu tượng và gọi là “lãng mạn”. Sóng cồn dù dữ dội nhưng là sóng nổi, không đáng sợ bằng sóng ngầm, không thể nhìn thấy. Sóng còn khủng khiếp hơn nếu đó là sóng bạc đầu hoặc sóng thần, điển hình là sóng thần tại Nhật Bản ngày 11-3-2011 đã cuốn mất khoảng 16.000 người và quét sạch mọi thứ vào lòng biển khơi.
Trong ca khúc “Sóng Về Đâu”(*), cố NS Trịnh Công Sơn nói: “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người; biển sóng biển sóng đừng xô nhau, ta xô biển lại sóng về đâu?… Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã giữa tim người… Biển sóng biển sóng đừng âm u đừng nuôi trong ấy trái tim thù”. Ca từ của ông đầy triết lý sống. Biển vừa hiền vừa dữ. Biển sâu thẳm và bao la yêu thương, lòng biển không bao giờ lặng, luôn động, dù có lúc nhìn biển rất tĩnh. Biển như đời người vậy!
Sóng còn gọi là ba đào (dậy sóng – ba: sóng, đào: nổi dậy). Có loại sóng dữ dội và dai dẳng hơn các loại sóng, đó là sóng đời. Chúng ta đang miệt mài hành trình lữ hành trần gian, lênh đênh trên biển đời, luôn gặp những loại sóng đời – đủ dạng và đủ cỡ. Không vững tay chèo là thuyền đời chìm ngay. Vì thế, lúc nào chúng ta cũng phải phát tín hiệu báo khẩn: S.O.S., lạy Thiên Chúa!
Thiên Chúa hiện diện mọi nơi và thể hiện trong mọi sự, kể cả những thứ chúng ta cho là không tốt, nhưng Thiên Chúa không làm điều không tốt. Chính đau khổ và những thứ không tốt xảy ra cho chúng ta, không phải Ngài không biết, nhưng Ngài cho phép nó xảy ra theo tự nhiên để dạy chúng ta bài học giá trị. Có thể đó là hậu quả do sai lầm của chúng ta hoặc của người khác, nhưng cũng có thể đó là để làm vinh danh Chúa – như trường hợp người mù bẩm sinh (Ga 9:1-3). Tội lỗi cũng có tính liên đới.
Khi ông Êlia vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Đức Chúa hỏi ông: “Êlia, ngươi làm gì ở đây?”(1 V 19:9). Rồi Ngài nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua.
Gió to, bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Êlia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Ông nhận biết Đức Chúa đang ở trong làn gió nhẹ đó. Quả thật, lúc đó có tiếng hỏi ông như trước: “Êlia, ngươi làm gì ở đây?”(1 V 19:13). Ông thưa: Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh,nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con”(1 V 19:14).
Không dễ để lắng nghe tiếng Chúa hoặc nhận biết ý Chúa, ví thế mà chúng ta phải không ngừng cố gắng lắng nghe để nhận biết ý Ngài, rồi tiếp tục cố gắng chấp nhận và thực hiện, người có lòng nhiệt thành đối với Chúa thì sẽ để ý Chúa nên trọn chứ không mong ý mình nên trọn. Về lĩnh vực này, chúng ta lại thường có xu hướng trái ngược, vì chúng ta luôn thích “xin được như ý”.
Tác giả Thánh Vịnh chia sẻ: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng trí về Người. Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta”(Tv 85:9-10).
Ở đâu có Chúa thì mọi sự đều tốt đẹp: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân”(Tv 85:11-14). Điều này cũng có nghĩa là, nếu ở đâu vắng Chúa thì mọi sự sẽ hoang vu và nguy hiểm.
Phải mau đón Chúa vào lòng, càng sớm càng tốt, trước khi công lý được áp dụng, trước khi hết thời gian thương xót. Thiên Chúa vẫn kiên trì chờ đợi chúng ta trở về như người cha nhân hậu mong ngóng đứa con hoang đàng trở về (Lc 15:11-32). Ai khôn ngoan thì biết tỉnh thức đợi chờ Ngài như mười trinh nữ khôn ngoan chờ đón chàng rể (Mt 25:1-13), vì “thời gian không chờ đợi ai – time waits for no man”. Lý do? Bởi vì “Chúa đã gần đến”(Pl 4:5), “ngày Chúa quang lâm đã gần tới”(Gc 5:8), và “thời giờ đã gần đến”(Kh 1:3; Kh 22:10). Đó là không ngừng rèn luyện Đức Tin, để khi gặp thử thách sẽ không bị chao đảo, không như hạt giống rơi vào đất sỏi đá hoặc bụi gai.
Tỉnh thức chờ Chúa như vậy thì không ai có thể ngồi yên, luôn như biển động, luôn nổi sóng, khi sóng nhỏ, lúc sóng to. Thánh Phaolô cũng đã luôn đứng ngồi không yên. Ông thề có Đức Kitô chứng giám, rồi nói sự thật chứ không nói dối, nhờ Thánh Thần hướng dẫn: “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi”(Rm 9:2). Sao vậy? Thánh Phaolô giải thích: “Giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, tôi cũng cam lòng. Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Ngườicho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự  các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen”(Rm 9:3-5). Có Chúa thì hạnh phúc và vinh dự như thế đấy!
Nhưng nói rồi quên, hứa rồi thôi. Phàm nhân khốn nạn lắm thôi. Không chỉ nghe người khác nói mà chứng kiến tận mắt, thế mà chúng ta vẫn chưa dám tin thật. Ôi thôi, con người ơi!
Vào một buổi chiều nọ, có lẽ trời quang mây tạnh, đẹp lắm, thú vị lắm. Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no, Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Ngài giải tán dân chúng, vì chắc chắn dân chúng lưu luyến Ngài, khoái Ngài lắm, không thể về được, dù trời đã gần tối. Mãi mới giải tán được. Khi giải tán họ xong,Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến, Ngài vẫn ở đó một mình. Chúa Giêsu luôn thích sống tĩnh lặng để kết hiệp với Chúa Cha qua lời cầu nguyện. Ngài luôn căn dặn mọi người phải cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22:40-46), cầu nguyện còn là sức sống và là sức mạnh của linh hồn. Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì mới là hoạt động.
Khi Chúa Giêsu ở một mình và cầu nguyện, chiếc thuyền chở các môn đệ đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư – tức là quá nửa đêm về sáng, Ngài đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Ngài đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau:“Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”(Mt 14:27). Nghe vậy, ông Phêrô bán tín bán nghi nên liền thưa: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”(Mt 14:28). Đức Giêsu ôn tồn bảo ông: “Cứ đến!”. Ông Phêrô hí hửng bước ngay xuống khỏi thuyền, đi trên mặt nước mà đến với Đức Giêsu. Vô tư. Rất ngon lành. Thế nhưng khi thấy gió thổi, ông đâm sợ, hồn xiêu phách lạc, chín vía lên mây ráo trọi, và khi bắt đầu chìm, ông la toáng lên: “Sư Phụ ơi, xin cứu đệ tử với!”(Mt 14:30).
Cuộc đời chúng ta cũng vậy, có hơn gì Phêrô nhà ta đâu. Biển đời chỉ mới gợn sóng lăn tăn thôi, vậy mà thuyền đời của chúng ta đã tròng trành tưởng chừng chìm đến nơi. Lòng tin tích góp bao năm, giờ bỗng “bốc hơi”muốn cạn kiệt; cây đức tin vun tưới bao năm, giờ bỗng héo úa mau chóng. Lạy Chúa tôi! Đức tin chỉ “sống”khi dòng đời êm ả, khi tiệc tùng linh đình, khi ung dung rung đùi, khi được người ta tâng bốc lên tận mây xanh,… Còn khi gặp phải gió xoáy hoặc gió lốc, con-thuyền-đức-tin quay tít như chong chóng, chẳng còn biết đâu là phương hướng!
Thấy đệ tử Phêrô ngoi ngóp trong dòng nước, có thể bụng nhiều nước rồi, Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”(Mt 14:31). Lời trách nhẹ nhàng mà đau điếng. Đó cũng là lời trách mà Thầy Giêsu đang nói với mỗi chúng ta hôm nay, ngay bây giờ.
Khi thầy trò đã lên thuyền thì gió yên, biển lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Ngài và nói: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa!”(Mt 14:33). Đó là bài học đức tin vô giá mà Chúa Giêsu dạy chúng ta ngay trong những lúc chúng ta gặp cơn sóng gió của cuộc đời. Ước gì chúng ta khả dĩ nhận biết mình yếu kém về đức tin, nhờ đó mà có thể cố gắng chăm sóc cây đức tin ngày càng lớn mạnh.
Cuộc đời không như thảm lụa hoặc như chiếu trải hoa hồng. Thiên nhiên còn lúc nắng, lúc mưa, lúc hạn hán, lúc mưa dầm, thậm chí là áp thấp hoặc bão tố. Cụ Nguyễn Công Trứ đã đặt vấn đề:“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”. Giữa sóng gió cuộc đời, dù nhỏ hay lớn, ước gì chúng ta vẫn luôn khả dĩ xác tín với Đức Giêsu Kitô: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa!”(Mt 14:33).
Liên quan đức tin, Thánh Tiến sĩ Teresa Avila xác định: “Tất cả tội lỗi đều do thiếu đức tin mà ra”. Câu này đáng để chúng ta phải “giật mình”mà cố gắng tự chấn chỉnh và vun xới đức tin lắm. Và đừng quên: “S.O.S., Chúa ơi!”.
Lạy Thiên Chúa, xin cứu và giúp chúng con biết tín thác vào Ngài trong mọi hoàn cảnh như Tổ Phụ Ápraham, như Thánh Gióp, như Đức Maria, và như Đức Giuse, nhất là khi biển đời chúng con đầy những đợt sóng vỗ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
(*) Theo lời kể của NS Trịnh Công Sơn, ca khúc này được lấy cảm hứng từ câu chú Bát Nhã: “Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha”. Nghiã là: “Qua rồi, qua rồi, qua bờ rồi, qua bờ hết rồi, giác ngộ rồi, vậy đó”

jeudi 10 août 2017

Cầu treo đi bộ dài nhất thế giới mở của đón du khách


 
Cầu treo đi bộ dài nhất thế giới mở của đón du khách

Cây cầu treo dành cho người đi bộ dài nhất thế giới đã chính thức khánh thành ngày 29.7 tại vùng Randa, Thụy Sĩ.

cau treo di bo dai nhat the gioi mo cua don du khach hinh anh 1
Cây cầu treo Europabruecke nối giữa ngôi làng Zermatt và Graechen ở Randa, Thụy Sĩ, đã chính thức khai trương và đón những du khách đầu tiên vào ngày 29.7.
cau treo di bo dai nhat the gioi mo cua don du khach hinh anh 2
Với chiều dài 493m và cao 83m, Europabruecke hiện là cây câu treo dành cho người đi bộ dài thế giới.
cau treo di bo dai nhat the gioi mo cua don du khach hinh anh 3
Dưới cây cầu Europabruecke là hẻm núi Grabengufer, nằm dưới chân ngọn núi cao nhất Thụy Sĩ mang tên Dom.
cau treo di bo dai nhat the gioi mo cua don du khach hinh anh 4
Hai dây cáp khổng lồ với đường kính 5cm và tổng trọng lượng 8 tấn giúp giữ cây cầu lơ lửng trong không trung.  
cau treo di bo dai nhat the gioi mo cua don du khach hinh anh 5
Một cây cầu cũ từng được xây dựng qua hẻm núi Grabengufer, nhưng bị phá hủy bởi đá lở vào năm 2010.
cau treo di bo dai nhat the gioi mo cua don du khach hinh anh 6
Bức ảnh chụp bằng thiết bị bay không người lái cho thấy cây cầu nổi bật trên cánh rừng xanh phía dưới.
cau treo di bo dai nhat the gioi mo cua don du khach hinh anh 7
Một trong những du khách đầu tiên đi qua cây cầu treo Europabruecke với đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa ở phía xa.
cau treo di bo dai nhat the gioi mo cua don du khach hinh anh 8
Từ trên cây cầu Europabruecke, du khách có thể chiêm ngưỡng đỉnh núi Dom hùng vĩ và cánh rừng xanh mướt ở phía dưới.
cau treo di bo dai nhat the gioi mo cua don du khach hinh anh 9
Du khách có thể tới được cây cầu Europabruecke sau khoảng 2 giờ 30 phút di chuyển bằng ô tô từ thành phố Randa.
cau treo di bo dai nhat the gioi mo cua don du khach hinh anh 10
Du khách đứng ngắm cảnh trên cây cầu treo đi bộ dài nhất thế giới.

Lệ Chi chuyển