jeudi 26 juillet 2018

Tòa lâu đài tráng lệ bậc nhất Sài Gòn xưa

Do quy mô quá to lớn với nhiều phòng ốc nên người Sài Gòn còn gọi dinh thự của chú Hỏa là căn nhà 99 cửa... 
Tọa lạc tại số 97A Phó Đức Chính, quận 1, TP HCM, trụ sở của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM hiện tại chính là tư dinh của một trong "Tứ đại phú hộ" đất Sài Gòn xưa: Nhà tư sản người Hoa Hứa Bổn Hỏa (Hui Bon Hoa), mà dân Sài Gòn vẫn quen gọi là chú Hỏa.
 
Được khánh thánh năm 1925, dinh thự của chú Hỏa cao 4 tầng, sử dụng kết cấu bê tông cốt thép, nằm trong một khuôn viên rộng lớn gần chợ Bến Thành.
Đây là một tòa nhà đồ sộ có bố cục đăng đối, gồm 2 dãy nhà ngang và 2 dãy nhà dọc khép kín tạo thành một giếng trời ở giữa.
 
Dù được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp, nhưng công trình là sự kết hợp khá hài hòa những giá trị mỹ thuật Âu – Á đương thời.
Tòa dinh thự mang phong cách chủ đạo là Art-Deco, một trường phái kiến trúc thịnh hành ở phương Tây trong những thập niên đầu của thế kỷ 20, chủ trương từ bỏ lối trang trí nặng về kiểu cách Hy Lạp, La Mã thời Phục hưng.
Dấu ấn kiến trúc này thể hiện rất rõ ở quy mô công trình và những chi tiết kiến trúc phóng khoáng như ban công đua ra phía ngoài, mái vươn xa, các hệ thống hoa sắt uốn công phu, độc đáo.
 
Lối vào chính ở lầu một có quy mô khá hoành tráng và nhấn mạnh với tiền sảnh cao, có thang lên hai phía, trên có mái sảnh được đỡ bằng những cột lớn.
Cửa chính vào khu vực sảnh có kiến trúc cuốn vòm, khung cánh được làm bằng thép – kính, đặc biệt trên vòm cửa có hoa sắt cách điệu chữ viết tắt tên chủ nhân H.B.H (Hui Bon Hoa).
 
Nội thất sảnh tòa nhà mang phong cách châu Âu với thức cột ionic Hy Lạp cổ điển, và những trang trí hoa văn đắp nổi trên trần.
Cầu thang dinh thự được lát đá cẩm thạch có lan can sắt uốn duyên dáng. Đặc biệt, giữa hố thang là một thang máy. Đây là một trong những công trình đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy.
 
Toàn bộ nền sàn tòa nhà được lát bằng gạch hoa với nhiều kiểu hoa văn đa dạng, phong phú; mỗi khu vực, mỗi tầng một kiểu khác nhau.
 
Các ô cửa kính đều được lắp kính màu có hoa văn, đậm chất châu Âu.
Do quy mô quá to lớn với nhiều phòng ốc nên người Sài Gòn còn gọi dinh thự của chú Hỏa là căn nhà 99 cửa. Đây có lẽ chỉ là con số tượng trưng. Số cửa thực tế của tòa nhà có thể còn nhiều hơn.
Có một giai thoại kể rằng, sau khi dinh thự khánh thành, chính quyền Pháp thời bấy giờ không cho người sống trong nhà dùng cửa trườc vì cửa này lớn hơn cửa dinh toàn quyền. Vì thế nên gia chủ dùng đã phải dùng cửa sau (ảnh).
 
Trên một trụ cổng sau còn tấm bia đá khắc tên những người chủ ngôi nhà, đều là con cái của chú Hỏa.
Khởi nghiệp từ nghề buôn bán ve chai rồi vươn lên trở thành một ông chủ địa ốc, chú Hỏa được coi là thương nhân giàu nhất, nhà kinh doanh bất động sản lớn nhất Sài Gòn và cả Đông Dương vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Ảnh: Họa tiết trang trí trên thành lan can mặt trước dinh thự.
Vào thời điểm cực thịnh, công ty Hui Bon Hoa của chú Hỏa sở hữu tới 20.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhiều công trình vẫn được sử dụng đến nay như khách sạn Majestic, bệnh viện Từ Dũ, trung tâm cấp cứu Sài Gòn, chùa Kỳ Viên, khu biệt thự đường Lý Thái Tổ... Ảnh: Cột thu lôi được trang trí những hoạ tiết bằng sứ của dinh thự chú Hỏa.

Nancy Quách sưu tầm 

Vọng Thức 22-07-2018



1/Cha Vũ Thế Toàn phần lớn  đã nói về đội bóng Thái Lan  đã được cứu sống nhờ sự kết hợp rất hứu hiệu của những tài năng  trên thế giới để tìm ra phương cách thật tài tình để đem 12 em và huấn luyện viên bị kẹt trong hang động trong một thời gian khá dài, thật như là một phép lạ.
2./ Câu chuyện đang xảy ra tại Nicaragua, nơi giáo hội Công Giáo đang đứng ra làm trung gian hòa giải.
3./ Hiện tình các giáo hội Chính Thống tại Ukraine.

REF

Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp

Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp


Ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống và lối sống, thì các bài tập căng giãn cơ cho tay có thể rất hiệu quả trong việc giảm đau do bệnh viêm khớp.
Khi bệnh viêm khớp bắt đầu ảnh hưởng đến tay bạn, các công việc hàng ngày như nấu cơm, làm vườn, và gõ bàn phím cũng khiến bạn đau đớn, khó chịu. 

Viêm xương khớp là gì?
Viêm xương khớp là một bệnh ảnh hưởng đến sụn nối giữa hai xương. Nó xảy ra khi lớp trên cùng của sụn bị thoái hóa và khiến các xương chà xát lên nhau, gây viêm, cứng khớp, đau đớn và hạn chế lực cũng như khả năng vận động, và thường xuyên gây biến dạng khớp.

Gai đôi khi có thể phát triển ở các cạnh của xương, những mẩu nhỏ xương và sụn có thể vỡ nhỏ ra, chèn vào giữa khớp, việc này khiến tăng cơn đau và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa. Nguyên nhân và yếu tố nguy hiểm của bệnh viêm xương khớp rất nhiều và càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Những nguyên nhân phổ biến:
- Thừa cân
- Tuổi già
- Chấn thương khớp
- Trật khớp
- Khiếm khuyết di truyền trong sụn khớp
- Căng cơ ở vùng khớp do một số công việc chân tay và chơi thể thao

Không có cách chữa trị bệnh viêm khớp một cách triệt để vì nó là một căn bệnh thoái hóa. Tuy nhiên, có nhiều cách để làm giảm triệu chứng và làm chậm tiến trình của nó.
alt
Ảnh minh họa

Cách điều trị:
- Các bài tập vận động ở mức trung bình
- Dùng thuốc giảm đau
- Vật lý trị liệu
- Liệu pháp phục hồi chức năng
- Tập thái cực quyền và yoga
- Tiêm steroid
- Châm cứu
- Bổ sung chế độ ăn uống

Thực phẩm bạn ăn ảnh hưởng trực tiếp lên cơ thể
Những thứ bạn ăn ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của cơ thể và tâm lý của bạn. Đó chính là lý do vì sao y học phương Tây thừa nhận rằng một số thực phẩm nhất định có thể tạo điều kiện cho bệnh xương khớp tiến triển và làm trầm trọng các triệu chứng. 
Ví dụ như các sản phẩm từ sữa dường như là thủ phạm phổ biến, cũng như thịt đỏ và một số loại trái cây, rau quả (cà chua, cà tím, và các loại trái cây họ cam quýt).

Có những chất chống viêm tự nhiên hiệu nghiệm có thể làm giảm đau viêm khớp và giảm viêm trong cơ thể. Một vài loại còn có tác dụng tốt hơn so với các loại thuốc mà bạn có thể đã dùng.

Tập căng giãn cơ để điều trị viêm khớp
Điều trị bệnh viêm khớp hiệu quả nhất khi dùng các biện pháp bên trong và bên ngoài. Ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống và lối sống, thì các bài tập căng giãn cơ cho tay có thể rất hiệu quả trong việc giảm đau và tăng vận động cũng như lực cho khớp.

Để đạt hiệu quả cao nhất, hãy ngâm tay vào nước nóng trong 10 phút trước khi thực hiện để thả lỏng cơ và dây chằng, nó cũng có tác dụng tập căng dãn cơ được sâu hơn.

Dưới đây là 8 bài tập cho tay để căng giãn cơ mà bạn có thể thực hiện tại mọi thời điểm.
1. Gập ngón cái
alt
Để bàn tay thẳng, các ngón tay duỗi, gập ngón cái hướng vào lòng bàn tay, càng với xa càng tốt cho đến khi chạm ngón út. Giữ như thế trong vài giây rồi thả ra. Làm lặp lại 10 lần.

2. Nắm tay
alt
Bài tập này rất hiệu quả khi khớp bàn tay bạn đặc biệt cứng. Mở rộng ngón tay và từ từ nắm lại thành nắm đấm, giữ ngón cái nằm giữa các ngón tay. Thả lỏng tay và mở ra từ từ cho đến khi các ngón thẳng. Làm lặp lại 10 lần.

3. Nhấc ngón tay
alt
Úp bàn tay với các ngón tay trải phẳng trên mặt bàn. Lần lượt theo thứ tự, nhấc từng ngón khỏi mặt bàn và giữ thế trong vài giây, sau đó từ từ thả xuống. Lặp lại nhiều lần cho đến khi bạn thấy thoải mái.

4. Nắm thành chữ O
alt
Giữ tay ở vị trí ngang tim phía trước ngực, chụm ngón tay lại với nhau để tại thành chữ "O". Ngón cái và ngón trỏ phải chạm vào nhau và tạo thành một vòng tròn có thể nhìn thấy được khoảng trống bên trong bàn tay. Giữ vị trí trong vài giây rồi thả ra. Lặp lại ít nhất 3 lần.

5. Gập ngón tay
alt
Bắt đầu với bàn tay duỗi thẳng. Gập ngón cái về phía bàn tay và giữ trong vài giây. Để tay thả lại vị trí ban đầu, sau đó gập ngón trỏ về phía bàn tay, giữ vài giây và thả. Lặp lại như thế với từng ngón còn lại.

6. Căng duỗi cổ tay
alt
Các ngón tay và bàn tay nối với phần còn lại của cơ thể bằng cổ tay. Bằng việc căng duỗi cổ tay, bạn sẽ được vận động đẩy đủ hơn là chỉ vận động ngón và bàn tay.

Mở rộng một cánh tay với lòng bàn tay úp. Đặt ngón tay của bàn tay còn lại lên những ngón đang bị kéo căng, nhẹ nhàng đẩy lên và kéo lại, gập cổ tay. Giữ như thế trong vài giây. Thả ra và lặp lại 10 lần. 

Bạn cũng có thể căng dãn cổ tay theo cách khác: đặt bàn tay còn lại lên phần trên cùng của bàn tay đang căng duỗi. Nhẹ nhàng đẩy để bẻ cong bàn tay xuống. Giữ như thế trong vài giây rồi thả ra. Luân chuyển căng dãn lần lượt theo hướng lên và hướng xuống dưới.

7. Ấn tay lên bàn
alt
Đặt phần bàn tay phía cạnh của ngón út xuống bàn. Hướng ngón cái lên trên, các ngón nắm vào trong sao cho tạo thành biểu tượng "giơ ngón tay cái". Nắm chặt các ngón tay vào lòng bàn tay. Giữ một vài giây và duỗi thẳng các ngón tay. Lặp lại như thế 10 lần.

8. Xòe và nắm
alt
Bắt đầu bài tập với bàn tay ở vị trí bình thường, các ngón tay duỗi thẳng. Dần dần xòe rộng và kéo căng ngón tay càng xa càng tốt để nó xòe giống hình rẻ quạt. Giữ tư thế đó trong vài giây, sau đó co các ngón tay lại để tạo thành hình nắm đấm với lực xiết nhẹ. Giữ trong 5 giây. Làm 2 lần mỗi ngày.

Nguồn: Healthymotivator

AT sưu tầm 

mercredi 25 juillet 2018

Tuổi hạc


Bạn có bao giờ ngắm kỹ một con hạc trắng chưa? Nó trông thật mảnh mai; chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt.
Trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung. Con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc.


Ðầu tháng năm vừa qua, tôi sang chơi với vợ chồng người anh ở bên Vienna, D.C.
Ðằng sau nhà anh tôi có một con đường mòn dẫn tới một công viên. Con đường mòn vào cuối Xuân chớm Hạ thật là đẹp. suối róc rách chẩy, cây cỏ xanh mướt, những bông hoa núi nở trắng xóa.

Chúng tôi mỗi buổi sáng dắt theo con chó đi bộ, vừa đi vừa trò chuyện. Tôi bất giác hỏi:
- Sao con người không giống cây cỏ, vào mùa đông héo, úa, rụng, đến xuân, hạ lại hồi sinh nhỉ?
Anh tôi cười, nói:
- Cứ giữ mãi được Xuân, Hạ trong lòng mình là tốt rồi.
Chúng ta những người ở lứa tuổi đang bước vào tuổi già hay đã già. Tinh thần và thể xác không còn như hai mươi năm, mười năm về trước hay thậm chí như mới năm ngoái nữa.
Thông thường bất cứ người mang quốc tịch nào, sinh sống ở phần đất hay hoàn cảnh nào thì khi về già hay ngồi gậm nhấm lại quá khứ. Chúng ta là những người từ một quê hương mất mát đến ở trọ một quốc gia khác, chúng ta còn nhiều điều gậm nhấm hơn nữa.

Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển, bị trở 1 ngại ngôn ngữ đã làm một số người sống một cuộc sống tẻ nhạt, từ tẻ nhạt đưa tới trầm cảm, khép kín. Từ đó sinh ra bao nhiêu bệnh, và khi có bệnh, sự chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này.
Bác Sĩ Ornish, tác giả cuốn sách Love & Survival, nói rõ: Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc. Tình thương và tinh thần là gốc rễ làm cho chúng ta bệnh hay khỏe.
Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ chỉ cười nhẹ. Nhưng bây giờ điều này đã được nhiều bác sĩ công nhận là đúng.

Những buổi tĩnh tâm chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm (tùy theo tôn giáo của mỗi người) chia sẻ những buồn vui, lo lắng của mình cùng người khác cũng giúp khai thông được những tắc nghẽn của tim mạch như là ăn những thức ăn rau, đậu lành mạnh vậy.
Nếu không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì chính là tự mình làm khổ mình. Khi nói ra, hay viết ra được những nỗi khổ tâm của mình thì hệ thống đề kháng được tăng cường, ít phải uống thuốc.
Theo Bác Sĩ Ornish, khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ, mất sức đề kháng, dễ cảm cúm.
Như vậy sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ, mà chỉ có tình thương mới cứu rỗi được.
Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra thôi.

Tuổi như thế nào thì gọi là già, chúng ta biết khi một người qua đời ở tuổi 60 thì được gọi là 'hưởng thọ'. Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống là một bonus, phần thưởng của Trời cho.
Chúng ta nên sống thế nào với những ngày 'phần thưởng' này. Lấy thí dụ một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh.
Trong Những Lời Phật Dậy có câu: Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng. Chắc trong quý vị không ai muốn rơi vào hoàn cảnh này.

Gặp gỡ bè bạn thường xuyên trong những sinh hoạt thể thao là điều tốt lành nhất cho thể lý. Ði tập thể thao như Tài Chi, Hồng Gia, nhẩy nhẹ theo nhạc, tắm hơi, bơi lội v.v... đã giúp cho người lớn tuổi giữ được thăng bằng, ít ngã, và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn, mau lành hơn.


Gặp bạn, nói được ra những điều phiền muộn cho nhau nghe, ngồi tĩnh tâm, đến nhà thờ, chùa cầu nguyện giúp được làm chậm lại sự phát triển của bệnh. Bác Sĩ Jeff Levin giáo sư Ðại Học North Carolina khám phá ra từ hàng trăm bệnh nhân, nếu người nào thường xuyên đến nhà nguyện họ có áp suất máu thấp hơn những người không đến nhà nguyện, ông bỏ ra hàng đêm và nhiều cuối tuần để theo dõi, tìm hiểu những kết quả cụ thể của 'Tín Ngưỡng và Sức Khỏe'. Cuốn sách ông phát hành gần đây nhất có tên là God, Faith and Health. Trong đó ông cho biết những người có tín ngưỡng khỏe mạnh hơn, lành bệnh chóng hơn, ít bị nhồi máu cơ tim, gặp sự thăng trầm trong đời sống họ biết cách đối diện, họ luôn luôn lạc quan.

Lạc quan là một cẩm nang quý vị nên luôn luôn mang theo bên mình. Ðừng bao giờ nói, hay nghĩ là 'Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nữa' hoặc 'Tôi vụng về, ít học, chẳng làm gì được'.

Tôi xin kể câu chuyện Hai Con Ngựa của thầy phó tế George A.Haloulakos.
Cạnh nhà tôi có một cánh đồng cỏ, hàng ngày có một cặp ngựa, con nọ lớn hơn con kia một chút thong thả ăn cỏ ở đấy. Nhìn từ xa chúng là đôi ngựa binh thường giống những con ngựa khác. Tuy nhiên nếu bạn đến gần, bạn sẽ khám phá ra là có một con mù.
Chủ nhân của nó chắc thương nó không nỡ bỏ đi, mà còn cho nó một chỗ ở an toàn. Chính điều này đã thành một câu chuyện tuyệt vời.
Ðứng bên chúng, bạn chợt nghe có tiếng chuông rung, phát ra từ cái đai nhỏ vòng quanh cổ con ngựa nhỏ hơn, chắc là một con cái. Tiếng chuông báo cho con bạn mù của nó, biết là nó đang ở đâu mà bước theo. Quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy cái cách con ngựa sáng chăm sóc con ngựa mù, bạn nó chu đáo như thế nào. Con ngựa mù lắng nghe tiếng leng keng mà theo bạn, nó bước chậm rãi và tin rằng bạn nó không để nó bị lạc. Trên đường trở về chuồng mỗi chiều, con ngựa nhỏ chốc chốc lại ngoái cổ lại nhìn bạn, muốn biết chắc bạn mù của nó vẫn đi theo tiếng chuông của nó để lại đằng sau.

Cũng giống như chủ nhân của đôi ngựa có lòng nhân từ, Thượng Ðế không bao giờ vứt bỏ bạn vì bạn kiếm khuyết, hoạn nạn hay gặp khó khăn. Người luôn luôn đem đến cho chúng ta những người bạn khi chúng ta cần được giúp đỡ.
Ðôi khi chúng ta là con ngựa mù, được dẫn dắt bởi tiếng chuông mầu nhiệm mà Thượng Ðế đã nhờ ai đó rung lên cho chúng ta. Những khi khác chúng ta là con ngựa dẫn đường, giúp kẻ khác nhìn thấy.
Bạn hiền là như vậy. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy họ, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó. Hãy lắng nghe tiếng chuông của nhau. Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua.

  

Không gì hơn là tuổi già nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi mà người khác dùng được.

Trong một lần đến thăm Viện Dưỡng Lão, tôi thấy một cụ ông 70 tuổi, đút thức ăn cho một cụ bà 80 tuổi. Hỏi ra thì họ không có liên hệ gì với nhau cả.
Chỉ là một người có khả năng cho và một người vui vẻ nhận.


Tính hài hước, làm cho người khác cười , Di cùng với mình là những liều thuốc bổ. Nữ thi sĩ Maya Angelou vào sinh nhật thứ 77, trong chương trình phỏng vấn của Oprah, hỏi về sự thay đổi vóc dáng của tuổi già, bà nói: 'Vô số chuyện xẩy tới từng ngày... Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước'. Khán giả nghe bà, cười chẩy cả nước mắt.
Sinh, bệnh, lão, tử. Con đường đó ai cũng phải đi qua. Nhưng đi như thế nào thì hầu như 80% chính mình là người lựa chọn.

Những vấn đề chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn qua tinh thần là:
Sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà với các cháu.
Tinh thần chấp nhận và lạc quan.
Nghĩ đến những điều vui nhỏ mỗi ngày.
Tham gia những sinh hoạt nào phù hợp với sức khỏe.
Làm việc thiện nguyện.

Nhóm bạn: Ðọc sách, kể chuyện, đánh cờ, chơi bài (không phải ăn thua).
Tham gia các lớp thể dục: Như Yoga, lớp dậy Hồng Gia, ngồi thiền, khí công v.v... Và ngay cả chỉ đi bộ với nhau 30 phút mỗi ngày cũng giúp cho tinh thần sảng khoái, sức khỏe tốt hơn là ở nhà nằm quay mặt vào tường.

Hãy thỉnh thoảng đọc lên thành tiếng câu ngạn ngữ này:
'Một nét mặt vui vẻ mang hạnh phúc đến cho trái tim và một tin vui mang sức khỏe cho xương cốt.'

Tác giả: Trần Mộng Tú-theo caonienviethac

lundi 23 juillet 2018

Kéo dài tuổi thọ khớp gối

alt

Bơi lội hoạt động thích hợp nhất giúp kéo dài tuổi thọ khớp gối (Ảnh: Gardenahs.org)
alt
Khớp gối bị viêm (Ảnh: Scoop.it)

Khi tới tuổi trung niên vì mong được khỏe mạnh dẻo dai, nhiều người đã lựa chọn những môn thể thao có tính vận động mạnh ví dụ leo núi, đi thang bộ thay vì đi thang máy… Điều này dẫn khớp gối bị viêm và thương tổn.
Một số người cho rằng vận động mạnh kiểu như leo núi, lên xuống cầu thang sẽ giúp rèn luyện cơ bắp phần đùi và phần mông, rèn luyện chức năng tim phổi của chúng ta. Tuy nhiên các chuyên gia khoa xương nhắc nhở rằng: Thực tế leo cầu thang, leo núi là “môn thể thao ngốc nghếch nhất”. Khớp gối bị ma sát tổn thương không thể hồi phục, sau 50 tuổi leo núi để rèn luyện, lại càng dễ bị chấn thương.
alt
Sau 50 tuổi leo núi sẽ khiến khớp gối tổn thương (Ảnh: TinTM.com)

Leo núi là một hoạt động nặng nhọc, vất vả. Khi leo, các khớp dưới eo phải gánh chịu trọng lượng cơ thể đặc biệt là đầu gối. Khi cơ thể leo lên trên, gánh nặng mà đầu gối phải chịu sẽ tăng lên khoảng 4 lần.
Trên thực tế, tuổi thọ của khớp gối rất hạn chế. Một khi khớp “khí số đã tận”, có thể gây ra các chứng bệnh khớp khác nhau. Sử dụng khớp gối quá mức sẽ làm nó hao mòn nhanh hơn và không thể phục hồi được. Do vậy, dù chúng ta cần tập luyện cơ bắp đùi và mông, nhưng cũng không nên đánh đổi với việc tổn thương khớp gối.
Những hoạt động cần tránh để tăng tuổi thọ khớp
Không tập thể dục mạnh trên sàn nhà cứng, chẳng hạn như quỳ xuống đứng lên quá nhiều, nhảy, chạy, nhảy dây, khiêu vũ. Nguyên nhân là bởi những động tác này sẽ càng làm mòn xương bánh chè. Đặc biệt hành động quỳ xuống rồi đứng lên nhiều lần sẽ bào mòn khớp gối nhiều nhất.
Với người trên 50 tuổi cần chú ý hạn chế các loại vận động như leo núi, leo cầu thang… Nguyên nhân là bởi khi đó khớp đầu gối sẽ chịu đựng sức ép gấp 3 đến 4 lần so với của cơ thể. Nhất là sau 50 tuổi, khớp đầu gối ít nhiều đều cũng gặp tình trạng bị tổn thương nên cần hạn chế những hình thức vận động này.
Sụn ​​khớp có đường kính từ 1 đến 2 mm, có vai trò làm dịu áp lực, bảo vệ xương khỏi rạn vỡ. Khi vận động mạnh trên sàn cứng, phản lực cao bật trở lại sẽ tác động vào xương và khớp. Vì vậy, nếu có thể, nên tập thể dục thể thao trên sàn trải cao su.
alt
Người trên 50 tuổi cần chú ý hạn chế các loại vận động như leo núi, leo cầu thang (Ảnh: Ydvn.net)


Bài tập kéo dài tuổi thọ khớp gối
Hoạt động thích hợp nhất đối với khớp gối: bơi, đạp xe, tập thể dục nhẹ nhàng, nhưng hoạt động có lợi nhất cho khớp là bơi lội. Khi ở trong nước, cơ thể song song với mặt đất, khi đó tất cả các khớp không phải mang tải nặng.
alt
Đạp xe giúp kéo dài tuổi thọ khớp gối (Ảnh: emaze.com)


Bơi lội nhiều càng tốt cho những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường và cao huyết áp. Để đạt được mục đích rèn luyện cơ thể, nên chọn những hoạt động để khớp không phải chịu tải trọng nặng. Có một bài tập bạn không cần phải đi ra ngoài, không cần thiết bị cũng có thể tập luyện cho khớp gối khỏe hơn. Phương pháp thực hiện bài tập như sau:
alt
1. Tìm một chiếc ghế có thể dựa lưng, ngồi tựa vào lưng ghế. Hai tay đưa ra đằng sau lưng làm đệm tựa lưng.
2. Kê chiếc khăn tắm dưới bắp đùi, có thể dùng vài chiếc khăn cuộn chặt lại, làm sao đủ dày và chặt là được, mục đích là để nâng cao đầu gối.
3. Ngồi thẳng lưng, buông thõng hai chân, đong đưa chân tự nhiên lên trước và về sau. Không cần đong đưa biên độ quá nhiều, làm nhẹ nhàng là được.
Chú ý:
Cần thực hiện theo nguyên tắc “làm theo trình tự và tự lượng sức mình”, không nên quá miễn cưỡng theo người khác.
Nên làm đúng tư thế sau đó từ mức độ thấp dần dần nâng cao, dần dần tăng thời gian và dừng lại khi cảm thấy đau hay khó chịu.
Trước khi thực hiện bài tập cần làm nóng cơ thể ở mức vừa đủ để hỗ trợ cơ thể có trạng thái “chuẩn bị” tốt nhất. Và cần chú ý “béo phì” là kẻ thù của đầu gối bởi vậy muốn bảo vệ đầu gối của mình hãy cố gắng giữ trọng lượng cơ thể ở mức tiêu chuẩn.
Phương pháp này có vẻ đơn giản, nhưng rất hữu ích để giúp đầu gối mạnh khỏe hơn. Người bị đau chân hoặc khớp gối có vết thương cũ, có thể sử dụng chân còn khỏe để đẩy chân đau, dùng chân khỏe mạnh nâng đỡ chân đau đong đưa lên xuống tự nhiên, phương pháp này giúp đầu gối thương tổn dần dần khỏe mạnh trở lại. Tập động tác này mỗi ngày sẽ giúp tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh đầu gối.

Anh Thư sưu tầm