dimanche 9 décembre 2018

Trương Vĩnh Ký – Nhà Giáo dục yêu nước của Việt Nam


Trương Vĩnh Ký – Nhà Giáo dục yêu nước của Việt Nam


Tác giả: Nguyễn Quang Duy
.Với hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, Trương Vĩnh Ký khẳng định mình là một nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa nổi tiếng, tài năng của Việt Nam (thế kỷ 19). Ông cũng được coi là người đi tiên phong của nền báo chí (chữ quốc ngữ), người sáng lập tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên mang tên Gia định báo.
.Trương Vĩnh Ký một nhà văn hóa lớn của nước Việt. Nhưng bài viết này tác giả chỉ tập trung vào những “nỗ lực giáo dục và cải cách ngôn ngữ tiếng Việt” của ông
.Xin đăng bài viết để bạn đọc chia sẻ
NGUỒN
——————  
Trương Vĩnh Ký, người tạo nền móng cho giáo dục và cải cách ngôn ngữ Việt Nam vào thế kỷ 19, là nhà bác học nhiều năm qua vẫn chưa được hậu sinh hiểu một cách tận tường.
Bài viết này muốn nhắc lại nỗ lực giáo dục và cải cách ngôn ngữ tiếng Việt của ông nhân kỷ niệm 181 năm ngày sinh của ông, vào ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, tỉnh Vĩnh Long.
Sau 30/4/1975, khi ngôi trường trung học Petrus Trương vĩnh Ký bị đổi tên và bức tượng bán thân giữa sân trường bị dời đi, học sinh chúng tôi thường tranh luận về “công và tội” của Petrus Ký khi mượn tay người Pháp giúp nền văn học nước nhà.
Chúng tôi thường kết thúc bằng ngạn ngữ được Pétrus Ký dùng nhiều lần khi viết thư “Sic vos non vobis”.
Hồi ấy chúng tôi hiểu câu ngạn ngữ trên là “Ở với họ mà không theo họ”, vừa tránh dẫn đến chuyện bị quy kết “phản động”, vừa tỏ bày tâm sự “Ở với cộng sản mà không theo cộng sản”.
Gần đây tôi mới biết câu ngạn ngữ tiếng La Tinh “Sic vos non vobis” có 2 nghĩa và dịch như trên là hoàn toàn sai ý Pétrus Ký.
Winston Phan Đào Nguyên phổ biến trên trang Nghiên Cứu Lịch Sử bài “Minh oan cho Pétrus Trương Vĩnh Ký về câu ‘ở với họ mà không theo họ’ ”, theo tác giả thì Pétrus Ký dùng một nghĩa khác của ngạn ngữ là “Làm điều lợi cho người khác chứ không cho chính mình.”
Tác giả đã trình bày rất rõ và rất thuyết phục triết lý sống của Pétrus Ký là mỗi người phải làm tròn vai trò hay số phần trong đời để làm cho xã hội của mình tốt đẹp hơn.
Cuộc đời của Pétrus Ký đã chứng minh triết lý sống này đặc biệt là sự cống hiến ông dành cho chữ Quốc ngữ và nền Quốc văn hiện tại.
Hoàn cảnh xã hội…
Pétrus Ký sinh ra cuối triều vua Minh Mạng, khi ấy nhà vua dầu muốn nhưng thất bại trong việc canh tân đất nước, triều thần chỉ toàn những nhà Nho biết làm thơ phú chứ không có ai có khả năng trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Vua Minh Mạng lại thường hành xử thiếu công minh, nhất là đối với kẻ công thần, nhiều người giỏi đâm ra chán nản, trái lại phe gian nịnh nẩy nở mỗi ngày một nhiều, quan tham mỗi ngày một tăng.
Các vua nhà Nguyễn còn ra lệnh bế môn tỏa cảng không giao thương với nước ngoài, cấm đạo Công giáo, dân tình đói khổ, loạn lạc khắp nơi, để cuối cùng đất nước lọt vào tay Pháp cả trăm năm.
Petrus Ký là người công giáo, Pétrus là tên Thánh, theo học trường dòng ở Mã Lai về nước đúng lúc thực dân Pháp đem quân sang xâm chiếm nước ta.
Pháp tấn công Đà Nẵng ngày 1/9/1858 không thành nên chuyển sang tấn công 3 tỉnh miền Đông Nam Phần. Ngày 18/2/1859 Pháp chiếm thành Gia định.
Việc cấm đạo Công giáo trở nên gay gắt hơn. Petrus Ký phải trốn lên Sài Gòn và được Giám mục Dominique Lefèbre giới thiệu làm thông ngôn cho Pháp, nên từ đó bị kết tội là tay sai cho giặc.
Pétrus Ký, nỗi oan thế kỷ …
Sau 30/4/1975, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn giữ độc quyền đánh giá “công và tội” của Petrus Ký.
Năm 1993, ông Nguyễn Văn Trấn, một đảng viên Cộng sản từ hồi 1930, được Ban Khoa học xã hội thành ủy Tp HCM cho phép phát hành quyển “Trương Vĩnh Ký, Con Người Và Sự Thật” nhưng sách đã bị tịch thu sau khi in mà không biết lý do.
Đầu tháng 1/2017, cuốn “Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ” do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu soạn đã được Cục Xuất bản cho phép lưu hành, nhưng chỉ ít ngày trước khi phát hành thì một “lệnh miệng” được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách.
Ông Nguyễn Đình Đầu cho trang BBC tiếng Việt biết ông đã phát hiện một tư liệu nói về sự hợp tác của ông Trương Vĩnh Ký với người Pháp từ đầu đã không có suôn sẻ như người ta vẫn tưởng:
Trong những lời đối đáp khi chính quyền Pháp yêu cầu Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn, có những văn thơ chứng tỏ là Trương Vĩnh Ký rất bất mãn trong chuyện người Pháp cư xử với người Việt Nam, cho nên ông không muốn hợp tác.“.
Bức thư giả ký tên Petrus Key…
Còn ở hải ngoại từ năm 1996, nhà nghiên cứu sử Vũ Ngự Chiêu cho phổ biến nhiều bài viết về một lá thư ông Chiêu cho là do chính Petrus Ký viết, bằng tiếng Pháp, với chữ ký là Petrus Key.
Trong lá thư Petrus Key cầu khẩn quân Pháp đến giải cứu cho những người An Nam theo đạo Thiên Chúa ở Nam Kỳ.
Mặc dù kết tội Petrus Ký nhưng ông Chiêu chưa bao giờ cho công bố lá thư gốc bằng tiếng Pháp nên không thuyết phục được nhiều người.
Nhưng nhiều nhà nghiên cứu sử trong nước lại dựa vào các bài viết không chứng cớ của ông Vũ Ngự Chiêu để tiếp tục kết tội Petrus Ký là tay sai cho Pháp.
Cũng trên trang Nghiên Cứu Lịch Sử, Winston Phan Đào Nguyên cho phổ biến một công trình nghiên cứu sử với tựa đề “Petrus Key và Petrus Ký – Chuyện một lá thư mạo danh Trương Vĩnh Ký vào thế kỷ 19”, gồm 3 bài viết.
Trong bài thứ nhất ông Nguyên cho biết đã tìm thấy lá thư ký tên Petrus Key, mà ông Vũ Ngự Chiêu bấy lâu nay giữ kín, tại Văn Khố Service Historique De La Defense ở Chateau Vincennes, Paris, Pháp.
Ông Nguyên so sánh văn phong, nội dung, hình thức, chữ viết, chữ ký… để kết luận rằng đây không phải là bức thư của Pétrus Trương Vĩnh Ký và đã có người mạo danh Petrus Ký viết lá thư này.
Trong bài thứ hai ông Nguyên cho biết kiếm thấy một lá do chính tay Petrus Trương Vĩnh Ký viết cho các bạn học ở Penang vào ngày 4/2/1859 bằng tiếng Latin khi Petrus Ký đã vào tới Sài Gòn lánh nạn cấm đạo.
Trong lá thư Petrus Ký đã kể về việc ông trốn quan quân nhà Nguyễn truy lùng và cho biết quan điểm về việc cấm đạo cũng như quan điểm về cuộc xâm lăng của liên quân Pháp và Tây Ban Nha.
Theo Petrus Ký, sự bắt đạo, tuy rất tàn ác, nhưng lại là một điều tất yếu phải xảy ra, cũng như một cơn mưa bão trước một sự yên bình, hay nói cách khác, là một thử thách của Chúa.
Nhưng ông hoàn toàn phản đối sự can thiệp bằng vũ lực của Pháp. Với ông, cách dùng vũ khí và bạo lực để can thiệp của quân Pháp là một giải pháp còn tệ hơn là bạo lực bắt đạo của vua quan nhà Nguyễn.
Trong bài thứ 3, Winston Phan Đào Nguyên chứng minh chính bà Pauline Jaricot người sáng lập ra Hội Truyền Bá Đức Tin đã mạo danh Pétrus Trương Vĩnh Ký để viết thư lá thư ký tên Petrus Key.
Công trình nghiên cứu của Winston Phan Đào Nguyên bổ sung cho một cách nhìn khác về việc truyền đạo Công giáo vào Việt Nam và cả việc thực dân Pháp xâm chiếm Đông Dương.
Công trình nghiên cứu còn cho thấy ngay từ ban đầu Trương vĩnh Ký đã không có ý định theo Pháp nhưng vì hoàn cảnh không thể tránh được.
Chữ Quốc ngữ giữ văn hóa nước nhà
Về việc giữ gìn tiếng Việt trong sách giáo khoa sử An Nam bằng tiếng Pháp xuất bản tại Sài Gòn năm 1875 (Cours d’histoire annamite à l’usage des écoles de la Basse-Cochinchine, Impr. du Gouvernement, Saigon, 1875) trang 13 Pétrus Trương Vĩnh Ký đã nhận xét (được dịch) như sau:
“Sĩ Nhiếp đã du nhập toàn bộ văn học Trung Hoa, cùng đạo lý Khổng Tử, ép buộc dân An Nam phải tiếp nhận làm văn hóa của mình, và cấm dân An Nam dùng thứ chữ viết phiên âm đặc biệt riêng của người An-nam.
Vì biện pháp nghiệt ngã ấy mà người An-nam đã hoàn toàn mất đi thứ chữ viết riêng của mình”.
Sĩ Nhiếp (137–226) là một người Việt gốc Hán được triều đình Trung Hoa phong Thái Thú cai trị Quận Giao Chỉ.
Sĩ Nhiếp được sử sách chính thống các triều đại Việt Nam đánh giá rất cao vì đã dạy cho dân ta chữ Hán, văn hóa, phong tục và văn minh Trung Hoa.
Vừa là sử gia vừa là nhà ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký đã đánh giá Sỹ Nhiếp là người hủy diệt chữ viết cổ của người Việt, đồng thời áp đặt cách cai trị và văn hóa của người Hán giết chết văn hóa cổ của người Việt Nam.
Điều này cho thấy ông hiểu rất rõ khi phải mượn tay người Pháp phổ biến chữ Quốc ngữ để cạnh tranh và loại bỏ ảnh hưởng tiếng Hán và cả tiếng Pháp, để giữ gìn văn hóa, phong tục và ngôn ngữ Việt Nam.
Pétrus Ký tổ báo chí Việt ngữ.
Năm 1864, Pétrus Ký được cử là Hiệu trưởng trường Thông ngôn (Collège des Interprètes) và theo lời đề nghị của ông người Pháp cho lập tờ Gia Định báo bằng tiếng Việt.
Để phân biệt với tiếng Pháp, tiếng Hán và tiếng Nôm, Pétrus Ký gọi cách viết tiếng Việt theo kiểu La Tinh là chữ Quốc ngữ còn văn học thì được gọi là Quốc văn.
Gia Định báo phát hành số đầu tiên ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn dưới hình thức một tờ Công Báo do ông Ernest Potteaux làm chánh tổng tài (chủ nhiệm hay tổng biên tập) và ông Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.
Ngày 16/9/1869, thống đốc Nam Kỳ G. Ohier ký quyết định số 189 giao tờ Gia Định Báo cho ông Trương Vĩnh Ký làm chánh tổng tài và ông Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.
Gia định báo gồm các văn kiện và quyết định của nhà cầm quyền bằng tiếng Pháp do Nha nội vụ cung cấp và được ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ Quốc ngữ. Và những bài viết tiếng Việt về thời sự, về lịch sử, về luân lý dân gian giúp truyền bá chữ Quốc ngữ.
Trên Gia Định báo và nhiều tài liệu khác ông lấy bút hiệu là Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký. Trong số 11 ra ngày 8/4/1870 ông kêu gọi cộng tác viên như sau:
Lời cùng các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập… đặng hay: Nay việc làm Gia Định Báo tại Sài Gòn ở một chỗ nên không có lẽ mà biết các việc mới lạ các nơi trong sáu tỉnh mà làm cho thiên hạ coi; nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay là nửa tháng hãy viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở như: ăn trộm, ăn cướp, bệnh hoạn, tai nạn, rủi ro, hùm tha, sấu bắt, cháy chợ, cháy nhà, mùa màng thể nào, tại sở nghề nào thạnh hơn…“.
Cũng như đoạn văn trên, đa số các bài viết tiếng Việt trên Gia Định báo đều bằng văn xuôi, ngắn gọn, đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, viết theo cách nói của người miền Nam, viết một cách đàng hoàng theo lễ giáo Việt Nam.
Ông giữ vai trò chánh tổng tài đến năm 1872 thì giao lại cho ông Ernest Potteaux không rõ vì lý do gì.
Như vậy, Trương Vĩnh Ký chính là chủ nhiệm báo Việt ngữ đầu tiên và theo cách ông hướng dẫn làm báo thì ai cũng có thể làm báo, không khác gì cách làm báo mạng ngày nay.
Năm 1888, Trương Vĩnh Ký cho xuất bản tạp chí Thông Loại Khóa Trình, như vậy ông cũng là chủ báo tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Thông Loại Khóa Trình là một tạp chí văn học sưu tập nhiều văn thơ, câu đối, câu hò, câu hát dân gian, nhằm cổ vũ phong tục cổ truyền, phổ biến văn hóa dân tộc có cả thơ văn chống Pháp và lịch sử Việt Nam.
Thông Loại Khóa Trình cho thấy tinh thần yêu nước của Petrus ký với nhiều bài viết về các nhân vật lịch sử có tài chống ngoại xâm của Việt Nam, như Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Mạc Đĩnh Chi, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản…
Thông Loại Khóa Trình còn phổ biến những bài thơ chống Pháp của Bùi Hữu Nghĩa, những bài vè như vè Khâm sai và cả hịch chống Pháp của Nguyễn Tri Phương.
Cộng tác với Thông Loại Khóa Trình có các ông Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Trần Chánh Chiếu, Lương Khắc Ninh, và nhiều người yêu nước khác.
Những người đọc báo biết chữ quốc ngữ khi ấy đều là công chức Pháp hay học sinh trường Pháp nên nhà cầm quyền Pháp tìm cách tẩy chay, báo không bán được.
Thiếu vốn, Thông Loại Khóa Trình chỉ ra được 18 số đến tháng 10/1889 thì đóng cửa. Trong số báo này Trương Vĩnh Ký cho biết: “Nay vì bởi không có vốn cho đủ in luôn Thông Loại Khóa Trình nữa nên ta cực chẳng đã, phải đình in”.
Petrus Trương vĩnh Ký ông Tổ báo chí Việt Nam qua đời 1/9/1889 trong nghèo khó và nợ nần.
Tạo nền tảng Quốc văn và giáo dục…
Ngay từ năm 1866 Trương Vĩnh Ký đã cho in ấn phẩm văn xuôi đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ là cuốn Chuyện Đời Xưa.
Từ đó ông không ngừng viết và để lại một di sản văn học với ít nhất 119 tác phẩm cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp.
Các tác phẩm đều là những công trình soạn thảo một cách cẩn thận và khoa học nhưng dễ hiểu, dễ quảng bá, bao trùm mọi thể loại từ ngôn ngữ, tự điển, sách giáo khoa lịch sử, địa lý, pháp luật, dân tộc học, kinh tế, chính trị, sinh học và văn học.
Kho tàng văn học này là căn bản định hình cho một nền Quốc văn với chủ trương gìn giữ đạo lý văn hóa dân tộc nhưng học hỏi văn minh Tây Phương để cải cách đất nước, mở mang dân trí giúp nước nhà độc lập và giàu mạnh.
Để truyền bá chữ Quốc ngữ và tư tưởng canh tân, Trương Vĩnh Ký còn chọn việc dạy tiếng Việt và đào tạo hằng ngàn thanh niên theo tân học tạo nền tảng cho Phong trào Duy Tân và Đông Du sau này.
Ảnh hưởng triết lý và tư tưởng của Trương Vĩnh Ký đến nền văn hóa và giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là lấy nhân bản, dân tộc và khai phóng làm căn bản.
Nỗ lực ‘thoát Hán’ của các vua nhà Nguyễn…
Trong chuyến đi sứ sang Pháp cùng Phan Thanh Giản năm 1863, Petrus Ký gặp và làm quen với nhà bác học Paul Bert.
Ông Paul Bert là giáo sư khoa học đại học Bordeaux và Paris, ông tham gia cách Mạng Pháp năm 1870 và trở thành Tổng trưởng Giáo dục và Nghị sĩ Quốc hội Pháp.
Tháng 2/1886, ông được bổ nhiệm Thống sứ triều đình Huế. Ông chủ trương tiến bộ và muốn thực hiện cải cách nên đã đích thân thăm và mời Trương vĩnh Ký ra Huế giúp vua Đồng Khánh.
Nhà vua phong Petrus Ký chức Hàn lâm viện thị giảng học sĩ và dạy cho vua Đồng Khánh tiếng Pháp.
Năm 1887, Petrus Ký có dâng vua Đồng Khánh 24 điều để đối phó với Pháp. Trong đó ông có đề cập việc cải cách giáo dục, bỏ dạy chữ Hán, dạy chữ Quốc ngữ và học hỏi văn minh Tây phương.
Đến cuối thời vua Thành Thái các đề nghị của Petrus Ký mới được nhà vua ban sắc lệnh cho thi hành.
Chính sắc lệnh này đã dẫn tới phong trào Duy Tân, dùng chữ quốc ngữ để thoát Hán được trình bày khá rõ trong bài viết trước “Quốc ngữ và nỗ lực ‘thoát Hán’ của các vua nhà Nguyễn”.
Nhà giáo dục Trương Vĩnh Ký với triết lý sống chẳng vì mình nên không cần chúng ta phải “minh oan”.
Ngược lại chúng ta cần tìm ra sự thật, cần hiểu biết sự thật và cần phổ biến sự thật để qua đó chúng ta có thể ghi nhận ân đức cũng như học hỏi từ Trương Vĩnh Ký và những bậc tiền bối những người đã có công đóng góp cho nền văn học nước nhà.
Đồng thời chúng ta cần tiếp tục giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, văn hóa và phong tục để truyền lại cho con cháu chúng ta.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
6/12/2018
Winston Phan Đào Nguyên, 2017, Minh oan cho Pétrus Trương Vĩnh Ký về câu ‘ở với họ mà không theo họ’ , Nghiên Cứu Lịch Sử.
Winston Phan Đào Nguyên, 2018, “Petrus Key và Petrus Ký – Chuyện một lá thư mạo danh Trương Vĩnh Ký vào thế kỷ 19”, gồm 3 bài viết trên Nghiên Cứu Lịch Sử.
Nguyễn Quang Duy, 2018, Quốc ngữ và nỗ lực ‘thoát Hán’ của các vua nhà Nguyễn, BBC tiếng Việt.

Quốc ngữ và nỗ lực ‘thoát Hán’ của các Vua nhà Nguyễn.

Nguyễn Quang Duy
Tìm hiểu lịch sử là công việc vô cùng thiết yếu vì có hiểu người xưa, có hiểu được lịch sử mới hiểu được vận mệnh nước nhà mà khôi phục lại.
Trên Diễn đàn BBC nhà báo Nguyễn Giang đưa ra một cách nhìn khá mới lạ để ghi công và đánh giá những nhân vật lịch sử đã đóng góp cho việc truyền bá chữ Quốc ngữ.
Các vị truyền giáo có công tạo ra bộ mẫu chữ, nhưng việc này không có gì quá độc đáo hay quá khó khăn và giả sử nếu không có họ thì việc đó cũng có thể làm được sau này.
Ý kiến cũng nói rằng Trung Hoa, Thái Lan, Ấn Độ, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác đều đã có những văn tự bằng tiếng La Tinh nhưng chưa bao giờ trở thành chữ Quốc ngữ của họ.
Cũng theo nhà báo Nguyễn Giang, Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ xóa hàng rào cản tâm lý quá lạc hậu để giới sỹ phu yên tâm dùng chữ Quốc ngữ.
Và rằng chính nỗ lực tiên phong quảng bá Quốc ngữ là của trí thức miền Nam và nhờ chính sách tiến bộ, khoa học của chính quyền Pháp tại Đông Dương tạo đà cho chữ Quốc ngữ lan tỏa.
Nhưng tôi nghĩ cũng lạ tại sao ba nước Việt, Miên và Lào có chung hoàn cảnh, đều là thuộc địa của Pháp mà Miên và Lào lại không sử dụng La Tinh làm chữ Quốc ngữ.
Ở đây cần xem công lao các vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, dù họ không thực sự nắm quyền thời Pháp thuộc. 
Sắc lệnh của Vua Thành Thái
Theo sử gia Liam Kelley (2016) vào đầu thế kỷ XX cả người Pháp lẫn những nhà cách mạng đều không đủ quyền lực để chữ Quốc Ngữ có thể lan sâu rộng xuống đến tận cấp độ làng quê.
Qua nghiên cứu những nguồn tài liệu trong giai đoạn này, sử gia Liam kết luận chính nhà Nguyễn mới đi đầu trong công cuộc cải cách giáo dục.
Trong bài “Emperor Thành Thái’s Educational Revolution”, sử gia Liam Kelley (2016) đã công bố sắc lệnh của vua Thành Thái được lưu trữ trong sách Đại Nam Hội Điển Sử Lệ Tục Biên.
Bài viết được Nguyễn Hồng Phúc lược dịch có đoạn như sau:
“Hoàng đế Thành Thái đã tuyên bố trong một sắc lệnh rằng vào năm trị vì thứ 18 của ông (năm 1906), cha mẹ có thể quyết định việc cho con theo học một trường ấu học Hán văn hoặc một chương trình giảng dạy Nam âm (Quốc ngữ).
Với những người học theo chương trình Hán văn, sẽ có một cuốn sách giáo khoa được soạn ra nhằm giới thiệu những từ chữ Hán theo cấp độ khó dần. Nó cũng bao gồm một danh mục các Hán tự kèm theo phiên âm và định nghĩa bằng quốc ngữ được dùng trong tài liệu.
…Trong khi, một cuốn sách giáo khoa bằng quốc ngữ khác sẽ được soạn ra để dạy những người theo chương trình học ‘Nam âm’ nhằm giới thiệu cho họ những thông tin cơ bản về xứ Đông Dương, thiết chế cai trị của nó, những phong tục tập quán…
Thêm vào đó, cũng có thêm một cuốn sách nữa được dịch từ Hán văn sang Nam âm nhằm cung cấp những loại thông tin mà học viên đang luyện thi khoa cử cần biết. Bản dịch này được soạn ra cho những người không muốn thi khoa cử, nhưng nó vẫn được đưa vào chương trình để cho họ biết thêm về những gì mà những người đang luyện thi khoa cử phải học…”
Sắc lệnh này vô cùng quan trọng vì khi nhà vua ra lệnh sử dụng chữ Quốc ngữ là nhà vua đã công khai ý định muốn thấy tầng lớp quan lại và sỹ phu phải thoát khỏi ảnh hưởng Trung Hoa trong giáo dục, văn hóa, và nhất là tư tưởng. 
Vừa thoát Trung vừa chống Pháp
Xin nhắc lại về cuộc đời vị vua trẻ tuổi.
Vua Thành Thái lên ngôi năm 1889, đến năm 1907 bị Pháp ép thoái vị. Ngài bị quản thúc ở Vũng Tàu rồi đến năm 1916 bị đày sang đảo Réunion.
Vua là người cầu tiến, học tiếng Pháp, có hiểu biết khá toàn diện, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, phong cách của người theo tân học.
Nhà Vua thường xuyên tiếp xúc với sỹ phu và dân chúng, đồng thời trọng dụng nhiều nhân tài, thanh liêm, đức độ với hy vọng khôi phục và canh tân đất nước.
Sắc lệnh cho dạy quốc ngữ chính là văn bản ủng hộ Phong Trào Duy Tân (1906) và Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) thúc đẩy việc theo tân học và dùng chữ quốc ngữ.
Cắt tóc ngắn trở thành một dấu hiệu của người theo tân học.
Nhiều thanh niên lúc ấy sắm cho mình một cái kéo, đi tuyên truyền, vận động cắt tóc và vận động canh tân.
Đến khi Vua bị người Pháp ép thoái vị năm 1907 hình ảnh một vị vua yêu nước, chống Pháp, cắt tóc ngắn nhanh chóng lan tỏa xuống đến tầng lớp nông dân.
Tháng 3 năm 1908, bắt đầu từ tỉnh Quảng Nam, nông dân đầu cắt tóc ngắn lũ lượt kéo đến các phủ huyện đòi giảm sưu giảm thuế.
Tất cả đều hớt tóc ngắn đi thành đoàn, phong trào mở rộng vào Nam đến Bình Định, Phú Yên và ra Bắc đến Nghệ An, Hà Tĩnh.
Pháp và triều Nguyễn gọi cuộc biến động này là Giặc cắt tóc, ở Bình Định gọi là Giặc đồng bào, sau nầy được đổi lại là cuộc Dân biến Trung kỳ.
Đây là cuộc đấu tranh bất bạo động đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và đoàn biểu tình lấy biểu tượng là Vua Thành Thái một vị vua yêu nước, theo tân học và chống Pháp.
Như vậy ngay từ đầu thế kỷ thứ 20, người Việt đã công khai thực hành phương pháp đấu tranh bất bạo động với biểu tượng vua Thành Thái, có tổ chức, có chiến thuật, có mục tiêu và có chiến lược một cách rất rõ ràng.
Cuộc đấu tranh bất bạo động bị Pháp đàn áp dã man. Nhiều người tổ chức và tham dự bị bắt, phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục bị dập tắt.
 Các vị Vua tiếp tục cải cách
Năm 1907 vua Duy Tân tiếp nối việc cải cách giáo dục bằng cách cho thành lập Bộ Học nhằm cai quản việc học hành và thi cử.
Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục là một nhà giáo dục cổ vũ thực học, thực tài, bỏ đi kiểu học từ chương, xa rời thực tế và chủ trương phát triển nền giáo dục “không học vì bằng cấp” mà phải học lấy thực tài để ra giúp dân, giúp nước.
Đáng tiếc ông lại hết sức bài bác chữ Quốc ngữ, nhưng không phải vì thế mà chữ Quốc ngữ bị đưa ra khỏi nền giáo dục.
Theo Trần Gia Phụng từ năm 1909, chương trình thi Hương bắt buộc thí sinh phải làm các đề thi luận văn bằng cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ.
Ngày 26 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (tức ngày 28/12/1918) vua Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử kiểu Hán học.
Năm 1919 là năm cuối mở khoa thi Hương ở Huế, từ đó chữ Quốc ngữ thành chữ viết chính thức của người Việt Nam.
 Vai trò của các ông giáo trường làng
Bên cạnh các trường công do triều đình và người Pháp lập ra là một hệ thống trường tư do các thầy đồ sau chuyển thành thầy giáo làng giảng dạy.
Mỗi làng có khi lên đến vài ba trường, hoặc dạy ở nhà thầy, hoặc ở nhà người giàu có nuôi thầy cho con ăn học và cho con các nhà lân cận trong làng theo học.
Thầy đồ đa số là những người có học, có người đỗ tú tài, có người là quan hồi hưu mở lớp dạy học.
Thầy đồ hoàn toàn tự do không chịu sự giám sát của triều đình.
Mặc dầu được tự do mở lớp giảng dạy giới thầy đồ vẫn giữ lòng trung với các vua nhà Nguyễn và với sách Thánh hiền.
Các thầy đồ quyết liệt chống lại các chính sách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp với quan niệm chữ Quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang và là công cụ của các nhà truyền giáo.
Với họ, chữ Hán giáo dục về luân lí, về lịch sử, là chữ Thánh hiền còn Quốc ngữ chỉ để đọc báo, đọc Kinh Thánh, những sản phẩm của quân xâm lược, biết đọc chẳng ích lợi gì.
Nhưng khi sắc lệnh cho dạy Quốc ngữ của vua Thành Thái được ban ra thì chính các thầy đồ đã thay đổi đã tự học chữ Quốc ngữ để truyền dạy lại cho học sinh.
Ba lớp Đồng ấu học trước khi học sinh vào tiểu học đều do các thầy giáo trường làng dạy hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ.
Nhờ thế chữ Quốc ngữ trở thành phổ thông đại chúng.
Những bộ sách giáo khoa như Sử ký địa dư giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Quốc văn giáo khoa thư, được học giả Trần Trọng Kim và các cộng sự biên soạn để dạy lớp ấu học trường làng.
Bộ sách giáo khoa ‘Việt Nam Sử lược’ được học giả Trần Trọng Kim soạn để dạy các lớp cao hơn và đã hoàn toàn chỉ cho những người đã biết Quốc ngữ.
Lên lớp nhì và lớp nhất ở trường chính phủ, mỗi tuần chỉ dạy chữ Quốc ngữ một giờ rưỡi và bậc trung học chỉ dạy ba giờ.
Thời gian còn lại học sinh được dạy bằng tiếng Pháp và hầu hết do người Pháp dạy.
Từ đó ta thấy được căn bản tiếng Việt, sử địa, luân lý, văn hóa về Việt Nam của học sinh hầu như đều thu nhận được từ các thầy giáo trường làng.
Vua Bảo Đại là người Tây Học
Tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị Paris về nước, vua Bảo Đại bắt tay ngay vào việc cải cách đất nước, mong từng bước khôi phục lại chủ quyền quốc gia.
Ngày 10/12 năm 1932, vua Bảo Đại cho công bố đạo dụ nước ta theo chế độ Quân chủ Lập hiến, nhà vua sẽ trực tiếp điều khiển nội các và cho cải cách hành chính, giáo dục và tư pháp.
Một nội các mới đã được thành lập gồm những người trẻ theo tân học như Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Đệ…
Bộ Học được đổi tên thành Bộ Giáo dục và giao cho Phạm Quỳnh từng là chủ nhiệm báo Nam Phong một người luôn tha thiết với chữ Quốc ngữ điều hành.
Các cuộc cải cách của vua Bảo Đại đều bị người Pháp cản trở, riêng cải cách về giáo dục nhờ Phạm Quỳnh được người Pháp tin nên ít bị cản trở.
Chữ Quốc ngữ được tăng giờ dạy ở các trường công.
Nhờ thế sau khi Nhật đảo chánh Pháp, trao trả độc lập cho Việt Nam, chỉ trong vòng 5 tháng chính phủ Trần Trọng Kim đã thực hiện thành công cuộc cải cách lấy chữ Quốc ngữ làm ngôn ngữ chính trong giáo dục.
Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Xuân Hãn có công lao lớn khi soạn cả sách toán và kỹ thuật bằng tiếng Việt Quốc ngữ để dạy ngay trong niên học 1945-46 tại miền Bắc và miền Trung.
Từ 1948 đến 1955, chính phủ Quốc gia Việt Nam tiếp tục lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ giảng dạy đến hết bậc trung học. 
Bắt đầu từ chuyển biến tư tưởng thời Thành Thái
Học tiếng Pháp, theo tân học thoát khỏi tư tưởng Trung Hoa nên vua Thành Thái đã hiểu rõ những khái niệm về tự do, dân chủ, quốc gia, dân tộc, quân chủ, cộng hòa… hiểu từ sách Pháp không phải từ sách Trung Hoa.
Thay đổi quan trọng nhất của nhà vua là về mặt tư tưởng, về ý thức đất nước không còn của nhà vua nữa mà là của quốc gia của dân tộc.
Quốc gia là một thực thể độc lập có chủ quyền thoát khỏi tư tưởng thuộc địa hay chư hầu Trung Hoa.
Khái niệm ‘quốc gia’ bắt đầu được sử dụng đối nghịch với ‘thuộc địa’, ‘chư hầu’.
Mặc dù không có quyền lực trong tay các vua triều Nguyễn đã thực hiện thành công cải cách từ giáo dục, văn hóa, đến chính trị đưa đất nước thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa.
Bài học các vua triều Nguyễn đã thực hiện là nếu muốn cải cách giáo dục phải bắt đầu bằng thay đổi tư tưởng cho chính mình.
Vì thế, theo tôi, nhu cầu thiết yếu của đất nước ngày nay không phải là cải cách tủn mủn về phát âm, ký tự Quốc ngữ mà phải vừa thoát khỏi ý thức hệ cộng sản, vừa thoát Trung để khôi phục các nền tảng cơ bản cho Việt Nam.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
4/9/2018
Tài Liệu Tham Khảo
Liam Kelley (2016), Cải Cách Giáo Dục Của Vua Thành Thái, Nguyễn Hồng Phúc lược dịch.
Nguyễn Giang, Những người giúp chữ Quốc ngữ ‘làm nên’, BBC World Service
Trần Gia Phụng, Lịch sử chữ Quốc Ngữ.

mercredi 5 décembre 2018

LỜI NÓI THẬT CỦA BÁC SĨ - Bs. Hồ Hải và Bs. Trinh Kim




















Khi vào nghề Y đến nay đã hơn 30 năm, hễ cứ đến ngày này là nhận nhau những lời chúc tụng
Tôi không biết là mình có nên chúc tụng đồng nghiệp và nhận lời chúc tụng của người khác không, khi mà, ngành Y bây giờ không làm tròn trách nhiệm với người bệnh.thì cũng vài dòng cảm ơn những gì các bạn đã chúc nhau, và xin đưa ra những nguyên tắc chung để bà con cẩn thận với sức khỏe của chính mình.
Nguyên tắc thứ nhất: Đừng tin những gì quảng cáo trên báo đài, truyền thông, và thế giới mạng về thuốc. Vì không độc thì không gọi là thuốc, người ta chỉ uống thuốc để tự tử, chứ không ai uống nước để tự tử bao giờ. Chính vì thế, mà ở các quốc gia tiên tiến, cấm quảng cáo thuốc trên phương tiện truyền thông dân dụng, chỉ được quảng cáo thuốc ở tạp chí và hội thảo chuyên ngành Y.
Nguyên tắc thứ hai: Khi đi khám bệnh bất kỳ ở đâu, người bệnh cần có 1 câu hỏi phải hỏi: “Bệnh của tôi do nguyên nhân gì?” Vì chỉ có thầy thuốc giỏi mới điều trị nguyên nhân bệnh, còn lại những thầy thuốc kém hiểu biết chỉ biết điều trị hậu quả - hay còn gọi là chữa triệu chứng - của bệnh.
Nguyên tắc thứ ba: Đừng bao giờ tin những gì mình tìm kiếm trên mạng internet rồi tự suy diễn, tự làm bác sĩ cho mình và gia đình mình. Vì như thế chỉ làm hại chính mình và gia đình mình. Hãy cứ nghĩ, nếu bản thân bạn đủ khả năng được các trường Y nhận vào học thì các bạn đã trở thành bác sĩ, chưa kể các bác sĩ đã được đào tạo chính quy một thời gian dài về bộ máy tinh vi nhất của quả đất - con người - bình thường và bất thường từ tế bào đến bao nhiêu rối loạn khác về cả thể chất lẫn tinh thần, nhưng chưa chắc họ đã giỏi, thì các bạn chỉ vài cú enter với google, không có kiến thức căn bản về y khoa, thì các bạn như người điếc không sợ súng và tự hại mình thôi.
Nguyên tác thứ tư: Đừng bao giờ tin những quảng cáo về các loại thức ăn, thức uống bổ, giúp chữa bệnh này hay bệnh khác - Ví dụ, sữa chống loãng xương, thực phẩm chức năng, thức uống collagen, v.v... - chỉ là những trò kinh doanh kiểu đa cấp để kiếm lãi. Loãng xương là một trong những tiến trình của một quá trình lão hóa của bất kỳ động vật nào được diễn ra ở mức độ phân tử sinh học, tiến trình này cho tới nay, y học vẫn còn mò mẫm và bất lực.
Nguyên tác thứ năm: Ăn uống và làm việc là thuốc. Ăn uống và làm việc đúng thì không hoặc ít bệnh tật. Ăn uống và làm việc sai là tự đưa mình vào nơi khổ đau của bệnh tật, vì sức khỏe qúy hơn vàng.
Chúc cộng đồng người Việt sức khõe dồi dào , khõe mạnh , hạnh phúc và phồn vinh !
Dr Hồ Hãi /Dr Trinh Kim

KLiên sưu tầm

mardi 4 décembre 2018

CÔ BÈ 7 TUỔI Katherine Commale cứu sống hàng triệu trẻ em ở Châu Phi



CÔ BÈ 7 TUỔI
cứu sống hàng triệu trẻ em ở Châu Phi

Một bé gái 7 tuổi đã dựa vào sức mình để cố gắng cứu hàng triệu trẻ em ở châu Phi thoát khỏi căn bệnh sốt rét. Việc làm của cô bé khiến rất nhiều người dân trên thế giới cảm động.





Cô bé Katherine Commale.

Vào ngày 6/4/2006, cô bé Katherine Commale ở Mỹ xem đoạn phóng sự ở châu Phi trên TV, trong đó có nói ở châu Phi trung bình mỗi 30 giây sẽ có một đứa trẻ tử vong do bệnh sốt rét.
Cô bé 5 tuổi ngồi trên sô pha đếm số bằng tay 1, 2, 3,… 30. Khi đếm đến 30, cô bé hoảng sợ nói: “Mẹ ơi, có một bạn nhỏ ở châu Phi chết rồi, chúng ta nhất định phải làm gì đó!”. Mẹ cô bé lên mạng tìm thông tin và nói với Katherine: “Bệnh sốt rét rất đáng sợ, trẻ em bị sốt rét rất dễ mất mạng.”
- “Vậy vì sao trẻ em lại bị sốt rét ạ?”
- “Sốt rét truyền nhiễm qua muỗi, ở châu Phi có quá nhiều muỗi.”
- “Vậy phải làm sao đây ạ?”
- “Hiện nay có một loại mùng (màn) được ngâm qua thuốc diệt muỗi, có nó sẽ có thể bảo vệ chúng ta khỏi bị muỗi đốt.”
- “Vậy vì sao họ không dùng mùng ạ?”
- “Bởi vì loại mùng này quá đắt đối với họ, họ không mua nổi.”
- “Không được, chúng ta phải làm gì đó!”
Vài ngày sau, mẹ của Katherine nhận dược điện thoại của cô giáo mẫu giáo nói rằng cô bé không đóng tiền ăn nhẹ.
Khi mẹ hỏi tiền đâu thì Katherine nói:
- “Mẹ ơi, nếu con không ăn đồ ăn nhẹ ở trường, bình thường không ăn vặt, cũng không mua búp bê nữa, vậy thì có đủ để mua một chiếc mùng không ạ?”


Mẹ đưa cô bé đến siêu thị, mua một chiếc mùng chống muỗi lớn có thể sử dụng cho 4 trẻ em có giá mười mấy đô la. Sau đó cô gọi điện thoại cho tổ chức làm từ thiện ở châu Phi hỏi cách làm thế nào để gửi được chiếc mùng đến đó.
Rất nhanh sau đó họ đã tìm cho cô tổ chức Nothing But Nets chuyên gửi mùng đến châu Phi cho trẻ em. Katherine tự tay gửi chiếc mùng đi, một tuần sau, cô bé nhận được thư cảm ơn từ tổ chức Nothing But Nets, trong thư họ cho biết cô bé là người quyên góp nhỏ tuổi nhất và nếu cô bé quyên góp 10 chiếc mùng thì sẽ được giấy chứng nhận.
Katherine yêu cầu mẹ cùng mình ra chợ bán đồ cũ để bày bán sách cũ, đồ chơi cũ, quần áo cũ của cô bé để lấy tiền quyên góp mùng. Nhưng bán cả một ngày mà không ai mua. Katherine nghĩ: “Mình quyên tiền mua mùng, tổ chức Nothing But Nets sẽ cho mình giấy chứng nhận. Vậy người khác mua đồ của mình, đưa cho mình tiền, họ cũng nên nhận được giấy chứng nhận mới đúng chứ.”
Thế là cô bé bắt đầu tự làm giấy chứng nhận, mẹ giúp mua vật liệu, bố giúp sắp xếp phòng làm việc, em trai giúp vẽ trái tim. Mỗi tờ giấy chứng nhận đều có dòng chữ “Nhân danh bạn, chúng ta mua một chiếc mùng để gửi đến châu Phi” do chính Katherine viết tay, đương nhiên còn có chữ ký chứng nhận của cô bé.

Chỉ cần quyên góp 10 đô la để mua một chiếc mùng là sẽ nhận được một tờ giấy chứng nhận. Hàng xóm nhìn thấy giấy chứng nhận của cô bé, họ cảm thấy vừa ngây thơ vừa cảm động, cô bé nhanh chóng bán được 10 tờ giấy chứng nhận. Katherine gửi tiền cho tổ chức từ thiện và nhận được “Giấy chứng nhận danh dự” đặc biệt làm riêng cho cô bé từ tổ chức Nothing But Nets, họ phong cho Katherine là “Đại sứ mùng chống muỗi”.
Những người ở Hiệp hội nói với Katherine rằng những chiếc mùng mà cô bé quyên tặng đã gửi đến ngôi làng có tên là Stiga ở Ghana, ở đó có 550 gia đình.
Nhưng chỉ có 10 chiếc mùng thì phải dùng sao đây?
Hàng xóm của Katherine không chỉ cùng cô bé mua mùng, mà các con của họ cũng tham gia giúp Katherine làm giấy chứng nhận và trở thành “đồng đội của Katherine”. Mục sư trong khu vực cũng mời cô bé đến nói chuyện ở nhà thờ, cô bé chỉ nói vài phút ngắn ngủi, nhưng đã nhận được 800 đô tiền quyên góp. Lần này cô bé rất phấn khởi bắt đầu đến nói chuyện tại các nhà thờ khác. Khi vừa tròn 6 tuổi, Katherine đã gây quỹ được 6.316 đô la.

Trẻ em ở "Làng Mùng Katherine"
Tổ chức Nothing But Nets đăng tải câu chuyện về cô bé Katherine trên mạng và đã thu hút được rất nhiều người. Một ngày nọ, Katherine nhìn thấy đoạn quảng cáo công ích cho tổ chức Nothing But Nets của siêu sao bóng đá người Anh David Beckham trên TV. Cô bé lập tức viết một lá thư cho Beckham để cảm ơn anh, đương nhiên cũng gửi cho anh một tờ giấy chứng nhận. Beckham có chia sẻ giấy chứng nhận của Katherine lên trang cá nhân và được chia sẻ rộng rãi.
Vào ngày 8/6/2007, Katherine nhận được thư gửi đến từ làng Stiga, các bạn nhỏ trong làng viết: “Cảm ơn mùng mà bạn đã gửi cho chúng mình, chúng mình đã thấy ảnh của bạn, mọi người đều cảm thấy bạn rất xinh!”. Katherine vui lắm khi nhận được sự khích lệ này, khiến cô bé có động lực lớn hơn, cô và các “đồng đội” cùng chung tay làm 100 tờ giấy chứng nhận để gửi cho mỗi tỷ phú trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes mỗi người một tờ.
Trên một lá thư có viết:
- Kính gửi ông Bill Gates, không có mùng chống muỗi, các bạn nhỏ ở châu Phi sẽ bị mất mạng do bệnh sốt rét. Họ cần tiền, nhưng nghe nói tiền đều ở chỗ của ông…


Ngày 5/11/2007, Quỹ từ thiện Bill Gates tuyên bố quyên góp 3 triệu đô la cho tổ chức Nothing But Nets. Bill Gates cho biết ông nhận được một tờ giấy chứng nhận cùng một lá thư, trong thư nói rằng số tiền mà trẻ em ở châu Phi cần để mua mùng chống muỗi đều ở chỗ ông. Có vẻ như ông “không đưa tiền ra là không được đâu”.
Năm 2008, Quỹ từ thiện Bill Gates đã quay một bộ phim tài liệu công ích có tên là “Trẻ em cứu trẻ em”, nhờ đó mà Katherine đã đến châu Phi. Cô bé nhìn thấy các bạn nhỏ dùng bút viết lên mùng chữ“Katherine”, các bạn đều gọi những chiếc mùng cứu mạng này là “mùng Katherine”. Chiếc mùng đầy tình yêu thương này sẽ bảo vệ cho các bạn mỗi đêm. Làng Stiga bây giờ có tên là “Làng mùng Katherine”!
Cô bé 7 tuổi ở Mỹ này đã dùng việc làm của mình để cho thấy thế nào là vĩ đại, không phải là sự nghiệp to lớn bề ngoài, mà là trong lòng bạn có tình yêu thương vĩ đại hay không














Cách người Do Thái đã dạy con về “mùi tiền” từ năm 3 tuổi, rất đáng để bố mẹ Việt tham khảo


Cách người Do Thái đã dạy con về “mùi tiền” từ năm 3 tuổi, rất đáng để bố mẹ Việt tham khảo





Theo quan điểm của người Do Thái, việc dạy cho trẻ những kiến thức về tài chính là rất quan trọng. Vì theo họ, người có khả năng quản lý tài chính và đầu tư giỏi sẽ đồng nghĩa với việc kiếm tiền và nắm giữ tiền bạc giỏi.
Mark năm nay 3 tuổi, bố mẹ cậu đều là người Do Thái, hiện nay cả gia đình cậu đang sống ở Mỹ. Một hôm, khi cậu đang nghịch đá, bố cậu đứng bên liền hỏi: “Mark, hòn đá đó có thú vị không con?”.
“Ồ, hay lắm bố ạ”. Mark trả lời.
“Mark, bố có một ít đồng xu, bố nghĩ chơi đồng xu hay hơn những hòn đá kia, con có muốn thử không?”. Bố mỉm cười nhìn Mark.


“Được ạ, được ạ, nhưng chơi đồng xu có thật sự thích không bố?”. Mark ngẩng đầu lên hỏi.
“Đương nhiên rồi, con xem, đây là đồng 1 xu, đây là đồng
10 xu, đây là đồng 50 xu. Con có thể dùng nó mua đồ chơi mà con thích, ví dụ con thích xe tải đồ chơi, con có thể dùng 2 đồng 50 xu là mua được”. Bố kiên nhẫn giảng giải.
“Ồ, nghe cũng hay đấy ạ. Nhưng con vẫn chưa phân biệt được mệnh giá lớn nhỏ của nó, bố có thể nói lại cho con được không ạ?” Mark lễ phép hỏi bố.
“Đương nhiên là được, Mark, con xem này, đây là đồng 1 xu, đây là đồng 10 xu, đây là đồng 50 xu – đồng to nhất”. Bố vừa trả lời vừa đưa từng đồng xu cho Mark.
Mark nhận đồng xu, tỉ mỉ quan sát rất lâu, sau đó vui mừng reo lên: “Oa, đồng 50 xu to quá, bây giờ con đã biết nó rồi. Nhưng con vẫn chưa phân biệt được đồng 1 xu và 10 xu”.
Bố xoa đầu Mark khen ngợi: “Mark của bố giỏi quá, trong thời gian ngắn đã biết phân biệt đồng 50 xu rồi. Đồng 1 xu và 10 xu, bố nghĩ con cũng sẽ phân biệt được nhanh thôi”.
Người Do Thái ngoài việc hiểu giá trị của đồng tiền, còn truyền dạy những kiến thức đó cho con cái, để thế hệ sau hiểu được giá trị của nó. Ngày nay, ở Israel, giáo dục tài chính cho trẻ em là nhiệm vụ chung của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Dưới đây là một số mục tiêu về năng lực quản lý tài chính mà cha mẹ Do Thái yêu cầu ở con:
Khi 3 tuổi, trẻ có thể nhận biết được tiền xu và tiền giấy. Khi 4 tuổi, trẻ biết dùng tiền xu mua những món hàng đơn giản.
Khi 5 tuổi, trẻ biết cách dùng tiền xu trao đổi hàng hóa, hiểu được giá trị của đồng tiền.
Khi 7 tuổi, trẻ biết đếm một số lượng tiền xu lớn, biết đổi những đồng tiền xu đơn giản.
Khi 8 tuổi, trẻ biết cách tính tổng giá mua hàng, biết dùng sức lao động của mình để kiếm tiền, biết được số tiền đang gửi trong tài khoản ngân hàng của mình là bao nhiêu.
Khi 9 tuổi, trước khi mua đồ, trẻ có thể liệt kê những đồ cần mua, khi mua biết so sánh giá cả.
Khi 10 tuổi, trẻ biết mỗi tuần dành dụm bao nhiêu tiền để mua đồ đắt hơn, hiểu được các quảng cáo của doanh nghiệp.
Khi 12 tuổi, trẻ biết đặt kế hoạch chi tiêu trong nửa tháng, hiểu được các thuật ngữ của một số ngân hàng.
Khi 13-15 tuổi, trẻ có thể dùng một số phương tiện đầu tư an toàn, biết được làm thế nào dự trữ, dự toán và đầu tư bước đầu.
Khi 16-17 tuổi, trẻ nắm được một số kiến thức kinh tế, như kiến thức cơ sở của kinh tế vĩ mô, học cách quan tâm chú ý đến kinh tế thị trường toàn cầu, bắt đầu hiểu một số mối quan hệ giữa các công cụ tiền tệ.
Những bậc cha mẹ lần đầu đọc những “mục tiêu” này có thể sẽ kinh ngạc, vì với trẻ vị thành niên hoàn thành những nhiệm vụ trên là thử thách không hề dễ dàng. Nhưng với trẻ em Do Thái, nhiệm vụ đó dễ như “trở bàn tay”, vì các em từ nhỏ được giáo dục về tài chính, thậm chí từ lúc 3 – 4 tuổi, đa số trẻ em Do Thái đều đã học cách nhận biết đồng tiền.
Giảng giải cho trẻ hiểu giá trị và công dụng của đồng tiền
Khi trẻ được 3 tuổi, cha mẹ bắt đầu giảng giải cho trẻ hiểu giá trị và công dụng của đồng tiền. Họ thường cùng trẻ chơi trò chơi đoán giá trị tiền tệ, để nâng cao khả năng nhận biết đồng tiền cho trẻ. Ngoài ra, khi trẻ lớn dần lên, cha mẹ còn nói với trẻ tiền bạc bắt nguồn từ sức lao động, chứ không phải là được biến ra từ túi của bố mẹ, từ đó giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền.
Trong gia đình người Do Thái, đa số trẻ em 10 tuổi đã hiểu ý nghĩa của việc dành dụm tiền. Đồng thời, cha mẹ cũng khuyến khích trẻ để dành một phần thu nhập, để mua những đồ mình thích. Khi trẻ dành dụm được một số tiền nhất định, cha mẹ còn định hướng để trẻ dùng số tiền ấy để đầu tư và giới thiệu những cách đầu tư an toàn cho trẻ.
Giáo dục chi tiêu cho trẻ
Cha mẹ Do Thái khi đi mua sắm thường để trẻ so sánh giá cả của các loại sản phẩm khác nhau nhằm bồi dưỡng khả năng chi tiêu của trẻ. Ngoài ra, chúng ta đều biết người Do Thái rất coi trọng việc đọc sách, cha mẹ không chỉ cho trẻ đọc những cuốn sách kinh tế chính thống, mà còn mua cho trẻ rất nhiều tài liệu quảng cáo, giúp trẻ hiểu được bí mật đằng sau quảng cáo đó, tránh chi tiêu lãng phí.
Dạy trẻ cách dự toán trong gia đình
Trong gia đình Do Thái, khi trẻ lớn hơn một chút, mỗi tháng trẻ đều biết làm kế hoạch chi tiêu tài chính, liệt kê tất cả những chi phí trong gia đình. Sau đó, cha mẹ sẽ kiểm tra những kế hoạch tài chính này, nếu chỗ nào không hợp lí sẽ chỉ cho trẻ biết và cùng thảo luận với trẻ về việc chi tiêu số tiền cố định đó như thế nào để mua đồ, quần áo, đồ chơi…
Người Do Thái cho rằng dạy trẻ những kiến thức tài chính này là rất quan trọng. Vì người có khả năng quản lí tài chính và ý thức đầu tư giỏi sẽ biết kiếm tiền và nắm giữ tiền bạc. Các bậc cha mẹ nên học tập cách làm của người Do Thái, bồi dưỡng khả năng đầu tư, quản lí cho trẻ từ nhỏ, để trẻ có một nền tảng vững chắc trong tương lai.
* Theo trithucvn

dimanche 2 décembre 2018

10 Best Knee pain exercises with Dr Jo

Động tác đơn giản dễ tập, Dr Jo giải thích rõ ràng có hình ảnh minh họa về các bắp thịt.

vendredi 30 novembre 2018

Dự đoán tương lai Internet ở Việt Nam.

Mời xem để dự đoán tương lai Internet ở Việt Nam.

Thuyết trình về Internet rất độc đáo trước khán thính giả ngoại quốc.

https://www.facebook.com/unesco.cep/videos/1861451487208233/



9 thói quen giúp bạn thành tỷ phú

9 thói quen giúp bạn thành tỷ phú


Hầu hết tỷ phú thế giới đều có những thói quen hàng ngày như đọc sách, tập thể dục, bỏ qua những việc vô bổ.
Các tỷ phú thế giới thường được cho là những người có khả năng phi thường hoặc kỹ năng bí mật nào đó giúp họ trở nên giàu có nhưng sự thật không phải vậy. Theo một số nghiên cứu, hầu hết tỷ phú đều có những thói quen giống nhau.
Những thói quen này không đòi hỏi kiến thức uyên thâm, không tác động tức thì đến kết quả mà tạo ra sự thay đổi theo thời gian giúp các tỷ phú đạt được thành công nhất định. Dưới đây là 9 thói quen tỷ phú thế giới thực hiện mỗi ngày. 

1-Không ngừng học tập

Các tỷ phú không bao giờ ngừng việc học tập, trau dồi kiến thức để xây dựng các kỹ năng trong đời sống và kinh doanh. Họ là những "học sinh" chăm chỉ, luôn cập nhật các xu hướng phát triển, các vấn đề thời sự diễn ra trên toàn cầu.
Họ cũng luôn tò mò và tìm hiểu các vấn đề xung quanh, không ngừng đặt ra câu hỏi và tìm cách giải quyết. Khi đã quyết tâm làm việc gì, họ không ngừng hỏi: Công việc đó như thế nào? Làm sao để đạt kết quả tốt nhất? Tinh thần ham học hỏi mỗi ngày giúp họ ngày càng có thêm nhiều kiến thức và tiến gần đến thành công hơn. 
Tỷ phú Bill Gates đọc 50 quyển sách mỗi năm. Ảnh: Times. 
Tỷ phú Bill Gates đọc 50 quyển sách mỗi năm. Ảnh: Times. 

2-Đọc sách mọi lúc có thể

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet, tỷ phú công nghệ Bill Gates hay nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey đều là những "mọt sách". Trong túi xách của họ chưa bao giờ thiếu một vài cuốn để đọc khi rảnh rỗi. Cụ thể, Oprah Winfrey quản lý một câu lạc bộ sách, Warren Buffett dành 80% thời gian trong ngày để đọc và Bill Gates nghiền ngẫm khoảng 50 cuốn sách mỗi năm.
Việc đọc sách giúp các tỷ phú rèn thói quen học tập, cập nhật xu hướng và phát triển kỹ năng mới để ứng phó với sự thay đổi của xã hội. 

3-Nói 'Không' với những việc vô bổ

Các tỷ phú đều có một thói quen sẵn sàng nói "không" với những thứ vô bổ để dành toàn bộ sự tập trung vào ưu tiên quan trọng. Tuy nhiên, họ sẽ không dễ dàng chấp nhận câu trả lời "không" từ các đồng nghiệp, đối tác hoặc nhân viên khi cho rằng điều đó có thể thực hiện được nếu nỗ lực hết sức. 

4-Tinh thần không bỏ cuộc

Hầu hết tỷ phú trước khi thành công đều trải qua không ít lần thất bại. Tuy nhiên, khái niệm bỏ cuộc chưa bao giờ tồn tại trong suy nghĩ của họ. Họ cho rằng những khó khăn trên đường đến thành công là tất yếu. Không than vãn về thất bại, các tỷ phú rút ra những bài học và tiếp tục chinh phục mục tiêu đặt ra. 

5-Dậy sớm mỗi ngày

Dậy sớm mỗi ngày là thói quen thường thấy ở tỷ phú, bởi việc này giúp họ sử dụng tối đa thời gian trong ngày và làm được nhiều việc hơn. Nhà sáng lập và CEO của Twitter Jack Dorsey thức dậy lúc 5h để tập thể dục và thiền, trong khi ông trùm khởi nghiệp Richard Branson đón bình minh lúc 5h45 để lên kế hoạch cho ngày mới.
Những người thành công đều bắt đầu ngày mới từ sáng sớm và tận dụng thời gian buổi sáng để rèn luyện sức khỏe nhằm thúc đẩy bản thân đạt được ước mơ.

6-Rèn luyện sức khỏe

Điểm chung giữa các tỷ phú là coi trọng việc tập thể dục để có sức khỏe tốt, cả về thể chất lẫn tinh thần. Richard Branson cho rằng nếu tập luyện thường xuyên, bạn có thể tạo ra thêm bốn giờ làm việc hiệu quả mỗi ngày.

Ở tuổi 68 tỷ phú Richard Branson vẫn tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Ảnh: Virgin.
Ở tuổi 68, tỷ phú Richard Branson vẫn tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Ảnh: Virgin.
Khoa học cũng đã chứng minh tập thể dục không chỉ cải thiện sức khoẻ, căng thẳng, mà còn tăng khả năng tập trung, sáng tạo trong công việc. Mỗi ngày chỉ cần dành thời gian ít nhất 30 phút để tập các bài đơn giản như chạy bộ, đạp xe, yoga cũng đủ giúp bạn tạo ra nhiều năng lượng tích cực. 

7-Chấp nhận rủi ro

Để trở thành tỷ phú, hầu hết họ không chấp nhận sự ổn định. Các tỷ phú luôn tìm kiếm và khám phá những cái mới, ngay cả khi điều đó là rủi ro. Elon Musk từng bị nhiều người cười nhạo về ý tưởng sản xuất xe điện hay tên lửa SpaceX nhưng cuối cùng ông đã biến điều đó thành hiện thực. Đối với các tỷ phú, việc chấp nhận rủi ro không phải là "máu liều" mà là tạo ra một cách làm mới khác với lối mòn quen thuộc. 

8-Duy trì cuộc sống đơn giản

Người thành công luôn có thói quen duy trì một cuộc sống đơn giản, không quá cầu kỳ và xa hoa. Họ không quá chú trọng đến các chi tiết vụn vặt trong đời sống hàng ngày bởi chúng dễ làm xáo trộn tâm trí. Đó là một trong những lý do khiến các doanh nhân nổi tiếng như Steve Jobs, Mark Zuckerberg thường mặc trang phục đơn giản.

9-Giao tiếp với những người thành công

Các tỷ phú thường thích giao tiếp với những người thành công bởi năng lượng tích cực mà họ mang lại cho người xung quanh. Vì vậy, nếu bạn gặp gỡ những người thành công, bản thân sẽ học hỏi và có thêm động lực để phát triển mỗi ngày.

Sơn Nam

mercredi 28 novembre 2018

Cuộc đời đau thương và kiên cường của tác giả cuốn sách best-seller ‘Cuộc sống và cái chết ở Thượng Hải’ NIEN CHENG

Cuộc đời đau thương và kiên cường của tác giả cuốn sách best-seller ‘Cuộc sống và cái chết ở Thượng Hải’
23/11/2018



Nien Cheng sinh năm 1915 trong một gia đình danh giá ở Bắc Kinh. Tên khai sinh của bà là Yao Nianyuan. Ông nội của bà là một nhà Nho sống vào cuối triều Thanh, đầu thời nước Cộng hòa Trung Hoa. Cha bà là một vị tướng.
Nien Cheng vừa xinh đẹp lại vừa thanh lịch tao nhã. Khi học tại trường Trung học Tianjin Nankai, bà đã xuất hiện trên bìa của tờ họa báo “Pei-Yang, Tientsin” tới 4 lần.

Bà Nien Cheng học tại Đại học Yanjing trước khi đến London học cao học tại trường Khoa học chính trị và kinh tế London. Và bà đã giành được tấm bằng thạc sĩ danh giá của trường này. Trong thời gian sống ở London, bà đã kết hôn với người bạn học, Tiến sĩ Kang-chi Cheng. Hai vợ chồng bà sớm có con gái đầu lòng đáng yêu.


Hai vợ chồng bà Nien Cheng sớm có con gái đầu lòng đáng yêu. (Ảnh: sohu.com)

Cuộc sống của gia đình nhỏ tưởng cứ thế êm ấm trôi qua ở London hoa lệ. Thế nhưng, năm 1949, Nien Cheng quyết định cùng chồng quay trở lại Thượng Hải sinh sống. Họ chẳng mảy may biết rằng quyết định trở về cố hương xuất phát từ tấm lòng yêu nước của họ sẽ chỉ được đền đáp bằng sự khốn khổ đến tận cùng.

Năm 1957, chồng bà Nien Cheng qua đời vì ung thư khi bà mới có 42 tuổi. Cái chết của chồng đã không làm bà gục ngã, bà vẫn sống một cuộc đời rất kiên cường và lạc quan. Bà vẫn nghĩ rằng sẽ dành phần đời còn lại ở Thượng Hải cùng con gái.

Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1966, có hai người khách không mời đã đến nhà của bà Nien. Ngay lập tức, ngôi nhà của bà bị lục tung và bà bị dán nhãn là người của phe cánh hữu, là giai cấp tư sản. Thậm chí, sau đó bà còn bị buộc tội là gián điệp do đã có thời gian trước đó sống ở nước ngoài.

6 năm rưỡi ác mộng tại “Trại tạm giam giữ thứ nhất” khét tiếng bắt đầu. Lúc đó, Nien Cheng đã hơn 50 tuổi. Bà thấy chồng mình thật may mắn vì đã ra đi sớm. “Kể từ khi chồng tôi chết, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy ông ấy thật hạnh phúc vì đã rời xa thế giới sớm và vì thế, ông ấy đã thoát khỏi cảnh bị bức hại và ngược đãi thật khủng khiếp. Tạ ơn Chúa là ông ấy đã ra đi”, bà Nien Cheng chia sẻ.



Nien Cheng lấy bằng thạc sĩ từ Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn, kết hôn và trở về Thượng Hải. (Ảnh: Secret China)

Trong tù, Nien Cheng phải chịu đựng tất cả các loại thống khổ. Bà thường xuyên bị bỏ đói, tra tấn, đánh đập và bức hại về tinh thần. Sự tuyệt vọng vì bị cô lập, bất lực cũng như những tra tấn về thể xác và tinh thần sẽ dễ dàng khiến bất cứ ai trong hoàn cảnh khốn khổ đó cũng không còn khao khát được sống. Nhưng người phụ nữ Nien Cheng lại chưa bao giờ từ bỏ tình yêu với cuộc sống của mình. Bà mua 1 cái chổi để quét dọn nhà tù, tự chế một cái bọc để bọc bồn rửa mặt cho khỏi bẩn. Bà thậm chí còn duy trì tập luyện để giữ cho mình luôn tỉnh táo.

Có những người mà bất chấp cuộc sống đang rơi vào chốn bùn lầy nước đọng, nhìn họ vẫn như ánh sao trên bầu trời. Dù ở hoàn cảnh nào, họ cũng tìm thấy niềm vui từ những điều hiện hữu xung quanh. Trong góc của nhà tù, nơi quyền tối thiểu của con người cũng bị tước đoạt, Nien Cheng vẫn được truyền cảm hứng từ những gì giản đơn quanh bà: đó có thể chỉ là tấm lưới mượt mà êm ái của con nhện; là khi bà được ra ngoài giải lao, bà vui sướng ngắm những bông hoa dại. Mặc dù sống trong điều kiện nhà tù rất tồi tệ, bà vẫn trở nên khác biệt hẳn với các tù nhân khác – một thi sĩ lãng mạn.

Trong 6 năm ác mộng đó, bà Nien Cheng chưa từng đòi hỏi hay chờ đợi lòng nhân từ khi bà bị tra tấn. Bà thản nhiên nói: “Điều đó quá ngây thơ và không lịch sự”. Bà cũng không bao giờ thừa nhận bất kỳ lời buộc tội nào và không khai báo với bất kỳ ai. Thời gian đó, mỗi khi phải ký vào tờ giấy thú nhận của mình đã được người của nhà tù soạn sẵn, bà thường ghi thêm từ “không thừa nhận tội lỗi” vào cạnh từ “tội lỗi”, bất chấp việc ngay sau đó bà sẽ bị trừng phạt.

Mặc dù Đảng cộng sản muốn kết án bà, Nien Cheng tin tưởng chắc chắn rằng số phận bà sẽ được viết lại.


Dinh thự cũ của Nien Cheng ở Thượng Hải. (Ảnh: Secret China)

Năm 1973, Nien Cheng cuối cùng đã được tuyên bố trắng án. Khi đó bà đã gần 60 tuổi, ra tù mang theo rất nhiều vết thương về tinh thần và thể xác. Tuy nhiên, bà còn phải chịu đựng một nỗi đau còn lớn hơn khi trở về: Cô con gái duy nhất của bà được thông báo là đã chết do tự tử.

Nien Cheng, người phụ nữ rắn rỏi, người chưa bao giờ rơi nước mắt trong tù dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào, cuối cùng đã khóc đau đớn sau khi biết tin về cái chết của con gái. “Tôi cố gắng hết sức để sống sót và phải chịu rất nhiều nỗi đau đớn để có thể trở về. Nhưng thời điểm này, tất cả mọi thứ đã chẳng còn ý nghĩa gì nữa; tôi đã chẳng còn gì và tôi cảm thấy trống rỗng” – bà thốt lên trong đau đớn.

Bà không tin rằng con gái mình đã tự tử. Bà tích cực phục hồi sức khỏe sau những trận ốm đau, sau những mất mát đau thương. Nien Cheng sửa sang lại ngôi nhà xưa và dùng tất cả những mối quan hệ mà bà có để điều tra sự thật về cái chết của con mình. Bà đã phát hiện rằng, con gái bà đã bị đánh tới chết và sau đó bị ném ra ngoài từ ban công. Năm 1980, Nien Cheng đã 65 tuổi. Bà quyết định rời Trung Quốc, một nơi toàn những ký ức buồn đau. Khi bà đặt chân lên tàu thẳng tiến sang Mỹ, rời khỏi Thượng Hải, trái tim Nien Cheng rối bời và đau đớn.

Bà xót xa: “Tôi sẽ rời ngôi nhà mình mãi mãi, và trái tim tôi tan vỡ, hoàn toàn tan vỡ. Chỉ có Thượng đế mới biết tôi đã làm việc chăm chỉ để trung thành với đất nước như thế nào. Cuối cùng, tôi đã hoàn toàn thất bại nhưng tôi vô tội”.

Ở tuổi 65, Nien Cheng nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới ở xã hội văn minh – lái xe trên đường cao tốc, đi siêu thị, và thanh toán ngân hàng bằng thẻ tín dụng.


Nien Cheng (phải) và con gái (trái). (Ảnh: NTDTV)

Năm 1987, bà xuất bản cuốn “Cuộc sống và cái chết ở Thượng Hải” bằng tiếng Anh. Bằng máu và nước mắt, bà đã viết về khoảng thời gian khủng khiếp ở Thượng Hải. Cuốn sách đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất cả ở châu Âu và Mỹ. Khi viết sách, bà sử dụng bút danh là Nien Cheng. Đó là để tưởng nhớ chồng và con gái của bà.


Năm 1987, bà xuất bản cuốn “Cuộc sống và cái chết ở Thượng Hải”. (Ảnh: sohu.com)

Sau khi “Cuộc sống và cái chết ở Thượng Hải” trở nên nổi tiếng, Nien Cheng thường xuyên được mời làm diễn giả. Bà đóng góp phần lớn nguồn thu nhập từ công việc này cho một trường đại học ở Mỹ để hỗ trợ những sinh viên Trung Quốc. Bà vẫn hy vọng đóng góp chút công sức cho quê hương thông qua những nỗ lực của mình.

Năm 1988, khi Nien Cheng diễn thuyết ở Hawai, bà đã rải tro cốt của chồng và con gái xuống Thái Bình Dương, bà tin rằng đại dương sẽ mang họ trở về đất mẹ.

Bà Nien Cheng qua đời ở tuổi 94 và tro cốt của bà cũng được rải xuống Thái Bình Dương như nguyện vọng của bà. Bởi làm như vậy, gia đình ba người của bà sẽ được đoàn tụ ở sông Huangpu quê nhà./.


Nien Cheng thường xuyên được mời làm diễn giả. Bà đóng góp phần lớn nguồn thu nhập từ công việc này cho một trường đại học ở Mỹ để hỗ trợ những sinh viên Trung Quốc. (Ảnh: NTDTV) 


Thúy Lan sưu tầm