samedi 20 avril 2019

Bài suy niệm của sơ Eugenia Bonetti cho buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại Colosseo năm 2019

Trong bối cảnh của nạn buôn người đang lan tràn, ĐTC Phanxicô đã ủy thác cho sơ Eugenia Bonetti, một nữ tu chuyên phục vụ trong lãnh vực chống lại tệ nạn này, soạn bài suy niệm cho buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại Colosseo năm 2019 này. Bài suy niệm của sơ Eugenia Bonetti sẽ chú trọng đến những đau khổ của rất nhiều người là nạn nhân của nạn buôn người.


Buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại Colosseo vào tối thứ Sáu Tuần Thánh

Ban Việt Ngữ Vatican News chuyển dịch
 Tiếp nối truyền thống của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, vào lúc  9 giờ tối thứ sáu Tuần Thánh, 19-4, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hý trường Colosseo ở Roma, nơi đã có nhiều tín hữu Kitô chịu khổ hình vì đức tin.
 Các bài suy niệm đàng thánh giá năm nay được ĐTC ủy thác cho Nữ tu Eugenia Bonetti, 80 tuổi (1939) thuộc dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi, chủ tịch Hiệp hội ”Slaves no more”, không là nô lệ nữa, một tổ chức dấn thân chống nạn buôn ngừơi. Chị Bonetti từng là thừa sai tại Kenya bên Phi châu trong 24 năm trời, rồi trở về Roma hoạt động trong nhiều sứ vụ khác, rồi tại Hiệp hội các Bề trên thượng cấp các dòng nữ Italia, đặc biệt dấn thân trong các hoạt động cứu giúp các nạn nhân của nạn buôn người. Hồi tháng 9 năm 2013, khi gặp ĐTC Phanxicô, Chị xin ngài thiết lập Ngày thế giới suy tư và cầu nguyện chống nạn buôn người, cử hành vào ngày 8-2 mỗi năm.

* Dẫn nhập
40 ngày đã trôi qua từ khi chúng ta chịu xức tro và bắt đầu hành trình mùa chay. Hôm nay chúng ta cảm nghiệm lại những giờ cuối cùng trong cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, cho đến khi Ngài bị treo trên thập giá và thốt lên ”Mọi sự đã hoàn tất”. Tụ tập tại đây, nơi mà hàng ngàn người trong quá khứ đã chịu chết vì trung thành với Chúa Kitô, giờ đây chúng ta hãy đi lại ”con đường khổ giá” cùng với tất cả những người nghèo, người bị gạt ra ngoài xã hội và những “người bị đóng đinh mới” trong lịch sử ngày nay, nạn nhân sự khép kín của chúng ta, của quyền lực và những luật lệ, của sự mù quáng và ích kỷ, nhưng nhất là nạn nhân con tim trai đá của chúng ta vì dửng dưng lãnh đạm. Đây là một thứ bệnh mà cả chúng ta, các Kitô hữu, cũng bị. Ước gì Thập Giá của Chúa Kitô, dụng cụ chết chóc nhưng cũng là dụng cụ mang lại cuộc sống mới, nối liền trong vòng tay giữa trời và đất, nam và bắc, đông và tây, soi sáng lương tâm của các công dân, lương tâm của Giáo Hội, các nhà lập pháp và tất cả những người xưng mình là môn đệ Chúa Kitô, để Tin Mừng cứu độ đi tới với tất cả mọi người.

 * Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình
 Trích Phúc Âm theo thánh Mathêu (Mt 7,21)
 ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ”Lạy Chúa, Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ ai thi hành Thánh Ý Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”.
 Lạy Chúa, có ai biết cách là môn đệ của Chúa cho bằng Đức Maria Mẹ Ngài? Mẹ đã đón nhận Thánh Ý Chúa Cha cả trong lúc đen tối nhất của đời Mẹ, và với tâm hồn tan nát, Mẹ đứng cạnh Chúa. Mẹ đã sinh ra Chúa, cưu mang, bồng ẵm Chúa, nuôi nấng Chúa trong yêu thương và đồng hành với Chúa trong cuộc sống trần thế, Mẹ không thể không bước đi cùng con đường dẫn đến đồi Canvê và chia sẻ với Chúa giờ phút bi thảm và đau thương nhất của Chúa và của cuộc đời Mẹ.
 Lạy Chúa, bao nhiêu bà mẹ ngày nay đang trải qua kinh nghiệm của Mẹ Chúa và khóc thương vì số phận con cái của họ? Bao nhiêu bà mẹ, sau khi sinh con, nay đang thấy chúng đau khổ và chết vì bệnh tật, vì thiếu lương thực, nước uống, không được chăm sóc sức khỏe và không được những cơ may cho cuộc sống và cho tương lai? Chúng con cầu xin Chúa cho những người đang nắm giữ vai trò trách nhiệm, để họ lắng nghe tiếng kêu của người nghèo đang vọng lên tới Chúa từ các nơi trên trái đất. Tiếng kêu của tất cả những người trẻ, qua những cách thức khác nhau, đang bị kết án tử hình vì sự dửng dưng do những chính sách loại trừ và ích kỷ gây ra. Ước gì không một ai trong các con cái của Chúa thiếu công ăn việc làm và những gì cần thiết để có cuộc sống lương thiện và xứng đáng.
 Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con thi hành thánh ý Chúa:
 – trong những lúc khó khăn và nản chí
 – trong những lúc đau khổ thể lý và tinh thần
 – trong những lúc đen tối và cô đơn

** Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác thánh giá
Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 9,23)
 ”Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày và theo Thầy”.
 Lạy Chúa Giêsu, thật là dễ đeo thập giá ở cổ hoặc treo thập giá như đồ trang trí trên các bức tường của các nhà thờ chính tòa đẹp đẽ hoặc trong các tư gia của chúng con, nhưng không dễ như thế khi gặp và nhận ra những thập giá mới ngày nay: những người không có gia cư nhất định, những người trẻ không có hy vọng, chẳng có công ăn việc làm và không có viễn tượng tương lai, những người di dân buộc lòng phải sống trong các nhà tồi tàn ven các thành phố của chúng con, sau khi đã đương đầu với những đau khổ khôn tả. Rất tiếc là những khu trại ấy, không có an ninh, bị đốt cháy và san bình địa cùng với giấc mơ và những hy vọng của hàng ngàn người nam nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị bóc lột và quên lãng. Và rồi bao nhiêu trẻ em bị kỳ thị vì gốc gác của các em, vì màu da hoặc vì giai tầng xã hội! Bao nhiêu bà mẹ chịu tủi nhục khi thấy con cái bị nhạo cười và không được những cơ may như các bạn đồng lứa và cùng trường.
 Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã nêu gương cho chúng con bằng chính cuộc sống của Chúa về cách thức biểu lộ tình thương chân thật và vô vị lợi đối với tha nhân, đặc biệt đối với những kẻ thù hoặc đối với những người không giống chúng con. Lạy Chúa Giêsu, bao nhiêu lần, cả chúng con, trong tư cách là môn đệ Chúa, chúng con đã công khai tuyên bố mình là người theo Chúa trong những lúc Chúa chữa lành và làm phép lạ, khi Chúa cho đám đông ăn no và tha thứ các tội lỗi. Nhưng không dễ hiểu Chúa như thế khi Chúa nói về việc phục vụ và tha thứ, từ bỏ và đau khổ. Xin giúp chúng con luôn biết dùng cuộc sống chúng con để phục vụ tha nhân.
 Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con hy vọng”:
 – khi chúng con cảm thấy bị bỏ rơi và cô độc
 – khi chúng con khó đi theo vết chân của Chúa
 – khi việc phục vụ tha nhân trở nên khó khăn

* Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ I
 Trích sách Ngôn Sứ Isaia (Is 53,4)
 Sự thật, chính Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu những đau đớn của chúng ta”.
 Lạy Chúa Giêsu, trên con đường dốc dẫn lên đồi Canvê, Chúa đã muốn cảm nghiệm sự dòn mỏng và yếu đuối của loài người. Giáo Hội ngày nay sẽ ra sao nếu không có sự hiện diện và lòng quảng đại của bao nhiêu người thiện nguyện, những người samaritano mới của ngàn năm thứ ba? Trong một đêm giá lạnh tháng giêng, trên một con đường ở ngoại ô Roma, 3 thiếu nữ Phi châu, chỉ lớn hơn tuổi niên thiếu một chút, co ro sát đất để sưởi ấm tấm thân nửa trần trụi của họ quanh một đống lửa nhỏ. Vài thanh niên, để giỡn chơi, khi lái xe ngang qua đó, đã ném những vật dụng dễ cháy vào đống lửa ấy, làm cho các thiếu nữ bị phỏng nặng. Cùng lúc ấy có một trong số bao nhiêu đơn vị người thiện nguyện trên đường phố chạy đến cứu các thiếu nữ ấy, đưa họ vào nhà thương để rồi đón nhận họ vào một “Ngôi nhà gia đình”. Bao nhiêu thời gian cần thiết để các thiếu nữ ấy được lành lặn, không những khỏi những vết bỏng nơi chi thể, nhưng cả những đau khổ và tủi nhục với một thân mình bị cắt xén và biến dạng mãi mãi?
 Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì sự hiện diện của bao nhiêu người samaritano mới của ngàn năm thứ ba ngày nay vẫn còn sống kinh nghiệm trên đường đi, với lòng yêu mến và cảm thương, cúi mình trên bao nhiêu vết thương thể lý và tinh thần của những người mỗi đêm sống trong sợ hãi và kinh hoàng của đêm đen, cô đơn và dửng dưng lãnh đạm. Lạy Chúa, rất tiếc là nhiều lần ngày nay chúng con không biết nhận ra ai đang ở trong cảnh túng thiếu, không thấy người bị thương và tủi nhục. Nhiều khi chúng con đòi hỏi các quyền lợi của mình, nhưng lại quên những quyền lợi của những người nghèo và những người rốt cùng. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn đừng vô cảm trước những tiếng khóc, những đau khổ, tiếng kêu đau thương của họ, vì qua họ chúng con có thể gặp Chúa.
Chúng ta cùng nhau cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu thương”:
 – khi chúng con dấn thân trở thành những người samaritano
 – khi chúng con cảm thấy khó tha thứ
 – khi chúng con không muốn nhìn thấy những đau khổ của người khác

 ** Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài
 Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 2,35)
 ”Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà, để những tâm tư của nhiều người được tỏ lộ”.
 Lạy Mẹ Maria, khi Mẹ dâng Chúa Hài Đồng Giêsu vào đền thờ theo nghi thức thanh tẩy, cụ già Simeon đã tiên báo cho Mẹ rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng Mẹ. Giờ đây là lúc lập lại lời thưa ”xin vâng” của Mẹ, lòng gắn bó của Mẹ với thánh ý Chúa Cha, cho dù phải tháp tùng Chúa Con đến nơi hành hình, thấy người bị đối xử như kẻ gian ác, tạo nên một đau khổ xé lòng Mẹ.
 Lạy Chúa, xin thương xót quá nhiều các bà mẹ để cho các con gái của họ ra đi, tìm về Âu Châu với hy vọng giúp đỡ gia đình trong cảnh nghèo khổ cùng cực, nhưng rồi các thiếu nữ ấy đã bị nhục nhã, bị khinh rẻ và nhiều khi cả cái chết nữa. Như cô Tina, bị giết chết dã man trên đường lúc mới 20 tuổi, để lại đứa con gái vài tháng.
 Lạy Mẹ Maria, trong lúc này, Mẹ trải qua cùng thảm trạng như bao nhiêu bà mẹ chịu đau khổ vì con cái ra đi đến những nước khác với hy vọng tìm được cơ may có một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình, nhưng đáng tiếc là, họ bị tủi nhục, khinh rẻ và bạo hành, dửng dưng, cô đơn và thậm chí cả cái chết. Xin ban cho họ sức mạnh và can đảm.
 Chúng ta cùng nhau cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con luôn biết nâng đỡ và an ủi, và hiện diện để giúp đỡ:
 – để an ủi những bà mẹ khóc thương cho số phận của con cái họ
 – để giúp đỡ người đã đánh mất mọi hy vọng trong cuộc đời
 – để trợ giúp người hằng ngày phải chịu bạo lực và khinh rẻ

* Chặng thứ V: Ông Simon vác Thánh Giá đỡ Chúa Giêsu
 Trích Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata (Gal 6,2):
 ”Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô”.
 Lạy Chúa Giêsu, trên đường lên đồi Golgotha, Chúa cảm thấy nặng nề và khó khăn khi vác cây thánh giá gỗ thô ráp. Trong vô vọng, Chúa hy vọng có được cử chỉ giúp đỡ của một người bạn, của một người trong những môn đệ của Chúa, của một người trong những người mà Chúa đã giảm bớt đau khổ cho họ. Thật không may, chỉ có một người xa lạ, Simôn thành Kyrênê, vì bắt buộc, đã giúp đỡ Chúa. Ngày nay, đâu là những người thành Kyrênê mới của thiên niên kỷ thứ ba? Chúng con tìm họ ở đâu?
 Con muốn nhớ lại kinh nghiệm của một nhóm các nữ tu với quốc tịch, nguồn gốc khác nhau hiện diện tại Roma hơn 17 năm qua. Vào mỗi thứ bảy, các nữ tu có mặt tại một trung tâm dành cho phụ nữ nhập cư không có giấy tờ, thường là phụ nữ trẻ, đang chờ đợi để biết số phận của họ, giữa việc bị trục xuất và khả năng được lưu lại.
 Chúng con đã thấy bao nhiêu đau khổ, nhưng cũng biết bao niềm vui nơi các phụ nữ này khi họ tìm gặp được các nữ tu đến từ đất nước họ, nói ngôn ngữ của họ, lau khô nước mắt cho họ, chia sẻ những giây phút cầu nguyện, lễ hội, làm cho họ cảm thấy nhẹ bớt những tháng dài giữa song sắt và những con đường bêtông.
 Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho tất cả những người thành Kyrênê trong lịch sử của chúng con. Để họ không bao giờ thiếu mong muốn đón tiếp Chúa dưới những diện mạo của những người rốt cùng trên mặt đất này. Xin cho họ ý thức rằng đón tiếp những người bé nhỏ của xã hội chúng con là tiếp nhận Chúa. Những người Samaritano này là những người lên tiếng cho những người không có tiếng nói.
 Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con mang thập giá của chúng con ”:
 – khi chúng con mệt mỏi và chán nản
 – khi chúng con cảm thấy sức nặng của những yếu đuối của chúng con
 – khi Chúa yêu cầu chúng con chia sẻ những đau khổ của người khác

* Chặng thứ 6: Bà Vêronica lau mặt Chúa Giêsu
Trích Phúc Âm theo thánh Mathêu (Mt 25,40)
”Thầy bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Thầy vậy”.
Chúng ta hãy nghĩ đến những trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới, không thể đến trường, trái lại các em bị khai bóc lột nơi hầm mỏ, trên các cánh đồng, nơi các vùng đánh cá, nạn nhân của những kẻ buôn người cho việc cấy ghép các cơ phận. Trên các con đường của chúng ta, các em bị sử dụng bị khai thác từ rất nhiều người, trong đó có cả các Kitô hữu, những người đã đánh mất ý nghĩa thánh thiêng của chính mình và của người khác.
 Như một đêm kia tại Rôma, một bé gái với thân thể ốm yếu, bị bắt gặp khi đang ở bên cạnh một chiếc xe sang trọng, và những người đàn ông đang lần lượt khai thác em. Em có thể chỉ bằng tuổi con gái của những người nàyẨSự mất cân bằng này có thể tạo ra bạo lực này trong cuộc sống của rất nhiều bạn trẻ trải qua sự bất công, ngạo mạn, dửng dưng của những người ngày đêm tìm kiếm và sử dụng các em, và sau đó ném các em trở lại trên những con đường, tiếp tục trở thành những con mồi cho những kẻ buôn người tiếp theo.
 Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm cho đôi mắt của chúng con trở nên trong suốt để chúng con biết khám phá khuôn mặt Chúa nơi các anh chị em, đặc biệt nơi tất cả các trẻ em nhiều nơi trên thế giới đang phải sống trong cảnh bần cùng, đói khổ. Các trẻ em không có tuổi thơ hạnh phục, thiếu giáo dục, vô tội. Các em là những thụ tạo bị sử dụng như những hàng hóa ít giá trị, bị buôn bán cho những vui thú. Lạy Chúa, chúng con cầu xin lòng trắc ẩn, từ bi thương xót của Chúa cho thế giới bị bệnh này, xin giúp chúng con tái khám phá vẻ đẹp của chính chúng con và của những người khác đó là phẩm giá làm người, là thụ tạo giống hình ảnh của Chúa
 Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con thấy”:
 – khuôn mặt của những trẻ thơ đang cầu xin sự giúp đỡ
 – bất công xã hội
 – phẩm giá mà mỗi người mang trong mình và bị chà đạp

 * Chặng thứ 7: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ (1Pt 2,23):
 ”Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình”.
 Trong xã hội của chúng ta đang sống, có biết bao phụ nữ đã bị bán! Xã hội đương đại đã đánh mất giá trị cao quý của sự tha thứ, một món quà tuyệt vời, chăm sóc vết thương, nền tảng cho hòa bình và sự sống chung giữa con người với nhau. Trong một xã hội, nơi mà sự tha thứ được xem như một điều yếu đuối.
 Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con không dừng lại ở bề ngoài. Không tha thứ bằng lời, nhưng bằng mẫu gương. Đối với người làm Chúa đau khổ, Chúa trả lời: ”Tại sao ngươi bách hại ta? Chúa biết rõ công lý thực sự không bao giờ có thể dựa trên hận thù và trả thù. Xin làm cho chúng con có khả năng xin và trao ban sự tha thứ.
 ”Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)
 Lạy Chúa, Chúa cũng cảm nhận được gánh nặng của việc lên án, của sự từ chối, của sự bỏ rơi, của đau khổ do những người đã từng gặp gỡ, lắng nghe và theo Chúa gây ra. Chắc chắn rằng Chúa Cha không bỏ rơi, Chúa đã tìm được sức mạnh để đón nhận ý muốn tha thứ, yêu thương và trao ban niềm hy vọng cho những người như Chúa ngày hôm nay cũng đang đi trên những con đường của chế nhạo, khinh khi, nhạo báng, từ bỏ, phản bội và cô đơn.
 Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con trao ban niềm ủi an”:
 – cho những người cảm thấy bị xúc phạm và bị lăng nhục
 – cho những người cảm thấy bị phản bội và bị sỉ nhục
 – cho những người cảm thấy bị phán xét và bị lên án

* Chặng thứ 8: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ
Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 23,28)
 “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.”
Tình cảnh xã hội, kinh tế và chính trị của những người di cư và nạn nhân của nạn buôn người chất vấn và lay động chúng ta. Chúng ta cần có lòng can đảm, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã quả quyết, tố cáo nạn buôn người là tội ác chống lại nhân loại. Tất cả chúng ta, đặc biệt là Kitô hữu, phải lớn lên trong nhận thức rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm và tất cả đều có thể và phải góp phần tìm ra giải pháp. Tất cả, đặc biệt là phụ nữ chúng ta, được mời gọi can đảm. Can đảm để biết nhìn và hành động, với tư cách cá nhân cũng như cộng đoàn. Chỉ khi đặt chung sự nghèo hèn của chúng ta lại với nhau, thì nó mới có thể trở nên giàu có, có khả năng thay đổi lối nghĩ và làm dịu bớt nỗi đau của nhân loại. Người nghèo, người ngoại quốc, người khác biệt không thể bị coi như kẻ thù để từ chối hoặc đánh đấu, nhưng đúng hơn, như anh chị em để chào đón và giúp đỡ. Những điều đó không phải là vấn đề, nhưng là một tài nguyên quý giá cho những thành trì bọc thép của chúng ta, nơi mà sự sung túc và tiêu thụ không làm dịu đi sự mệt mỏi và khó nhọc ngày càng tăng.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con có cái nhìn của Chúa. Cái nhìn chào đón và thương xót mà Chúa đã nhìn giới hạn và nỗi sợ của chúng con. Xin giúp chúng con nhìn đến sự khác biệt về tư tưởng, tập quán và quan điểm. Xin giúp chúng con nhận ra mình trong cộng đồng nhân loại và trở nên người cổ võ cho những lối nẻo mới và táo bạo để đón nhận sự khác biệt, để cùng nhau tạo nên cộng đoàn, gia đình, giáo xứ và xã hội dân sự.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: “Xin giúp chúng con chia sẻ nỗi đau của người khác”:
– với những ai đau khổ vì mất đi người thân yêu
– với những ai khó khăn hơn trong việc xin giúp đỡ và an ủi
– với những ai chịu lạm dụng và bạo lực

* Chặng thứ 9: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
Trích sách Ngôn sứ Isaia (Is 53,7)
 “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt”.
Chúa Giêsu, lần thứ ba đã ngã xuống, kiệt sức và nhục nhã, dưới sức nặng của thập giá. Cũng giống như rất nhiều cô gái bị ép phải đứng đường bởi những nhóm buôn người, họ không đầu hàng trước khó khăn và tủi nhục khi nhìn thấy thân thể trẻ của họ bị lèo lái, lạm dụng, phá hủy cùng với giấc mơ của họ. Những phụ nữ trẻ đó cảm thấy như bị phân đôi: một mặt họ được tìm kiếm và sử dụng, mặt khác họ bị loại bỏ và lên án bởi một xã hội từ chối nhìn nhận loại hình bóc lột này, do quan niệm của văn hóa dùng-rồi-bỏ. Có một trong nhiều đêm tôi bước trên đường phố Roma, khi đang tìm một người phụ nữ trẻ vừa đến Ý, tôi không thấy cô ấy trong nhóm của cô, tôi liên tiếp gọi tên cô ấy: “Mercy!”. Rồi trong bóng tối, tôi nhận ra cô ấy thu mình và ngủ nghiêng bên lề đường. Khi tôi gọi, cô ấy tỉnh dậy và nói cô không thể chịu đựng được nữa. “Tôi kiệt sức rồi,” cô ấy lặp lại… Tôi nghĩ về mẹ của cô: nếu mẹ cô biết chuyện gì đã xảy ra với con gái mình, bà ấy sẽ khóc đến hết nước mắt.
Lạy Chúa, đã bao nhiêu lần Ngài chất vấn chúng con câu hỏi khó chịu này: “Anh em con đâu? Chị em con đâu?” Đã bao lần Ngài nhắc nhớ chúng con rằng tiếng khóc xé lòng của họ đã đụng đến con? Xin giúp chúng con chia sẻ nỗi đau và sự sỉ nhục của rất nhiều người bị đối xử như đồ bỏ đi. Thật dễ để lên án người khác và những hoàn cảnh khó chịu làm hạ giá sự khiêm tốn giả tạo của chúng con, nhưng chúng con thật không dễ nhận trách nhiệm về mình, với tư cách cá nhân, tư cách chính phủ và thậm chí là cộng đồng Kitô giáo.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh và lòng can đảm để tố cáo”:
– trước sự bóc lột và sỉ nhục mà nhiều bạn trẻ phải chịu
– trước sự thờ ơ và im lặng của nhiều Kitô hữu
– trước những luật lệ bất công, thiếu nhân tính và liên đới

* Chặng thứ 10: Chúa Giêsu bị lột áo
Trích thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôsê (Cl 3,12)
“Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại”.
Tiền bạc, của cải, quyền lực. Chúng là những thần tượng của mọi thời đại. Chúng cũng là và trên tất là thần tượng của chúng ta, làm chúng tự hào về những thuận lợi lớn lao trong việc công nhận quyền của mình. Tất cả đều có thể mua, kể cả thân thể của trẻ vị thành niên, cướp đi phẩm giá và tương lai của chúng. Chúng ta đã quên mất trọng tâm của con người, phẩm giá, vẻ đẹp, sức mạnh của họ. Trong khi trên thế giới, các bức tường và hàng rào đang được dựng nên, chúng ta muốn nhớ đến và cảm ơn những người, với những vai trò khác nhau, trong những tháng gần đây, đã mạo hiểm cả tính mạng, đặc biệt là ở Biển Địa Trung Hải, để cứu những gia đình đang tìm kiếm sự an toàn và những cơ hội. Những con người trốn chạy nghèo đói, độc tài, tham nhũng, nô lệ.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con khám phá lại vẻ đẹp và phong phú tự bản chất của mỗi con người và mỗi dân tộc như là món quà độc nhất và không trùng lặp, để phục vụ cho toàn xã hội và không vì tư lợi. Lạy Chúa Giêsu, chúng con cầu xin cho tấm gương và lời dạy của Chúa về lòng thương xót và sự tha thứ, về sự khiêm nhường và kiên nhẫn sẽ làm cho chúng con trở nên người hơn và như thế, trở nên Kitô hữu hơn.
Chúng ta cùng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho chúng con một trái tim đầy lòng thương xót”:
– để đối diện với lòng tham của thú vui, quyền lực và tiền của
– để đối diện với những bất công gây ra cho người nghèo và những người yếu kém hơn
– để đối diện với ảo vọng về lợi ích cá nhân

* Chặng thứ 11: Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá
Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 23,34)
“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Xã hội của chúng ta tuyên bố sự bình đẳng về quyền và phẩm giá của tất cả mọi người. Nhưng thực hành và chứa chấp sự bất bình đẳng, thậm chí còn chấp nhận những hình thức cực đoan nhất. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị mua bán như những nô lệ bởi nạn buôn người mới. Nạn nhân của buôn người sau đó bị khai thác bởi các cá nhân khác. Và cuối cùng bị vứt đi như một món hàng hóa hết giá trị. Bao nhiêu người trở nên giàu có trên xương máu của người nghèo!
Lạy Chúa, bao nhiêu người ngày nay vẫn bị đóng đinh vào thập giá, nạn nhân của sự bóc lột vô nhân đạo, bị tước đi phẩm giá, tự do và tương lai. Tiếng kêu cứu của họ thách thức chúng con là những người nam người nữ, với tư cách là chính phủ, xã hội và Giáo hội. Làm sao chúng con có thể tiếp tục đóng đinh Ngài, trong việc đồng lõa với nạn buôn người? Xin cho chúng con đôi mắt để nhìn và trái tim để cảm nhận những đau khổ của rất nhiều người ngày nay vẫn bị đóng đinh vào thập giá bởi hệ thống cuộc sống và tiêu thụ của chúng con.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: “Lạy Chúa, xin thương xót”:
– vì những thập giá mới ngày nay nằm rải rác khắp nơi trên trái đất
– vì những người nắm quyền và các nhà lập pháp của xã hội chúng con
– vì những người không biết tha thứ và không biết yêu thương

* Chặng thứ XII: Chúa Giêsu chết trên Thánh giá
Trích Phúc Âm theo thánh Marco (Mc 15,34)
“Ôi Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?”
Lạy Chúa, trên thập giá, cả Chúa cũng đã cảm thấy gánh nặng của sự nhạo báng, chế giễu, sỉ nhục, bạo lực, bỏ rơi, dửng dưng. Chỉ còn Mẹ Maria, Mẹ của Chúa và vài môn đệ ở lại đó, những nhân chứng về đau khổ và cái chết của Chúa. Gương mẫu của các ngài soi sáng chúng con dấn thân giúp cho những người đau khổ trên rất nhiều những đồi Canvê ngày nay, đang rải rác khắp nơi trên thế giới, để họ không cảm thấy cô đơn; trong số những đồi Canvê đó, có những trại tập trung giống như các trại ở những nước trung chuyển, có những con tàu bị từ chối một bến đỗ an toàn, có các cuộc đàm phán quan liêu dài dòng để quyết định nơi cuối cùng đón tiếp họ, có những trung tâm giam giữ, những điểm nóng, những cánh đồng làm việc theo thời vụ.
Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa giúp chúng con đến gần những thập giá mới và thất vọng trong thời đại chúng con. Xin dạy chúng con lau khô nước mắt của họ, an ủi họ giống như Mẹ Maria và các phụ nữ khác đã biết làm như thế dưới chân thập giá.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: “Lạy Chúa, xin giúp chúng con dâng hiến cuộc sống của chúng con”:
– cho những người chịu đựng sự bất công, oán ghét và trả thù
– cho những người bị phỉ báng và kết án bất công
– cho những người cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi và bị sỉ nhục.

* Chặng thứ XIII: Chúa Giêsu được đưa xuống khỏi thập giá
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan (Ga 12,24)
Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi; còn nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt.”
Trong thời đại mà các tin tức bị quên lãng nhanh chóng, có ai còn nhớ đến 26 thiếu nữ người Nigieria bị chết chìm trong sóng nước, đám tang đã được tổ chức ở Salerno? Đồi Canvê của họ thật là khó khăn và kéo dài. Đầu tiên, họ phải đi qua sa mạc Sahara, chen chúc trên chiếc xe buýt dã chiến. Tiếp đến là bị bắt dừng lại tại những trung tâm tập trung đáng sợ ở Libia. Cuối cùng là nhảy xuống biển, nơi họ tìm thấy cái chết ở ngưỡng cửa của “miền đất hứa”. Hai người trong số họ đang mang trong mình món quà của sự sống mới, các bào thai không bao giờ có cơ hội nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nhưng cái chết của họ, như sự chết của Chúa Giêsu, Đấng được tháo xuống khỏi thập giá, không phải là cái chết vô ích. Chúng ta tín thác tất cả những sự sống này cho lòng thương xót của Chúa Cha chúng ta và của tất cả mọi người, nhưng trên hết là Cha của những người nghèo, của người thất vọng và của người bị hạ nhục.
Lạy Chúa, trong giờ phút này, chúng con vẫn cảm thấy vang vọng một lần nữa tiếng kêu mà ĐTC Phanxicô đã cất lên ở Lampedusa, điểm đến của chuyến tông du đầu tiên của ngài: “Ai đã than khóc?” Và bây giờ, sau vô số vụ đắm tàu, chúng con tiếp tục kêu lên: “Ai đã khóc?”. Ai đã khóc?, chúng con tự hỏi mình khi đứng trước 26 quan tài xếp hàng dài và treo một bông hồng trắng? Chỉ có 5 người trong họ được nhận dạng. Tuy thế, có hay không có tên, tất cả họ là những người con và những người chị em của chúng con. Tất cả họ xứng đáng được tôn trọng và ghi nhớ. Tất cả họ yêu cầu chúng con cảm thấy có trách nhiệm: các tổ chức, chính quyền và cả chúng con, với sự thinh lặng và dửng dưng của chúng con.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: “Lạy Chúa, xin giúp chúng con chia sẻ nỗi than khóc”:
– trước những đau khổ của người khác
– trước tất cả những chiếc quan tài vô danh, không tên tuổi
– trước tiếng khóc của bao nhiêu bà mẹ

* Chặng thứ XIV: Chúa Giêsu được mai táng trong mồ
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan (Ga 19,30)
“Mọi sự đã hoàn tất”.
Sa mạc và biển cả trở thành những nghĩa địa mới ngày nay. Trước những cái chết này, không có câu trả lời. Nhưng thật ra là có trách nhiệm. Những người anh em để cho những người anh em khác phải chết. Những người nam nữ, các trẻ em mà chúng ta không thể hay không muốn cứu sống. Trong khi các chính quyền tranh luận, đóng kín mình trong các dinh thự quyền lực, thì sa mạc Sahara chất đầy các bộ xương người, những người không chống chọi nỗi với mệt mỏi, đói khát. Những cuộc xuất hành mới phải trả giá bằng bao nhiêu đau đớn! Bao nhiêu cơn thịnh nộ đổ xuống trên những kẻ chạy trốn: những chuyến đi vô vọng, những vụ tống tiền và các cuộc tra tấn, biển cả biến thành nấm mồ nước chôn vùi họ.
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con hiểu rằng tất cả chúng con là con của cùng một Cha. Xin cho cái chết của Chúa Giêsu Con Chúa có thể giúp các lãnh đạo quốc gia và các nhà chịu trách nhiệm về luật pháp ý thức về vai trò của họ là bảo vệ mọi sự sống được tạo thành theo hình ảnh của Chúa và giống với Chúa.

Kết thúc
Chúng tôi muốn nhắc lại câu chuyện của cô bé Favour, 9 ttháng, rời bỏ Nigieria cùng với cha mẹ để tìm một tương lai tươi sáng hơn ở châu Âu. Trong chuyến hành trình dài và nguy hiểm ở Địa Trung Hải, cha mẹ của em đã chết cùng với hàng trăm người khác, những người đã tin t vào những kẻ buôn người vô đạo đức để có thể được đến “miền đất hứa”. Chỉ có cô bé Favour sống sót: cô bé cũng giống như ông Môisê, được cứu sống từ dưới nước. Sự sống của em trở thành ánh sáng hy vọng của cuộc hành trình tiến đến một nhân loại đầy tình huynh đệ hơn.
Vào cuối Đường Thánh Giá của Chúa, chúng con cầu xin Chúa, lạy Chúa, xin dạy chúng con thức tỉnh, cùng với Mẹ của Chúa và với các phụ nữ đã đồng hành với Chúa đến đồi Canvê, trong khi chờ đợi sự phục sinh của Chúa. Mẹ là ngọn hải đăng của hy vọng, của niềm vui, của sự sống mới, của tình huynh đệ, của sự đón tiếp và hiệp thông giữa các dân tộc, các tôn giáo và các luật lệ. Xin cho mỗi người con cái của loài người đươc nhìn nhận trong phẩm giá của con cái Chúa và không bao giờ bị đối xử như nô lệ.
T.Anh chuyển

Pope Francis-Celebration ò the Passion 19-04-2019

vendredi 19 avril 2019

Phương thuốc tự nhiên rẻ tiền giúp giảm huyết áp - VietBF

Sả (Cymbopogon citratus) thường được sử dụng trong ẩm thực châu Á, có mùi thơm dễ chịu. Cây này cũng có thể được sử dụng để hạ huyết áp.





Sả chứa chất chống oxy hóa, flavonoid và các hợp chất phenolic có đặc tính chống cholesterol cao và chống xơ vữa động mạch, làm giảm sự hấp thụ cholesterol trong ruột. Điều này giữ cho lượng cholesterol xấu luôn ở mức tối thiểu.

Ngoài ra, sả còn làm tăng quá trình oxy hóa lipoprotein mật độ thấp (LDL) hoặc cholesterol xấu trong máu, giúp ngăn ngừa sự tích tụ các mảng xơ vữa động mạch.

Quan trọng hơn, sả rất giàu vitamin A và C, canxi, sắt, magiê, phốt pho, kali và kẽm. Chất kali trong sả còn giúp điều hòa huyết áp.
Uống một ly nước ép sả hoặc trà sả (100-150ml) vào buổi sáng có thể làm giảm huyết áp và tăng cường lưu thông máu trong cơ thể.

Những loại đồ uống này cũng giúp loại bỏ chất béo, axit uric và độc tố, vì sả cũng có chức năng như một loại thuốc lợi tiểu, giúp làm sạch và giải độc cơ thể bằng cách tăng tần suất đi tiểu.

Để pha trà sả, cho 2 đến 3 tép sả phơi khô ngâm trong nước nóng từ 5-10 phút. Lọc bỏ phần xác, thêm mật ong vào và dùng ngay sau đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo phụ nữ mang thai không nên uống trà sả. Sả có thể kích hoạt chu kỳ kinh nguyệt đột ngột ở đối tượng này, dễ làm tăng nguy cơ sảy thai.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Nhiệt đới Châu Á Thái Bình Dương tiết lộ, tiêu thụ 140 mg viên dầu sả hàng ngày giúp giảm mức cholesterol và mỡ trong máu từ chỉ số 310 xuống còn 294 mg/dL.

Một nghiên cứu khác của Khoa Điều dưỡng tại Đại học San Pedro (Mỹ) cho thấy, những bệnh nhân uống 180 ml trà sả mỗi sáng sau khi ăn, liên tục trong hai tuần sẽ có huyết áp thấp hơn.

Chỉ số huyết áp trung bình của họ là 153/90 mmHg trước khi dùng trà xả, sau khi tiêu thụ thì mức huyết áp giảm xuống còn 141/82 mmHg. Tuy nhiên, tùy vào thể trạng và mức độ sử dụng vừa phải, thường xuyên mà mức huyết áp sẽ được đưa về cân bằng sớm theo thời gian.

Luôn tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi bạn dùng sả để kiểm soát huyết áp. Bởi việc tiêu thụ quá nhiều sả có thể mang lại một số tác dụng phụ.

A.Tuấn sưu tầm

Những cuộc Sống Phi Thường 34 linh mục kể chuyện đời mình

TÌNH THƯƠNG NHIỆM MẦU

Trang Chính | Tĩnh Niệm | Thánh Ca | Tình Ca | Sách Hay | Nối Kết | Liên Lạc

                 Những cuộc Sống Phi Thường
34 linh mục kể chuyện đời mình

http://www.tinhthuongnhiemmau.com/NCSPT.html

Mục Lục





Những cuộc Sống Phi Thường

34 linh mục kể chuyện đời mình


Copyright © 2013 by Phạm Đình Đài


International Standard Book Number: 978-0-9898114-0-8


Nguyên tác Anh ngữ: Extraordinary Lives: thirty-four priests tell their stories.


Tác giả: Msgr. Francis P. Friedl and Rex Reynolds


Ave Maria Press xuất bản 1997 tại Hoa-Kỳ


Giấy phép chuyển dịch Việt ngữ ngày 13-6-2012


Xuất bản lần thứ nhất tại Hoa-Kỳ, Tết Nguyên Đán 2014


Hồng-Trần Publishing


Tạ ơn Thiên Chúa – đã cho con làm người và làm con Chúa


Kính dâng Thân Phụ An-tôn Phạm Đình Tong – đã đưa con vào đời


Tưởng niệm


Thân Mẫu An-na Lê Thị Bốn – đã dưỡng nuôi con


Hai Sư Phụ – đã uốn nắn con


Linh mục Đa-minh Nguyễn Quang Thản


Linh mục Đa-minh Đinh Xuân Bách


Bào đệ An-tôn Phạm Đình Thọ – đã thay Huynh phụng dưỡng Thân Phụ 

****************************
Linh mục John F. Carney

Cha John Carney sinh ngày 25 tháng 6 năm 1946 tại thành phố Nữu-Ước. Sau khi học trường Công Giáo suốt từ tiểu học đến đại học, tất cả đều ở New York, ngài đã trải qua 20 năm thành công trong quân đội Hoa-Kỳ. Sau khi giải ngũ, ngài đã học làm linh mục và được truyền chức năm 1991 cho Tổng Giáo Phận Santa Fe. Lúc được phỏng vấn cho tập sách “Những Cuộc Sống Phi Thường” này, cha Carney đang là cha sở giáo xứ Holy Child ở Tijeras, ngay phía đông của Albuquerque, đồng thời cũng là giám đốc ơn gọi của tổng giáo phận.

Ngoại diện trẻ trung của cha Carney khiến người ta không biết về một sự kiện là ngài đã hoàn tất một nghề nghiệp rồi. Ngài là một con người năng động, cảm thấy phấn khởi về sự hồi phục mà tổng giáo phận đã làm được từ khi bị mang tai tiếng, và đặc biệt là về sự gia tăng kỳ diệu các ơn gọi tại địa phương trong mấy năm vừa qua. Những thay đổi đột ngột đầy chấn động của những năm 80 và đầu thập niên 90 liên quan đến việc giáo sĩ sách nhiễu trẻ em và lạm dụng tình dục nói chung đã tìm được tụ điểm chấn động mạnh trong Tổng Giáo Phận Santa Fe, với 150 vụ kiện các linh mục. Cha Carney thuật lại câu chuyện một cách cởi mở và thành thực. Tổng Giám Mục Michael Sheehan của Santa Fe ghi thêm vào một số chi tiết nữa.

Chúng ta không thể nào hiểu được làm sao một người đàn ông đã được đào luyện trong binh nghiệp lại đi nhận cái công tác là giám đốc ơn gọi trong khi giáo phận đang bị cuốn trôi đi vì những cáo buộc về hành vi không nói ra được. Ở đây ta tìm thấy một chiều kích của chức linh mục hiếm thấy và cũng hy vọng là hiếm khi cần đến.

Cha mẹ tôi, vốn sinh trưởng ở Ái-Nhĩ-Lan, đến Mỹ cuối thập niên 1920. Họ gặp nhau và làm đám cưới tại Thành Phố Nữu-Ước. Mẹ tôi giờ đã 85 tuổi và vẫn còn linh hoạt lắm. Bà dành các cuối tuần đến Tijeras ở với tôi, và người ta quý mến bà. Có một người mẹ sống trong giáo xứ làm cho giáo dân gặp cha sở dễ dàng hơn, tôi nghĩ vậy. Và các giáo dân đều rất tử tế, một phần là vì bà. Họ mang đến đủ thứ bánh trái sau các Thánh Lễ cuối tuần. Một Chúa Nhật nọ mẹ tôi bảo: “Chắc là con đã làm cho người ta giận vì bài giảng của con.” Tôi hỏi tại sao. Mẹ nói: “Bởi vì sáng nay họ không mang đến cho con được lấy nhiều hơn hai hộp bánh.”

Tôi là một học sinh khá ở trung học, nhưng lên đại học thì dở lắm, bởi chí thú quá nhiều về tiệc tùng, bia và phụ nữ trẻ, mặc dầu tôi đã xoay sở để vượt qua được và ra trường năm 1967. Tôi đã bắt đầu học mấy môn chuẩn bị cho y khoa, nhưng thấy là nó đòi quá nhiều bài vở, nên tôi ghi danh vào mấy lớp khoa học chính trị, vì ở đấy, với ba tấc lưỡi lém lỉnh của tôi, tôi có thể luồn lách theo cách của mình qua các kỳ thi khảo.

Quân Đoàn Huấn Luyện Sĩ Quan Trừ Bị là một chương trình bị đòi hỏi phải học, và tôi thấy yêu thích nó liền. Lúc bấy giờ các lực lượng vũ trang đang tham chiến tại Việt-Nam, và tôi mong đến ngày được phục vụ trong quân ngũ tại đó. Ngày ra trường, tôi lãnh quân hàm Thiếu Úy, Sĩ Quan Bộ Binh trong quân đội chính quy, và rồi đã dành 20 năm kế tiếp trong quân vụ. Tôi đã đến một số các quân trường: bộ binh, biệt kích, nhẩy dù và những trường khác nữa. Sau đó tôi qua Việt-Nam một năm làm trung đội trưởng trong một đơn vị tác chiến không vận. Từ năm 1969 đến 1971 tôi làm Sĩ Quan Hành Quân, Đại Đội Trưởng, và trong nhiều chức vụ khác tại Đức trước khi trở lại Việt-Nam. Trong đợt nghĩa vụ lần thứ hai đó, tôi là cố vấn cho Quân Lực Việt-Nam Cộng Hoà. Khi phần đất phía bắc của Nam Việt rơi vào tay Cộng Sản ngày 30 tháng 5 năm 1972, tôi lại được điều qua bên Đức lần nữa. Sau đó tôi được bổ nhiệm vào chức vụ tuyển mộ tại University of Southern Colorado, rồi đến thụ huấn trong Trường Chỉ Huy và Tham Mưu tại Fort Leavenworth, tiểu bang Kansas, là trường đào tạo sĩ quan tương lai cho cấp tiểu đoàn và lữ đoàn. Tôi ra trường ở đó năm 1980 và làm việc tại Ngũ Giác Đài cho Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng, cùng với Cơ Quan Tình Báo CIA, cung cấp tin tức cho Phòng Chiến Tranh (Trung Tâm Chỉ Huy Quân Sự Quốc Gia). Tôi có nhiệm vụ báo cáo cho các viên chức trong chính phủ, thỉnh thoảng cho cả Casper Weinberger, là Tổng Thư Ký Bộ Quốc Phòng lúc bấy giờ. Sau hơn ba năm, khi ấy đã thăng Trung Tá, tôi được bổ nhiệm làm sĩ quan hành chính cho một lữ đoàn ở Triều Tiên. Trong hai năm trước khi giải ngũ vào năm 1987, tôi làm cố vấn cho một Lữ Đoàn Phòng Vệ Quốc Gia ở Decatur, tiểu bang Illinois.

Mặc dầu tôi đã đi học trường Công Giáo cho đến đại học, đức tin của tôi vẫn không phải là trọng tâm trong đời sống. Tôi thuộc một hạng người có thể gọi được là thứ Công Giáo lười. Trong quân ngũ, tôi có ghi là Công Giáo Rô-ma trên tấm thẻ bài, và luôn luôn đi xưng tội rước lễ trước một trận hỏa chiến khi biết rằng tôi có thể tử trận –vừa đủ để có thêm một chút bảo hiểm. Song Thiên Chúa lúc ấy không quan trọng gì lắm đối với tôi. Các hứng thú của tôi lúc bấy giờ là tiệc tùng, các bạn gái, xe cộ, tiền bạc và sự thành công về quân sự. Khi tôi khoảng 30 tuổi, cuối cùng tôi nhận ra rằng cuộc sống là cái gì đó còn hơn cả những thứ ấy, vì thế tôi lại bắt đầu đến nhà thờ. Tôi trở nên tích cực trong các xứ đạo nơi tôi sống và làm công việc tình nguyện cho các chương trình giáo xứ. Ban đêm khi tôi trở về trại sau một ngày giúp người, tôi cảm thấy khoan khoái lắm. Lúc ấy tôi chưa nhận ra, nhưng Chúa đã đang dùng tôi làm máng chuyển ân sủng của Ngài. Chúa hơi tuỳ tiện trong việc ban phát ân sủng Ngài, thành thử nó vương vãi tung tóe khắp nơi. Mỗi người đều nhận được chút ít, kể cả cái máng chuyển nữa. Chẳng bao lâu sau tôi tự nhủ: “Mình không ngại làm công việc này suốt cả đời, nhưng làm cách nào đây? Hay là trở thành một linh mục chăng?”

Tôi đã luôn luôn đặt các linh mục lên bệ cao. Tôi ý thức tình trạng tội lỗi của mình, và chẳng bao giờ nghĩ đến việc trở thành một linh mục. Tôi đã nghĩ rằng bạn phải là thực sự thánh thiện mới làm linh mục được. Hình ảnh đó cứ như vậy cho đến khi tôi gặp mấy linh mục trong quân đội. Họ không phải là những người xấu đâu, chỉ là người thôi mà. Họ là những người cũng có tội trong một vài khía cạnh nào đó, song họ là những linh mục tốt và vui tươi trong sứ vụ linh mục. Bởi thế, hóa ra những người mẫu của tôi về sứ vụ linh mục không phải là những vị thánh. Họ là những người bình thường vẫn có lỗi lầm, nhưng họ yêu mến Thiên Chúa và yêu thích làm linh mục. Tôi nhìn vào họ và nói: “Được thôi, bởi vì bạn không cần phải là hoàn hảo để làm linh mục, có lẽ Chúa sẽ đón nhận tôi.” Chúa đã nhận, và tôi dâng lời cảm tạ mỗi ngày vì ơn được truyền chức linh mục.

***

Tôi thích thú với việc phục vụ trong quân ngũ, nhưng còn thèm muốn một thứ gì đó cho cuộc đời hơn là quân đội. Sứ vụ linh mục đã nằm trong trí óc tôi từ lâu, nhưng là một cái gì thứ yếu xa xôi so với các nghề nghiệp khác. Song bây giờ, cái ý tưởng đó đang trở nên thu hút hơn. Chị tôi và cha mẹ tôi đã di chuyển về New Mexico và yêu thích tiểu bang đó. Thật là một vùng trời tuyệt đẹp khiến tôi cũng muốn đến đó ở, vì thế, tôi làm đơn xin nhập Tổng Giáo Phận Santa Fe, và được chấp thuận.

Tổng Giáo Phận Santa Fe đã gặp nhiều rắc rối kinh khủng trong mấy năm vừa qua. Nếu bạn hỏi Đức Thánh Cha xem nơi đâu có vấn đề lớn nhất trong thế giới Công Giáo, nếu không bàn đến chiến tranh –có thể là Croatia– nhưng nói về sự điếm nhục, có lẽ ngài sẽ trả lời với một chút nhấn mạnh rằng: “Đó là Santa Fe.” Hàng tá linh mục đã sách nhiễu trẻ em và dây dưa vào những lem nhem khác. Chúng tôi vừa mới giải quyết xong hơn 130 vụ kiện, và còn nhiều vụ nữa đang được phơi bầy. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi đã nắm được đằng chuôi. Chúng tôi đang có chiều hướng thăng tiến. Chúng tôi có đến 91 giáo xứ trong Tổng Giáo Phận, và tương đối chỉ còn ít linh mục khoẻ mạnh để phục vụ các xứ đạo đó. Hơn nữa, trong ba năm qua, chúng tôi đã mất đi hơn 30 linh mục. Khoảng 20 người trong số họ đã phải rời nhiệm sở và không còn có thể thi hành nhiệm vụ linh mục được nữa. Một số khác đã hồi tục vì họ không thích những thay đổi do vị tổng giám mục mới đặt ra, đặc biệt là yêu cầu của ngài rằng ai nấy phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bởi thế, đây là thời gian thê thảm. Trong vòng gần một năm, bất kỳ hàng tít lớn nào trên báo chí ở Santa Fe đều nói về các vụ xì-căng-đan ấy.

***

Lần đầu tiên khi nghĩ đến chức linh mục, tôi thường nhắm mắt lại và mường tượng ra New Mexico, mảnh đất Thần Tiên, và thường mơ đến chuyện rửa tội cho trẻ thơ, chôn xác người chết, và ăn loại ớt hiểm mà người ta mang đến. Tôi sẽ chơi gôn, câu cá, và thưởng thức một cuộc sống dễ dãi. Dầu sao tôi cũng đang về hưu sau khi đã phục vụ trong quân đội. Nhưng Chúa có kế hoạch cho tôi mà tôi không biết. Giả như lúc ấy mà tôi biết được như bây giờ, có thể tôi đã không trở thành linh mục. Tuy nhiên, nói thế thì mắc cở chết. Tôi mừng là vì đã không biết trước các điều ấy. Tôi sẽ ghét những thứ gì cầm chân không cho tôi làm linh mục. Chúa mớm đồ ăn cho người ta bằng muỗng trước, sau đó thì thả bom cái rầm.

Bài sai đầu tiên của tôi là làm phó xứ tại xứ thánh Tô-ma Aquina ở Rio Rancho. Hai linh mục chúng tôi săn sóc 4.000 gia đình. Một năm sau, tôi được bổ nhiệm về xứ Holy Child ở Tijeras –làm cha xứ chỉ sau một năm làm linh mục! Thế rồi một năm sau nữa, toà tổng giám mục yêu cầu tôi nhận thêm nhiệm vụ làm Giám Đốc Ơn Gọi.

Xứ Holy Child lớn hơn người ta thấy. Chúng tôi có đến tám nhà thờ trong vùng này. Một linh mục và một thầy phó tế vĩnh viễn chăm sóc cho tất cả các nhà thờ ấy. Tôi ước ao có được một hai linh mục trẻ phụ một tay với giáo xứ, không phải để bớt gánh nặng cho tôi, nhưng là để làm việc với nhóm người cần sự lưu tâm của linh mục nhất: đó là các thanh thiếu niên. Khu vực này rộng khoảng 28 dặm từ bắc chí nam, và 12 dặm từ đông sang tây. Một số ngôi nhà thờ đã được xây từ nhiều năm trước, không có xứ nào ở đây trong vùng đồi núi cho đến năm 1962, và vì thế mỗi một cộng đoàn nhỏ người Tây-Ban-Nha tự xây giáo đường cho mình. Trước đây đã lâu, có một linh mục đến đó mỗi năm một lần vào ngày lễ bổn mạng. Ngài rửa tội các trẻ nhỏ, làm phép cưới, và làm phép các ngôi mộ trong nghĩa trang. Ngày nay, chúng tôi có năm đến sáu lễ dịp cuối tuần, rải rác khắp tám địa điểm này. Có nơi có lễ hàng tuần, có nơi chỉ có lễ mỗi tháng. Một họ lẻ nọ chỉ có lễ trong ngày lễ bổn mạng thôi. Thật ra, có vẻ khó khăn hơn thế. Mỗi ngôi nhà thờ là một hạt kim cương nhỏ; mỗi họ lẻ có một chánh trương được bổ nhiệm, đây là người chăm lo cho họ đạo, họ làm nhiệm vụ thật tuyệt vời. Khi linh mục không có ở đấy để dâng thánh lễ, người giáo dân tự đi viếng chặng đường thánh giá.

***

Tổng Giám Mục Michael Sheehan, đã từng là giám mục giáo phận Lubbock ở tiểu bang Texas, được bổ nhiệm về Santa Fe ba năm trước đây. Khi ngài ủy nhiệm tôi làm giám đốc ơn gọi, chúng tôi chỉ có năm chủng sinh trong toàn bộ chương trình. Hai người trong số họ bị yêu cầu rời chủng viện trong một thời gian ngắn. Xin nhớ đây là năm 1993, trước khi các vụ lem nhem bị đưa ra trước công chúng. Bởi vậy, chuyện khan hiếm –chỉ có ba chủng sinh tồn tại– không phải là vì những vụ xì-căng-đan. Đó là một điểm quan trọng cần lưu ý.

Chỉ ba năm sau, chúng tôi có 23 chủng sinh, 19 người trong số họ học thần học hay dự bị thần học, bốn người học đại học. Như thế, vào cùng thời điểm mà những câu chuyện tai tiếng bùng nổ, chúng tôi đã có sự tăng triển đáng kể trong ơn gọi, hoàn toàn trái ngược với điều bạn nghĩ. Tại sao thế? Xin thưa một đôi lý do. Trước hết, thành thực mà nói, các linh mục của chúng ta đã không hề cổ võ ơn gọi. Vị giám đốc ơn gọi tiền nhiệm của tôi đã rời bỏ hàng ngũ linh mục. Ngài là một linh mục không cảm thấy hạnh phúc. Ngài thú nhận mình không quý trọng chức linh mục dù rằng bổn phận của ngài là cổ võ ơn gọi. Đúng là một chủ trương để mà thất bại. Thật ra chúng ta đã xua đuổi ơn gọi. Lý do thứ hai cho sự tăng triển: đó là trong thời buổi nhiễu nhương, những người nam và nữ tốt lành mới nổi lên. Sự kiện rõ ràng là những người xin gia nhập vào tổng giáo phận của chúng tôi ngày nay đều thực sự bị lôi cuốn bởi chính những xáo trộn đó. Như những thủy thủ, họ thẩm định rằng chúng ta cần “một số ít linh mục tốt lành.” Một số chủng sinh cho biết một trong những lý do khiến họ đến đây là vì họ muốn tiếp tay chấn chỉnh lại những gì đang đổ vỡ.

Giám đốc Chủng Viện Mount Angel là một linh mục tuyệt vời đã làm bao nhiêu chuyện kỳ lạ. Khi tôi bắt đầu công tác giám đốc ơn gọi, tôi nói với ngài chúng ta sẽ có 35 chủng sinh trong vòng năm năm. Ngài cười tôi: “Này, cha John, đừng làm trò cười chứ! Đừng đặt ra mục tiêu mà cha không cách nào đạt tới được.” Về sau hóa ra tôi nhầm thật. Chúng tôi sẽ không có 35 người, mà đúng hơn sẽ có đến 40 hay ngay cả 50 lận.

Một niềm vui lớn lao tôi có được là thấy những thanh niên nhiệt thành trong chủng viện. Hai người trong số họ là bác sĩ, hai người nữa là luật sư. Chúng tôi có một bác sĩ 37 tuổi đã dành khá nhiều thời giờ cứu giúp những người nghèo. Một ngày kia anh ta thức giấc và tự nhủ: “Tại sao mình lại không làm linh mục, khi ấy mình có thể làm công việc này toàn thời gian?” Anh ta vẫn giữ bằng hành nghề. Anh ta sẽ có thể xức dầu thánh, cho vài viên thuốc trụ sinh, và rồi xé hoá đơn đi. Một trong hai luật sư sắp thừa hưởng thương vụ hình luật của thân phụ anh ở miền đông. Nhưng anh ta đã không nhận. Anh ta đang kề cận một cơ hội làm giàu, nhưng đó không phải là điều anh ta muốn cho đời mình. Luật sư thứ hai, trước đây là luật sư cấp quận, đã 40 tuổi rồi, nay đang học ở Rô-ma và cho tôi biết rằng: trong đời anh chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như thế. Anh ta đang thăng hoa. Có một chủng sinh 48 tuổi từ giáo xứ này. Ngày nay một người học thần học lúc 28 tuổi được kể là hươu non đấy.

Tôi thách đố từng bạn trẻ đến nộp đơn xin làm chủng sinh. Tôi kể qua cho anh ta biết những vấn đề chúng tôi đang phải đối đầu. Rồi một khi tôi quyết định là mình đang có được một thỉnh sinh tuyệt hảo, thì tôi thử anh ta. Hy vọng là anh ta không chấp nhận, tôi đề nghị anh ta đến một giáo phận khác có ít vấn đề hơn. Mỗi khi tôi dùng chiêu bài đó, người ứng viên liền chống lại ý tưởng này. Và tôi bảo: “Bạn có hơi khùng không đấy, ai lại đi học cho giáo phận Santa Fe chứ?” Tôi thích cái phong cách mà người bạn trẻ gân cổ cãi lại tôi: “Thưa cha, đó mới chính là lý do tại sao con muốn làm linh mục nơi đây. Con muốn để cho Chúa sử dụng con. Con muốn được dự phần vào việc giải quyết vấn đề. Con muốn tiếp tay chấn chỉnh lại những đổ vỡ, và con tin là mình có thể làm được.”

Một số các thỉnh sinh của chúng tôi hiện đang học luật, y khoa hay nha khoa và đang ở bên bờ vực, song sự quyến rũ của việc làm ra nhiều tiền quả là sức thu hút mạnh đối với họ. Chúa đang thử thách họ, nhưng chúng tôi cũng đang cạnh tranh với các giá trị trần thế: tiền bạc, quyền hành, tiện nghi. Điểm then chốt cho họ suy xét là Tin Mừng sẽ an ủi người đau khổ. Chức linh mục mang lại niềm vui và sự an bình cho tâm hồn mà tôi không hề tìm thấy nơi nào khác, ngay cả khi tôi dấn thân tích cực với Giáo Hội trong cuộc sống đời thường. Điểm nóng nhất để quảng cáo về sứ vụ linh mục là một linh mục hạnh phúc. Không ai lại đi gia nhập vào một tổ chức thê thảm cả.

Một hai năm trước đây, các giám đốc ơn gọi tu sĩ ở Hoa-Kỳ có tổ chức một hội nghị toàn quốc tại Albuquerque. Tổng giám mục Sheehan được mời dâng lời nguyện khai mạc, và tôi cũng tham dự với ngài. Hầu hết những người tham dự đều là giám đốc ơn gọi cho dòng tu của họ. Bởi vì địa điểm của chúng tôi, nên hình thái tổ chức mang tính cách văn hóa miền Tây. Không có ai đeo cổ côn trắng cả, thành thử người ta nhìn tôi cách khôi hài vì thấy đeo cổ trắng. Đàn ông thì đội mũ cao bồi và đi giày ủng. Đàn bà mặc thời trang kiểu Annie Oakley và đi giày ủng cao. Thuyết trình viên chủ chốt là một nữ tu, xét theo những gì bà viết đã được xuất bản, thì bà không ưa gì các linh mục. Tôi tự nhủ: “Đây là những người đến họp để tìm cách thẩm định các căn nguyên của việc thiếu ơn gọi ư? Cứ nhìn họ xem, chính họ đang làm nhụt ơn gọi.” Và thế là tôi bỏ về. Về sau có một người đàn ông hỏi tôi tại sao không ở lại. Anh ta bảo: “Sơ ấy đã hiệu triệu một bài thật tuyệt vời!”

Tôi trả lời: “Phải rồi, và tôi đánh cá là bà ấy đã xé tan xác giáo hoàng ra.”

Anh ta đáp lại: “Cha đoán đúng đấy. Sơ ấy không thể chịu nổi ngài, mà ai chịu nổi đây chứ?”

Câu trả lời của tôi đại khái như sau:

Không lạ gì chúng ta đang gặp vấn đề. Mấy người không tin vào việc mình đang làm. Và nếu mấy người không tin vào nó, thì mấy người sẽ chẳng bao giờ rao bán được cho ai khác hết. Bạn có thể tưởng tượng một người tuyển mộ lính lại đi ghét quân đội? Bạn có thể hình dung ra cảnh tượng mình đến một trạm tuyển mộ mà người ngồi đằng sau bàn giấy nói rằng: “Anh muốn nhập bọn với chúng tôi à? Chắc anh đang đùa đấy. Đội quân này tệ khủng khiếp. Chúng tôi không thể nào chịu nổi viên đại tướng. Hắn là người bần tiện. Cả quân đội đều hỏng hết.” Không lạ gì chẳng có lấy người nào ghi danh làm linh mục cả.

***

Mọi chuyện đang bắt đầu sáng sủa hơn trong giáo phận. Chúng tôi đã đi được một số bước cụ thể. Chúng tôi có một hội đồng duyệt xét với một đường giây điện thoại miễn phí. Bất cứ ai có điều gì khiếu nại đều được yêu cầu dùng đường giây đó gấp. Chúng tôi thuê bốn chuyên viên thẩm tra để làm công việc nghiên cứu và tìm cho ra các nạn nhân còn chưa được báo cáo, và tìm cách giúp đỡ họ. Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm với họ. Tổng giáo phận đã có nguy cơ phải khai phá sản, nhưng vấn đề đó đang được giải quyết.

Khi gặp thời buổi khó khăn, những chuyện tốt lại xảy ra. Giáo Hội này bây giờ đang quỳ gối. Chúng ta làm được nhiều việc tốt nhất khi chúng ta biết quỳ gối xuống. Khi Giáo Hội kiêu kỳ và cao ngạo, là lúc chúng ta không làm theo điều Chúa Giê-su đã làm: Ngài bước đi trên đời bằng hai đầu gối. Mọi chuyện đã và đang thay đổi tận gốc rễ chỉ trong ba năm, và tôi cũng cảm thấy lạc quan. Chúng tôi đang trông chờ có 30 chủng sinh vào tháng Tám. Chúng tôi vừa thực hiện xong một khóa tìm hiểu cuối tuần, có 18 người nam tham dự. Hầu hết họ đang ở lứa tuổi 20, 30 và 40. Chúng tôi đang thấy các ơn gọi già hơn, những người mà một cách nào đấy phản ảnh câu chuyện của chính tôi. Họ đã khởi sự theo một hướng đi và rồi nhận ra có cái gì đó còn thiếu vắng. Giờ đây họ muốn cống hiến cuộc đời còn lại cho Giáo Hội.

***

Khi tôi rời quân ngũ để vào chủng viện, lúc ấy tôi đang ngồi trên chóp của thế giới. Tôi đã từng yêu quý những sĩ quan mà tôi cùng phục vụ với họ, và tôi nghĩ: bây giờ thì tôi đang gia nhập một quân đoàn tinh nhuệ của các linh mục. Hẳn sẽ còn tốt hơn nhiều. Nó đã không xảy ra kiểu đó. Niềm vui lớn lao nhất của tôi vẫn là được biết Chúa Giê-su, biết Ngài thâm sâu hơn trước khi tôi được truyền chức rất nhiều. Tôi đã gặp Ngài trong nhiều cách thế khác nhau qua dân Ngài. Tôi gặp Ngài khi tôi xức dầu thánh cho người sắp chết, và thấy được sức mạnh đức tin mà họ có khi đối diện với vĩnh cửu. Đức tin của tôi đã thoát ra khỏi đầu và đang thấm vào trong trái tim. Mỗi ngày tôi đều thấy những phép lạ của sức mạnh Thiên Chúa thi thố trên nhân loại. Đó là niềm vui của tôi, được gặp Đức Ki-tô Phục Sinh qua dân Người, nhất là qua những người cùng khốn.

Các linh mục chúng ta có một ảnh hưởng lớn lao trên dân chúng, và chính là vì chúng ta hành động trong bản thể Đức Ki-tô. Người ta sẽ kể cho linh mục điều gì đang làm họ bối rối, những chi tiết kín mật nhất của đời họ. Điều ấy thật giống như lột bỏ hết khí giới. Thật khó mà tin được người đàn ông này hay đàn bà nọ lại đang nói cho tôi nghe những điều tuyệt đối cẩn mật mà họ chưa hề bao giờ thổ lộ cho một con người nào khác.

***

Tôi đã làm được gì khác biệt cho thế giới? Câu trả lời là một tiếng “có” không tự hào. Tôi đã từng có mặt đó với những người hấp hối, nghe họ xưng tội, và đem lại cho họ sự bình an khi tôi phó dâng linh hồn họ trong tay Thiên Chúa. Dầu tôi bất xứng, tôi biết rằng có những người hôm nay đang ở trên thiên đàng vì tôi đã trả lời “vâng” với sứ vụ này. Thỉnh thoảng tôi nói với những người đang tìm hiểu ơn gọi làm linh mục:

“Cứ dành đủ thời giờ để quyết định, nhưng xin hãy quyết định, bởi vì có những con người ở đây đang chờ chết mà không có lấy một linh mục, có những người đang đói khát Bánh Hằng Sống. Mỗi ngày mà chúng ta không có lấy một linh mục cho những con người này, một số linh hồn sẽ hư mất. Các bác sĩ thì làm được điều khác biệt khi họ cứu mạng sống tạm bợ. Chúng ta cứu vớt cuộc sống vĩnh cửu. Không phải vì chúng ta xứng đáng làm điều ấy, song là Chúa làm việc qua chúng ta.”

Tôi cũng đã có những lúc gặp khó khăn trong đời linh mục, nhất là khi tôi chứng kiến những thảm kịch giữa những người dân của tôi mà chỉ có thể làm được đến ngần ấy cho họ. Tôi mới cử hành lễ an táng cho một phụ nữ 37 tuổi chết trong một tai nạn xe cộ, để lại ba đứa con nhỏ. Tôi ước chi mình có thể gỡ rối được chút gì và hàn gắn tất cả lại. Tôi ước sao có thể gọi La-za-rô đó ra khỏi mộ như Chúa Giê-su đã làm. Mỗi khi có niềm vui nào sâu đậm trong sứ vụ, thời tôi cũng sẽ gặp thấy nỗi phiền não tột cùng. Làm như hai thứ ấy luôn đi sóng đôi.

Theo phán đoán của tôi, linh mục chẳng những phải cam kết toàn diện mà còn cam kết vĩnh viễn. Ngạc nhiên thay, sống cuộc đời cam kết lại là một lối thoát dễ dàng. Nếu bạn yêu thích một thứ gì song lại không cam kết với nó, thì mỗi sáng thức giấc bạn lại phải mất công nặn nghĩ cho ra cả vũ trụ. Bạn luôn luôn nhìn vào cái rốn của mình, thành thử cứ phải thường xuyên xem xét nội tâm. Tôi là một người đơn giản. Tôi thích quân đội và đã cam kết với nó đến 20 năm. Tôi đã từng yêu thích làm một người lính. Giờ đây tôi đang cam kết với một thứ vĩ đại hơn bội phần. Ngay cả muốn so sánh hai thứ đó cũng không được. Bởi vậy, tôi cho rằng cam kết với một điều gì bằng cả linh hồn, tâm trí và con tim, và hết sức mình thì chính là giải phóng mình. Nó giải thoát bạn khỏi phải điên đầu tìm lại ý nghĩa cuộc sống mỗi giờ mỗi ngày.

Độc thân là một quà tặng đối với tôi, một món quà mà đến lượt tôi có thể trao tặng lại cho người giáo dân của mình. Không có người nào được truyền chức mà lại không có cơ hội để suy xét điều ấy cho kỹ lưỡng. Chúng tôi phải đối diện với nó mỗi tuần trong suốt bốn năm ở chủng viện. Nó là đề tài mặc nhiên của mỗi lần gặp gỡ trong buổi linh hướng. Nếu bạn thấy không kham nổi, thì cánh cửa lúc nào cũng rộng mở. Tôi đã nhận được vô số những hướng dẫn về cuộc sống độc thân còn hơn là 80 giờ huấn luyện trong Trường Nhảy Dù trước khi họ đạp tôi ra khỏi máy bay. Những ai lập gia đình không có được nhiều sự huấn luyện như vậy. Dĩ nhiên, độc thân chỉ là vấn đề thuộc kỷ luật, không phải là tín điều, nhưng tôi thực tình hy vọng là trong tương lai ít nhất chúng ta tiếp tục duy trì nó như là một lựa chọn tùy ý. Một số người nói rằng vì tất cả những vụ lem nhem tình dục, các linh mục nên lập gia đình. Điều đó không có nghĩa lý gì cả. Hầu hết những người lạm dụng trẻ nít đều là những người đã lập gia đình. Ở Mỹ có nhiều vụ loạn luân còn hơn là lạm dụng trẻ nít. Bởi thế, nếu chúng ta có những giáo sĩ lập gia đình, chúng ta lại sẽ có những vấn đề khác phải đối phó. Những ai móc nối vấn đề độc thân với những vụ tồi tệ này cần phải được đối chất.

***

Tôi chưa hề gặp vấn đề thứ thiệt nào với hệ thống quyền bính. Có lẽ là nhờ những năm tôi sống trong quân ngũ. Tôi rất cảm thông với những vị được phong chức giám mục và rồi lạm dụng quyền bính. Ngay cả vị tổng giám mục trước đây của chúng tôi, người dường như từng có vấn đề với chuyện lãnh đạo, lại là người tôi yêu mến. Phải có ai đó cầm đầu chứ. Chúa Giê-su biết rõ bản chất con người, và vì vậy Ngài đã đặt một người để làm đầu mọi chuyện. Thoạt tiên Ngài có 72 người, rồi 12, và rồi còn lại một. Ngài chấp nhận hệ thống quyền bính. Tôi đã làm việc với hai giám mục và thấy các ngài là những người trọng lý lẽ. Hai vị giám mục mà tôi từng làm việc với đều không cưỡng bức hay hà khắc, chẳng bao giờ hồ đồ hay bốc đồng. Các ngài là những người chân thành và cần mẫn. Các linh mục có vấn đề với quyền bính có thể là vì họ có các giám mục khác với giám mục của tôi.

***

Những vấn đề lớn của Giáo Hội dường như không đáng bận tậm lắm trên cánh đồng ở đây, nơi còn khối việc phải làm. Dẫu vậy, tôi biết là còn có nhiều vấn đề phức tạp, và tôi không phải là người giải quyết chúng. Tôi chuyển giao cho các giám mục và các thần học gia. Tạ ơn Chúa tôi không phải là giáo hoàng hay giám mục. Tôi chỉ là một linh mục đơn giản, cho nên những vấn đề nan giải của Giáo Hội không làm tôi phải thức giấc giữa đêm khuya.

Những điều tốt đẹp trong Giáo Hội đang diễn ra phía trước. Chúng ta sẽ thấy chức linh mục tăng triển về số lượng, đào tạo vững chắc cũng như phẩm chất tốt. Thay đổi ngày nay diễn ra nhanh chóng hơn trước kia. Nhưng nếu chúng ta có được sự tăng triển về ơn gọi, thì tôi hy vọng là chúng ta sẽ chẳng bao giờ lùi lại cái thời mà các linh mục phải lo ôm giữ sổ sách, vẽ vạch sân bóng chày, hay phải trông chừng những buổi khiêu vũ cho đám choai choai. Khi nói chuyện với các chủng sinh, tôi bảo họ: “Nếu có lúc nào đó bạn cảm thấy gánh nặng chồng chất, hãy xem lại những gì đang làm, và tự hỏi mình: ‘Tôi có cần phải được truyền chức để làm công việc này không?’ Nếu câu trả lời là không, thì hãy trao cho người nào đó để họ làm.”

Mỗi giáo xứ đều có đầy những người có tài sẵn sàng và sẵn lòng tiếp tay, bởi thế chúng ta không bao giờ phải lo sợ sẽ bị cạn kiệt. Chúng ta không bị cạn kiệt vì làm việc quá mức, song cạn kiệt vì thiếu công việc lành mạnh, vì thiếu cầu nguyện, vì thiếu một cuộc sống quân bình, và vì thiếu giải lao để tái tạo. Tôi chưa hề thấy một linh mục nào sống đời cầu nguyện mà bị cạn kiệt cả.

Có một điều giúp cho các chương trình của chúng tôi là sự thành công đem lại sự thành công. Chúng tôi tổ chức một buổi nướng thịt ở nhà của tổng giám mục vào tháng Tám. Khi các chủng sinh đến, họ thấy một nhóm đàn ông khỏe mạnh, hạnh phúc và vui nhộn. Đàn ông thường diễn tả sự quý mến nhau bằng cách chuyện vãn ồn ào. Khi các chủng sinh thấy người ta làm như thế, không thô lỗ, nhưng với nụ cười, họ đang thấy được đàn ông cư xử cho ra đàn ông. Những người giờ đây đang học cho tổng giáo phận trông giống những người đàn ông Mỹ có đủ các vết bầm, vết dập và mụn nhọt mà mọi đàn ông đều có.

Người ta hoan nghênh những biện pháp tích cực mà vị tổng giám mục đã thực hiện. Họ thấy rằng chúng tôi đã có lầm lỗi, song đang thành thực cố gắng chấn chỉnh lại trong một phương cách để chúng sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Những người gia nhập chủng viện của chúng tôi không cần phải sợ rằng hình ảnh của linh mục đã bị quá hoen ố đến nỗi thiên hạ sẽ coi khinh họ. Tôi đeo cổ côn trắng ở bất kỳ nơi nào tôi đến, và không có ai nhìn tôi soi mói cả. Người ta buồn lòng, giận dữ và thất vọng vì những gì đã xảy ra, song họ đã không bỏ Giáo Hội. Thực ra, người giáo dân đã đối xử dễ dãi với 

****************************************

I. Hãy Thắp Đèn Lên



Những Linh Mục Trong Các Mục Vụ Đặc Biệt

Đức ông John J. Egan – 25

Linh mục Walter J. Burghardt, S.J. – 41

Linh mục Richard Gielow, C.M. – 51

Linh mục Charles A. Gallagher, S.J. – 65

Linh mục Geread S. Sloyan – 79


II. Đừng Mang Theo Túi Xách


Các Linh Mục Trong Cộng Đoàn Dòng Tu

Linh mục Steve Doyle, O.F.M. – 91


Linh mục Juan Rivas, L.C. – 105


Linh mục Thomas W. Cummings, S.J. – 115


III. Hãy Thả Lưới Xuống

Các Linh Mục Tại Xứ Đạo

Đức ông Michael Heras* – 129

Linh mục Thomas M. Anglim* – 137

Linh mục Richard W. Moyer* – 147

Linh mục Arnold Weber, O.S.B.* – 157

Linh mục Williams Trienekens* – 167

Linh mục William J. Bausch* – 175


IV. Hãy Chăn Các Chiên Ta


Những Linh Mục Trở Thành Giám Mục

Giám mục Leonard J. Olivier, S.V.D. – 191


Giám mục John Mackey– 201


Giám mục Michael W. Warfel – 213


V. Các Bầy Chiên Khác Của Ta


Những Linh Mục Đến Từ Các Truyền Thống Đức Tin Khác

Linh mục Jack D. Barker – 227


Linh mục Louis A. Sigman – 237

VI. Hãy Theo Ta


Những Linh Mục Chiến Thắng Được Các Nghi Nan

Linh mục Ned J. Blick – 249


Linh mục Andrew J. Umberg* – 259


Linh mục Donald J. Goergen, O.P.* 267


Linh mục James A. Krings* – 281


VII. Ta Đã Từng Gặp Hiểm Nguy


Các Linh Mục Vượt Qua Được Những Khó Khăn Bất Thường

Linh mục Raymond B. Kemp – 297


Linh mục Robert L. Marciano – 315


Linh mục John F. Carney – 227


Tổng giám mục Michael Sheehan – 245


VIII. Hãy Chỗi Dậy Mà Đi


Các Linh Mục Đã Thay Đổi Được Cái Nhìn Nội Tâm Mới

Đức ông Thomas C. Brady – 351


Đức ông Charles Fortier – 361


IX. Để Niềm Vui Của Các Con Được Trọn Vẹn


Những Linh Mục Sẽ Chọn Lại Lần Nữa Y Như Thế

Đức ông John V. Sheridan* – 373


Đức ông Francis J. Smith – 387


Linh mục Edward Ramacher – 397


Linh mục Patrick J. Waite – 403


Linh mục Theodore M. Hesburgh, C.S.C. – 413


Lời Cuối – 425

Ghi Ân – 426

Đôi Dòng Về Hai Tác Giả – 427

Phụ Lục: Những Khác Biệt Quan Trọng… – 428

Lời Bình – 438

* Những câu chuyện đã được dịch ở Việt Nam






K.Hạnh sưu tầm

Cảnh báo những đại kỵ khi ăn dứa - VietBF



Dứa còn gọi là trái thơm giàu chất dinh dưỡng lại thơm ngon nên được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên không phải ai ăn dứa cũng tốt. Thậm chí với một số người mắc bệnh hay bà bầu, ăn dứa còn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.



Quả dứa rất giàu vitamin, khoáng chất, nhiều dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với những người mẫn cảm, người già, trẻ nhỏ... ăn dứa không đúng cách, ăn dứa quá nhiều sẽ dẫn đến dị ứng với biểu hiện sưng lưỡi, rát lưỡi, gây tiêu chảy, buồn nôn, khó thở….

Người bị bệnh dạ dày

PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo, người bị bệnh dạ dày không nên ăn nhiều dứa, chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ bởi dứa có chứa nhiều axit hữu cơ và một số enzyme làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày, đường ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.

Người thừa cân béo phì

Dứa có hàm lượng đường cao, cung cấp nhiều năng lượng nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ bị thừa cân béo phì ó điều đối với những người thừa cân béo phì.

Người đái tháo đường

người bị đái tháo đường không nên ăn nhiều dứa vì hàm lượng đường cao. Nếu người đái tháo đường muốn ăn dứa phải hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.

Người huyết áp cao

Người có tiền sử tăng huyết áp khi dùng nhiều dứa dễ gây hiện tượng nóng bừng mặt, đau đầu choáng váng... dễ có nguy cơ cơn tăng huyết áp.

Phụ nữ mang thai


Ăn quá nhiều dứa có thể làm tăng kích thích co thắt tử cung, dẫn đến sảy thai. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu.

Chuyên gia cũng lưu ý mọi người chỉ nên chọn mua dứa khi có ý định sử dụng ngay. Trong trường hợp chưa cần dùng đến, nên để dứa ở nơi mát, tránh ánh nắng và không để quá 2 đến 3 ngày.

Người bị hen phế quản, viêm mũi họng

Quả dứa có một loại glucoside có tính chất kích ứng niêm mạc mạnh nên khi ăn nhiều dứa thường thấy rát miệng lưỡi, cổ họng tê rát, ngứa ngáy. Nên những người có tiền sử viêm mũi họng, viêm thanh quản, hen phế quản không nên ăn nhiều để tránh nguy cơ bệnh tái phát và nặng hơn...

Ngoài ra, những người bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu (chảy máu cam, sốt xuất huyết, vết thương lớn, phụ nữ băng huyết…) cũng không nên ăn dứa.

Những lưu ý đặc biệt khi ăn dứa

Không ăn dứa bị dập, nát

Dứa là loại cây bụi mọc sát mặt đất, vỏ lại xù xì nên quả là nơi cư trú của nấm. Khi dứa bị dập nát, dịch bào thấm ra, nấm sẽ phát triển, xâm nhập sâu vào trong quả, gây ngộ độc cho người ăn. Các triệu chứng ngộ độc thường thấy là mệt mỏi, khó chịu, ngứa ngáy, nổi mề đay.

Không ăn dứa xanh

Ăn hoặc uống nước ép dứa chưa chín rất nguy hiểm. Lúc này, dứa rất độc hại, rất dễ gây tiêu chảy nặng và nôn mửa. Ăn quá nhiều lõi dứa có thể khiến cho những búi chất xơ hình thành trong đường ruột.

Không ăn dứa khi đói

Dứa là trái cây nhiều nước, mát, rất thích hợp trong mùa hè. Tuy nhiên, nếu bạn ăn khi đói sẽ khiến cơ thể bị nôn nao, khó chịu. Nguyên nhân là do các chất hữu cơ và bromelin có trong dứa tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột.

Dấu hiệu và cách xử trí khi bị ngộ độc dứa

Biểu hiện dị ứng khi ăn dứa là đau bụng quằn quại dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy, thường kèm theo triệu chứng ngứa ngáy toàn thân; miệng lưỡi tê dại kèm theo chảy mồ hôi, khó thở, nổi mề đay. Nghiêm trọng hơn, có người còn bị sốc do cơ địa quá nhạy cảm.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do men phân giải protein có trong dứa. Loại men này làm tăng sức thẩm thấu của niêm mạc dạ dày và dẫn đến protein dị tính đại phân tử có trong đường ruột, dạ dày thấm vào dịch máu gây phản ứng đối với cơ thể người quá nhạy cảm.

Sau khi ăn dứa xuất hiện triệu chứng ngộ độc cần cấp cứu càng sớm càng tốt. Chủ yếu là gây nôn, sau đó cho uống nước chè đường. Cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, hiệu quả.