jeudi 20 juin 2019

Điều gì xảy ra khi lên cơn đau tim?




Điều gì xảy ra khi lên cơn đau tim?

Mỗi năm có khoảng 7 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh về tim mạch gây nên các cơn đau tim và các vấn đề khác, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi lên cơn đau tim?
Đầu tiên hãy tìm hiểu nguyên nhân trước đã!


Cũng như các cơ khác, tim cần oxy và khi không có đủ lượng oxy cần thiết, cơn đau tim xảy ra. Lượng mỡ tích tụ hình thành các mảng xơ vữa trên thành động mạch vành - những mạch máu có vài trò cung cấp máu giàu oxy tới tim. Các mảng xơ vữa này ngày càng lớn lên khi ta già và dần dần làm hẹp lòng động mạch.


Cuối cùng, mảng xơ vữa có thể trở thành vật cản. Nếu một trong các mảng xơ vữa bị nứt vỡ, một cục máu đông sẽ hình thành quanh đó chỉ trong vài phút và chặn luồn máu lưu thông gây tắc mạch và nhồi máu cơ tim.


Việc lưu thông máu đến cơ tim bị gián đoạn và chỉ trong vài phút, các tế bào thiếu oxy bắt đầu chết. Nếu không được điều trị, tình trạng có thể xấu đi nhanh chóng. Cơ bị tổn hại có thể không bơm được máu và dẫn đến tim loạn nhịp. Trong trường hợp xấu nhất, nhồi máu cơ tim có thể dẫn tới đột tử.

Làm thế nào bạn biết được khi nào bị đau tim?


Triệu chứng phổ biến nhất là đau ngực do cơ tim bị thiếu oxy gây ra. Các bệnh nhân cảm thấy như bị bóp nghẹt. Nó có thể lan ra cánh tay trái, hàm, lưng và bụng. Nhưng không phải lúc nào cũng bất ngờ và kịch tính như trong phim. Một số trường hợp cảm thấy buồn nôn hay khó thở.


Các triệu chứng có thể khó phát hiện hơn ở phụ nữ và người lớn tuổi vì sẽ bị lầm tưởng là sự mệt mỏi bình thường. Và nguy hiểm hơn hết, ở khá nhiều người, đặc biệt với những ai mắc bệnh tiểu đường và các căn bệnh đau thần kinh thì cơn đau tim có thể xảy ra một cách yên lặng.

Làm gì khi có triệu chứng đau tim?


Nếu bạn nghi ngờ ai đó có thể đang bị đau tim, việc quan trọng nhất là phải cấp cứu ngay lập tức để nhanh chóng đưa họ đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ sẽ dùng Aspirin (thuốc làm loãng máu) và Nitroglycerin (thuốc giãn động mạch) để giữ cho cơn đau tim không trở nên nghiêm trọng hơn.



Trong phòng cấp cứu, các bác sĩ có thể chẩn đoán một cơn đau tim bằng việc sử dụng điện tâm đồ để đo hoạt động cơ tim và xét nghiệm máu để đánh giá tổn thương cơ tim. Bệnh nhân sau đó được đưa tới phòng khám tim công nghệ cao nơi làm các xét nghiệm để xác định vị trí bị nghẽn.


Những cách phổ biến trong điều trị bệnh động mạch vành có thể kể đến như: Nong mạch bằng bóng, phẫu thuật đặt stent (đưa vào một khung đỡ bằng kim loại hay nhựa dẻo để giữ cho lòng động mạch được thông).



Nhưng nếu bị tắc nghẽn nặng có thể cần đến phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Phẫu thuật ghép nối một đoạn tĩnh mạch hay động mạch từ phần khác của cơ thể (thường ở tay và chân) khiến dòng máu lưu thông theo một đường khác đến tim giúp tái lập sự lưu thông và phục hồi chức năng tim.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh



Điều trị đau tim tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng phòng ngừa vẫn là tốt nhất. Cả các yếu tố di truyền và lối sống đều tác động đến nguy cơ đau tim. Do đó bạn có thể thay đổi lối sống để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, tập thể dục, ăn uống lành mạnh và giảm cân đều có thể giảm nguy cơ xảy ra đau tim, bất kể bạn đã từng bị trước đó hay chưa.



Các bác sĩ khuyên nên tập thể dục vài lần một tuần, thực hiện cả các bài tập rèn luyện sức mạnh. Một chế độ ăn uống có lợi cho tim với lượng đường và chất béo bão hòa thấp. Ăn thật nhiều chất xơ, thịt gà và cá, hạn chế ăn thịt đỏ, bơ và đường, ngoài ra các loại ngũ cốc và quả hạch như óc chó, hạnh nhân đều có lợi.



Thuốc cũng có thể giúp ngừa đau tim. Bác sĩ thường kê thuốc Aspirin liều thấp, đặc biệt là cho các bệnh nhân đã từng bị đau tim và những người có có nguy cơ cao. Các loại thuốc giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường cũng sẽ giảm khả năng xảy ra đau tim.

Đau tim có thể phổ biến nhưng không phải là không ngừa được. Chế độ ăn uống lành mạnh, kế hoạch luyện tập hợp lý, tránh sử dụng thuốc lá, ngủ đủ giấc, sống yêu đời vui vẻ, thực hiện hết những điều này sẽ giúp bạn đảm bảo có một hệ tim mạch khỏe mạnh!

(theo khoahoc.tv)
--------------------------------------------------------------
Đọc thêm
Dấu hiệu cảnh báo đau tim
Làm thế nào để sống sót khi lên cơn đau tim một mình?

T.Anh chuyển

mercredi 19 juin 2019

YÊU VÀ THƯƠNG

YÊU VÀ THƯƠNG



Đôi khi, cuộc sống là một chuỗi của cô đơn tận cùng, khi lòng người thì vô hạn, nhưng trái tim lại hữu hạn. Vậy nên, chúng ta luôn phải học cách rộng mở với đời nhưng lại e ấp khép chặt trái tim.

Cuộc sống ném vào đời những quy luật của thương yêu bất tận, nhưng lại nhỏ nhen khi tình yêu đã mang đến đủ nhiều giới hạn. Bởi mỗi chúng ta được sinh ra, đều được nhồi nặn sự ích kỷ hàn... chặt trong linh hồn.

Tạo hóa sinh ra con người phải biết đi trên đôi chân của mình, gượng dậy giữa những mặc cảm của nỗi đau chồng chất.
Đó đôi khi là một lợi thế, nhưng phần nhiều lại là yếu điểm.

Dần dà, con người ta phải học sống trong nỗi cô đơn, cái "cô đơn" ngấm ngầm trong máu thịt, và khép mình giữa những mạch cảm xúc đẩy đưa. Người quen thân đã ít, người xa ngày một nhiều, học cách đối mặt với nỗi cô đơn là điều hiển nhiên phải có.

Mặc dù, những bài học cuộc sống vốn không hề giản đơn.

Ngồi một chỗ thì thời gian vẫn cứ trôi qua một cách lãnh cảm. Ấy vậy mà khi con người quá bận rộn với nhiều mục tiêu, tìm kiếm một phút đắm mình cho thời gian chảy dài như thế lại trở nên hiếm hoi vô cùng. Người có nhiều thời gian luôn nghĩ đến những việc muốn làm, người không có thời gian lại nghĩ về những việc không cần thiết phải làm.

image2.png
Vì vậy, họ vô tình quên đi những điều giản dị hiển diện xung quanh, có khi chỉ là một nụ cười của người nào đó có ý nghĩa trong cuộc đời. Cuộc sống không bán vé quay lại, mất đi vĩnh viễn không thu hồi được. Thế thì, tại sao không thử " Yêu - Thương " ngay từ lúc này?

Con người ta cần phải nếm trải đủ nhiều nỗi đau thì mới ngấm được yêu thương là điều cần thiết. Cũng như việc đi qua những ngày mưa dầm dề, mới thấy được tình yêu nồng nàn dành cho những ngày nắng gắt. Rồi một lúc nào đó chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng, có những người chỉ có thể ở trong trái tim mình, chứ không thể hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.

Tình yêu thì ở trong tim, nó không phụ thuộc vào lời nói hay cách thể hiên bề ngoài. Chỉ cần trong thâm tâm chúng ta biết rằng, mình vẫn biết yêu thương, thế đã là quá đủ.
Đừng cố công làm màu mè lên những khái niệm giản đơn của cuộc sống, bởi những thứ xuất phát từ trái tim vốn dĩ rất mộc mạc.

Chẳng ai yêu lại không chút mong cầu, bánh xe dĩ vãng dù xa xôi vẫn mang nhiều trái đắng. Tô màu lên những ký ức là điều mỗi người vẫn thường làm khi có điều gì đó ở hiện tại đang vỡ tan. 

Chúng ta thường chìm đắm trong kỷ niệm để xóa nhòa những nỗi đau. Để rồi lại vô tình làm cho những thương tổn trở nên sâu hoắm. Người ta đặt tên cho tình yêu là Định Mệnh, và rồi lại đặt tên cho chia ly là Bi Kịch. Những tình yêu không trọn vẹn, luôn là những cuốn phim lãng mạn chất chứa nhiều nỗi đau.

Không phải cứ tạnh mưa thì cầu vồng sẽ xuất hiện.
Con người ta luôn mong chờ tương lai tốt đẹp vào những phút giây bất trắc của Tạo Hóa, nhưng hiển nhiên chẳng có ai nghĩ rằng, sẽ luôn có biến cố vào phút cuối của lối mòn. Nhưng mà, tự tạo nên một cầu vồng nho nhỏ cho riêng mình cũng chẳng phải là điều khó khăn.

Hãy cứ thử bắn nước tung tóe vào ánh mặt trời, cầu vồng sẽ rực rỡ hiện lên mà thôi. Năng lực của con người vốn dĩ vô hạn, thế nên những gì số phận không thể mang đến cho mình, thì thôi hãy cố gắng tự mình tạo ra vậy.

Chúng ta lướt qua nhau như những vạt nắng, để rồi màn đêm sẽ kéo xuống đuổi nắng đi đâu mất.
Tình yêu vốn dĩ cần phải thủy chung, nhưng thỉnh thoảng lê la bên những vạt nắng cũng là điều dễ hiểu.
Trưởng thành có nghĩa là phải học cách cảm thông cho những lỗi lầm. Vậy mới có thể yêu nhau dài lâu, và thương nhau đậm sâu.

Yêu mà, chi li làm gì, chấp nhặt làm chi.....

Ngửi thấy mùi cô đơn trên những chốn đi - về, lấy kỷ niệm lấp đầy những nỗi đau, ta đặt tên là: " Nơi Bình Yên Trở Lại."


Ngọc Nga sưu tầm

mardi 18 juin 2019


herbes-aromatiques
 
10 herbes aromatiques qu'il faut absolument avoir dans sa cuisine
Les herbes aromatiques vous permettent d'agrémenter subtilement vos plats, sans aucun ajout de calorie ! Voici la liste des indispensables...


Le persil, Le Basilic, La menthe, La ciboulette, Le thym, L’aneth, Le romarin, La sauge, L’origan, La corriande.

lundi 17 juin 2019

Spectrum of the Seas


Bên trong siêu du thuyền 940 triệu USD vừa cập bến Việt Nam.

Hành trình của du thuyền kéo dài 46 đêm, từ Barcelona đến Thượng Hải với 13 điểm dừng tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tàu hiện đại bậc nhất thế giới đưa hơn 5.700 du khách đến Việt Nam.



Tàu Spectrum of the Seas 940 triệu USD vừa chở hơn 5.700 du khách tới Bà Rịa - Vũng Tàu vào 27/5. Con tàu thuộc dòng siêu du thuyền Quantum Ultra Class mới nhất của Royal Caribbean đóng tại Đức Quốc, với chiều dài 347 m, rộng hơn 41 m, và nặng khoảng 168.000 tấn.


Siêu du thuyền có 16 tầng với sức chứa khoảng 4.200 hành khách và hơn 1.300 thành viên Thủy thủ đoàn. Hành trình đầu tiên của du thuyền kéo dài 46 đêm, từ Barcelona đến Thượng Hải với 13 điểm dừng tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Singapore, Malaysia... Ảnh: Maik Fleer.





Bên trong phòng điều khiển du thuyền. Con tàu khổng lồ này có thể đạt vận tốc 41km/h.





Du thuyền có nhiều hạng phòng cho khách lựa chọn. Nổi bật là phòng suite gia đình rộng tới hơn 120 m2 có thể phục vụ tới 11 khách, với công viên thu nhỏ dành cho trẻ em và rạp chiếu phim 3D riêng.






Khách đặt phòng Golden Suite sẽ có thẻ khóa đặc biệt, thang máy riêng, hoặc đặt lịch shopping riêng trong các cửa hàng. Trên ảnh là phòng tắm với tầm nhìn ra biển của căn suite cao cấp nhất trên thuyền.





Không gian trên boong tàu là nơi du khách trải nghiệm những hoạt động trải trí như: Chơi công viên nước, tắm trong hồ bơi, hoặc lướt sóng, leo núi, trượt patin hay chơi bóng rổ…





Đài quan sát Sao Bắc Đẩu nằm ở độ cao 91,5 m so với mực nước biển sẽ cho du khách tầm nhìn khắp đại dương bao la.






RipCord by iFly là trò chơi mạo hiểm cho hành khách cảm giác bay lượn giữa không trung ngay trong nhà.





Bể lướt sóng giả lập FlowRider với dòng nước xiết sẽ đem đến cảm giác sống động như trên bãi biển thật, mà du khách không cần rời khỏi tàu.





Phòng ăn chính trên du thuyền có thể phục vụ tới 1.844 khách với không gian 3 tầng rộng rãi. Thực khách có nhiều lựa chọn với những món ăn theo phong vị ẩm thực từ Á sang Âu.





Ngoài ra, một điểm độc đáo của du thuyền là quán bar Bionic với tay robot biết pha chế đồ uống theo yêu cầu của khách.





Không gian chung bên trong du thuyền. Tối 28/5, tàu kết thúc lịch khám phá tại Việt Nam, tiếp tục đi Hong Kong, và kết thúc hải trình tại Thượng Hải, TC vào 3/6.


Ngày mai không còn thấy nhau

Ngày mai không còn thấy nhau

Lê Ngọc Anh
June 4, 2019

Lúc còn trẻ tôi thường được nghe nói: "Khi về già, người ta thường nhớ chuyện cũ và chuyện ngày xưa.” (Hình minh họa: Jean-Philippe Ksiazek/AFP/Getty Images)

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: ngoclan@nguoi-viet.com

Buổi sáng thức dậy, tôi pha cho mình một tách trà xanh đầu ngày. Hương trà cho tôi cảm giác sảng khoái khi đứng bên cửa sổ chan hòa ánh nắng. Trước mắt tôi là dãy núi chập chùng và nhìn xuống dưới đường là hai hàng cây hoa vàng rực rỡ. Thân cây to như cây phượng vĩ, nhưng những nhành lá và hoa thì mong manh, chúng như đang lả lơi với gió. Con đường ngập hoa vàng; màu hoa vàng đem tôi trở về ký ức của một thời tuổi trẻ, nơi chốn xưa có núi có rừng và có những đóa hoa dã qùy vàng đẹp đẽ.


Nơi tôi đang ở là một vùng sa mạc của Nam California: nắng, nóng, và gió. Sáng nay là một ngày nắng đẹp, chỉ một rặng núi và hai hàng cây hoa vàng vẫn có thể làm cho tôi xúc động nhớ về một thời tuổi trẻ của mình ở Pleiku. Chợt thoảng thốt giật mình tự hỏi mình còn bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, và bao nhiêu ngày để uống một tách trà nóng và còn có dịp được gặp gỡ thầy cô cùng với bạn bè.

Lúc còn trẻ tôi thường được nghe nói: “Khi về già, người ta thường nhớ chuyện cũ và chuyện ngày xưa.” Mình không hiểu tại sao và thắc mắc: “Người ta nghĩ để hối tiếc hay là hoài niệm với muôn vàn cảm xúc?” Bây giờ mình cũng ở trong tình trạng đó, những gì thuộc về quá khứ đôi khi còn làm mình rõ hơn hiện tại. Ai còn? Ai mất?

Sau một lần họp mặt lại thấy vắng đi một vài khuôn mặt. May mắn là ốm đau, bệnh tật còn ít buồn hơn là từ giã cõi tạm để đi về một nơi xa lắm, một nơi rồi ai cũng phải đến mà chẳng phải hẹn nhau. Tôi tự thầm hỏi: “Chừng nào tới phiên mình đây? Sẽ có những ai đi đưa tiễn mình nhỉ, những ai sẽ nhỏ cho mình những giọt nước mắt tiếc thương và buồn bã buông những cành hoa xuống huyệt mộ? Ai sẽ đi sau quan tài để tiễn bạn mình đi vào lò hỏa táng?” Cát bụi trở về với cát bụi.

Khi còn độ tuổi thanh xuân, tôi là người cầu toàn nên khó tính, khó ngay cả với chính mình, nhưng rồi có những biến cố lớn lao xảy ra cho gia đình cũng như cho riêng tôi, đã làm tôi thay đổi một số quan niệm sống. Thời điểm đó tôi đang có những người tôi thương yêu, nhưng chỉ trong khoảng khắc chiến tranh đã mang đi tất cả. Tôi đau khổ và tiếc nuối, tự trách tại sao mình đã không làm điều này hay làm điều kia?

Cũng chỉ vì cái tôi, nhưng những cái tôi đó là do tôi bị đạo lý và nề nếp gia đình tạo ra. Có những điều rất đơn giản mà tôi không dám làm để rồi ân hận mãi. Đến khi làm vợ và làm mẹ, tôi đã sống hết mình cho gia đình và cho người thân. Tôi đã trao ra mà không tính toán hoặc so đo hơn thiệt. Tôi không bao giờ hối tiếc dù rằng khi hành xử như thế đôi khi tôi bị thiệt thòi về cả tinh thần lẫn vật chất. Tôi yêu thương như thể ngày mai không còn thấy nhau.

Trong sinh hoạt cộng đồng không thể nào tránh khỏi những va chạm đôi khi làm tổn thương mình, nhưng tôi đã nén cái tôi của mình lại vì chủ trương làm công việc chung, mình phải bỏ cái tôi của mình qua một bên. Mặc dầu tôi là một người thẳng thắn và nóng tánh, nhưng tôi xử sự một cách đằm thắm và nhẫn nhịn, vì tôi không muốn vì cái tôi của mình lớn quá sẽ làm cho nhiều người không vui. Tôi không muốn làm người khác mất vui chỉ vì mình muốn chứng tỏ rằng mình là quan trọng.

“Nhân vô thập toàn,” người xưa đã nói như thế. Tôi không phải là người thập toàn, nhưng tôi muốn những người xung quanh tôi, anh chị em và bạn bè được thoải mái và vui vẻ khi có sự hiện diện của tôi. Tôi sợ sẽ phải ân hận vì mình đã không kiềm chế được chính mình. Ngày mai ta có còn thấy nhau nữa không?

Bạn hãy xin lỗi ai đó nếu bạn lỡ làm họ buồn, một lời xin lỗi không làm mình mất giá trị, nhưng nó là một ly nước mát làm nguội đi những giận hờn. Còn nếu họ không thông cảm thì đó là chuyện của họ. Bạn cũng nên thông cảm cho những người đã làm mình buồn hoặc đôi khi họ làm tổn thương bạn. Hãy nén giận và lấy một lý do tích cực nào đó để biện minh cho cách hành xử của người ấy, mình sẽ dễ thông cảm và bỏ qua.

Nói thì dễ nhưng làm được thì khó lắm, nhưng nếu bạn thấy đường đi của chúng ta gần đến thì hành trang chúng ta mang về nơi xa ấy là tình yêu thương và sự cảm thông được đong đầy trong trái tim, chứ không phải một ba lô mang nặng những hờn giận, hơn thua, và sự tự tôn đè nặng lên đôi vai mình, rồi chúng ta sẽ phải lê những bước chân nặng nề về cõi vô tận.

Xin đến với nhau bằng tâm thức vọng về và bằng những tình cảm yêu thương vô vị lợi của thuở học sinh ngây thơ. Đừng quá chấp nhất những chuyện nhỏ nhặt, cái gì cũng đem lòng thông cảm ra trao đổi, như vậy lòng mình sẽ được nhẹ nhàng hơn.

Không biết ngày mai mình có còn gặp nhau và còn thấy nhau nữa không, vì vậy hôm nay chúng ta cùng trao nhau một nụ cười và một lời chào thân ái. Như vậy chúng ta đã tặng nhau một bầu trời yêu thương, một món quà vô giá không thể mua bằng tiền. Bạn tặng tôi một đóa hồng thật nhỏ bé và tôi mang đi đóa hồng, nhưng dư hương của đóa hồng vẫn còn thoảng trên tay bạn. Cảm ơn bạn đã yêu chúng tôi, những người bạn già và cũng là những người bạn nhỏ của một thời áo trắng nơi Phố Núi Pleiku nắng bụi mưa buồn, nhưng nhiều tinh thần và tình thân.

“Tình người Pleiku cao như Núi Chư Hờ Rông,
Lòng người Pleiku như nước Biển Hồ mênh mông.”
(Trích bản nhạc “Liên Trường Pleiku Tình Khúc” của Tô Quốc Thắng) (Lê Ngọc Anh)

M.Trang chuyển

dimanche 16 juin 2019

10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 2019




Liên Hợp Quốc gần đây đã công bố Báo cáo các quốc gia Hạnh Phúc trên Thế giới năm 2019. Báo cáo đã tính đến một số yếu tố, bao gồm hỗ trợ xã hội, tự do, tham nhũng và tuổi thọ. Các kết quả dường như chứng mình rằng có một sự cân bằng giữa cuộc sống ,công việc ổn định và ý thức cộng đồng cao dẫn đến hạnh phúc... là nơi tuyệt vời để bạn ghé thăm. Dưới đây là 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.


10-Austria-Áo


9-Canada-Gia nã đại



8-New Zealand-Tân tây lan



7-Sweden-Thụy Điển


6-Switzerland-Thụy sĩ


5-Netherlands-Hà Lan


4-Iceland


3-Norway-Na Uy


2-Denmark-Đan mạch



1-Finland-Phần Lan

















Andy






Xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong hai năm liền, người dân Phần Lan khá hài lòng. Và niềm hạnh phúc này không chỉ giới hạn ở những người Phần Lần sinh ra và lớn lên. Người nhập cư Phần Lan Phần Lan cũng xếp hạng hạnh phúc nhất trên thế giới. Là đồng biên tập của tờ báo World Happiness Report, John Helliwell, cho biết, Nó khác về cách sống của cuộc sống. Một quốc gia khác ở Scandinavi đặt sự cân bằng giữa cộng đồng và công việc lên hàng đầu trong các ưu tiên của mình, Phần Lan, xã hội bình đẳng và tinh thần hỗ trợ lẫn nhau là yếu tố chính mang đến hạnh phúc cho Phần Lan.



World Happiness Report - Andy chuyển ngữ

vendredi 14 juin 2019

Đi tìm “Động Hoa Vàng” của Phạm Thiên Thư:

Đi tìm “Động Hoa Vàng” của Phạm Thiên Thư: 
Rằng xưa có gã từ quan…
Những ai say đắm bài thơ Động Hoa Vàng của nhà thơ Phạm Thiên Thư chắc sẽ bất ngờ khi biết nhiều ý tứ về “động hoa vàng” được ông lấy cảm hứng từ căn gác gỗ ở khu cù lao Phan Xích Long. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát bất tử “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”.
Có thể nói một cách nào đó, khu cù lao Phan Xích Long chính là “động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư. Ở nơi đây, ông đã trải qua những năm tháng sáng tác rực rỡ nhất trong cuộc đời mình.
Khu cù lao còn là nơi cư ngụ của nhiều văn nghệ sĩ như Trụ Vũ, Thụy Long, cũng là nơi lui tới bàn chuyện con chữ thế sự của Phạm Duy, Sơn Nam…
Ngẫm về chốn cũ
Chúng tôi tìm gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư khi ông đã chuyển về sống cùng người vợ thứ ba trong căn nhà nhỏ trên đường Hồng Lĩnh, thuộc khu cư xá Bắc Hải (Q.10).
Tầng dưới của ngôi nhà ông mở quán cà phê đặt tên Hoa Vàng, luôn vang tiếng dương cầm réo rắt. Phía trước quán, ông để vài cái ghế, và đó cũng là chỗ ngồi thường xuyên của ông.
Gặp Phạm Thiên Thư bây giờ, thật đúng như hình dung của chúng tôi về một nhà thơ – tu sĩ khi tuổi đã về già. Mặc bộ đồ giản dị, ông ngồi dưới giàn dây leo râm mát với một cuốn sách cũ, cặm cụi ghi ghi chép chép. Trước mặt ông đặt một tảng đá, cắm những bông cúc vàng.
Có lẽ cuộc đời người thi sĩ hằn sâu, ấn tượng với cảnh hoa vàng, nên mỗi địa điểm cư ngụ ông đều để hoa vàng như một biểu tượng của ký ức. Trong số đó có căn nhà trong hẻm Trần Kế Xương, P.2, Q.Phú Nhuận mà ông gắn bó nhiều năm.
Có thể nói hình ảnh hoa vàng xuất hiện dày đặc trong thơ Phạm Thiên Thư. Nó trở thành một biểu tượng xuyên suốt, một nỗi hoài niệm.
Ông kể: “Năm 1942 khi cả gia đình còn ở xã Chi Ngãi, huyện Chí Linh (Hải Dương), bố tôi mua hẳn ngọn đồi Phượng Hoàng. Hoa cúc dại vàng mênh mông, bát ngát chạy dài che khuất đường chân trời”.
Năm 14 tuổi, ông theo mẹ di cư vào miền Nam, ngụ tại khu Tân Định. Sau khi học xong tú tài, khác với nhiều người, Phạm Thiên Thư chọn cửa Phật làm chốn dừng chân. Ông theo học Trường Phật học Vạn Hạnh, gửi hồn trong lời kinh tiếng kệ.
Năm 1968, gia đình nhà thơ mua 400m2 đất ở khu cù lao. Rồi ông sáng tác thi phẩm Động Hoa Vàng với 100 đoạn thơ.
Mỗi đoản khúc là một tiếng hót của loài dị điểu, sẵn sàng yêu và chết, và để tiếng hót của mình rơi rụng trên sông.
Trong thời gian sống cùng bà Tuệ Mai (con gái Á nam Trần Tuấn Khải), ông bà thường đọc thơ cùng nhau ở nơi này. Lúc đó Phạm Thiên Thư đã nổi tiếng với tác phẩm Đoạn Trường Vô Thanh. Ông từng tu hành 7-8 năm ở chùa Vạn Thọ, gần kênh Nhiêu Lộc.
Động hoa vàng trong ký ức
Chính vì tuổi cao, lại trải một qua cơn bệnh cách đây chưa lâu, nhà thơ Phạm Thiên Thư không còn nhớ được nhiều. Nhưng khi nghe nhắc về “động hoa vàng” ở căn nhà cũ nơi cù lao thơ mộng, nhà thơ gọi tên người bạn thân thiết: tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã.
Theo lời kể của tiến sĩ Nguyễn Nhã, ông và Phạm Thiên Thư biết nhau từ những năm tháng tuổi đôi mươi, khi bắt đầu chung nhóm nghiên cứu về văn hóa.
Có lần cha của ông Nhã qua cầu bị té xuống kênh, chính Phạm Thiên Thư vì nhà trổ cửa nhìn ra sông trông thấy nên hô hào người dân kéo lên bờ. Tiến sĩ Nhã kể nhà ông và nhà Phạm Thiên Thư ở gần nhau.
Khi nghe nhắc về cây hoa vàng, ông Nhã xác nhận đúng là trước đây ở đầu ngõ nhà của nhà thơ có cây hoa vàng rực, khung cảnh nên thơ vô cùng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư lúc còn trẻ chụp trước căn nhà có cây hoa vàng trong khu cù lao Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận mà ông gắn bó nhiều năm 
Năm 1968, nơi này gọi là đường Hàng Keo. Nhà Phạm Thiên Thư có hình chữ L, ở cuối xóm. Ông làm một cái gác nhỏ, nhìn ra hướng sông.
Ông nói đó là động hoa vàng, có chuẩn bị hoa cỏ, đèn dầu, thuốc lá cho bạn bè thân hữu mỗi khi ghé chơi (Phạm Duy, Trụ Vũ, Bùi Giáng, Sơn Nam, Nguyễn Nhã…).
“Căn gác gỗ của Phạm Thiên Thư rất thơ mộng, cửa sổ trổ ra balcon nhìn về hướng mặt trăng. Căn gác trang trí mây tre cũng là sự hữu ý của Phạm Thiên Thư vì nhà thơ rất đề cao tính truyền thống, yêu thích hình ảnh cây tre khi gió mạnh thì cúi rạp người nhưng khi cần chiến đấu thì có thể chặt thành từng đoạn cắm dưới lòng sông” – ông Nhã kể.
Thi thoảng, ông Nguyễn Nhã cũng ghé đến quán cà phê Hoa Vàng hiện nay để thăm người bạn già Phạm Thiên Thư. Trong mắt ông, Phạm Thiên Thư là người giản dị, yêu sâu đậm đất nước qua những vần thơ giàu tính truyền thống, hòa nhã với bạn bè thân hữu.
Duyên kỳ ngộ Phạm Thiên Thư – Phạm Duy
Trong những năm sống ở khu cù lao, Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ Phạm Duy có mối liên hệ mật thiết. Cách đây hơn 40 năm, Phạm Duy đã lui tới căn gác của Phạm Thiên Thư để phổ nhạc một số bài thơ của ông.
Năm 1971, Phạm Duy đã phổ nhạc 10 bài đạo ca của Phạm Thiên Thư mà chính nhà thơ đã nhận xét rằng cách phổ nhạc rất hay.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết thi thoảng khi ghé nhà Phạm Thiên Thư, ông cũng gặp nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc sĩ và nhà thơ bàn về nhạc, về thơ say sưa, tâm đầu ý hợp.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ khá nhiều bài thơ của Phạm Thiên Thư, có thể kể đến Động hoa vàng, Ngày xưa Hoàng Thị, Em lễ chùa này, Gọi em là đóa hoa sầu… Thậm chí giữa Phạm Thiên Thư và người nhạc sĩ hơn ông 20 tuổi đã có mối tri kỷ từ những ngày đầu mới gặp.
Khi Phạm Thiên Thư còn tu tập trong chùa, nhạc sĩ Phạm Duy có ghé vào thăm. Họ cũng đã nhiều lần chia sẻ những dự định, những trăn trở về đường sáng tác, về nỗi cô đơn trong cuộc đời.
Về mối lương duyên với Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy kể trong cuốn Vang Vọng Một Thời:
“Sau vụ Tết Mậu Thân, tức là khoảng 1969 – 1970, giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn bị dao động trước những biến cố của đất nước, có chủ trương trở về nguồn. Cơ sở văn nghệ hoặc tập san đều chọn những tên thấm nhuần tinh thần về nguồn: An Tiêm, Ca Dao, Giữ Thơm Quê Mẹ… Trong văn có Lý Chánh Trung với cuốn Tìm Về Dân Tộc, có Người Việt Đáng Yêu của Doãn Quốc Sĩ… Trong nhạc có nhóm Tiên Rồng, nhóm Nguồn Sống và có tôi với nhạc tập Dân Ca và cuốn Biên khảo về dân nhạc.
Về nguồn, nghĩa là về với mình – về với loại nhạc của cõi tâm – thì tôi muốn thăng hoa mọi thứ lên. Lúc đó cũng có nhiều người muốn làm như tôi, ví dụ như Phạm Thiên Thư. Anh là một nhà sư trẻ (đạo danh Tuệ Không), có một đàm trường – kiểu đàm trường Viễn Kiến của Nguyễn Đức Quỳnh – để bạn bè tới nói chuyện văn nghệ. Tất cả đều rất trẻ nhưng cung cách của họ giống như các ông cụ non. Tuy nhiên khi đàm luận với nhau, họ không có gì là lúng túng hết. Họ rất ung dung và họ cũng rất già dặn trong tâm hồn, bởi vì họ già trước tuổi. Khi phải sống dưới biết bao nhiêu đe dọa, cũng như trong hoàn cảnh kinh tế sa sút, họ chỉ còn có cách trốn vào một đàm trường, vào một cái vỏ trong đó họ có thể ung dung ngồi nói chuyện thi phú, nói chuyện tư tưởng, những chuyện nhẹ nhàng bên trong với nhau, không lý gì đến chuyện bên ngoài và không cần phải ai biết đến họ.
Sự gặp gỡ của tôi với Phạm Thiên Thư – mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi và một đám mây – là nhờ ông Nguyễn Đức Quỳnh. Vào năm 1971, ông Quỳnh bị ung thư dạ dày và vào nằm trong bệnh viện cho hai bác sĩ Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh cứu chữa. Ngày tôi tới thăm ông tại bệnh viện thì gặp Phạm Thiên Thư ở đó. Và chúng tôi yêu mến nhau ngay.
Sau đó, chúng tôi gặp nhau gần như hằng ngày. Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca. Phạm Thiên Thư đưa cho tôi tập thơ Ðưa Em Tìm Động Hoa Vàng hay bài thơ Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu… để tôi phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại. Ðối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài Ðưa Em Tìm Động Hoa Vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng… Ðể làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy”. 
Bài thơ Động Hoa Vàng với 100 đoạn, 400 câu, chứng tỏ sự tài hoa của tác giả, nhưng ít người quan tâm đến nét thâm trầm của những câu thơ, diễn tả giấc mơ thoát tục của con người trong một giai đoạn nhiễu nhương, đồng thời niềm hoài vọng hướng về quá khứ xa xưa của dân tộc, nhớ nhung nhiều kỷ niệm cũ càng, có thật hay hư tưởng, từ quê hương thôn dã, một thuở thanh bình đã phôi pha.
Rằng xưa có gã từ quan…
Muốn từ quan thì phải làm quan, thường là quan to, bậc khoa bảng, thành phần giai cấp quyền lực. Tác giả đã hạ giá danh vọng bằng từ “gã” bình dân, thân mật.
Lên non tìm động hoa vàng ngú say
Trong lối hiểu thông thường, thì ngủ say đây là cách quên công danh, những hệ lụy công danh, mà cũng là cách quên đời:
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan… 
Nói chung, bài Động Hoa Vàng là bài ca siêu thoát, giữa xã hội và thời sự đảo điên, những lời thơ chấp chới đào vong vào một giấc mơ dài, kết nối nhiều hình ảnh thi vị của một trần gian xa cách. Quê hương thanh bình, con người an vui, trong một nền văn hóa đã quá khứ. Hạnh phúc đơn sơ :
Ngày xưa trên giậu vàng hoa
Chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời
Người đọc, nhất là người nghe nhạc, chú ý đến những câu thơ tình trong bài. Ái tình ở đây chỉ làm đề tài cho thơ hồi tưởng. Những cô áo hồng, áo xanh phơ phất, cho dù có mang một ít sắc màu ký ức, cũng chỉ là đề tài thi ca, kết hợp nhuần nhuyễn với toàn bộ tập thơ. Tình yêu ở đây là mơ mộng, trắc trở, xa cách, nhớ nhung.
Có lúc chàng kể :
Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa
Hồi khác chàng lại kể :
Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang
Thì không ai biết cô nàng mặc áo màu gì. Thậm chí nàng có thực hay không, hoặc nàng chỉ là ảo ảnh của thiên nhiên, thường xuyên thay áo.
Khi tình yêu chỉ là điển cố văn chương, như mượn ý ca dao, Phạm Thiên Thư vẫn có thể làm được câu thơ hay:
Thôi thì em chẳng yêu tôi,
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
Có lúc chữ nghĩa gây nên tình cảm thê thiết :
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi.
Ý thơ dàn trải, không có gì cao siêu. Nhưng lời thơ da diết, luyến láy, dằn vặt. Nhạc sĩ Phạm Duy đã thể hiện tài phổ thơ của mình bằng cách “nhặt” ra những câu khúc chiết nhất trong bài thơ rất dài để viết thành 1 bài hát bất hủ, chắp cánh cho tên tuổi của bài thơ và tác giả bài thơ bay cao trong bầu trời nghệ thuật miền Nam.
Phạm Thiên Thư viết Động Hoa Vàng những ngày đầu ngấm giáo lý nhà Phật, như đánh dấu mình vào một cõi của chính mình trong thi đàn. Dĩ nhiên, Động Hoa Vàng chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời viết của ông, nhưng nó đã làm nên một ‘thương hiệu’ của Phạm Thiên Thư. Những câu thơ đẩy cái đạo đời bềnh bồng trên cõi Phật, làm hiện hữu cuộc đời đáng sống trong mênh mang bao la của phù vân hư ảo:
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên giục bây giờ chim đi…
Nhiều người đã cho rằng Phạm Thiên Thư đi tu mà lòng vẫn hướng về cõi tục. Ông chỉ cười: ‘Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình’. Quả thực là từ cõi Phật, ông đã làm được những điều đáng nể: thi hóa kinh Phật, sáng tác những thi phẩm hay và đẹp thuộc diện hiếm hoi trong văn học Việt Nam… Thơ của ông được nhiều người có tên tuổi trong giới và rất nhiều bạn đọc mến mộ…”
Trích đoạn từ tập thơ “Động Hoa Vàng”
Ừ thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông
Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa
Đường về hái nụ mù sa
Đưa theo dài một nương cà tím thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu
Đêm dài ươm ngát nhụy hoa
Chim kêu cửa mộ trăng tà gõ bia
Em ơi rủ tóc mây về
Nhìn trăng nỡ để lời thề gió bay
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên dục bây giờ chim di
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe dường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc trên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.
Bài hát “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chảy một giòng thôi
Mấy đầu sông thấm tóc người cuối sông
Nhớ xưa em chửa theo chồng
Mùa Xuân may áo áo hồng đào rơi
Mùa Thu em mặc áo da trời
Sang Đông lại khoác lên người áo hoa
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau
Thôi thì em chẳng còn yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng
Thôi thì thôi mộ người tà dương
Thôi thì thôi nhé… đoạn trường thế thôi
Nhớ xưa em rũ tóc thề
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi Tây hững hờ
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
Chim ơi chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu.
Theo nhacxua.vn 
Ngọc Hà 🌷

 Sưu tầm Mai Ngọc Dung

Nancy Quách chuyển