lundi 14 septembre 2020

Phố cổ Hà Nội sau gần 100 năm .

Phố cổ Hà Nội sau gần 100 năm .
Những hoài niệm về khu phố cổ Hà Nội dưới cùng một góc nhìn,một khoảnh khắc trước và sau 100 năm.







Đoạn giao giữa phố Hàng Khay và phố Đinh Tiên Hoàng, bờ hồ Hoàn Kiếm.

Ảnh trên chụp trong khoảng thập niên 1920, 1930.







Toà nhà bưu điện quốc tế, thuộc bưu điện thành phố Hà Nội nằm ở ngã tư phố

Đinh Tiên Hoàng giao phố Đinh Lễ, nhìn ra bờ hồ Hoàn Kiếm








Ngõ Cầu Gỗ, nằm trên phố Cầu Gỗ. Đây là con phố một chiều, nằm trong khu phố cổ Hà Nội. Thời xưa, đây là phố cho các học trò trọ xung quanh đến ăn cơm. Đến thời

Pháp thuộc, phố mang tên Rue du Pont en bois (nghĩa vẫn là Cầu Gỗ), là con phố chính của Hà Nội cổ.







Đường Tràng Tiền, đoạn rạp Công Nhân ngày nay, nơi biểu diễn đa năng như
sân khấu, chiếu phim. Nguyên tên gốc của rạp là Cinéma Palace, do người Pháp
khởi công xây dựng năm 1917 và hoàn thành năm 1920. Rạp được thiết kế theo
phong cách kiến trúc cổ điển của Pháp, với mục đích trở thành một rạp chiếu phim sang trọng bậc nhất của vùng Đông Dương. Khi người Pháp tái chiếm Hà Nội,năm 1947, rạp được đổi tên thành Eden. Năm 1954, rạp có tên Công Nhân
như ngày nay.





Ngã tư phố Hàng Bạc giao với phố Hàng Đào. Tên thời Pháp thuộc của phố Hàng Đào là Rue de la Soie (phố bán lụa). Khi đó dọc phố có lắp đường ray tàu điện bánh sắt chạy từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vườn hoa Hàng Đậu. Ngày nay đường ray tàu điện không còn nữa. Phố Hàng Bạc vẫn giữ nghề, còn phố Hàng Đào bán chủ yếu là quần áo.




Ngã ba phố Mã Mây, Hàng Bạc. Tên Mã Mây ghép từ hai tên phố Hàng Mã (đoạn phía nam) và Hàng Mây (đoạn phía bắc). Thời xưa đầu phố phía nam chuyên làm hàng mã, đoạn đầu phía bắc chuyên làm các đồ dùng chế biến từ mây và cả sợi mây nguyên liệu.Hiện nay gần như toàn bộ phố là các nhà nghỉ, khách sạn cho khách thuê, văn phòng cácbcông ty du lịch, và các quán ăn, cửa hàng chuyên phục vụ khách du lịch
Ảnh trên chụp trong thập niên 1910.









Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nằm ở số 1 Tràng Tiền ngày nay. Bảo tàng thành lập ngày 3/9/1958 trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finot do người Pháp xây dựng năm 1926 và hoạt động vào năm 1932. Ngày ấy, đây là nơi trưng bày những đồ cổ thu thập từ các nước ở Đông Nam Á. Bảo tàng do các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard thiết kế năm 1925, được coi là một đại diện lớn của phong cách kiến trúc Đông Dương.

Ảnh trên chụp trong thập niên 1920.






Phố Hàng Tre đoạn giao với phố Hàng Thùng, thuộc phường Lý Thái Tổ,

quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh trái chụp năm 1940.





Đường Đinh Tiên Hoàng đoạn ngã tư Tràng Tiền, Hàng Khay. Cuối thế kỷ 19,
đoạn đường này gọi là phố Hồ (hay Rue du Lac), kéo dài từ phố Tràng Tiền tới
đền Bà Kiệu. Từ ngày Giải phóng Thủ đô (1954) phố mang tên Đinh Tiên Hoàng
để ghi nhớ công lao vị vua có công dẹp 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Ảnh trên chụp năm 1972.





Bến tàu điện bờ hồ Hoàn Kiếm nay trở thành bãi đỗ xe bus công cộng và xe bus
2 tầng. Bãi đỗ xe này nằm ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ở phía đông
bắc quận Hoàn Kiếm, thuộc phường Lê Thái Tổ. Thời Pháp thuộc quảng trường
này có tên là Place Négrier.
Ảnh trên chụp năm 1980.






Một đoạn phố Hàng Bồ, thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Thời kỳ Pháp thuộc,phố có tên là Rue des Paniers. Từ sau năm 1945 phố mang tên Hàng Bồ.
Cùng thời gian đó phố Hàng Bồ là nơi tập trung các cửa hàng bán dụng cụ đan bằng tre nứa như bồ, sọt, thúng mủng. Nay các vật dụng này đã vắng bóng trên phố.
Ảnh trên chụp trong thập niên 1950.





Ngã tư phố Đồng Xuân cắt phố Hàng Mã. Cái tên Đồng Xuân chỉ mới có từ sau Cách mạng năm 1945.Trước đây thực dân Pháp gọi là Rueduriz (tức phố Hàng Gạo).
Ảnh trên chụp trong thập niên 1980.





Những căn hầm trú bom hay còn gọi là “hầm tăng xê” (phiên âm từ tiếng Pháp: Tranchée) nằm trên vỉa hè khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội, mặt phố Lê Phụng Hiểu. Hầu như cáctuyến phố ở Hà Nội giai đoạn 1965 - 1972 đều có hầm trú bom. Hầm được đặt so le hai bên vỉa hè, giúp cho khoảng cách chạy từ nơi bất kỳ đến chỗ trú ẩn là ngắn nhất.
Ảnh trên chụp năm 1967.






Lối xuống chân cầu Long Biên, nay là đường Trần Nhật Duật, thuộc địa phận phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Con phố này trước đây gọi là phố Bờ Sông vì chạy dọc quãng đê sông Hồng từ bến Long Biên đến đầu phố Hàng Muối. Nửa đầu phố từng gọi là phố Hàng Nâu, tính từ phố Hàng Đậu đến Ô Quan Chưởng.
Ảnh trên chụp năm 1940, bởi Harrisson Forman.





Bờ hồ Hoàn Kiếm chụp từ phố Hàng Khay. Ảnh trái chụp năm 1967.

Kiều Dương
Hà Nội xưa: Ảnh tư liệu

Các loài gia vị trong ẩm thực Việt-Thái Công Tụng



Thái Công Tụng
September 8, 2020
Nguồn

1. Dẫn nhập

Đặc trưng của ẩm thực Việt chính là nhờ các gia vị . Gia vị đã là nét văn hóa. Thực vậy, món ngon của Hà Nội có bún chả, chạo tôm, xôi mặn thập cẩm, chả cá Lã Vọng, ốc… Món ngon của Huế thì có bánh bèo , bánh khoái, hến xúc bánh tráng hay món ăn vỉa hè như bánh tráng nướng, mì Quảng, bò nướng lá lốt…Ngoài gia vị chính là nước mắm mà người Tây phương còn biết, ta còn gặp nhiều gia vị gốc thực vật như tỏi, ớt, gừng, v.v…, các loại rau như hành hoa, tía tô, kinh giới, rau diếp cá, tần ô, rau răm,rau mùi (ngò), ngò gai,sả, riềng, tỏi, rau húng quế, rau thơm, v.. Trong bát phở, nổi bật là gia vị vì trong nước phở có nhiều gia vị như hồi (tiểu hồi, đại hồi), quế, tiêu. Có khi, nước phở có cho vào đinh hương và tương (tương đen, tương đỏ); hoa hồi thảo quả cũng là các gia vị . Phở Nam có đinh hương , và có thêm rau thơm . Còn phở truyền thống Bắc có hành nướng đen vỏ để tạo mùi và màu .Bún thang, bún chả của Hà Nội thường có tinh dầu cà cuống.



2. Gia vị trong vài ca dao

Gia vị với hành, tỏi, gừng, riềng, lá chanh, ớt v.v. đi liền với văn hoá ẩm thực Việt nên ta thường gặp trong ca dao .

“Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng
Con trâu nằm ngửa nằm nghiêng
Xin chớ mua riềng, mua tỏi cho tôi!

Ca dao ta cũng dùng gia vị để ví von trong tình gia đình:

– Chiều chiều khói tỏa mùi rơm
Bàn tay mẹ nấu bữa cơm quê mùa
Mồng tơi, rau đắng, canh cua
Tép rang, cà pháo, muối chua ăn cùng.

– Cá nẹp kho với quả sung
Thơm lừng lối xóm đi xa nhớ nhiều
Cơm được mẹ nấu bằng niêu
Gạo mùa chiêm mới nức chiều miền quê.
Mâm cơm đâu có gì nhiều
Mà sao ấm áp cả đời khó quên
Mẹ cha yêu mến kề bên
Trong mơ mẹ vẫn hiện lên khẽ khàng.

Gừng, luôn là một gia vị được ông cha ta rất quý, bởi nó tượng trưng cho sự nồng ấm:

“Ước gì em biến thành gừng,
Anh biến thành cá, ở chung một nồi.”

Ngoài gừng, ớt (Capsicum annuum) cũng là gia vị, luôn có mặt trong món bún bò Huế. Nhiều giống ớt như: Ớt Sừng Trâu, Chỉ Thiên, … và phảng phất trong nhiều ca dao:

“Ớt nào mà ớt chẳng cay,
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.
Ớt nào là ớt chẳng nồng,
Gái nào là gái có chồng không ghen.”

Trong các cung bậc của tình yêu, nỗi đau bị phụ tình, là một nỗi đau khó diễn tả chính xác bằng lời, là tổng hợp gia vị chua cay mặn đắng, thể hiện nỗi sốc qua các gia vị đối chọi nhau, cũng thể hiện tâm trí rối bời của người con gái bị phụ tình :

“Em đây không dư giả,
Như lá hẹ bỏ màu thơm tho.
Lá hẹ thơm tho cũng nhờ nước nóng,
Anh ăn ở làm sao cho đằm thắm thủy chung?
Chớ ăn ở bờm xơm như muối lâu năm,
Ra đứng vạt gừng rưng rưng nước mắt,
Ra đứng vạt tỏi, vòi vọi trông hành.
Chim kêu xấu xa xấu vói trên cành,
Đây chưa bỏ đó, đó đành bỏ đây?”

3. Phân loại gia vị

Gia vị có nguồn gốc thực vật như gừng, tỏi, ớt v.v., cũng có nguồn gốc động vật như nước mắm
3.3. Gia vị nguồn gốc thực vật

Gia vị gốc thực vật có thể là ở dạng quả ớt như ớt, chuối xanh, khế chua, quả me, quả chanh.., dạng hạt như: hạt tiêu, hạt ngò.., dạng củ như củ sả, củ riềng, củ gừng, củ tỏi, củ kiệu, củ nghệ v.v.,dạng lá như rau răm, rau quế, lá hẹ, rau thơm, húng chó, ngò, tia tô, lá chanh, lá ổi, lá lốt. Rau húng thơm nổi tiếng ở làng Láng ngoài Bắc, ăn với phở; húng quế, húng lủi thường dùng ăn sống với tiết canh, lòng heo; thì là thường đi với món cá. Rau bạc hà và húng lủi là hai loại cây khác nhau, nhưng chúng đều thuộc chi Bạc hà (danh pháp Mentha), họ Hoa môi (Lamiaceae). Bạc hà có tên khoa học là Mentha avensis, còn húng lủi có tên khoa học là Mentha Aquatica. Trong các loài rau gia vị, phải kể húng thơm nổi tiếng ở làng Láng ngoài Bắc, như câu ca dao sau đây:

Đi đâu mà chẳng biết ta,
Ta ở kẻ Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm, rau húng, rau mùi
Thìa là, cải cúc, đủ mùi hành hoa
Mồng tơi, mướp đắng, ớt, cà
Bí đao, đậu ván, vốn nhà trồng nên
cây hồi, danh pháp khoa học Illicium verum, là một loài cây gia vị có mùi thơm tương tự như cây tiểu hồi, thu được từ vỏ quả hình sao của Illicium verum, có nhiều miền Đông Bắc Bắc phần Viet Nam . Các quả hình sao được thu hoạch ngay trước khi chín.
cây bạc hà: là loại cây thân thảo, sống lâu năm. Cây cao 60 – 80 cm, mọc đứng hoặc hơi bò, phân nhánh. Thân hình vuông, màu xanh hoặc tím nhạt, có nhiều lông ngắn. Toàn cây có mùi thơm vì có vị cay, mát, chứa tinh dầu Menthol. Nhiều công dụng trong đó có dùng làm gia vị.
cây ớt chỉ thiên: Ớt là một loại quả của cây thuộc chi Capsicum của họ Cà (Solanaceae). Ớt là một loại quả gia vị quan trọng trong các món ăn, có tính kháng oxy hóa rất cao, tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và làm giảm huyết áp.
cây gừng là loại cây trồng thông dụng trong vườn rau gia vị. Ngoài ra, còn phải kể thêm cây ngò, cây tía tô, cây húng quế (húng thơm).
cây hành lá là loại rau gia vị chủ yếu trong các bữa ăn gia đình.
cây rau răm. Để phát huy hết công dụng của trứng vịt lộn, người ta thường ăn kèm với rau răm, gừng tươi và 1 chút muối. Đây cũng chính là những vị thuốc Đông y giàu dược tính.Gừng tươi có tác dụng kích thích tiêu hóa, giải độc thực phẩm. Trong khi đó, rau răm tính ấm có tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn, mạnh gân cốt, chữa lạnh bụng.
cây tỏi là một loài thực vật thuộc họ Hành và cũng được con người sử dụng làm gia vị, trong nhiều món ăn.

Lá làm gia vị như lá Cà ri (Murraya koenigii : cà ri Ấn Độ, họ Cam quít Rutaceae hoa và lá đều thơm. Người Việt cũng dùng lá Cà ri trong nấu nướng nhưng có lẽ Bột Cà ri thông dụng hơn; lá Chúc, tên thực vật Citrus hystrix, họ Cam quít Rutaceae ; lá Kaffir, hay còn gọi là Chanh Thái (chanh Thái Lan), là một gia vị đặc trưng trong thức ăn Thái. Thức ăn Việt miền Nam bộ, ưa dùng lá này khi nấu hải sản.Còn bột cà ri theo em hiểu là một hỗn hợp chế biến từ nhiều gia vị trong đó có cây Cà ri, nghệ, ớt, các rau mùi, quế, hồi… Thành phần thay đổi tuỳ nhà sản xuất; nhưng hình như nghệ và ớt là gia vị chính thì phải.
cây ngổ. Rau ngổ còn gọi là rau om, ngò om (Limnophila aromatica thuộc họ Plantaginaceae), là loài cây thảo mập, giòn, rỗng ruột, có nhiều lông. Rau ngổ thường mọc hoang ở ruộng nước, vũng lầy và rất dễ trồng; vị chua cay, hơi se, tính mát, thơm. Đây là gia vị không thể thiếu khi nấu cùng món ngó khoai để làm canh hay hầm xương. Gia vị có thể ở dạng củ, dạng lá, dạng hạt, dạng quả. Sau đây là vài chi tiết:

3.3.1. Củ gia vị

Phải kể củ gừng, củ riềng, củ tỏi, củ sả v.v.
củ Gừng. Vị cay của gừng (Zingiber officinale), luôn là một gia vị được ông cha ta rất quý, bởi nó tượng trưng cho sự nồng ấm:

“Ước gì em biến thành gừng,
Anh biến thành cá, ở chung một nồi.”

– Ai ơi chua ngọt đã từng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

hoặc:

Muối mặn ba năm còn mặn
Gừng cay chín tháng còn cay
Dù ai xuyên tạc lá lay
Sắt son nguyện giữ lòng này thủy chung.
củ Riềng (Alpinia officinarum), họ Gừng (Zingiberaceae), -củ Tỏi (Allium sativum) là một loài thực vật thuộc họ Hành, nghĩa là có họ hàng với hành tây, hành ta, hành tím, tỏi tây, v.v..Tỏi có thể sử dụng thành gia vị trong nước chấm pha chế gồm tỏi,ớt, tương, đường…Hoặc tỏi được trộn đều với các món rau xào với rau muống khiến món ăn dậy mùi thơm. Tỏi cũng được làm nước muối tỏi và ớt. Củ tỏi có nhiều tép và cũng là gia vị, được nhắc đến trong ca dao :

Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi
Ngồi bên đám hẹ nhớ mùi rau răm
Hỡi người quân tử trăm năm
Quay tơ có nhớ mối tằm hay không?
củ Sả (Cymbopogon). Trong món bún bò Huế thì ngoài ớt, phải nhắc đến sả và ruốc . Sả được sử dụng rộng rãi như là một loại gia vị, có hương vị như chanh, có thể sấy khô và tán thành bột hay sử dụng ở dạng tươi sống. Sả nói chung được dùng trong các món cà ri. Nó cũng rất thích hợp cho các món chế biến từ thịt gia cầm, cá và hải sản. Nó có hương vị như chanh và có thể sấy khô và tán thành bột hay sử dụng ở dạng tươi sống. Sả nói chung được dùng trong chè, súp và các món cà ri. Nó cũng rất thích hợp cho các món chế biến từ thịt gia cầm, cá và hải sản. Sả dịu (Cymbopogon flexuosus) có nguồn gốc ở Ấn Độ, Sri Lanka, Myanma và Thái Lan trong khi sả chanh (Cymbopogon citratus) được cho là có nguồn gốc từ Malaysia. Hai loài này có thể được sử dụng tương tự như nhau, tuy nhiên C. citratus phù hợp hơn khi dùng cho ẩm thực.


củ nghệ (Curcuma longa) họ Gừng có củ được dùng làm bột cari, bôi mụn nhọt

3.3.2. Lá gia vị

Có thể kể sau đây một số rau có lá gia vị:
rau húng (Ocimum basilum) nhiều loại như húng quế, húng lủi, húng chó thường dùng ăn sống với một số thịt động vật như tiết canh, lòng heo. Cây húng lủi thuộc loại cây thảo, cây có nguồn gốc hoang dã nên có sức sống khỏe, phát triển nhanh. Cây có thân rễ mọc bò thành chùm dưới đất. Húng lủi để làm gia vị ăn sống. Làm thảo dược, phòng chống nhiều loại bệnh, cây húng lủi còn giúp vệ sinh răng miệng, giữ hơi thở thơm tho. Bên cạnh đó, một chậu cây húng lủi còn là giải pháp tuyệt vời giúp xua đuổi muỗi.
ngò Coriandrum sativum. Cây có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vi.
ngò gai Eryngium foetidum, họ Apiaceae, còn có tên mùi tàu .Ngò gai là cây cỏ thấp, có thân đơn độc, chia cành ở ngọn, hoa quả mọc ở cành. Lá mọc ở gốc, xoè ra hình hoa thị. Lá ngò gai có mùi thơm dễ chịu. Trong nồi canh chua nấu cá có lá ngò làm mất mùi tanh.
cây sả: là một loại cây thân thảo, thuộc họ hòa thảo. Thường mọc thành từng bụi cao khoảng 1-1,5m. Thân có màu trắng hoặc hơi tím, có nhiều đốt. Lá hẹp dài, mép lá hơi nhám. Bẹ lá ôm chặt với nhau rất chắc, tạo thành một thân giả. Sả được dùng làm rau gia vị lâu đời ở các nước Châu Á.
tía tô Perilla frutescens , là loại cây thuộc họ Hoa Môi (Lamiaceae). Thân cây tía tô thường cao khoảng 0,5-1m. Lá cây có hình răng cưa, mọc đối nhau, mặt dưới có lá có màu tím tía (cũng có khi cả 2 mặt đều có màu tím tía). Nguồn gốc của cây tía tô là xuất phát từ vùng núi Himalaya và vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam, loại cây này được người dân trồng rất phổ biến để sử dụng làm gia vị cho các món ăn hàng ngày.
thì là (Anethum graveolens, họ Apiaceae), là gia vị trong các món canh cá, canh chua, vừa thơm ngon, vừa đở mùi tanh của thực phẩm
rau sam (Portulaca olearacea) Nó có vị hơi chua và mặn. Trong thơ Hồ Dzếnh, có nhắc đến loại rau này

Tôi đến đây tìm lại bóng cô,
Trở về đường cũ, hái mơ xưa,
Rau sam vẫn mọc chân rào trước,
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ.
rau kinh giới (Elsholtzia ciliata), Ở Việt Nam, rau kinh giới được trồng rất phổ biến, thường được sử dụng như một loại rau thơm ăn cùng với các món ăn và đây cũng là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc dân gian.Cây kinh giới mọc thẳng, thân vuông và có lông, có màu hơi tía ở phần gốc cây và thường cao khoảng 40-60cm. .Trong đông y, cây kinh giới mùi rất thơm, tính ấm và vị cay có tác dụng rất tốt trong an thần, chống dị ứng và hạ nhiệt…
rau diếp cá (Houttuynia cordata) là một loài thực vật thuộc họ Saururaceae. Là một loại cỏ nhỏ, mọc quanh năm , ưa chỗ ẩm ướt, có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt. Lá mọc cách (so le), hình tim, có bẹ, đầu lá hơi nhọn, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá. Cây thảo cao 15–50 cm; thân màu lục hoặc tím đỏ, mọc đứng cao 40 cm, có lông hoặc ít lông.
rau tần ô (Chrysanthemum coronarium) với nhiều tên khác như cải cúc, rau cúc, cúc tần ô, rau tần ô. Đây là một loại rau lá thuộc họ Cúc,
rau mùi (ngò) tên khoa học Coriandrum sativum, họ Apiaceae, có nguồn gốc bản địa từ Tây Nam Á về phía tây đến tận châu Phi. Làm rau thơm và gia vị,
rau răm ( Persicaria odorata). Cây thân thảo, mọc dưới nước hoặc ở nơi luôn luôn ẩm ướt. Lá rau răm thuôn dài nhọn ở đầu. Rau răm có hương thơm đặc biệt.Dùng làm rau gia vị, là một cây thuốc nam quý có vị cay nóng, mùi thơm. Rau răm có trong bài hát:

Gió đưa, à ơi, gió đưa cây cải về trời
rau răm ở lại chịu lời đắng cay
gió đưa ơi ah ơi ah
cây cải mà về đâu, rau răm ở lại
lòng sầu là sầu năm canh
lá sung, lá đinh lăng dùng ăn gỏi, lá gừng, lá chanh, lá nguyệt quế, lá lốt, thường ăn với thịt gia súc hoặc xắt nhỏ cho vào các món nấu. Rất nhiều người thường hay dùng lá cây đinh lăng ăn kèm với gỏi cá để tăng thêm hương vị của món ăn này. Do đó, mọi người thường gọi cây đinh lăng với một cái tên khác là cây gỏi cá.
cần tây là một loài thực vật thuộc họ hoa tán. Rau cần tây được xem như một loại rau sạch, thơm ngon, hợp khẩu vị.
ngò gai là loại rau thân thảo, cây đơn lẻ, lá mọc ở gốc xòe ra hình hoa thị, lá hình thuôn có răng cưa, cành chia ở ngọn chứa hoa. Có tác dụng làm rau thơm.

3.3.3.Hạt gia vị: hạt tiêu, hạt ngò, hạt dổi…
hạt tiêu được thu hoạch mỗi năm một lần. Muốn có tiêu đen, người ta hái quả vào lúc xuất hiện một số quả đỏ hay vàng trên chùm, nghĩa là lúc quả còn xanh; những quả còn non quá chưa có sọ rất giòn, khi phơi dễ vỡ vụn, các quả khác khi phơi vỏ quả sẽ săn lại, ngả màu đen. Muốn có hồ tiêu trắng (hay hồ tiêu sọ), người ta hái quả lúc chúng đã thật chín, sau đó bỏ vỏ. Loại này có màu trắng ngà hay xám, ít nhăn nheo và ít thơm hơn (vì lớp vỏ chứa tinh dầu đã mất) nhưng cay hơn (vì quả đã chín).
hạt ngò dạng hạt rau mùi ta, mùi tây, mùi tàu, tính ấm, có mùi thơm, giúp khai vị , ăn ngon, tiêu hóa thức ăn, giải độc chất tanh.. Ngoài ra hạt ngò còn có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, chữa hiện tượng hôi miệng ở người, hơn nữa còn có thể dùng làm thuốc giảm đau, điều trị bệnh thấp khớp.
hạt dổi rừng không chỉ là gia vị cho các món ăn của đồng bào Tây Bắc mà còn là tinh hoa ẩm thực của vùng núi Tây Bắc tạo nên nét độc đáo rất riêng của văn hoá ẩm thực của con người Tây Bắc ở miền Bắc Việt Nam.



3.3.4. Quả gia vị: chanh, bưởi, ớt, thảo quả, dứa xanh, chuối xanh, khế chua, quả me, quả dọc, quả sấu…

Trên bàn ăn của người Huế (gồm món canh, cá, thịt, dĩa rau sống…) luôn có một dĩa muối tiêu ớt, dĩa tương ớt hay một chén nước mắm ớt tỏi. Đặc biệt không thể thiếu tương ớt.Tương ớt Huế là hỗn hợp gồm ớt tươi, tỏi tươi, muối, đường, dầu ăn và nước mắm ngon trộn lại. Người Huế dùng tương ớt nhiều trong những món ăn buổi sáng sớm (bánh mì, bánh canh…).

Miền núi Bắc Việt, có qủa cây Mắc Khén ( Zanthoxylum myriacanthum), họ Cam quít Rutaceae, có hạt làm gia vị.

(GS Phạm Hoàng Hộ gọi là Hoàng mộc gai)



3.4. Gia vị nguồn gốc động vật

Mắm các loại (làm từ cá, tôm, cua, cáy, rươi, tép v.v.) như mắm tôm, mắm tép, mắm tôm chua, mắm rươi, mắm cáy, mắm cua đồng, mắm bò hóc, mắm ba khía, mắm nêm…Các loại nước mắm làm từ cá (như cá cơm, cá thu, cá chẻm, cá đối, cá ngát v.v.). Có thể kể thêm tinh dầu cà cuống, mỡ lợn, bơ động vật, dầu hào v.v.

Trong bún thang, bún chả, bánh cuốn của Hà Nội thường có tinh dầu cà cuống . Cà cuống có ở khắp mọi vùng miền của cả nước, nhưng dường như nó chỉ khiến người dân vùng đồng bằng Bắc bộ mê mẩn với bánh cuốn, chả cá, bún thang… với mùi vị cay nồng của tinh dầu cà cuống. Cà cuống sinh trưởng ở dưới nước, tại các ruộng sâu, hồ ao, sông lạch. Mùa cà cuống vào tháng 10 âm lịch, sau vụ gặt lúa mùa. Cà cuống phàm ăn và ưa ánh sáng. Dựa vào đặc tính này, người ta chong đèn để dụ cà cuống bay tới, chúng thường kết thành từng đàn nên cuối buổi họ chỉ việc thu gom mang về. Trứng cà cuống thì được lượm trên các thân cỏ dưới nước. Cà cuống có nhiều trong ruộng nước; đó chỉ là một loài sâu tên khoa học là Lethocerus indicus, có khả năng tiết ra từ các túi dưới cánh một chất mùi rất cay.

Ca dao sau đây có nhắc đến cà cuống:

Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít bò ra chia phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích cởi trần, vác mỏ đi rao

Ca dao này nói lên khi người chết vừa nằm xuống, đã có dân làng rủ rê nhau tham dự để chia nhau ăn uống

3.5. Gia vị cũng biến thiên theo từng món và từng vùng

Miền Bắc có món Phở Bắc với nước dùng có nhiều gia vị như tiểu hồi, đại hồi, quế, tiêu v.v. Có khi, nước phở có cho vào đinh hương và tương (tương đen, tương đỏ).

Miền Tây Bắc Viet Nam, để làm món thịt trâu ngon, người ta phải lọc cẩn thận hết gân, lọc sạch bạc nhạc, sau đó thái miếng dọc thớ rồi ướp với hỗn hợp gia vị gồm sả, gừng, tỏi, ớt khô băm nhỏ, rồi để khoảng 2-3 tiếng, sau đó lấy que xiên và sấy trên than củi, để xa cho thịt chín từ từ, chín đều. Thịt được sấy cho đến khi vừa chín để không làm mất vị ngọt của thịt. Vị ngọt của thịt trâu đượm trong sự đậm đà của các gia vị tạo nên sức hấp dẫn cho đặc sản vùng cao.

Miền Trung có bún bò Huế mà nói đến món này là phải nhắc đến sả và ruốc. Sả được sử dụng rộng rãi như là một loại gia vị tại các nước châu Á. Nó có thể sấy khô và tán thành bột hay sử dụng ở dạng tươi sống. Phần thân cây là khá cứng để có thể ăn, ngoại trừ phân thân non và mềm bên trong. Tuy nhiên, người ta có thể thái nhỏ và thêm vào trong các gia vị. Sả nói chung được dùng trong các món cà ri. Nó cũng rất thích hợp cho các món chế biến từ thịt gia cầm, cá và hải sản

Đính kèm là bản đồ gia vị thực vật ông Chiêm Thành Long đã tìm tòi và ghi chú trên bản đồ:

+ Vùng Tây Bắc (Lào Cai, Điện Biên…): mắc khén, thảo quả, quế, rau mùi, ớt, tiêu.

+ Vùng Đông Bắc: hạt dổi, mát mật, sả, ớt, riềng, nghệ, gừng…

+ Hà Nội: thì là, lá xương sông, ngải cứu, riềng, nghệ, quả sấu, tai chua, tiêu, tỏi, ớt, sả, lá chanh…

+ Đồng bằng sông Hồng: lá lốt, quả mác cọp, quả chay, riềng, sả, ớt, tiêu…

+ Vùng biển phía Bắc: tiêu, sả, ớt, riềng, mẻ, mắm tôm, thì là, lá chanh, ngải cứu…

+ Tây nguyên: lá é, sả, gừng, muối, ớt…

+ Bắc Trung bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh…): tiêu, tỏi, mắm, muối, ớt, tương…

+ Nam Trung bộ (Huế, Đà Nẵng…): tỏi, gừng, riềng, tiêu…

+ Tây nguyên: tiêu rừng, tiêu lốt, gừng, nghệ…

+ Đông Nam bộ: tỏi, tiêu, gừng, sả, ớt, lá chúc, mắm, muối…

+ Tây Nam bộ: tỏi, tiêu, gừng, mắm, muối, nước mắm, chanh, ớt…

4. Lời kết

Nước Việt có môi trường tự nhiên rất đa dạng: từ miền non cao núi thẳm đến miền đồng bằng, quê hương em đất mặn đồng chua, do đó từ thực vật đến động vật trú ẩn trong đó cũng rất đa dạng và chứa nhiều thực vật (sả, gừng, tỏi, riềng, hành, ớt ..) cũng như động vật (ruốc ngoài biển, cá linh trong đồng ủ ra nước mắm v.v), tiền đề cho các gia vị đủ màu và đủ mùi vị khiến ẩm thực Việt có sức lan toả, nhất là sau 1975, với hàng hàng lớp lớp người Việt ra nước ngoài sinh sống nên ngày nay, nhiều người dân nước ngoài cũng nếm các gia vị ta thường gặp ở Viet Nam khi xưa.

T.Phước chuyển

Cây chôm chôm-Thái Công Tụng

Cây chôm chôm


Thái Công Tụng
September 4, 2020 VHR
NGUỒN




1.Dẫn nhập

Trong thời gian qua, nhất là kể từ đầu thập kỷ 90, diện tích rau, hoa, quả của Việt Nam phát triển nhanh chóng và ngày càng có tính chuyên canh cao. Riêng diện tích cây ăn quả cũng tăng nhanh trong thời gian gần đây: tại đồng bằng sông Cửu Long, với đất đai phì nhiêu, với nước tưới đầy đủ, với khí hậu nhiệt đới quanh năm nên ta gặp nhiều loài cây ăn quả như nhãn, xoài, đu đủ, cam quýt, sabô, vú sữa, mảng cầu , chôm chôm v.v. Hiện nay diện tích cây ăn quả toàn Viet Nam đạt trên 550 ngàn ha, trong đó, đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) là vùng cây ăn quả quan trọng nhất của Việt Nam chiếm trên 30% diện tích cây ăn quả của cả nước.Bài này chỉ trình bày về một cây ăn quả khá phổ thông tại đồng bằng sông Cửu Long: cây chôm chôm .Trong điều kiện bình thường cây cao khoảng 12-25m. Tán cây rộng khoảng 2/3 chiều cao, hình dạng thay đổi tùy theo giống trồng từ thẳng đến rủ xuống. Cây con mọc từ hạt thường có thân thẳng và nhánh mọc đầy.

2. Nói về cây chôm chôm

Cây chôm chôm có tên khoa học Nephelium lappacium L. và tiếng Pháp là rambutan là giống cây ăn quả nhiệt đới, họ Sapindaceae . Cây này trồng khởi nguyên ở Đông Nam Á. Ngày nay được trồng nhiều vùng nhiệt đới khác như Trung Mỹ, Hawaì, Úc châu . Chữ rambutan phát xuất từ tiếng Mã Lai rambut có nghĩa là ‘lông’, gợi hình loài quả chôm chôm có nhiều ‘lông’.


Cây chôm chôm thích ứng cho những vùng đất không ngập nước. Ở Việt Nam, chôm chôm được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam phần, sau đó là các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long…Bài ca Tinh đẹp mùa chôm chôm ghi nhận trái cây này:

Nhớ mùa chôm chôm trước
Mùa chôm chôm kỷ niệm
Biết bao nhiêu nồng thắm
Có một chàng thiếu niên

Nơi đô thành tím xuống Vĩnh Long thăm bạn hiền
Định mệnh xui khiến em
Sắp đặt chuyện tình cờ, chẳng hẹn mà nên thơ
Khi xe vừa đổ bến, cô em cười tươi thắm mời anh mua chôm chôm

Chôm chôm được trồng tập trung ở các tỉnh miền Nam Trung bộ của nước ta, với diện tích khoảng 14.200 ha, sản lượng xấp xỉ 100 ngàn tấn (chiếm 42% diện tích và 62% sản lượng chôm chôm cả nước). Các vùng đồng bằng châu Á nhiệt đới là nơi phù hợp cho việc trồng và phát triển cây chôm chôm. Ở Đông Nam Á, cây chôm chôm phân bố ở một số quốc gia như: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Philippines. Nhưng Thái Lan mới chính là nước sản xuất nhiều chôm chôm nhất với 588 ngàn tấn (55.5%), sau đó là Indonesia với 320 ngàn tấn (30.2%) và Mà lai Á với 126 ngàn tấn (12%). Cả 3 xứ này hợp lại đã cung cấp 97% của toàn trái chôm chôm trên toàn thế giới . Ở Thái Lan, tỉnh Surat Thani là tỉnh trồng chôm chôm nhiều nhất .

Người Hà Lan đem trồng chôm chôm vào Indonesia và cũng đưa giống chôm chôm trồng ở Suriname Nam Mỹ .

Chôm chôm là loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao (chứa nhiều vitamin C, giàu đạm, chất béo và các nguyên tố vi lượng như đồng, mangan, kali, canxi, sắt…) và trái chôm chôm còn được dung làm thuốc chữa bệnh.

Chôm chôm là loài cây có quả hoặc để ăn tươi, hoặc đóng hộp dưới nhiều hình thức, để dự trữ hoặc xuất khẩu. Cây và rễ chôm chôm cũng có thể dùng cho việc sản xuất dược phẩm và màu. Ở Việt Nam, người làm vườn chôm chôm có mức thu nhập tương đối cao so với các ngành trồng trọt khác.

Hoa chôm chôm . Hoa chôm chôm có hai loại là hoa đực và hoa lưỡng tính.

Hoa đực được tạo từ những cây đực (chiếm khoảng 40-60% ở những cây trồng bằng hạt). Hoa đực không có nhụy cái, mang 5-8 nhị đực với bao phấn chứa rất nhiều hạt phấn; không có bầu noãn do đó chỉ làm nhiệm vụ cung cấp hạt phấn cho hoa lưỡng tính. Hoa nở vào lúc sáng sớm sẽ hoàn tất sau 3 giờ trong điều kiện có nắng tốt. Hoa nở vào buổi chiều sẽ chấm dứt vào sáng hôm sau. Trung bình có 3.000 hoa đực trên một phát hoa (hình dưới). Mỗi hoa có trung bình 5.400 hạt phấn. Do đó, có khoảng 16 triệu hạt phấn trong một phát hoa


Phát hoa của cây chôm chôm và hoa đực

Hoa lưỡng tính có hai loại, hoa lưỡng tính nhưng làm chức năng của hoa đực và hoa lưỡng tính nhưng làm chức năng của hoa cái. Trung bình có khoảng 500 hoa lưỡng tính trên một phát hoa.

– ở hoa lưỡng tính đực có nhụy cái và nhị đực cùng phát triển. Nhị đực mang bao phấn chứa nhiều hạt phấn. Tuy nhiên, nhụy cái không có chức năng bình thường vì không mở hoàn toàn khi hoa nở nên việc thụ phấn bị trở ngại.

– ở hoa lưỡng tính cái , vòi nhụy cái phát triển tốt hơn và nhị đực thường bất thụ. Lúc hoa nở, nướm nhụy cái chẻ đôi vươn dài ra khỏi các lá đài bao ngoài và có khả năng nhận hạt phấn trong vòng 48 giờ. Hoa lưỡng tính cái nhận phấn trong ngày và trở thành màu nâu trong ngày hôm sau. Tuy nhiên, cũng giống như hoa đực, hoa lưỡng tính cái nhận phấn chủ yếu vào buổi sáng sớm


    

Hoa lưỡng tính đực và hoa lưỡng tính cái

Hạt chôm chôm chứa 35 – 40% chất dầu béo đặc, có cấu trúc của hạt ca cao, có mùi dễ chịu, gồm phần lớn là arachidin, cùng với olein và stearin. Vì hạt chôm chôm có thành phần dầu cao nên cũng được dùng để sản xuất dầu ăn hay xà phòng. Vỏ cây và quả xanh có chứa tanin, chữa ỉa chảy, kiết lỵ, sốt… . Hạt chôm chôm, còn gọi là thiều tử, vị ngọt, tính ấm, chứa nhiều chất béo không no, có tác dụng tiêu viêm kháng khuẩn, dùng chữa viêm niêm mạc miệng, kiết lỵ, hỗ trợ điều trị tiểu đường, các vết loét lâu ngày, điều chỉnh lipid máu, giảm béo và làm đẹp da. Ngoài ra, có thể dùng áo hạt để ăn vì nó rất bổ và có chức năng giải nhiệt .

Chôm chôm ngoài công dụng chữa bệnh và ăn tươi thì trái chôm chôm được cung cấp cho thị trường. Năng suất chôm chôm bình quân đạt khoảng 15 – 20 tấn/ha. Với giá chôm chôm hiện tại thì sau khi trừ chi phí phân, thuốc, công chăm sóc… lợi nhuận từ thu được từ chôm chôm là rất lớn.

3 . Vài giống chôm chôm trồng phổ biến

Chôm chôm có rất nhiều giống, tuy nhiên ở Việt Nam có ba giống chính: chôm chôm Java, chôm chôm Thái và chôm chôm nhãn.





3.1. Chôm chôm Java

Chôm chôm Java

Trồng phổ biến ở Bến Tre, Ðồng Nai, Vĩnh Long, . Ðặc tính chính là cùi không dính hạt (chôm chôm trốc) nhưng khi bóc ra, cùi lại dính với vỏ ngoài cuả hạt.

Giống được trồng từ lâu và rất phổ biến ở Nam bộ, chiếm 70% diện tích trồng chôm chôm. Đây là giống được xuất khẩu sang thị trường các nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia, …

Cây sinh trưởng mạnh, cành mọc dài. Lá to hơn giống chôm chôm Nhãn, màu xanh đậm mặt trên và mặt dưới màu xanh nhạt mặt dưới. Quả có dạnh hình trứng, trọng lượng quả 32-43g, vỏ quả màu vàng đỏ lúc vừa chín, màu đỏ sậm lúc chín. Râu quả màu vàng đỏ, dài 9-11mm. Cơm quả trắng trong, độ dầy cơm 7-9mm. ít trốc, nhiều nước, tỷ lệ cơm đạt 51,4%, độ brix 19-22%, vị ngọt thanh, quả có thể bảo quản được 12-14 ngày ở nhiệt độ 1- 120 C, ẩm độ không khí 85-90%.

Cây ghép cho trái sau 3 năm trồng. Cây dễ điều khiển ra hoa vụ nghịch, hoa rộ từ tháng 11-3dl và thu hoạch quả rộ từ tháng 5-tháng 6 dl (ĐBSCL) và tháng 6-8 dl (Đông Nam Bộ), tuy nhiên giống này được các nhà vườn điều khiển cho ra hoa rải rác các tháng trong năm nhờ kỹ thuật xiêt nước kết hơp đậy gốc. Giống cho năng suât cao, cây 4 năm tuổi có thể cho thu hoạch khoảng 40kg/cây/năm (ĐBSCL), cây trên 15 năm tuổi tại các tỉnh Đông Nam Bộ cho năng suất khoảng 300-400kg/ cây /năm

3.2. Chôm chôm Dona

– Tên thường gọi: Chôm chôm Rong riêng



– Tên tiếng Anh: “Dona” rambutan

Chôm chôm Dona (Rongrien)

Cây sinh trưởng khá mạnh. Quả hình trứng, trọng lượng 32-34g/quả, vỏ quả màu đỏ thẩm khi chín độ dầy vỏ quả 2mm. Râu quả dài, màu xanh khi trái chín.

Cơm quả màu trắng ngà, trốc tốt, độ dầy cơm 8,0-9,5 mm, ráo và dai, độ brix 22,5%, tỷ lệ cơm 53,1, vị rất ngọt ngon. Quả của giống này có thể tồn trữ 14 ngày ở nhiệt độ 12 độ C , ẩm độ không khí 85-90%.

Cây ghép cho trái sau trồng 3,5- 4,0 năm. Cây dễ điều khiển ra hoa vụ nghịch, hoa rộ từ tháng 12-3dl. Từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 115 ngày nên mùa thu hoạch quả rộ từ tháng 5- tháng 7 dl. Cây cho năng suât cao, cây 4 năm tuổi có thể cho thu hoạch khoảng 45kg/cây/năm.
3.3. Chôm chôm nhãn

-Tên thường gọi: Chôm chôm Nhãn hay Chôm chôm trái Ráp



Chôm chôm nhãn
-Tên tiếng Anh: “Nhan” rambutan

Quả nhỏ chỉ độ 15- 20g so với 30- 40g ở chôm chôm Giava. Gai ngắn, mã quả không đẹp, cùi khô, giòn, hương vị tốt, giá bán cao hơn so với chôm chôm Java. Tỉ lệ trồng còn rất thấp. Giống được trồng khá lâu nhưng mới được chú ý mở rộng diện tích trong những năm gần đây, do quả có phẩm chất ngon.

Cây sinh trưởng khá tốt, cành ngắn hơn Chôm chôm Java. Lá có kích thước nhỏ hơn so với giống Java và xanh nhạt hơn. Quả nhỏ hình cầu, trọng lượng 22-24g/quả, thường có rãnh dọc dài từ cuống đến đỉnh quả, độ dầy vỏ 2,8 mm, vỏ màu vàng đến vàng đỏ khi chín. Râu quả to, ngắn khoảng 5-7 mm, màu vàng đỏ. Cơm quả mỏng 7,6 mm, ráo, rất dòn, trốc tốt, độ brix cao (20,9%), tỷ lệ cơm 40,5%, mùi vị rất ngọt, thơm.

Cây ghép cho trái sau trồng 4 năm. Cây ra hoa tự nhiên vào tháng 11- tháng 5 dl, từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 120 ngày. Cây hơi khó xử lý ra hoa nghịch vụ, tỷ lệ cành ra hoa thấp. Năng suất thấp, cây 5 năm tuổi cho khoảng 10kg/ cây và 50-70 kg/ cây/ đối với cây 15 năm tuổi ở ĐBSCL và không ổn định so với giống Java.

3.4. Các giống chôm chôm khác

Ngoài 3 giống chôm chôm trên còn một giống chông chôm chôm đường, giống này ít phổ biến trên thị trường:

⦁ Chôm chôm đường

– Tên thường gọi: Chôm chôm Đường hay Chôm chôm Long Thành

– Tên tiếng Anh: “Đuong” rambutan


Giống này được trồng rải rác tại vùng Long Thành Tỉnh Đồng Nai. Giống này dễ nhận diện là quả có hình trứng hơi dài, trọng lượng quả 26 – 30g, vỏ quả có màu đỏ vàng đến đỏ sậm khi chín, râu quả nhỏ rất dài (11 – 13 mm), có màu vàng xanh, chót râu có màu. Nhược điểm của giống này là quả mau héo khi chuyên chở xa. Phẩm chất quả rất ngon, thịt quả, ráo, dòn, trốc rất tốt, độ dầy cơm 5,5 – 7,5 mm, tỷ lệ cơm quả 35-46%, độ brix 20-23%, vị ngon, rất ngọt.

Cây ghép 10 năm tuổi cho năng suất 100-150kg/cây/năm. Giống có đặc điểm là xử lý ra hoa dễ, ra hoa nhiều và đậu trái sai nên năng suất cao và ổn định.

Gần đây mới nhập một số giống chôm chôm của Thái Lan, Malaysia. Ðặc điểm của chôm chôm Thái Lan là lông màu xanh, quả màu đỏ, bên trong cùi tróc, không dính hạt, ngọt.

Quả (trái) chôm chôm

Trái mọc thành chùm màu đỏ, vàng hay vàng cam, đường kính 4-6 cm. Vỏ có nhiều lông nhọn, mềm, cong. Cơm thường dính vào hột, nhưng có cơm tách rời hột dễ dàng. Cơm dày, trắng trong, ít nước hơn vải, mùi vị ngon, hơi chua, trái chín trong khoảng 15-18 tuần sau khi kết quả. Chôm chôm có 2 mùa trái trong 1 năm .


Trái chôm chôm non
Trái chôm chôm còn xanh
Trái chôm chôm chín

Đối với cây trưởng thành có thể thu hoạch từ 5.000 đến 6.000 trái mỗi mùa (độ 60-70 kg). Bầu noãn của hoa chôm chôm có hai tâm bì (lá noãn), tuy nhiên thường chỉ có một tâm bì phát triển thành quả ( rất ít khi cả hai phát triển thành quả), thời gian phát triển thông thường từ 13 đến 16 tuần lễ. Tỉ lệ phần thịt quả tăng nhanh bắt đầu từ tuần thứ 9 tới tuần thứ 13, sau đó chậm hẳn cho tới lúc thu hoạch



Cây 3 năm tuổi: 15-20kg trái. Cây 6 năm tuổi: 10-100kg trái. Cây 9 năm tuổi: 55-200kg trái. Cây 12 năm tuổi: 85-300kg trái. Cây 21 năm tuổi: 300-400kg trái.
Thái Công Tụng

T.Phươc chuyển

dimanche 13 septembre 2020

DU LỊCH CANADA đến 10 Địa Điểm Nổi Tiếng và Đẹp Nhất Canada



VACA truyền hình thực tế tại 10 địa điểm nổi tiếng, đẹp và vui nhất tại Canada: Thành Phố Toronto, Thác Nước Vĩ Đại Niagara Falls, Thủ Đô Ottawa, Thành Phố Montreal, Đảo Newfoundland, Hẻm Băng Trôi, Thành Phố Quebec, Núi Đá Canadian Rockies, Vườn Quốc Gia Banff và Jasper, và Thành Phố Vancouver. Travel and Discover 10 most famous, beautiful and fun places in Canada: Toronto, Niagara Falls, Capital Ottawa, Montreal, Newfoundland, Icebergs Alley, Quebec, Canadian Rockies Mountain, National Park Banff, and Vancouver.

samedi 12 septembre 2020

VĂN HÓA ỨNG XỬ (của người Nhật)

 Image may contain: one or more people

Chuyện xảy ra trên một chuyến bay: Một người đàn ông Nhật đưa tro cốt của vợ về nơi an nghỉ cuối cùng ở quê nhà.

Người đàn ông ấy và vợ lấy nhau hơn 50 năm. Họ sinh sống ở Yokohama nhưng quê nhà của họ thì ở Saga, Kyushu. Khi vợ mất ông đã quyết định đem tro cốt của bà về với quê cha đất tổ. Ông biết việc vận chuyển tro cốt của người đã khuất phải làm thủ tục đặc biệt với hàng không. 

Ông bỏ hũ tro vào một cái hộp nhỏ rất chắc chắn và cũng rất xinh đẹp, và khi làm thủ tục ông cũng trình bày rất rõ ràng với nhân viên hàng không.. Ðội ngũ nhân viên sân bay đã đồng ý cho ông mang hộp đựng bình tro cốt lên máy bay, nhưng với điều kiện họ phải được phép giữ và bảo quản kỹ càng chiếc hộp trong suốt chuyến bay. Ông đồng ý ngay.

Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường cho đến khi ông ngồi xuống ghế của mình.

Một cô tiếp viên hàng không bỗng đi đến gần ông và hỏi một câu nhẹ nhàng

:- “Thưa ông, Chúng tôi đã sắp xếp một chỗ ngồi cho bà. Ông cho phép tôi chuyển bà ngồi cạnh ông nhé”.

Cô tiếp viên hỏi xong, trong lúc ông vẫn còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì cô tiếp viên đã nhẹ nhàng đặt chiếc hộp đựng hũ đựng tro cốt lên chiếc ghế cạnh ông. Cô còn nhẹ nhàng cài đặt dây an toàn cho cả chiếc hộp như cài dây cho một hành khách. Xong cô cúi đầu nói:

“Xin chào hai quý khách!”

.Hành động nhỏ mà vô cùng cao đẹp này của người tiếp viên và phi hành đoàn đã thắp sáng hạnh phúc tưởng chừng như tắt lụi của người đàn ông kia.

Vậy là ông vẫn còn được bay cùng bà chung 1 chuyến về thăm quê nhà.

Khi câu chuyện được chia sẻ, mọi người đều có ấn tượng tốt đẹp với cách sắp xếp và cư xử tâm lý của phi hành đoàn. Cư dân mạng không khỏi xúc động khi bình luận rằng:

– “Họ đã thật sự cho ông ấy một chuyến đi ý nghĩa nhất cuộc đời”

– “Tôi thật sự không thể cầm được nước mắt khi đọc câu chuyện này”

– “Nước mắt của tôi sao nó cứ rơi, nhưng không phải vì buồn mà vì hạnh phúc thay cho ông ấy”.


Trần Văn Thu

Bài thơ trên mộ của Hemingway

 Trần Mộng Tú

Hầu như người Mỹ nào ít nhất cũng một lần nghe hay nói đến tên ông, Ernest Hemingway, nhà văn người Mỹ nổi tiếng đoạt giải Nobel văn chương năm 1954. Là một người thành công trên sự nghiệp nhưng đời sống cá nhân không lấy gì làm vui: bốn lần lập gia đình, ba lần ly hôn. Ông sinh trưởng trong một gia đình mang bệnh trầm cảm di truyền và còn mang luôn truyền thống “tự tử.” Cha, hai người chị, cháu nội của ông và bản thân ông, đều chết bằng cách tự giết mình. Ernest Hemingway, trong những năm cuối của đời mình, với sự suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần: bị phỏng nặng trong hai tai nạn xe cộ, bị bệnh gan, bệnh tim, bệnh phổi và nghiện rượu, bệnh trầm cảm (depression), ông tự tử bằng cách bắn vào miệng, ba tuần lễ trước sinh nhật thứ sáu mươi hai của mình. 

Ông bắt đầu sự nghiệp viết báo từ năm 17 tuổi. Thời  Đệ Nhất Thế Chiến, ông ở trong quân đội, là tài xế xe cứu thương ở mặt trận Ý. Khi về lại Mỹ ông làm việc cho báo Canadian American. Khi phong trào Greek Revolution xảy ra, ông được gửi lại sang Âu Châu để làm phóng sự. Ông dùng những kinh nghiệm quân đội làm nền tảng cho những tác phẩm của mình. Ở tuổi 25 ông đã nổi tiếng với The Sun Also Rises (1926). Sau đó, những tác phẩm xuất sắc lần lượt ra đời như: A Farewell to Arms (1929), For Whom The Bell Tolls (1940)… Tác phẩm đặc sắc nhất là truyện vừa: The Old Man and the Sea, viết năm 1952, năm sau đoạt giải Pulitzer. Hemingway đoạt giải Nobel Văn Chương, 1954. 

 

Những bài phóng sự, truyện dài, truyện ngắn, nổi tiếng của người đàn ông tài hoa này, nếu đem cộng lại có cả hàng ngàn, ngàn trang giấy. Chắc chắn, ông yêu các tác phẩm của mình, những nhân vật trong truyện, những đối thoại chuyên chở tư tưởng của mình. Cá, …..Ta sẽ đương đầu với mi cho đến chết.” *, ngư ông nói với cá như vậy sau bao nhiêu tiếng vật lộn với cá hay tác giả nói với chính cuộc sống mình?  Những nhân vật tiểu thuyết của ông đều mang chính ông trong đó. Nhân vật Frederic Henry trong A Farewell to Arms, cũng là một trung uý lái xe Ambulance như ông từng đảm nhiệm trong quân đội. Frederic đã yêu, đã chiến đấu như chính ông đã yêu, đã chiến đấu. Nơi chiến trường không có Thượng Đế kiểm soát con người, không công lý, không đạo lý, cứ chém, giết, thế thôi. 


Trong For Whom the Bell Tolls, nhân vật Robert Jordan đi đặt chất nổ đánh sập cầu, loay hoay mãi với ý định có nên tự tử không nếu bị bắt, cũng dựa trên kinh nghiệm của Ernest Hemingway khi ông ở trong quân đội. Hai mươi năm sau ông áp dụng cho chính mình: tự tử. 

 

Nhà văn đã gửi tất cả kinh nghiệm sống của mình từ năm 17 tuổi vào trong những tác phẩm của mình, nên tiểu thuyết của ông rất “thật”. Bao nhiêu tinh hoa, tài năng cũng như cay đắng của ông rải rác gửi vào những nhân vật tiểu thuyết. Cuối cùng ông thoát ra ngoài những nhân vật của mình bằng cách tự kết liễu đời mình. 

 

Người ta nói những “nhà văn lớn” họ không bao giờ hài lòng với chính mình, giấc mơ của họ luôn luôn vượt trên tài trí họ, càng nổi tiếng càng thấy trống rỗng, càng thấy cái hào quang mình đuổi theo chỉ là ảo ảnh. 

Những tác phẩm của họ thiên hạ trân quý, thực ra chưa đúng với tiêu chuẩn chính họ kỳ vọng ở mình. Họ thất vọng và họ tự hủy mình. 

Yasunari Kawabata, nhà văn đầu tiên của Nhật đoạt giải Nobel văn chương, nổi tiếng với những tác phẩm: Tiếng Rền Của Núi (The sound of The Mountain), Đẹp và Buồn (Beauty and Sadness) Ngàn Cánh Hạc (Thousand Cranes)… cũng có giả thuyết ông tự kết liễu đời mình bằng hơi ngạt (gas) ở tuổi 71. 

 

Nhắc đến Ernest Hemingway, mọi người hầu như chỉ nhắc đến những tác phẩm văn xuôi đã tạo nên tên tuổi của ông. Người ta không biết rằng, song song với những tác phẩm “nặng kí”,  ông còn làm thơ, và làm thơ khá nhiều.  

Bài thơ ông viết “Điếu” một người bạn, (Gene Van Guilder) chỉ có sáu dòng ngắn nhưng nói lên được điều mơ ước giản dị nhất của lòng ông. Viết cho bạn cũng là viết cho chính mình. Bài thơ ngắn này đã được khắc trên bia mộ ông trong nghĩa trang, nằm ở cuối phía bắc, thành phố Ketchum thuộc bang Idaho, là nơi cư ngụ cuối cùng của ông. 

                    

Best of all he loved the fall

The leaves yellow on the cottonwoods 

Leaves floating on the trout streams 

And above the hills 

The high blue windless skies 

Now he will be a part of them forever 

 

                           Chàng yêu nhất mùa thu  

                           Những chiếc lá vàng trên cây bông gạo 

                           Những chiếc lá bập bềnh trong dòng suối cá hương 

                           Yêu những mảnh trời cao xanh lặng gió 

                           Mãi trên cao trên tít những ngọn đồi 

                           Giờ đây chàng là một phần của tất cả đến muôn đời 

 

  Mùa thu, mùa ông thú nhận là mình yêu nhất: Best of all he loved the fall. Chàng đứng đó với những cây bông gạo đang nhuộm vàng những chiếc lá, những con suối chàng vẫn câu cá hương, ở đó bây giờ đang trôi bập bềnh những chiếc lá thu, những mảnh trời xanh trong vắt vút trên cao, tắp tít vắt ngang những ngọn đồi, nơi trái tim mơ mộng của chàng hay gửi tới. Nếu một ngày nào đó, chàng nằm xuống như người bạn chàng nằm xuống hôm nay thì chàng sẽ ao ước điều gì? 

 

Khi nằm xuống thân thể chàng thoát ra khỏi những đau đớn của bệnh tật, trí óc chàng bay bổng trên cao, nó không kéo chàng vào cái thế giới hoảng loạn nữa. Trong dịu dàng của đất, chàng mềm mại ra, chàng tan từ từ, chàng là lá vàng, là cây bông gạo, là suối, là cá hương, là ngọn đồi, là những mảnh trời xanh lặng gió. Hay cũng chính trong dịu dàng của đất, tất cả những thứ đó tan ra thành chàng. Giờ đây chàng là một phần của tất cả đến muôn đời. 

 

Hình như Thơ  bao giờ cũng là nơi tâm hồn người ta tìm đến cuối cùng. 

 

Trần Mộng Tú 


Kỳ án ấn và kiếm tại lễ thoái vị của vua Bảo Đại (Kỳ 1+2)

Kỳ án ấn và kiếm tại lễ thoái vị của vua Bảo Đại (Kỳ 1)

02/09/2020




“Ấn kiếm của vua Bảo Đại bàn giao lại cho chính quyền Cách mạng trong buổi lễ thoái vị 30/8/1945” – Chú thích của Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, 8/2020.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Trong những ngày này tại Hà Nội, Viện bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam mở triển lãm “Cách mạng tháng Tám - Mốc son lịch sử” với hơn 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật về sự kiện diễn ra cách đây tròn 75 năm dẫn tới thiết lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nền Cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam.

Trong số các ảnh trưng bày có bức “Ấn kiếm của vua Bảo Đại bàn giao lại cho chính quyền Cách mạng trong buổi lễ thoái vị 30/8/1945”. Bức ảnh cho thấy một nhóm quân nhân với mũ ca lô, quân hàm, quân hiệu, giây biểu chương, thắt lưng da trắng, súng tiểu liên, một người bưng một khay đựng một ấn bằng vàng, thường gọi là "kim bửu tỷ" hay "kim tỷ", một người khác hai tay nâng một thanh kiếm. Đây hai vật tượng trưng cho vương quyền của Nhà Nguyễn (1).

Thế nhưng tôi khẳng định rằng đây không phải là ảnh chụp tại lễ thoái vị của vua Bảo Đại được tổ chức theo yêu cầu của đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Phó Chủ tịch Chính phủ Trần Huy Liệu và Bộ trưởng không bộ Cù Huy Cận, cha tôi, sự kiện diễn ra tại lầu Ngũ Phụng phía trên Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng thành Huế.

Trước hết, mũ ca lô, quân hàm, quân hiệu, giây biểu chương, thắt lưng da trắng, súng tiểu liên mà các quân nhân mang trên người không phải là trang phục và vũ khí của quân đội Nhà Nguyễn nói chung, quân đội dưới triều Bảo Đại nói riêng.

Tiếp theo, có một bức ảnh khác trên internet thể hiện các quân nhân nói trên, với kiến trúc phía sau không phải của Hoàng thành Huế, mà là khán đài của Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.


Ấn kiếm của vua Bảo Đại tại lễ thoái vị 30/8/1945.

Vậy các bức ảnh trên được chụp trong khung cảnh nào?

Nhằm đối phó với ảnh hưởng chính trị không ngừng tăng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Việt Minh do người cộng sản Hồ Chí Minh lãnh đạo cũng như tranh thủ viện trợ quân sự của Mỹ trong bối cảnh quân viễn chinh Pháp ngày càng đuối sức trong cuộc tái chiếm Việt Nam, Pháp buộc phải tính lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp do Bảo Đại đứng đầu, được gọi là “giải pháp Bảo Đại”. Ngày 8/3/1949, tại Paris, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại ký Hiệp định Élysée thành lập Quốc gia Việt Nam. Ngày 24/4/1949, Bảo Đại từ Pháp về nước. Gần hai tháng sau, vào ngày 14/6, Bảo Đại ra tuyên bố chấp chính. Trong hồi ký chính trị “Con Rồng Việt Nam” (2), Cựu hoàng nhớ lại: “Tôi ra một sắc lệnh tự đảm nhiệm làm Quốc trưởng…Để có tư thế trước bình diện quốc tế , một thông điệp nhấn mạnh rằng chức vụ của tôi được gọi là “Hoàng đế, Quốc trưởng”. Vị trí này cũng có giá trị cho đến lúc mà đất nước có được một quốc hội lập hiến”.

Ngày 28.2.1952, theo loan báo của tướng Pháp François Jean Antonin Gonzalez de Linares, trong khi đào đất để xây đồn bốt ở Nghĩa Đô thuộc ngoại thành Hà Nội, lính Pháp thấy một thùng dầu hỏa 20 lít bằng sắt tây bên trong có một ấn vàng và một thanh kiếm bị gẫy đôi. Mười ngày sau, ngày 8/3/1952, tròn ba năm sau Hiệp định Élysée, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Tướng François Jean Antonin Gonzalez de Linarès long trọng tổ chức lễ trao lại cặp ấn, kiếm cho Bảo Đại trong cương vị Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Vậy là rõ, bức ảnh các quân nhân người Việt nâng ấn và kiếm mà Viện bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đang trưng bày là được chụp tại lễ này cũng như các quân nhân này thuộc Ngự lâm quân của Bảo Đại.

Mộng Điệp, thứ phi của Bảo Đại, thuật lại chuyện này với Nguyễn Đắc Xuân vào năm 1996 khi nhà nghiên cứu này “qua Pháp tìm Huế xưa”. Bà kể: “Họ trả lại ấn, kiếm cho nhà Nguyễn nhưng ông Bảo Đại lúc ấy đang nghỉ mát ở bên Tây, không ai đủ tư cách để nhận lại cả. Ông Lê Thanh Cảnh làm việc cho Pháp thấy thế gọi dây nói lên Buôn Mê Thuột gặp tôi. Nhưng tôi chưa thấy những báu vật ấy bao giờ, không biết có đúng hai cái ấn kiếm mà ông Bảo Đại đã trao cho ông Trần Huy Liệu năm 1945 hay không (!). Tôi phân vân nên đã mời Đức Từ Cung ở Huế đi tàu bay lên. Hôm đón ấn kiếm, Đức Từ Cung bắt phải đặt lên một cái bàn ở sân bay Buôn Mê Thuột, phủ khăn đỏ, lạy ấn và kiếm năm lạy rồi mới được phép đưa về Dinh”.”Chính tay tôi đã lau chùi cặp ấn kiếm khi ông Lê Thanh Cảnh đi tàu bay từ Hà Nội đem lên Ban Mê Thuột giao cho tôi – bà nhấn mạnh. Cái kiếm bị gãy làm đôi. Tôi nhờ hai người hầu cận là anh Tứ Lang và anh Thừa Tể đi hàn lại. Hai anh đem cái kiếm đi hàn rồi nhờ người ta mài để không còn thấy dấu vết gãy. Còn cái ấn bằng vàng, chính tay tôi cân nặng 12,9 kg. Cái núm ấn hình con rồng. Con rồng uốn cong và ngóc đầu lên. Con rồng không được sắc sảo lắm, có đính hai hạt ngọc đỏ, trông giống như con rắn”.

Mộng Điệp kể tiếp: “Sau đó ông Bảo Đại về, tôi nói: “Ấn kiếm Ngài đã trao cho phái đoàn ông Trần Huy Liệu, không hiểu sao lại rơi vào tay người Pháp. Vừa rồi họ gọi trả lại cho Ngài”. Ông Bảo Đại đến giật cái khăn đỏ ra và bảo: “Ờ! Đúng rồi.. Ngày xưa những thứ nầy ra đi nó cứu mạng anh. Bây giờ tự nhiên nó lại về có lẽ mình sắp chết rồi!”. Tôi nói:” Sao lại chết? Đáng lẽ Ngài mừng mới phải?”. Ông nói đùa với tôi: “Mừng vì nó gần 13 ký lô vàng chứ gì? Bởi thế em mới cho người canh gác cẩn thận!”.

Vẫn theo bà thứ phi này, năm 1953 chiến tranh trở nên ác liệt, Bảo Đại không dám đem ấn và kiếm về Huế. “Cuối cùng ông viết giấy giao cho tôi mang sang Pháp cùng với một số tư trang. Sau đó tôi giao hai báu vật ấy lại cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng tử Bảo Long. Khi tôi đem sang giao có mặt các ông Nguyễn Đệ, Nguyễn Duy Quang, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Bích (con ông Phạm Quỳnh). Bốn người bưng hai cái ấn kiếm lên và giúp bà Nam Phương đưa vào tủ sắt”(3).

Trở lại lời kể của Mộng Điệp, có một chi tiết mà theo tôi là không chính xác. Đó là “Họ (Pháp) trả lại ấn kiếm cho nhà Nguyễn nhưng ông Bảo Đại lúc ấy đang nghỉ mát ở bên Tây” trong khi trên thực tế vào thời điểm tháng 3/1952 Bảo Đại vẫn ở Việt Nam. Thực vậy, “Con Rồng Việt Nam” cho biết Bảo Đại sang Pháp ngày 20/6/1950 để theo dõi Hội nghị Pau bàn về chuyển giao các chức năng quản lý xuất nhập cảnh, quan hệ ngoại giao, ngoại thương, hải quan và tài chính từ Phăp cho Quốc gia Việt Nam theo Hiệp định Élysée và trở về Việt Nam vào ngày 20/10 cùng năm. Cụ thể, Bảo Đại trở về Đà Lạt nơi ông chọn làm tổng hành dinh sau khi về nước năm 1949 bởi Pháp từ chối trao lại Dinh Norodom, nơi làm việc và ở của Thống đốc Nam Kỳ và cũng là biểu trưng cai trị thực dân sau khi Pháp tái chiếm Việt Nam. Gần một tháng sau, Bảo Đại đi thăm Buôn Mê Thuột. Ông viết: “Tôi đến Buôn Mê Thuột ở mấy ngày, và có ý định lập ở đây một biệt điện thứ hai”. “Ngày 3 tháng 3 (1952) – ông viết tiếp - tôi bổ nhiệm Nguyễn Văn Hinh làm Thiếu tướng, Tham mưu trưởng quân đội Việt Nam. Cũng trong thời gian ấy, tôi đặt ra bốn quân khu. Về sư đoàn thứ tư quân thổ, phụ trách giữ an ninh cho vùng cao nguyên, đã được thành lập xong và đặt bản doanh ở Buôn Mê Thuột…Trong dịp này tôi tiếp tướng Salan tại Buôn Mê Thuột”. Bất luận thế nào, hồi ký của Cựu hoàng cho thấy ông chỉ trở lại Pháp vào ngày 7/8/1952 để chữa bệnh.

Đến đây một câu hỏi được đặt ra là tại sao người đi nhận ấn và kiếm tại sân bay Buôn Mê Thuột là thứ phi của Bảo Đại chứ không phải chính Cựu hoàng đang có mặt tại cao nguyên Trung phần.

Không nghi ngờ gì nữa, việc Bảo Đại thiết lập biệt điện thứ hai tại Buôn Mê Thuột là để ông có “khoảng trời riêng” với Mộng Điệp vì biệt điện tại Đà Lạt đã là nơi ở của Nam Phương Hoàng Hậu (tên con gái là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan) và các con. Điều này lý giải vì sao Mộng Điệp có mặt tại Buôn Mê Thuột. Đi nhận lại ấn và kiếm tại sân bay, chắc chắn thể diện nguyên thủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại đã không cho phép ông làm như vậy. Đó là chưa nói rất có thể Bảo Đại không muốn bị chơi khăm nếu đó không phải ấn và kiếm đích thực của Nhà Nguyễn. Với các lý do trên Bảo Đại hẳn đã ủy quyền cho thứ phi của mình tiếp nhận hai quốc bảo này. Đến lượt mình, do không chắc đó thật là ấn và kiếm của Nhà Nguyễn vì chưa một lần tận mắt thấy, Mộng Điệp đã mời Đức Từ Cung, mẹ Bảo Đại, lên Buôn Mê Thuột để làm cái công việc mà ngày nay gọi là “giám định”.

Năm 1980, khi xuất bản Le Dragon d’ Annam (Con Rồng Việt Nam – tiếng Pháp), Bảo Đại yêu cầu Bảo Long (Nam Phương Hoàng hậu đã mất 17 năm trước, vào năm 1963) cho mượn cái ấn để làm vi-nhét đặt vào cuối các chương của cuốn hồi ký nhưng Bảo Long không chịu. Sau khi tái kết hôn với Monique Baudot vào năm 1982, Bảo Đại kiện Bảo Long ra tòa để đòi lại ấn và kiếm. Toà xử Bảo Đại được giữ ấn và Bảo Long được giữ kiếm (4).

Ấn mà Bảo Đại giữ mặt dưới khắc 皇帝之寶 - Hoàng Đế Chi Bảo kiểu chữ triện, mặt trên hai bên núm hình con rồng khắc “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Ấn được thực hiện vào giờ tốt ngày mùng 4 tháng 2 Minh Mạng thứ IV (15/3/1823) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” (Ấn đúc bằng vàng 10 tuổi nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân (tượng đương 10,5345kg) kiểu chữ khải.


Ấn Hoàng Đế Chi Bảo. (Hình: Trên VnExpress, do Tiến sĩ Sử học Phan Thanh Hải cung cấp)

Thanh kiếm mà Bảo Long giữ có vỏ bọc vàng, chuôi bằng ngọc thạch, có khắc hai dòng chữ “Khải Định niên chế” (Chế vào thời Khải Định) và “Trọng kim tứ lạng thập thất phân” (hàm lượng vàng gồm 4 lạng 7 chỉ 17 phân - tương đương 178,125g vàng).

Theo danh mục các ấn Nhà Nguyễn bảo quản tại điện Càn Thành do Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương Paul Boudet lập ra sau khi được Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh, với sự đồng ý của vua Bảo Đại, cho xem thì có 46 chiếc. Còn trong danh mục Kim bảo tỷ triều Nguyễn hiện do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam bảo quản chỉ có 44 chiếc. Nếu kể cả ấn "Hoàng hậu Chi Bửu" của Nam Phương Hoàng hậu bị kẻ gian lấy trộm từ Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam và sau đó cắt nhỏ để tiêu thụ vào năm 1961 (5) thì số lượng ấn Nhà Nguyễn do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiếp đó Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sở hữu và quản lý là 45, tức chỉ kém có một ấn so với danh sách của Paul Boudet.

Việc không có bất cứ ấn và kiếm nào được Nhà nước Việt Nam trưng bày như là vật chứng có một không hai của lễ thoái vị của vua Bảo Đại rõ ràng là một sự thừa nhận chính quyền này đã để thất lạc ấn và kiếm mà ông vua cuối cùng của Nhà Nguyễn trao cho đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do đó về nguyên tắc, “Hoàng Đế Chi Bảo” và thanh kiếm được tìm thấy cùng với nó phải là cặp ấn, kiếm hiện diện tại sự kiện lịch sử đó. Vậy hồi ức của bên thoái vị và bên tiếp nhận thoái vị hay những “người trong cuộc” và các nhân chứng khác có thuận cho việc xóa bỏ khoảng cách giữa nguyên tắc và cái có thật?

(Còn tiếp)

Chú thích:
Cách mạng tháng Tám - Mốc son lịch sử, Dân trí 19/08/2020”
Con Rồng Việt Nam, Bảo Đại, Nguyễn Phước tộc xuất bản 1990, (dịch từ Le dragon d'Annam, Bao Dai, Plon, 1980).
Cặp ấn kiếm của vua Bảo Đại giờ ở đâu? Tiền phong 03/09/2015
Khám phá vụ trộm ấn vàng tại bảo tàng lịch sử năm 1962”, An ninh thế giới, 05/09/2007”.
Sau khi Bảo Đại qua đời vào năm 1997, “Hoàng Đế Chi Bảo” nằm trong tay Monique Baudot. Còn thanh kiếm, có thông tin Bảo Long đã bán.

Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.

*****************************************************
Kỳ 2

 

“An Dân Bảo Kiếm” của vua Khải Định trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, 2014. (Hình: Phạm Cao Phong, đăng trên BBC)

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ


Trong Con Rồng Việt Nam, Bảo Đại viết về việc trao ấn và kiếm cho Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như sau: “Trong một bầu không khí bực dọc, tôi trao nhanh ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho Trần Huy Liệu, mà chính ông ta cũng có cảm tưởng như tự trên mây mà lại…Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tiễn tôi phía sau”. Việc Cựu hoàng không mô tả ấn và kiếm là hoàn toàn dễ hiểu vì mối bận tâm của bậc quân vương là quyền bính quốc gia chứ không phải tài sản cụ thể. Thực vậy, nắm được vương quyền là có hết. Ngược lại, Phạm Khắc Hòe, Ngự tiền Văn phòng Đổng lý của Bảo Đại, người đã tham gia vận động ông thoái vị cũng như là người đã chuẩn bị ấn, kiếm cho lễ thoái vị và sau này phụ trách kiểm kê tài sản của hoàng gia để giao lại cho chính quyền mới, đi vào chi tiết của những quốc bảo ấy trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc. Ông Hòe viết: “Tiếng súng lệnh chấm dứt. Bảo Đại hai tay đưa lên trao cho ông Trưởng đoàn Đại biểu chính phủ quốc ấn bằng vàng nặng gần mười ki lô gam và chiếc quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng nạm ngọc.” (1).

Về phía tiếp nhận thoái vị, Trưởng đoàn Trần Huy Liệu viết trong Hồi ký (2) như sau: ”Bảo Đại chít khăn vàng, mặc Hoàng bào đứng chực sẵn ở cửa. Phái đoàn bước lên Ngọ Môn, dân chúng hoan hô sôi nổi. Đến lượt Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Đọc xong, Bảo Đại hai tay dâng chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn hình vuông. Tôi thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận hai vật tượng trưng cho chế độ phong kiến… Khi tiếp nhận thanh kiếm của Bảo Đại dâng lên thì không có gì đáng kể. Nhưng khi tiếp nhận chiếc ấn vàng, tôi đã phải chịu đựng sức nặng bất ngờ của chiếc ấn. Chiếc ấn nặng tới 7 ký-lô-gam vàng! Thú thật với các bạn, khi giơ hai tay đỡ chiếc ấn, tôi có ngờ đâu nó nặng đến thế nên không chuẩn bị tư thế từ trước. Tuy vậy, khi chiếc ấn nặng trĩu đã nằm trong tay tôi, tôi phải cố gắng vận dụng hết sức bình sinh để chống đỡ, không để nó trĩu xuống, nhất là đừng để người tôi khỏi nghiêng ngả, vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu, mà là tư thế của một vị đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương làm một việc rất quan trọng trong giờ phút lịch sử. Cũng may là tôi đã làm tròn trách nhiệm ‘nặng nề' ấy”.


Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Trần Huy Liệu (phải) nhận kiếm từ vua Bảo Đại tại lễ thoái vị, chiều 30.8.1945. Nguồn: Lưu trữ Cộng hòa Pháp.

Về phần mình, trong Hồi ký Song Đôi, Huy Cận nhớ lại: “Bảo Đại trao quốc ấn bằng vàng, đúc từ đời Minh Mạng, nặng gần 10kg và quốc kiếm, vỏ bằng vàng nạm ngọc nhưng lưỡi đã gỉ. Anh Liệu chuyển lại cho tôi và các đồng chí trong Uỷ ban nhân dân cách mạng ấn và kiếm rồi đọc bản tuyên bố của đoàn đại biểu của Chính phủ lâm thời” (3).

Trong một dịp khác, Huy Cận thuật tỷ mỷ hơn về hai vật biểu trưng cho vương quyền ấy: “Sau khi Bảo Đại đọc lời tuyên bố thoái vị, tới nghi thức trao ấn kiếm. Chiếc kim ấn truyền quốc làm bằng vàng ròng, nặng dễ đến ngót 10 kilôgam, anh Trần Huy Liệu vốn sức yếu phải gồng lên mới cầm nổi, còn tôi dĩ nhiên với cái tuổi 26 thì mươi cân cũng nhẹ nhàng thôi. Thú vị nhất là khi cầm cây kiếm, thấy vỏ ngoài dát vàng nạm ngọc rất đẹp, tôi thuận tay rút kiếm ra xem, ai dè bên trong lưỡi kiếm đã bị rỉ, tôi hồn nhiên nói ngay vào micro: “Thưa đồng bào, kiếm nhà vua rỉ hết rồi !…” Mọi người cười ồ. Bảo Đại cũng cười. Ông ta nói: “Thưa phái đoàn, từ nay tôi là một người dân bình thường của nước độc lập, xin phái đoàn cho tôi một vật gì để kỷ niệm cái ngày này”. Ý kiến bất ngờ. Chúng tôi hội ý và tôi nhanh tay rút chiếc huy hiệu cờ đỏ sao vàng mà Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên Huế tặng các thành viên của phái đoàn và cài lên ngực Bảo Đại, đoạn nói to: “Xin đồng bào hoan nghênh công dân Vĩnh Thụy”. Nhiều tiếng vỗ tay vang lên. Bảo Đại thực sự cảm động và lặng lẽ rút lui” (4).

Vẫn theo Huy Cận, tại buổi hội kiến với ông Trần Huy Liệu và ông tại điện Kiến Trung chiều 29/8/1945 Hoàng đế Bảo Đại không chỉ đồng ý tổ chức lễ thoái vị vào ngày 30/8 mà còn thống nhất chuyển giao toàn bộ tài sản quý giá của vương triều cho chính quyền cách mạng, chỉ yêu cầu được giữ lại cung An Định (là cung điện riêng do vua Khải Định xây dựng bên bờ sông An Cựu) và các lăng tẩm của tổ tiên. Chính vì vậy sau lễ thoái vị, phái đoàn của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho chuyển gần 3.000 món bảo vật (ấn tín bằng vàng, bạc, ngọc ngà, cổ vật quý giá, tặng phẩm ngoại giao…) ra miền Bắc (5).


Nhà thơ Huy Cận (đứng) kể chuyện nhận thoái vị của vua Bảo Đại, Hoàng thành Huế, năm 2000. (Hình: Trên VnExpress, do TS sử học Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố Đô Huế, cung cấp)

Nguyễn Hữu Đang là một nhân chứng quan trọng khác của cặp ấn, kiếm lịch sử ấy. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập 2/9/1945 trong đó có việc dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Trong hồi ký Ấn kiếm vương quyền nhà Nguyễn trên lễ đài ngày Độc lập (6), Nguyễn Hữu Đang kể: "Trở về phòng thường trực Ban Tổ chức, tôi yêu cầu Trần Lê Nghĩa, cũng là Phó Ban Tổ chức sửa soạn ngay một chiếc bàn con kiểu trang nhã có kèm theo một khăn phủ bằng nỉ hay lụa màu xanh lá cây và dặn: "Ấn, kiếm sẽ để trên bàn ấy kê trước mặt Cụ Hồ”. Ông mô tả: “Lưỡi kiếm cũng bằng vàng như vỏ kiếm nhưng dày hơn, chỉ ngắn bằng hai phần ba vỏ kiếm, chỗ bản rộng nhất độ hai phân, vuốt nhọn như lá lúa. Vỏ kiếm chạm nổi tỉ mỉ…Còn ấn, theo một nhà nghiên cứu sử, nó được đúc vào quãng năm 1744, Đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trên ấn hình vuông (núm to cũng hình vuông) Nguyễn Phúc Khoát cho khắc bốn chữ Hán “Vương Quốc Chi Ấn"

Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập kể tiếp: "Đến lượt Trần Huy Liệu báo cáo. Tôi đứng sẵn trên chiếc bàn con để ấn, kiếm. Ông Liệu nói đến chỗ Bảo Đại trân trọng nộp ấn, kiếm, tôi sẽ bấm cánh tay ông để ông tạm ngừng lại. Rồi tôi, tay phải cầm lấy thanh kiếm, tay trái thản nhiên dùng năm đầu ngón tay nhón cái núm chiếc ấn, định cứ thế cùng một lúc giơ cả hai thứ lên cao để đồng bào thấy. Chẳng ngờ thanh kiếm tương đối nhẹ, một tay tôi thừa sức điều khiển, còn chiếc ấn bướng bỉnh cứ ỳ ra, không nhúc nhích – nó nhỏ thôi mà sao nặng quá thế! (sau này tôi mới biết nó nặng trên 5 kilôgam). Tôi vội buông thanh kiếm, dùng cả hai tay lấy hết sức lôi chiếc ấn lên cách mặt bàn độ ba mươi phân, luồn tay phải xuống phía dưới, lựa cho nó nằm trên cùi bàn tay để ngửa rồi cúi mình co cánh tay từ từ nâng thẳng nó lên như lực sĩ cử tạ. Trong khi tay trái với thanh kiếm giơ lên ngang chiếc ấn… Tôi cố đứng vững, hai tay dựng thẳng như thế bốn năm phút liền”.

Và đây là điều bất ngờ trong bài viết trên của Nguyễn Hữu Đang: “Trần Huy Liệu báo cáo xong, tôi vẫn đứng cạnh micrô để tiếp tục điều hành buổi lễ. Quay về phía Nguyễn Lương Bằng, đại diện Tổng bộ Việt Minh ngồi ở hàng ghế đầu, tôi sẽ cúi đầu, lùi lại một bước để nhường chỗ, tỏ ý mời ông đến phát biểu ý kiến như đã ghi trong chương trình. Bỗng Cụ Hồ đứng phắt dậy, nhanh nhẹn cầm lấy thanh kiếm, thong thả bước tới micrô, rút mạnh lưỡi kiếm ra khỏi vỏ rồi vừa giơ nó lên cao hết tầm tay, vừa thét lớn đến làm rung động không gian quảng trường, chậm rãi dằn từng tiếng: “Thanh kiếm này là để chặt đầu những tên phản quốc".

Từ những hồi ức và hồi ký trên của các nhân chứng hàng đầu, tôi rút ra những nhận định sau đây.

Một là, mô tả của Huy Cận theo đó “quốc ấn bằng vàng, đúc từ đời Minh Mạng” khớp với nguồn gốc của “Hoàng Đế Chi Bảo”. Cũng cần nói thêm rằng “Vương Quốc Chi Ấn", mà theo Nguyễn Hữu Đang được Chúa Nguyễn Phúc Khoát cho đúc vào quãng năm 1744, đương nhiên không phải là ấn của Triều Nguyễn (bắt đầu năm 1802 với việc Chúa Nguyễn Phúc Anh lên ngôi Hoàng đế, lấy Gia Long làm niên hiệu) và do đó không thể được Bảo Đại sử dụng để đóng lên các văn bản của bản thân trong tư cách Hoàng đế Đại Nam (1825 -1945) và tiếp đó Hoàng đế Đế quốc Việt Nam (1945).

Hai là, trọng lượng “gần 10 kg” của ấn theo ước lượng của Phạm Khắc Hòe và Cù Huy Cận (7) hầu như không sai lệch với trọng lượng 10,5345 kg của “Hoàng Đế Chi Bảo”.

Ba là, lưỡi kiếm rỉ theo mô tả của Huy Cận lý giải được vì sao lưỡi kiếm bị gẫy theo mô tả của thứ phi Mộng Điệp (kiếm rỉ thì dễ gãy). Lưỡi kiếm rỉ của “An Dân Bảo Kiếm” của vua Khải Định được Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris vào năm 2014 (8) cho thấy tính xác thực của các mô tả trên. Nhận định này cũng nhằm bác bỏ suy diễn theo đó người chôn giấu đã bẻ thanh kiếm làm đôi để dễ cho vừa thùng dầu hỏa. Thực vậy, nếu nhằm mục đích này thì người dấu cũng đã bẻ vỏ kiếm làm đôi trong khi trên thực tế vỏ kiếm vẫn còn nguyên vẹn.



“An Dân Bảo Kiếm” của vua Khải Định trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, 2014. (Hình: Phạm Cao Phong, đăng trên BBC)

Mặc dầu vậy, cũng cần lý giải tại sao “lưỡi kiếm rỉ” tại lễ thoái vị của Bảo Đại theo mô tả của Huy Cận lại thoắt biến thành “lưỡi kiếm bằng vàng” (không thể rỉ) tại Lễ Độc lập như mô tả của Nguyễn Hữu Đang. Trong một lần thăm Nguyễn Hữu Đang tại một căn hộ nghèo nàn trên tầng 2 một khu tập thể tại Nghĩa Đô, Hà Nôi vào tháng 4/2004, tôi đã hỏi nhiều chuyện về cuộc đời “bão táp” của ông, từ chuyện về Lễ Độc lập 2/9/1945 đến 15 năm tù mà ông đã trải sau khi bị quy đứng đầu nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm phản Đảng” và bị xử về tội “làm gián điệp” vào năm 1958. Tôi nói: “Bác nói cái ấn nặng trên 5 kg còn bố cháu, nhà thơ Huy Cận nói cái ấn nặng gần 10 kg. Trên thực tế, ấn “Hoàng Đế Chi Bảo” mà Bảo Đại giữ tại Paris cũng nặng khoảng 10 kg. Về lưỡi kiếm, bác nói nó bằng vàng còn bố cháu khẳng định bị rỉ. Phải chăng bác nhớ nhầm?” Ông Đang chậm rãi: “Lưỡi kiếm đó làm bằng vàng mà. Làm thế nào tôi có thể nhìn sắt rỉ ra vàng được!” Tôi tin Nguyễn Hữu Đang là người trung thực, có thể ông ước lượng sai trọng lượng của ấn nhưng không thể bịa ra lưỡi kiếm bằng vàng, nhất là liên quan đến sự kiện quan trọng nhất của chế độ chính trị Việt Nam hiện hành. Như vậy, việc đánh tráo lưỡi kiếm chỉ có thể là một quyết định chính trị và người ra quyết định tày đình này không thể là ai khác ngoài Hồ Chí Minh. Thực vậy, nếu là ”lưỡi kiếm rỉ” thì “Cụ Hồ” không thể sử dụng để thể hiện cái uy, sự không nương tay của Cách mạng, của chính thể Cộng hòa lần đầu xuất hiện ở Việt Nam trước các phần tử đối địch - “để chặt đầu những tên phản quốc"!


Chân dung Nguyễn Hữu Đang do Cù Huy Hà Vũ ký họa ngày 18/4/2004. (Hình: Tác giả cung cấp)

Với những nhận định và lý giải trên, tôi kết luận rằng ấn “Hoàng Đế Chi Bảo” và kiếm mà người Pháp đã trao lại cho Bảo Đại trong tư cách Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam chính là ấn và kiếm mà vị này trong tư cách hoàng đế cuối cùng của Việt Nam đã trao cho hai ông Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại lễ thoái vị của mình cách đây tròn ba phần tư thế kỷ.

Vấn đề còn lại là bao giờ “Châu về Hợp Phố”, hai “quốc bảo” có giá trị bậc nhất này trở về tay Nhà nước Việt Nam?!

Chú thích:
Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Phạm Khắc Hoè, Nhà xuất bản Thuận Hóa 1987.
Hồi ký Trần Huy Liệu, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1991.
Hồi ký Song Đôi, Huy Cận, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2005.
Chuyện thoái vị của vua Bảo Đại qua lời kể của Huy Cận, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 14 Tháng 8 2012.
Lễ thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại qua lời kể của nhà thơ Huy Cận, Vnexpress, 30/8/2015
Ấn kiếm vương quyền nhà Nguyễn trên lễ đài ngày Độc lập, Xưa Và Nay số 31, 9/1996.
Huy Cận cha tôi có sức khỏe và khả năng ước lượng trọng lượng các đồ vật rất tốt. Ông tự tay xách vali mỗi khi ra nước ngoài, kể cả khi tuổi đã ngoài 70. Trước khi ra sân bay, ông bao giờ cũng sắp xếp để vali không vượt quá 20 kg, giới hạn không phải trả phụ phí mà sân bay quy định cho đồ đạc mang theo. Tôi đã nhiều lần chứng kiến vali của ông được nhân viên sân bay cân vừa xoẳn 20 kg. Bản thân Huy Cận luôn tự hào về khả năng ước lượng chính xác trọng lượng này của ông.
Bảo Đại trao kiếm giả cho 'cách mạng'? Phạm Cao Phong, BBC Tiếng Việt, 4/9/2015.

Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.


Ngọc Tuyền sưu tầm