mardi 16 mars 2021

ĐƯỢC CHÚA CỨU

 


Khi trước tôi nghĩ rằng mình cứ hết lòng giữ đạo để Chúa thương và cứu cho mình khỏi cảnh khổ. Đến lúc gặp nghịch cảnh, khi thì tôi than thân trách phận, khi thì tôi phẫn nộ vì cho là bất công, có khi tôi cũng cho là do mình làm tội nên bị Chúa phạt, rồi tôi ăn năn xin Chúa tha thứ và cố gắng sống tốt hơn để được Chúa thương cứu giúp, được chăng hay chớ. Nhưng tôi thấy thế thì mình cũng sống như mọi người khác, có lúc sướng, có lúc khổ, có lúc sống được tốt, có lúc cũng phạm tội, và tôi tự hỏi vậy thì Chúa cứu mình cái gì đây?

Sau một thời gian dài được dẫn dắt để có tương quan mật thiết với Chúa qua bí tích Thánh Thể và cầu nguyện, lần đầu tiên tôi nhận ra mình được Chúa cứu là khi tôi gặp phải nghịch cảnh, nhưng tôi thấy mình không còn phản ứng tiêu cực như trước đây nữa. Tôi đã biết nhìn nghịch cảnh như cơ hội giúp cho tôi ý thức được sự mong manh của thân phận làm người, sự bất lực của mình để làm chủ cuộc đời mình và vì thế mình phải cậy dựa vào một sức lực quyền năng bên ngoài mình là Chúa, và như thế, nghịch cảnh cũng trở nên tốt vì làm cho đời sống nội tâm của tôi sâu sắc hơn và giúp tôi xích lại gần Chúa hơn. Hơn nữa, tôi cũng nhận ra nghịch cảnh tạo nên trong tôi một chỗ trũng để có thể đón nhận ơn Chúa, vì hẳn nhiên dù Chúa có muốn thì cũng không thể đổ ơn vào những chỗ bằng phẳng hay lồi lên được. Do đó, chính khi tôi được tròn đầy mọi sự nên không cảm thấy cần đến Chúa lại là những lúc tôi có nguy cơ rời xa Chúa hơn, vậy thì đâu hẳn như thế là tốt cho tôi. Khi nhận ra như thế, tôi mới hiểu được ý nghĩa của những câu: “Phúc cho người nghèo khó..., Phúc cho người khóc than...”, và thấy phúc hay họa không do hoàn cảnh nhưng do chính lòng mình. Thật vậy, mình chỉ khổ khi chỉ biết quy về mình khiến mình quay quắt với chính mình và do đó mình không thể mở lòng ra cùng anh chị em mình và cùng Chúa, Đấng “biến mọi điều dữ thành điều lành cho những ai yêu mến Người”, như lời thánh Phaolô quả quyết, và vì vậy, mình không tìm được an ủi và nâng đỡ trong cảnh khổ.


Tôi cũng ý thức rằng những lúc mình không phản ứng tiêu cực không phải là vì mình hơn gì ai, nhưng chỉ vì là mình được Chúa cứu, qua sự trung thành ở lại với Chúa mỗi ngày trong cầu nguyện khiến Chúa có thể hun đúc con tim và cái nhìn của mình. Và khi đã học được phần nào cách nhìn và cách yêu thương của Chúa thì dù trong hoàn cảnh nào, mình cũng sớm được bình an, một sự bình an mà chỉ có Chúa mới ban cho được thôi, như Chúa đã nói. Đồng thời, những gì Chúa dạy như ăn ở hiền lành, khiêm nhường, không phán xét người khác, v.v. sẽ đến một cách tự nhiên không cần đến sự cố gắng của mình. Thật vậy, khi mình nghiệm ra rằng tất cả những gì mình là, mình có, mình làm được tốt là chỉ vì mình được Chúa cứu, thì làm sao mình có thể có những thái độ giận dữ, lên mặt, chê trách, v.v. đối với những anh chị em mình mà chưa đến giờ được cứu trên con đường đi riêng của họ? Lúc đó, mình chỉ còn biết xót thương họ, và nếu họ có làm khổ mình thì mình cũng dễ dàng thông cảm và xin Chúa tha cho họ “vì họ không biết việc họ làm”.


Tôi cũng nghiệm ra rằng mỗi người là duy nhất và Chúa không hề bất công khi ban cho mỗi người khả năng và bản tính khác nhau, vì hơn hay kém, tốt hay xấu chỉ là theo đánh giá của người đời. Ví dụ, người thấy mình có nhiều khả năng hơn người khác nên đâm ra kiêu ngạo, dưới mắt Chúa, sẽ không bằng một người vì ít khả năng nên dễ khiêm nhường hơn. Cũng vậy, người hiền lành mà ai cũng khen, nhưng muốn tránh xung đột để được yên ổn thì dễ trở nên nhu nhược và hèn nhát. Cái hiền lành này khác xa với cái hiền lành của người độ lượng, bao dung, biết thông cảm và tha thứ cho người khác, và điều này đòi hỏi ở họ một sự dũng cảm phi thường do Chúa ban cho. Trái lại, người có tính nóng nẩy, nếu ai nói hay làm gì không vừa ý mình là nổi giận ngay, lúc này, ai cũng thấy tính ấy là xấu. Nhưng cũng với tính nóng nẩy ấy, trước những cảnh áp bức, bất công, người sống yêu thương sẽ nhảy ra bênh vực người khác ngay, dù có phải trở nên hung hãn, họ lại được mọi người khâm phục. Hoặc người không có đầu óc suy xét, bị mọi người chê bai, nếu vì vậy mà mặc cảm thì sẽ là xấu, nhưng với ơn Chúa, họ nhận ra nhờ như thế mà mình không phán xét ai, không có thành kiến về ai, dễ mở lòng với người khác hơn, v.v. lúc đó họ còn phải tạ ơn Chúa vì khiếm khuyết này nữa.


Tóm lại, tất cả những gì chúng ta được ban cho hay ngay cả không được ban cho (theo mắt nhìn của người đời), đều không tốt không xấu, chỉ khi chúng ta đem ra phục vụ cho bản thân mình thì mọi sự sẽ trở thành xấu. Ngược lại, khi đã được Chúa cứu và chỉ còn muốn sống yêu thương và luôn hướng về người khác, thì điều gì chúng ta làm cũng sẽ trở thành tốt, như thánh Augustinô nói: “Hãy yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm”.

ULTD & ltd

08/03/2021

Kim Hạnh chuyển

lundi 15 mars 2021

THANH VÀ TỤC TRONG THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG

THANH VÀ TỤC TRONG THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG 

Nguyễn Quý Đại 




Ngồi buồn nhớ chị Xuân Hương 
Hồn thơ còn hãy như nhường trêu ai.. 

Từ thời dựng nước dân tộc Việt Nam luôn luôn có truyền thống chiến đấu chống ngoaị xâm dành độc lập bảo vệ quê hương, trong quá trình đó người phụ nữ cũng đã đóng góp rất đáng kể, tiêu biểu là cuộc khởi nghiã của Hai Bà Trưng (40-30 trước CN) và Bà Triệu (năm 248) với những chiến tích oai hùng trong lịch sử Việt Nam. Những thế hệ kế tiếp các bậc nữ lưu cũng giúp việc nước, lo việc nhà và đã đóng góp cho lâu đài văn hóa dân tộc như các các nhà thơ nổi tiếng: Đoàn Thị Điểm dịch giả Chinh Phụ Ngâm khúc của Đặng Trần Côn, Ngọc Hân công chúa với Ai Tư vãn. Lưu thị Hiền (bà Phủ Ba) Ngô Chi Lan Ỷ Lan Phu nhân, Huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Ánh…, trong đó nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở thế kỷ thứ 18 nổi tiếng là Bà Chúa Thơ Nôm 

🌺 Hồ Xuân Hương và thân phận 

Hồ Xuân Hương con ông Hồ Phi Diễn 胡丕演 (1703-1786) ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thi đậu tú tài năm 24 tuổi triều đại Lê Bảo Thái và dạy học ở Hải Hưng, Hà Bắc. Tại đây ông đã lấy cô gái Bắc Ninh họ Hà làm vợ thứ, sinh ra Hồ Phi Mai (1772-1822), nghiã là Hoa mai bay trên hồ, bút hiệu Xuân Hương, lúc Xuân Hương 13 tuổi thân phụ mất, bà rời làng Khán Xuân theo mẹ về làng Thọ Xương gần Hồ Hoàn Kiếm, đi học một thời gian sau đó ở nhà giúp việc. Xuân Hương tự học thêm, nhờ thông minh làm thơ hay, tiếng tăm lừng lẫy. Tổng Kình tên tự Nguyễn Công Hòa, ở làng Tứ Xã (huyện Phong Châu, Vĩnh Phú), khi bé tên Cóc, sau nầy HXH gởi bài thơ „Khóc Tổng Cóc“ nên từ đó dân làng gọi ông là Tổng Cóc. Chuyện tình của bà với Tổng Cóc trở thành giai thoại, thân phụ của Xuân Hương là nhà giáo thời ấy gọi cụ Đố Xứ, Tổng Cóc và một số chàng trai khác chiều 30 Tết mang qùa biếu tết cụ Đồ, bị Xuân Hương ra câu đối 

"Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới" 

Tổng Cóc đối lại: 

"Sáng mồng một mở then tạo hoá để cho thiếu nữ rước xuân vào" 

Được cụ Đồ Xứ khen hay, có thể Xuân Hương mến mộ chàng có khiếu văn chương? Tổng Cóc đã lập gia đình nhưng là người có tiếng ăn chơi, tính tình nghệ sĩ thích văn thơ cưới Xuân Hương làm thứ thiếp. Tổng Cóc yêu thương vợ làm cái nhà thủy tạ cho bà trông coi ao cá và bảo nàng làm thơ viết vào gỗ, hiện nay tại nhà thờ của ông Kiều Phú, thôn Đại Đình, xã Sơn Dương, Phong Châu, Vĩnh Phú còn tấm ván mít ghi những nét thơ Nôm của Hồ Xuân Hương. Nhà ông Bùi Văn Thắng còn đôi bình và hai ống quyển ghi bút tích 4 câu thơ trang nghiêm của HXH, nói đến tấm gương trong trắng (như người con gái trong trắng) khi xuân hết thì thợ trời cũng chịu. Chỉ còn biết dựa vào phúc đức …. khi ấy hương thơm sẽ tỏa khắp muôn nơi . 

Thảo lai băng ngọc kính 
Xuân tận hoá công hương 
Độc bằng đan quế thượng 
Hào phóng bích hoa hương 
nghiã 
Nói đến tấm gương bằng ngọc 
Hóa công cũng chịu lúc tàn xuân 
Chỉ bằng lúc vin cành quế đỏ 
Tha hồ hoa biếc tỏa hương thơm 

Xuân Hương bản tính nghệ sĩ giao tiếp rộng, không thể vượt đời sống của làng quêtrọng nam khinh nữ, bởi vậy vợ chồng không tránh được việc va chạm hằng ngày trong xã hội phong kiến „Đau đớn thay phận đàn bà! Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu“. Xuân Hương bị vợ lớn ghen tương, gia đình chồng đè nén vì thân phận làm thứ thiếp. Nên bà chán ngán cảnh chồng chung bỏ nhà ra đi. 

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng 
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung! 
Năm thì mười hoạ chăng hay chớ 
Một tháng đôi lần có cũng không 
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm 
Cầm bằng làm mướn, mướn không công 
Thân nầy ví biết dường nầy nhỉ 
Thà trước thôi đành ở vậy xong 

Giáo sư John Balaban dạy đại học North Carolina ở Raleigh, cũng là nhà thơ dịch“ bài lấy chồng chung“ của Hồ Xuân Hương „Spring Essence“ the Poetry of HXH (nhà xuất bản Copper Canyon Press, 2000) 

On Sharing a Husband 
Screw the fate that makes you share a man. 
One cuddles under cotton blankets; the other’s cold. 
Every now and then, well, maybe or maybe not. 
Once or twice a month, oh, it’s like nothing. 
You try to stick to it like a fly on rice 
but the rice is rotten. You slave like the maid, 
but without pay. If I had known how it would go 
I think I would have lived alone. 

Chẳng riêng gì Xuân Hương, thân phận của người vợ thứ trong dân gian cũng là một nỗi buồn truyền kiếp: 

Tối tối chị giữ mất buồng 
Chị cho manh chiếu nằm suông chuồng bò 
Mong chồng, chồng chẳng xuống cho 
Đến khi chồng xuống gà o o gáy dồn... 

Hồ Xuân Hương mở quán làm kế sinh nhai, khách hâm mộ văn tài bà đến cùng xướng họa, có nhiều chuyện tình trở thành giai thoại. Xuân Hương lãng mạn, phóng khoáng bà muốn vượt qua bức tường nho giáo khắc nghiệt, nhưng không tránh được cái nghiệp tình duyên ngang trái. Xuân Hương gặp ông phủ Vĩnh Tường và làm bài thơ giã từ “khóc Tổng Cóc“. 

Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi! 
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi 
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé 
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi. 

Bài „khóc Tổng Cóc“ gây nhiều dư luận trong văn học, những người ở làng Gáp cho rằng bài thơ đó khóc cho mối tình đầu của bà, từng khổ đau với hoàn cảnh làm vợ trong gia đình Tổng Cóc nên dùng những từ ngữ chỉ họ hàng nhà Cóc nào là nòng nọc đứt đuôi, để giễu Tổng Cóc (thơ gởi Tổng Cóc lúc còn sống chứ không phải khóc người chết). Một lần nửa Xuân Hương lập gia đình với ông phủ Vĩnh Tường cũng làm thứ thiếp, không tránh được cảnh khổ ghen tương cay độc như Hoạn thư: 

Rằng tôi chút dạ đàn bà, 
Ghen tuông, thì cũng người ta thường tình 
Lòng riêng, riêng cũng kính yêu. 
Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai 
Kiều của Nguyễn Du 

Thời gian sống với ông phủ Vĩnh Tường (ở Thổ Tang, Vĩnh Phú) ông Phủ xem nàng là bạn văn chương. Nhưng số phận của Xuân Hương không được may mắn, cuộc tình ngắn ngủi hơn 2 năm sau phải khóc chồng, chồng chết là nỗi khổ đau nhất của người thiếu phụ, thương cho thân phận kẻ ở người đi. Xuân Hương buồn khổ trước cảnh nhà lạnh lẽo đơn côi, bà trang trải nỗi bi thương của mình trên những dòng thơ buồn não nuột, là tiếng nấc nghẹn ngào của người góa phụ vĩnh viễn xa chồng: 

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi! 
Thiếp bén duyên nàng có thế thôi 
Chôn chặt văn chương ba thước đất 
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời 
Cán cân tạo hoá rơi đâu mất; 
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi 
Hăm bảy tháng trời là mấy chốc; 
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi! 

🌺 Thơ và bạn đời 

Các tác phẩm của bà bị thất lạc, đến nay còn lưu truyền những bài thơ chữ Nôm trong Xuân Hương Thi Tập, năm 1964 ông Trần Thanh Mại phát hiện thêm tập thơ chữ Hán Lưu Hương Ký 瑠香記 viết năm Giáp Tuất (1814). Hồ Xuân Hương là nhà thơ sử dụng chữ nôm một cách điêu luyện và sắc xảo, ít người sánh kịp. Bà thường chọn những âm khó đọc để hạ vần nói lái, nghiã bóng thành những bài thơ rất tài tình và đầy thú vị trong đó ý thơ và tình thơ bao gồm: đạo đức, tiếu lâm, hay châm biếm, độc đáo có một không hai trong văn chương bác học. Phần xướng hoạ có lẫn thơ của văn nhân thời bấy giờ để lại số đề tài khúc chiết, nồng nàn yêu đương. Cổ Nguyệt Hương Đình do Xuân Hương dựng lên ở phường Khán Xuân gần Hồ Tây khu vực vườn Bách Thảo, trường Bưởi đường Cổ Ngư làng Yên Phụ. Thơ tả chân táo bạo diễn tả ý tưởng lả lơi bỡn cợt, vừa thanh vừa tục mà không kém phần lãng mạn. Tình yêu, tình bạn của Xuân Hương có rất nhiều nghi vấn, khó xác định cảnh đời từng trải của Xuân Hương. Các tài liệu dẫn chứng Xuân Hương giao du rộng rãi với những danh sĩ như Phạm Quí Thích (khắc và in thơ của Nguyễn Du), Nguyễn Huy Tự (Tác giả Hoa Tiên), Nguyễn Du, Mai Sơn Phủ, Tốn Phong, Cư Ðình, Trần Quang Tĩnh, và Trần Phúc Hiển, v.v. Học giả Hoàng Xuân Hãn dẫn chứng bà có 3 đời chồng, người cuối cùng là Tham hiệp trấn Trần Phúc Hiến? Trong vấn đề xướng họa thơ văn, một đối thủ của Xuân Hương được lưu lại là Chiêu Hổ tức Phạm đình Hổ (1768-1839), là tác giả Vũ Trung Tuỳ Bút, bút hiệu Chiêu Hổ, lần ông đến thăm Xuân Hương có ý sổ sàng bị Xuân Hương chê suồng sã 

Anh đồ tỉnh, anh đồ say 
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày 
Này này chị bảo cho mà biết 
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay... 

Hùm có nghiã là hổ, Chiêu Hổ bị Xuân Hương chơi chữ, ông không chịu thua cợt nhả đối lại: 

Này ông đồ tỉnh, nầy ông đồ say, 
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày! 
Hang hùm ví bẵng không ai mó, 
Sao có hùm con ẵm chốc tay? 

Năm 1842 Tùng Thiện Vương ra thăm cảnh Hồ Tây có làm bài thơ viếng mộ Xuân Hương „Long Biên Trúc Chi Từ“ bản dịch ra Việt ngữ của học giả Hoàng Xuân Hãn 

Đây hồ rực rỡ hoa sen 
Sai người xuống hái để lên cúng đàn 
Chớ trèo qua mộ Xuân Hương 
Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng 
Sen tàn, phấn rữa mồ hoang 
Xuân Hương đã khuất bên làn cỏ xanh 
U hồn say tít làm thinh 
Gío xuân mấy độ thế tình không hay! 

Ngày nay không thể tìm mộ của bà, tuy nhiên người ta dựng bia để tưởng niệm nữ sĩ Xuân Hương 

Những nét tiêu biểu trong thơ Hồ Xuân Hương 
Hồ Xuân Hương trưởng thành trong giai đoạn lịch sử chiến tranh, ảnh hưởng nặng nề phong kiến “nhất nam viết tử thập nữ viết vô”. Đàn bà ít được đi học, ứng thí như đàn ông, may mắn học ít chữ, lấy chồng sanh con lo việc nội trợ. Xuân Hương đã tỏ ra là một thiên tài, làm thơ khẩu khí khi bà bị trợt té người ta cười, bà làm ngay hai câu thơ để chữa thẹn: 

Giơ tay với thử trời cao thấp 
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài 

Hồ Xuân Hương thông minh, có tài nhưng tiếc thay sinh ra phận gái nên cái lỗi lạc của bà thành ra lãng mạn mà lắm người cho là “lẳng lơ“! Đọc mấy câu thơ sau của bà, dũng khí như một đấng tu mi nam tử. Khi XH đi qua miếu Sầm Nghi Đống tại Loa Sơn, là tên Thái thú quân nhà Thanh thua trận thắt cổ chết trên cây đa ở gò Đống Đa mùng 5 tháng giêng năm Kỷ dậu 1789. Người Hoa lập miếu thờ, tin đồn miếu linh thiêng nên Xuân Hương đề mấy câu thơ : 

Ghé mắt trông nghiêng thấy bảng treo 
Kià đền Thái thú đứng cheo leo 
Ví đây đổi phận làm trai được 
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu? 

Xã hội thời phong kiến người ta quan niệm „trai năm thê bảy thiếp, gái chín chuyên chỉ một chồng“ thật là bất công! vấn đề đa thê ngày nay không được chấp nhận (ngoại trừ các nước theo Hồi Giáo). Ngày xưa chồng chết vợ phải thủ tiết thờ chồng. Xuân Hương muốn phá cái phong tục thời đó, nên lúc sống với ông Phủ Vĩnh Tường, có người góa phụ còn trẻ muốn được tái giá, làm đơn xin quan phủ xét, gặp lúc ông phủ đi vắng, Xuân Hương xem đơn và phê ngay : 

Phó cho con Nguyễn thị Đào 
Nước trong loe lẻo cắm sào chờ ai? 
Chữ rằng xuân bất tái lai 
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già. 

Tuy nhiên có tài liệu cho giai thoại nầy là của bà Huyện Thanh Quang, nhưng theo nhận xét chung lối hành văn nầy không thể nào của bà Huyện Thanh Quang? Những bài thơ tuyệt tác của Xuân Hương được lưu truyền hậu thế. Biệt tài thơ Xuân Hương dùng chữ Việt thuần tuý, không vay mượn điển tích sáo ngữ, đọc thơ hiểu được nghiã đen và nghiã bóng. 

Bài "Ngủ quên hay ngủ ngày" Thiếu nữ nằm nghỉ buổi trưa hè trời nóng, cơn gió nồm mát rười rượi làm nàng ngủ quên, giấc ngủ say sưa vô tình bày ra thân hình trẻ trung, mơn mởn da thịt với những đường nét tuyệt vời sống động... 

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông 
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng 
Lược trúc chải cài trên mái tóc, 
Yếm đào trễ xuống dưới nương long 
Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm 
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông 
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt 
Đi thì cũng dở ở không xong. 

Cái đẹp bất cứ ở đâu đều được mọi người yêu chuộng, người trần tục thấy hoa đẹp ai không muốn nhìn? Bồng Đảo, Đào Nguyên là cảnh tiên, Lạch Đào Nguyên suối hoa đào đều là cái đẹp của sự sống. Từ xưa và nay nhiều nhà phê bình bàn cãi tranh luận về thơ Xuân Hương mang tính chất dâm và tục, sinh lý bị đè nén “Libido”.Ngược laị người yêu thơ Xuân Hương thường hết lời ca tụng, xem những sáng tác của Xuân Hương kỳ diệu từ cách dùng chữ chính xác, âm điệu kỳ tài. Cái đặc điểm trong thơ Xuân Hương là tả cái tục nhưng dùng toàn chữ thanh, nếu đọc bốn 4 câu thơ sau người ta hiểu tả một ông quan võ nhưng không phải vậy. 

Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn 
Ban đêm không mắt sáng như đèn 
Đầu đội nón da loe chóp đỏ 
Lưng đeo bị đạn rủ thao đen 
tựa là “dương vật” 

Để có thể thẩm định thế đứng của nhà thơ nầy, nói về Văn học không thể đọc một số bài thơ rồi cho là dâm tục có quá đáng chăng? Bởi vì vấn đề Tình Dục từ Á sang Âu thường được trình bày qua các tác phẩm văn chương, những hình vẽ, tượng điêu khắc chạm trổ trong các Cung điện, Đền đài lưu lại từ ngàn năm về trước có những nét đẹp độc đáo như thân thể đàn bà qua những đường cong tuyệt vời, bộ ngực no tròn lồ lộ dưới lớp xiêm y mỏng manh .. những tác phẩm đó thể hiện linh động nét văn hóa và sắc thái mang tính chất diễn tả về nghệ thuật. Mỗi dân tộc văn minh có sinh hoạt văn hoá khác nhau. Nhiều sắc dân họ thờ các bộ phận sinh dục, dân tộc Chàm xây các Tháp theo hình tượng Lingam (dương vật) tình dục được nói bình thường trong sinh hoạt của con người. 

So sánh Thơ Xuân Hương với thi ca bình dân tục và thanh 
Xã hội bình dân xưa không thoát khỏi qui luật dục vọng cá nhân là lẽ sống con người, dục vọng tập thể là lẽ sống của xã hội. Bởi vậy ca dao được truyền tụng trong dân gian: 

Có chồng từ thuở mười lăm. 
Chồng chê tôi nhỏ không nằm cùng tôi. 
Đến chừng mười chín đôi mươi. 
Tôi ngủ dưới đất chàng lôi lên giường 
Một rằng thương, hai rằng thương 
Có bốn cẳng giường gãy một còn ba! 
Ca dao 

Đời sống con người được diễn tả qua thi ca trào lộng, vui cười vốn có trong thực tế không nói xa gần, hằng ngày người ta dùng cái điếu cày hút thuốc Lào, mồi đóm lửa, kéo một hơi dài, nghe tiếng róc rách của nước…. Họ nhả những sợi khói từ từ và cảm thấy người bồng bềnh lướt nhẹ trên mây? tay mân mê xoa xoa thân điếu như người bạn thân: 

Lòng em cay đắng quanh năm 
Khi ngồi, khi đứng, khi nằm nghênh ngang 
Các anh các bác trong làng 
Gặp em thì lại vội vàng nâng niu 
Vắng em đau khổ trăm chiều 
Tuy rằng cay đắng nhưng nhiều người mê 
Ca dao 

Trạng Quỳnh với bài tạ ơn cô hàng bánh: 

Đương cơn nắng cực đói lòng thay 
Thết đãi ơn cô có bụng nầy 
Giờ biết lấy gì mà tạ lại 
Xin quỳ hai gối chống hai tay 

Sinh hoạt xã hội bất kỳ ở tầng lớp nào, dục tính cá nhân vẫn len lỏi vào cuộc sống. Cái khác biệt toàn thể về bản chất không ai giống ai. Hồ Xuân Hương người trần tục nên ca tụng sinh họat trần tục và những niềm vui trần tục, đọc thơ Xuân Hương để tiếp nhận cái tinh thần hồn nhiên trong ca dao, tục ngữ. Tôi Không đào sâu cái „tục“ trong thơ làm đề tài chính. Thơ Xuân Hương rất sống động tài tình mang tinh hoa khác biệt, đó là một giá trị tồn tại mãi mãi trong lâu đài văn hoá dân tộc. Đọc hai bài thơ đèo Ngang và đèo Ba Đội sau để so sánh hai nữ sĩ: 

Bước tới đèo ngang bóng xế tà 
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa 
Lom khom dưới núi tiều vài chú 
Lác đác bên sông chợ (rợ) mấy nhà 
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc 
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia 
Dừng chân đứng lại trời non nước 
Một mảnh tình riêng ta với ta 
Huyện Thanh Quan 

Chúng ta cảm nhận bài thơ ấy hay nhẹ nhàng, trang nhã, bài nầy có 8 câu nhưng vay mượn ý của hai câu chữ Hán 

Dạ thính đỗ quyên minh quốc quốc 
Nhật văn cô điểu khiếu gia gia 
Nghiã là 
Đêm nghe đỗ vũ kêu quốc quốc 
Ngày lắng gà rừng gọi gia gia 

Hồ Xuân Hương vịnh đèo Ba Đội là một bức tranh tả chân đơn sơ nhưng sống động: 

Một đèo, một đèo lại một đèo 
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo 
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc 
Hòn đá xanh rì lún phún rêu 
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc 
Đầm đià lá liễu giọt sương rơi 
Hiền nhân quân tử ai là chẳng 
Mõi gối chồn chân cũng muốn trèo 

Bài thơ nầy đọc qua độc giả có thể nhận ra ngay đó là đèo Ba Đội, „một đèo, một đèo lại một đèo“ từ màu sắc “cửa son đỏ lóet; tùm hum, xanh rì, lún phún, lắt lẻo“.. Xuân Hương đã tài tình tạo ra một bức tranh sống động từ âm thanh đến màu sắc. Nữ sĩ Xuân Hương là một nhạc sĩ tài tình, phối hợp cả âm thanh, màu sắc, không gian lẫn thời gian, tạo những nét đặc sắc thông thường ít nghe điệp âm „hõm hòm hom, toen hoẻn .. trong bài vịnh hang Cắc Cớ: 

Trời đất sinh ra đá một chòm 
Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom 
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn, 
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm 
Gịot nước hữu tình rơi lõm bõm 
Con đường vô ngạn tối om om 
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc 
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm 

Giọt nước từ những thạch nhủ rơi từng giọt xuống vũng nước bên dưới lõm bõm, con đường vào hang thiếu ánh sáng. Hàng năm có Hội Chùa Thầy du khách không vào hang Cắc Cớ thì coi như chưa biết Chùa Thầy. 

Xuân Hương cũng vịnh cảnh Chùa Hương Tích ở huyện Mỹ Đức Hà Đông rất linh động với cảnh trời mây non nước..vào những ngày đầu xuân, hội Chùa Hương nhộn nhịp, người tu hành thì ít, kẻ trần tục thì nhiều, muốn lên chùa phải trèo các bậc thang thì đúng hơn là đi, chen chân trong động với hương khói pha mờ mù sương. 

Người quen cõi Phật chen chân xọc 
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm... 

Bài „đánh đu“ bức tranh quê sống động tả cảnh vui xuân rộn rã, Xuân Hương khen trò chơi đánh du hấp dẫn gợi lên niềm say mê của ngày hội, Hiện nay các làng ngoài Bắc còn duy trì trò chơi nầy. Nhưng ngày xuân trôi qua cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không, chỉ còn lại cảnh trống không hiu quạnh! 

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng 
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông 
Trai đu gối hạc khom khom cật, 
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng 
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới 
Hai hàng châu ngọc duỗi song song 
Chơi xuân ai biết xuân chăng tá? 
Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không! 

Có thể Hồ Xuân Hương phỏng theo bài thơ trên bài cây đánh đu vốn có trong tập Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập 

Bốn cột lang nha ngắm để trồng 
À thì đánh cái ả còn ngong 
Tế hậu thổ khom khom cật, 
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng 
Tám bức quần hồng bay phất phới, 
Hai hàng châu ngọc đứng song song 
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy 
Nhổ cột đem về để lỗ không. 

Chơi đánh đu, khi chàng trai nhấn đu cô gái trong tư thế tay nắm chặt, chân duỗi thẳng cho dễ bay bổng. Khi độ cao giảm đến lượt cô gái nhún, chàng trai lại chờ đón..tất cả phải nhịp nhàng, khoẻ mà mềm mại bay cao ung dung, vẻ đẹp càng hiện rõ hình thể bên ngoài gối hạc, lưng ong, ngửa ngửa lòng, phất phới, song song. Xuân Hương khéo dùng điệp khúc. Trong ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức không khi nào gặp cách dùng chữ như trong văn chương Việt Nam. Chúng ta thử đọc các bài dịch đối chiếu thi sĩ Balaban có thể dịch cảnh thu, nhưng khó chuyển dịch được hơi thu! 

Cảnh thu 

Thánh thót tầu tiêu mấy hạt mưa, 
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ. 
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán, 
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ. 
Bầu dốc giang sơn say chắp rượu, 
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ. 
Ơ hay, cảnh cũng ưa người nhỉ, 
Ai thấy, ai mà chẳng ngẩn ngơ. 

Autumn Landscape 

Drop by drop rain slaps the banana leaves. 
Praise whoever sketched this desolate scene: 
the lush, dark canopies of the gnarled trees, 
the long river, sliding smooth and white. 
I lift my wine flask, drunk with rivers and hills. 
My backpack, breathing moonlight, sags with poems. 
Look, and love everyone. 
Whoever sees this landscape is stunned. 
From Spring Essence the poetry of HXH 

Qua ca dao có nhiều bài truyền tụng nghe rất là „tục“ như vịnh cái quạt: 

Rành rành ba góc rành rành 
Khi khép nhỏ lại, khi vành to ra 
Khi vui thì sướng thay là 
Khi buồn thì nước chảy ra rì rì... 

Hồ Xuân Hương tả cái quạt duyên dáng hơn, có tính cách tương tự như ca dao tục ngữ hài hước, tả cái quạt có nhiều nan, mỗi nan quạt có một cái lỗ, cây kim xâu các nan quạt vào. Sau đó bồi bằng giấy có thể xếp lại và xòe ra quạt cho mát, mưa sa nhẹ hạt có thể che đầu, lúc xếp quạt lại những nếp giấy chồng lên vẫn còn thừa. Xuân Hương tả cái quạt chỉ tám câu thơ bút pháp thật sinh động: 

Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa 
Duyên em dính dáng tự bao giờ 
Chành ra ba góc da còn thiếu 
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa 
Mát mặt anh hùng khi nắng gió, 
Che đầu quân tử lúc sa mưa 
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng 
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa... 

Thời xưa mỗi gia đình ở thôn quê, thường trồng cây bông, nuôi tằm, ươm tơ, làm lụa tự dệt vải may áo quần. Ban ngày làm việc đồng áng, đêm về dệt vải với dụng cụ đơn giản cái khung cửi, hai ống trục, một bộ go, hai cái lược, một đôi guốc, con suốt, con thoi (con cò bằng gõ). Xuân Hương tả cô gái dệt vải vào đêm; muốn vải phẩm chất tốt phải ngâm lâu, ba mùa thu cũng không bị phai màu. 

Thắp đèn lên thấy trắng phau 
Con cò mấp máy suốt đêm thâu 
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc 
Một suốt đâm ngang thích thích mau 
Rộng hẹp nhỏ to vưà vặn cả 
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau 
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ 
Chờ đến ba thu mới dãi màu 

Chùa Quán Sứ được xây dựng từ thế kỷ thứ 17, nằm ở phố cũng mang tên Quán Sứ Hà Nội. Dân tộc Việt Nam ảnh hưởng Phật giáo dưới thời nhà Lý rất hưng thịnh, Phật, Pháp màu nhiệm không thay đổi, nhưng trong cõi đời nầy không thiếu những kẻ “mạt tăng” lợi dụng cửa Chùa rộng mở, cạo đầu núp dưới lớp áo cà sa để buôn thần, bán thánh…làm những việc trái với giáo lý nhà Phật. Xuân Hương không chống phá đạo Phật, dùng thơ văn để dỡn mặt với tăng giả, hay sư hổ mang như trong ca dao: 

Ba cô đội gạo lên Chùa 
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư 
Sư về sư ốm tương tư, 
Ốm lăn, ốm lóc nên sư trọc đầu 
Ai làm cho dạ sư sầu, 
Cho ruột sư héo, cho bầu đứt dây! 

Cảnh chùa Quán Sứ thời loạn làm cho Xuân Hương nghi ngờ người đã xuất gia, tu lâu năm lên làm “Sư Cụ” như “phiến đá vĩ đại “ bao che đệ tử gây nên nghiệp chướng, không lo làm tròn phận sự tụng kinh gõ mõ, bỏ cảnh chùa vắng teo. 

Quán sứ sao mà cảnh vắng teo 
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi nao 
Chày kình,(1) tiểu để suông không đấm 
Tràng hạt, vãi lần đếm lại đeo 
Sáng banh không kẻ khua tang mít (2) 
Trưa trật nào ai móc kẽ rêu 
Cha kiếp đường tu sao lắt léo 
Cảnh buồn thêm chán nợ tình đeo 
hay sư hổ mang 
…………………………… 
Khi cảnh, khi tiu, khi chũm choẹ 
Giọng hi, giọng hỉ, giọng hi ha 
Tu lâu có lẽ lên Sư cụ 
Ngất nghểu toà sen nọ đó mà 

(1) chày tạc hình con cá kình bằng gỗ, thay cho cái dùi đánh chuông. (2) Tang trống làm bằng gỗ mít 

Nói chung người Phật tử chân chính phải bực mình khi đến Chùa không có thầy trụ trì hướng dẫn về phần tâm linh, Sư đi gây phiền não cho bá tánh, dù ở bất cứ thời đại nào cũng không thể chấp nhận việc làm vô ý thức đó. 

Người đời nhớ Xuân Hương ở tiếng cười phá phách, nhưng trong lòng Xuân Hương mang nặng những niềm đau, khối tình nặng như đá, với những tâm sự thế thái nhân tình làm rung động, se thắc lòng người: 

Gan nghiã giãi ra cùng nhật nguyệt 
Khối tình cọ mãi với non sông 
Đá kia còn biết xuân già dặn 
Chả trách người ta lúc trẻ trung 
(Đá ông chồng, đá bà chồng) 

hoặc qua bài tình tự 

Canh khuya văng vẳng trống canh dồn 
Trơ cái hồng nhan với nước non 
Chén rượu hương đưa đưa say lại tỉnh 
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn! 
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám, 
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn 
Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại 
Mảnh tình san sẻ tý con con. 

Xuân Hương vịnh bánh trôi nước, thức ăn quen thuộc của người bình dân. Thân em ở đây (Xuân Hương) hay là thân phận đàn bà dưới thời phong kiến lắm lận đận, nhiều long đong? nhưng tấm lòng nàng vẫn giữ sắt son: 

Thân em trắng phận em tròn 
Bảy nổi ba chìm với nước non 
Lớn nhỏ mặc dầu tay kẻ nặn 
Mà em vẫn giữ tấm lòng son 

Thơ Hồ Xuân Hương có phong cách riêng, tiêu biểu cho thái độ tự nhiên, tình cảm tràn đầy trong sáng, thơ bà rất bình dân, duyên dáng giàu khả năng gợi cảm, gợi tình, chứa chan tình tự và cảm khoái, không dùng hán tự điển tích. Bà có biệt tài sử dụng điệp khúc, âm điệu, tiết tấu thích hợp với từng ý, từng hoàn cảnh. Dù muốn chê hay khen, đọc thơ Xuân Hương ta cảm thấy cái vui vui xen lẫn vào hồn, cái hay trong thơ Xuân Hương rất tuyệt vời và phong phú, nhưng bài viết giới hạn, tôi không thể trình bày và trích giải hết được..Hồ Xuân Hương là nhà thơ độc đáo có một không hai trong văn học sử Việt Nam. 

🌺 Tài liệu đọc thêm: 

Nghĩ về thơ HXH. cuả Gs Lê Trí Viễn, Ng Đức Quỳnh... 
Hồ Xuân Hương toàn tập giáo sư Ngô Lãng Vân 
Nhà Tây Sơn Trần Gia Phụng NxB Non Nước Toronto 2005 

Chữ Nôm có vai trò nổi bật trong sáng tác văn chương. Mặc dù văn nhân, thi sĩ mọi thời đều đã dùng chữ Hán làm thơ, viết truyện, nhưng chỉ có với chữ Nôm, người Việt mới tạo nên những tác phẩm bất hủ. Tập thơ Nôm có niên đại sớm nhất còn lưu truyền là Quốc âm Thi tập của Nguyễn Trãi (1380 - 1420) sau đó là Bạch vân Am quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Văn học Việt nam qua các thời đại, chữ Hán các tiền nhân viết những tập truyện ngắn và tiểu thuyết văn xuôi, còn với chữ Nôm gần như các cụ chỉ làm thơ Sở trường và thành công bằng hai thể thơ giàu dân tộc tính này, vào cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XIX Văn học cổ điển Việt Nam có những tác phẩm xuất sắc khiến thế giới phải biết đến là Chinh phụ Ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748); Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) của Nguyễn Du (1766 -1820). Chúng ta còn các tên tuổi sáng giá khác nữa từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX như: Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, đặc biệt thơ cuả Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương v.v. ..Chính nhờ ở những tác giả này, tiếng Việt hấp thụ hai nguồn văn tự là chữ Hán và văn tự văn hóa dân gian, chữ Nôm để trở thành một ngôn ngữ văn học sáng chói và giàu sức diễn đạt 

Hồ Sĩ Anh đời nhà Lê sinh bốn người con trai: Hồ Thế Viêm, Hồ Phi Quyền, Hồ Phi Cơ, ông Hồ Phi Tích (1665-1734) đậu Hoàng giáp năm 1700). Hồ Thế Viên là ông Tổ bốn đời của anh em nhà Tây Sơn đã đổi từ họ Hồ sang Nguyễn, còn Hồ Phi Cơ là ông tổ bốn đời cuả Hồ Phi Mai tức nữ sĩ Xuân Hương. ( Phi Cơ, Phi Da, Phi Diễn, Phi Mai). Như vậy Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Hồ Xuân Hương là anh em cùng họ ông tổ Hồ Sĩ Anh ( nhà văn Trần Gia Phụng tác phẩm Nhà Tây Sơn trang 43. Nxb Non Nước Toronto 2005) 

Hồ Xuân Hương thơ và đời Nxb Văn học sđd trang 221. 

Trận nầy quân Thanh thiệt hại nặng đề đốc Hứa Thế Hanh, tổng binh Trương Tiểu Long, Thượng Duy Thanh đều tử trận. Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy quên nang theo ấn quân, sắc thư, cờ tiết…hơn 10.000 quân Thanh tử trận ( Việt Sử đại cương tập 2 trang 361, nhà văn Trần Gia Phụng NxB Toronto 2006.Inline image


vendredi 12 mars 2021

Cô gái Chùa Hương sống mãi tuổi 15

 Những người yêu nhạc hẳn nhiều người sẽ biết đến bài hát “Em Đi Chùa Hương” của nhạc sĩ Trung Đức, phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp với những câu hát quen thuộc: Hôm nay em đi chùa Hương, hoa cỏ còn mờ hơi sương…

Bài thơ “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp cũng đã được giáo sư Trần Văn Khê phổ thành một bài hát dài mang tên Đi Chơi Chùa Hương từ thập niên 1940.

Thi phẩm “Chùa Hương” ra đời trong hoàn cảnh rất kỳ thú. Hội Chùa Hương năm 1934, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp cùng nhà văn Nguyễn Vỹ và hai người bạn nữ sinh Hà thành đi trẩy hội. Đến rừng mơ, hai văn nhân gặp một bà mẹ cùng cô gái độ tuổi trăng rằm vừa bước lên những bậc đá vừa niệm phật “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát”.

Vẻ đẹp thánh thiện mang nét chân quê của cô gái đã hớp hồn hai chàng thi sĩ khiến họ trân trân nhìn quên cả hai bạn gái cùng đi. Nguyễn Nhược Pháp lại gần hỏi:

“Tại sao trông thấy chúng tôi cô lại không niệm phật nữa?”

Cô gái bối rối, thẹn thùng như muốn khóc. Nguyễn Nhược Pháp thấy vậy liền cố bắt chuyện để an ủi cô gái. Câu chuyện vẩn vơ đã diễn ra cùng họ cho đến chùa Ngoài. Mải chuyện với người đẹp, Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Vỹ bị hai cô bạn gái đi cùng bỏ rơi lúc nào không hay.

Không tìm được hai cô bạn trong đám đông trẩy hội, đêm ấy hai chàng bèn ngủ lại trong chùa Hương cùng hai mẹ con cô bé quê. Sáng hôm sau gặp lại hai cô bạn, Nguyễn Vỹ phải xin lỗi mãi, còn Nguyễn Nhược Pháp chỉ tủm tỉm cười. Về đến Hà Nội được mấy hôm, Nguyễn Nhược Pháp sáng tác nên bài thơ “Chùa Hương”. Trong bản chép tay đầu tiên, bài thơ có tên là “Cô Gái Chùa Hương”.

Bài thơ dài 34 khổ 136 dòng, lấy cuộc gặp gỡ lý thú của tác giả với cô gái quê ở Chùa Hương làm đề tài và tưởng tượng thêm. Điều đặc biệt là dưới tên bài thơ, Nguyễn Nhược Pháp mở ngoặc đơn dòng chữ “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”. Cuối bài thơ còn ghi thêm: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người sẽ lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô gái còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện”.

Trong bài thơ Chùa Hương, chàng thi sĩ 20 tuổi đã thể hiện tình cảm của mình với cô bé 15 tuổi thanh tao đến thánh thiện, đằm thắm mà không ủy mị, nồng cháy mà vẫn thanh lịch, trữ tình mà tinh tế, cả tâm hồn và hiện thực hòa quyện vào nhau hài hòa khiến Chùa Hương có vị trí xứng đáng trong thi đàn.

Trước năm 1945, bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc thành bài hát “Đi Chơi Chùa Hương”, bài hát này khá dài, chỉ có ca sĩ Mộc Lan ở Huế hát tthành công nhất, được nhiều người hâm mộ nhất. Giữa những năm 1980, nhạc sĩ Trung Đức phỏng theo mấy đoạn thơ phổ thành bài hát “Em Đi Chùa Hương” và được phổ biến rộng rãi hơn vì nó mộc mạc chân thành, đậm chất dân ca xứ Nghệ, dễ hát và dễ nhớ. Nhưng nếu Nguyễn Nhược Pháp sống lại để nghe bài hát này, chắc ông sẽ lại tủm tỉm cười khi thấy câu thơ “Chân đi đôi dép cong” của ông đã bị đổi thành “Chân em đi đôi guốc cao cao” bởi vì đi Chùa Hương phải leo dốc, xuống hang rất ghập ghềnh, đi guốc cao thì làm sao mà đi nổi.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là một trí thức con nhà dòng dõi. Cha ông là nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, từng dịch tập thơ “Ngụ ngôn” của La Fontaine ra tiếng Việt rất đặc sắc. Nguyễn Nhược Pháp sinh năm 1914 tại Hà Nội, đỗ bằng Tú tài Tây, làm thơ từ năm 16 tuổi. Ngoài ra, ông còn sáng tác kịch, truyện ngắn và viết báo. Ông viết báo tiếng Pháp khá nhiều, năm 1935 xuất bản tập thơ “Ngày xưa”, trong đó có bài thơ “Chùa Hương” rất nổi tiếng. Nhưng tiếc thay, thi sĩ tài danh Nguyễn Nhược Pháp mất đột ngột khi mới 24 tuổi, vào năm 1938.

Đến nay, bài thơ Chùa Hương đã tròn hơn 70 tuổi, Nguyễn Nhược Pháp đã qua đời được 70 năm, song Chùa Hương cùng tên tuổi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp vẫn sống mãi với thời gian.

Mời bạn đọc lại bài thơ này:

Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: “Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?”

Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai.)

Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.

Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?

Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
“Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, trời ôi, chen!”

Chàng thưa: “Vâng thuyền đông!”
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: “Hay! Hay quá!”
Em nghe rồi ngẩn ngơ.

Thuyền đi, Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
“Nam Mô A Di Đà!”

Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.

Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày.)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.

Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.

Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
“Mai mới vào chùa trong.”

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
“Mai ta vào chùa trong!”

Đêm hôm ấy em mừng.
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều… Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!

Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.

Me bảo: “Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quán Thế Âm Bồ Tát
Là tha hồ đi mau!”

Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu.)

Khi qua chùa Giải Oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen: “Hay!
Chữ đẹp như rồng bay.”
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây.)

Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.

Me vui mừng hả hê:
“Tặc! Con đường mà ghê!”
Thầy kêu: “Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về.”

Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!

Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở.
Chàng ôi, chàng có hay?

Đường đây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!

Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời Phật

Sao cho em lấy chàng…


Teresa Vũ sưu tầm