samedi 5 juin 2021

Mình Máu Thánh Chúa.

 Bạn thân mến,

Khi các bạn cần có những quyết định quan trọng cho đời sống của mình thì điều gì là sự bảo đảm cho những quyết định ấy. Có điều gì quan trọng hơn sự sống mà bạn lại lấy chính sự sống của mình ra để bảo đảm. Chính Chúa Giêsu đã lấy Mình và Máu của chính mình để bảo đảm cho một quyết định quan trọng. Quyết định trao tặng và hiến mình vì bạn và tôi. Mình và Máu Thánh Chúa như một giao ước tình yêu đem lại sự sự sống cho con người


 


1.Giao ước, lời cam kết cho một sự bảo đảm

Khi các bạn lật lại những trang lịch sử, bạn thấy rằng, trong những xã hội cổ xưa, khi người ta cần có những bằng chứng bảo đảm cho những quyết định quan trọng, người ta thường dùng máu động vật hay máu của chính mình để làm bằng chứng, hay để kí kết giao ước. Người ta dùng máu để kết nghĩa huynh đệ hay dùng những bức huyết thư để bày tỏ những cam kết quan trọng và không thể đảo ngược. Hậu quả của việc vi phạm giao ước sẽ dấn đến việc đổ máu.

Lịch sử Is-ra-en cũng có những ý nghĩa tương tự. Người ta dùng máu của động vật, để thực hiện những quyết định quan trọng trong đời sống con người đặc biệt là việc thanh tẩy, việc hiến tế, việc ký kết giao ước. Máu trong Cựu Ước, đặc biệt trong sách Xuất Hành như dấu chỉ của việc bảo vệ, dấu chỉ của niềm tin và sự cam kết trung thành “Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó.”[1] Kinh nghiệm về việc được Thiên Chúa uy quyền bảo vệ đã dẫn đến việc Is-ra-en ký kết giao ước với Thiên Chúa. Nét đặc biệt trong giao ước chính là việc thuộc về nhau: “Ta là Thiên Chúa của ngươi, còn ngươi là dân của ta.”[2]     

Khác với Cựu Ước thường dùng những con vật để hiến tế, Chúa Kitô dùng chính thân mình làm của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa. Với hiến lễ giao ước mới, Chúa Giêsu dâng hiến toàn bộ thế giới lên Thiên Chúa như của lễ sống động. Đỉnh cao của hiến lễ chính là việc Chúa Giêsu trao hiến chính mình cho con người và cho Chúa Cha để trao ban sự sống cho con người. Tình yêu trao ban sự sống và sự sống hiện thực hóa tình yêu qua việc trao hiến. Còn gì cao cả và quý giá hơn khi một người trao ban sự sống và hơi thở của chính mình cho người khác. 


2.Giao ước, thanh tẩy và biến đổi

Chúa Giêsu đã trao ban Mình và Máu của Ngài cho bạn. Ngài đã ký kết với bạn một giao ước. Giao ước đó thanh tẩy và làm cho lương tâm của bạn trở nên trong sạch. “Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta.”[3] Khi bạn phạm tội thì tâm hồn bạn trở nên ô uế, nhưng khi được trở nên một với Đức Kitô, thì sự thánh thiện của Ngài thanh tẩy tâm hồn bạn. Tình yêu vô điều kiện của Ngài chữa lành những tổn thương. Nói cách khác, tình yêu và ân sủng tuôn trào từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập giá “chuộc tội” cho bạn. Ngài mang những ô uế của thế gian vào trong thân mình để trả lại cho thế gian bộ mặt tươi mới. Tình yêu dâng hiến vô điều kiện nơi Mình và Máu Thánh Chúa biến đổi bạn.

Khi bạn được dìm vào trong Mình và Máu Thánh Chúa, Mình Máu Thánh Chúa sẽ thấm nhuần toàn thể con người các bạn. Khi đó bạn sẽ sống như Ngài đã sống và nói cùng một loại ngôn ngữ của Ngài. Phải chăng có những hình thức giao tiếp vượt qua những giới hạn của ngôn ngữ, có những loại ngôn ngữ phi âm thanh, đó chính là ngôn ngữ của sự sống, ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của trái tim.

Vả lại, sau khi được đón lấy Mình và Máu Chúa Kitô, bạn cũng được mời gọi để trở nên tấm bánh của Chúa cho tha nhân. Khi bạn chấp nhận bẻ bánh cuộc đời cho tha nhân, bạn trở nên sứ giả của hòa bình và niềm hy vọng. Hòa bình không thể có nếu thiếu sự đối thoại, đối thoại không thể có nếu thiếu lòng tin tưởng, và lòng tin tưởng không thể có nếu thiếu Thiện Tâm. Và Thiện Tâm chỉ thực sự có được khi Nhân Tâm được hòa làm một với Thánh Tâm. Chính Thánh Tâm uốn nắn Nhân Tâm trở nên Thiện Tâm. Đức Kitô tự nhân hóa để chúng ta được thần hóa. 

            

3.Giao ước, lời đem lại sự sống

Mỗi lần các bạn tham dự thánh lễ là một lần các bạn được nghe những lời trao ban sự sống của Chúa Giêsu. Tin Mừng Chúa Nhật Tuần X Mùa Thường Niên Năm B lễ Mình Máu Thánh Chúa tường thuật về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Thánh Thánh Thể trong lễ Tiệc Ly: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy,…đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.”[4] Chính những lời này của Chúa Giêsu đã biến đổi Bánh và Rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã giao nộp sự sống, nhân tính và thần tính, những gì Ngài có và Ngài là vào trong tay những con người phàm. Ngài chấp nhận bị bẻ ra để trao ban sự sống cho đến hơi thở cuối cùng. Sự sống thần linh “chấp nhận bị hút cạn”[5] cho nhân tính được tròn đầy. Bạn chính là đối tượng của tình yêu hiến tế ấy.

Khi quyết định chọn lựa dấn thân vào đời sống gia đình hay đời sống dâng hiến, các bạn đã quyết định trao ban bản thân và sự sống của mình cho người khác. Việc trao tặng bản thân và sự sống của mình cho người khác vừa là động lực của tình yêu và là hoa trái của tình yêu. Giống như Chúa Kitô, vì yêu thương bạn, đã chấp nhận trao ban Mình và Máu Thánh của Ngài cho bạn. Tình yêu trao hiến thân mình cho người khác là một tình yêu dễ bị tổn thương, và có thể bị phản bội nhưng nó lại biểu hiện ý nghĩa cao đẹp nhất của tình yêu, tình yêu vô vị lợi. “Tình yêu sẽ biến đổi phận người.”[6]

Vả lại khi nói đến giao ước tình yêu đem lại sự sống cho con người là nói đến sự hiệp nhất. Giao ước là mắt xích để nối kết sự khác biệt và tình yêu duy trì sự hiệp nhất. Giao ước nối kết bạn và duy trì tương quan của bạn với người khác và tình yêu nuôi dưỡng sự kết nối đó. “Hãy ở lại trong tình yêu của thầy”[7] là lời mời gọi liên lỷ của Chúa Giêsu dành cho người môn đệ khi Ngài trao ban sự sống và tình yêu của Ngài cho họ. Các chi thể của Giáo Hội có được sự hiệp nhất khi được chia sẻ cùng một đức tin, một phép rửa, một Thần Khí, một Tấm Bánh và một Chén Rượu. Thần Khí đã làm cho Đức Kitô phục sinh cũng sẽ duy trì sự hiệp nhất cho những ai đón nhận Mình và Máu Thánh Người.        

Mình và Máu Đức Kitô đang được trao ban trong những đôi tay biết trao tặng sự sống của mình cho người khác. Trái tim và sự sống của Chúa Giêsu cũng đã thấm nhuần trong trái tim của những con người dám chết vì người mình yêu. Và cứ thế, giao ước tình yêu mà Chúa Kitô đã thực hiện qua việc trao tặng sự sống và thân mình của Ngài, sẽ tiếp tục được tuôn chảy trong trái tim của bạn và những người mà bạn phục vụ. Hãy thực hiện giao ước quan trọng của bạn mỗi ngày bằng việc đón nhận và trao ban Mình và Máu Thánh Chúa.      

Gioan Phạm Duy Anh, SJ

………

[1] Xh 24, 8

[2] Xh 20: 1-18

[3] Dt 9, 14

[4] Mc 14, 23; 25

[5] Ý nói tình yêu hiến tế cho đến tận cùng. Trên thánh giá, Ngài đã chút hơi thở và sự sống vào trong tay Cha, chấp nhận chịu chết để cứu độ con người. Tình yêu trọn vẹn của Ngài dành cho Cha và cho nhân loại dẫn đến sự hy sinh cho đến cùng.  

[6] Nguyễn Duy, Sống Trong Niềm Vui

[7] Ga 15, 9


************************************************ 







VÀI TÂM TÌNH KHI MỪNG LÊ MÌNH MÁU THÁNH


Khi đọc bài Phúc Âm của Thánh Gioan (chương 6, câu 51-58), tôi chợt nhớ đến câu chuyện xảy ra tại nước Ý vào khoảng năm 1900-1910, câu chuyện ấy được kể như sau:

Có một em bé 7 tuổi tên là Lucia đi lễ với chị; hôm đó chị của bé được rước Mình Thánh Chúa lần đầu. Bé Lucia mới nói với mẹ rằng bé chỉ ước ao được lên đứng gần Maria, chị của bé, để được ngắm chị rước Chúa vào lòng thôi. Mẹ Lucia không chịu, nhưng bé cứ năn nỉ mãi, nên mẹ bé đồng ý cho bé đứng bên cạnh chị. Khi Cha Sở đến trao Mình Chúa cho Maria, bé Lucia đứng nhìn say đắm, rồi bỗng nhiên Cha Sở thấy có một vòng tròn trắng bay từ từ đến và đậu ngay trên trán bé Lucia. Ngài hiểu ý Chúa, liền đến cho Lucia rước lễ luôn, mặc dù em chưa học giáo lý vỡ lòng.

Hôm đó còn trong mùa Giáng Sinh, nên sau Thánh Lễ, bé Lucia đến hang đá và quỳ xuống cầu nguyện. Lát sau, Maria gọi Lucia đi về, nhưng gọi mãi mà em không trả lời. Maria liền kêu mẹ: “Mẹ ơi, con gọi mãi mà Lucia không trả lời, cứ im lặng hoài không thôi!”. Mẹ em mới gọi: “Lucia, về đi nào!”, nhưng vẫn không thấy em trả lời, bà liền đến gần thì thấy em không cử động gì cả, bà mới hay là Chúa đã rước em về với Ngài rồi. Lúc bấy giờ mọi người mới hiểu là vì em khao khát được rước Chúa vào lòng, nên Chúa đã đến với em và nay đã đem em về với Ngài. Cha Sở chứng kiến phép lạ ấy sau này là Đức Giáo Hoàng Piô X.

Hôm nay, nhớ lại câu chuyện ấy, tôi vẫn còn cảm thấy rất cảm động, và tôi lại nhớ đến bữa tiệc ly trong đó Chúa Giêsu đã cùng với các môn đệ cử hành mầu nhiệm Thánh Thể. Nếu hiểu được mầu nhiệm ấy, hẳn là chúng ta biết rằng Chúa rất yêu thương chúng ta. Nhưng Chúa cũng đã từng nói với các môn đê: “Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18), Chúa mời gọi các môn đệ cùng đi với Chúa, Ngài muốn chia sẻ tất cả những đau khổ buồn vui với các môn đẹ. Cũng chỉ có Tình Yêu thương chân thật mới chia sẻ được cho nhau như vậy, mà thật sự Ngài coi các môn đệ như là bạn.

Đọc bài Phúc Âm ấy, tôi mới hiểu rằng Chúa không nói chúng ta hãy chịu đựng đau khổ, cũng không nói chúng ta hãy chạy trốn đau khổ, mà Chúa muốn chúng ta đón nhận nó. Chính Chúa cũng đã chấp nhận đau khổ ấy, và hiến cả mạng sống mình vì Tình Yêu đối với chúng ta, như chúng ta thấy trong Vườn Cây Dầu, Chúa đã xin Chúa Cha cất chén đắng, nhưng lại nói tiếp ngay: “đừng theo như ý Con mà xin theo ý Cha” (Mt 26,40). Chính bản thân tôi vẫn ước ao được Chúa ngự vào trong lòng mỗi ngày, tôi mới cảm thấy được bình an, hạnh phúc. Chúa mãi mãi ở trong lòng tôi mỗi ngày, để tôi nhận biết và thấu hiểu được tình yêu Chúa cao vời biết bao. Ước gì mỗi người chúng ta luôn có lòng khao khát Chúa, khao khát một cách mãnh liệt như bé Lucia vậy.

Têrêsa Ngọc Nga

vendredi 4 juin 2021

Tin vui: 3 tháng 6 - Hàng triệu người Âu Châu sẽ lại rước kiệu Mình Máu Thánh Chúa trên đường phố


 LỄ Mình Máu Thánh Chúa: 03-06-2021

Timecode 00:00:00 Đài Hiệu 00:00:21 Giới thiệu chương trình 00:01:33 Lễ Mình và Máu Thánh Chúa 00:03:21 Bang Bavaria 00:07:59 Thành phố Appenzell 00:09:28 Ba Lan 00:11:49 Kết thúc 00:12:13 Closing Credits

Làm Sao Để Áp Huyết Không Cao?

      BS NGUYỄN VĂN HOÀNG


Cái ống màu vàng (aorta) là đại động mạch, máu bơm vào đó từ tâm thất trái (left ventricle) Aortic valve chận không cho máu đã bơm ra bị dội về. Đầu tiên, chắc ai cũng biết người Việt mình thường nói áp huyết của một người là "mười lăm tám" (15/8) hay mười bảy chính (17/9), còn ở Úc thì người ta nói 150/80, hay 170/90. Vậy các con số ấy là gì?
Lấy ví dụ áp huyết một người là 120/80, thì có nghĩa là áp suất máu trong động mạch là 120mm thủy ngân và 80 mm thủy ngân, tức là có hai con số để đo áp suất trong động mạch, một số trên và một số dưới.
Chúng tôi có xem qua tự điển trong Google, họ ghi rằng systole là sự thu sứ c của trái tim, nó cũng "dễ hiểu" như nghe tiếng LaTinh. Thôi thì mình gọi số trên là systole (hay systolic blood pressure) và số dưới là diastole (hay diastolic blood pressure) cho nó giống tiếng... Mỹ hơn tiếng La Tinh.
Coi vậy chớ không phải ai cũng biết tại sao áp huyết của ta lại có số trên (systole) và số dưới (diastole).
Số là trái tim chúng ta có hai thì, bóp vô và phồng ra. Khi tim bóp vô, máu phọt vào động mạch, khi tim phồng ra, thì máu từ tĩnh mạch chảy vô tim, còn máu từ động mạch thì không chảy ngược vô tim vì các valve tim chận sự hút ngược máu từ động mạch.
Vậy con số trên của áp huyết là áp suất của máu trong động mạch khi tim bóp vô, đẩy máu vào động mạch và số dưới là khi tim nhả ra, hay phồng ra. Khi máu được bơm vào động mạch, áp suất tăng cao, nên con số trên cao, còn khi tim nhả ra, không bơm vô động mạch thì áp suất thấp xuống, nên ta có systole cao hơn diastole.
Bây giờ mình tìm hiểu xem làm sao mà người ta đo máu, nguyên tắc để biết số trên và số dưới của áp huyết như thế nào.
Không biết các vị thần y của phương Đông có ngón tay nhạy cảm thế nào, nhưng theo Tây học thì nguyên lý của nó căn bản nhưng cũng khá ảo diệu.
Đầu tiên chúng ta nên biết sơ về hiện tượng turbulence, tức là sự náo động, lộn xôn, mất trật tự. Đôi khi bà con đứng cạnh một dòng sông bát ngát, lượng nước trôi theo dòng hàng ngàn thước khối mỗi giây, nhưng vẫn không nghe tiếng ầm ầm. Nhưng khi bà con mở một vòi nước phông tên trong nhà, lượng nước chảy chỉ là hạt cát trong sa mạc so với dòng sông, nhưng lại nghe xì xì rất lớn.
Tại sao vậy? Nhưng khi vặn rôbinê lỏng thêm một chút thì lại không nghe xì xì ì xèo như trước. Tại sao vậy?
Khi nước chảy trong dòng sông những phân tử nước chảy trật tự, lớp trên theo trên, lớp dưới theo dưới, như dòng xe chạy êm đềm trên xa lộ. Nhưng trong ống nước, khi từ ống lớn chảy qua cái vòi nhỏ thì ở chỗ miệng vòi nhỏ, các phân tử nước không còn được chảy lớp lang như trước mà những đứa ở phía ngoài bị chạm vào thành ở chỗ ống hẹp, khiến nó dội lại, cuộn lên cuộn xuống, va chạm lẫn nhau, như cả đoàn xe hơi đang chạy trên freeway 6 lane thì không sao nhưng bỗng bị chui vô 1 lane, thì cụng nhau chát chúa, tạo nên tiếng động.
Áp dụng nguyên tắc này, người ta bơm cái cuff (cái vòng bơm hơi chung quang cánh tay khi đo máu) lên quá áp xuất của máu. Lúc ấy đông mạch sẽ bị chẽn cứng lại, như kẹt xe, không có tiếng động gì cả. Rồi từ từ người ta giảm áp suất trong cuff.
Đến một lúc nào đó thì áp xuất bên ngoài tương đương với áp suất bên trong động mạch, và rồi sau đó giảm tiếp, hơi thấp hơn áp xuất động mạch một tí. Khi ấy, máu trong động mạch bắt đầu có cơ hội chui qua một lỗ nhỏ trong động mạch khi tim bóp lại, như đường 6 lane chui vào 1 lane, tạo nên hiện tượng turbulence của máu, nghĩa là các phân tử máu va chạm nhau, như nước chảy từ ống lớn chui qua lỗ nhỏ. Nó sẽ tạo ra tiếng "xì, xì", mỗi khi tim bóp vào, bơm máu. Tiếng xì đầu tiên mà người đo máu nghe được chính là số bên trên của áp huyết, hay systole.
Tiếng xì xì đồng nhịp với sự co thắt của tim tiếp tục nhịp cho đến khi áp suất bên ngoài, tức là áp suất của cái cuff vòng cánh tay mình, giảm xuống đến mức độ bằng hoặc thấp hơn áp suất của động mạch khi tim phồng ra, hay nhả ra. Lúc ấy thì hiện tượng đường 6 lane chui vô 1 lane không còn nữa, xe chạy thong thả trong 6 lane xuyên xuốt, không đụng ầm ầm, không có turbulence, và do đó không còn tiếng "xì” nữa. Tiếng xì cuối cùng chính là diastole.
Người đo máu mắt thì ngó cột thủy ngân, tai thì nghe các tiếng xì xì (nhưng thường thì nghe như "tục tục" hay "bịch, bịch"). Họ ghi nhận áp suất ở tiếng "bịch" đầu tiên, gọi là số trên (systole) và tiếng bịch cuối cùng, là số dưới (diastole).
Thế là xong phần nguyên lý đo áp huyết.

Vậy thì áp huyết bao nhiêu là vừa?
Người ta thường nói 120/80 là trung bình. Các bà, các cô VN hay Á đông hễ thấy áp huyết 106/62, chẳng hạn, thì xanh mặt.
"Ôi, tui thiếu máu", "ôi, tui bị áp huyết thấp, chóng mặt wá, nhức đầu wá".
Ngay cả nhiều BS cũng hát bè theo, "ồ áp huyết của chị hơi thấp".
Rầu thấy mồ luôn, chẳng thiếu máu cũng chẳng bị áp huyết thấp chi cả.
Thưa bà con, nhiệm vụ của trái tim là làm sao bơm máu đi châu thân, đến "tiền tuyến" hay mô ngoại vi như ngón tay, ngón chân, một cách hiệu quả. Con voi bự như cái đình, ắt cần trái tim bơm rất mạnh, áp huyết cao, mới đẩy máu tới cái chóp đuôi của nó được. Còn con chuột lắc thì nhỏ xíu, có cần cái máy bơm khổng lồ với công suất của trái tim con voi, áp huyết của con voi chăng? Dĩ nhiên là không.
Tây y bắt nguồn từ người phương Tây, ông nào bà nấy như con voi, còn mình thì chỉ hơn con chuột lắc một chút. Con số 120/80 là trung bình cho người Tây Phương nhưng không phải như vậy mới là chuẩn.
Người đàn bà, con nít, áp huyết thấp hơn như vậy là thường, chẳng bệnh hoạn gì cả. Chỉ khi nào áp huyết của mình bình thường khoảng 145/95, nay bỗng tuột cái rẹt xuống còn 90/45, thì lúc ấy mới có vấn đề.
Vậy thì áp huyết bao nhiêu thì gọi là cao, bao nhiêu là thấp?
Theo sách y, nếu con số trên từ 140 trở lên, hoặc con số dưới từ 90 trở lên thì là áp huyết cao. Nhưng định nghĩa này chỉ có tính tương đối. Còn nếu con số trên dưới 80, con số dưới dưới dưới 40 thì thấp.
Câu hỏi kế tiếp của quý vị là sao áp huyết của tui là 178/67, vậy thì cao hay thấp?
Số trên thì cao, số dưới thì dưới trung bình.
Đây là hiện tượng cao áp huyết thưòng thấy ở người cao niên. Quý vị sẽ thấy cái “gap”, sự cách biệt giữa số trên và số dưới khá xa (nếu áp huyết 120/80 thì sự cách biệt giữa hai con số là 40mmHg (thủy ngân)), trong trường hợp áp huyết 178/ 67 thì sự cách biệt đến 111mmHg, khác quá xa.


Tại sao như vậy?
Vấn đề không nằm ở trái tim mà ở động mạch. Khi ta còn trẻ, động mạch mềm, dễ co giãn. Khi tim bóp cái xịt, máu phọt ra, động mạch sẽ chìu ý mà nở ra dễ dàng, do đó tuy khi tim đập áp huyết có cao hơn khi tim nhả ra, nhưng không tăng quá cao.
Người già, động mạch của họ như cái ống nước cao su bị phơi nắng hàng mấy chục năm trường (như thôi, chớ đương nhiên động mạch thì không phơi nắng được), nó so cứng lại, mất tính mềm dẽo, đàn hồi. Và thế là khi trái tim bóp cái xịt, động mạch không thèm nở ra, khiến lòng mạch chật chội, áp huyết tăng cao. Nhưng khi tim nhả ra, không bóp máu, thì động mạch dù sơ cứng cũng không ảnh hưởng đến áp suất vì không bị máu bơm thêm vào.
Do sự sơ cứng của động mạch trong người già, quý cao niên thường có systole, con số trên cao, và cách biệt giữa số trên và dưới khá xa. Nói đây là bệnh cao áp huyết cũng được, nhưng nhìn hiện tượng cao áp huyết này như một lẽ thường của sự lão hóa thì cũng không sai. Hầu như, chỉ hầu như, đương nhiên già thì bị.
Những người tập thể thao nhiều, đông mạch co giãn hoài, cộng với đời sống điều độ, thì ít bị sơ cứng động mạch hơn. Ngày xưa người ta quan niệm áp huyết (systole) của một người già bằng với số tuổi của họ cộng với 100. Nghĩa là nếu cụ 75, có áp huyết 175 (số trên) là chuyện thường ngày ở huyện.
Quan niệm ấy vẫn đúng, nhưng nay người ta thấy rằng nếu làm áp huyết của cụ giảm xuống thì cụ sống lâu hơn một chút.


Vậy áp huyết hại ta như thế nào?

Rầu nhất hạng là người thường không hiểu về tác hại của áp huyết, hở mỗi chút là mỗi lo.
Áp huyết của một người, trong một ngày, lên xuống ì xèo, không thể vì một lần đo thấy 178/99 rồi xanh mặt chao dao, tưởng như mình sắp đứt gân máu. Khi ta nóng giận, tức tối, đau đớn, khó chịu, thiếu ngủ, căng thẳng, áp huyết đều tăng.
Nhưng áp huyết cao chỉ có hại nếu nó cao trường kỳ. Nó sẽ làm hư hao động mạch. Vì bộ phận nào của ta cũng đều cần máu nuôi dưỡng, mạch dẫn đến cơ quan nào hư thì cơ quan đó "dẹo niền" luôn. Mạch lên não hư thì tai biến mạch máu não, tức là stroke, mạch dẫn đến (bắp thịt của) tim hư thì bị nhồi máu cơ tim. Mạch dễn đến mắt hư thì... đui. Mạch dẫn đến dương vật hư thì... liệt. Đơn giản chừng ấy.

Vậy làm sao để áp huyết không cao?

Trước khi dùng thuốc thì tập thể dục, thể thao, ăn uống vừa phải (ít chất mặn). Nếu áp huyết vẫn cao thì uống thuốc. Quý vị nào muốn dùng thuốc cỏ, thuốc Nam, rau cần, vân vân thì cứ dùng. Chúng tôi cho rằng các thứ thuốc Nam này cũng có dược tính nhưng liều lượng cần thiết, phản ứng phụ và hiệu nghiệm ra sao, chúng tôi không biết (và cũng KHÔNG CẦN BIẾT vì chúng tôi chỉ cần uống một viên thuốc bằng ăn mấy bó rau).
Nếu ai đó quan niệm rằng uống dược thảo sẽ không bị phản ứng phụ, không bị "nóng", tốt hơn thuốc tây, thì trước khi kết luận, xin điều nghiên qua một ít thống kê xem người xưa dùng thuốc cỏ có ít bị tai biến mạch máu não, nói nôm nay là trúng gió, có ít bị nhồi máu cơ tim, có sống dai hơn người dùng thuốc Tây thời nay không.

Tóm lại, quan niệm của chúng tôi vô cùng đơn giản..

Thứ nhất, không ai tránh được bệnh và chết (trừ phi chết bất đắc kỳ tử), nên khỏi cần lo lắng về bệnh tật, chắc chắn nó sẽ đến với ta. Không lo cũng bệnh mà lo thì càng... dễ bệnh hơn.

Thứ hai, khi cái xe của chúng tôi bị hư, vì không biết về cơ khí, tôi giao phó nó cho anh thợ hay kỹ sư. Bệnh nhân cũng nên có thái độ này đối với sức khỏe của mình, giao cho BS lo... Tiếc là trong đời hành y của tôi, số người Việt không giỏi tiếng Anh mà có quan niệm và thái độ điềm tĩnh này chiếm KHÔNG ĐẾN 10%, chưa chắc đến 5%.

Kết quả là áp huyết của họ cao vì lo lắng những chuyện không đáng lo.
Cuối cùng, chúng tôi quan niệm người ta bệnh trầm kha và chết mỗi ngày, mình vẫn dửng dưng.

Nếu khi mình bệnh mà mình lo lắng thái quá thì vừa chứng minh lòng vị kỷ, vừa tổn tâm hao trí.

Đời sẽ mất vui.

BS Nguyễn văn Hoàng

jeudi 3 juin 2021

LỄ MÌNH THÁNH CHÚA

 Điều mà mỗi người trên dương gian đều khao khát và khao khát cách mãnh liệt nhất, tha thiết nhất là gì ? Không phải là tiền bạc, không phải là địa vị hay nhan sắc… mà là được sống, sống lâu, sống khỏe, sống vui!  

Khi gặp thiên tai, núi non sạt lở chôn vùi hết ruộng vườn, nhà cửa nhưng chủ nhà thoát chết thì vẫn được xem may mắn và có phúc. 

Người ta tìm đủ mọi cách để duy trì sự sống với bất cứ giá nào, và khi bị bệnh tật đe dọa mạng sống, biết mình chỉ còn sống được chừng ba tháng, bệnh nhân cảm thấy kinh hãi, rụng rời và sẵn sàng trút hết tất cả tiền bạc, của cải, tài sản mình có để chạy chữa, may ra có thể sống thêm một thời gian. Đúng là “mạng sống hơn đống vàng !” 

 

Sự sống của loài người quý thật, nhưng sự sống này có thể bị bệnh tật, tai ương… cướp đi bất cứ lúc nào. 

Trong khi đó, có một sự sống rất đỗi tuyệt vời, không bao giờ lụi tàn, không bao giờ mất đi… Đó là Sự Sống của Thiên Chúa. 

 

Vì yêu thương con người là tạo vật ưu việt của mình, Thiên Chúa ban cho con người đủ mọi thứ cần thiết trên đời, nhưng trong những món quà Thiên Chúa tặng ban, thì món quà quý báu nhất là Sự Sống của chính Ngài. 

 

Nhưng làm thế nào đem sự sống của chính mình ban tặng cho người khác được? 

Chúng ta không thể thông truyền sự sống của mình cho người khác. 

Một người con hiếu thảo thấy mẹ hấp hối, sắp lìa đời, thì đau xót lắm… và dù có muốn lấy sự sống của mình truyền qua cho mẹ, để mẹ sống thêm vài năm nữa, cũng không thể làm được. Không ai trên đời có thể truyền ban sự sống mình cho người khác. 

Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài có thể làm được mọi sự. Ngài có thể truyền Sự Sống của chính Ngài cho tôi, cho bạn, cho mỗi người chúng ta. 

Bằng cách nào ? 

Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho. Không tháp nối với thân thì không có sự sống. 

Muốn cho một bàn tay bị lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể. Không được tháp nối nên một với thân thể thì không thể nhận được sự sống. 

Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su phục sinh thì phải làm cho họ kết hợp nên một với Chúa phục sinh. 

Để thực hiện việc này, Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu của Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài thì được nên một với Ngài, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56). 

Và nhờ nên một với Chúa Giê-su, nên Sự Sống của Chúa Giê-su sẽ được thông truyền cho người đó, như sự sống của thân thể thông truyền cho bàn tay. 

Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giê-su thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai. 

Chúa Giê-su khẳng định điều này qua câu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51). 

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54). 

 

Lạy Chúa Giê-su, 

Chúa ban chính Mình Máu thánh Chúa cho chúng con để chúng con được nên một với Chúa, được đón nhận Sự Sống của Chúa, nhờ đó, được sống hạnh phúc muôn đời. 

Đây là quà tặng quá đỗi tuyệt vời, là hồng ân vô cùng cao quý, không gì sánh được. 

Xin cho chúng con đừng thờ ơ, hờ hững với món quà vô giá này nhưng biết sốt sắng lãnh nhận hồng ân vô giá này với tâm tình cảm tạ sâu xa. 

 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà  

 

 

TIN MỪNG LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA  

 

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 14, 12-16. 22-26) 

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?" Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: "Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: 'Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?' Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó". Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.  

Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa". Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.  Đó là lời Chúa. 

mardi 1 juin 2021

Les bienfaits de la mélisse officinale

Membre de la famille des Lamiaceae, cette plante est dotée de nombreux surnoms poétiques : piment des abeilles, herbe au citron… Utilisée depuis l’Antiquité pour ses nombreux bienfaits santé, elle peut être cultivée facilement dans votre jardin. Autre bon point : elle présente très peu de contre-indications. On évite surtout de l’utiliser durant la grossesse et l’allaitement, par mesure de précaution.

Une plante aux propriétés apaisantes

Stress, anxiété, angoisse… En interne, la mélisse officinale est connue pour calmer les troubles nerveux. Vous pouvez également consommer cette plante pour calmer une crise de tachycardie (quand le cœur bat trop vite) et combattre certains troubles du sommeil, type insomnie. Revers de la médaille : elle peut amplifier les effets sédatifs de certains médicaments. Parlez-en à votre médecin !

Elle soulage les troubles digestifs

Cette plante herbacée ne se contente pas d’apaiser le système nerveux : elle combat aussi divers troubles digestifs type acidité gastrique, crampes d’estomac et colites spasmodiques. Ses effets seraient liés à la présence de plusieurs substances, dont l’acide rosmarinique, un agent anti-inflammatoire, et le citronellal, aux propriétés antiseptiques.

Une plante bonne pour le cerveau ?

Il semblerait que la consommation de mélisse citronnelle (autre nom courant de la mélisse) facilite la concentration. Elle aurait aussi une action stimulante sur la mémoire et pourrait soulager les migraines : le cardinal de Richelieu buvait d’ailleurs régulièrement de l’eau de mélisse pour combattre ses crises.

D’autres bienfaits en usage externe

La melisse officinalis peut détendre les muscles et soulager les névralgies. Avec ses substances cicatrisantes, antiseptiques et antivirales, cette plante est également utile pour soigner des blessures légères et quelques infections cutanées. L’OMS (Organisation Mondiale de la Santé) recommande notamment son utilisation contre l’herpès labial, aussi connu sous le nom de bouton de fièvre.

Comment l’utiliser ?

En interne

Pour soulager des troubles digestifs ou une crise de nerfs par exemple, vous pouvez aussi bien prendre :
des infusions de mélisse. Au besoin, vous trouverez facilement des feuilles séchées dans le commerce. Faites-en infuser 1,5 à 4,5 g (1 à 3 cuillères à café) une dizaine de minutes dans 200 ml d’eau. Vous pouvez en boire 3 fois par jour. 
Pour des feuilles fraîches, comptez plutôt 3 à 9 g ;
2 à 4 ml d’extrait liquide 3 fois par jour ;
2 à 6 ml de teinture mère (diluée dans de l’eau), 3 fois par jour.

En utilisation externe

Pour détendre vos muscles, incorporez 10 gouttes d’huile essentielle de mélisse ou lemon balm dans un produit dispersant (ex. : 1 tasse de lait en poudre) avant de mettre le tout dans votre bain. Contre les névralgies et petites blessures, diluez 5 gouttes d’HE dans 1 cuillère à café d’huile d’olive, puis massez doucement la zone. Pensez plutôt à une crème ou à une pommade contenant de l’extrait de mélisse contre l’herpès labial.
Dans la cuisine…

N’oubliez pas que la mélisse est aussi une plante aromatique ! Hachez finement ses feuilles pour agrémenter vos salades, sauces, poissons, potages, viandes, marinades…

Où la planter ?

Cette plante vivace donnant de jolies petites fleurs blanches se plaît aussi bien au soleil qu’à mi-ombre. Elle aime les sols frais, légers et argileux. Vous trouverez facilement des graines dans le commerce, mais faites attention à ne pas confondre cette plante avec la « vraie » citronnelle, dite cymbopogon citratus.

dimanche 30 mai 2021

“Em lớp sáu” – Học trò Saigon xưa.

 “Em lớp sáu” – Học trò Saigon xưa.

   Bùi Bảo Trúc 



Đang lang thang tôi tình cờ tìm thấy những bức ảnh ấy trong Internet nhưng không biết ai là người chụp nó, cố gắng mãi tôi cũng không biết những cô cậu học sinh nhỏ ấy học trường nào mặc dù ở cổ áo dài trắng của cô có gắn huy hiệu trường, tôi chắc đó phải là một trường nữ nào đó, tất cả các bạn của cô đều mặc đồng phục trắng, và tuổi khoảng 11 hay 12 là cùng.

Cô có mái tóc ngắn uốn quăn, không một nỗ lực làm dáng hay chải chuốt nào. Cô đeo ở tai một cặp tòn ten, miệng cười chúm chím. Cô có cái nét tươi tắn hơn tất cả những người bạn cùng lớp trong ảnh. Ở tuổi đó, chắc cô đang học lớp đầu trung học, có thể là lớp Sáu. Có một điều lạ trong bức ảnh đó: cô có nét mặt rất miền Nam. Hỏi cái nét miền Nam đó là nét gì thì quả thực tôi không biết trả lời làm sao. Nhưng nhìn cô học sinh nhỏ ấy, tôi nghĩ ngay cô là một cô bé miền Nam. Hồn nhiên, hiền lành, đằm thắm. Cô cười, hai mắt cũng cười theo.

Tự nhiên khi xếp những chi tiết tưởng tượng đó lại gần nhau, tôi nhớ ngay đến một bài thơ đăng trong tờ Bách Khoa mà một người quen mua được ở Việt Nam khoảng hơn hai chục năm trước và cho lại tôi. Bài thơ ấy nguyên được tìm thấy trong tờ báo xuân năm 1975 của trường trung học Bùi Thị Xuân. Tác giả là một người tên Trần Bích Tiên, chắc là một nữ sinh Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Bài thơ nhan đề là “Nói Với Em Lớp Sáu”.

Bài thơ viết bằng 7 chữ có 9 đoạn 4 câu, tổng cộng 36 câu kể lại cuộc gặp gỡ tình cờ buổi chiều ngoài phố. Cô học sinh lớp Sáu tung tăng chạy trước, tác giả Trần Bích Tiên đi sau. Tác giả nhìn cô rồi nhớ lại tuổi thơ trong lửa đạn của mình. Cha mẹ đã khuất, nhà cửa tan nát vì binh lửa, và người từng rót vào hồn tác giả những lời hạnh phúc ngày nào cũng không còn nữa. Tác giả muốn người bạn nhỏ mới quen cứ hồn nhiên, vô tư đuổi hoa bắt bướm như trong buổi chiều hai người quen nhau vì chính tác giả đã đánh mất cái thời hoa niên đẹp đẽ đó.

Câu cuối cùng “Giữ hoài cho chị tuổi Hoa Niên” cũng làm nhớ một câu trong một ca khúc của Lê Trạch Lựu: “Đường đời anh muốn em còn mơ”.

Bức ảnh ít nhất phải được chụp từ hơn 40 năm. Cô học trò nhỏ đó ngày nay phải ở tuổi ngoài 50. Cô đang ở đâu nơi quê hương mù mịt đó? Cô có còn ở cái thành phố nơi cô đi học và lớn lên không? Đời sống của cô như thế nào? Cô có làm được như lời căn dặn của câu cuối trong bài thơ không? Và cả Trần Bích Tiên nữa. Cô có còn làm thơ nữa không? Thơ cô làm còn buồn như bài thơ cô viết cho báo xuân năm nào?

Này em lớp sáu này em nhỏ
Gặp em rồi không quen em đâu
Chiều nay hai đứa về qua phố
Rất tự nhiên mà mình quen nhau

Em chạy tung tăng không mắc cỡ
Chị thì bước bước chậm theo sau
Tuổi mười hai chị xa vời quá
Chị gọi em chờ, em chạy mau

Này em lớp sáu này em nhỏ
Em hãy dừng chân một chút lâu
Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ
Tóc em thơm ngát mùi hương cau

Hương cau vườn chị xa như tuổi
Ba má chị nằm dưới mộ sâu
Vườn cũ nhà xưa tàn với lửa
Chị đi về hai buổi âm u

Gặp em ngoài phố mình như bạn
Thời mộng trong bàn tay nắm nhau
Chị ngắt cho em hoa cúc nhỏ
Em cười cái miệng mới xinh sao

Ngày xưa chị cũng như em chứ
Cũng rất ngây thơ rất ngọt ngào
Chị nhớ mỗi chiều tan học sớm
Bạn bè đuổi bướm thật xôn xao

Những con bướm lượn trên bờ cỏ
Chị cũng như em chạy đuổi mau
Bây giờ bướm biệt trên đường phố
Em đuổi sương mù chơi chiêm bao

Này em lớp sáu này em nhỏ
Gặp em rồi muôn thuở không quên
Trời ơi câu đó ngày hôm trước
Ai rót vào hồn chị hỡi em?

Sách trên tay chị nghe chừng nặng
Sao cặp em đây vẫn nhẹ tênh?
Thôi nhé em về con phố dưới
Giữ hoài cho chị tuổi Hoa Niên

Cầu mong cho những cô học sinh nhỏ trong bức hình, cô học sinh lớp Sáu trong bài thơ của Trần Bích Tiên và luôn cả Trần Bích Tiên nữa bình an, giữ mãi được tuổi Hoa Niên cho dù bất cứ ở đâu trong thế giới này.

Bùi Bảo Trúc

( Bùi bảo Trúc, nhà văn, nhà báo tác giả mục “Thư Gửi Bạn Ta” đã qua đời năm 2016 tại California, Hoa Kỳ.

 Nhà thơ Trần Bích Tiên (Bùi Thu Huệ) đã định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1980).

Mỹ Trang chuyển

Để nhớ lại một thời cắp sách tới trường với bao ngây thơ trong sáng! 
Tuy nhiên cũng không quên nhất quỷ nhì ma và thứ ba là chúng mình! 
MTrang


BÀ GIÁO U80 NGÀY ĐI BÁN VÉ SỐ, TỐI ĐỨNG LỚP GIEO CHỮ CHO HỌC SINH

ảnh minh họa (internet)

Đều đặn hơn 5 năm nay, ban ngày bà Nguyễn Thị Ba (72 tuổi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) rong ruổi đi bán vé số, buổi tối lại đứng trên bục giảng dạy chữ cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn....

Bà Ba từng học tại ĐH Sư phạm Sài Gòn năm 1968. Ra trường, bà được phân công về dạy ở trường Tiểu học Tương Bình Hiệp (Bình Dương) đến năm 2003 thì về hưu. Có sẵn nghề trong tay nên việc dạy những học sinh khó khăn biết viết, biết đọc không phải là vấn đề lớn...

Lớp học cách nhà khoảng 2km nhưng bà Ba ít đi xe ôm mà thường đi bộ đến lớp. Dù 17h30 mới vào lớp nhưng bà thường đến sớm 1 tiếng để chuẩn bị bài vở và đón các em đến lớp...

Bà Ba đứng lớp tình thương từ năm 2016 đến nay đã được 5 năm. Lớp học hiện nay có 19 học sinh, rải đều từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi em mỗi hoàn cảnh, mỗi độ tuổi. Em nhỏ nhất cũng đã 10 tuổi, học sinh lớn nhất thì đã 33 tuổi đã gắn bó với lớp từ ngày bà Ba mở lớp giảng dạy...

Biết được lớp học tình thương của bà giáo Ba, nhiều mạnh thường quân thường nấu cơm nấu bún mang đến cho các em ăn lót dạ sau 1 ngày đi bán vé số, đánh giày, chạy bàn để các em có sức đến lớp...

19h, lớp học kết thúc cũng là lúc bà Ba đi bộ về nhà trọ. Trên đường đi, bà tranh thủ đi mời khách những tờ vé số...

Mỗi tháng bà Ba dư khoảng 3 triệu đồng từ tiền bán vé số. Một nữa tiền này, bà mua gạo, đường sữa và sách bút làm quà cho học sinh của mình, một nửa còn lại, bà chi trả phí sinh hoạt hàng ngày...

"Cuộc đời cô có nhiều nỗi buồn nhưng từ ngày có lớp học, có các em học sinh khiến cô yêu đời hơn nên cô sẽ gắn bó với lớp đến khi nào ko còn sức làn nữa" bà Ba tâm sự...!

Anh Thư chuyển