Bạn thân mến,
Khi các bạn cần có những quyết định quan trọng cho đời sống của mình thì điều gì là sự bảo đảm cho những quyết định ấy. Có điều gì quan trọng hơn sự sống mà bạn lại lấy chính sự sống của mình ra để bảo đảm. Chính Chúa Giêsu đã lấy Mình và Máu của chính mình để bảo đảm cho một quyết định quan trọng. Quyết định trao tặng và hiến mình vì bạn và tôi. Mình và Máu Thánh Chúa như một giao ước tình yêu đem lại sự sự sống cho con người
1.Giao ước, lời cam kết cho một sự bảo đảm
Khi các bạn lật lại những trang lịch sử, bạn thấy rằng, trong những xã hội cổ xưa, khi người ta cần có những bằng chứng bảo đảm cho những quyết định quan trọng, người ta thường dùng máu động vật hay máu của chính mình để làm bằng chứng, hay để kí kết giao ước. Người ta dùng máu để kết nghĩa huynh đệ hay dùng những bức huyết thư để bày tỏ những cam kết quan trọng và không thể đảo ngược. Hậu quả của việc vi phạm giao ước sẽ dấn đến việc đổ máu.
Lịch sử Is-ra-en cũng có những ý nghĩa tương tự. Người ta dùng máu của động vật, để thực hiện những quyết định quan trọng trong đời sống con người đặc biệt là việc thanh tẩy, việc hiến tế, việc ký kết giao ước. Máu trong Cựu Ước, đặc biệt trong sách Xuất Hành như dấu chỉ của việc bảo vệ, dấu chỉ của niềm tin và sự cam kết trung thành “Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó.”[1] Kinh nghiệm về việc được Thiên Chúa uy quyền bảo vệ đã dẫn đến việc Is-ra-en ký kết giao ước với Thiên Chúa. Nét đặc biệt trong giao ước chính là việc thuộc về nhau: “Ta là Thiên Chúa của ngươi, còn ngươi là dân của ta.”[2]
Khác với Cựu Ước thường dùng những con vật để hiến tế, Chúa Kitô dùng chính thân mình làm của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa. Với hiến lễ giao ước mới, Chúa Giêsu dâng hiến toàn bộ thế giới lên Thiên Chúa như của lễ sống động. Đỉnh cao của hiến lễ chính là việc Chúa Giêsu trao hiến chính mình cho con người và cho Chúa Cha để trao ban sự sống cho con người. Tình yêu trao ban sự sống và sự sống hiện thực hóa tình yêu qua việc trao hiến. Còn gì cao cả và quý giá hơn khi một người trao ban sự sống và hơi thở của chính mình cho người khác.
2.Giao ước, thanh tẩy và biến đổi
Chúa Giêsu đã trao ban Mình và Máu của Ngài cho bạn. Ngài đã ký kết với bạn một giao ước. Giao ước đó thanh tẩy và làm cho lương tâm của bạn trở nên trong sạch. “Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta.”[3] Khi bạn phạm tội thì tâm hồn bạn trở nên ô uế, nhưng khi được trở nên một với Đức Kitô, thì sự thánh thiện của Ngài thanh tẩy tâm hồn bạn. Tình yêu vô điều kiện của Ngài chữa lành những tổn thương. Nói cách khác, tình yêu và ân sủng tuôn trào từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập giá “chuộc tội” cho bạn. Ngài mang những ô uế của thế gian vào trong thân mình để trả lại cho thế gian bộ mặt tươi mới. Tình yêu dâng hiến vô điều kiện nơi Mình và Máu Thánh Chúa biến đổi bạn.
Khi bạn được dìm vào trong Mình và Máu Thánh Chúa, Mình Máu Thánh Chúa sẽ thấm nhuần toàn thể con người các bạn. Khi đó bạn sẽ sống như Ngài đã sống và nói cùng một loại ngôn ngữ của Ngài. Phải chăng có những hình thức giao tiếp vượt qua những giới hạn của ngôn ngữ, có những loại ngôn ngữ phi âm thanh, đó chính là ngôn ngữ của sự sống, ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của trái tim.
Vả lại, sau khi được đón lấy Mình và Máu Chúa Kitô, bạn cũng được mời gọi để trở nên tấm bánh của Chúa cho tha nhân. Khi bạn chấp nhận bẻ bánh cuộc đời cho tha nhân, bạn trở nên sứ giả của hòa bình và niềm hy vọng. Hòa bình không thể có nếu thiếu sự đối thoại, đối thoại không thể có nếu thiếu lòng tin tưởng, và lòng tin tưởng không thể có nếu thiếu Thiện Tâm. Và Thiện Tâm chỉ thực sự có được khi Nhân Tâm được hòa làm một với Thánh Tâm. Chính Thánh Tâm uốn nắn Nhân Tâm trở nên Thiện Tâm. Đức Kitô tự nhân hóa để chúng ta được thần hóa.
3.Giao ước, lời đem lại sự sống
Mỗi lần các bạn tham dự thánh lễ là một lần các bạn được nghe những lời trao ban sự sống của Chúa Giêsu. Tin Mừng Chúa Nhật Tuần X Mùa Thường Niên Năm B lễ Mình Máu Thánh Chúa tường thuật về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Thánh Thánh Thể trong lễ Tiệc Ly: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy,…đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.”[4] Chính những lời này của Chúa Giêsu đã biến đổi Bánh và Rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã giao nộp sự sống, nhân tính và thần tính, những gì Ngài có và Ngài là vào trong tay những con người phàm. Ngài chấp nhận bị bẻ ra để trao ban sự sống cho đến hơi thở cuối cùng. Sự sống thần linh “chấp nhận bị hút cạn”[5] cho nhân tính được tròn đầy. Bạn chính là đối tượng của tình yêu hiến tế ấy.
Khi quyết định chọn lựa dấn thân vào đời sống gia đình hay đời sống dâng hiến, các bạn đã quyết định trao ban bản thân và sự sống của mình cho người khác. Việc trao tặng bản thân và sự sống của mình cho người khác vừa là động lực của tình yêu và là hoa trái của tình yêu. Giống như Chúa Kitô, vì yêu thương bạn, đã chấp nhận trao ban Mình và Máu Thánh của Ngài cho bạn. Tình yêu trao hiến thân mình cho người khác là một tình yêu dễ bị tổn thương, và có thể bị phản bội nhưng nó lại biểu hiện ý nghĩa cao đẹp nhất của tình yêu, tình yêu vô vị lợi. “Tình yêu sẽ biến đổi phận người.”[6]
Vả lại khi nói đến giao ước tình yêu đem lại sự sống cho con người là nói đến sự hiệp nhất. Giao ước là mắt xích để nối kết sự khác biệt và tình yêu duy trì sự hiệp nhất. Giao ước nối kết bạn và duy trì tương quan của bạn với người khác và tình yêu nuôi dưỡng sự kết nối đó. “Hãy ở lại trong tình yêu của thầy”[7] là lời mời gọi liên lỷ của Chúa Giêsu dành cho người môn đệ khi Ngài trao ban sự sống và tình yêu của Ngài cho họ. Các chi thể của Giáo Hội có được sự hiệp nhất khi được chia sẻ cùng một đức tin, một phép rửa, một Thần Khí, một Tấm Bánh và một Chén Rượu. Thần Khí đã làm cho Đức Kitô phục sinh cũng sẽ duy trì sự hiệp nhất cho những ai đón nhận Mình và Máu Thánh Người.
Mình và Máu Đức Kitô đang được trao ban trong những đôi tay biết trao tặng sự sống của mình cho người khác. Trái tim và sự sống của Chúa Giêsu cũng đã thấm nhuần trong trái tim của những con người dám chết vì người mình yêu. Và cứ thế, giao ước tình yêu mà Chúa Kitô đã thực hiện qua việc trao tặng sự sống và thân mình của Ngài, sẽ tiếp tục được tuôn chảy trong trái tim của bạn và những người mà bạn phục vụ. Hãy thực hiện giao ước quan trọng của bạn mỗi ngày bằng việc đón nhận và trao ban Mình và Máu Thánh Chúa.
Gioan Phạm Duy Anh, SJ
………
[1] Xh 24, 8
[2] Xh 20: 1-18
[3] Dt 9, 14
[4] Mc 14, 23; 25
[5] Ý nói tình yêu hiến tế cho đến tận cùng. Trên thánh giá, Ngài đã chút hơi thở và sự sống vào trong tay Cha, chấp nhận chịu chết để cứu độ con người. Tình yêu trọn vẹn của Ngài dành cho Cha và cho nhân loại dẫn đến sự hy sinh cho đến cùng.
[6] Nguyễn Duy, Sống Trong Niềm Vui
[7] Ga 15, 9
************************************************
VÀI TÂM TÌNH KHI MỪNG LÊ MÌNH MÁU THÁNHKhi đọc bài Phúc Âm của Thánh Gioan (chương 6, câu 51-58), tôi chợt nhớ đến câu chuyện xảy ra tại nước Ý vào khoảng năm 1900-1910, câu chuyện ấy được kể như sau:Có một em bé 7 tuổi tên là Lucia đi lễ với chị; hôm đó chị của bé được rước Mình Thánh Chúa lần đầu. Bé Lucia mới nói với mẹ rằng bé chỉ ước ao được lên đứng gần Maria, chị của bé, để được ngắm chị rước Chúa vào lòng thôi. Mẹ Lucia không chịu, nhưng bé cứ năn nỉ mãi, nên mẹ bé đồng ý cho bé đứng bên cạnh chị. Khi Cha Sở đến trao Mình Chúa cho Maria, bé Lucia đứng nhìn say đắm, rồi bỗng nhiên Cha Sở thấy có một vòng tròn trắng bay từ từ đến và đậu ngay trên trán bé Lucia. Ngài hiểu ý Chúa, liền đến cho Lucia rước lễ luôn, mặc dù em chưa học giáo lý vỡ lòng.Hôm đó còn trong mùa Giáng Sinh, nên sau Thánh Lễ, bé Lucia đến hang đá và quỳ xuống cầu nguyện. Lát sau, Maria gọi Lucia đi về, nhưng gọi mãi mà em không trả lời. Maria liền kêu mẹ: “Mẹ ơi, con gọi mãi mà Lucia không trả lời, cứ im lặng hoài không thôi!”. Mẹ em mới gọi: “Lucia, về đi nào!”, nhưng vẫn không thấy em trả lời, bà liền đến gần thì thấy em không cử động gì cả, bà mới hay là Chúa đã rước em về với Ngài rồi. Lúc bấy giờ mọi người mới hiểu là vì em khao khát được rước Chúa vào lòng, nên Chúa đã đến với em và nay đã đem em về với Ngài. Cha Sở chứng kiến phép lạ ấy sau này là Đức Giáo Hoàng Piô X.Hôm nay, nhớ lại câu chuyện ấy, tôi vẫn còn cảm thấy rất cảm động, và tôi lại nhớ đến bữa tiệc ly trong đó Chúa Giêsu đã cùng với các môn đệ cử hành mầu nhiệm Thánh Thể. Nếu hiểu được mầu nhiệm ấy, hẳn là chúng ta biết rằng Chúa rất yêu thương chúng ta. Nhưng Chúa cũng đã từng nói với các môn đê: “Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18), Chúa mời gọi các môn đệ cùng đi với Chúa, Ngài muốn chia sẻ tất cả những đau khổ buồn vui với các môn đẹ. Cũng chỉ có Tình Yêu thương chân thật mới chia sẻ được cho nhau như vậy, mà thật sự Ngài coi các môn đệ như là bạn.Đọc bài Phúc Âm ấy, tôi mới hiểu rằng Chúa không nói chúng ta hãy chịu đựng đau khổ, cũng không nói chúng ta hãy chạy trốn đau khổ, mà Chúa muốn chúng ta đón nhận nó. Chính Chúa cũng đã chấp nhận đau khổ ấy, và hiến cả mạng sống mình vì Tình Yêu đối với chúng ta, như chúng ta thấy trong Vườn Cây Dầu, Chúa đã xin Chúa Cha cất chén đắng, nhưng lại nói tiếp ngay: “đừng theo như ý Con mà xin theo ý Cha” (Mt 26,40). Chính bản thân tôi vẫn ước ao được Chúa ngự vào trong lòng mỗi ngày, tôi mới cảm thấy được bình an, hạnh phúc. Chúa mãi mãi ở trong lòng tôi mỗi ngày, để tôi nhận biết và thấu hiểu được tình yêu Chúa cao vời biết bao. Ước gì mỗi người chúng ta luôn có lòng khao khát Chúa, khao khát một cách mãnh liệt như bé Lucia vậy.Têrêsa Ngọc Nga
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire