mercredi 9 juin 2021

Lề luật của Giáo Hội có lỗi thời không?


Chúng ta hay nghe nói, nhất là bên Âu Mỹ: "Sống phải theo thời, nếu không muốn người ta bỏ đạo, Giáo Hội phải thay đổi lề luật vì người đương thời không thể tuân theo được nữa". Mặc dù tuân theo lề luật có lợi cho chúng ta, nhưng lề luật không được đưa ra với mục đích để cho chúng ta tuân theo. Lề luật được ban để hướng dẫn chúng ta đi đúng đường, để chúng ta tham chiếu khi mất phương hướng, nhờ đó chúng ta có thể bước vào đời sống yêu thương và tự do mà chúng ta được mời gọi. Chừng nào chưa đạt được đời sống này thì việc tuân thủ lề luật còn cần thiết để giúp chúng ta. Vậy lề luật là phương thế để phục vụ tình yêu là điều duy nhất chúng ta phải tuân thủ và trả lẽ. Chúng ta không phạm tội vì phạm một lề luật, mà vì phạm đến tình yêu: tình yêu đối với Thiên Chúa, tình yêu đối với tha nhân và tình yêu đối với chính mình, nhằm đưa mình đến tự do. Tình yêu và tự do là những chân lý vĩnh cửu và nếu để giúp phát triển các chân lý này nơi con người thì lề luật của Giáo Hội không thể nào lỗi thời.

Nguyên nhân khiến người đương thời cảm thấy khó chịu trước những lề luật mà họ cho là "lạc hậu, phi nhân bản, thiếu thực tế" có nguồn gốc sâu xa hơn. Từ muôn thuở, con người vốn không thể tự mình đạt đến được điều thiện. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: "Không có Thầy anh em chẳng làm gì được" (Ga 15, 5). Tuy nhiên, Người cũng nói: "Mọi sự đều có thể đối với người tin" (Mc 9, 23), "Cứ xin đi, anh em sẽ được" (Ga 16, 24). Xã hội hôm nay đầy rẫy những "thần" cung cấp dễ dàng cho con người bao nhiêu lạc thú có thể hưởng thụ được ngay tại thế thì con người cần gì đến một Thiên Chúa hứa hẹn một hạnh phúc mai sau với bao nhiêu điều kiện khó khăn? Những thần giả mà họ đón vào cuộc sống dần dà dập tắt tiếng nói của Thiên Chúa trong họ. Không chạy đến cùng Thiên Chúa, con người "chẳng làm gì được" và họ cảm thấy khó chịu trước những lề luật mà bây giờ họ thấy là gò bó và phiền toái. Họ bắt đầu lơ là rồi cuối cùng phớt lờ luôn để được "yên thân", nhưng họ có thật sự được yên thân không?

Chúng ta hãy lấy một ví dụ, chúng ta thử tưởng tượng nếu người ta không tôn trọng luật lệ giao thông thì điều gì sẽ xảy ra trên đường phố. Càng ít người tôn trọng thì càng nhiều tai nạn xảy ra. Sự kiện ly dị cũng có thể ví như tai nạn xảy ra trong tình yêu. Phải chăng hiện nay tình trạng ly dị xảy ra tràn lan là vì người ta không còn biết tôn trọng luật lệ của tình yêu như Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta là: cho đi, hiến mình và tha thứ? Vậy mà, thay vì phải biết là trước khi dấn thân vào tình yêu thì phải học kỹ luật yêu thương và thực hành yêu thương (mà học ở đâu cho bằng trường của Đấng là Tình Yêu?) như người muốn lái xe phải học luật lệ giao thông và thực tập lái xe, thì người ta lại muốn Giáo Hội cho phép ly dị nếu hôn nhân có trắc trở. Giáo Hội chỉ hủy bỏ hẳn hôn nhân sau khi điều tra kỹ càng là có sai lầm, chứ Giáo Hội không thể thiết lập được một cái gì là trống vắng và đổ vỡ, vì ly dị chính là tình trạng trống vắng và đổ vỡ tình yêu. Nếu cho phép ly dị thì như thể người ta nói: "Anh chị em muốn lấy nhau, cứ việc lấy thỏa thích, nếu như hôn nhân không thành thì anh chị em có quyền ly dị." Cũng y như người ta nói: "Anh chị em muốn lái xe, cứ việc lái thỏa thích, nếu như lái không được thì anh chị em có quyền bị tai nạn." Cho phép ly dị thì cũng giống như khuyến khích tai nạn như thế đấy, một Giáo Hội mà hành xử như vậy thì có còn đáng tin cậy không? Tuy không khuyến khích tai nạn, nhưng không phải khi gặp người bị nạn thì lại chỉ trích và không cứu người ta, Giáo Hội cũng không làm như vậy.Tóm lại, nếu chúng ta cho là có đời sống của Chúa trong mình là sống mạnh khỏe thì chúng ta có thể xem các giới răn của Giáo Hội như những toa thuốc liệt kê các điều kiện tối thiểu để chúng ta được tiếp xúc với Chúa. Và nếu chúng ta càng tiếp xúc với Chúa, chúng ta càng phát triển đời sống của Chúa trong mình. Vậy tại sao chúng ta lại không tạo ra cho mình những điều kiện tối đa là sự tiếp xúc thường xuyên với Chúa qua Bí Tích Thánh Thể và cầu nguyện hằng ngày? Dần dần đời sống của Chúa sẽ ở trong chúng ta, đó là một đời sống yêu thương và tự do mà tất cả lề luật của Giáo Hội cũng phải tuân phục và không còn là đối tượng để chúng ta phải tuân theo nữa.

ULTD & ltd










Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire