mardi 8 mars 2022

Những khu du lịch tự nhiên siêu kỳ lạ, ấn tượng nhất nước Mỹ

 Những khu du lịch tự nhiên siêu kỳ lạ, ấn tượng nhất nước Mỹ

Nước Mỹ nổi tiếng với những thành phố năng động và công viên quốc gia đẹp hiếm có. Đất nước này cũng là một trong những nơi có phong cảnh thiên nhiên đa dạng nhất trên thế giới.


Firefall, Horsetail Fall, California: Trong phần lớn thời gian, Horsetail Fall trông giống như bất kỳ thác nước nào khác. Nhưng đến tháng 2 điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Vào những ngày quang đãng, mặt trời sắp lặn chiếu tia sáng vào thác nước khiến nó có màu cam rực cháy trông như dung nham tràn ra sườn núi. 



Thác Fall Creek, Tennessee: Thác nước ấn tượng này là một trong những kỳ quan thiên nhiên vĩ đại nhất ở phía đông nước Mỹ. Với một dòng nước lớn đổ qua các tảng đá và đâm thẳng xuống mặt hồ nước sâu 80m bên dưới, đây thực sự là một cảnh tượng rất ngoạn muc.
 



Vườn quốc gia Haleakalā, Hawaii: Cảnh tượng giống như sao Hỏa này nằm ở công viên quốc gia Haleakalā của Hawaii. Tại đây, những du khách dũng cảm có thể đến để khám phá hệ động thực vật bản địa và trải nghiệm những đêm ngắm sao tuyệt vời nhất trong tiểu bang. 



Thung lũng Sequim-Dungeness, Washington: Thị trấn Sequim được mệnh danh là Thủ đô hoa oải hương của Bắc Mỹ, và những hàng hoa tím này đặc trưng cho nhiều trang trại hoa oải hương xung quanh thung lũng. 



Palouse, Idaho / Washington: Những ngọn đồi nhấp nhô và những đồng cỏ rực rỡ sắc màu ở nơi đây luôn được so sánh với vùng Tuscany của Ý. Với cảnh quan giống như những làn sóng, cánh đồng lúa mì vàng và hoàng hôn lộng lẫy, nơi đây khiến du khách như lạc vào giấc mơ. 



Bonsai Rock, Nevada: Bonsai Rock là một mỏm đá nổi bật trên hồ Tahoe khu vực Nevada. Du khách hãy đến vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn để có những bức ảnh ngoạn mục, và ở lại sau khi mặt trời lặn để ngắm bầu trời quang đãng đầy sao.



Đài tưởng niệm quốc gia White Sands, New Mexico: Sa mạc rộng 275.712km2 này nằm ở lưu vực Tularosa của New Mexico, trông như thể không thuộc về Trái đất. Các đụn cát trắng tinh ở đây được tạo thành từ cát thạch cao, một loại khoáng chất hiếm có trên hành tinh. 



Động băng Mendenhall, Alaska: Những hang động băng lớn này có màu xanh mát lạnh rất ấn tượng. Để tiếp cận chúng không phải là một việc dễ dàng vì bạn sẽ cần phải đi bộ qua một cánh đồng băng rộng lớn luôn xuất hiện những mặt đá trơn trượt rất khó di chuyển
.



Thác Multnomah, Oregon: Hình ảnh thác nước đẹp tuyệt vời này sẽ khiến tim bạn run lên khi được chiêm ngưỡng nó. Với một dòng nước lớn, đổ xuống những mỏm đá cheo leo từ độ cao 182m, thác Multnomah 2 tầng chảy xuống một hồ nước xanh thẳm ở chân núi. Quang cảnh đẹp nhất của thác là khi xuất hiện bên dưới cầu Benson.



Luray Caverns, Virginia: Hang động như ở thế giới khác này là hang động rộng lớn nhất ở miền đông Hoa Kỳ. Những măng đá và nhũ đá đã mọc lên qua hàng triệu năm và các đường hầm quanh co sẽ thực sự hấp dẫn du khách.



Khu bảo tồn hồ bơi Hamilton, Texas: Hồ bơi tự nhiên này thật sự rất quyến rũ du khách bởi làn nước xanh thẫm, trong veo được cung cấp nước từ một thác nước cao 15m chảy xuống. Hồ bơi là địa điểm nổi tiếng để ngâm mình trong những tháng mùa hè.



Bãi biển pha lê, California: Bờ biển California là những bãi biển cát vàng, nhưng ở đây còn có bãi biển pha lê được tìm thấy bên cạnh công viên bang MacKerricher. Những viên pha lê này chính là thủy tinh vỡ cùng các loại rác khác được làm nhẵn và tròn bởi các làn sóng biển và tích tụ lại trên bờ. 



Động băng ở bờ hồ quốc gia quần đảo Apostle, Wisconsin: Nơi đây có muôn vàn kỳ quan thiên nhiên, từ những khối đá cheo leo, vách đá chắn gió cho đến những bãi cát dài... Nhưng không nơi nào hấp dẫn bằng những hang động băng hình thành ở đây vào mỗi mùa đông. 



Vườn quốc gia Kenai Fjords, Alaska: Với làn nước xanh ngắt, khu vực này nổi bật với những tảng đá khổng lồ được xói mòn qua hàng thiên niên kỷ. Chúng là nơi sinh sống của các loài động vật như chim cốc và cá nóc, cùng với các loài dơi thường trú của công viên. 



Công viên bang Watkins Glen, New York: Hẻm núi trong công viên tiểu bang này đẹp như thể được chạm khắc bằng tay. Nơi đây có tới 19 thác nước được hình thành như một dòng chảy uốn lượn qua khe hẹp, phủ đầy rêu, trong đó thác Cavern dài 15,2m là thác ấn tượng nhất.



Rocks National Lakeshore, Michigan: Với vịnh nhỏ và những mặt vách đá đầy màu sắc, đây là một trong những điểm đẹp nhất ở Trung Tây Mỹ. Du khách sẽ đứng hình khi ngắm những tảng đá sống động cao khoảng 60m nhô lên khỏi mặt hồ, có màu đỏ, cam, xanh lam và xanh lục bởi các khoáng chất đã thấm vào bề mặt của chúng.



Rừng quốc gia Tongass, Alaska: Đây là khu vực đất rừng quốc gia lớn nhất ở Mỹ, là nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã như gấu đen, gấu nâu và cá voi sát thủ. Đây cũng là một khu vực hoang dã rộng lớn gồm hồ, núi và đất rừng, cách khám phá tốt nhất là chèo thuyền kayak.


K.Hạnh chuyển


LÒNG VỊ THA

LÒNG VỊ THA


Thuyền phó tàu Titanic tiết lộ bí mật vĩ đại giấu kín nửa đời người, phương Tây họ văn minh hơn chúng ta từ rất lâu! Đêm ngày 14/4/1912, một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra. Con tàu mang phong hiệu “không thể chìm” có tên Titanic đã đâm sầm vào một tảng băng trôi khổng lồ. Kết quả của vụ va chạm ấy là những con số và nỗi đau mà người ta không bao giờ muốn nhắc lại.

514 người đã thiệt mạng trong vụ đắm tàu kinh hoàng năm ấy. Nỗi đau đã khép lại hơn 100 năm, ngày nay, những gì người ta lưu lại về tên “Titanic” có thể là: Vụ đắm tàu, thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại hay mối tình lãng mạn của Jack và Rose, cũng có thể là tình ca bất hủ My Heart Will Go On qua chất giọng cao vút của Celine Dion.

Tuy nhiên, hầu như tất cả đều không nhận ra, đằng sau bức màn đen tối của những nỗi đau và mất mát ấy là một kiệt tác vĩ đại của "Lòng Vị Tha".

Charles Lightoller, khi ấy 38 tuổi, thuyền phó thứ 2 trên con tàu Titanic, ông là người cuối cùng được kéo lên trên thuyền cứu hộ, cũng là người còn sống sót có chức vị cao nhất trên thuyền lúc đó.

Trở về từ cõi chết, sau rất nhiều năm giấu kín và im lặng, cuối cùng Charles quyết định viết 17 trang hồi ức, kể lại chi tiết vụ tai nạn kinh hoàng mà ông chứng kiến. Từng câu từng chữ của ông chưa bao giờ sống động và dồn dập đến vậy. “Chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng đêm đó!”

“Phụ nữ và trẻ em lên trước!”

Khi mệnh lệnh vừa vang lên, nhiều người rời thuyền cứu hộ, họ lặng lẽ bước ra phía sau châm điếu thuốc và hút. Charles không thấy bất kỳ một phụ nữ hay trẻ em có ý định bỏ lại những người đàn ông thân yêu của họ. Tất cả mọi người dường như rất bình tĩnh… trước cái chết… dù đó là một thương nhân nổi tiếng hay người hầu.

Khi chiếc thuyền cứu hộ đầu tiên được đưa xuống mặt nước, Charles đã hỏi một người phụ nữ họ Straw khi ấy đang ở trên boong tàu rằng: “Bà có muốn tôi đưa bà lên thuyền cứu hộ không?”

Người phụ nữ lắc đầu: “Không, tôi nghĩ vẫn là ở lại trên tàu thì tốt hơn”. Người chồng của bà hỏi: “Tại sao em lại không muốn đi lên thuyền cứu hộ?” Người phụ nữ mỉm cười trả lời: “Không, em vẫn muốn ở bên cạnh anh”. Cũng kể từ đây, Charles không bao giờ còn gặp lại đôi vợ chồng này lần nữa.

Astor đệ tứ (John Jacob Astor IV), một nhà kinh doanh, nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng và là một trong những người giàu nhất thế giới lúc bấy giờ. Sau khi đưa người vợ mang thai 5 tháng tuổi lên thuyền cứu hộ, một tay dắt chó, tay còn lại châm điếu xì gà rồi hét to về phía chiếc thuyền cứu hộ đang trôi dần về nơi xa: “Anh yêu hai mẹ con”.

Thuyền phó I đã ra mệnh lệnh cho Astor đệ tứ lên thuyền, nhưng ông kiên quyết trả lời rằng: “Tôi thích cách nói cơ bản nhất (bảo vệ phái yếu)!”. Sau đó, ông nhường chỗ của mình cho một người phụ nữ ở khoang hạng 3.

Vài ngày sau, khi bình minh vươn lên trên mặt biển Đại Tây Dương, đội cứu hộ tìm thấy thi thể ông trong tình trạng đầu bị chấn thương nghiêm trọng do đập vào ống khói. Khối tài sản của ông đủ để chế tạo 10 con tàu Titanic, nhưng Astor đệ tứ đã từ chối tất cả. Ông chọn cái chết để bảo vệ người thân yêu của mình, bảo vệ “phụ nữ và trẻ em” và bảo vệ nhân cách của mình.



Ben Guggenheim, một nhà tỷ phú, một nhân vật nổi tiếng trong ngành ngân hàng. Trong giờ phút nguy nan nhất, khi tất cả mọi người đang hối hả và vội vã, ông thản nhiên thay một bộ vest dạ hội sang trọng và tuyên bố: “Tôi phải chết thật trịnh trọng, như một quý ông”.

Trong lời nhắn ông gửi cho vợ viết: “Trên con tàu này, không có bất kỳ một phụ nữ nào vì anh cướp chỗ trên thuyền cứu hộ mà bị bỏ lại trên boong tàu. Anh sẽ không chết giống như một tên khốn, anh sẽ giống như một người đàn ông chân chính”.

Một thủy thủ đề nghị với Strauss, nhà sáng lập công ty bách hóa Macy của Mỹ, cũng là người giàu thứ hai thế giới rằng: “Tôi bảo đảm sẽ không ai phản đối một người già như ngài bước lên thuyền cứu hộ đâu”. Strauss nói: “Tôi sẽ không đi khi những người đàn ông khác còn đang ở lại”. Khi ông cố gắng khuyên giải bà Rosalie vợ của mình lên thuyền cứu hộ thì bà vẫn một mực từ chối. Bà nói: “Bao nhiêu năm qua, anh đi đâu là em theo đến đó, em sẽ cùng anh đi đến bất cứ nơi nào mà anh muốn đi”.

Sau đó, ông choàng lấy cánh tay của bà Rosalie, thong thả bước đến chiếc ghế trên boong tàu, ngồi xuống và chờ đợi giây phút cuối cùng của cuộc đời. Ngày nay, tại Bronx thành phố New York, người ta xây một tượng đài để tưởng niệm vợ chồng ông Strauss, trên đó khắc hàng chữ: “Tình yêu không thể nào nhấn chìm dù có nhiều nước biển hơn nữa”.

Một doanh nhân người Pháp tên Nahuatl đưa hai cậu con trai của mình lên thuyền cứu hộ, nhờ một vài người phụ nữ chăm sóc cho chúng, và mình thì từ chối lên thuyền. Sau khi hai đứa con trai được cứu sống, báo chí khắp nơi trên thế giới đều rầm rộ đăng hình ảnh của hai đứa trẻ này, cho đến khi mẹ của chúng từ hình ảnh nhận ra được chúng.

Trong giờ phút nguy kịch, Lydepas ôm chặt lấy người chồng mới cưới, không muốn thoát chết một mình... Vì bất đắc dĩ, chồng Lydepas phải đấm cô ngất xỉu, khi cô tỉnh lại thì đã thấy mình trên một chiếc thuyền cứu hộ đang trôi lênh đênh ngoài biển. Về sau, Lydepas cả đời không tái giá, sống độc thân để hoài niệm người chồng đã mất của mình.

Trong buổi họp mặt những người may mắn sống sót tại Lausanne nước Thụy Sĩ, bà Smith kể lại: “Lúc đó hai đứa con của tôi được bế lên thuyền cứu hộ. Vì quá tải nên tôi không thể lên thuyền nữa, một người phụ nữ ngồi trên thuyền cứu hộ khi ấy đã đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, rồi đẩy tôi lên và hét lớn với tôi một câu: "Ngồi đi, những đứa trẻ không thể thiếu mẹ!”. Bà hối tiếc vì lúc đó đã không hỏi tên người phụ nữ đó.

Những người thiệt mạng trong vụ tai nạn này còn có tỷ phú Acid, nhà báo nổi tiếng Stead, Thiếu tá pháo binh Bart, kỹ sư Robble nổi tiếng v.v... Họ nhường chỗ của mình trên thuyền cứu hộ, cho những phụ nữ nông dân không một đồng trên người.

Hơn 50 nhân viên cấp cao trên tàu Titanic, ngoài thuyền phó thứ hai Charles Lightoller chỉ huy cứu hộ may mắn sống sót, toàn bộ đều hết mình cứu người đến chết trong cương vị của mình.

Khoảng 2h sáng nhân viên điện báo số 1 John Philip nhận được mệnh lệnh bỏ tàu của thuyền trưởng, mọi người tự mình cứu mình, nhưng ông vẫn ngồi trong phòng thông báo, vẫn giữ tư thế phát tín hiệu SOS liên tục cho đến phút cuối cùng.

Khi đuôi tàu bắt đầu chìm xuống nước, Charles nghe thấy vào khoảnh khắc cuối cùng, khoảnh khắc của sinh ly tử biệt, những lời yêu thương vang lên: “I love you! I love you!”

Trong bức màn đêm đen tối nhuốm đẫm đau khổ và chia ly, tinh thần quý tộc nổi lên như ngọn đuốc rực sáng, khắc họa nên một tuyệt tác vĩ đại về nhân cách và đạo đức con người. Giáo dục lối sống không chỉ là lý thuyết; mà trong những hoàn cảnh thực tế, những bài học đạo đức ăn sâu vào tâm thức trở thành kim chỉ nam cho hành động của mỗi người.

Phụ nữ và trẻ em, những con người yếu đuối cần được tôn trọng và ưu tiên. Những người đàn ông lịch lãm không chỉ là kẻ nói lời hoa mỹ và tử tế trên bàn tiệc; mà ngay cả khi đối diện với thực tế rằng dù ngày mai tất cả đều trở thành vô nghĩa thì bài học về đạo đức và nhân cách hôm nay vẫn cần được thực hành một cách tuyệt đối.

Nhân sinh như cõi mộng, dù cho người đó giàu có bao nhiêu hay nghèo kém cỡ nào, đứng trước sinh tử cũng đều chỉ là một sinh mệnh bé nhỏ. Quan trọng hơn, khi ấy người ta mới thật sự nhận ra điều quan trọng nhất của cuộc đời: Không phải vật chất, không phải quyền danh càng không phải nhận lại điều gì cho mình mà là cho người khác, là vị tha.

Vị tha hàm chứa một sức mạnh vô tỉ, đã biến những con người xấu số trong cơn “bão biển” kinh hoàng năm ấy trở thành biểu tượng vĩ đại của tấm lòng thiện lương cao cả.

Ps: những câu chuyện thế này theo các bạn có nên đưa vào sách giáo khoa không?

Hoàng Nguyên Vũ

T.Anh chuyển

lundi 7 mars 2022

40 THỨ CÓ THỂ TỪ BỎ ĐỂ SỐNG MÙA CHAY VÀ SUỐT CẢ ĐỜI

 40 THỨ CÓ THỂ TỪ BỎ ĐỂ SỐNG MÙA CHAY VÀ SUỐT CẢ ĐỜI



Thứ Tư Lễ Tro là khởi đầu Mùa Chay.  Mùa Chay tới, nhiều người nghĩ phải cố gắng từ bỏ điều gì đó để bước theo Đức Kitô.  Tuy nhiên, những điều này lại thường ít ảnh hưởng đến cuộc sống, chúng ta “khôn lỏi” lắm!
Dưới đây là 40 thứ có thể từ bỏ để sống Mùa Chay.  Không phải là những thứ liên quan việc ăn uống, nhưng chúng thực sự cần từ bỏ.  Mùa Chay kéo dài 40 ngày, mỗi ngày cố gắng từ bỏ 1 điều.  Trong 40 điều này, có những điều không chỉ từ bỏ trong Mùa Chay mà phải từ bỏ suốt cả đời.

01. SỢ THẤT BẠI – Bạn không thành công nếu chưa trải qua thất bại.  Đúng như tục ngữ Việt Nam nói: “Thất bại là mẹ thành công”.

02. VÙNG AN TOÀN – Đó là “vùng thoải mái”, sợ khó.  Dám ra ngoài “vùng” này thì chúng ta mới có thể khám phá những điều mới lạ.

03. CẢM THẤY HOÀI NGHI – Có lúc chúng ta nghi ngờ rằng không biết Tạo Hóa có tạo dựng nên mình hay không.  Hãy xác định như tác giả Thánh Vịnh: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.  Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!  Hồn con đây biết rõ mười mươi.  Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.  Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự” (Tv 139, 13-16).

04. THIẾU KIÊN NHẪN – Thời giờ của Thiên Chúa là thời giờ hoàn hảo.  Mọi thứ đều đúng hẹn, đúng kỳ theo ý Ngài tiền định và quan phòng.

05. SỐNG ẨN DẬT – Còn hít thở, chúng ta còn sống với người khác và tương tác với họ vì Đức Kitô.  Công việc của chúng ta luôn ảnh hưởng người khác.

06. LÀM VUI LÒNG NGƯỜI KHÁC – Không ai có thể làm vừa lòng mọi người, nhưng chúng ta phải luôn cố gắng làm vui lòng người khác, còn họ có vừa lòng hay không là phần của họ.


07. SO SÁNH – Một là cảm thấy mình kém cỏi hơn người khác, hai là cảm thấy mình “ngon lành” hơn người khác.  Dạng nào cũng không được.

08. TRÁCH CỨ – Chúng ta có xu hướng không dám nhận lỗi, và luôn muốn đổ lỗi cho người khác.

09. PHẠM TỘI – Nhân vô thập toàn.  Mặc dù chúng ta là tội nhân, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta, và Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta.  Hôm nay là ngày mới, hôm qua đã không còn.

10. MẤT TỰ CHỦ – Do đó chúng ta khó có thể hoàn tất công việc và làm tốt hơn.

11. THIẾU DỰ ĐỊNH – Các quyết định khôn ngoan hiếm khi trở thành vô ích.

12. KHÔNG MINH BẠCH – Một là không minh bạch về điều này hoặc điều nọ (khuất tất), hai là không trong sạch (nhân đức).

13. TỰ QUYỀN – Thiên Chúa không mắc nợ chúng ta điều gì, thế giới cũng chẳng mắc nợ chúng ta điều gì.  Hãy cố gắng sống trong ân sủng và khiêm nhường.

14. LÃNH ĐẠM – Cuộc đời có bao nhiêu mà hững hờ.  Không quý mến nhau thì cũng đừng kèn cựa nhau.  Tranh chấp nhau, giành giật nhau, hơn thua nhau làm gì?

15. GHEN GHÉT – Hãy cảnh giác kẻo mắc lừa ma quỷ, bởi vì chúng rất ranh mãnh.  Kinh Thánh căn dặn: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12, 21).

16. TIÊU CỰC – Hãy cố gắng quan hệ hòa nhã với mọi người.  Tránh né người khác là tiêu cực, mà cũng chỉ vì chúng ta không coi trọng người khác nên mới tránh né họ.

17. MÊ VẬT CHẤT – Hãy nhớ rằng có Thiên Chúa là có tất cả, mất Thiên Chúa là mất tất cả: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23, 1).

18. SỐNG MÁY MÓC – Càng đầu tư nhiều thì càng có lợi nhiều.  Về tinh thần và tâm linh cũng vậy.

19. THAN PHIỀN – Đừng cằn nhằn, khó tính, than thân trách phận hoặc trách móc người khác, hãy cố gắng xử lý và giải quyết vấn đề cho thấu đáo.

20. BẤT CẦN – Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc cả đời này và đời sau.  Đó là niềm vui sống. Đừng buông xuôi, bất cần đời !

21. GAY GẮT – Đó là tự làm khổ mình, và tất nhiên cũng làm khổ người khác.  Tâm bất an thì không thể nào sống vui và sống khỏe, bệnh tật phát sinh từ đó.

22. CHIA TRÍ – Cuộc sống có nhiều thứ khiến chúng ta chia trí, vì thế cần phải tập trung vào mục đích của mình.

23. MẶC CẢM – Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta, dù chúng ta xấu xa và tội lỗi: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27, 10)

24. TẦM THƯỜNG – Cuộc đời chúng ta có thể không ai biết đến, không có gì khác thường, sống rất bình thường, nhưng tuyệt đối đừng sống tầm thường.

25. GÂY CHIA RẼ – Chia rẽ là chết, đoàn kết mới sống.  Khuyến khích nhau là điều cần thiết, mọi nơi và mọi lúc:“Phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần” (Dt 10, 25).

26. BẬN RỘN – Đó là “huy hiệu danh dự” của người mê công việc mà bỏ bê những thứ cần thiết khác.

27. CÔ ĐỘC – Có Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không cô độc.  Ngài luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta.

28. BẤT HÒA – Xung đột là mối nguy cho cuộc sống, cả đời thường và tâm linh.  Xung đột xảy ra thì không thể hợp tác.  Sự cộng tác và đồng tâm nhất trí rất cần: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18, 19).

29. VỘI VÀNG – Dục tốc bất đạt.  Dù to hay nhỏ, cái gì cũng cần có thời gian, không thể một sớm một chiều.

30. LO LẮNG – Thiên Chúa kiểm soát mọi sự, chúng ta có lo lắng cũng chẳng thay đổi được gì: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.  Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” ( Mt 6, 33-34 ).

31. THẦN TƯỢNG HÓA – Đừng thần tượng hóa bất cứ ai, bắt chước là ngu xuẩn, hãy cứ là chính mình!  Chỉ có Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo mà thôi.

32. CỐ CHẤP – Cuộc sống luôn phải thay đổi để thích nghi mọi thứ.  Cố chấp là ích kỷ, là hèn nhát.

33. KIÊU NGẠO – Thiên Chúa hạ bệ kẻ kiêu ngạo, nhưng nâng cao người khiêm nhường (Lc 1, 51-52).

34. NÔNG CẠN – Đừng nói rằng vấn đề khó quá, chính vấn đề khó đó cho chúng ta biết Thiên Chúa vĩ đại.“Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Thái Học).

35. ĐỐ KỴ – Người Pháp có câu nói chí lý: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối người khác.”  Mọi người đều là anh em và là con một Cha trên trời.

36. VÔ ƠN BẠC NGHĨA – Cuộc sống là những ngày tháng chúng ta mắc nợ Thiên Chúa, chúng ta cũng mắc nợ tha nhân và xã hội nhiều thứ.  Do đó, chúng ta không thể không biết ơn Thiên Chúa và cuộc đời.

37. THAM LAM – Thiên Chúa có kế hoạch riêng dành cho mỗi người: “Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta” (Is 45, 4).  Hãy cố gắng làm trọn công việc Ngài giao phó.

38. TỰ MÃN – Chúa Giêsu là sức mạnh của chúng ta:“Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4, 13).  Có Ngài thì chúng ta mới làm được công kia việc nọ, không có Ngài thì chúng ta chẳng làm nên trò trống gì đâu: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

39. ƯU SẦU – Buồn thì cứ khóc, xong rồi thôi.  Đừng giam mình trong vòng ưu sầu.  Mọi sự sẽ qua, cứ tín thác vào Thiên Chúa: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người” (Tv 30, 5b).

40. CUỘC ĐỜI – Thế gian là cõi tạm, rồi sẽ qua đi.  Đừng coi nặng vật chất, kể cả cuộc sống của chúng ta, tất cả chỉ là bụi tro mà thôi.  Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 25).

Trầm Thiên Thu, theo Greater Things Today

Têrêsa Ngọc Nga (st)

Xôi vò cấp tốc (VK)

samedi 5 mars 2022

Hãy Để Thức Ăn Là Thuốc Của Bạn, Đừng Để Thuốc Là Thức Ăn Của Bạ

 

Bạn có biết, trong thực tế, các cơ sở y tế chỉ có khả năng hỗ trợ người bệnh phục hồi 25% sức khỏe, 75% còn lại do chính người bệnh dùng chính sức lực của mình để sửa chữa và tái tạo. Ví dụ, trong khâu trị liệu, phục hồi chức năng sau gãy xương, bệnh nhân phải tập luyện chăm chỉ thì cơ bắp phát triển trở lại bình thường và đầy đủ, dù bác sĩ vật lý trị liệu giỏi đến đâu cũng không có cách nào làm thay bạn. Điều này đặc biệt đúng với chế độ ăn kiêng. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên hữu ích, nhưng kiêng đến mức độ nào, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn.

Muốn khỏi ốm thì phải biết mình đang ăn gì, có no hay không, sau khi ăn xong cơ thể sảng khoái và tràn đầy năng lượng, hay uể oải, buồn ngủ, hoặc thậm chí có các phản ứng bất lợi như dị ứng và tiêu chảy.

Do đó, chọn thực phẩm rất quan trọng, ăn những gì phù hợp với bạn, và thực phẩm đó sẽ trở thành liều thuốc bổ tốt nhất cho bạn.

Khi bạn vừa ăn, vừa sử dụng điện thoại, xem tivi, lơ đãng, không biết mình đang ăn gì, không biết nguyên liệu có tươi không, có no không.

Nếu ăn như vậy trong thời gian dài, tâm trí của bạn sẽ mất kết nối với cơ thể, và bạn sẽ không nhận thức được sự mất cân bằng trong tất cả các khía cạnh.

Vì vậy, cơ thể phải sử dụng các phương thức mạnh hơn để nhắc nhở bạn, làm cho bạn đau, làm cho bạn nôn, khiến bạn khó chịu.

Từ bỏ "thức ăn tối"

"Thức ăn tối" là gì? Những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất phụ gia, nêm nhiều gia vị, hư hỏng, không tươi ngon và vô hình chung đều là thực phẩm sậm màu.

Thỉnh thoảng bạn có thể ăn chúng, nhưng nếu chúng chiếm một tỷ lệ lớn trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn, thì tốt nhất là bạn nên điều chỉnh lại.

Ví dụ, nếu vị ngọt tự nhiên của trái cây hoặc mật ong có thể thay thế cho vị ngọt của saccharin và aspartame (các chất làm ngọt nhân tạo), thì gánh nặng cho cơ thể chắc chắn sẽ được giảm bớt.

Ăn nhiều thực phẩm thiếu lành mạnh cho sức khỏe buộc chúng ta phải vận động nhiều hơn để chuyển hóa chúng.

Người đang khỏi bệnh thường có chức năng tiêu hóa, trao đổi chất, giải độc kém; nên lựa chọn thực phẩm ăn uống cẩn thận để giảm can nhiễu, hao tổn không đáng có, đồng thời dành phần lớn sức lực cho việc tự chữa bệnh.


3 yếu tố chính khiến tế bào có thể chuyển hóa thành ung thư

Nếu bạn là người hay cười, vị tha, hài hước, thì bạn đã âm thầm tích góp cho bản thân những vốn liếng quan trọng đối với khả năng chống ung thư.

Chỉ cần trái tim và cảm xúc không mất kiểm soát, cộng với kiến thức chăm sóc sức khỏe và luyện tập không ngừng, thì tế bào ung thư cũng có thể được chuyển hóa.

Có ba yếu tố chính khiến một số lượng lớn tế bào trở thành ung thư và đột biến thành bệnh:

· Dinh dưỡng kém.
· Tâm trạng hay buồn chán.
· Cách suy nghĩ có xu hướng tiêu cực.

Không khó để ngăn ngừa ung thư, miễn là loại bỏ được ba yếu tố tiêu cực trên. Nói cách khác, đó là chăm sóc tốt cho thể chất, tinh thần và tâm hồn về mọi mặt.


Vậy, nếu bạn đã bị ung thư thì sao? Việc chăm sóc tất cả các khía cạnh của cơ thể, tâm trí và tâm hồn cũng đều quan trọng như nhau.


Có rất nhiều trường hợp lâm sàng chỉ ra rằng, người mắc ung thư sau một quá trình điều trị thích hợp, cũng cần thay đổi tư duy, thay đổi thói quen và tính khí cũ. Điều chỉnh tâm trí theo cách này, nhiều người có thể khỏi bệnh một cách kỳ diệu.


Đừng phớt lờ những tác hại mà tâm trí gây ra cho cơ thể. Các chuyên gia đã phân loại mối quan hệ giữa cảm xúc bên trong với ung thư, và nhận thấy rằng tức giận, cảm xúc tiêu cực và ung thư dạ dày có một mức độ tương quan nhất định.

Đối với sự bất an và không tin tưởng vào bản thân, nó có thể dẫn đến bệnh ung thư hạch. Biểu hiện của ung thư vú như thế nào? Người có tính tình u uất, hay xung đột với người thân và người khác, thuộc nhóm rủi ro cao.

Nếu hiện tại bạn thường hủy hoại cơ thể và khiến bản thân không hạnh phúc, thì trong tương lai, tâm trí và tâm hồn của bạn sẽ quay ngược lại để "phản bội", thay đổi cơ thể, hủy hoại bạn và khiến bạn phải chịu đựng đủ thứ rắc rối cũng như đau đớn.

Hãy loại bỏ lần lượt ba yếu tố gây ung thư trên, làm dịu tâm trạng và chăm sóc cơ thể bạn nhé!

Hoàng TuấnTheo Epoch Times

N.Quach chuyen

mercredi 2 mars 2022

Promenade aux flambeaux autour du lac des Nations à Sherbrooke 1er mars 2022 (la Journée mondiale de l’amitié)

 

18ème édition Promenade aux flambeaux autour du lac des Nations à Sherbrooke 1er mars 2022 (la Journée mondiale de l’amitié)

avec Mme Hélène Ouellet coordonnatrice de la marche d'amitié

avec M. Guillaume Brien président d'honneur







avec la conseillère Laure Letarte-Lavoie du district Hôtel-Dieu


ambiance lumineuse et féerique




M. Guillaume Brien


177 participants (es) ont contribué à l'ambiance lumineuse et féérique de cette marche d'amitié.

lundi 28 février 2022

Une conversion écologique à Madagascar


Le Conseil de développement d’Andohatapenaka (CDA), un partenaire de Développement et Paix, a mis en place 51 microprojets d'adaptation aux changements climatiques dans la capitale. Il accompagne également les résidentes et les résidents d’un des quartiers les plus vulnérabilisés pour le transformer en village écologique. Ce projet a été réalisé grâce à la participation financière du gouvernement du Québec et rejoint les objectifs du Plan pour une économie verte 2030. _______________________ Nos programmes et nos partenaires dans les pays du Sud mettent de l’avant des solutions de rechange aux structures sociales, politiques, économiques et environnementales injustes. Pour en savoir plus ou faire un don : https://www.devp.org

Amazing & Beautiful Flowers Kỳ Hoa & Dị Thảo

Amazing & Beautiful Flowers
Kỳ Hoa & Dị Thảo



































































































Thanh Hải chuyển

dimanche 27 février 2022

Sứ điệp Mùa chay năm 2022 của Đức Thánh Cha

 Sứ điệp Mùa chay năm 2022 của Đức Thánh Cha

Ngọc Yến - Vatican News Ngày 24/02/2022




Sứ điệp Mùa chay năm nay của Đức Thánh Cha được công bố tại Phòng báo chí Tòa Thánh vào sáng thứ Năm 24/02, có chủ đề:“Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a)

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là thời gian thuận tiện cho việc canh tân cá nhân và cộng đoàn, dẫn chúng ta đến Lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại. Đối với hành trình Mùa Chay năm 2022, sẽ rất ích lợi cho chúng ta khi chúng ta suy gẫm lời khuyên của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Galat: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội (kairos), chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,9-10)

1. Gieo và Gặt

Trong đoạn này, Thánh Tông đồ đã gợi lên hình ảnh gieo và gặt, một hình ảnh rất quen thuộc với Chúa Giêsu (x. Mt 13). Thánh Phaolô nói với chúng ta về một kairós: một thời điểm thích hợp để gieo điều tốt trong cái nhìn của một mùa gặt trong tương lai. Đối với chúng ta thời điểm thích hợp này là gì? Chắc chắn đó là Mùa Chay, nhưng ở đây cũng là tất cả sự hiện hữu trên mặt đất của chúng ta, theo một cách nào đó Mùa Chay là một hình ảnh. Trong cuộc sống chúng ta, lòng tham, sự kiêu ngạo, mong muốn chiếm hữu, tích lũy và tiêu thụ chiếm ưu thế, như câu chuyện về người khờ dại trong dụ ngôn Tin Mừng chỉ ra. Người này cho rằng cuộc sống của anh ta được an toàn và hạnh phúc nhờ thóc lúa dư thừa và của cải cất giữ trong kho (Lc 12,16-21). Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải, thay đổi não trạng, để sự thật và vẻ đẹp của cuộc sống có thể đạt được không phải ở việc tích lũy quá nhiều nhưng là ở việc gieo điều tốt và chia sẻ.

Người gieo hạt đầu tiên là chính Thiên Chúa, với lòng quảng đại “tiếp tục gieo nơi nhân loại những hạt giống tốt” (Fratelli tutti 54). Trong Mùa Chay chúng ta được kêu gọi đáp lại ơn Chúa bằng cách đón nhận Lời “sống động và hữu hiệu” (Dt 4,12). Siêng năng nghe Lời Chúa giúp chúng ta trưởng thành, ngoan nguỳ sẵn sàng thi hành ý Chúa, cuộc sống sinh hoa trái. Nếu điều này đã làm cho chúng ta hạnh phúc, thì lời mời gọi trở thành “Cộng sự viên của Thiên Chúa” (1Cr 3,9), sử dụng thời gian hiện tại để gieo điều tốt còn làm cho chúng ta hạnh phúc hơn (Ep 5, 16). Lời kêu gọi gieo hạt giống tốt lành không được xem như là một gánh nặng, nhưng đó là một ân sủng, theo đó Đấng Tạo Hoá muốn chúng ta tích cực hiệp nhất với sự tốt lành vô biên của Người.

Còn mùa gặt thì sao? Không phải chúng ta gieo hạt giống với mục đích để thu hoạch sao? Tất nhiên. Thánh Phaolô đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa gieo và gặt khi khẳng định: “Ai gieo ít thì sẽ gặt ít và ai gieo nhiều thì sẽ gặt được nhiều” (2Cr 9,6). Nhưng chúng ta đang nói về loại mùa gặt nào? Hoa quả đầu tiên của lòng tốt mà chúng ta gieo xuất hiện trong chính chúng ta và trong các mối quan hệ hàng ngày của chúng ta, cả trong những hành động tử tế nhỏ bé. Trong Chúa, không có hành vi yêu thương nào cho dù nhỏ bé, và không có “cố gắng quảng đại” nào bị mất đi (x. Evangelii Gaudium, 279). Như cây được nhận ra nhờ trái (Mt 7,16, 20), một cuộc sống đầy hành động tốt sẽ tỏa sáng (x. Mt 5,14-16) và mang lại hương thơm của Chúa Kitô cho thế giới (x. 2Cr 2,15). Phụng sự Thiên Chúa, trong sự tự do đối với tội lỗi, mang lại hoa trái là sự thánh thiện vì ơn cứu độ của tất cả (x. Rm 6, 22).

Thực vậy, chúng ta chỉ thấy một phần nhỏ hoa trái những gì chúng ta đã gieo, vì theo câu cách ngôn Tin Mừng, “kẻ này gieo, người kia gặt” (Ga 4,37). Khi chúng ta gieo vì lợi ích của người khác, chúng ta tham gia vào sự quảng đại của Thiên Chúa: “Thật cao quý khi có thể khởi sự những tiến trình mà người khác sẽ thu gặt hoa trái, trong khi luôn đặt hy vọng nơi sức mạnh tiềm ẩn của những hạt giống tốt lành được vãi gieo” (Fratelli Tutti, 196). Gieo sự tốt lành vì người khác giải thoát chúng ta khỏi lợi ích cá nhân hẹp hòi, và đổ đầy hành động của chúng ta bằng tính nhưng không, và làm cho chúng ta trở thành một phần chân trời tuyệt vời của kế hoạch nhân từ của Thiên Chúa.

Lời Thiên Chúa mở rộng và nâng cao cái nhìn của chúng ta. Lời loan báo cho chúng ta biết rằng mùa gặt thực sự là ngày cánh chung, ngày cuối cùng, ngày vĩnh cửu. Hoa trái chín mùi của cuộc sống và hành động của chúng ta là “hoa trái cho cuộc sống muôn đời” (Ga 4,36), sẽ là “kho tàng trên trời” của chúng ta (Lc 12,33; 18,22). Chính Chúa Giêsu đã sử dụng hình ảnh hạt giống chết trong lòng đất và sinh hoa kết trái để diễn đạt mầu nhiệm chết và phục sinh của Người (x. Ga 12,24); và Thánh Phaolô lặp lại điều này để nói về sự sống lại của thân xác chúng ta: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,42-44). Niềm hy vọng này là ánh sáng tuyệt vời mà Chúa Kitô phục sinh đã mang đến cho thế giới: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,19-20), để những ai kết hợp mật thiết với Người trong tình yêu “nhờ được chết như Người đã chết” (Rm 6,5) cũng sẽ được liên kết với sự phục sinh của Người trong cuộc sống đời đời (Ga 5,29). “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong nước của Cha họ” (Mt 13,43)

2. “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí”

Sự phục sinh của Chúa Kitô làm sống động những hy vọng trần thế với “niềm hy vọng lớn lao” về sự sống đời đời, gieo hạt cứu độ trong thời hiện tại của chúng ta (Thông điệp Spe salvi, 3; 7). Trước nỗi thất vọng cay đắng vì bao ước mơ tan vỡ, trước nỗi bận tâm vì những thử thách phía trước, trước sự chán nản vì sự nghèo nàn phương tiện, chúng ta bị cám dỗ rút vào ích kỷ cá nhân và dửng dưng trước những đau khổ của người khác. Thật vậy, ngay cả những nguồn lực tốt nhất cũng có những hạn chế: “Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo” (Is 40,30). Nhưng Chúa “ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. […] Ai trông cậy vào Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân”(Is 40,29.31). Mùa Chay mời gọi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa (x. 1Pr 1, 21), để chỉ khi nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh (x. Dt 12, 2), chúng ta mới có thể đón nhận lời khuyên của Thánh Tông đồ: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí” (Gl 6,9).

Chúng ta đừng mệt mỏi khi cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy rằng cần phải “cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Chúng ta cần cầu nguyện vì chúng ta cần Chúa. Sẽ là một ảo tưởng nguy hiểm, khi chúng ta cho rằng chúng ta không cần gì khác ngoài chính mình. Nếu đại dịch đã làm cho chúng ta chạm vào sự yếu đuối của chúng ta về mặt cá nhân và xã hội, thì Mùa Chay này sẽ cho phép chúng ta cảm nghiệm niềm an ủi khi tin vào Thiên Chúa, nếu thiếu điều này, chúng ta không thể đứng vững (x. Is 7,9). Không ai được cứu một mình, bởi vì tất cả chúng ta đều ở chung một con thuyền giữa bão tố của lịch sử; nhưng trên hết, không ai được cứu nếu không có Thiên Chúa, bởi vì chỉ có mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô mới đem lại chiến thắng trên dòng nước đen tối của sự chết. Đức tin không miễn trừ chúng ta khỏi những gian truân trong cuộc sống, nhưng cho phép chúng ta vượt qua chúng để kết hợp với Thiên Chúa trong Chúa Kitô, với niềm hy vọng lớn lao không làm thất vọng và bằng chứng là tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,1-5).

Chúng ta đừng mệt mỏi trong việc diệt trừ cái ác khỏi cuộc sống của chúng ta. Xin cho việc chay tịnh thể xác mà Mùa Chay kêu gọi chúng ta củng cố tinh thần để chiến đấu chống lại tội lỗi. Chúng ta đừng mệt mỏi khi cầu xin tha thứ trong Bí tích Thống hối và Hòa giải, vì biết rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chúng ta đừng mệt mỏi khi chiến đấu chống lại những dục vọng, sự yếu đuối thúc đẩy lòng ích kỷ và mọi điều xấu xa, mà qua nhiều thế kỷ tìm ra những cách khác nhau để đẩy con người vào tội lỗi (Fratelli tutti, 166). Một trong những cách này là nguy cơ nghiện các phương tiện kỹ thuật số, làm nghèo đi các mối quan hệ của con người. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để chống lại những cạm bẫy này và trái lại để vun đắp một tương giao giữa con người với nhau trọn vẹn hơn (Fratelli tutti 43) được tạo nên từ những “cuộc gặp gỡ thực sự” (Fratelli tutti 50), diện đối diện.

Chúng ta đừng mệt mỏi khi làm việc bác ái cho người lân cận. Trong Mùa Chay này, chúng ta thực hành bố thí bằng cách vui vẻ cho đi (x. 2Cr 9, 7). Thiên Chúa “là Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo và bánh làm của ăn nuôi dưỡng” (2Cr 9, 10) cung cấp cho mỗi chúng ta không chỉ để chúng ta được nuôi dưỡng, nhưng còn để chúng ta có thể quảng đại làm điều thiện cho người khác. Nếu quả thật cả cuộc sống chúng ta gieo điều tốt, thì chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay này để chăm sóc những người thân cận, để chúng ta gần gũi với những anh chị em đang bị thương trên đường đời (x. Lc 10, 25-37). Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để tìm kiếm chứ không trốn tránh những người đang cần giúp đỡ; để đi đến chứ không phớt lờ những người đang cần một đôi tai cảm thông và một lời tốt lành; để thăm viếng chứ không bỏ rơi những người phải chịu đựng sự cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời kêu gọi làm việc tốt cho tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người yếu nhất và không được bảo vệ, những người bị bỏ rơi và bị khinh thường, những người bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội (x. Fratelli tutti 193).

3. “Đến mùa chúng ta sẽ gặt hái, nếu không sờn lòng”

Mùa Chay nhắc nhở chúng ta mỗi năm rằng “Điều thiện hảo, cũng như tình yêu, công lý và sự liên đới không cứ đạt được một lần cho mãi mãi nhưng phải thực hiện mỗi ngày”(Fratelli tutti 11). Do đó, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta lòng kiên trì bền bỉ của người nông dân (x. Gc 5, 7) để không ngừng làm việc thiện, từng bước một. Nếu chúng ta vấp ngã, hãy đưa tay đến Chúa Cha, Đấng luôn nâng chúng ta lên. Nếu chúng ta lạc lối, bị phỉnh gạt bởi những lời dụ dỗ của kẻ ác, thì đừng ngập ngừng trở về với Đấng “rộng lòng tha thứ” (Is 55,7). Trong thời gian hoán cải này, tìm được sự đỡ nâng trong ân sủng Chúa và trong sự hiệp thông của Giáo hội, chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi gieo điều tốt. Đất được chuẩn bị bởi chạy tịnh, được tưới bởi cầu nguyện và được làm phong phú bởi việc bác ái. Chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng “nếu không sờn lòng, đến mùa chúng ta sẽ gặt” và với kiên trì, chúng ta sẽ được hưởng điều Người đã hứa (x. Dt 10,36) cho ơn cứu độ chính mình và những người khác (x. 1Tm 4,16). Bằng cách thực hành tình yêu thương huynh đệ đối với tất cả mọi người, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống vì chúng ta (x. 2Cr 5,14-15) và chúng ta nếm hưởng trước niềm vui Nước Trời, khi Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong muôn loài”(1Cr 15, 28).

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã cưu mang Đấng Cứu Thế trong cung lòng và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19), ban cho chúng ta ơn kiên nhẫn.
Xin Mẹ đồng hành với chúng ta với sự hiện diện từ mẫu của Mẹ, để mùa hoán cải này sinh hoa trái cứu độ đời đời.

Roma, ngày 11 tháng 11 năm 2021, Lễ nhớ Thánh Martinô Giám mục.

Nguồn: vaticannews.va