Thói quen ăn uống phổ biến làm tăng 152% nguy cơ tiểu đường
Ăn quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim và tiểu đường
Bạn có chú ý đến số lần nhai thức ăn trong mỗi bữa ăn? Có phải bạn chỉ nhai rất ít lần trước khi nuốt? Nếu vậy thì hãy cẩn thận, vì thói quen nhỏ này có thể hủy hoại sức khỏe một cách từ từ, dẫn đến các căn bệnh kinh niên nguy hiểm.
Trong khi ăn, dạ dày sẽ căng ra và giãn rộng cùng với thức ăn được đưa vào. Chuyển động căng giãn của dạ dày sẽ gửi tín hiệu no đến bộ não – quá trình này cần khoảng 20 phút.
Nếu ăn quá nhanh, bộ não không thể nhận được tín hiệu no kịp thời, dẫn đến việc tiếp tục ăn thêm quá nhiều cho đến khi cảm thấy no.
Ngoài ra, cơ thể còn hấp thụ thêm một lượng đường và chất béo dư thừa. Điều này làm tăng dao động mức đường máu, gây ra tình trạng kháng insulin trong thời gian dài.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc ăn quá nhanh có thể góp phần gây béo phì, mỡ máu cao, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường và các bệnh tim mạch.
Một phân tích tổng hợp cho thấy ăn quá nhanh có mối tương quan thuận với tình trạng thừa cân. So với những người ăn chậm, người ăn nhanh dễ bị béo phì hơn gấp hai lần. Người ta phát hiện sự khác biệt trung bình về chỉ số khối cơ thể (BMI) giữa họ là 1.78 kg.m(-2).
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy tốc độ ăn có tương quan thuận với tỷ lệ tăng triglyceride máu ở 792 người đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi 55 đến 80 với nguy cơ tim mạch cao. Những người ăn nhanh có nguy cơ tăng triglyceride máu cao hơn 59% so với những người ăn chậm.
Tăng triglyceride máu là một loại tăng lipid máu. Ngoài việc gây ra các bệnh về tim, tăng lipid máu còn có liên quan mật thiết với các bệnh kinh niên như đột quỵ, cao huyết áp, và tiểu đường.
Tiến sĩ Lưu Trung Bình, bác sĩ tim mạch kiêm Giám đốc Phòng khám Vũ Bình ở Đài Loan, cho biết việc ăn quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Những người ăn nhanh có thể bị tức ngực hoặc đau ngực sau bữa ăn.
Ông giải thích rằng ngay sau bữa ăn, máu sẽ được chuyển đến dạ dày, khiến lượng máu đến tim tương đối ít. Vì vậy, ăn quá nhanh sẽ làm tăng gánh nặng cho tim. Người bị yếu tim, bao gồm những người bị đau thắt ngực và bệnh mạch vành sẽ có khả năng xuất hiện cơn đau thắt ngực cao hơn sau khi ăn.
Trong một số trường hợp, tức ngực có thể không phải là một vấn đề về tim. Một số người ăn quá nhanh hoặc bị tức ngực sau khi ăn quá nhiều có thể là do trào ngược acid dạ dày. Vì thực quản nằm ngay phía sau tim, nên hiện tượng trào ngược dạ dày cũng gây ra cảm giác khó chịu rất giống với [triệu chứng] ở tim.
Ngoài ra, một nghiên cứu lớn được thực hiện ở Nhật Bản vào năm 2019 cho thấy ăn quá nhanh là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tiểu đường type 2 ở người dân Nhật Bản. Nghiên cứu khác đã cho thấy người ăn nhanh có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao hơn 152% so với những người ăn chậm.
Tiến sĩ Lưu cũng nhấn mạnh rằng một số bệnh nhân có mức đường máu luôn ở mức cao hoặc không thể giảm cân. Một số bệnh nhân nói, “Tôi không ăn nhiều. Tôi chỉ ăn rất ít.” Sau khi tìm hiểu sâu hơn, thì phát hiện những bệnh nhân này ăn quá nhanh.
Ăn quá nhanh làm rối loạn hệ thần kinh tự chủ và hệ nội tiết, gây béo phì
Từ quan điểm của Trung Y, việc quá nhanh không chỉ dẫn đến dễ bị béo phì và tiểu đường, mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ và hệ nội tiết. Khi điều này kéo dài, có thể tạo thành thể trạng dễ mập hơn.
Trung Y có học thuyết về ngũ hành, gồm năm yếu tố mộc, hỏa, thổ, kim và thủy tạo thành vạn sự vạn vật trong tự nhiên, bao gồm cả các cơ quan nội tạng của con người. Học thuyết này giúp cung cấp một hiểu biết có hệ thống về các cơ chế sinh lý và bệnh lý cũng như mối quan hệ bên trong giữa các cơ quan nội tạng.
Yếu tố “mộc” đặc trưng bởi bản chất nội tại vươn lên trên và tỏa khắp xung quanh. Yếu tố mộc tương ứng với lá gan, túi mật, hệ thần kinh tự chủ. Hệ thần kinh tự chủ chịu trách nhiệm duy trì chức năng bình thường của các cơ quan, như tuần hoàn máu, tiêu hóa, chuyển hóa, và hoạt động nội tiết.
Yếu tố “thổ” nuôi dưỡng vạn vật và tương ứng với tỳ vị (lá lách và dạ dày). Cơ thể người lấy các chất dinh dưỡng qua quá trình tiêu hóa và hấp thụ từ tỳ vị để nuôi dưỡng các cơ quan khác.
Trung Y nói về “thổ trệ và mộc suy.” Cô Chia-Ling Li, giám đốc Phòng khám Trung Y Aroma ở Đài Loan, giải thích rằng việc ăn quá nhanh hoặc quá nhiều trong thời gian dài sẽ gây gánh nặng cho tỳ vị, dẫn đến “thổ trệ,” hoặc tích tụ. Thổ trệ gây “mộc suy,” từ đó ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, cũng như quá trình tiêu hóa, chuyển hóa, và hệ nội tiết.
Ví dụ, mật có thể giúp phân hủy và chuyển hóa chất béo. Ăn quá nhanh sẽ ngăn hệ thần kinh tự chủ tiết mật, làm tắc nghẽn kinh mạch túi mật. Không tiết đủ dịch mật sẽ làm chậm quá trình chuyển hóa chất béo, gây béo phì.
Khi cơ thể không thể sử dụng hoặc chuyển hóa các chất dinh dưỡng, chất béo sẽ tích tụ và trở thành “đàm,” và chất lỏng tích tụ sẽ thành “thấp,” tạo thành “thể trạng đàm thấp.” Theo Trung Y, béo phì và hội chứng chuyển hóa có liên quan đến tình trạng đàm thấp.
Thể trạng đàm thấp sẽ dẫn đến một hiện tượng thú vị: những người ăn nhanh sẽ mập hơn mặc dù không ăn nhiều. Cô Li cười nói, “Nếu bạn nói về khái niệm này với một bác sĩ Tây y, thì anh/cô ấy sẽ nhất định cho là vô lý khi nghĩ rằng làm sao một người có thể mập lên khi tiêu thụ rất ít calorie?” Tuy nhiên, trên thực tế, cô đã quan sát thấy những trường hợp như vậy ở bệnh nhân của mình. Điều này là do các vấn đề về trao đổi chất và tiêu hóa có liên quan đến thể trạng đàm thấp.
Mất ngủ hoặc đau mỏi không rõ nguyên nhân có thể là do ăn quá nhanh
Cô Li cũng là chuyên gia về các bệnh đường tiêu hóa phức tạp. Cô cho biết một số bệnh và triệu chứng dường như không liên quan đến ruột hay dạ dày thực ra lại liên quan đến việc ăn quá nhanh.
Mất ngủ: Ăn quá nhanh có thể làm rối loạn hệ thần kinh tự chủ. Một số bệnh nhân bị mất ngủ, kèm theo cảm giác khó chịu dọc theo kinh mạch túi mật. Những bệnh nhân này có thể ngủ ngon hơn bằng cách cải thiện chức năng tiêu hóa và đả thông kinh mạch túi mật mà không cần thuốc ngủ.
Đau phía ngoài đùi: Một số bệnh nhân bị đau phía ngoài đùi không rõ nguyên nhân. Khi bắt mạch, cô Li phát hiện kinh mạch túi mật của bệnh nhân bị tắc nghẽn. Cô đã hỏi bệnh nhân về tốc độ dùng bữa của họ, và câu trả lời thường là chỉ mất 10 đến 15 phút. Kết quả, cơ thể họ có biểu hiện đau nhức chứ không phải rối loạn nội tiết.
Có 12 đường kinh mạch trong cơ thể người. Kinh mạch túi mật nằm ở mặt ngoài của đùi. Theo Trung Y, đau có thể là do kinh mạch ứ tắc. Tắc nghẽn kinh mạch túi mật có thể gây đau ở mặt ngoài đùi.
Vị đắng và ngọt trong miệng: Một số người cảm thấy có vị đắng hoặc ngọt trong miệng khi không ăn gì. Tình trạng này có thể là kết quả của việc ăn quá nhanh. Ăn quá nhanh có thể làm tắc kinh mạch túi mật hoặc tích tụ đàm thấp, dẫn đến thay đổi mùi vị trong miệng. Đắng miệng có thể là do kinh mạch túi mật bị tắc, trong khi ngọt miệng có thể là biểu hiện của đàm.
Nấc cụt liên tục: Ăn quá nhanh có thể dễ gây nấc cụt hoặc đầy bụng nhưng thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, một bệnh nhân vẫn bị nấc cụt trong vài tháng, mặc dù không phát hiện ra bất thường nào với các xét nghiệm tiêu chuẩn của bệnh viện. Cuối cùng anh ấy đã đến khám bác sĩ Li. Cô gõ vào bụng bệnh nhân và thấy rằng anh không bị đầy hơi. Sau đó cô đã kiểm tra mạch và phát hiện kinh mạch túi mật bị tắc nghẽn.
Hóa ra, bệnh nhân này cũng thường ăn nhanh. Dựa trên chẩn đoán của mình, cô Li đã kê toa thuốc thông kinh mạch túi mật cho bệnh nhân, kết hợp với châm cứu các huyệt đạo trên kinh mạch túi mật. Chứng nấc cụt của bệnh nhân đã rất nhanh được chữa khỏi.
Ăn chậm hơn giúp giảm cân và giảm vòng eo
Ăn quá nhanh sẽ kéo theo nhiều vấn đề, và chỉ có một cách để cải thiện, đó là ăn chậm lại.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn ăn chậm lại:
· Không ăn trong khi xem TV hoặc lướt web trên điện thoại. Sự xao lãng có thể làm quên đi việc nhai, số lượng thức ăn nạp vào, và thậm chí cả mùi vị đồ ăn.
· Đừng đợi cho đến khi rất đói mới ăn. Cảm giác đói thường dẫn đến ăn quá nhiều hoặc quá nhanh.
· Nhai thức ăn ít nhất 10 lần, tốt nhất là 15 lần trước khi nuốt.
· Thêm một số loại trái cây giàu chất xơ vào bữa ăn. Hàm lượng chất xơ cao trong thức ăn đòi hỏi việc nhai kỹ hơn trước khi nuốt.
· Xen kẽ việc nhai thức ăn đặc với uống nước canh có thể làm chậm tốc độ ăn.
· Thưởng thức mỗi bữa ăn trong 20 đến 30 phút.
Thật khó để có thể thay đổi thói quen ăn uống thường ngày. Tuy nhiên, việc nghĩ đến những lợi ích tức thì của sự thay đổi đơn giản này có thể sẽ rất hữu ích trong khi thực hiện.
Một nghiên cứu được công bố bởi trường Đại học Kyushu ở Nhật Bản phát hiện rằng việc ăn chậm có thể ngăn ngừa béo phì. Nghiên cứu cho thấy những người ăn chậm ít bị tăng cân hơn những người ăn nhanh, và ăn chậm có liên quan đến chỉ số BMI thấp hơn và vòng eo nhỏ hơn.