TÍNH CHẤT PHÓNG XẠ KHÔNG NGỜ CỦA RADIUM VÀ GIẢI NOBEL 1903.
Nhiều người cho rằng chỉ có một mình bà Marie Curie đã có công lao phát minh ra chất Radium. Ông chồng bà chỉ giúp sức phần nào thôi, không quan trọng mấy. Nhưng sự thật thì ông Pierre Curie đã giúp rất nhiều vào công việc tìm kiếm của bà. Chính bà đã có ý nghĩ đầu tiên về Radium, bà đã kiên nhẫn tiến tới kỹ thuật phát minh và chất mới rất quan trọng ấy, nhưng ông cũng đã giúp bà nhiều về phần Khoa-học thuần túy, phần lý thuyết và các phương tiện đo lường đúng cân đúng lượng. Chất Radium đã xuất hiện được, là nhờ sự cộng tác chặt chẽ và có hiệu quả của hai ông bà Pierre cà Marie Curie.
Cặp vợ chồng bác học đã xác định những tính chất bất ngờ của Radium như sau đây:
– Radium chiếu qua một lớp giấy màu đen bọc ngoài một tấm kiếng ảnh, làm cho tấm kiếng ảnh (plaque photographique) bị nám đen hết.
– Các chai bằng thủy tinh đựng Radium, bị biến ra màu tím.
– Giấy và các vật liệu bằng cellulose, đựng Radium, bị tan ra thành bụi.
– Radium chiếu ánh sáng rực rỡ trong đêm tối.
– Nhiều thể chất như kim cương, nhờ có Radium mà phát ra ánh sáng lân tinh (do đó người ta có thể phân biệt được kim cương thật và giả .
Và đây là tính chất quan trọng hơn cả, nguồn gốc của nhiều sự phát minh và áp dụng ghê gớm khác về Khoa-học, là tính chất “truyền nhiễm” của Radium: các vật dụng, áo quần, không khí bị dính radium, đều cũng phóng xạ như nó.
Hy sinh cho Khoa-học, chính Pierre và Marie Curie là những nạn nhân của Khoa-học, những vật hy sinh cho chất phóng xạ nguy hiểm của Radium! Pierre Curie bất đầu thấy nhiều vết cháy trên da, cháy thâm xuống dưới làn da nữa. Marie Curie thì bị mấy đầu ngón tay muốn thối hết. Và cả hai bị chất phóng xạ của radium ăn vào trong máu, làm chậm sinh nở các hồng huyết cầu…
Tháng 6 năm 1903, Hàn-Lâm-Viện Hoàng gia Anh quốc mời ông bà Pierre và Marie sang diễn thuyết tại London. Các giới bác học và trí thức Anh nô nức đón mừng hai vị “cha mẹ đẻ của Radium”. Marie Curie được trọng vọng đặc biệt hơn: hàng muôn vạn cặp mắt của dân chúng thủ đô Anh kinh ngạc và ngưỡng phục trước người đàn bà bác học kỳ tài, độc nhất trên thế giới, từ cổ chí kim!
Tháng 11 năm 1903, Hàn-Lâm-Viện London tặng hai ông bà huân chương quý giá nhất: mề-đay Davy.
Kế đến ngày 10 tháng 10 năm 1903, Hàn-Lâm-Viện Khoa-học ở Stockholm, của xứ Suède (Thụy Điển , tuyên bố tặng một nửa giải thưởng Nobel cho nhà bác học Becquerel, và một nửa cho hai ông bà Curie, về vụ phát minh ra tính chất phóng xạ của Radium. (3)
Nửa giải Nobel của ông bà Curie được 70.000 francs. Nhờ số tiền thưởng quốc tế này mà hai ông bà trả được nhiều món nợ, và nghỉ dạy ở viện Đại-học, để ở nhà chuyên về công việc nghiên cứu.
Danh tiếng ông bà lừng lẫy khắp thế giới … Thư từ, điện tín các nơi gởi tấp nập đến Paris, nơi căn phòng dột nát, trụ sở của công việc thí nghiệm, để chúc mừng và hoan hô hai bậc vĩ nhân mới của nhân loại. Một nhà triệu phú Mỹ ở Chicago viết thư xin bà Marie Curie cho phép y lấy tên bà đặt tên cho con ngựa đua mà y cưng nhất trong đời!
Năm 1904, bà Marie Curie có thai. Ngày 6.12.1904, bà lại sinh ra một đứa bé thứ hai, đặt tên là Eve Curie. (4)
Hai tháng sau kỳ khai hoa nở nhụy, bà lại trở về phòng thí nghiệm của bà, nơi đây hai vợ chồng đóng cửa làm việc cả ngày trong thanh tịnh. Cả hai đều tránh các cuộc tiếp xúc với khách thập phương mộ tài đến viếng thăm. Ít muốn giao thiệp với người ngoài, ít đi dự các tiệc tùng, chỉ trốn tránh trong nhà, như hai người ẩn dật.
Ngày 3 tháng 7 năm 1905, ông Pierrer Curie được mời vào Hàn-Lâm-Viện Khoa-học Pháp. Xin ghi rằng, trước đây 3 năm, ngày 9/6/1902, nhiều bạn thân của ông đã giới thiệu ông ứng cử vào Hàn-Lâm-Viện Khoa-học, nhưng các cụ hàn lâm ganh ghét danh tiếng của Pierrer Curie, lại bỏ phiếu cho người tranh cử với ông là Amagat, một giáo sư vô danh. Ông này được đắc cử, còn Pierrer Curie bị các cụ cho ra rìa.
Năm 1905, các cụ bị báo chí Pháp và ngoại quốc chỉ trích kịch liệt nên các cụ phải bầu cử nhà bác học đã được giải Nobel vào Hàn-Lâm-Viện.
Thế mà trong số 68 vị Hàn-Lâm Khoa-học, vẫn còn có 22 vị bỏ phiếu cho người tranh cử đối lập của Pierrer Curie là ông Gernez, một giáo sư không có thành tích, không có tiếng tăm cũng như ông Amagat trúng cử vào năm 1902 vậy.
Thế mới biết, dù trên lĩnh vực Khoa-học, lòng đố kỵ và tính ganh ghét của con người vẫn chưa nhượng bộ cho tinh thần cao cả.
Một năm sau, ngày 19.4.1906, hồi 2 giờ 30 chiều, ông Pierrer Curie ở trong một buổi tiệc của Viện Khoa-học ra về, bị trời mưa tầm tã. Ông đi bộ, bước vội vàng trên lề đường Dauphine. Nhưng ông đãng trí, băng qua đường trong lúc một chiếc xe ngựa từ sau vụt tới. Con ngựa nhảy xổm lên, hất ông ngã lăn xuống đường nhựa, và đạp trên người ông và cứ chạy tới. Trong giây phút hiểm nguy, một chiếc xe cam-nhông bị mưa làm mờ kiếng từ sau vụt chạy tới, đè cả một sức nặng 6 tấn lên người ông. Cái đầu của nhà bác học bị bể nát, bắn ra những mảnh óc và những tia máu đỏ ngòm trôi chảy trong nước mưa…