Chúa Nhật IV mùa vọng - Năm A |
TIẾNG GỌI TÌNH YÊU |
AM Trần Bình An |
Câu chuyện kỳ lạ của sĩ quan Onoda tại các rừng rậm Philippines bắt đầu ngày 17.12.1944, khi mà vị chỉ huy của anh ta là thiếu tá Taniguchi, hạ lệnh cho người thuộc cấp 22 tuổi Onoda, cùng một số chiến binh khác, tiến hành chiến tranh du kích chống lại quân Mỹ tại Lubang. Taniguchi nói: “Chúng ta chỉ tạm thời rút lui. Các anh hãy vào rừng, làm lều, chuẩn bị kho vũ khí… Tôi cấm các anh tự tử hoặc đầu hàng. Có thể phải ẩn náu 3 năm, 4 năm hay 5 năm, nhưng tôi sẽ quay lại với các anh. Lệnh này chỉ có tôi mới được quyền thay đổi”.
Năm này nối tiếp năm khác. Onoda chiến đấu trong rừng rậm. Onoda lấy nước suối đun sôi để dùng, ăn hoa qủa và trong suốt ngần ấy năm trời chiến binh “Samurai cuối cùng” chỉ một lần duy nhất bị viêm họng. Ngay cả sau này, có những lúc Onoda hoang mang khi nghĩ rằng quân đội Nhật đã bỏ rơi họ, thì anh ta cũng không có ý định đầu hàng. Có một lần Onoda định tự tử, nhưng ngay lập tức từ bỏ ý nghĩ này vì thiếu tá Taniguchi đã ra lệnh không được làm như thế.
Vào tháng 10.1972, Onoda và người đồng đội đặt trái mìn cuối cùng trên đường gần làng Imora để phục kích quân Philippines. Trái mìn không nổ, nên họ giao tranh với quân Philippines. Người bạn bị bắn chết, còn Onoda thì bỏ chạy vào rừng sâu. Cái chết của một lính Nhật sau 27 năm khi nước này đầu hàng, đã gây chấn động cả xứ sở Phù Tang. Gần 30 năm các đội biệt động thiện chiến không phát hiện ra Hiro Onoda. Thế nhưng cuối cùng một khách du lịch Nhật tên là Suzuki, khi đi sưu tập bướm trong rừng, đã tình cờ “đụng” Onoda. Người này khẳng định với “samurai cuối cùng” là nước Nhật đã đầu hàng, chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Onoda ngẫm nghĩ, trả lời: “Tôi không tin. Thiếu tá Taniguchi chưa thay đổi mệnh lệnh thì tôi vẫn tiếp tục chiến đấu”.
Quay trở về Nhật Bản, Suzuki tìm mọi cách để tìm thiếu tá Taniguchi, và rất khó khăn mới tìm được ông ta. Người lãnh đạo của “Samurai cuối cùng” thay tên đổi họ và trở thành nhà kinh doanh điện ảnh. Họ cùng nhau đến khu rừng Lubang, tìm đến nơi Onoda ẩn náu. Khi ấy Taniguchi mặc quân phục và ra mệnh lệnh Onoda phải ra đầu hàng. “Samurai cuối cùng” vác súng trường trên vai và đến đồn cảnh sát đầu hàng vào buổi sáng ngày 10.3.1974.
Tương tự như chuyện Onanda, Samurai cuối cùng, trung kiên, một lòng một dạ, chấp hành duy nhất mệnh lệnh của thiếu tá Taniguchi mà thôi, trích thuật Tin Mừng hôm nay giới thiệu Thánh Giuse, vị cha nuôi đáng kính của Đức Giêsu. Ngài đã toàn tâm vâng phục Thánh Ý Chúa chấp nhận vai trò nghĩa phụ của Chúa Cứu Thế, vâng theo Tiếng Gọi Tình Yêu. Tiếng gọi
Thánh Giuse thật thầm lặng trong Tin Mừng, cũng như sống trong đời thực. Ngài thật hào hiệp, khoan dung quảng đại, và vô cùng khiêm nhường. Hơn nữa, Thánh sử Mat thêu còn vinh danh ngài “là người công chính.” Ngài đã thực sự tỏ ra bối rối trước việc Đức Mẹ thụ thai. Nhưng vì chân thật tin yêu Mẹ Maria, rất đoan trang và đạo hạnh, ngài không mảy may nghi ngờ, chẳng phản ứng bộp chộp, nông cạn, cũng không một lời than thở, trách móc. Ngài chọn phương án thầm kín bỏ đi, để êm thắm cho cả hai.
Nhưng sứ thần Thiên Chúa đã đến báo cho ngài trong giấc ngủ: “Này ông Giuse, con cháu Đa vít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”(Mt 1, 20-21)
Thánh nhân dạt dào lòng tin, cậy, mến, đã nhận được Thánh Ý Chúa tỏ tường, chính xác, minh bạch. Bây giờ, tôi cũng mong được sứ thần trực tiếp loan báo sứ vụ, nhưng tôi lại chểnh mảng, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và tha nhân, lại kiêu căng, tự cao tự đại, nhất là non kém, thờ ơ, thiếu sót các nhân đức. Thì làm sao tôi lắng nghe được tiếng Chúa, hiểu được Thánh ý Chúa? May mắn thay, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã khẳng định:“Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại.” (Đường Hy Vọng, số 17)
Xin Vâng
“Khi tỉnh giấc, ông Giuse đã làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.” (Mt 1, 24) Lắng nghe được Lời Chúa phán bảo, Thánh Giuse liền vui vẻ “Xin Vâng”, quyết tâm thực hành Thánh Ý, tương tự như Mẹ Maria, ngay sau khi được sứ thần truyền tin. Không chần chừ, chậm trễ, suy tính, cân nhắc hơn thiệt, ngài dấn thân ngay vào sứ vụ nghĩa phụ của Đấng Cứu Thế.
Chẳng ngần ngại vất vả, gian khó, ngài hồi hương cùng Mẹ Maria từ Nazaret về Bêlem, sinh hạ Hài Nhi Giêsu trong cảnh bần cùng. Cấp tốc đem Hài Nhi và Mẹ Maria chạy trốn, lánh nạn sang Ai Cập, khỏi bàn tay khát máu của Hêrôđê. Rồi lại khăn gói quả mướp tái định cư về Nazaret, khi nhà vua đã băng hà. Ngài luôn lắng nghe và vâng theo hướng dẫn của sứ thần đường đi nẻo bước, để tận tụy, nâng niu chăm sóc và bảo vệ Thánh Gia.
Ngoài bổn phận hằng ngày, tôi còn nhận được bao dấu chỉ Thánh Ý Chúa qua sự kiện, tin tức, xã hội, nhất là qua Lời Chúa. Nhưng tôi lại hay bịt tai, nhắm mắt, đóng kín cả tâm hồn, hoặc u mê, mải miết bươn chải mưu sinh, hay hưởng lạc bê tha, làm sao tôi nghe thấy, nhìn thấy, tìm và hiểu được Thánh Ý Chúa trong cuộc sống?
Hơn nữa, tôi có can đảm “Xin Vâng,“ hay lặng lẽ, âm thầm từ chối sứ vụ khó khăn, vất vả, cay cực, đau khổ như Thánh Gia đã trung kiên đón nhận.
“Vâng lời trọng hơn của lễ,” vì của lễ là hoa quả, hương trầm, súc vật, tiền bạc,…Khi vâng lời, con lấy chính mình con làm của lễ, giết chết ý riêng con, tự ái của con làm của lễ toàn thiêu. (Đường Hy Vọng, số 406)
Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con Niềm Tin vững vàng, dạy chúng con cầu nguyện sốt sắng, luôn sống mật thiết với Chúa, để có thể lắng nghe tiếng gọi tình yêu của Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin luôn giúp đỡ, nhắc nhủ, khuyến khích chúng con thưa lời “Xin Vâng” trước tất cả biến cố Chúa gửi đến trong đời, để lãnh nhận hồng phước ngay đời này lẫn đời sau. Amen.
|
samedi 17 décembre 2016
TIẾNG GỌI TÌNH YÊU
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire