vendredi 10 mars 2017

DÕI THEO BƯỚC CHÚA

DÕI THEO BƯỚC CHÚA


Người ta kể rằng năm ấy dù mới lên mười tuổi, cậu Chai-san đã được bố cho đi theo một đoàn lữ hành phải vượt cao nguyên trùng điệp với những đỉnh đồi, những ngọn núi vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.  Đêm đến đoàn lữ hành trú ngụ trong những chiếc lều vải thô sơ.  Một đêm nọ cậu bé Chai-san cảm thấy có một sức mạnh từ bên trong thúc đẩy cậu trốn ra khỏi lều.  Và kìa, giữa miền núi cao, bầu trời đầy trăng sao lấp lánh như bao trùm lấy cậu.  Một cảm giác hạnh phúc nhẹ nhàng xâm chiếm tâm hồn Chai-san.  Cậu có cảm tưởng như cả vũ trụ xinh đẹp này đã được tạo dựng để ban tặng cho cậu, và nó đang nâng tâm hồn cậu lên với Đấng Tạo Hóa.

Bỗng chốc bầu khí yên tĩnh và an bình bị xáo trộn vì tiếng gọi của người cha: “Chai-san, mày trốn đi đâu rồi?  Trở vào lều đi”.  Chai-san miễn cưỡng trở vào lều và tiếc nuối nói với cha: “Bố ơi, bầu trời trăng sao đẹp quá chừng!”.

Thưa anh chị em,
Trong truyền thống Thánh Kinh cũng như trong hầu hết các tôn giáo, núi cao thường được xem như là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa Thần Linh và con người.  Những mạc khải quan trọng trong Kinh Thánh đều diễn ra trên núi cao.  Môsê đã được kêu mời lên núi Sinai để gặp gỡ Giavê Thiên Chúa và đón nhận lề luật cho Dân Chúa.  Êlia đã ròng rã 40 đêm ngày lên núi Horeb để gặp Chúa.  Êlisê cũng lên núi Carmel để gặp Chúa.  Và Chúa Giêsu cũng khởi sự đời công khai bằng 40 đêm ngày chay tịnh trên núi cao, rồi trong ba năm sứ vụ, Ngài vẫn thường lặng lẽ một mình lên núi để cầu nguyện cùng Cha Ngài.

Trong Tin Mừng hôm này, Chúa Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín nhất lên núi Thabor để tỏ vinh quang của Ngài cho các ông.  Từ trên núi cao, Phêrô, Giacôbê, Gioan đã nhận ra được con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu.  Từ trên đỉnh cao, các ông thấy vinh quang của ngài như một lời hứa được thực hiện, như thành tựu của một sứ mệnh, như đích điểm của một con đường, con đường thập giá dẫn đến vinh quang.

Thế nhưng, người ta không lên núi cao để ở lại đó, mà là để nhìn rõ hơn con đường phải đi.  Đối với Chúa Giêsu, con đường phải đi đó chính là con đường lên Giêrusalem với cuộc tử nạn đang chờ đợi Ngài.  Và Ngài đã xuống núi để giáp mặt với cuộc đời, để tiếp tục hành trình xuyên qua khổ nạn và cái chết thập giá.  Từ trên núi cao, Chúa Giêsu cũng muốn đưa ba môn đệ thân tín của Ngài trở lại cuộc đời, trở lại với những thử thách, chống đối đang chờ đợi trước mắt các ông.

Thật vậy, cuộc tỏ vinh quang của Chúa Giêsu trên núi đã xảy ra sau khi Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.  Lời tuyên xưng này lại gắn liền với lời Chúa Giêsu loan báo cuộc Thương Khó của Ngài và kèm theo lời mời gọi: “anh em hãy bỏ mình, vác thập giá đi theo Thầy” (Mt 16,24).  Vậy là đúng vào lúc các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đức Kitô, là Đấng Cứu Thế, thì trước mắt các ông hình ảnh một Đấng Cứu Thế oai hùng lẫm liệt theo các ông quan niệm, bắt đầu tan biến, để hiện ra một Đấng Cứu Thế đau khổ, bị đày đọa, bị khai trừ, bị giết chết.  Hình ảnh đó thật là khó hiểu đối với các môn đệ, vì lòng tin của các ông còn mộc mạc, phàm tục.  Cho nên, chẳng lạ gì, Phêrô đã lên tiếng khuyên can Chúa Giêsu đừng đi theo con đường đau khổ đó làm gì.  Nhưng thật không may cho ông, vì Chúa Giêsu cứ khăng khăng một mực, lại còn quay sang mắng ông: “Satan, cút đi!”  Vì ông đã tự đồng hóa với Satan cám dỗ Chúa trong sa mạc.

Rồi bây giờ thì lại cũng chính Phêrô đã dám đề nghị cắm lều ở lại trên núi Thabor, vì ở đây sướng quá, khỏi phải đi qua con đường đau khổ mà ông đã khuyên can Thầy.  Nhưng rồi, mở mắt ra, ông thấy chỉ còn một mình Chúa Giêsu trên đỉnh núi.  Ánh sáng rực rỡ đã tan biến, và Chúa Giêsu còn đánh thức các ông dậy, giục các ông xuống núi, đi lên Giêrusalem với Ngài để chịu tử nạn như Thầy đã báo trước.

Chính trong giờ phút biến hình rực rỡ vừa rồi, ông Môsê và ngôn sứ Elia đã đàm đạo với Chúa Giêsu về “cuộc ra đi” Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem, và tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến.  Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài”.  Lời đó chính là để công nhận, để tán thành bước đường vượt qua đau thương của Chúa Giêsu, và mời gọi các môn đệ hãy đi theo Thầy.  Vì thế, mấy Thầy trò lại xuống núi.  Và Phêrô cũng như các môn đệ khác phải đi theo sau Thầy qua con đường khổ nạn thập giá mới đến ánh sáng vinh quang Phục Sinh.

Không phải không có lý do mà phụng vụ năm nào cũng đặt bài Tin Mừng Chúa hiển dung sáng láng hôm nay vào giữa Mùa Chay.  Giáo Hội muốn đưa chúng ta lên núi, hé mở cho chúng ta chiêm ngưỡng một chút vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, để chúng ta thêm tin tưởng vào Ngài, để chúng ta có những giây phút nghỉ ngơi lấy sức trước khi xuống núi, trở về với cuộc sống bình thản trên các nẻo đường phẳng lặng hay đầy sóng gió đưa đến núi Can-vê.  Chúng ta cần được Chúa đến gần, đưa tay đập vào người như “đã đến gần, vỗ vào người các môn đệ”, để thức tỉnh chúng ta, để chúng ta biết chuẩn bị sẵn sàng đón nhận mọi gian nan đau khổ trên đường đời.

Con đường Thương Khó của Chúa khởi đầu từ khi Ngài xuống núi.  Rồi đây, Ngài cũng sẽ biến hình “không còn hình tượng người ta nữa”, để dạy chúng ta biết phải đi qua con đường thập giá mới đến vinh quang khải hoàn sống lại.  Trong ngôn ngữ La-tinh, người ta chơi chữ: “Per crucem ad lucem”, nghĩa là “qua thập giá đến ánh sáng”.  Qua Thứ Sáu Tử Nạn mới đến Chúa Nhật Phục Sinh.  Đường thánh giá không dừng lại ở nấm mồ, nhưng mở ra trong niềm vui tưng bừng của ngày sống lại.  Đó là quy luật của muôn đời.

Trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta, cũng có những giây phút chúng ta được đưa lên núi cao để gặp Chúa, núi cao của Thánh lễ, núi cao của những giờ phút dành cho việc cầu nguyện.  Nhưng chúng ta không lên núi để ở đó mãi, mà là để trở lại với cuộc đời với muôn thử thách, đắng cay, với những gặp gỡ từng ngày.  Chấp nhận cuộc sống với tinh thần lạc quan, chấp nhận chiến đấu mà không buông xuôi bỏ cuộc, sống như thể là tiếp tục con đường Chúa Giêsu đã đi qua.  Chấp nhận những người anh em chúng ta gặp gỡ trên đường đi, chấp nhận những khác biệt, những bất toàn của người anh em cùng đồng hành, sống như thể là dõi bước theo đường Chúa đã đi qua.
 Xin ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô luôn dẫn bước chúng ta trên đường, để chúng ta biết đón nhận và sống trọn từng phút giây cuộc sống.  Xin ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô chiếu dọi và hướng dẫn cuộc hành trình đức tin của chúng ta được tiếp tục trên dấu chân của Ngài.


R. Veritas
NGỌC NGA sưu tầm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire