Chúa Nhật XXIII thường niên - Năm A |
NGHỆ THUẬT SỬA LỖI |
Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC |
Thưa anh chị em,
Ngay từ thời Cựu ước, Thiên Chúa dùng miệng ngôn sứ Êzêkiel phán dạy với dân riêng của Ngài: “Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác từ bỏ sự gian ác, nó sẽ phải chết bởi sự gian ác của nó, thì Ta sẽ đòi máu nó bởi tay ngươi” (Êz 33,8).Có nghĩa là Chúa muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm sửa lỗi cho người khác, khi thấy họ làm điều gian ác. Nếu chúng ta không lên tiếng nhắc nhở và sửa lỗi cho nhau, thì chúng ta sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên: “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, trừ ra tình thương mến”(Rm 13,8). Và thánh nhân nói tiếp: “Ai yêu người là chu toàn lề luật” (Rm 13,8). Đức Chúa Trời ban cho chúng ta 10 điều răn, nhưng 3 giới răn đầu dành cho việc thờ phượng kính mến Chúa, còn lại 7 giới răn sau Chúa dành cho việc đối xử với tha nhân, mà một trong những thái độ đối xử tốt với tha nhân là việc sửa lỗi cho nhau.
Thế thì, những ai cần sửa lỗi?. Phải nói ngay rằng: việc sửa lỗi cho người khác là một việc vô cùng tế nhị và hết sức khó khăn. Khó khăn về phía người sửa lỗi và tế nhị đối với người được sửa.
Về phía người sửa lỗi thì nghĩ rằng “Chân mình thì lấm bê bê, làm sao dám cầm bó đuốc mà rê chân người”. Vua Đavít đã cảm nghiệm được điều này khi thưa lên cùng Chúa: “Ngài thấy cho, lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 50,7). Bởi lẽ, con người nhân vô thập toàn, không ai là hoàn hảo cả. Ai cũng đấm ngực lỗi tại tôi mọi đàng 3 lần cơ mà.
Còn về phía người được sửa thì theo tâm lý tự nhiên ai cũng ngại người khác biết được khuyết điểm hay tính xấu của mình. Ai cũng muốn người khác quên đi hay đừng nhắc tới quá khứ tội lỗi của mình. Và càng không muốn người khác sửa lỗi cho mình.
Vậy thì phải sửa lỗi thế nào?. Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta một nguyên tắc vàng trong việc sửa lỗi, đó là sửa trong tình bác ái yêu thương. Chúa đưa ra cho chúng ta sửa lỗi qua các bước sau đây:
Thứ nhất: phải gặp gỡ riêng hai người, giữa ta với họ. Gặp gỡ và nói chuyện với nhau trong tình thân ái, kín đáo và chân thành. Việc gặp gỡ như vậy sẽ giúp chúng có lỗi sửa lỗi cách nhẹ nhàng hơn.
Thứ hai: Sau khi đã gặp gỡ riêng mà người mắc lỗi vẫn cố chấp, bảo thủ, tự ái, thì chúng ta nên mời thêm một hoặc hai người cùng góp ý, như vậy có tính cách khách qua hơn. Nhiều người, nhiều lời chứng dễ bị thuyết phục hơn là một người.
Thứ ba: nếu đã có nhiều người làm chứng, khuyên nhủ mà vẫn không lay chuyển được tội nhân, thì hãy đưa họ ra cộng đoàn, tức là đưa đến người có thẩm quyền để giải quyết, nhưng xin nhớ, người có thẩm quyền trong Giáo hội chứ không phải là chính quyền các cấp.
Thứ tư: nếu đã qua ba bước mà tội nhân vẫn không thay lòng đổi dạ, không hoán cải, thì quả thật “hết thuốc chữa”. Không phải vì thế mà loại bỏ họ, nhưng hãy chấp nhận sự giới hạn của mình, phó thác tội nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa và cầu nguyện cho họ. Vì Chúa đã nói: “Nếu ở dưới đất, hai ba người hợp nhau lại xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy Đấng ngự trên trời sẽ ban cho”.
Xin Chúa cho chúng ta ơn khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Thần Chúa, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới là Đấng duy nhất sửa lại mọi sự trong ngoài chúng ta.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn chấp nhận những sửa sai, những chỉ bảo của người khác về những lầm lỗi thiếu sót của mình. Đồng thời, biết khôn ngoan và tế nhị trong việc sửa lỗi cho nhau trong tình yêu thương, để cùng nhau kiến tạo sự hiệp nhất trong tình anh em con cùng một Cha trên trời, và mọi người đều là anh em với nhau. Amen.
|
samedi 9 septembre 2017
NGHỆ THUẬT SỬA LỖI
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire