samedi 3 avril 2021

Những nhân vật Việt Nam lừng lẫy một thời – 80 năm trước..

Nhớ lại những nhân vật lừng lẫy một thời – 80 năm trước, 1940, họ đang làm gì?



Hà Nội 1941 (Wikipedia)



Việt Nam 1940-1941

– Đức quốc xã tràn vào Paris.

– Phát-xít Nhật tiến vào Đông Dương.

– Phan Bội Châu đang ốm nặng và chuẩn bị mất ở Huế.

– Nguyễn Văn Vĩnh vừa qua đời được bốn năm, để lại sự nghiệp trước tác đồ sộ bậc nhất.

– Phan Thanh và Tản Đà sắp qua “giỗ đầu”.

– Vũ Trọng Phụng sắp qua đợt cúng “trăm ngày”.

– Bùi Quang Chiêu 67 tuổi, vừa rời chức Viện trưởng Hội đồng quản hạt Nam Kỳ tại Sài Gòn, đồng thời vẫn là đại biểu Nam Kỳ tại Thượng Hội đồng Pháp quốc hải ngoại.

– Huỳnh Thúc Kháng 64 tuổi, đang điều hành tờ báo “Tiếng Dân” mà ông thành lập tại Huế từ năm 1927.

– Ưng Bình Thúc Giạ Thị [Nguyễn Phúc Ưng Bình – cháu nội Tuy Lý vương Miên Trinh] 63 tuổi, đang làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ, vừa được bầu làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ.

– Đạm Phương nữ sử (cháu nội vua Minh Mạng) 59 tuổi, đang lãnh đạo Hội nữ công ở Huế.

– Kỳ Ngoại hầu Cường Để 58 tuổi, vừa thôi giữ Hội chủ Việt Nam Quang Phục Hội để nhường cho “thế hệ thứ hai” của Hội này như cựu Thượng thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, bác sĩ Lê Toàn, Vũ Đình Di, kỹ sư Vũ Văn An…

– Hồ Học Lãm 56 tuổi, đang ốm nặng và nằm viện tại Quế Lâm (Trung Quốc).
Phạm Duy (Wikipedia)
– Ngô Đình Khôi 55 tuổi, đang giữ chức Tổng đốc Nam Ngãi dưới triều vua Bảo Đại trước khi bị ép về hưu từ vào năm 1943 vì ý hướng thân Nhật.

– Trần Trọng Kim 53 tuổi, đang tích cực tham gia các hoạt động xã hội của Hội Khai trí Tiến Đức, Hội Bắc kỳ Phật giáo…

– Phan Khôi 53 tuổi, vừa vào Sài Gòn dạy học chữ Nho và viết tiểu thuyết sau khi đóng cửa tờ “Sông Hương” tại Huế một năm trước đó.

– Bùi Kỷ 52 tuổi, đang dạy học tại Trường tư thục Thăng Long do một số trí thức có xu hướng thân cộng sản như Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Đặng Thái Mai, Võ Nguyên Giáp… thành lập.

– Nguyễn Văn Thinh 52 tuổi, đang điều hành Hội Truyền bá quốc ngữ tại Nam Kỳ trước khi đứng ra huy động nhân sĩ lập Hội đồng tư vấn Nam Kỳ để thành lập chính phủ Nam Kỳ tự trị.

– Bùi Bằng Đoàn 51 tuổi, đang giữ chức Thượng thư Bộ Hình dưới triều vua Bảo Đại, trông nom việc xử kiện tại tất cả các tỉnh Trung Kỳ, chỉ đạo việc soạn thảo các luật cho Trung Kỳ.

– Phạm Quỳnh 48 tuổi, đang giữ ghế “Thượng thư Bộ học” dưới triều Bảo Đại ở Huế.

– Phan Kế Toại 48 tuổi, đang giữ chức Tổng đốc Bắc Ninh trước khi được bổ nhiệm làm Tổng đốc Thái Bình.

– Nguyễn Phan Chánh 48 tuổi, đang sáng tác tranh lụa tại quê nhà Hà Tĩnh và bắt đầu giới thiệu các tác phẩm tranh lụa của mình tới giới thưởng ngoại hội họa tại Pháp và châu Âu.

– Hồ Tùng Mậu 44 tuổi, đang bị thực dân Pháp bắt đi đày tại Ban Mê Thuột.

Từ trái qua: Thái Thanh – Phạm Đình Chương – Thái Hằng

– Khái Hưng 44 tuổi, vừa bị thực dân Pháp bắt đi đày ở Sơn La, “cùng đợt” với Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí…

– Vũ Đình Long 44 tuổi, đang phụ trách NXB Tân Dân và tờ “Tiểu thuyết thứ Bảy”.

– Thích Quảng Đức 43 tuổi, đang hành đạo tại miền Nam Việt Nam, khai sơn và trùng tu nhiều ngôi chùa.

– Lê Hữu Từ 43 tuổi, đang phụng vụ tại Giáo xứ Phát Diệm (Ninh Bình).

– Ngô Đình Thục 43 tuổi, vừa được tấn phong Linh mục, đang là Giám quản đầu tiên của Giáo phận Tông Tòa Vĩnh Long.

– Vũ Hồng Khanh 42 tuổi, đang làm Ủy viên Hải ngoại bộ của Việt Nam Quốc dân Đảng Hải ngoại Biện sự xứ (Bureau d’Outre – Mer du Việt Nam Quốc dân Đảng) tại Trung Quốc.

– Trần Văn Chương 42 tuổi, đang mở Văn phòng luật sư tại nhà riêng ở Hà Nội.

– Nguyễn Thế Truyền 42 tuổi, đang sống với người vợ Pháp tại Nam Định.

– Nguyễn An Ninh 40 tuổi, đang bị thực dân Pháp bắt đi đày tại Côn Đảo.

– Cao Xuân Huy 40 tuổi, đang dạy học tại một số trường tư thục ở Huế và tham gia viết báo Revue pédagogique.

– Tú Mỡ 40 tuổi, đang tích cực tham gia nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

– Đào Trinh Nhất 40 tuổi, vừa từ Sài Gòn ra Hà Nội và cộng tác tích cực với báo “Trung Bắc chủ nhật”.

– Hoàng Đạo Thúy 40 tuổi, đang là Ủy viên phụ trách ngành Tráng sinh và là thủ lĩnh của phong trào hướng đạo Bắc Kỳ.

– Ngô Đình Diệm 39 tuổi, đang dạy học tại trường Thiên Hựu (Providence) ở Huế, do anh ông là Ngô Đình Thục làm Giám học, trước khi tham gia thành lập và lãnh đạo tổ chức Đại Việt Phục hưng Hội, dựa vào Nhật để chống Pháp.

– Phạm Khắc Hòe 39 tuổi, vừa từ Quy Nhơn lên làm Quản đạo Đà Lạt, phát triển nghề trồng rau tại đây.

– Trịnh Đình Thảo 39 tuổi, đang là luật sư tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn.

– Phan Văn Hùm 38 tuổi, đang bị thực dân Pháp bắt đi đày tại Côn Đảo.

– Hải Triều 38 tuổi, vừa bị thực dân Pháp bắt đi an trí tại Phong Điền (Thừa Thiên).

– Trần Văn Hương 38 tuổi, đang dạy học tại trường Collège Le Myre De Villers tại Mỹ Tho.

– Vũ Ngọc Phan 38 tuổi, đang dạy học tư tại Hà Nội và cộng tác với các báo Pháp-Việt, Văn học, Nhật Tân, Phổ Thông bán nguyệt san, Trung Bắc tân văn, Sông Hương….

– Vương Hồng Sển 38 tuổi, đang làm thư ký tại dinh Thống đốc Nam Kỳ.

– Đào Duy Anh 36 tuổi, đang nghiên cứu độc lập về lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam.

– Hoàng Minh Giám 36 tuổi, đang dạy học và viết báo chống chế độ thực dân Pháp tại Sài Gòn.

– Nhượng Tống 36 tuổi, đang bị quản thúc ở quê nhà Nam Định sau bảy năm lưu đày ở Côn Đảo.

– Hoàng Văn Hoan 35 tuổi, đang điều hành Việt Nam Độc lập Vận động Đồng minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) ở Trung Quốc.

Đinh Hùng (phải) và Tô Kiều Ngân (Zing)


– Phan Khắc Sửu 35 tuổi, đang tham gia và hoạt động tích cực trong tổ chức Việt Nam Nhân dân Cách mệnh Đảng, một tổ chức chính trị hoạt động đòi độc lập cho Việt Nam trước khi bị thực dân Pháp bắt đi đày tại Côn Đảo.

– Tạ Thu Thâu 34 tuổi, đang bị thực dân Pháp bỏ tù vì tố cáo gian lận trong cuộc bầu cử Hội đồng Quản hạt (Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ).

– Nguyễn Tường Tam 34 tuổi, đang là Tổng Thư ký Đại Việt Dân chính Đảng.

– Tô Ngọc Vân 34 tuổi, đang bắt đầu giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

– Mai Trung Thứ 34 tuổi, đã định cư và đang phát triển sự nghiệp hội họa tại Paris.

– Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) 33 tuổi, đang bị thực dân Pháp bắt đi đày tại Sơn La.

– Lê Phổ 33 tuổi, vừa sang Pháp định cư và phát triển sự nghiệp hội họa.

– Thế Lữ 33 tuổi, đang nỗ lực hiện đại hóa nghệ thuật kịch nói sau gần một thập niên đóng góp to lớn cho phong trào Thơ Mới.

– Hoàng Xuân Hãn 32 tuổi, đang nghiên cứu về Lý Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp và Quang Trung ở Thanh Hóa.

– Cao Văn Luận 32 tuổi, đang theo học Triết học và Văn chương tại Đại học Sorbonne.

– Phạm Duy Khiêm 32 tuổi, đang tham gia quân đội kháng chiến Pháp chống phát-xít Đức trước khi trở về Việt Nam dạy học, viết văn, làm báo.

– Nguyễn Gia Trí 32 tuổi, đang thử nghiệm các sáng tác mới bằng chất liệu sơn mài.

– Nguyễn Đăng Thục 31 tuổi, đang làm kỹ sư hóa học tại Nhà máy dệt Nam Định và nghiên cứu độc lập về văn hóa Á Đông để chuẩn bị biên soạn hai tác phẩm “Bình giải sách Đại học”, và “Tinh thần khoa học và đạo học”.

– Nguyễn Mạnh Tường 31 tuổi, vừa mở văn phòng luật sư tại Hà Nội.

– Hoài Thanh 31 tuổi, dạy học, viết văn, viết báo tại Huế, đang chuẩn bị gửi bản thảo “Thi nhân Việt Nam” cho nhà xuất bản.

– Ngô Đình Nhu 30 tuổi, đang làm việc tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (Hà Nội).

Vũ Văn Mẫu (Wikipedia)

– Nguyễn Hữu Thọ 30 tuổi, đang hành nghề luật sư tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

– Trần Văn Cẩn 30 tuổi, đang chuẩn bị gửi các tác phẩm hội họa của mình sang triển lãm tại Nhật Bản.

– Hồ Hữu Tường 30 tuổi, tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Marx và Nhóm Đệ Tứ, vừa bị đày ra Côn Đảo cùng Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu…

– Thạch Lam 30 tuổi, đang làm Chủ bút báo “Ngày Nay”, sống với vợ con ở Yên Phụ (Hà Nội) trước khi qua đời vào năm 1942 vì bệnh lao.

– Nguyễn Tuân 30 tuổi, đang lẫy lừng với các tùy bút mới.

– Ngô Đình Cẩn 28 tuổi, đang chăm sóc mẹ già tại Huế.

– Nguyễn Huy Tưởng 28 tuổi, đang hăng hái với phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ.

– Vũ Đình Hòe 28 tuổi, đang dạy học tại một số trường tư thục tại Hà Nội trước khi tham gia Nhóm Thanh Nghị.

– Phan Anh 28 tuổi, vừa bỏ dở chương trình Tiến sĩ Luật tại Pháp để về Việt Nam chuẩn bị ra mắt tờ báo “Thanh nghị” với Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền.

– Hoàng Tích Chù 28 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và mở xưởng vẽ tại phố Hàng Khoai – một trong những xưởng sơn mài đầu tiên của Hà Nội.

– Hàn Mặc Tử 28 tuổi, đang sống những ngày cuối đời tại Nhà thương Quy Hòa (Quy Nhơn).

– Bàng Bá Lân 28 tuổi, đang vui thú điền viên tại Kép (Bắc Giang).

– Nguyễn Hữu Đang 27 tuổi, đang hoạt động trong khối trí vận của Đảng Cộng sản Đông Dương, chuyên lo việc vận động giới tư sản và trí thức.

– Trương Tửu 27 tuổi, chuẩn bị tham gia Nhà xuất bản Hàn Thuyên (Hà Nội) với chức danh Giám đốc Văn chương (tương đương Tổng Biên tập).

– Huỳnh Tấn Phát 27 tuổi, kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc tư, tại Sài Gòn.

– Hoàng Văn Chí 27 tuổi, vừa đậu Cử nhân Khoa học tại Viện Đại học Đông Dương.

– Nguyễn Khắc Viện 27 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp ngành Nhi khoa tại Đại học Y khoa Paris.

– Vũ Văn Mẫu 26 tuổi, đang làm Tri huyện tại Đông Anh (Hà Nội) trước khi sang Paris học Tiến sĩ Luật.

– Nguyễn Phước Bửu Lộc (chắt nội Tuy Lý vương Miên Trinh) 26 tuổi, đang học luật tại Đại học Montpellier (Pháp).

– Lê Thương 26 tuổi, đang hát phụ diễn cho những buổi diễn kịch nói của nhóm kịch Thế Lữ tại Hải Phòng trước khi vào Sài Gòn lập nghiệp.

– Văn Chung 26 tuổi, đang nổi danh với ca khúc “Bóng ai qua thềm”.

– Kim Định 25 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp môn Triết học tại Giáo hoàng Chủng viện Thánh Albertô Cả tại thành phố Nam Định và sắp được thụ phong linh mục, trước khi sang Pháp học Triết học tại Học viện Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris), và Nho học tại Học viện Trung Hoa Paris (Institut des Hautes Études Chinoises).

– Dương Thiệu Tước 25 tuổi, đang hoạt động nghệ thuật với nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa lưu ly) gồm Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh…

– Dương Văn Minh 24 tuổi, vừa theo học khóa một tại trường Sĩ quan Thủ Dầu Một.

– Phạm Huy Thông 24 tuổi, đang chuẩn bị cho kỳ thi lấy bằng Tiến sĩ Luật và Thạc sĩ Sử-Địa tại Paris.

– Thụy An 24 tuổi, vừa kết hôn với nhà giáo Bùi Nhung (em trai học giả Bùi Kỷ).

– Vũ Hoàng Chương 24 tuổi, đang là Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm, trước khi bước vào thời kỳ sáng tác thơ-kịch.
Một góc Sài Gòn xưa (Historic Vietnam)

– Xuân Diệu 24 tuổi, vừa vào Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) làm tham tá thương chánh, trước khi ra lại Hà Nội để sống bằng nghề viết văn.

– Hữu Loan 24 tuổi, vừa tham gia phong trào Việt Minh tại Thanh Hóa.

– Nam Cao 23 tuổi, đang chữa morat cho bản in thử của tập truyện ngắn “Đôi lứa xứng đôi”.

– Trần Đức Thảo 23 tuổi, đang chuẩn bị bước vào chương trình Cao học Triết tại Trường Sư phạm phố Ulm (Paris).

– Vũ Khắc Khoan 23 tuổi, vừa tốt nghiệp kỹ sư canh nông trước khi chuyển sang văn học và lịch sử, dạy học ở trường trung học Chu Văn An (Hà Nội).

– Đỗ Mậu 23 tuổi, đang phục vụ tại Tòa Khâm sứ Pháp ở Huế.

– Nguyên Hồng 22 tuổi, vừa bị thực dân Pháp bắt đi đày tại Hà Giang.

– Nguyễn Bính 22 tuổi, bắt đầu nổi tiếng sau khi được giải Khuyến khích của Tự lực Văn đoàn dành cho tập thơ “Tâm hồn tôi”.

– Đặng Thế Phong 22 tuổi, vừa sáng tác ca khúc “Đêm thu” với những lời mở đầu bất hủ: “Vườn khuya trăng rãi hoa đứng im như mắt buồn; Lòng ta xao xuyến lắng nghe lời hoa; Cánh hoa vương buồn trong gió; Ánh hương yêu nhẹ nhàng say, gió lay…”

– Nguyễn Văn Thương 21 tuổi, đang nổi danh với bài hát “Đêm đông”, được ông sáng tác trong đêm Giao thừa năm 1939, khi ông đi lang thang trên những con phố của Hà Nội vì không có tiền để về Huế.

– Huy Cận 21 tuổi, đang học năm cuối trường Cao đẳng Canh nông và ở cùng Xuân Diệu trong một căn nhà trên phố Hàng Than (Hà Nội).

– Nguyễn Đình Đầu 20 tuổi, đang tham gia hướng đạo sinh với Hoàng Đạo Thúy ở Hà Nội.

– Chế Lan Viên 20 tuổi, đang nổi như cồn với tập thơ “Điêu tàn” xuất bản trước đó ba năm.

– Đinh Hùng 20 tuổi, đang ôm mộng văn chương tại Hà Nội, chuẩn bị xuất bản tập văn xuôi “Đám ma tôi”, và đăng các bài thơ mới sáng tác trên tờ “Hà Nội tân văn” của Vũ Ngọc Phan ba năm sau đó.

– Nguyễn Mạnh Côn 20 tuổi, bắt đầu cộng tác với báo Đông Pháp.

– Tô Hoài 20 tuổi, đang sửa bản thảo tác phẩm “Con dế mèn”.

– Kim Lân 20 tuổi, đang chập chững bước vào làng Văn với những truyện ngắn đầu tiên.

– Bùi Xuân Phái 20 tuổi, đang chuẩn bị thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

– Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, 20 tuổi, lập đạo Hoà Hảo được một năm, tháng 8-1940 bị thực dân Pháp quản thúc tại Sa Đéc.

– Lý Đông A, 19 tuổi, làm ủy viên chính trị cho Phục quốc quân, cánh quân sự của Việt Nam Quang phục Hội, chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Lạng Sơn. Khởi nghĩa thất bại, Lý Đông A chạy thoát sang Trung Quốc.

– Cao Văn Viên 19 tuổi, đang học Trung học theo giáo trình Pháp tại thủ đô Vientiane (Lào).

– Phạm Duy 19 tuổi, đang theo học dự thính hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học thầy Tô Ngọc Vân, cùng lớp với Bùi Xuân Phái, Võ Lăng,… một thời gian trước khi đi làm tự do và tự học nhạc cổ điển, tập sáng tác.

– Thích Thiện Siêu 19 tuổi, đang học Chương trình Phật học Trung cấp tại chùa Trúc Lâm (Huế).

– Thích Thiện Minh 19 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp trường An Nam Phật học do hòa thượng Mật Khế thành lập năm 1934.

– Nguyễn Tư Nghiêm 18 tuổi, đang chuẩn bị thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

– Đỗ Nhuận 18 tuổi, đang bắt đầu sáng tác vở ca cảnh “Nguyễn Trãi – Phi Khanh”.

– Hoàng Cầm 18 tuổi, chập chững bước vào làng Văn với việc dịch sách cho NXB Tân Dân của Vũ Đình Long.

– Thích Trí Quang 17 tuổi, đang theo học chương trình đào tạo tăng sĩ ở Huế.

– Nguyễn Văn Thiệu 17 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp trường dòng Công giáo Pellerin tại Huế trước khi trở về quê Ninh Thuận làm nông cùng với gia đình và chờ thời.

Bưu Điện Hà Nội xưa (VietnamPlus)

– Trần Độ 17 tuổi, vừa gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

– Văn Cao 17 tuổi, đang trên đường rời Huế vào miền Nam sau khi viết xong bài thơ đầu tay: “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” với câu kết bất hủ: “Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”.

– Nguyễn Sáng 17 tuổi, đang theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

– Tô Vũ 17 tuổi, đang hoạt động âm nhạc trong Nhóm nhạc Đồng Vọng, cùng với Hoàng Quý, Phạm Ngữ, Canh Thân, Văn Cao.

– Thích Nhất Hạnh 14 tuổi, chuẩn bị xuất gia tại chùa Từ Hiếu (Huế).

– Trần Dần 14 tuổi, đang học bậc Thành chung ở Nam Định và chuẩn bị lên Hà Nội học Tú tài Triết.

– Mai Thảo 13 tuổi, đang học Trung học tại Nam Định.

– Phạm Đình Chương 11 tuổi, đang học Trung học tại Trường Bưởi (Hà Nội).

90% dân số của khoảng 20 triệu người Việt đang bị mù chữ.

Nancy Quách chuyển 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire