CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CHUYẾN ĐI
Ý NGHĨA MÙA CHAY
CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CHUYẾN ĐI
Có thể nói cuôc đời chúng ta là một chuyến đi. Càng đi, ta lại càng thêm dẻo dai. Như một lực sĩ, càng chạy, ta càng mềm dẻo để có thể dấn thân vào một chuyến đi mới, vào những cuộc chiến đấu mới. Thế nhưng, có khi càng đi, người ta lại càng thêm khô cứng hơn!
Nhìn vào lịch sử cứu độ, lịch sử của Dân Chúa, ta thấy Thiên Chúa đã chọn Abraham, một người sống đức tin, nhưng cũng là một người du mục, có khả năng di chuyển bằng đôi chân. Khi bước sang Lịch sử dân Tân Ước, chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn Đức Maria là một người sống đức tin sâu xa: bởi vì tin, Đức Maria đã đi vào những tình thế phức tạp của đức tin; còn nếu không tin, hẳn là Mẹ đã chẳng phải di chuyển. Quả thật, tất cả những ai tin Thiên Chúa đều phải di chuyển bằng đầu óc, và phải diễn tả việc di chuyển bằng đầu óc ấy ra bằng đôi chân. Như vậy, nhìn vào lịch sử Dân Chúa, chúng ta thấy rõ ràng: Đây là một chuyến đi dài. Mục đích của chuyến đi ấy là để đến cuối chặng đường, những con người đã di chuyển trở thành hoàn toàn tự do, hoàn toàn thuộc về Chúa. Thuộc về Thiên Chúa để được tự do hay được tự do để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa: hai điều này không mâu thuẫn với nhau.
Chúng ta cũng có thể ghi nhận: Mùa Chay đã được Giáo Hội bố trí để chúng ta có thể tập sống cuộc đời chúng ta như thể là một chuyến đi dài, để sau Mùa Chay, chúng ta trở thành những con người hoàn toàn thuộc về Chúa để được tự do, hay là hoàn toàn tự do để trọn vẹn thuộc về Chúa.
1.- Ý nghĩa của con số 40 của Mùa Chay
Mùa Chay bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kéo dài suốt 40 ngày, lại thêm Tuần Thánh với Tam Nhật Vượt Qua rồi mới kết thúc, trọn vẹn 40 ngày không bớt đi một ngày nào, chứ không như Mùa Vọng, đã ngắn lại còn bị xén bớt, có khi cả tuần lễ. Hơn nữa, Mùa Vọng là một mùa thi vị tuyệt vời: Mùa của hang đá, mùa của những dây kim tuyến, những cây Noel, của âm nhạc làm cho lòng người thơ thới. Còn Mùa Chay là một mùa nặng nề, lại dài, không được xén bớt đi bất cứ ngày nào. Trọn vẹn 40 ngày: 4 tuần + Tuần Chịu nạn + Tuần Thánh, mãi đến đêm vọng Phục Sinh mới kể là hết Mùa Chay.
Tại sao Giáo Hội lại bố trí như thế? Chúng ta có thể coi Mùa Chay và Mùa Phục Sinh là hai triền của một quả núi: Mùa Chay chính là một cái triền núi bên này, với đỉnh cao là Tam Nhật thánh. Từ cao điểm ấy, ta đi xuống triền núi bên kia, đó là Mùa Phục Sinh: 40 ngày nếu tính đến Lễ Thăng Thiên, hoặc 50 ngày nếu tính đến Lễ Chúa Thánh Thần hiên xuống. Do đó, về thời gian vật lý, có một sự tương ứng giữa Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Giáo Hội cũng cố tình bố trí như vậy để giúp chúng ta sống được một mục tiêu. Và nếu Mùa Chay qua đi mà chúng ta không đạt được mục tiêu ấy, mà chúng ta chỉ sống những chuyện “thánh thiện” thôi thì thật là đáng tiếc (“thánh thiện” ở đây hiểu là những chuyện đạo đức mà chỉ có hình thức bề ngoài như ăn uống kham khổ, cầu nguyện lâu giờ…). Vậy Giáo Hội nhắm gì khi bố trí Mùa Chay và Mùa Phục sinh như vậy?
Mùa Chay và cả Mùa Phục Sinh tập trung vào con số 40, một con số biểu tượng của Kinh Thánh. Nhìn chung, kết quả của con số 40 luôn luôn là một kết quả tích cực, luôn luôn đưa đến một cái gì có giá trị. Không bao giờ đến cuối con số 40 mà lại là một kết quả tiêu cực, trái lại luôn luôn là kết quả tốt đẹp, có sức sống hơn. Chúng ta nhìn lại, nhiều Mùa Chay đã qua đi trong cuộc đời chúng ta, sau mỗi Mùa Chay ấy, chúng ta đã đạt được cái gì? Phải chăng sau những Mùa Chay ấy, chúng ta đạt được nhiều thành tích về ăn chay hãm mình quá, “lỉnh kỉnh” trên lưng chúng ta nhiều thành tích quá? Do đó, thay vì sau Mùa Chay, ta nhẹ nhàng hơn, tự do hơn để đi nhanh hơn, đi khéo hơn, đi gọn gàng hơn trước, chúng ta lại nặng nề hơn với những hành lý, những trang điểm! Đó cũng là cái kết quả của Mùa Chay, nhưng lại là kết quả lộn ngược!
Vậy trong Kinh Thánh, con số 40 có giá trị gì?
Trước hết, chúng ta đọc lại St 7: Sau 40 ngày Lụt hồng thuỷ, xuất hiện một nhân loại mới, được tượng trưng bằng gia đình Noê. Như vậy, sau 40 ngày, xuất hiện một nhân loại mới, một nhân loại tin vào Chúa.
Sau 40 ngày đêm ở trên núi cầu nguyện (Xh 24,18), Môsê đã nhận được Luật của Dân mới. Sau đó xảy ra cuộc khủng hoảng con bê vàng, Môsê đã đập vỡ hai bia đá Giao Ước: bởi vì ông thấy dân phá Giao Ước rồi, nên ông thay mặt Đức Chúa phá vỡ Giao Ước. Sau đó, sau cuộc thương thảo giữa ông với Đức Chúa, Đức Chúa đã quyết định tha cho dân, Môsê lại lên núi 40 ngày đêm cầu nguyện nữa (Xh 34,28) để rồi ông lại nhận được lần thứ hai Luật của Dân mới. Sau 40 ngày lên cầu nguyện trên núi Sinai, Môsê nhận được một kết quả tốt. Đó là Luật mới cho Dân mới.
Sau đó, đã xảy ra một loạt những sợ hãi của những người đã khôn lớn khi ra khỏi Ai Cập. Họ là những người đã có kinh nghiệm về kiếp sống nô lệ, nên có một ý chí bạc nhược. Khi thấy sắp phải đối diện với một cuộc chiến cam go, họ đã không chịu nổi, họ đã nổi loạn và phản đối kế hoạch đánh chiếm Giêrikhô. Và thế là Chúa quyết định: Tất cả những kẻ đã khôn lớn rồi mới rời khỏi Ai Cập đều không được vào Đất Hứa. Và như thế, những kẻ được vào Đất Hứa vẫn là đoàn dân Do Thái, nhưng không phải là những kẻ đã lớn khi rời khỏi Ai Cập, những kẻ có ý chí bạc nhược do kinh nghiệm nô lệ. Vậy Thiên Chúa đã dùng một thời gian dài 40 năm để cho đoàn dân này được lột xác, lột chí… để đến khi vào Đất Hứa vẫn là đoàn dân Do Thái đó, nhưng là đoàn dân mới. Đoàn dân này bao gồm những người còn nhỏ khi rời khỏi Ai Cập hay là những người đã chào đời trong sa mạc. Họ không có tinh thần của kẻ nô lệ, họ là những con người có chí khí (x. Ds 14,22-23). Như thế, chúng ta thấy, sau 40 ngày, sau 40 đêm, sau 40 năm, kết quả đạt được là sự tự do, hăng hái, nhiệt thành…
Sang thời các ngôn sứ, chúng ta gặp Êlia chẳng hạn. Ông là một người chí khí, dám một mình đương đầu với 250 sư sãi của thần Baal: ông đã thách đấu với họ, xem thần của bên nào cho lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ thì đó thực sự là “Đức Chúa / Chúa Tể”. Sau khi đã thành công trong việc cầu khẩn Thiên Chúa nhận của lễ và khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ, ông đã được dân chúng tung hô, ông đã xúi giục dân chúng giết hết các sư sãi của Baal. Liền sau đó, ông đã bị nữ hoàng Idêven tróc nã. Ông sợ quá, mất tinh thần, chạy trốn vào trong sa mạc. Đến bìa sa mạc, ông kiệt sức và nằm xuống nói dỗi với Chúa: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1 V 19,4). Ông giận dỗi và lăn ra ngủ. Một thiên thần đến đánh thức dậy, đem đến cho ông một vò nước và một miếng bánh to. Ông ăn no, vẫn chưa đủ sức, ông lại lăn ra ngủ tiếp. Sau đó, lại một lần ăn và uống thứ hai nữa, rồi ông đi 40 đêm ngày trong sa mạc đến núi Khôrép. Ông thực hiện lại ở dạng “mini” cuộc hành trình của Dân Chúa: Dân Chúa xưa đi từ Sinai vào Đất Hứa, thì giờ đây, ông đi từ Đất Hứa ngược trở lại núi Khôrép. Tại đó, ông đã gặp Thiên Chúa, ông than thở: “Chỉ còn sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng sống con” (1 V 19,10; 2 lần: x. thêm c. 14). Thiên Chúa giao sứ mạng cho ông như muốn bảo ông: có gì đâu mà phải than thở, ở trong dân Israel còn bảy ngàn người trung thành với Ta. Ông cứ tưởng chỉ có một mình ông trung thành với Thiên Chúa, rồi ông đến đây để nói lẫy với Người, để kể lể công trạng. Thiên Chúa cho biết còn nhiều người trung thành với Người, chỉ có điều là họ không “to mồm” như ông thôi! Và bây giờ, Thiên Chúa gửi ông trở về tiếp tục làm việc: Chọn Êlisa làm ngôn sứ thay ngươi và chọn Giêhu làm vua Israel, ngươi hãy xức dầu cho họ... Sau những ngày lên gặp Đức Chúa, ông lại có sức để về lại làm việc cho đến ngày ông được lên trời trên một chiếc xe bằng lửa.
Như thế, cái kết quả của cuộc hành trình 40 ngày đêm của Êlia vẫn là một kết quả tốt.
Chúng ta có thể nghĩ đến truyện ngôn sứ Giôna giảng cho dân Ninivê: 40 ngày nữa, Thiên Chúa sẽ thiêu hủy thành. Vị ngôn sứ đã hiểu sai sứ điệp Kinh Thánh, nên mới ra ngoài thành ngồi chờ xem Thiên Chúa hủy diệt Ninivê, như xem phim vậy! Làm sao có thể như thế được sau con số 40?
Sang đến thời Tân Ước, chúng ta thấy, sau 40 ngày đêm ăn chay, thì Đức Giêsu ra đi để chu toàn sứ mạng cứu thế. Như vậy, 40 ngày đêm ăn chay và cầu nguyện là để sẵn sàng ra đi thi hành sứ mạng, chứ không phải để tích luỹ công đức. Ăn chay và cầu nguyện … hay bất cứ việc đạo đức nào đi nữa chỉ là để sẵn sàng đi thi hành sứ mạng thôi.
Sách Cv 1,3 cũng cho ta biết: Sau khi sống lại, Đức Giêsu đã chuẩn bị cho nhóm các tông đồ trở thành Hội Thánh. Và để trở thành Hội Thánh, cần có một yếu tố quan trọng, đó là Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đức Giêsu đã dạy dỗ và chuẩn bị cho các tông đồ có thể đón nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần sau đó. Như vậy, sau 40 ngày các tông đồ sẵn sàng để trở thành Hội Thánh và với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh ấy đã sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem.
Qua tất cả những minh hoạ trên, chúng ta thấy con số 40 là con số đưa đến một kết quả tốt. Sau con số 40 bao giờ cũng là một kết quả tích cực. Sau con số 40 người ta trở thành tự do hơn, trở thành thanh thoát hơn, người ta thuộc về Chúa trọn vẹn hơn. Dưới ánh sáng của con số 40, chúng ta ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Đó là ba việc đạo đức thiết trong truyền thống của Do Thái giáo. Ăn chay, cầu nguyện, bố thí là để làm gì? Bố thí, cầu nguyện và ăn chay không phải là để tích luỹ công đức. Đọc lại Tin Mừng Mt 6, ta thấy: Cứ sống như thế, bởi vì anh em là con cái của Cha trên trời. Còn Cha anh em, Đấng thấu suốt cả nơi kín ẩn sẽ “trả lại” cho anh em (Mt không nói là sẽ “trả công” hay “ban thưởng”, mà là “trả lại”: Mt 6,4.6.18). Đức Giêsu muốn nói là anh em hãy sống hết lòng như là con cái đối với Cha trên trời; còn Thiên Chúa, là Cha trên trời, sẽ đáp lại, đối xử hết lòng với anh em như một người Cha đối xử với con. Như thế, con sống hết mình cho Cha; Cha sẽ sống hết mình cho con. Vậy, ăn chay, cầu nguyện và bố thí là để trở thành con, trở thành thuộc về Thiên Chúa hơn, trở thành tự do hơn (tự do với tất cả, kể cả với những điều ta cho là công đức… ). Nhiều người ăn chay, cầu nguyện, bố thí nhắm đến lập công đức đối với Chúa. Thật tai hại! Nhiều người đã khổ vì công đức và còn có những người làm khổ người khác vì công đức của mình. Vì những người nghĩ là mình đầy công đức thì cho rằng mình là “ông thánh”, mình có quyền dạy dỗ người khác. Tôi nhiều công đức rồi, tôi hơn hẳn anh! Trong khi đó, mục đích của Mùa Chay, mùa ăn chay, cầu nguyện, bố thí, là nhắm giúp chúng ta thoát khỏi mọi ràng buộc, giúp chúng ta biết làm chủ bản thân, để tự do hơn, để trắng tay, để nhẹ nhàng mà sống đúng tư cách người con Chúa. Nếu không trắng tay, không nhẹ nhàng, ta không thể theo Chúa cách dễ dàng được.
2.- Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng
Vậy ăn chay là để làm gì? Giáo Hội bảo chúng ta ăn chay không phải để lấy công đức, mà là để tập luyện. Đây là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Ăn chay là một cách tập luyện chiến đấu thiêng liêng, bởi vì chúng ta phải chiến đấu thiêng liêng với ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt. Ba thù này vẫn luôn tồn tại và có vẻ càng ngày càng mạnh mẽ. Khi đã xác định được như vậy rồi, ta sẽ ít quan tâm đến việc ăn chay và lo phải ăn uống như thế nào. Có người cứ lo nghĩ phải ăn chay như thế này thế nọ để khỏi phạm tội không ăn chay. Lúc ấy, người đó chỉ lo đến hình thức chứ không có một chút tinh thần nào của việc ăn chay (ví dụ: sáng ăn ít, trưa ăn no, tối ăn nửa tiêu chuẩn… Ăn chay thì có ăn được … hột vịt lộn không?!) Theo đúng ý nghĩa của việc ăn chay thì: ăn chay là một cách sống “khổ chế”, tức là “luyện tập” (vì “khổ chế”, tiếng Pháp là “ascèse”, do tiếng Hy Lạp “askêsis”, có nghĩa là “luyện tập”). Nếu luyện tập mà không đạt được thành tích trong thi đấu, chẳng hạn nếu luyện tập về trí tuệ học tập) mà không đạt được kết quả trong thi cử thì việc luyện tập chỉ là số không. Công trạng không nằm ở chỗ luyện tập mà là ở cái kết quả đạt được sau khi luyện tập. Như vậy Mùa Chay là mùa để thực hành việc luyện tập (askêsis, ascèse) thân xác và tinh thần, để đạt được kết quả như mong muốn. Sau 40 ngày Mùa Chay để thực hành khổ chế, sau đó phải đạt được một kết quả tốt. Nếu không, tất cả việc luyện tập của ta đều là vô ích. Mà nếu đã là luyện tập, thì mục đích là để khi ra khỏi Mùa Chay, ta cứ thế mà thực hành, chứ không phải là tập rồi sau đó lại bỏ. Có những người hăng hái lắm, thấy tập thể dục buổi sáng là hay, nên có buổi sáng chạy suốt cả nửa giờ rồi sau đó lại bỏ cả tháng; thế rồi sau đó lại tập được một lần rồi lại bỏ luôn mấy tháng. Luyện tập như thế thì không tiến bộ gì! Về việc luyện tập và chiến đấu thiêng liêng cũng vậy, sau 40 ngày Mùa Chay, chúng ta được nên dẻo dai hơn, nhanh nhẹn hơn và bền bỉ hơn, ta sẽ cứ giữ thói quen luyện tập mỗi ngày, để vẫn có đủ sức mà chiến đấu và chiến thắng “ba thù” bất kỳ lúc nào. Đó mới đúng là sống Mùa Chay, chứ không phải là hết 40 ngày chay rồi là ta đã có thể thở phào, vì từ hôm nay trở đi, hết Mùa Chay rồi, ta lại sống thoải mái trở lại như chưa từng có gì xảy ra! Giáo Hội cho chúng ta có giai đoạn tập luyện để chúng ta biết cách mà tự tập luyện.
Như vậy chúng ta có thể kết luận rằng: Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng để rồi chúng ta lại tiếp tục tập luyện và chiến đấu. Nói theo tu đức học, ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt; nhưng kẻ thù chính yếu và nguy hiểm nhất không phải là ma quỷ, cũng không phải là thế gian mà là xác thịt (xác thịt ở đây phải hiểu là bản thân ta). Bởi vì nếu ta có thể làm chủ bản thân ta, làm chủ được xác thịt ta thì hai kẻ thù kia không có thể xâm nhập được. Nhiều khi người ta cứ đổ cho ma quỷ mọi thứ tội trên trần gian này (hễ làm điều gì sai trái là lại bảo: tại ma quỷ nó cám dỗ con!). Đúng rồi! Dĩ nhiên đó là những trò của ma quỷ. Nhưng cái đáng trách ấy là chuyện anh đã bắt tay với ma quỷ, thậm chí là anh còn mở rộng cửa ra mời nó vào nữa.
Như vậy, Mùa Chay, là mùa tập luyện, là thời gian để chúng ta biết đâu là thế mạnh, thế yếu của chúng ta. Biết thế yếu để ta cố gắng sửa chữa, khắc phục, và biết những thế mạnh để ta phát huy mà làm điểm tựa cho mình dấn thân trong tương lai. Vì mỗi người chúng ta không có những thế mạnh cũng như không có những thế yếu giống nhau: đối với những người này thì chuyện ngủ nghỉ, ăn uống là chuyện chẳng đáng phải quan tâm, nhưng đối với những người khác thì đây lại là vấn đề rất quan trọng; chuyện tiền bạc danh tiếng chẳng có gì quan trọng đối với người này, nhưng nó lại rất quan trọng đối với người anh em chị em khác... Mỗi người có những mối quan tâm khác nhau. Mỗi người phải biết lấy chính mình. Mùa Chay chính là mùa tập luyện để biết là mình mạnh hay yếu ở điểm nào. Cái hay của một nhà huấn luyện viên là ông biết quan sát và nhận ra những điểm mạnh cũng như điểm yếu của từng vận động viên và cũng biết cách giúp người ấy khắc phục nhược điểm đó và phát huy các điểm mạnh. Đây chính là vai trò của cha linh hướng. Nếu không có cha linh hướng thì ta phải ý thức rằng cần phải có Ecclesia supplet Giáo Hội thay thế) hay nói môt cách mạnh hơn, là Spiritus supplet Chúa Thánh Thần thay thế): Chúa Thánh Thần sẽ linh hướng cho anh em, làm công việc linh hướng cho anh em. Như trường hợp thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, ngài không có linh hướng; ngài nói: Chúa Kitô chính là vị linh hướng của ngài. Dĩ nhiên, chúng ta cần có vị linh hướng thực thụ vì Chúa không dùng phương thế siêu nhiên để thay thế tự nhiên khi có thể có; nhưng nếu hoàn cảnh không cho phép, thì có thể nói được rằng Chúa Thánh Thần sẽ thay thế. Điều quan trọng là chúng ta có chịu hỏi Chúa Thánh Thần không? Và rồi có lắng nghe Ngài hướng dẫn không? Để biết chỗ đó là chỗ yếu đó con, con phải sửa! Và chỗ đó là chỗ mạnh đó con, cố gắng mà phát huy!
Cầu chúc anh chị em đi vào Mùa Chay và sống Mùa Chay thật sự trọn vẹn để sau đó, mình trở thành con người tự do và thuộc về Chúa, và càng thuộc về Chúa thì càng được tự do và thanh thoát với xác thịt, thế gian và ma quỷ, và nhất là để chúng ta có thể hỗ trợ người khác trong nỗ lực trở nên người thuộc về Chúa, tự do và thuộc về Chúa trọn vẹn.
3.- Kết luận: Một con người thanh thoát để yêu thương và được yêu thương
Điều cần cảnh giác là: Chúng ta thích an toạ trên một số xác quyết của chúng ta. An toạ tức là ta tự cho là mình đã có một số vốn liếng về suy tư, về thần học tu đức, về thần học tín lý, về thần học Kinh Thánh, và ta biến tất cả những thứ đó như một “cái nệm” và ta “ngự” trên đó, không phải lo lắng, không phải di chuyển gì: “Đừng có ai động đến tôi nhé, động đến tôi là có chuyện ngay đấy!”. Có một số những người bị đông cứng trong một số những ước lệ. Đông cứng nghĩa là đã quy định với nhau như vậy rồi là cứng ngắc luôn. Thực ra, đó chỉ là những ước lệ thôi, mà đã là ước lệ, nghĩa là do mình bày ra, đặt ra, thì mình có thể sửa lại được. Vậy thì làm gì mà phải đông cứng như thế, không thể điều chỉnh gì được?
Tôi xin đưa ra cho anh chị em một hình ảnh thật méo mó để dẫn đến một kết luận sống: Arthur Schopenhauer (1788-1860), triết gia người Đức, đã ví loài người với một đoàn nhím. Về mùa đông giá rét, các con nhím xích lại gần nhau để sưởi ấm, thì chúng lại đâm lông sắc nhọn vào nhau, thế là chúng lại bật ra. Nhưng như thế chúng lại rét. Chúng lại xích lại gần nhau và chúng lại đâm nhau, chúng lại bị bật ra khỏi nhau. Chúng cứ vào ra, vào ra đến khi nào chúng căn được khoảng cách vừa đủ để ấm và không đâm vào nhau thì mới yên. Schopenhauer bảo: Đó, loài người là như thế; họ tạo ra những thoả hiệp để sống với nhau.
Áp dụng vào đời tu của chúng ta, tôi thấy có những người, sau một thời gian tu, lẽ ra các “lông nhím” phải ngắn đi, nhưng khổ một nỗi, chúng lại dài ra, và đâm vào người ta, làm người ta cứ phải xích ra xa mình. Và khi người ta xa mình, thì lại bảo: anh em, chị em khinh bỉ tôi, xa lánh tôi… Nhưng có biết đâu rằng đó chính là tại mình. Vậy lý tưởng của đời tu là làm sao để cho những cái “lông nhím” càng ngày càng ngắn đi và bớt nhọn đi, để mọi người, nhất là anh chị em mình, có thể đến gần chúng ta và nhận được từ ta và ta nhận được từ họ, cái hơi ấm để sưởi ấm lòng chúng ta trong cái tiết đông giá rét của cuộc đời.
Nếu đã sống một Mùa Chay tốt, chúng ta trở thành một con người thanh thoát để yêu thương và được yêu thương.
FX Vũ Phan Long, ofm
T.Anh chuyển
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire