mardi 29 novembre 2016

Đời sống người Cuba dưới thời Fidel Castro

Đời sống người Cuba dưới thời Fidel Castro

Quang cảnh đường phố và cuộc sống của người dân Cuba hiện ra đơn sơ yên bình, qua những bức hình của nhiếp ảnh gia Mỹ David Alan Harvey, trong chuyến đi hiếm hoi tới đất nước này năm 1998.
Sóng đánh vào đại lộ ven biển Malecón ở thủ đô Havana trong bão năm 1998 nhưng không ngăn được những chiếc xe 3 bánh và xe hơi cổ xuất xứ Mỹ tiếp tục di chuyển trên đường.
Giống như những chiếc xế cổ nổi tiếng, đê biển ở thành phố này, do các kỹ sư thuộc quân đội Mỹ xây dựng, là dấu tích của một thời đã qua.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Harvey, nhiếp ảnh gia của tờ National Geographic, kể lại ấn tượng của ông về quốc đảo ở Caribbean năm đó: "Có một điều thực sự cần làm rõ là không có cảnh nghèo đói xác xơ ở Cuba. Bạn sẽ không thấy những người nằm ngủ trên đường phố hay trẻ em suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, họ không có nhiều của cải và vẫn còn nhiều thứ bất tiện. Xếp hàng là những gì bạn phải làm ở Cuba để có mọi thứ". 
Đây là cảnh tượng thường thấy ở Havana hay bất kỳ nơi nào khác ở Cuba, ông Harvey cho hay.
"Nhiều người Cuba không có gì làm vì họ không có tài sản gì hay được tiếp cận các hoạt động giải trí như một số người khác", ông nói thêm. "Tuy nhiên, phẩm chất mà họ có là khả năng tạo ra những thứ từ con số không và luôn giữ khả năng đó trong mọi việc mà họ làm".
Ông Juan Gomez, một nông dân trồng thuốc lá, đang quấn xì gà Cuba theo phương pháp cũ. Giống như những nông dân khác, ông tự trồng thuốc lá và bán cho nhà nước, đơn vị thu mua độc quyền. Xì gà Cuba được xếp vào hạng ngon nhất thế giới và được những người sành sỏi đánh giá cao. 
Trẻ em Cuba bày tỏ lòng tôn kính với một biểu tượng quá khứ của đất nước, nhà lãnh đạo cách mạng Che Guevara. 
"Đó là vào dịp sinh nhật Che Guevara và tất cả bọn trẻ đều cầm những bức ảnh này của ông ấy", ông Harvey kể.
"Trẻ em Cuba chơi bóng chày ở bất kỳ đâu", nhiếp ảnh gia cho hay. Bọn trẻ thậm chí dùng gậy và dùng những cuộn bằng keo làm bóng. Niềm đam mê với bóng chày ăn sâu vào xã hội Cuba.
 
Những người nông dân trồng thuốc lá sửa chữa một hàng rào gần thị trấn Manicaragua. Hầu hết người Cuba lúc đó sống bằng khẩu phần thực phẩm được chia nhưng người dân vùng nông thôn như những nông dân này còn được hưởng lợi từ những khu vườn riêng của họ.
Một buổi tập duyệt điệu nhảy truyền thống ở thị trấn Trinidad, miền trung Cuba. Trinidad, thị trấn nổi tiếng với ngành mía đường, là cái nôi văn hóa của Cuba. Điệu nhảy này cũng vô cùng phổ biến trên cả nước.
Nhà thờ cổ nhất ở Trinidad, Nuestra Seqora de la Candelaria de la Popa, được xây dựng vào đầu thế kỷ 18.
Dù hiện nay chỉ còn là một đống đổ nát cần được khôi phục, công trình vẫn gợi nhắc về những di sản phong phú mà thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha để lại ở thành phố này.
 
Ông Fidel Castro trong một sự kiện ở Havana. Ông lãnh đạo Cuba suốt 5 thập kỷ, cho đến 2006 thì rút lui vì lý do sức khỏe và chính thức chuyển giao quyền lực cho em trai Raul Castro vào năm 2008.
Từ khi nghỉ hưu, ông ít xuất hiện trước công chúng.
Hôm 25/11, ông qua đời ở tuổi 90.
Anh Ngọc (Ảnh: David Alan Harvey)

lundi 28 novembre 2016

BĂNG QUA BÓNG TỐI

BĂNG QUA BÓNG TỐI
(Ơn gọi của một linh mục bị mù)


                            ĐGM Hải Phòng và cha Dương trong Đại hội giới trẻ


Hồi tưởng lại khoảng thời gian khi đôi mắt vừa mất đi ánh sáng, linh mục Phêrô Phạm Văn Dương, dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời chỉ nhẹ tênh: “Quãng đó mình cũng bí thật, không đi lại, không ra ngoài được, làm gì cũng không xong. Người bạn duy nhất chính là chiếc radio... Nhưng mình vượt qua rất nhanh vì nghĩ không có nhiều thì giờ nên không thể dừng lại quá lâu. Trong bóng tối vẫn phải tiếp tục bước đi”.
Đường dài gian nan
- Ơn gọi đến với cha Dương bắt đầu từ năm 2001, lúc cha còn là sinh viên và tình nguyện sang Nga phục vụ cho giáo xứ có cộng đoàn người Việt. Giáo xứ này do các linh mục dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời coi sóc nằm ở Mátxcơva. Làm việc trong môi trường mới thuộc miền ôn đới, người tu sĩ trẻ không hay mình đã bị một loại virus cực hiếm âm thầm tấn công vào mô thần kinh mắt, khiến thị giác lúc mờ lúc tỏ. Tuy nhiên lúc ấy do chủ quan, cha nghĩ chắc không sao nên vẫn cứ hăng say làm việc. Tháng 5.2002, cha chuyển sang Pháp để tiếp tục hành trình ơn gọi. Thời gian này, vị tu sĩ nhận được chẩn đoán chính xác của các bác sĩ tại bệnh viện và bắt đầu điều trị mắt. Vừa đi học, cha vừa phải huy động sức mạnh tinh thần để chữa bệnh. Ba lần được mổ mắt không thành công, cha vẫn chưa thôi ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó đôi mắt mình sẽ bình thường trở lại. Thế nhưng đến lần mổ thứ tư thì đôi mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Dù có sự chuẩn bị từ trước nhưng đối với một người trước nay sáng mắt, giờ bỗng không thấy gì thì quả thật vô cùng khó khăn. Cha xin vào học ở một trung tâm phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị ở ngoại ô Paris. Thế giới đầy sắc màu bên ngoài tưởng chừng đã khép lại hoàn toàn thì nay bỗng dưng biến đổi, trở nên diệu kỳ hơn bởi được cảm nhận một cách mộc mạc nhất từ con tim. Học ở đây, người tu sĩ biết được nhiều cảnh đời, có thêm bạn bè từ những tôn giáo khác cũng như chứng kiến nhiều mối tình cảm động. Ông nhận ra trong thế giới người mù có rất nhiều điều để khám phá, cũng phong phú sinh động và tươi đẹp lạ thường, để rồi bắt đầu các bài học cơ bản như di chuyển, cầm gậy, đi tàu điện, nấu ăn, giặt, ủi đồ... rồi đến học chữ nổi, tập dùng máy vi tính. Trải qua 5 tháng cố gắng, cha Dương hoàn thành tốt các bài học và có thể sống tự lập được. Khi khóa phục hồi chức năng kết thúc, cha vào Đại chủng viện Xuân Bích (Paris) tiếp tục 6 năm Triết và Thần học, rồi sau đó học chuyên về Thần học ở trường Đại học Công giáo Paris.

Nhớ lại suốt những năm học ấy, cha cho biết mình đã phải luôn cố gắng gấp đôi so với người bình thường vì trong lớp chỉ có mình cha là người khiếm thị. Từ nhà dòng đến chủng viện nếu người sáng chỉ mất 30 phút thì cha mất khoảng 45 phút di chuyển; đi tàu cũng phải cẩn thận dò bản đồ chữ nổi và chú ý đếm số ga đã đi qua để canh chừng mà xuống. Những bài vở mà các giáo sư đưa ra, cha đều phải chuyển sang chữ nổi hoặc đưa vào scan trên máy tính. Việc lật giở các trang sách chữ nổi cũng khá chật vật mới theo được các bạn trong lớp. Tuy vậy, nhờ có trí nhớ tốt, cha nắm bài cũng như ghi chép rất trôi chảy, vì thế môn nào cũng được xếp thứ hạng cao. Đối với một người khỏe mạnh thì việc học xong rồi chịu chức linh mục là một điều không khó. Thế nhưng với cha Dương thì đoạn đường này cũng đầy thử thách, song bằng niềm tin và nỗ lực, cha đã không chỉ hoàn thành chương trình học mà còn chứng tỏ được ơn gọi của mình.

Ánh sáng niềm tin

- Ngày 5.2.2012, cha Dương chịu chức phó tế và ngày 14.10.2012 lãnh tác vụ linh mục tại nhà thờ Thánh Hyppolyte (giáo xứ Thánh Hyppolyte cũng là nơi cha giúp việc trong thời gian còn tu học), do Đức cha Eric de Moulins-Beau-fort, Giám mục phụ tá giáo phận Paris truyền chức. Trở về Việt Nam sau đó, để thuận tiện hơn cho những nhiệm vụ mới, cha đã tìm đến Mái ấm Thiên Ân và mày mò học chữ nổi bằng tiếng Việt. Thánh lễ mở tay của cha Dương được cử hành tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông (TGP.TPHCM) vào chiều ngày 19.11.2012. Đó là một buổi lễ vô cùng đặc biệt, dành riêng cho các em khiếm thị trong một số mái ấm tại thành phố và tất cả các phần trong phụng vụ đều sử dụng chữ nổi.

- Cha được giao làm phụ tá giám tập cho dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời, phụ trách việc đồng hành về đời sống thiêng liêng và dạy học cho các tập sinh ở Bà Rịa. Được 3 năm, cha nhận bài sai về làm bề trên một cộng đoàn của dòng nằm ở Bình Thạnh (TPHCM). Hiện tại, cộng đoàn này có 10 thỉnh sinh và hai tu sĩ khấn trọn đời. Song song với công việc tại nhà dòng, cha cũng thường đi giảng tĩnh tâm và dâng lễ định kỳ tại một số giáo xứ và các mái ấm. Nhớ về những vụng về, sai sót trong những lần dâng lễ, vị linh mục cười vui kể lại: “Lúc đầu do chưa quen, lại không nhìn thấy, tôi hay vấp lỗi, chẳng hạn lên cung thánh thay vì đứng giữa thì chỉ đứng một bên bàn thờ… Lúc còn là phó tế, có lần đến lúc đọc Tin Mừng, tôi lại cầm sách đi liêng xiêng đến gần chỗ cây nến phục sinh và va phải. Cũng may khi đó có cậu giúp lễ chạy tới giúp, giáo dân ở dưới cũng được một phen hú vía”. Cha cười nhưng người nghe lại rưng rưng cảm động rồi cảm phục trước nghị lực phi thường của một vị mục tử trong việc thực thi trọn vẹn ơn gọi của mình.

- Nay, cha Dương đang là Chủ tịch Ủy ban Bác ái và Ủy ban Bảo trợ ơn gọi của nhà dòng. Cha thường xuyên cùng mọi người trong ban tổ chức mời các bác sĩ đi khám bệnh và phát thuốc miễn phí tại các tỉnh miền Tây, miền Trung cũng như vùng cao, một năm khoảng hai, ba chuyến. Mỗi lần, mọi người đều gắng huy động và chuẩn bị những phần quà để kết hợp trao cho những người khó khăn. Song song đó, cha cũng quan tâm đến chuyện học hành của con em các hộ nghèo, qua việc trợ giúp học bổng ở nhiều nơi. Ngài cùng ban bác ái, kết nối với cha xứ, các hội nhóm ở mỗi nơi, mỗi vùng để xin danh sách các em rồi giúp đỡ. Cái hay của quỹ học bổng này chính là việc theo sát các em trong suốt quãng đường học tập và khi em nào ra trường, sẽ liên lạc lại với nhà dòng để tiếp tục nuôi lớn chương trình bằng cách này hay cách khác.

- Ngoài ra, năm nào cha cũng tổ chức cho giáo dân những chuyến hành hương đến các linh địa để tĩnh tâm, cầu nguyện, mỗi năm có gần 1000 người tham dự. Cha còn thường xuyên đến bệnh viện ung bướu ban bí tích, sức dầu cho bệnh nhân cũng như an ủi thân nhân của họ.

- Không chỉ làm việc và sinh hoạt như một người bình thường, nơi vị mục tử khiếm thị này còn toát lên sự lạc quan và niềm yêu đời tha thiết. Sức mạnh tinh thần này dường như được truyền từ cảm nghiệm sâu sắc về cuộc đời trong một kỷ niệm khó quên cha đã từng trải qua: “Hồi còn ở Paris, có một đêm khuya tôi từ nơi làm việc đi đón tàu điện trở về nhà dòng. Lúc đó đường vắng, tôi đứng ở chỗ cột đèn giao thông rất lâu, chờ người tới để nhờ dẫn qua đường. Tôi định bụng chờ lát nếu không có ai thì liều đi đại nhưng thời may lúc sau lại có người. Khi tôi cất tiếng xin nhờ bám vào một bên cánh tay để qua đường thì người đó im lặng vài giây rồi nói: ‘ông muốn nhờ cánh tay tôi thì phải đổi sang bên khác vì tôi chỉ còn có mỗi cánh tay thôi!’. Đối với tôi, đêm đó là đêm nhớ nhất trong đời, bởi đêm dù đen tối nhưng vẫn có thể bừng sáng nhờ lòng người. Tôi nhận ra, khi người ta tin tưởng, giúp đỡ và yêu thương nhau thì mọi gánh nặng đều có thể vơi đi”.

ảnh 1: ĐGM Hải Phòng và cha Dương trong Đại hội giới trẻ

THIÊN LÝ

HỒNG CÔNG chuyển

Cảm Thức!

 Cảm Thức! 
*suy tư mùa vọng *CN I mùa vọng*
    
  Đan sĩ Thomas Merton, người được biết đến như một bậc thầy về đời sống thiêng liêng và linh đạo rất nổi tiếng qua nhiều sách do ông viết. Trong lúc ông đã cao niên, ông đã phải lòng một cô y tá, người thường xuyên chăm sóc cho ông. Ông đã rất trung thực với nỗi đau khổ cùa mình khi viết trong nhật ký về cảm nghiệm ấy: một đan sĩ, đơn độc chiêm ngắm Thiên Chúa, cảm thấy bị dằn xé trong tâm hồn với một sự thật rằng,  ông đã yêu cô y tá ấy và “tôi không biết làm thế nào có thể sống thiếu người phụ nữ ấy” (trích từ Cencini, 2005 từ Thomas Merton: The Hermitage Years, London 1993) Mình xin mượn hình ảnh người tu sĩ dám khiêm tốn nhìn nhận trước Chúa sự yếu đuối của mình như Thomas Merton giúp chúng ta hiểu thế nào là “Cảm Thức” Cảm thức dưới góc nhìn của mình, đó là khả năng nhận biết dấu hiệu của yêu và ghét trong trái tim mình, hiểu được và đối diện với cảm xúc đó trong tâm thức của mình, và có can đảm nói ra nó một cách đúng mực.  
       
 Nhiều người trong chúng ta từ nhỏ đến lớn thường được dạy rằng mình phải che giấu cảm xúc của mình, mình không được giận, không được khóc, nhiều người khi khóc sẽ bị cho là yếu đuối, không có trưởng thành... và không ít nhiều, để chứng tỏ là mình mạnh, mình giỏi, chúng ta phải làm ra vẻ lạnh lùng, điềm tĩnh càng nhiều càng tốt... điều đó càng đúng với nam giới, người có khuynh hướng đè nén và quên đi cảm xúc của mình. Khi buồn chúng ta làm như đang vui, khi vui chúng ta không nói, khi xấu hỗ chúng ta né tránh, thậm chí còn nói ngược lại, nói tránh đi để đánh lạc hướng người khác... Tất cả chỉ để che giấu điểm yếu của mình, và để chứng tỏ với người khác là mình hoàn hảo. Sự thật là không ai trong chúng ta hoàn hảo. Không ai trong chúng ta có thể kháng cự lại với con người của mình huống chi là người khác. Vì thế, để giảm đi sự căng thẳng do phải đè nén cảm xúc, hay quên đi cảm xúc... nhiều người sống ngoài đời tìm đến rượu chè, đến những cuộc vui... để làm cho mình quên đi nó. Hoặc có người che đi những điểm yếu của mình, bằng cách vạch trần những yếu đuối của người khác... không ít người trong chúng ta tìm đến mạng xã hội để làm điều đó, thay vì dùng nó như một công cụ để góp ý có tính xây dựng, nhiều khi chúng ta dùng nó chỉ để trút giận lên người khác, trên nhiều danh nghĩa khác nhau, nhiều khi mượn cả danh Chúa để lên án nhau. Với đời sống tu sĩ, nhiều người tìm cách tự vệ mình bằng cách trở nên gay gắt khó khăn với anh em mình, chọn cho mình một lối sống “khép mình trong vỏ ốc” để né tránh sự chỉ trích. Có người trong chúng ta thì tìm mọi cách nâng mình lên, mình càng nổi tiếng, càng được mến chuộng thì mình càng minh chứng rằng mình có ơn Chúa. Có người trong chúng ta mãi say mê với địa vị, danh vọng... Tất cả đều có thể xảy đến với chúng ta cho dù mình là ai, giáo dân, tu sĩ, hay linh mục. Không ít những cặp vợ chồng, mãi đè nén cảm xúc của riêng mình, cho rằng ai cũng có cái đầu, phải tự hiểu và tự nhận ra... và họ để cho đời sống gia đình trôi đi bằng “số tự động” cho đến ngày họ phát hiện ra, họ không còn cảm xúc cho nhau nữa, thì đã quá muộn. Không ít các tu sĩ linh mục, tự nói một lần đi chơi sẽ chẳng thấm gì, cho đến khi họ nhận ra rằng họ đã đi quá xa với giới hạn cho phép của họ, thì họ cũng không thể quay lại được nữa. Không ít lần, chúng ta cũng nói, bỏ lễ Chúa nhật, bỏ đọc kinh một lần cũng chẳng sao... cho đến khi chúng ta không còn nghĩ đọc kinh hay tham dự Thánh lễ là quan trọng nữa... Nghịch lý lớn nhất đó là khi chúng ta mãi mê với khả năng của mình, khi chúng ta mãi mê với việc phải làm sao để chứng minh bản thân mình với những người xung quanh, cũng là khi chúng ta đánh mất “Cảm thức”... 
    
  Các nhà tâm lý học nói rằng, một khi bạn cố đè nén những nỗi đau, những nỗi buồn, những cơn giận, và cố quên đi nó, cũng là khi bạn có thể đánh mất khả năng nhận ra những niềm vui, cảm giác hạnh phúc bên cạnh đó. Và sau đó tất cả những gì bạn làm là bám vào những niềm vui chóng qua để an ủi mình, cho đến khi bạn không còn có khả năng nhận biết mình nữa. Khi quen giấu nỗi buồn, đến một ngày nào đó, ta cũng sẽ không biết tìm ra niềm vui thật. Vậy làm sao để chúng ta thật sự là người biết sống “cảm thức”?
       
 Thứ nhất đó là trung thực với chính mình và với người mình yêu mến. Trung thực ở đây không có nghĩa là mình “phang vào mặt” người khác những gì mình nghĩ xấu về người kia. Nhưng trung thực nhìn nhận mình không đủ mạnh để đón nhận tất cả, trung thực để thổ lộ những điều mà mình nghĩ rằng mình cần được giúp đỡ để tốt hơn. Và hơn hết đối với người môn đệ Chúa, đó là trung thực với Chúa về tất cả những yếu đuối nghèo hèn của con người mình.
       
Thứ hai, đó là nhạy cảm với lương tâm của mình. Khi chúng ta thấy mình đang khao khát điều gì đó, hay muốn làm điều gì đó mà chúng ta sợ không muốn cho ai biết, hoặc muốn giữ bí mật cho riêng mình, có lẽ, đó là lúc mà chúng ta phải lập tức đặt câu hỏi: Tại sao tôi lại sợ, tại sao tôi lại muốn giấu, muốn né tránh...? Phải chăng có gì đó không ổn với những gì tôi đang làm nếu người khác biết!
       
 Thứ ba, đó là luôn có thái độ xây dựng! Người trưởng thành và có cảm thức, không có nghĩa là người không bao giờ gặp khủng hoảng, nhưng là người có đủ can đảm đối diện và vượt qua khủng hoảng của mình. Qua đó mình có thể lớn lên và trưởng thành. Một cơn khủng hoảng có thể giống như một trận động đất, tất cả có thể sụp đổ, nhưng qua đó chúng ta có thể xây dựng lại từ đầu... Khi chúng ta đối diện với một sự đau khổ, một nỗi buồn, một tình cảm chợt đến, nó làm cho chúng ta chao đảo... nhưng nó cũng là lúc chúng ta phải tập xây lại nền móng của tương quan giữa mình với Chúa và với tha nhân. Khi né tránh nó, là khi chúng ta không biết rút ra bài học từ yếu đuối của mình.
     
  Thứ tư, đó là trung thực phải dựa trên chân lý! Chân lý tối cao của chúng ta, đó là Thiên Chúa của Tình Yêu và Lòng Thương Xót... Chân lý không có nghĩa là đi moi móc sự thật để chứng minh mình đúng và người khác sai, và rồi để hạ nhục người khác... vì mình cho rằng mình sống trung thực với những gì mình biết. Mặt khác trung thực không có nghĩa là biết cảm xúc của mình là gì rồi nói nó ra, đặt tên cho nó... và để cho người nghe tự quyết, tự có trách nhiệm với lời nói của mình! Nhưng trung thực dựa trên chân lý nghĩa là, ý thức cảm xúc của mình và tự hỏi tại sao tôi có cảm xúc đó... Tại sao tôi giận trước một sự việc? Phải chăng tôi giận vì tên tôi không được nhắc đến!? Phải chăng tôi tức vì đáng lẽ người ta phải tôn tôi lên mà người ta lại quên tôi? Hay vì tôi không bằng người khác...? Tại sao tôi yêu người đó? Tại sao tôi ngã lòng cho dù tôi đang theo Chúa? Tôi tìm điều gì trong tình yêu này? Tôi muốn chứng minh điều gì trong mối quan hệ này? Phải chăng vì tôi đã không giữ tương quan với Chúa? Phải chăng vì tôi cảm thấy lạc lõng...? Tất cả những câu hỏi tại sao, giúp chúng ta quay lại với sự thật về con người mình. Để từ sự thật đó, chúng ta mới có thể gặp được Thiên Chúa – là sự thật, là chân lý. Và chỉ có gặp được Chúa, đối diện với lòng thương xót Chúa, chúng ta mới có thể chữa lành “tâm cảm” của mình, và không để cho mình bị cuốn theo nó.
      
Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng là lời mời gọi tỉnh thức của Chúa Giêsu. Trong cầu nguyện mình chợt nhận ra rằng, tỉnh thức mà Chúa mời gọi chúng ta sống, không chỉ đơn thuần là ngóng chờ Chúa đến từ bên ngoài như bay từ trời xuống, cũng không đơn thuần là việc chúng ta chờ Chúa đến lần thứ hai để phán xét chúng ta. Nhưng Mùa Vọng là mùa chúng ta tập sống có “cảm thức” trong tâm hồn của mình. Hay nói cách khác, là mùa mà chúng ta tập thức tỉnh với cảm xúc của mình. Vì chính trong mỗi xúc cảm của mình, khi vui, khi buồn, khi hạnh phúc, khi lẻ loi, khi u tối.... biết đâu trong mỗi khoảnh khắc yếu đuối và giới hạn ấy, Chúa âm thầm sinh ra trong chúng ta, hiện diện trong chúng ta mà chúng ta có thể mất cơ hội tiếp đón Ngài.
   
Giáng sinh hơn 2000 năm trước Chúa đã làm người, Chúa đến cũng thật bất ngờ, nhưng Chúa đã đến trong lòng của Maria - luôn sống với cảm thức của mình “Làm sao tôi có thể làm điều đó, khi tôi không biết đến người nam?" - Chúa đến với Giuse, người đã sống với cảm thức của mình, đau khỗ nghĩ rằng vợ mình đã phản bội, dự định lìa bỏ Maria... Giuse đã dằn vặt với chính tình yêu của mình... và đã gặp Chúa. Chúa đến với mục đồng... thức tỉnh trong đêm tối. Và Chúa đã không đến với Herode người đã luôn ghen tuôn giận dữ nhưng tìm cách che đậy cơn giận để bí mật giết Chúa. Chúa không đến với các luật sĩ, người mãi mê đọc sách kinh thánh để chứng minh mình giỏi và bắt lỗi người khác, nhưng lại không biết Chúa đến. Chúa vẫn âm thầm đến trong thế gian mỗi giây phút, mỗi khoảnh khắc... nhưng có lẽ chỉ khi nào chúng ta sống “cảm thức" chúng ta mới thật sự gặp được Ngài.

P.Anh chuyển

dimanche 27 novembre 2016

Đơn giản với cách làm kim chi Hàn Quốc ngon đúng điệu

Đơn giản với cách làm kim chi Hàn Quốc ngon đúng điệu

Vốn được biết đến là món ăn ngon truyền thống của người Hàn Quốc và từ khi du nhập vào Việt Nam thì Kim Chi cũng được rất nhiều thực khách ưa chuộng. Không những thế các chị em nội trợ còn đua nhau tìm hỏi công thức chế làm món kim chi ngay tại nhà mình.
Gần giống với món dưa muối ở Việt Nam, Kim chi được làm từ rau được lên men có vị chua dịu hoà quyện với cái cay nồng của ớt và hương thơm của nhiều nguyên liệu khác nhau. Sau đây, kết nối kiến thức sẽ giới thiệu tới các bạn cách làm kim chi Hàn Quốc ngon đúng điệu nhé.
Nguyên liệu cho món kim chi Hàn Quốc

1. Lựa chọn nguyên liệu cho món kim chi

-  3kg cải thảo, 2-3 củ cà rốt và 1 củ cải lớn.
- 1 quả lê hoặc táo
- 1 củ hành tây loại to, 3 cây tỏi tây, hành lá, 1 lít lá hẹ
- Gừng tươi và tỏi
- 1 chén bột nếp
- 3 lạng ớt bột Hàn Quốc, 1 chén đường, 1 chén nước mắm và ít muối hạt.
cách loại gia vị, ớt bột hàn quốc
Ướp cải thảo với muối

2. Cách làm kim chi Hàn Quốc ngon.

- Với cải thảo bạn rửa sạch rồi có thể  để nguyên, cắt đôi hoặc tách từng lá để làm kim chi, tuy nhiên nếu muốn nhanh được ăn thì bạn nên cắt chúng thành những miếng nhỏ để trộn.
- Cà rốt, củ cải gọt vỏ, đem rửa sạch rồi đem thái sợi.
cải thảo sau khi đã ướp muối
- Tiến hành ướp muối vào các nguyên liệu trên theo tỷ lệ: 3kg cải thảo/ 3 lạng muối trắng.Ướp đều cải thảo cùng với muối tới khi cải mềm (1-2 tiếng) thì đem rửa sạch lại với nước khoảng 2 -  3 lần. Với phần  củ cải và cà rốt bạn cũng ướp với muối cho mềm rồi rửa sạch lại với nước lạnh.
các loại nguyên liệu làm kim chi
- Vớt cải thảo và cà rốt, củ cải ra rổ, rồi dùng tay vắt nhẹ cho ráo nước.
- Bước tiếp theo bạn dùng 1 chén bột nếp pha với khoảng 3 chén nước rồi cho vào nồi đun nhỏ lửa, khi sôi bạn cho thêm 1 chén đường khuấy đều tới khi bột hơi trong như bột trẻ em thì tắt bếp.
- Tỏi tây, hẹ đem rửa sạch, để ráo rồi cắt khúc hừng 2-3cm, riêng với phần màu trắng bạn nên thái mỏng ra nhé. Sau đó trộn đều tỏi tây, hẹ với phần bột nếp nấu bên trên.
nấu bột nếp
- Hành tây, hành ta bóc vỏ đem rửa sạch rồi thái nhỏ. Lê (táo) gọt vỏ thái miếng, gừng và tỏi bóc bỏ đem rửa sạch. Tiếp theo cho tỏi ta, gừng, táo, hành tây vào máy xay sinh tố bấm nút xay nhuyễn.
Trộn kim chi
cho kim chi vào lọ
Cuối cùng, bạn lấy một âu lớn cho lần lượt các nguyên liệu vào, thêm ớt bột và hỗn hợp xay nguyễn ở trên vào trộn đều cho ngấm gia vị. Cho kim chi vào hộp hoặc lọ để khoảng 2-3 ngày là có thể dùng được.
kim chi hàn quốc ngon
Món kim chi hàn quốc ngon
Trên đây là toàn bộ quy trình làm kim chi Hàn Quốc thật dễ dàng phải không các bạn. Hãy bắt tay vào thực hiện ngay để chiêu đãi gia đình mình nhé. Chúc các bạn thành công !

samedi 26 novembre 2016

MÙA YÊU THƯƠNG

Chúa Nhật I mùa vọng  - Năm A
MÙA YÊU THƯƠNG


PM. Cao Huy Hoàng
Mỗi con người được sinh ra trên trần gian, đều có một khát vọng vô biên. Và nếu định nghĩa con người là một hữu thể gồm nửa cái “con” và nửa cái “người” thì nỗi khát vọng trong hai nửa ấy không chỉ đơn thuần là song song tiến bước, mà còn luôn luôn đối nghịch và mâu thuẫn: một bên là dục vọng và một bên là khát vọng chân chính.
Mùa vọng không dừng lại cách tiêu cực ở một niềm hy vọng vụ lợi về mặt thiêng liêng, về ơn được cứu rỗi, mà là cơ hội để mỗi con người hướng cái khát vọng vô biên của mình đến chính Thiên Chúa. Thông Điệp của Đức Thánh Cha Benedict 16 có tên “Spe Salvi” được dịch thật chuẩn là “Được Cứu Rỗi nhờ Hy Vọng”, chứ không phải là “hy vọng được cứu rỗi”, cũng cho thấy tầm quan trọng chủ động nơi chính con người phải hướng cái khát vọng vô biên đến Thiên Chúa.
Mùa Vọng cho các tín hữu cơ hội tuyệt đẹp để “tái khám phá ý nghĩa niềm hy vọng của mình”- không nhất thiết phải mảy may đặt một thỉnh cầu hay yêu sách nào đối với Thiên Chúa cả, khi đặt trọn niềm tin tưởng hy vọng vào Ngài. Vì đặt trọn niềm tin tưởng hy vọng vào Chúa, chính là đáp lại tình thương của Thiên Chúa đã ban cho con người lòng khát khao tìm kiếm Thiên Chúa và đã tỏ mình cho ai thành tâm khát khao tìm kiếm.
Với tâm tình ấy, trong suốt mùa vọng, chúng ta có thể sốt sắng cất tiếng thân thưa lời TV 24: “Chúa là khát vọng, là ước mơ đời con. Hồn con hướng tới Ngài, hồn con cậy trông nơi Ngài. Hồn con vươn lên tới Chúa. Hồn con sướng vui trong Ngài” (Tv 24, 1-3). Như thế, mùa vọng là một mùa vui, một mùa yêu, khi niềm hy vọng nỗi mong đợi người mình yêu đã có tín hiệu đến hẹn.
Vào Mùa Vọng với Lời Chúa CN thứ nhất, Tiên tri Isaia xuất hiện giữa lúc dân Thiên Chúa trong cảnh nô lệ khốn cùng, Ngài đã loan báo cho Dân Chúa – và cũng là cho chúng ta- một tin vui, đó là một con đường “lên”, “ta cùng lên núi Đức Chúa, lên nhà Thiên Chúa của Giacop, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường người chỉ vẽ…” (Is 2,3). Con đường “lên Thiên Chúa”, không thể thực hiện được nếu không có một niềm tin tưởng, một khát vọng chân chính, khát vọng tìm đến Thiên Chúa; càng không thể thực hiện được, nếu chúng ta vẫn đang mê mãi chạy theo con đường dục vọng.
Vì thế, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma đã bổ sung cho con đường lên của khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa bằng lời khuyên cụ thể: “Đêm sắp tàn và ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cải cọ ghen tương. Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (2Rm 13,12-14). Phải chiến đấu với các khuynh hướng bằng chính khát vọng vươn lên tới Thiên Chúa, nghiêng về phía Thiên Chúa hơn là nghiêng về phía những dục vọng; và để chiến thắng, cần phải mặc lấy đức Kitô, là phải thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô trong đời sống. Tinh thần của Chúa Kitô chính là vũ khí của sự sáng mà Thánh Phao lô đề cập đến như phương thế để giúp chúng ta loại bỏ những lôi kéo chúng ta về phía tạo vật, thế tục.
Tình trạng linh hồn luôn khát khao tìm kiếm Thiên Chúa có thể nói là tình trạng tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến trong trang tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng cho đến ngày ông No-ê vào tàu”. (Mt 24,38).
Một toàn cảnh xã hội loài người đang sinh hoạt hoàn toàn tự nhiên theo cách của con người, không nghe thấy tiếng lòng nhắc đến việc tìm kiếm điều gì vượt lên trên cái tự nhiên ấy, chỉ có mỗi ông No-e biết khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, và điều hẳn nhiên đã xảy ra, chỉ có mỗi gia tộc No-e được cứu thoát. Sự cứu thoát mang hình dáng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô sau nầy.
Vì thế, Ngài nói: “Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”. Con Người trở lại với những tâm hồn tỉnh thức: tâm hồn khao khát tìm kiếm Người, để cùng Người vui tiệc thiên thu. Thiết nghĩ, không chỉ có một mùa vọng trong lòng tín hữu, mà suốt đời là một mùa vọng; không chỉ có một lần chiến đấu loại trừ những dục vọng thấp hèn của cái “con” nơi con người, mà cả một đời chiến đấu; không chỉ một lần bước ra khỏi bóng tối của những đam mê thế gian mà còn phải thắp lên một ngọn đèn bằng chính sự rực cháy của lửa tình yêu mến Thiên Chúa trong lòng chúng ta.
Thiên Chúa đến với mỗi người, Ngài đang đến, và Ngài muốn cư ngụ giữa lòng con người. Tại sao chúng ta chỉ có thể khao khát tìm kiếm Chúa khi chúng ta rơi vào tình cảnh khốn cùng nhất của cuộc đời như bệnh tật, nghèo túng, nợ nần, gặp tai ương hoạn nạn, trong khi chính Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và khao khát được chúng ta đón nhận, cả khi chúng ta ảo tưởng bình an hay bất hạnh theo cách nhìn của mình.
Thiên Chúa gõ cửa, còn chúng ta mở cửa. Thiên Chúa tỏ tình, và chúng ta đón nhận. Chúng ta chỉ có thể mở cửa cho Thiên Chúa, khi chúng ta thực sự khao khát Ngài. Tôi vẫn thấy những người chờ đợi người yêu đến, vẫn thường mở cửa, thấp thỏm … trước khi người yêu mình đến, và gõ cửa kia mà. Tôi vẫn thấy có người, trong khi chờ đợi người yêu mình đến, đã chắng làm gì khác ngoài việc viết cả ngàn lần tên người yêu mình trên bàn trên giấy. Sao ta không thể bày tỏ niềm tin, nỗi mong đợi và tình yêu của chúng ta một cách si tình như thế đối với một Thiên Chúa đang yêu ta, yêu tha thiết đến nỗi Ngài vẫn đang gõ cửa, đứng chờ trước cửa…
Như thế tỉnh thức còn là một biểu hiện của tình yêu, và mùa vọng, mùa trông đợi Đấng Cứu Thế giáng sinh cũng là mùa của tình yêu.
Giàu nghèo, sang hèn trên đời, ai cũng có những ước ao cả đời người mà chưa bao giờ thực hiện được, người càng sống trong cảnh thiếu thốn vật chất, càng có nhiều ước ao hơn. Điều quan trọng đối với tín hữu là cần “ước ao những sự trên trời”. Ước ao một chút no đủ của những người kiếm sống qua ngày trên vĩa hè, nơi gánh cháo lòng, nơi lọn rau, bó chỗi, nơi thúng lạc luộc, nơi tấm vé số… Những ước mơ đơn sơ, nhỏ bé lắm… mà ước ao cả đời, vì lòng yêu đã đặt trọn vào trong những cái qua ngày mà thực tế ấy... làm cho cả cuộc đời trở thành một “mùa vọng” vào những thực tại đáng vô vọng. Và nếu đổi hướng của tình yêu về phía Thiên Chúa, thì chắc chắn những thực tại trần gian kia sẽ không còn là những ước mơ đáng kể có thể làm nhũng nhiểu tâm hồn gây nên những xáo trộn, những bất an không đáng có. Bà bán cháo lòng có thể gặp Chúa ngay trong những người ăn cháo lòng của bà mỗi buổi sáng, vì bà có tình yêu và khao khát tìm Chúa trước khi tìm những đồng tiền lẻ gom được để chu toàn bổn phận với chồng con…
“Anh em hãy sắn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”. Chúa muốn chúng ta sẵn sàng bằng cách luôn sống trong lòng khao khát, mong đợi, yêu mến để phút bất ngờ Chúa đến, không còn là một nỗi lo sợ kinh hoàng như lụt hồng thủy, như một tai nạn, nhưng lại là phút tương phùng, giờ giao duyên của hai lòng yêu gặp gỡ.
Lạy Chúa, trong mùa vọng nầy, và suốt đời vọng của con, xin cho lòng con luôn khao khát được thuộc về Chúa. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào hạnh phúc. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào bình an. Chúa là khát vọng của đời con, hồn con vươn lên tới Chúa, hồn con trông cậy nơi Chúa và hồn con sướng vui trong Ngài.

5 bài tập yoga giúp chữa thoái hóa đốt sống cổ

5 bài tập yoga giúp chữa thoái hóa đốt sống cổ


Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng yoga là phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ được nhiều người áp dụng hiện nay. Với các động tác đơn giản giúp đốt sống cổ được kéo dãn và thả lỏng các dây thần kinh, 5 bài tập yoga sau đây sẽ mang đến tác dụng hiệu quả cho những người bị thoái hóa đốt sống cổ.

Lợi ích của việc chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng yoga

Yoga được xem là một trong những môn thể thao có khả năng làm thư giãn cơ thể từ tinh thần cho đến thể chất với những động tác chậm rãi nhưng giảm đau nhanh chóng. Khi cột sống trãi qua thời gian, phải chịu nhiều áp lực và dễ bị tổn thương, việc áp dụng các biện pháp yoga sẽ giúp kéo dãn các đốt sống cổ, thư giãn các dây thần kinh xung quanh, đồng thời tăng cường và làm săn chắc cơ bắp xung quanh đốt sống cổ. Nhờ vậy, giảm thiểu những áp lực ở cột sống cổ và giải tỏa những cơn đau nhức, phục hồi chức năng của đốt sống cổ và giúp cơ thể được tăng cường sức khỏe.
Ngoài ra, việc kết hợp các bài tập yoga trong khi điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng các phương pháp y khoa cũng là biện pháp hỗ trợ quá trình chữa bệnh đạt hiệu quả nhanh chóng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:


5 bài tập yoga giúp chữa thoái hóa đốt sống cổ

Dưới đây là 5 bài tập yoga có tác dụng hiệu quả trong việc chữa thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh có thể tham khảo và thực hiện tại nhà để giúp giảm thiểu những cơn đau ở cột sống cổ.


Bài tập 1: vặn cột sống 


Thực hiện:
– Ngồi thẳng lưng, chân trái gập và đặt lòng bàn chân chạm mông phải. Gập chân phải và đặt ngoài đầu gối trái, tay trái nắm cổ chân phải, tay phải chống xuống sàn và xoay người và cổ sang phải, giữ tư thế này trong 10 giây.
– Đổi bên và lặp lại động tác. Thực hiện bài tập từ 5-10 lần.
Tác dụng của bài tập: kéo căng cổ, vai và giúp kéo dãn các đốt sống để thư giãn và giảm đau.

Bài tập 2: tư thế cây cầu


Thực hiện: 
– Nằm thẳng trên sàn nhà, gập đầu gối, hai bàn chân chống xuống xuống sàn và cách nhau một khoảng bằng hông. Hai tay để dọc theo người, lòng bàn tay úp xuống sàn. Đẩy hông lên cao kèm theo nâng ngực, hít thở sâu và giữ tư thế khoảng 1 phút.
– Trở về tư thế ban đầu và lặp lại động tác 5 -10 lần.
Tác dụng: kéo dãn cột sống cổ và tăng cường lưu thông máu lên vùng đầu và cổ để giảm đau đốt sống cổ, đau đầu.

Bài tập 3: động tác con cá



Thực hiện: 
– Nằm thẳng trên sàn, hai tay đặt dọc theo người, lòng bàn tay úp xuống sàn. Tỳ khủy tay xuống sàn và nâng người lên, ưỡn ngực và uốn cong lưng và cổ ra sau sao cho đỉnh đầu chạm với sàn nhà, giữ nguyên tư thế khoảng 15 giây rồi hít thở sâu.
– Trở về tư thế ban đầu và lặp lại động tác từ 5-10 lần.
Tác dụng: tăng cường sự linh hoạt của xương cột sống và giải tỏa căng thẳng, đau cổ vai gáy; giảm sự căng cứng và đau nhức ở những người bị thoái hóa đốt sống cổ.
Bài tập 4: tư thế vòng cung 

Thực hiện:
– Nằm sấp người trên sàn nhà, gập đầu gối lại và đưa hai tay ra sau nắm lấy cổ chân. Nâng ngực và chân lên cao sao cho cơ thể uốn cong thành vòng cung, hít thở sâu và giữ nguyên tư thế này khoảng 10 giây.
– Thả lỏng người và lặp lại động tác 5-10 lần.
Tác dụng: kéo dãn cột sống cổ và lưng để giảm đau nhanh chóng.

Bài tập 5: Động tác con mèo



Thực hiện: 
– Hai đầu gối và hai bàn tay chống xuống sàn nhà tạo thành những đường thẳng song song. Hai tay dang rộng bằng vai, hai chân dang rộng bằng hông. Từ từ hít vào, bóp bụng và đẩy lưng lên cao. Thở ra và hạ thấp bụng xuống, lưng cong, cổ ngẩng lên.
– Lặp lại động tác trên một cách nhịp nhàng từ 5-10 lần kết hợp với hít thở đều đặn.
Tác dụng: làm căng cột sống và kéo dãn toàn bộ cơ thể để đạt được sự thoải mái.
Hy vọng với 5 bài tập chữa chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng yoga trên đây, bạn hoàn toàn có thể giảm nhanh cơn đau ở cổ và hỗ trợ việc điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ đạt được kết quả tốt nhất.
Chúc bạn thành công!