vendredi 6 décembre 2019

10 điểm đến được yêu thích nhất Châu Âu năm 2019


 Có quá nhiều địa danh nổi tiếng ở châu Âu để cho bạn lựa chọn. Nhưng đâu mới là những nơi được yêu thích nhất của du khách trong năm 2019? Rất may trang web du lịch nổi tiếng Loney Planet đã có sẵn câu trả lời cho bạn.

1. High Tatras, Slovakia:
Một vùng đất thần bí nơi những cây liễu tuyết rủ xuống mặt đất và những con gấu đi chậm rãi trong khu rừng già. Đây cũng là nơi được Lonely Planet xếp thứ nhất trong danh sách “10 điểm đến yêu thích nhất Châu Âu năm 2019”.

2. Madrid, Tây Ban Nha
Xếp thứ hai là Madrid, thành phố có cuộc sống rộn ràng về đêm tuyệt vời nhất của Châu Âu. Madrid chỉ cần tiếp tục cải thiện và phát triển lối sống bền vững đang có với việc mở rộng các làn đường đi bộ, làn dành cho xe đạp, và kiểm soát khí thải tốt hơn.

3. Đường bờ biển Bắc Cực, Iceland
Khu vực này mang trong mình những kì quan thiên nhiên tạo nên đất nước Iceland như các thác nước khổng lồ, sông băng kì vĩ và vô số các hoạt động thể thao ngoài trời, cơ hội ngắm nhìn động vật hoang dã và đắm mình trong những cuộc phiêu lưu kì thú.

4. Hercegovina, Bosnia và Hercegovina:
Lang thang trên những con phố Počitelj trung cổ, khám phá các đường hầm đá vôi Vjetrenica, đi bộ lên ngôi làng Lukomir trên núi, và đạp xe dọc theo tuyến đường Circo lộng gió: Tất cả những điều này tạo nên bức tranh hoàn hảo cho Hercegovina.

5. Bari, Ý
Một du khách đã nhận xét, dường như “mùa xuân đến trên từng bước chân” ở thị trấn cổ này. Khắp nơi là những quán ăn với công thức nấu nướng lâu đời của các gia đình, không gian văn hóa sôi động, và các khách sạn mang tính di sản.

6. Shetland, Scotland
Những người thích phiêu lưu tìm đến điểm cực bắc của Vương quốc Anh để thưởng ngoạn những con đường mòn ven biển đẹp mỹ mãn, ngắm những chú rái cá bơi lặn trong làn nước xanh ngắt và thưởng thức món Cá và Khoai tây chiên nổi tiếng của vương quốc Anh.

7. Lyon, Pháp
Là địa điểm tổ chức trận chung kết giải bóng đá nữ thế giới vào tháng Bảy, Lyon đang dần trở thành “con cưng” mới của du khách quốc tế. Đẹp, đầy ám ảnh, đồ ăn ngon, và văn hóa lâu đời, Lyon gần đây cũng đã được EU ghi nhận những nỗ lực của thành phố trong việc phát triển du lịch bền vững và dễ tiếp cận.

8. Liechtenstein

Du khách giờ đây đã có thể đi bộ vòng quanh đất nước nhỏ bé này trong ngày cuối tuần trên con đường Liechtenstein. Nó được xây dựng để kỷ niệm 300 năm Liechtenstein trở thành một quốc gia có chủ quyền. Kéo dài 75km, con đường uốn lượn qua các ngọn núi và đồng cỏ, đi qua 11 đô thị của đất nước.

9. Vevey, Thụy Sĩ
Cứ 20 năm một lần, Vevey lại tổ chức một lễ hội rượu vang kéo dài 3 tuần. Năm nay, lễ hội Fete des Vignerons sẽ quay trở lại thị trấn vào tháng Sáu. Du khách có thể ngồi tại một trong vô số các quán ăn chất lượng của khu phố cổ, nếm thử bữa ăn 20 món và những chai rượu vang ngon nhất của đất nước.

10. Istria, Croatia
Istria có lịch sử, biển, đồ ăn ngon, các tour xe đạp vào mùa xuân, lễ hội âm nhạc vào mùa hè, và các cuộc hái nấm vào mùa thu. Các chuyến bay mới từ Châu Âu vừa được mở ra sẽ khiến việc di chuyển đến bán đảo hình trái tim này dễ hơn bao giơ hết.

Hữu Nguyên

Theo Dailymail
Nếu muốn lạc vào xứ sở thần tiên, hay săn được những bức hình tuyệt đẹp, bạn nhất định phải ghé những nơi này khi đến châu Âu.
Èze, Pháp: Theo Huffington Post, thị trấn có tên đầy đủ là Jardin d'Èze, gồm nhiều ngôi làng nhỏ, trải dài từ bờ biển French Riveria tới đỉnh đồi với phong cảnh tuyệt đẹp. Èze là một thị trấn lâu đời, được thành lập từ năm 2000 trước Công nguyên với dân số chưa tới 3.000 người.
Lucca, Tuscany, Italy: Thị trấn yên bình và tuyệt đẹp này còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc thời Trung cổ. Nằm trong thung lũng của sông Serchio phía đông bắc Pisa, Lucca nổi tiếng với quảng trường Napoleone, quảng trường San Michel, Anfiteatro, nhà thờ San Michele ở Foro và Chiesa di San Frediano. Ở đây có 99 nhà thờ và những đường phố lát sỏi. Trong thành phố có rất ít các phương tiện cơ giới, bởi vậy nơi đây rất lý tưởng cho việc đạp xe và đi dạo.
Sintra, Bồ Đào Nha: Sintra là một thị trấn nằm phía tây thuộc Lisbon, cách thủ đô 28 km. Đây từng là nơi nghỉ dưỡng của giới quý tộc Bồ Đào Nha. Sintra được coi là viên ngọc về kiến trúc bởi khung cảnh thiên nhiên lãng mạn, những khu vườn xinh đẹp, những khu rừng cổ thụ, và nhiều lâu đài, cung điện và các tu viện cổ xưa tuyệt đẹp. Lâu đài cổ tích Palácio da Pena giữa vườn cây là điểm nhất định phải ghé thăm khi đến Sintra.
Delft, Hà Lan: Đây là thị trấn du lịch hấp dẫn nhất của Hà Lan, như một Amsterdam thu nhỏ với những dòng kênh, đường phố lát sỏi và không khí yên bình. Delft là trung tâm lịch sử quốc gia với nhiều ngôi nhà cổ được xây dựng vào thế kỷ 17 và 18, tranh sơn dầu của họa sĩ Jan Vermeer, gốm sứ Delftware…
Berner Oberland, Thụy Sỹ: Thị trấn nằm trên sườn núi có độ cao 1.646m với phong cảnh ngoạn mục, các đỉnh núi nổi tiếng (Jungfrau, Monch và Eiger), những dòng suối và bạt ngàn hoa dại. Đây là quê hương của các tuyến đường sắt cao nhất châu Âu và khu nghỉ mát nổi tiếng như Adelboden, Grindelwald và Interlaken. Vào mùa đông, đây là nơi trượt tuyết lý tưởng.
Brugge, Bỉ: Được biết đến với tên gọi Venice của phương bắc nhờ hệ thống kênh rạch tập trung ở vùng phía Bắc của thành phố., Brugge là một trong những thành phố nhỏ xinh xắn nhất ở châu Âu. Brugge hài hòa giữa kiến trúc cổ với sắc màu thiên nhiên như khung cảnh trong những câu chuyện cổ tích. Đặc biệt, ở đây có rất nhiều quán chocolate và hơn 50 loại bia của địa phương.
Mykonos, Hy Lạp: Mykonos là một hòn đảo phía đông nam Hy Lạp với diện tích 85,5 km2, dân số khoảng 11.000 người. Ðảo được cấu tạo bởi đá hoa cương, nơi cao nhất có cao độ khoảng 392 m. Mykonos có nhiều khách sạn và quán cà phê xinh đẹp với đặc trưng tường sơn màu trắng.
Rothenburg-ob-der-Tauber, Đức: Tên thành phố có nghĩa là “lâu đài màu đỏ ở Tauber”. Thị trấn cổ kính này được xây dựng từ năm 1803 và được bảo tồn trọn vẹn cho đến ngày nay. Đây là thị trấn đẹp nhất nằm trên con đường lãng mạn chạy qua Bavaria, nối liền Frankfurt và Munich. Đến đây, du khách sẽ có cảm giác như lọt vào truyện cổ Grimm.
Những hàng cây phong đỏ lung linh trong nắng vàng ruộm, những con đường phủ đầy lá rụng của các thành phố châu Âu vào mùa thu khiến bạn như lạc vào khu vườn cổ tích.
1. Paris (Pháp): Được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng", Paris mang một vẻ đẹp quyến rũ đến ma mị. Ảnh: Vietravel cung cấp.
Khám phá vẻ đẹp bất tận của những khu vườn gần Versailles, hay dạo bước trên con đường lát gạch Le Marais phủ đầy lá vàng, bạn sẽ cảm nhận không gian đậm chất cổ điển của Paris… Ảnh: Enkivillage.
2. Prague (CH Czech): Mang trong mình những nét đẹp cổ điển với vô số tòa lâu đài nguy nga cùng nhiều chóp nhà dát vàng mang đậm phong cách châu Âu, Prague càng trở nên quyến rũ hơn khi đất trời nhuộm màu lá vàng. Ảnh: Bohemia-apartments.
Prague vào thu còn là thời điểm tuyệt vời để bạn đi dạo trên những con phố Prague xinh xắn, ngắm nhìn công viên hòa trong sắc thu rực rỡ hay nhâm nhi một ly coctail tại quán nhỏ bên đường…Ảnh: Thebookoftravel.
Có thể nói không nơi nào của dòng sông Danube lại đẹp và lãng mạn như ở Budapest. Dòng sông tựa như một dải lụa mơn man giữa hai bên bờ, làm tăng thêm vẻ trữ tình hiếm thấy. Ảnh: Okok11.
4. Saint Petersburg (Nga): Mỗi độ thu về, nước Nga như được khoác lên một chiếc áo choàng lãng mạn của những hàng lá phong, lá thích, bạch dương vàng rực trên khắp mọi nẻo đường. Ảnh: Samlib.
Đến đây, bạn tha hồ tản bộ dưới những tán cây rợp bóng, chiêm ngưỡng cảnh sắc mùa thu lãng mạn dưới bàn tay “nhào nặn” của thiên nhiên. Chính sắc vàng đầy mê hoặc ấy đã làm cho nước Nga trở thành điểm du lịch mùa thu châu Âu lý tưởng mà du khách không thể bỏ qua. Ảnh: Miriadna.
5. Bavaria (Đức): Mùa thu tại miền Nam nước Đức là sự hòa phối hài hòa giữa sắc màu rực rỡ của lá phong trên nền xanh thẳm của những ngọn núi cao chót vót. Ảnh: 4ever.
Đến đây, bạn không chỉ thưởng lãm bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được tham gia vào lễ hội rượu vang tổ chức trong thị trấn. Đừng quên ghé thăm lâu đài Neuschwanstein để chiêm ngưỡng vẻ tráng lệ được bao phủ bởi những hàng cây chuyển sang sắc vàng và đỏ. Ảnh: Goodwp.
6. London (Anh): Đặt chân đến London, bạn sẽ thấy quen thuộc với những góc phố dịu dàng bên hàng cây lá đã chuyển sang vàng và đỏ. Những nếp nhà xinh xắn với lẵng hoa rực rỡ. Những khu vườn ngập tràn hoa hồng. Những chiếc bốt điện thoại đỏ rực đặt trên vỉa hè. Tháp chuông Big Ben kiêu hãnh chìm trong làn sương mờ và dòng sông Thames êm đềm, uốn lượn... Ảnh: Richardalois.
Cái se lạnh của đất trời phảng phất những nỗi niềm da diết, khiến bạn ngẩn ngơ trước vẻ đẹp nao lòng của mùa thu London. Ảnh: Crazy-frankenstein.
7. Công quốc Luxembourg: Được mệnh danh là "trái tim xanh" của châu Âu, Luxembourg nhỏ bé khoác lên mình chiếc áo thu lộng lẫy. Thật tuyệt vời khi dạo bước trong công viên Lambert phủ đầy lá vàng. Ảnh: Fallingoffbicycles.
Chỉ chờ đến mùa thu, cả khu vườn ngập tràn những gam màu vàng, đỏ tuyệt đẹp. Bạn sẽ ấn tượng với cây cầu Adolphe hình vòng cung bắc qua thung lũng Petrusse tuyệt đẹp, lang thang trên quảng trường Guillaume II, hay ngồi nhâm nhi ly cà phê, ngắm quang cảnh thành phố. Ảnh: 500px.
8. Bern (Thụy Sĩ): Thành phố Bern yên bình là điểm đến yêu thích của những ai đam mê các công trình kiến trúc cổ đặc trưng phong cách châu Âu còn nổi tiếng với phong cảnh mùa thu đẹp như một bức tranh thủy mặc. Ảnh: Themisadventuresofaweekendwayfarer.
Giữa tháng 10, từng cây lá bắt đầu thay áo mới, chuyển dần từ sắc xanh sang sắc vàng và những ô cửa sổ hoa leo khiến những tâm hồn lãng mạn dễ bị xiêu lòng. Bạn có thể thuê xe đạp để thưởng ngoạn quanh các khu phố cổ hoặc cùng bạn bè thưởng thức những tách café đặc biệt, dạo chơi ngắm hoàng hôn dưới chân tháp đồng hồ. Ảnh: Jacekproniewicz.

K.Hạnh sưu tầm 

Tính LÀM BIẾNG của người AN-NAM


Nguyễn-Văn-Vĩnh
(Đăng Cổ Tùng Báo 25/7/1907)

Các tính xấu của người nước Nam ta thì ông Tân-nam cũng đã bới ra nhiều rồi, nhưng mới bàn đến những điều xấu riêng, kẻ có người không, mà thôi. Còn có một nét xấu chung cả nước, là nết làm biếng.

Cái làm biếng An-nam, là làm biếng trí, chớ không phải là làm biếng chân tay.
Mới nói điều này thì không mấy người tin, vì như nhà-quê thì cấy hái làm ăn vất vả bao nhiêu; người đi học thì lải nhải cả ngày cả đêm; ông quan thì nào đốc đê đốc thuế; các ông phán thì vào sổ, sao các tờ trát một ngày bao nhiêu việc, nhiều khi người Đại-pháp cũng lấy mình làm chịu khó; thợ thuyền thì làm nghệ như thợ thêu, thợ cẩn, thợ bạc, tỉ mỉ bao nhiêu! Thế mà tôi dám bảo là làm biếng, mà tôi nói thế cũng không phải là tự mình nghĩ ra. Ấy là nhời những người Pháp mà tôi lại xin nói lại đó mà thôi. Mà tôi xét kỹ thì họ nói chẳng oan một tí nào.

Người An-nam thật quả chỉ biết làm việc sẵn. Nhà-quê thì chỉ vì đói mới làm, hễ no thì soay ngay ra ăn chơi, đợi kỳ bao giờ đói mới lại lo liệu làm ăn, chỉ quí hồ có cơm đẫm miệng, chớ chẳng biết cái gì là cái dự phòng. Đi học thì chỉ biết cứ học đi học lại cho thuộc lòng. Làm quan thì kẻ trước làm thế nào, người sau cứ thế. Còn mấy ông đi làm việc, thì chỉ còm cọm một ngày 5 giờ rưỡi đồng hồ, đầu năm chí cuối, công việc chỉ có thế, dè dè thế nào cho qua ngày qua tháng, đến mồng một lĩnh cọc bạc về tiêu; về đến nhà, trưa thì ngủ, tối thì cao lâu, cờ bạc, giai gái. Làm đến thông-ngôn là mãn-nguyện rồi, bụng bảo rạ rằng: rỗi lắm, định làm vua Tây hay làm gì?

Từng ấy ông mà lười cũng không tệ lắm. Thế cũng xong! Người nào cứ biết phận người ấy, ông làm nhiều ông xướng, tôi làm ít tôi thế nào đủ ăn mặc tôi! Những ông ấy đã đành đi rồi.

Nhưng có một đám lười nữa, thực là hại, vì mình làm gương cho thiên hạ, miệng chỉ bàn những duy-tân, đi đâu cũng nói chuyện duy-tân, trông người ra cách duy-tân cả, nhưng xét đến việc làm, thì dặt những làm gượng cả. Tài thì có, nhưng làm được việc phải nghĩ, mà nghĩ thì hình như khó nhọc lắm. Cho nên làm việc gì cũng cứ bôi son cho xong việc thì thôi. Mà lại cũng may gặp việc có giạng duy-tân được thì mấy duy mà thôi, chớ giả thử có việc làm khác, thì cũng đến cung cứ buổi buổi, ai bảo làm sao thì cứ thế mà kéo dê cho xong ngày thì thôi.
Một ngày một tháng coi làm ít lắm. Đời người những ba-vạn-sáu-ngàn ngày cũng trán! Cách nuốt giờ ai bán để ta mua.

Thế mà đòi những tự chủ! Thế mà mơ những không thầy! Thế mà suy đi tính lại những dương cờ tự-lập.

Tôi nói thật cho các ông hay, chớ thả ra các ông một mình không ai sai bảo, không vì đồng tiền, thì các ông cũng đến nằm cong tán nhảm mà thôi, đố có chịu làm gì.

Thả ra có tự chủ được hôm trước, thì hôm sau các ông đã không đâm chém ngay thằng kéo cầy để mà lấy vị cao quyền nhớn, để mà ngồi rồi ăn không ngay; không thế, tôi cứ xin đi đàng đầu!

Giời hỡi giời! Trông thấy phong cảnh mà trán! Làm đầy tớ chẳng nên, lại cứ muốn làm thầy, thì làm thầy làm sao được hả giời?

Trước hết nên nghĩ đã, các ông ơi! Hễ trong nước, mười người còn chín người mấy cũng còn chưa làm gì ai được, nữa huống chi là trong một ngàn người thì có 999 khúc gỗ.
H.Phúc chuyển

Các ông có muốn khỏi phải thầy, khỏi phải roi đét đít, khỏi phải dấn đầu tát tai, khỏi phải người chửi rủa, cho là con lợn, con chó, thì trước hết phải bảo nhau sửa tính lại đã mới được.

Một ngày có 24 giờ, chia ba ngủ mất một phần, ăn chơi mất một ít nữa, cho là còn nửa. Còn có nửa thì một phần làm đầy-tớ ấy thì nhờ ai lấy cơm gạo phải biết thủ cái nghĩa-vụ mình với người ta, làm việc phải cho nó xứng với cái công người ta thuê mình, vì rằng; có làm đầy-tớ phải đạo, mới đáng làm thầy. Mà được thầy giộng lượng, không kèm-thúc như cu-li, như thợ thuyền, thì lại phải làm thế nào cho xứng cái lòng tin ấy mới phải là người có học thức. Thế là đạo làm tớ, nên thầy đó. Còn cái nửa làm thầy ở nhà, thì phải biết dùng lắm việc hay. Nghĩ đến có biết tôi đòi là cực, thì những lúc được nhàn, phải làm làm sao cho đáng khỏi tôi đòi mới được.

Tự biết mình có tài hơn thiên-hạ, thì phải dùng cái tài ấy cho hết lực để người khác được nhờ mới được. Không thế thì ai gọi là tài. Ông tài ở nhà nhà ông, thì người mặc ông, chứ ai ơn gì? Thiên-hạ có tôn ông lên bậc đàn anh, cũng chỉ hòng có ngày được dùng tài của ông mà thôi.

Ảnh: Hai người đàn ông An Nam hút thuốc phiện
nguồn: Tân Nam Tử
#LSVNQA
#DaiViettangthu

mardi 3 décembre 2019

Bí quyết giúp cuộc sống về hưu không buồn chán


Thứ tư, 4/12/201908:00 (GMT+7)
   

Bí quyết giúp cuộc sống về hưu không buồn chán

Tập thể dục, ăn uống khoa học, sống có mục đích, duy trì mối quan hệ xã hội… giúp chuỗi ngày nghỉ hưu không tẻ nhạt, cô đơn.

Hãy tưởng tượng, bạn thức dậy trong ngày đầu tiên sau khi về hưu với cảm giác trống rỗng và tự hỏi "Bây giờ mình sẽ làm gì đây?" Câu trả lời dành cho bạn là: "Có rất nhiều điều bạn có thể làm để ngày càng hạnh phúc và minh mẫn hơn".
Dưới đây là những bí quyết sau do Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Ngọc Hương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng NutiFood gợi ý.
Tập luyện giữ phong độ
Việc tập luyện đều đặn giúp duy trì sự nhanh nhẹn của cơ thể, tăng sức cơ, giảm tích lũy mỡ, kiểm soát cảm xúc và phòng ngừa một số bệnh mạn tính không lây, như loãng xương, các bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2, rối loạn mỡ máu và một số bệnh ung thư.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, thời gian tập luyện trung bình của người về hưu là 150–300 phút mỗi tuần, nên chọn loại hình tập luyện phù hợp với thế trạng, tình trạng sức khỏe.
Ăn uống khoa học để khỏe mạnh
Để giữ được dáng vóc cân đối và khỏe mạnh, người già nên ăn ít hơn lúc chưa về hưu. Ưu tiên ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Chủ động giảm ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, chất béo và muối khi chế biến các món ăn. Chỉ nên dùng dưới 20g đường mỗi ngày. Hạn chế rượu, bia, thuốc lá.
Ngoài ra người cao tuổi cũng nên dùng một đến hai ly sữa mỗi ngày. Nên chọn loại sữa có các dưỡng chất hỗ trợ cho các vấn đề sức khỏe thường gặp ở tuổi về hưu. Cụ thể là có cholin hỗ trợ hoạt động não bộ; MUFA-PUFA tốt cho tim mạch; bifidobacterium lactis và chất xơ giúp giảm táo bón; bộ 3 dưỡng chất phòng chống loãng xương là canxi, vitamin D3, vitamin K2; cordycepin chiết xuất từ đông trùng hạ thảo, là một hoạt chất thời thượng được chứng minh có tác dụng tăng cường sức đề kháng và tham gia điều hòa hoạt động chuyển hóa đường và chất béo trong cơ thể.
Dùng ngũ cốc - lương thực (gạo, nếp) nguyên hạt và tăng cường sử dụng đậu nành hàng ngày. Ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống đủ nước (1,5-2 lít mỗi ngày).
Sống có mục đích
Làm công việc bán thời gian, tham gia một nhóm từ thiện chăm sóc cho người già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, hỗ trợ các con chăm sóc cháu... sẽ thêm sắc màu cho cuộc sống. Bên cạnh đó, ứng phó với các tình huống bất ngờ xảy đến qua các công việc này sẽ giúp người cao tuổi thêm tinh anh, minh mẫn hơn.
Du lịch cũng là một lựa chọn tuyệt vời dành cho người trong độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, cần cẩn trọng vấn đề sức khỏe. Người cao tuổi nên ghi nhớ mang theo đầy đủ thuốc và dụng cụ y tế, và tham khảo ý kiến bác sĩ khi đi du lịch. Nên du lịch theo nhóm cùng người thân hoặc bạn bè để có thể hỗ trợ lẫn nhau khi cần.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hương lưu ý nếu muốn du lịch, người cao tuổi nên du lịch theo nhóm để dễ hỗ trợ lẫn nhau khi cần.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hương lưu ý nếu muốn du lịch, người cao tuổi nên du lịch theo nhóm để dễ hỗ trợ lẫn nhau khi cần.
Duy trì các mối quan hệ xã hội
Nhắn tin, trò chuyện với các đồng nghiệp cũ, hẹn uống cà phê với nhóm bạn thân thời trung học, đi bộ theo nhóm... sẽ giúp người cao tuổi duy trì bền vững các mối quan hệ xã hội. Điều này không chỉ giảm cảm giác cô đơn mà còn giúp người già thêm nhanh nhẹn, hoạt bát và tươi trẻ. 
Không nuông chiều bản thân
Đôi khi người cao tuổi sẽ nghĩ "về hưu rồi thì phải thế chứ" để biện luận cho sự chậm trễ của bản thân với những kế hoạch tích cực hoặc sự dễ dãi quá độ trong ăn uống, ngủ nghỉ... Sự nuông chiều bản thân sẽ làm họ mau lão hóa và dần mất đi những suy nghĩ tích cực.  
Chủng ngừa và khám sức khỏe định kỳ
Đừng quên tiêm vắc xin ngừa bệnh cúm và bệnh viêm phổi, đây là một trong những cách giúp người cao tuổi giảm số lần đi gặp bác sĩ trong năm.
Bên cạnh đó, hãy kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ, điều trị bệnh đúng và sớm sẽ giúp người già tránh được sự tàn phá cơ thể do bệnh tật và thuốc.
Bảo Trân

dimanche 1 décembre 2019

Chuyến Du Hành của Đức Thánh Cha bên Nhật Bản

Đức Thánh Cha: “Đây là điều châu Á có thể trao tặng phương Tây”

Chiều 23/11, sau khi vừa đến Nhật Bản, tại Tòa Sứ thần, Đức Thánh Cha đã gặp các Giám mục Nhật Bản.

Sau bài diễn văn đã chuẩn bị sẵn, Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi của các Giám mục trong cuộc trò chuyến kéo dài nửa giờ.

Ước mơ truyền giáo ở Nhật Bản

Câu hỏi đầu tiên là về ước mơ của vị linh mục trẻ Bergoglio, người rẩ muốn đến Nhật Bản truyền giáo. Đức Thánh Cha trả lời: “Tôi muốn đến Nhật truyền giáo khi tôi đang học triết học. Nhật Bản rất thu hút tôi… tôi không biết tại sao. Đó là một nơi truyền giáo, có thể la vì vẻ đẹp nên tôi ao ước đến Nhật. Sau đó, tôi đã chính thức xin cha Tổng quyền mới được bầu, cha Arrupe. Nhưng vì tôi đã bị cắt một lá phổi nên ngài trả lời “không”: không, sức khỏe của cha không cho phép. Và ngài còn nói thêm rằng tôi phải hướng nhiệt tâm tông đồ sang một hướng khác. Ngài làm cho tôi nghĩ rằng tôi sẽ còn sống một ít năm nữa thôi. Nhưng khi làm giám tỉnh tôi đã “trả thù” bằng cách gửi 5 người trẻ sang Nhật.”

Tấm hình em bé Nagasaki: "Thành quả của chiến tranh"

Câu hỏi tiếp theo là Đức Thánh Cha đã tìm thấy tấm hình em bé Nagasaki đang chờ để đưa em trai bị giết bởi bức xạ bom nguyên tử vào lò hỏa táng. Đức Thánh Cha đã in nó thành hàng ngàn bản và phân phát khắp nơi. Ngài trả lời: "Tôi không nhớ rõ. Nhưng khi đó tôi đã là Giáo hoàng. Ai đó đã gửi nó cho tôi, tôi tin rằng đó là một nhà báo và khi tôi nhìn thấy nó, nó đã chạm vào trái tim tôi. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều khi nhìn vào bức tranh đó, và trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ đăng nó và sử dụng nó như một tấm card để phân phát ... Tôi chỉ thêm một tiêu đề: "Thành quả của chiến tranh". Và tôi đã phân phát nó ở khắp mọi nơi…”

Sứ điệp cho người trẻ: hãy luôn bước đi!

Được hỏi đâu là sứ điệp chính mà ngài dự định mang đến Nhật trong những ngày này, Đức Thánh Cha nói: “Sứ điệp đầu tiên tôi đã trao cho các bạn trẻ ở phi trường. Họ rất đông và nói với tôi: ‘Xin Cha cho người trẻ chúng con một sứ điệp!’. Tôi quan sát họ và nói: ‘Hãy bước đi, luôn bước đi và ai biết, có thể con sẽ ngã nhưng mà như thế con học đứng đậy và phát triển trong cuộc sống’. Sau đó, tôi nhận ra rằng vô thức đã phản bội tôi vì đó là một thông điệp chống lại sự cầu toàn và chán nản của những người trẻ tuổi khi họ không có được những gì họ muốn và có quá nhiều phiền muộn, tự tử và những vấn đề mà bạn biết”.

Sự gần gũi

Đức Thánh Cha nói thêm rằng một từ quan trọng khác trong các thông điệp của ngài tại Nhật Bản sẽ là "sự gần gũi": "Đối với gia đình, và nhất là đối với các linh mục và những người nam nữ tận hiến, các giáo lý viên, tôi mong họ không nản lòng, mong họ gần gũi với dân Chúa để sứ điệp đến với người dân”. Đức Thánh Cha cũng nói trước rằng trong các chuyến thăm tới Nagasaki và Hiroshima, ngài sẽ lên án việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chiều kích siêu việt của Giáo hội Á châu

Được hỏi sau những chuyến thăm các nước khác nhau của Á châu, đâu là đóng góp của Giáo hội Á châu cho Giáo hội hoàn vũ mà Đức Thánh Cha mong đợi, ngài trả lời: “Điều đầu tiên làm tôi xúc động đó là sự siêu việt. Giáo hội Á châu là một Giáo hội với chiều kích siêu việt, bởi vì trong nền văn hóa của các quốc gia này có một dấu hiệu cho thấy tất cả không kết thúc trên trái đất này. Chiều kích siêu việt này tốt cho các quốc gia phương Tây. Chúng ta cần điều đó.”

Đức Thánh Cha được tặng áo số 86

Đức Giám mục của Hiroshima tặng Đức Thánh Cha một áo thun bóng đá có số 86, để tưởng nhớ ngày (6 tháng 8) về vụ nổ nguyên tử tàn phá thành phố… Đức Thánh Cha nói rằng ngài thích chơi bóng đá, một niềm đam mê lớn của ngài, nhưng với kết quả tồi tệ: "Họ gọi tôi là “patadura", chân gỗ, và họ đưa tôi vào nhà". Vào cuối buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã mời các giám mục đọc lại số 80 của Tông huấn Evangelii nuntiandi của thánh Giáo hoàng Phaolô VI, về việc phân biệt nhà truyền giáo tốt với nhà truyền giáo xấu.


Đức Thánh Cha gửi sứ điệp chống võ khí hạt nhân từ Nagasaki
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp chống võ khí hạt nhân từ Nagasaki. | Vatican News

Sáng Chúa nhật 24/11/2019, dưới trời mưa tầm tã, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp kêu gọi tiến đến một thế giới không còn võ khí hạt nhân, và dùng tiền sắm võ khí để phát triển sự sống của con người.



Nagasaki là chặng dừng đầu tiên của Đức Thánh Cha trong ngày thứ hai viếng thăm Nhật Bản.

Sáng sớm, ngài rời Tòa Sứ Thần để ra phi trường Tokyo-Haneda đáp máy bay lúc quá 7 giờ để đi Nagasaki cách đó 1.100 cây số về hướng tây nam. Thành phố này có hơn 416 ngàn dân cư và là một trong những hải cảng chính của Nhật. Hồi thế kỷ 16, đây là nơi các thừa sai cập bến để vào truyền đạo tại Nhật. Nhiều thánh đường được kiến thiết tại đây, đến độ Nagasaki được mệnh danh là “Roma nhỏ”.

Trong thời bách hại Công Giáo, một số lớn các thừa sai và tín hữu chịu tử đạo trên đồi Nishizaka và nhiều giáo dân khác bị sát hại tại Unzen năm 1627.

Trong thế chiến thứ hai, Nagasaki là nơi bị máy bay Mỹ dội bom nguyên tử ngày 09/08/1945, làm cho 40 ngàn người chết ngay tại chỗ và nhiều người khác chết sau đó vì phóng xạ. Hơn 1 phần 3 thành phố bị san bình địa. Sau đó, thành phố này đã được tái thiết đẹp đẽ, và một công viên hòa bình đã được kiến thiết, được dùng làm nơi tưởng niệm và cầu nguyện hàng năm.

Về phương diện Giáo Hội, Nagasaki đưa kia là trung tâm Công Giáo của Nhật Bản và hiện nay tổng giáo phận này có 61.200 tín hữu với 72 giáo xứ, 135 linh mục triều và dòng, 680 nữ tu và 5 đại chủng sinh.
Công bố sứ điệp hòa bình

Đức Thánh Cha đến phi trường Nagasaki lúc 9 giờ 20 và được chính quyền và giáo quyền địa phương đón tiếp. Hai em bé trong y phục truyền thống tặng hoa cho ngài. Liền đó, Đức Thánh Cha đi xe thẳng tới Công viên và trung tâm triển lãm vụ ném bom nguyên tử ngày 09 tháng 08 năm 1945, gọi là Atomic Bomb Hypocenter cách đó 35 cây số. Tại đây có bia ghi tên các nạn nhân và pho tượng cầu nguyện cho hòa bình cao 10 mét, cùng với nhiều tác phẩm nghệ thuật khác do các nơi trên thế giới gửi tặng.

Trời mưa tầm tã nên hàng trăm người hiện diện mặc áo mưa màu trắng hoặc màu vàng.

Tại lễ đài trong công viên lúc 10 giờ 15, đã diễn ra nghi thức công bố sứ điệp. Đức Thánh Cha được ông tỉnh trưởng và thị tưởng Nagasaki chào đón. Hai nạn nhân trao hoa cho ngài để đặt dưới chân đài tưởng niệm và Đức Thánh Cha thắp lên ngọn nến sáng hòa bình, trước khi cầu nguyện trong thinh lặng trước đài tưởng niệm.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Trong sứ điệp công bố bằng tiếng Tây Ban Nha và được 1 linh mục dòng Tên Tây Ban nha dịch ra tiếng Nhật, Đức Thánh Cha nói:

“Một trong những ước muốn sâu đậm nhất của tâm hồn con người là ước muốn hòa bình và ổn định. Việc sở hữu các võ khí hạt nhân và những võ khí tàn sát tập thể khác không phải là câu trả lời tốt nhất cho ước muốn ấy, trái lại dường như chúng liên tục tạo thử thách cho nó. Thế giới chúng ta đang chịu quan niệm xấu xa, đó là ước muốn bênh vực và bảo đảm sự ổn định và hòa bình dựa trên căn bản một thứ an ninh giả tạo được hỗ trợ bằng một tâm thức sợ hãi và thiếu tín nhiệm, rốt cuộc nó làm ô nhiễm những tương quan giữa các dân tộc và ngăn cản mọi khả năng đối thoại.”
Không thể xây dựng hòa bình trên sợ hãi

“Hòa bình và sự ổn định quốc tế là điều không thể dung hợp với bất kỳ toan tính xây dựng trên sự sợ hãi tàn phá nhau hoặc trên một đe dọa tiêu diệt hoàn toàn; hòa bình và ổn định chỉ có thể khởi hành từ một nền luân lý đạo đức hoàn cầu về tình liên đới và cộng tác để phục vụ một tương lai được hình thành do sự lệ thuộc lẫn nhau và đồng trách nhiệm trong toàn thể gia đình nhân loại hôm nay và ngày mai.”
Lên án chạy đua võ trang

“Ở đây, tại thành phố này là chứng nhân những hậu quả thảm khốc về nhân mạng và môi trường do cuộc tấn công hạt nhân gây ra, những toan tính lên tiếng chống lại cuộc chạy đua võ trang sẽ không bao giờ đủ. Thực vậy, cuộc chạy đua này phí phạm những tài nguyên quý giá, lẽ ra có thể được dùng để thực thi sự phát triển toàn diện cho các dân tộc và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Trong thế giới ngày nay, có hàng triệu trẻ em và những gia đình sống trong những điều kiện không xứng với con người, tiền bạc bị chi tiêu và những lợi nhuận bị dùng để chế tạo, tối tân hóa, bảo trì và bán các võ khí, ngày càng có sức tàn phá, đó thực là một cuộc khủng bố liên tục kêu thấu tới trời.”
Lý tưởng: Thế giới không võ khí hạt nhân

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Một thế giới an bình, không có võ khí hạt nhân, là khát vọng của hàng triệu người nam nữ ở mọi nơi. Biến lý tưởng này thành thực tại đòi phải có sự tham gia của tất cả mọi người: cá nhân, cộng đoàn tôn giáo, các xã hội dân sự, các quốc gia có võ khí hạt nhân và những nước không có, các lãnh vực quân sự và tư nhân, các tổ chức quốc tế. Câu trả lời của chúng ta cho sự đe dọa của các võ khí hạt nhân phải có tính chất tập thể và có phối hợp, dựa trên sự liên lỷ cố gắng kiến tạo một sự tín nhiệm nhau, phá vỡ năng động của sự nghi kỵ đang thắng thế hiện nay. Năm 1963, Thánh Gioan XXIII, trong thông điệp Pacem in terris (Hòa bình dưới thế), khi yêu cầu cấm các võ khí hạt nhân (Xc. n. 60), đã khẳng định rằng một nền hòa bình quốc chân chính và lâu bền không thể dựa trên sự quân bình giữa các lực lượng quân sự, nhưng chỉ dựa trên sự tín nhiệm nhau (Xc. n. 61).
Loại bỏ nghi kỵ nhau

Cần phá vỡ năng động của sự nghi kỵ đang thịnh hành và có nguy cơ đi tới độ ở công trình quốc tế kiểm soát sự võ trang. Chúng ta đang chứng kiến một sự hao mòn chủ trương đa phương, và càng trầm trọng hơn đứng trước sự phát triển các kỹ thuật mới về võ khí; lối tiếp cận này dường như không nhất quán trong bối cảnh hiện nay, đặc tính lệ thuộc lẫn nhau và tạo nên một tình trạng đòi phải cấp thiết quan tâm và tận tụy của tất cả các vị lãnh đạo.
Vai trò của Giáo Hội Công Giáo

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo quyết liệt dấn thân không thể hồi lại trong quyết định thăng tiến hòa bình giữa các dân tộc và quốc gia: đó là một nghĩa vụ mà Giáo Hội cảm thấy bị bó buộc phải chu toàn trước mặt Chúa và tất cả mọi người nam nữ trên trái đất này. Chúng ta không bao giờ có thể mệt mỏi khi làm việc và nhấn mạnh không chút do dự về các văn kiện công pháp quốc tế chính yếu liên quan đến giải trừ võ trang và không làm lan tràn võ khí hạt nhân, kể cả Hiệp ước về việc cấm các võ khí hạt nhân. Hồi tháng 7 vừa qua, các Giám mục Nhật Bản đã lên tiếng kêu gọi bãi bỏ các võ khí hạt nhân và trong tháng 8 hàng năm, Giáo Hội Nhật cử hành một cuộc gặp gỡ cầu nguyện trong 10 ngày cho hòa bình. Ước gì kinh nguyện, việc tìm kiếm không biết mệt mỏi để cổ võ các hiệp định, sự nhấn mạnh về đối thoại là “những võ khí” chúng ta đặt tin tưởng và là nguồn gợi hứng cho những cố gắng để xây dựng một thế giới công bằng và liên đới, mang lại những bảo đảm thực sự cho hòa bình.”
Kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị

Đức Thánh Cha xin các vị lãnh đạo chính trị đừng quên rằng các võ khí hạt nhân không bảo vệ chúng ta khỏi những đe dọa cho an ninh quốc gia và quốc tế thời này. “Cần cứu xét hậu quả thê thảm của việc sử dụng các võ khí ấy về phương diện nhân mạng và môi trường, từ bỏ củng cố một bầu không khí sợ hãi, nghi kỵ và đố kỵ, do những chủ thuyết về hạt nhân thổi lên. Tình trạng hiện nay của trái đất chúng ta đòi phải nghiêm túc suy tư về việc làm sao sử dụng tất cả các tài nguyên ấy, đứng trước những khó khăn và phức tạp trong việc thực hiện chương trình 2030 phát triển dài hạn, làm sao đạt tới những mục tiêu như sự phát triển con người toàn diện.”

Và sau cùng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hiệp ý với ngài trong kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi.

Sau buổi công bố sứ điệp hòa bình, Đức Thánh Cha lên đồi Nishizaka cách đó 3 cây số, nơi hành quyết thánh Phaolô Miki và 25 thánh tử đạo Nhật bản hồi năm 1597. Tại đây ngài chủ sự nghi thức tôn kính các thánh tử đạo và đọc kinh Truyền Tin.













Đức Thánh Cha Phanxico đến Hiroshima, đặt hoa, đốt nến cầu nguyện cho hoà bình ở Đài Tưởng Niệm nạn nhân bom nguyên tử 8/1945 và tiếp xúc với các nạn nhân còn sống sót
















Đức Thánh Cha tưởng niệm các vị tử đạo Nhật Bản và đọc kinh Truyền tin
Đức Thánh Cha đặt một vòng hoa và thắp một ngọn nến sáng để tưởng nhớ các tín hữu Kitô bị bách hại. | Vatican News
Trưa Chúa nhật 24/11/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tưởng niệm các vị tử đạo Nhật Bản trên đồi Nishizaka ở Nagasaki, nơi hành quyết thánh Phaolô Miki và 25 thánh tử đạo Nhật Bản hồi năm 1597.


Sau khi công bố sứ điệp hòa bình và chống võ khí hạt nhân ở Atom Bomb Hypopark, Đức Thánh Cha đã đến Đài các Thánh Tử Đạo cách đó 3 cây số trên đồi Nishizaka. Đài này được xây bằng gạch đỏ có hình tượng 26 thánh tử đạo to bằng người thật hồi năm 1962. Cha Paolo Miki, dòng Tên và 25 vị tử đạo bị sát hại ngày 5 tháng 2 năm 1597 theo lệnh của Sứ quân Toyotomi Hideyoshi; cái chết của các vị mở đầu cho một thời kỳ bách hại Công Giáo dài hai thế kỷ tại Nhật.

Khi đến Đài tưởng niệm, Đức Thánh Cha được ông giám đốc bảo tàng viện, một linh mục và một tu huynh thuộc cộng đoàn dòng Tên ở địa phương chào đón, và một gia đình trao hoa cho ngài để đặt tại Đài tưởng niệm. Ngài cũng thắp lên một ngọn nến sáng để tưởng nhớ tất cả các tín hữu Kitô bị bách hại, rồi cầu nguyện trong thinh lặng, trước khi xông hương các thánh tích.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Đài kỷ niệm này gợi lại những cuộc hành quyết và tên của các tín hữu Kitô đã chịu tử đạo xưa kia, bắt đầu là Cha Phaolo Miki và các bạn tử đạo ngày 05/02/1597, và đông đảo các vị khác đã thánh hóa khu đất này bằng đau khổ và cái chết của các vị.
Đài này biểu tượng chiến thắng của sự sống

Đức Thánh Cha nói: “Nhưng chắc chắn rằng Đài Tưởng Niệm này, nói với chúng ta về sự chiến thắng của sự sống hơn là sự chết. Thánh Gioan Phaolô II đã nhìn nơi này không phải như một núi các vị tử đạo, nhưng như một Núi Phúc thật, nơi chúng ta có thể nhận thấy chứng tá của những người đầy Thánh Linh, được tự do đối với sự ích kỷ, tiện nghi thoải mái và khỏi sự kiêu ngạo (Xc. Gaudete et exsultate, 65). Bởi vì nơi đây, ánh sáng Tin Mừng chiếu tỏa trong tình yêu chiến thắng trên sự bách hại và gươm giáo... Đúng vậy, tại đây có tăm tối của chết chóc và tử đạo, nhưng cũng có loan báo ánh sáng phục sinh, nơi mà máu các vị tử đạo trở thành hạt giống sự sống mới mà Chúa Kitô muốn ban cho tất cả chúng ta. Chứng tá của các vị củng cố chúng ta trong đức tin và giúp chúng ta canh tân lòng tận tụy và quyết tâm để sống ơn gọi làm môn đệ thừa sai, biết làm việc cho một nền văn hóa có khả năng bảo vệ và luôn bênh đỡ mỗi sự sống, qua “sự tử đạo” trong việc phục vụ âm thầm hằng ngày dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người túng thiếu nhất”.
Hiệp với các tín hữu Kitô đang đau khổ

Và Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em, tại nơi này chúng ta cũng hãy hiệp với các tín hữu Kitô tại nhiều nơi trên thế giới đang chịu đau khổ và sống cuộc tử đạo vì đức tin. Các vị tử đạo của thế kỷ 21 đang đặt câu hỏi cho chúng ta qua chứng tá của họ để chúng ta can đảm tiến vào con đường các Mối Phúc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và với họ, lên tiếng để tự do tôn giáo được bảo đảm cho tất cả mọi người ở mọi nơi trên trái đất và chúng ta hãy lên tiếng chống lại mọi thứ lèo lái các tôn giáo, do những chính sách cực đoan và chia rẽ, cũng như do chế độ kiếm lợi vô độ và những xu hướng ý thức hệ đáng ghét, lèo lái các hoạt động và vận mệnh của con người” (Văn kiện Abu Dhabi 04/02/2019).

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, và Nữ Vương các vị tử đạo, cũng như xin thánh Phaolô Miki và tất cả các bạn, qua dòng thời gian đã công bố những kỳ công của Chúa bằng chính cuộc sống, xin các vị cầu bầu cho đất nước chúng ta và toàn thể Giáo Hội để những hy sinh của các ngài khơi lên những niềm vui cho việc truyền giáo được sinh động”.

Sau khi đọc kinh truyền tin và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha đã về tòa Tổng giám mục Nagasaki. Tại đây ngài đã được 14 tiểu chủng sinh và 15 đệ tử sinh của hai dòng tu được thành lập tại Nagasaki, chào đón. Rồi Đức Thánh Cha dùng bữa trưa, nghỉ ngơi, để chuẩn bị cử hành thánh lễ lúc 1 giờ rưỡi ở Sân dã cầu tại địa phương.


ĐTC với giới trẻ Nhật: không thể tự chụp hình (selfie) linh hồn
Vào lúc 11 giờ 30’ 25/11/2019, ĐTC di chuyển tới Nhà thờ Chính tòa Thánh Maria để gặp giới trẻ. Trọng tâm của buổi gặp gỡ được bắt đầu với các chứng từ của ba bạn trẻ: Công giáo, Phật giáo và di dân. ĐTC nhấn mạnh: Điều quan trọng không phải là hỏi tại sao tôi sống, nhưng tôi sống vì ai; Chúng ta không thể tự chụp hình selfie cho linh hồn.

Nhà thờ Thánh Maria nằm ở quận Bunkyo, được xây dựng vào năm 1899, bằng gỗ, kiến trúc Gothic. Vào năm 1920 trở thành Nhà thờ Chính tòa và bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai. Nhà thờ mới được kiến trúc sư Kenzo Tange thiết kế vào năm 1960 và khánh thành vào năm 1964. Nhà thờ với kiến trúc hiện đại, được coi là một trong những công trình quan trọng của Tange, người cũng đã thiết kế Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, là một trong những kiến trúc được được đánh giá cao ở Tokyo.

Khi đến nơi, ĐTC được Đức TGM Tokyo, cha xứ và cha Tổng Đại diện chào đón ở lối vào Nhà thờ. Sau đó tất cả tiến vào Nhà thờ và hai bạn trẻ dâng hoa cho ĐTC. ĐTC đến trước Nhà tạm, thinh lặng cầu nguyện.

Trọng tâm của buổi gặp gỡ được bắt đầu với các chứng từ của ba bạn trẻ: Công giáo, Phật giáo và di dân. Sau đó, ĐTC có bài diễn văn dành cho các bạn trẻ dựa trên những chia sẻ và những câu hỏi của ba bạn đại diện.

Cô đơn và cảm giác không được yêu là nghèo đói khủng khiếp nhất

Trả lời cho câu hỏi của Miki “làm thế nào để người trẻ có thể dành một chỗ cho Chúa trong một xã hội cuồng nhiệt và chỉ tập trung vào việc cạnh tranh và lợi nhuận”, ĐTC nói: “Chúng ta thường thấy có những người hoặc cộng đoàn bên ngoài thì phát triển tốt nhưng đời sống nội tâm thì giảm sút. Đối với họ, mọi thứ trở nên nhàm chán, họ không còn mơ ước, họ không mĩm cười, họ không chơi, họ không biết cảm giác tuyệt vời và những điều bất ngờ. Giống như xác chết, trái tim họ đã ngừng đập vì không thể vui hưởng cuộc sống với người khác. Có bao nhiêu người trên thế giới giàu có về vật chất, nhưng sống cô đơn! Mẹ Teresa, người làm việc giữa những người nghèo đã từng nói ngôn sứ: “Cô đơn và cảm giác không được yêu là nghèo đói khủng khiếp nhất”.

Điều quan trọng không phải là: tại sao tôi sống, nhưng tôi sống vì ai?

Tới đây, ĐTC mời gọi các bạn trẻ “Đấu tranh chống lại sự nghèo nàn tinh thần là một nhiệm vụ mà tất cả chúng ta được mời gọi. Chúng ta phải ý thức rằng điều quan trọng không phải là tất cả những gì tôi sở hữu, mà là tôi có thể chia sẻ với ai điều tôi có được. Điều quan trọng không phải là hỏi tại sao tôi sống, nhưng tôi sống vì ai. Điều quan trọng khi tự hỏi: “Tôi sống cho ai?”. Tất nhiên, các bạn sống cho Thiên Chúa. Nhưng Người cũng đã định rằng các bạn cũng cần sống cho người khác, và Người đã ban cho các bạn nhiều đức tính, khuynh hướng, tài năng và đặc sủng không cho riêng các bạn, mà là để chia sẻ với những người xung quanh các bạn” (Christus vivit, 286).

Không thể tự chụp hình (selfie) cho linh hồn

Trả lời cho câu hỏi của Masako, một giáo viên, ĐTC nói: “Masako hỏi làm thế nào giúp đỡ người trẻ để họ nhận ra điều tốt và giá trị của họ. Một lần nữa, cha muốn nói rằng để phát triển, để khám phá căn tính, chúng ta không thể nhìn vào cái gương. Nhân loại đã phát minh ra rất nhiều thứ, nhưng chúng ta không thể tự chụp hình selfie cho linh hồn chúng ta. Để hạnh phúc, chúng ta cần nhờ người khác giúp đỡ, nghĩa là ra khỏi chính mình và đến với người khác, đặc biệt là những người cần sự giúp đỡ hơn cả”.

“Một vị thầy khôn ngoan đã từng nói rằng chìa khóa để phát triển trí tuệ không phải là việc tìm ra câu trả lời đúng, mà là ở việc khám phá ra những câu hỏi đúng. Cha hy vọng các con có thể đặt câu hỏi hay, tự đặt câu hỏi và giúp người khác hỏi những câu hỏi tốt về ý nghĩa cuộc sống và làm thế nào chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt hơn cho những người đến sau chúng ta”.

Cuối cùng trả lời cho câu hỏi của Leonardo, một bạn trẻ di dân, bị bắt nạt ở trường, ĐTC cám ơn và ca ngợi hành động can đảm của Leonardo vì dám nói đau khổ của mình tại cuộc gặp gỡ này. ĐTC nói nạn bắt nạt nơi học đường làm tổn thương tinh thần và lòng tự trọng của chúng ta trong lúc chúng ta cần thêm sức mạnh để chấp nhận bản thân và đối diện với những thách đố mới trong cuộc sống.

Cùng nhau chống lại văn hóa bắt nạt ở trường học

ĐTC nhắc nhở: “Tất cả chúng ta phải cùng nhau chống lại văn hóa bắt nạt này và học cách nói: thôi đủ rồi! Đó là một bệnh truyền nhiễm mà thuốc tốt nhất cho căn bệnh này ở nơi các con. Các con phải cùng nhau nói: Không! Điều này thật tệ! Không có vũ khí nào lớn hơn để bảo vệ bản thân khỏi những hành động này hơn là “đứng dậy” giữa bạn bè và nói: “Những gì bạn đang làm là một việc nghiêm trọng”.
“Đừng sợ hãi, vì sợ hãi luôn là kẻ thù của điều tốt, là kẻ thù của tình yêu và hòa bình. Các tôn giáo lớn dạy lòng khoan dung, hòa hợp và thương xót; họ không dạy sợ hãi, chia rẽ và xung đột. Chúa Giêsu luôn nói với những người theo Ngài: đừng sợ”.

ĐTC kết thúc bài diễn văn với lời mời gọi các bạn trẻ hãy quảng đại trao ban cho người khác tất cả những gì mình có thể, mặc dù ý thức mình vẫn còn thiếu nhiều thứ. Cụ thể, ĐTC mời các bạn dành thời gian cho người khác, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, hiểu họ. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể mở cuộc đời và vết thương lòng cho một tình yêu có thể biến đổi chúng ta và bắt đầu thay đổi thế giới xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta không trao ban và nếu chúng ta “tiết kiệm thời gian” với người khác, chúng ta sẽ mất thời gian vào nhiều thứ. Và vào cuối ngày, chúng ta cảm thấy trống rỗng và bàng hoàng, giống như bị bội thực. Vì thế, hãy dành thời gian cho gia đình và bạn bè, và đặc biệt cho Chúa trong cầu nguyện.

Kết thúc buổi gặp gỡ, trong lúc ca đoàn hát, đại diện bạn trẻ dâng quà cho Đức Thánh Cha.













HIROSHIMA: "TÔI ĐANG CHỜ ĐỢI PHÉP LÀNH CỦA Đ.T.C. PHANXICÔ CHO NHỮNG NẠN NHÂN CỦA VỤ ĐÁNH BOM NGUYÊN TỬ"


Tin Hiroshima, Nhật Bản: Trong một bài báo vừa qua kể về câu chuyện của bà Setsuko Hattori, một bà cụ 92 tuổi sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử. Do căn bệnh về tủy xương, bà Setsuko sẽ không thể tham dự Thánh lễ do Đ.T.C. Phanxicô chủ sự vào ngày 24 tháng 11. Bà chia sẻ: “Tôi chờ đợi phép lành của Đ.T.C. Phanxicô nhiều hơn những lời ngài sẽ phát biểu tại Hiroshima. Tôi rất vui mừng khi ngài đến Hiroshima. Và tôi chắc chắn sẽ dõi theo ngài qua việc cầu nguyện”. Đây chính là niềm hy vọng được thể hiện bởi bà Setsuko Hattori, một “hibakusha” (người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử). Sau vụ nổ bom, vào ngày 6/8/1945, người phụ nữ này đã trở thành một tín hữu Công giáo. Đây là lời chứng của bà Setsuko Hattori: “Qua cuộc sống nghèo khó của tôi, một số người đã biết đến Giáo hội Công giáo”. Tôi sinh ra tại Hiroshima thuộc quận Hakushima, cách trung tâm vụ nổ 2 km về phía bắc. Tôi đã luôn sống ở đây, trước và sau chiến tranh, và thậm chí sau khi kết hôn.


ĐTC gặp chính quyền và ngoại giao của Nhật

Sau khi kết thúc Thánh Lễ, ĐTC đã đến khu phức hợp Kantei cách đó 6,4 km. Trước tiên, ĐTC gặp riêng Thủ thướng Nhật, ngài Shinzō Abe, trong khoảng 30 phút. Sau đó, ĐTC di chuyển qua hội trường lớn để gặp các quan chức chính phủ và ngoại giao.


Thủ tướng Shinzō Abe đã có diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha và diễn tả lòng cảm kích khi ĐTC luôn gởi những sứ điệp quan tâm đến thiên tai tại Nhật Bản hay những lời chúc mừng trong những dịp quan trọng.

ĐTC đáp lời trong diễn văn với lời cảm ơn về sự đón tiếp ngài tại Nhật Bản và nhắc lại mối quan hệ hữu nghị từ rất lâu giữa Tòa thánh và Nhật Bản, bắt nguồn từ sự quý trọng và ngưỡng mộ mà các nhà truyền giáo đầu tiên đã dành cho đất nước này, chỉ cần nhớ lại những lời của tu sĩ Dòng Tên Alessandro Valignano, đã viết năm 1579: “Bất cứ ai muốn xem những gì Chúa chúng ta đã trao cho con người thì chỉ cần đến Nhật Bản và sẽ nhìn thấy thấy nó”.

ĐTC nói với các quan chức chính phủ và ngoại giao về mục đích chuyến đi của ngài: “Tôi đến đây để củng cố người Công giáo Nhật trong đức tin và trong sự dấn thân bác ái của họ đối với những người nghèo và phục vụ đất nước với niềm tự hào của một công dân.”

Theo bước chân của những vị tiền nhiệm, tôi muốn khẩn cầu cùng Chúa và mời gọi tất cả mọi người thiện chí tiếp tục thúc đẩy công cuộc hòa giải cần thiết để trong lịch sử nhân loại, sự hủy diệt do bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki sẽ không bao giờ lặp lại.

Lịch sử dạy chúng ta rằng xung đột giữa các dân tộc và các quốc gia, ngay cả những vấn đề nghiêm trọng nhất, chỉ có thể tìm ra giải pháp hợp thức thông qua đối thoại, là vũ khí duy nhất xứng đáng với con người và có khả năng đảm bảo một nền hòa bình dài lâu. Tôi tin rằng cần phải giải quyết vấn đề hạt nhân ở cấp độ đa phương, thúc đẩy một tiến trình chính trị và thể chế có khả năng tạo ra sự đồng thuận và hành động quốc tế rộng lớn hơn. Một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại – đánh dấu bằng sự khôn ngoan, tầm nhìn và chân trời rộng mở – là điều cần thiết để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn.

Đức Thánh Cha ca ngợi: “Nhật Bản đã nhận thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy các liên hệ cá nhân trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, khi biết rằng những điều này có thể đóng góp rất lớn cho sự hài hòa, công bằng, liên đới và hòa giải, là chất kết dính để xây dựng hòa bình.” Trong đó, Olympic và Paralympic là một ví dụ, đóng vai trò đẩy mạnh tinh thần đoàn kết vượt khỏi biên giới quốc gia hay khu vực.

Thêm vào đó, ĐTC đánh giá cao về di sản văn hoá mà Nhật Bản đã bảo tồn và phát triển qua nhiều thế kỷ. Đồng thời, “mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo khác nhau không chỉ cần thiết cho một tương lai hòa bình, mà còn chuẩn bị các thế hệ hiện tại và tương lai lấy các nguyên tắc đạo đức làm nền tảng cho một xã hội thực sự công bằng và nhân văn.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến vẻ đẹp thiên nhiên của Nhật Bản, với hình ảnh biểu tượng của hoa anh đào. Tuy nhiên, “sự tinh tế của hoa anh đào nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của ngôi nhà chung của chúng ta, không chỉ chịu thiên tai mà còn do lòng tham, bóc lột và tàn phá bởi bàn tay con người. Khi cộng đồng quốc tế thấy khó tôn trọng các cam kết của mình để bảo vệ thụ tạo, đó là lúc những người trẻ lên tiếng và đòi hỏi các quyết định can đảm. Những người trẻ thách thức chúng ta coi thế giới không phải là sở hữu để khai thác, mà là một gia tài quý giá được truyền lại. Về phần chúng ta, “chúng ta phải đưa ra những câu trả lời thực sự, chứ không phải bằng ngôn từ trống rỗng; bằng hành động chứ không bằng sự ảo tưởng”. (Thông điệp cho Ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thụ tạo 2019).

Về vấn đề này, một cách tiếp cận không thể thiếu để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta cũng phải xét đến hệ sinh thái con người. Dấn thân bảo vệ có nghĩa là phải đối diện với khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo trong một hệ thống kinh tế toàn cầu, làm cho một số ít người được chọn sống sung túc trong khi phần lớn dân số thế giới sống trong nghèo đói. Tôi nhận thức được mối quan tâm của chính phủ Nhật Bản trong việc thúc đẩy các chương trình khác nhau trong vấn đề này và tôi khuyến khích quý vị kiên trì trong việc hình thành nhận thức ngày càng tăng về đồng trách nhiệm giữa các quốc gia trên thế giới.

Cuối cùng, ĐTC nhắc đến phẩm giá con người, ngài nói: “Nhân phẩm phải là trung tâm của mọi hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị; sự nối kết liên thế hệ phải được củng cố, và ở tất cả các cấp độ của đời sống cộng đồng, cần thể hiện mối quan tâm đối với những người bị lãng quên và bị loại trừ. Tôi nghĩ đặc biệt đến những người trẻ, những người thường xuyên cảm thấy choáng ngợp khi đối mặt với những thách thức trưởng thành, và ngay cả cảnh người già và đơn thân chịu cảnh cô lập. Chúng ta biết rằng, cuối cùng, nền văn minh của một quốc gia hay dân tộc được đo lường không phải bởi sức mạnh kinh tế của nó, mà bằng sự quan tâm của nó dành cho những người túng thiếu, cũng như khả năng trở thành người hữu ích và thúc đẩy sự sống.

Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn, toàn bộ cử toạ đứng lên và vỗ tay nồng nhiệt, trong khi Thủ tướng Shinzō Abe tiễn ngài ra xe để về Toà Khâm sứ, cách đó 2,4km. Kết thúc ngày thứ ba trong chuyến viếng thăm 4 ngày của ĐTC tại Nhật Bản.

T.Anh chuyển