Chiều 23/11, sau khi vừa đến Nhật Bản, tại Tòa Sứ thần, Đức Thánh Cha đã gặp các Giám mục Nhật Bản.
Sau bài diễn văn đã chuẩn bị sẵn, Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi của các Giám mục trong cuộc trò chuyến kéo dài nửa giờ.
Ước mơ truyền giáo ở Nhật Bản
Câu hỏi đầu tiên là về ước mơ của vị linh mục trẻ Bergoglio, người rẩ muốn đến Nhật Bản truyền giáo. Đức Thánh Cha trả lời: “Tôi muốn đến Nhật truyền giáo khi tôi đang học triết học. Nhật Bản rất thu hút tôi… tôi không biết tại sao. Đó là một nơi truyền giáo, có thể la vì vẻ đẹp nên tôi ao ước đến Nhật. Sau đó, tôi đã chính thức xin cha Tổng quyền mới được bầu, cha Arrupe. Nhưng vì tôi đã bị cắt một lá phổi nên ngài trả lời “không”: không, sức khỏe của cha không cho phép. Và ngài còn nói thêm rằng tôi phải hướng nhiệt tâm tông đồ sang một hướng khác. Ngài làm cho tôi nghĩ rằng tôi sẽ còn sống một ít năm nữa thôi. Nhưng khi làm giám tỉnh tôi đã “trả thù” bằng cách gửi 5 người trẻ sang Nhật.”
Tấm hình em bé Nagasaki: "Thành quả của chiến tranh"
Câu hỏi tiếp theo là Đức Thánh Cha đã tìm thấy tấm hình em bé Nagasaki đang chờ để đưa em trai bị giết bởi bức xạ bom nguyên tử vào lò hỏa táng. Đức Thánh Cha đã in nó thành hàng ngàn bản và phân phát khắp nơi. Ngài trả lời: "Tôi không nhớ rõ. Nhưng khi đó tôi đã là Giáo hoàng. Ai đó đã gửi nó cho tôi, tôi tin rằng đó là một nhà báo và khi tôi nhìn thấy nó, nó đã chạm vào trái tim tôi. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều khi nhìn vào bức tranh đó, và trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ đăng nó và sử dụng nó như một tấm card để phân phát ... Tôi chỉ thêm một tiêu đề: "Thành quả của chiến tranh". Và tôi đã phân phát nó ở khắp mọi nơi…”
Sứ điệp cho người trẻ: hãy luôn bước đi!
Được hỏi đâu là sứ điệp chính mà ngài dự định mang đến Nhật trong những ngày này, Đức Thánh Cha nói: “Sứ điệp đầu tiên tôi đã trao cho các bạn trẻ ở phi trường. Họ rất đông và nói với tôi: ‘Xin Cha cho người trẻ chúng con một sứ điệp!’. Tôi quan sát họ và nói: ‘Hãy bước đi, luôn bước đi và ai biết, có thể con sẽ ngã nhưng mà như thế con học đứng đậy và phát triển trong cuộc sống’. Sau đó, tôi nhận ra rằng vô thức đã phản bội tôi vì đó là một thông điệp chống lại sự cầu toàn và chán nản của những người trẻ tuổi khi họ không có được những gì họ muốn và có quá nhiều phiền muộn, tự tử và những vấn đề mà bạn biết”.
Sự gần gũi
Đức Thánh Cha nói thêm rằng một từ quan trọng khác trong các thông điệp của ngài tại Nhật Bản sẽ là "sự gần gũi": "Đối với gia đình, và nhất là đối với các linh mục và những người nam nữ tận hiến, các giáo lý viên, tôi mong họ không nản lòng, mong họ gần gũi với dân Chúa để sứ điệp đến với người dân”. Đức Thánh Cha cũng nói trước rằng trong các chuyến thăm tới Nagasaki và Hiroshima, ngài sẽ lên án việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Chiều kích siêu việt của Giáo hội Á châu
Được hỏi sau những chuyến thăm các nước khác nhau của Á châu, đâu là đóng góp của Giáo hội Á châu cho Giáo hội hoàn vũ mà Đức Thánh Cha mong đợi, ngài trả lời: “Điều đầu tiên làm tôi xúc động đó là sự siêu việt. Giáo hội Á châu là một Giáo hội với chiều kích siêu việt, bởi vì trong nền văn hóa của các quốc gia này có một dấu hiệu cho thấy tất cả không kết thúc trên trái đất này. Chiều kích siêu việt này tốt cho các quốc gia phương Tây. Chúng ta cần điều đó.”
Đức Thánh Cha được tặng áo số 86
Đức Giám mục của Hiroshima tặng Đức Thánh Cha một áo thun bóng đá có số 86, để tưởng nhớ ngày (6 tháng 8) về vụ nổ nguyên tử tàn phá thành phố… Đức Thánh Cha nói rằng ngài thích chơi bóng đá, một niềm đam mê lớn của ngài, nhưng với kết quả tồi tệ: "Họ gọi tôi là “patadura", chân gỗ, và họ đưa tôi vào nhà". Vào cuối buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã mời các giám mục đọc lại số 80 của Tông huấn Evangelii nuntiandi của thánh Giáo hoàng Phaolô VI, về việc phân biệt nhà truyền giáo tốt với nhà truyền giáo xấu.
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp chống võ khí hạt nhân từ Nagasaki
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp chống võ khí hạt nhân từ Nagasaki. | Vatican News
Sáng Chúa nhật 24/11/2019, dưới trời mưa tầm tã, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp kêu gọi tiến đến một thế giới không còn võ khí hạt nhân, và dùng tiền sắm võ khí để phát triển sự sống của con người.
Nagasaki là chặng dừng đầu tiên của Đức Thánh Cha trong ngày thứ hai viếng thăm Nhật Bản.
Sáng sớm, ngài rời Tòa Sứ Thần để ra phi trường Tokyo-Haneda đáp máy bay lúc quá 7 giờ để đi Nagasaki cách đó 1.100 cây số về hướng tây nam. Thành phố này có hơn 416 ngàn dân cư và là một trong những hải cảng chính của Nhật. Hồi thế kỷ 16, đây là nơi các thừa sai cập bến để vào truyền đạo tại Nhật. Nhiều thánh đường được kiến thiết tại đây, đến độ Nagasaki được mệnh danh là “Roma nhỏ”.
Trong thời bách hại Công Giáo, một số lớn các thừa sai và tín hữu chịu tử đạo trên đồi Nishizaka và nhiều giáo dân khác bị sát hại tại Unzen năm 1627.
Trong thế chiến thứ hai, Nagasaki là nơi bị máy bay Mỹ dội bom nguyên tử ngày 09/08/1945, làm cho 40 ngàn người chết ngay tại chỗ và nhiều người khác chết sau đó vì phóng xạ. Hơn 1 phần 3 thành phố bị san bình địa. Sau đó, thành phố này đã được tái thiết đẹp đẽ, và một công viên hòa bình đã được kiến thiết, được dùng làm nơi tưởng niệm và cầu nguyện hàng năm.
Về phương diện Giáo Hội, Nagasaki đưa kia là trung tâm Công Giáo của Nhật Bản và hiện nay tổng giáo phận này có 61.200 tín hữu với 72 giáo xứ, 135 linh mục triều và dòng, 680 nữ tu và 5 đại chủng sinh.
Công bố sứ điệp hòa bình
Đức Thánh Cha đến phi trường Nagasaki lúc 9 giờ 20 và được chính quyền và giáo quyền địa phương đón tiếp. Hai em bé trong y phục truyền thống tặng hoa cho ngài. Liền đó, Đức Thánh Cha đi xe thẳng tới Công viên và trung tâm triển lãm vụ ném bom nguyên tử ngày 09 tháng 08 năm 1945, gọi là Atomic Bomb Hypocenter cách đó 35 cây số. Tại đây có bia ghi tên các nạn nhân và pho tượng cầu nguyện cho hòa bình cao 10 mét, cùng với nhiều tác phẩm nghệ thuật khác do các nơi trên thế giới gửi tặng.
Trời mưa tầm tã nên hàng trăm người hiện diện mặc áo mưa màu trắng hoặc màu vàng.
Tại lễ đài trong công viên lúc 10 giờ 15, đã diễn ra nghi thức công bố sứ điệp. Đức Thánh Cha được ông tỉnh trưởng và thị tưởng Nagasaki chào đón. Hai nạn nhân trao hoa cho ngài để đặt dưới chân đài tưởng niệm và Đức Thánh Cha thắp lên ngọn nến sáng hòa bình, trước khi cầu nguyện trong thinh lặng trước đài tưởng niệm.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Trong sứ điệp công bố bằng tiếng Tây Ban Nha và được 1 linh mục dòng Tên Tây Ban nha dịch ra tiếng Nhật, Đức Thánh Cha nói:
“Một trong những ước muốn sâu đậm nhất của tâm hồn con người là ước muốn hòa bình và ổn định. Việc sở hữu các võ khí hạt nhân và những võ khí tàn sát tập thể khác không phải là câu trả lời tốt nhất cho ước muốn ấy, trái lại dường như chúng liên tục tạo thử thách cho nó. Thế giới chúng ta đang chịu quan niệm xấu xa, đó là ước muốn bênh vực và bảo đảm sự ổn định và hòa bình dựa trên căn bản một thứ an ninh giả tạo được hỗ trợ bằng một tâm thức sợ hãi và thiếu tín nhiệm, rốt cuộc nó làm ô nhiễm những tương quan giữa các dân tộc và ngăn cản mọi khả năng đối thoại.”
Không thể xây dựng hòa bình trên sợ hãi
“Hòa bình và sự ổn định quốc tế là điều không thể dung hợp với bất kỳ toan tính xây dựng trên sự sợ hãi tàn phá nhau hoặc trên một đe dọa tiêu diệt hoàn toàn; hòa bình và ổn định chỉ có thể khởi hành từ một nền luân lý đạo đức hoàn cầu về tình liên đới và cộng tác để phục vụ một tương lai được hình thành do sự lệ thuộc lẫn nhau và đồng trách nhiệm trong toàn thể gia đình nhân loại hôm nay và ngày mai.”
Lên án chạy đua võ trang
“Ở đây, tại thành phố này là chứng nhân những hậu quả thảm khốc về nhân mạng và môi trường do cuộc tấn công hạt nhân gây ra, những toan tính lên tiếng chống lại cuộc chạy đua võ trang sẽ không bao giờ đủ. Thực vậy, cuộc chạy đua này phí phạm những tài nguyên quý giá, lẽ ra có thể được dùng để thực thi sự phát triển toàn diện cho các dân tộc và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Trong thế giới ngày nay, có hàng triệu trẻ em và những gia đình sống trong những điều kiện không xứng với con người, tiền bạc bị chi tiêu và những lợi nhuận bị dùng để chế tạo, tối tân hóa, bảo trì và bán các võ khí, ngày càng có sức tàn phá, đó thực là một cuộc khủng bố liên tục kêu thấu tới trời.”
Lý tưởng: Thế giới không võ khí hạt nhân
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
“Một thế giới an bình, không có võ khí hạt nhân, là khát vọng của hàng triệu người nam nữ ở mọi nơi. Biến lý tưởng này thành thực tại đòi phải có sự tham gia của tất cả mọi người: cá nhân, cộng đoàn tôn giáo, các xã hội dân sự, các quốc gia có võ khí hạt nhân và những nước không có, các lãnh vực quân sự và tư nhân, các tổ chức quốc tế. Câu trả lời của chúng ta cho sự đe dọa của các võ khí hạt nhân phải có tính chất tập thể và có phối hợp, dựa trên sự liên lỷ cố gắng kiến tạo một sự tín nhiệm nhau, phá vỡ năng động của sự nghi kỵ đang thắng thế hiện nay. Năm 1963, Thánh Gioan XXIII, trong thông điệp Pacem in terris (Hòa bình dưới thế), khi yêu cầu cấm các võ khí hạt nhân (Xc. n. 60), đã khẳng định rằng một nền hòa bình quốc chân chính và lâu bền không thể dựa trên sự quân bình giữa các lực lượng quân sự, nhưng chỉ dựa trên sự tín nhiệm nhau (Xc. n. 61).
Loại bỏ nghi kỵ nhau
Cần phá vỡ năng động của sự nghi kỵ đang thịnh hành và có nguy cơ đi tới độ ở công trình quốc tế kiểm soát sự võ trang. Chúng ta đang chứng kiến một sự hao mòn chủ trương đa phương, và càng trầm trọng hơn đứng trước sự phát triển các kỹ thuật mới về võ khí; lối tiếp cận này dường như không nhất quán trong bối cảnh hiện nay, đặc tính lệ thuộc lẫn nhau và tạo nên một tình trạng đòi phải cấp thiết quan tâm và tận tụy của tất cả các vị lãnh đạo.
Vai trò của Giáo Hội Công Giáo
Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo quyết liệt dấn thân không thể hồi lại trong quyết định thăng tiến hòa bình giữa các dân tộc và quốc gia: đó là một nghĩa vụ mà Giáo Hội cảm thấy bị bó buộc phải chu toàn trước mặt Chúa và tất cả mọi người nam nữ trên trái đất này. Chúng ta không bao giờ có thể mệt mỏi khi làm việc và nhấn mạnh không chút do dự về các văn kiện công pháp quốc tế chính yếu liên quan đến giải trừ võ trang và không làm lan tràn võ khí hạt nhân, kể cả Hiệp ước về việc cấm các võ khí hạt nhân. Hồi tháng 7 vừa qua, các Giám mục Nhật Bản đã lên tiếng kêu gọi bãi bỏ các võ khí hạt nhân và trong tháng 8 hàng năm, Giáo Hội Nhật cử hành một cuộc gặp gỡ cầu nguyện trong 10 ngày cho hòa bình. Ước gì kinh nguyện, việc tìm kiếm không biết mệt mỏi để cổ võ các hiệp định, sự nhấn mạnh về đối thoại là “những võ khí” chúng ta đặt tin tưởng và là nguồn gợi hứng cho những cố gắng để xây dựng một thế giới công bằng và liên đới, mang lại những bảo đảm thực sự cho hòa bình.”
Kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị
Đức Thánh Cha xin các vị lãnh đạo chính trị đừng quên rằng các võ khí hạt nhân không bảo vệ chúng ta khỏi những đe dọa cho an ninh quốc gia và quốc tế thời này. “Cần cứu xét hậu quả thê thảm của việc sử dụng các võ khí ấy về phương diện nhân mạng và môi trường, từ bỏ củng cố một bầu không khí sợ hãi, nghi kỵ và đố kỵ, do những chủ thuyết về hạt nhân thổi lên. Tình trạng hiện nay của trái đất chúng ta đòi phải nghiêm túc suy tư về việc làm sao sử dụng tất cả các tài nguyên ấy, đứng trước những khó khăn và phức tạp trong việc thực hiện chương trình 2030 phát triển dài hạn, làm sao đạt tới những mục tiêu như sự phát triển con người toàn diện.”
Và sau cùng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hiệp ý với ngài trong kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi.
Sau buổi công bố sứ điệp hòa bình, Đức Thánh Cha lên đồi Nishizaka cách đó 3 cây số, nơi hành quyết thánh Phaolô Miki và 25 thánh tử đạo Nhật bản hồi năm 1597. Tại đây ngài chủ sự nghi thức tôn kính các thánh tử đạo và đọc kinh Truyền Tin.
Đức Thánh Cha Phanxico đến Hiroshima, đặt hoa, đốt nến cầu nguyện cho hoà bình ở Đài Tưởng Niệm nạn nhân bom nguyên tử 8/1945 và tiếp xúc với các nạn nhân còn sống sót
Đức Thánh Cha tưởng niệm các vị tử đạo Nhật Bản và đọc kinh Truyền tin
Đức Thánh Cha đặt một vòng hoa và thắp một ngọn nến sáng để tưởng nhớ các tín hữu Kitô bị bách hại. | Vatican News
Trưa Chúa nhật 24/11/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tưởng niệm các vị tử đạo Nhật Bản trên đồi Nishizaka ở Nagasaki, nơi hành quyết thánh Phaolô Miki và 25 thánh tử đạo Nhật Bản hồi năm 1597.
Sau khi công bố sứ điệp hòa bình và chống võ khí hạt nhân ở Atom Bomb Hypopark, Đức Thánh Cha đã đến Đài các Thánh Tử Đạo cách đó 3 cây số trên đồi Nishizaka. Đài này được xây bằng gạch đỏ có hình tượng 26 thánh tử đạo to bằng người thật hồi năm 1962. Cha Paolo Miki, dòng Tên và 25 vị tử đạo bị sát hại ngày 5 tháng 2 năm 1597 theo lệnh của Sứ quân Toyotomi Hideyoshi; cái chết của các vị mở đầu cho một thời kỳ bách hại Công Giáo dài hai thế kỷ tại Nhật.
Khi đến Đài tưởng niệm, Đức Thánh Cha được ông giám đốc bảo tàng viện, một linh mục và một tu huynh thuộc cộng đoàn dòng Tên ở địa phương chào đón, và một gia đình trao hoa cho ngài để đặt tại Đài tưởng niệm. Ngài cũng thắp lên một ngọn nến sáng để tưởng nhớ tất cả các tín hữu Kitô bị bách hại, rồi cầu nguyện trong thinh lặng, trước khi xông hương các thánh tích.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Đài kỷ niệm này gợi lại những cuộc hành quyết và tên của các tín hữu Kitô đã chịu tử đạo xưa kia, bắt đầu là Cha Phaolo Miki và các bạn tử đạo ngày 05/02/1597, và đông đảo các vị khác đã thánh hóa khu đất này bằng đau khổ và cái chết của các vị.
Đài này biểu tượng chiến thắng của sự sống
Đức Thánh Cha nói: “Nhưng chắc chắn rằng Đài Tưởng Niệm này, nói với chúng ta về sự chiến thắng của sự sống hơn là sự chết. Thánh Gioan Phaolô II đã nhìn nơi này không phải như một núi các vị tử đạo, nhưng như một Núi Phúc thật, nơi chúng ta có thể nhận thấy chứng tá của những người đầy Thánh Linh, được tự do đối với sự ích kỷ, tiện nghi thoải mái và khỏi sự kiêu ngạo (Xc. Gaudete et exsultate, 65). Bởi vì nơi đây, ánh sáng Tin Mừng chiếu tỏa trong tình yêu chiến thắng trên sự bách hại và gươm giáo... Đúng vậy, tại đây có tăm tối của chết chóc và tử đạo, nhưng cũng có loan báo ánh sáng phục sinh, nơi mà máu các vị tử đạo trở thành hạt giống sự sống mới mà Chúa Kitô muốn ban cho tất cả chúng ta. Chứng tá của các vị củng cố chúng ta trong đức tin và giúp chúng ta canh tân lòng tận tụy và quyết tâm để sống ơn gọi làm môn đệ thừa sai, biết làm việc cho một nền văn hóa có khả năng bảo vệ và luôn bênh đỡ mỗi sự sống, qua “sự tử đạo” trong việc phục vụ âm thầm hằng ngày dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người túng thiếu nhất”.
Hiệp với các tín hữu Kitô đang đau khổ
Và Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em, tại nơi này chúng ta cũng hãy hiệp với các tín hữu Kitô tại nhiều nơi trên thế giới đang chịu đau khổ và sống cuộc tử đạo vì đức tin. Các vị tử đạo của thế kỷ 21 đang đặt câu hỏi cho chúng ta qua chứng tá của họ để chúng ta can đảm tiến vào con đường các Mối Phúc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và với họ, lên tiếng để tự do tôn giáo được bảo đảm cho tất cả mọi người ở mọi nơi trên trái đất và chúng ta hãy lên tiếng chống lại mọi thứ lèo lái các tôn giáo, do những chính sách cực đoan và chia rẽ, cũng như do chế độ kiếm lợi vô độ và những xu hướng ý thức hệ đáng ghét, lèo lái các hoạt động và vận mệnh của con người” (Văn kiện Abu Dhabi 04/02/2019).
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, và Nữ Vương các vị tử đạo, cũng như xin thánh Phaolô Miki và tất cả các bạn, qua dòng thời gian đã công bố những kỳ công của Chúa bằng chính cuộc sống, xin các vị cầu bầu cho đất nước chúng ta và toàn thể Giáo Hội để những hy sinh của các ngài khơi lên những niềm vui cho việc truyền giáo được sinh động”.
Sau khi đọc kinh truyền tin và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha đã về tòa Tổng giám mục Nagasaki. Tại đây ngài đã được 14 tiểu chủng sinh và 15 đệ tử sinh của hai dòng tu được thành lập tại Nagasaki, chào đón. Rồi Đức Thánh Cha dùng bữa trưa, nghỉ ngơi, để chuẩn bị cử hành thánh lễ lúc 1 giờ rưỡi ở Sân dã cầu tại địa phương.
ĐTC với giới trẻ Nhật: không thể tự chụp hình (selfie) linh hồn
Vào lúc 11 giờ 30’ 25/11/2019, ĐTC di chuyển tới Nhà thờ Chính tòa Thánh Maria để gặp giới trẻ. Trọng tâm của buổi gặp gỡ được bắt đầu với các chứng từ của ba bạn trẻ: Công giáo, Phật giáo và di dân. ĐTC nhấn mạnh: Điều quan trọng không phải là hỏi tại sao tôi sống, nhưng tôi sống vì ai; Chúng ta không thể tự chụp hình selfie cho linh hồn.
Nhà thờ Thánh Maria nằm ở quận Bunkyo, được xây dựng vào năm 1899, bằng gỗ, kiến trúc Gothic. Vào năm 1920 trở thành Nhà thờ Chính tòa và bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai. Nhà thờ mới được kiến trúc sư Kenzo Tange thiết kế vào năm 1960 và khánh thành vào năm 1964. Nhà thờ với kiến trúc hiện đại, được coi là một trong những công trình quan trọng của Tange, người cũng đã thiết kế Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, là một trong những kiến trúc được được đánh giá cao ở Tokyo.
Khi đến nơi, ĐTC được Đức TGM Tokyo, cha xứ và cha Tổng Đại diện chào đón ở lối vào Nhà thờ. Sau đó tất cả tiến vào Nhà thờ và hai bạn trẻ dâng hoa cho ĐTC. ĐTC đến trước Nhà tạm, thinh lặng cầu nguyện.
Trọng tâm của buổi gặp gỡ được bắt đầu với các chứng từ của ba bạn trẻ: Công giáo, Phật giáo và di dân. Sau đó, ĐTC có bài diễn văn dành cho các bạn trẻ dựa trên những chia sẻ và những câu hỏi của ba bạn đại diện.
Cô đơn và cảm giác không được yêu là nghèo đói khủng khiếp nhất
Trả lời cho câu hỏi của Miki “làm thế nào để người trẻ có thể dành một chỗ cho Chúa trong một xã hội cuồng nhiệt và chỉ tập trung vào việc cạnh tranh và lợi nhuận”, ĐTC nói: “Chúng ta thường thấy có những người hoặc cộng đoàn bên ngoài thì phát triển tốt nhưng đời sống nội tâm thì giảm sút. Đối với họ, mọi thứ trở nên nhàm chán, họ không còn mơ ước, họ không mĩm cười, họ không chơi, họ không biết cảm giác tuyệt vời và những điều bất ngờ. Giống như xác chết, trái tim họ đã ngừng đập vì không thể vui hưởng cuộc sống với người khác. Có bao nhiêu người trên thế giới giàu có về vật chất, nhưng sống cô đơn! Mẹ Teresa, người làm việc giữa những người nghèo đã từng nói ngôn sứ: “Cô đơn và cảm giác không được yêu là nghèo đói khủng khiếp nhất”.
Điều quan trọng không phải là: tại sao tôi sống, nhưng tôi sống vì ai?
Tới đây, ĐTC mời gọi các bạn trẻ “Đấu tranh chống lại sự nghèo nàn tinh thần là một nhiệm vụ mà tất cả chúng ta được mời gọi. Chúng ta phải ý thức rằng điều quan trọng không phải là tất cả những gì tôi sở hữu, mà là tôi có thể chia sẻ với ai điều tôi có được. Điều quan trọng không phải là hỏi tại sao tôi sống, nhưng tôi sống vì ai. Điều quan trọng khi tự hỏi: “Tôi sống cho ai?”. Tất nhiên, các bạn sống cho Thiên Chúa. Nhưng Người cũng đã định rằng các bạn cũng cần sống cho người khác, và Người đã ban cho các bạn nhiều đức tính, khuynh hướng, tài năng và đặc sủng không cho riêng các bạn, mà là để chia sẻ với những người xung quanh các bạn” (Christus vivit, 286).
Không thể tự chụp hình (selfie) cho linh hồn
Trả lời cho câu hỏi của Masako, một giáo viên, ĐTC nói: “Masako hỏi làm thế nào giúp đỡ người trẻ để họ nhận ra điều tốt và giá trị của họ. Một lần nữa, cha muốn nói rằng để phát triển, để khám phá căn tính, chúng ta không thể nhìn vào cái gương. Nhân loại đã phát minh ra rất nhiều thứ, nhưng chúng ta không thể tự chụp hình selfie cho linh hồn chúng ta. Để hạnh phúc, chúng ta cần nhờ người khác giúp đỡ, nghĩa là ra khỏi chính mình và đến với người khác, đặc biệt là những người cần sự giúp đỡ hơn cả”.
“Một vị thầy khôn ngoan đã từng nói rằng chìa khóa để phát triển trí tuệ không phải là việc tìm ra câu trả lời đúng, mà là ở việc khám phá ra những câu hỏi đúng. Cha hy vọng các con có thể đặt câu hỏi hay, tự đặt câu hỏi và giúp người khác hỏi những câu hỏi tốt về ý nghĩa cuộc sống và làm thế nào chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt hơn cho những người đến sau chúng ta”.
Cuối cùng trả lời cho câu hỏi của Leonardo, một bạn trẻ di dân, bị bắt nạt ở trường, ĐTC cám ơn và ca ngợi hành động can đảm của Leonardo vì dám nói đau khổ của mình tại cuộc gặp gỡ này. ĐTC nói nạn bắt nạt nơi học đường làm tổn thương tinh thần và lòng tự trọng của chúng ta trong lúc chúng ta cần thêm sức mạnh để chấp nhận bản thân và đối diện với những thách đố mới trong cuộc sống.
Cùng nhau chống lại văn hóa bắt nạt ở trường học
ĐTC nhắc nhở: “Tất cả chúng ta phải cùng nhau chống lại văn hóa bắt nạt này và học cách nói: thôi đủ rồi! Đó là một bệnh truyền nhiễm mà thuốc tốt nhất cho căn bệnh này ở nơi các con. Các con phải cùng nhau nói: Không! Điều này thật tệ! Không có vũ khí nào lớn hơn để bảo vệ bản thân khỏi những hành động này hơn là “đứng dậy” giữa bạn bè và nói: “Những gì bạn đang làm là một việc nghiêm trọng”.
“Đừng sợ hãi, vì sợ hãi luôn là kẻ thù của điều tốt, là kẻ thù của tình yêu và hòa bình. Các tôn giáo lớn dạy lòng khoan dung, hòa hợp và thương xót; họ không dạy sợ hãi, chia rẽ và xung đột. Chúa Giêsu luôn nói với những người theo Ngài: đừng sợ”.
ĐTC kết thúc bài diễn văn với lời mời gọi các bạn trẻ hãy quảng đại trao ban cho người khác tất cả những gì mình có thể, mặc dù ý thức mình vẫn còn thiếu nhiều thứ. Cụ thể, ĐTC mời các bạn dành thời gian cho người khác, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, hiểu họ. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể mở cuộc đời và vết thương lòng cho một tình yêu có thể biến đổi chúng ta và bắt đầu thay đổi thế giới xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta không trao ban và nếu chúng ta “tiết kiệm thời gian” với người khác, chúng ta sẽ mất thời gian vào nhiều thứ. Và vào cuối ngày, chúng ta cảm thấy trống rỗng và bàng hoàng, giống như bị bội thực. Vì thế, hãy dành thời gian cho gia đình và bạn bè, và đặc biệt cho Chúa trong cầu nguyện.
Kết thúc buổi gặp gỡ, trong lúc ca đoàn hát, đại diện bạn trẻ dâng quà cho Đức Thánh Cha.
HIROSHIMA: "TÔI ĐANG CHỜ ĐỢI PHÉP LÀNH CỦA Đ.T.C. PHANXICÔ CHO NHỮNG NẠN NHÂN CỦA VỤ ĐÁNH BOM NGUYÊN TỬ"
Tin Hiroshima, Nhật Bản: Trong một bài báo vừa qua kể về câu chuyện của bà Setsuko Hattori, một bà cụ 92 tuổi sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử. Do căn bệnh về tủy xương, bà Setsuko sẽ không thể tham dự Thánh lễ do Đ.T.C. Phanxicô chủ sự vào ngày 24 tháng 11. Bà chia sẻ: “Tôi chờ đợi phép lành của Đ.T.C. Phanxicô nhiều hơn những lời ngài sẽ phát biểu tại Hiroshima. Tôi rất vui mừng khi ngài đến Hiroshima. Và tôi chắc chắn sẽ dõi theo ngài qua việc cầu nguyện”. Đây chính là niềm hy vọng được thể hiện bởi bà Setsuko Hattori, một “hibakusha” (người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử). Sau vụ nổ bom, vào ngày 6/8/1945, người phụ nữ này đã trở thành một tín hữu Công giáo. Đây là lời chứng của bà Setsuko Hattori: “Qua cuộc sống nghèo khó của tôi, một số người đã biết đến Giáo hội Công giáo”. Tôi sinh ra tại Hiroshima thuộc quận Hakushima, cách trung tâm vụ nổ 2 km về phía bắc. Tôi đã luôn sống ở đây, trước và sau chiến tranh, và thậm chí sau khi kết hôn.
ĐTC gặp chính quyền và ngoại giao của Nhật
Sau khi kết thúc Thánh Lễ, ĐTC đã đến khu phức hợp Kantei cách đó 6,4 km. Trước tiên, ĐTC gặp riêng Thủ thướng Nhật, ngài Shinzō Abe, trong khoảng 30 phút. Sau đó, ĐTC di chuyển qua hội trường lớn để gặp các quan chức chính phủ và ngoại giao.
Thủ tướng Shinzō Abe đã có diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha và diễn tả lòng cảm kích khi ĐTC luôn gởi những sứ điệp quan tâm đến thiên tai tại Nhật Bản hay những lời chúc mừng trong những dịp quan trọng.
ĐTC đáp lời trong diễn văn với lời cảm ơn về sự đón tiếp ngài tại Nhật Bản và nhắc lại mối quan hệ hữu nghị từ rất lâu giữa Tòa thánh và Nhật Bản, bắt nguồn từ sự quý trọng và ngưỡng mộ mà các nhà truyền giáo đầu tiên đã dành cho đất nước này, chỉ cần nhớ lại những lời của tu sĩ Dòng Tên Alessandro Valignano, đã viết năm 1579: “Bất cứ ai muốn xem những gì Chúa chúng ta đã trao cho con người thì chỉ cần đến Nhật Bản và sẽ nhìn thấy thấy nó”.
ĐTC nói với các quan chức chính phủ và ngoại giao về mục đích chuyến đi của ngài: “Tôi đến đây để củng cố người Công giáo Nhật trong đức tin và trong sự dấn thân bác ái của họ đối với những người nghèo và phục vụ đất nước với niềm tự hào của một công dân.”
Theo bước chân của những vị tiền nhiệm, tôi muốn khẩn cầu cùng Chúa và mời gọi tất cả mọi người thiện chí tiếp tục thúc đẩy công cuộc hòa giải cần thiết để trong lịch sử nhân loại, sự hủy diệt do bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki sẽ không bao giờ lặp lại.
Lịch sử dạy chúng ta rằng xung đột giữa các dân tộc và các quốc gia, ngay cả những vấn đề nghiêm trọng nhất, chỉ có thể tìm ra giải pháp hợp thức thông qua đối thoại, là vũ khí duy nhất xứng đáng với con người và có khả năng đảm bảo một nền hòa bình dài lâu. Tôi tin rằng cần phải giải quyết vấn đề hạt nhân ở cấp độ đa phương, thúc đẩy một tiến trình chính trị và thể chế có khả năng tạo ra sự đồng thuận và hành động quốc tế rộng lớn hơn. Một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại – đánh dấu bằng sự khôn ngoan, tầm nhìn và chân trời rộng mở – là điều cần thiết để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn.
Đức Thánh Cha ca ngợi: “Nhật Bản đã nhận thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy các liên hệ cá nhân trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, khi biết rằng những điều này có thể đóng góp rất lớn cho sự hài hòa, công bằng, liên đới và hòa giải, là chất kết dính để xây dựng hòa bình.” Trong đó, Olympic và Paralympic là một ví dụ, đóng vai trò đẩy mạnh tinh thần đoàn kết vượt khỏi biên giới quốc gia hay khu vực.
Thêm vào đó, ĐTC đánh giá cao về di sản văn hoá mà Nhật Bản đã bảo tồn và phát triển qua nhiều thế kỷ. Đồng thời, “mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo khác nhau không chỉ cần thiết cho một tương lai hòa bình, mà còn chuẩn bị các thế hệ hiện tại và tương lai lấy các nguyên tắc đạo đức làm nền tảng cho một xã hội thực sự công bằng và nhân văn.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến vẻ đẹp thiên nhiên của Nhật Bản, với hình ảnh biểu tượng của hoa anh đào. Tuy nhiên, “sự tinh tế của hoa anh đào nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của ngôi nhà chung của chúng ta, không chỉ chịu thiên tai mà còn do lòng tham, bóc lột và tàn phá bởi bàn tay con người. Khi cộng đồng quốc tế thấy khó tôn trọng các cam kết của mình để bảo vệ thụ tạo, đó là lúc những người trẻ lên tiếng và đòi hỏi các quyết định can đảm. Những người trẻ thách thức chúng ta coi thế giới không phải là sở hữu để khai thác, mà là một gia tài quý giá được truyền lại. Về phần chúng ta, “chúng ta phải đưa ra những câu trả lời thực sự, chứ không phải bằng ngôn từ trống rỗng; bằng hành động chứ không bằng sự ảo tưởng”. (Thông điệp cho Ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thụ tạo 2019).
Về vấn đề này, một cách tiếp cận không thể thiếu để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta cũng phải xét đến hệ sinh thái con người. Dấn thân bảo vệ có nghĩa là phải đối diện với khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo trong một hệ thống kinh tế toàn cầu, làm cho một số ít người được chọn sống sung túc trong khi phần lớn dân số thế giới sống trong nghèo đói. Tôi nhận thức được mối quan tâm của chính phủ Nhật Bản trong việc thúc đẩy các chương trình khác nhau trong vấn đề này và tôi khuyến khích quý vị kiên trì trong việc hình thành nhận thức ngày càng tăng về đồng trách nhiệm giữa các quốc gia trên thế giới.
Cuối cùng, ĐTC nhắc đến phẩm giá con người, ngài nói: “Nhân phẩm phải là trung tâm của mọi hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị; sự nối kết liên thế hệ phải được củng cố, và ở tất cả các cấp độ của đời sống cộng đồng, cần thể hiện mối quan tâm đối với những người bị lãng quên và bị loại trừ. Tôi nghĩ đặc biệt đến những người trẻ, những người thường xuyên cảm thấy choáng ngợp khi đối mặt với những thách thức trưởng thành, và ngay cả cảnh người già và đơn thân chịu cảnh cô lập. Chúng ta biết rằng, cuối cùng, nền văn minh của một quốc gia hay dân tộc được đo lường không phải bởi sức mạnh kinh tế của nó, mà bằng sự quan tâm của nó dành cho những người túng thiếu, cũng như khả năng trở thành người hữu ích và thúc đẩy sự sống.
Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn, toàn bộ cử toạ đứng lên và vỗ tay nồng nhiệt, trong khi Thủ tướng Shinzō Abe tiễn ngài ra xe để về Toà Khâm sứ, cách đó 2,4km. Kết thúc ngày thứ ba trong chuyến viếng thăm 4 ngày của ĐTC tại Nhật Bản.
T.Anh chuyển
T.Anh chuyển
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire