NGƯỜI KHÔN KẺ DẠI
Tỉnh thức trong tình yêu
Chắc chắn rằng dụ ngôn mười trinh nữ hướng tới thời cuối cùng, tương tự như các dụ ngôn trong đoạn trước và tiếp liền sau dụ ngôn này (chủ nhà, người đầy tớ trung tín, những nén vàng). Các dụ ngôn này có một ý nghĩa rõ ràng và được nhắc đi nhắc lại, đó là sự tỉnh thức. Người ta không biết giờ nào Chúa sẽ đến, và rất có thể Người sẽ "đến trễ", nên phải chuẩn bị sẵn sàng và kiên trì trước mọi tình huống.
Riêng về dụ ngôn mười trinh nữ, có lẽ không nên để ý đến những chi tiết có vẻ như giả tạo của câu chuyện: dụ ngôn không phải là một phóng sự hay một bài mô tả phong tục đám cưới, đúng và đủ mọi tình tiết. Trái lại, nên chú ý đến bài học của dụ ngôn, đó là sự khôn ngoan, biết phòng xa.
Điều dễ nhận thấy trong dụ ngôn này là bài học về sự "tỉnh thức." Bài học này làm người đọc liên tưởng đến lời cảnh giác của thánh Phao-lô: "ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm" (1 Tx 5,2). Trong mười trinh nữ đi đón chàng rể, có năm cô khôn và năm cô dại.
Các cô khôn là những người biết phòng xa và chuẩn bị đầy đủ, cũng giống như người xây nhà trên đá (Mt 7,24), hay người quản gia biết chăm sóc gia nhân lúc vắng chủ (Mt 24,45). Các cô là hình ảnh của những người biết "lắng nghe và thi hành" những lời Đức Giêsu nói, những người có óc phê phán đúng đắn và tế nhị về thực tại của cuộc sống, kèm theo một ý chí cương quyết hành động.
Ngược lại, các cô dại là những cô không biết dự trữ phòng xa, không biết trù liệu trước hoàn cảnh bất trắc. Các cô là hình ảnh tiêu biểu cho những người lơ là, thiếu đầu óc thực tế, thiếu phán đoán, gây ảnh hưởng tai hại đến cuộc sống, nhất là đời sống vĩnh cửu.
Quả thật, các cô khôn đã chuẩn bị dầu đèn đầy đủ, lại còn mang theo bình dầu dự trữ, đề phòng trường hợp phải chờ đợi lâu. Các cô đã được vào dự tiệc cưới, như là phần thưởng cho thái độ sẵn sàng của mình. Trong khi đó, các cô dại, đã không mang dầu, lại còn mất thời giờ chạy đi mua, nên trở về quá trễ và không được vào dự tiệc cưới. Các cô đã bị ngăn lại, vì đèn của các cô hết dầu, và các cô đến quá trễ: dựa theo lời thánh Âu-gút-ti-nô, các cô đã thiếu điều quan trọng là dấu chỉ tình yêu và đã không sẵn sàng đáp ứng trước tình yêu.
Người ta có thể ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Tại sao các cô khôn lại xử sự có vẻ như thiếu đức ái, đó là không giúp đỡ chị em mình đang gặp khó khăn. Thật ra, ở đây không chú trọng đến đức bác ái, nhưng muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa mỗi người phải chịu trách nhiệm về tự do và hạnh kiểm của mình, không được nông nỗi nhẹ dạ. Hơn nữa, sự kiện các cô trinh nữ phải chờ đợi lâu và chú rể chậm đến có thể cho thấy rằng lòng thương xót được gia hạn thêm một thời gian dài, rất dài, và đến một ngày, giai đoạn này sẽ chấm dứt. Thời gian chờ đợi có kéo dài thêm gợi lên tính cách nghiêm trọng của lời mời, đồng thời cũng bao hàm ý nghĩa: Đấng Cứu Thế không phải là sản phẩm theo sự suy đoán của con người. Đàng khác, nên hiểu thời gian này như một hồng ân được ban tặng để mỗi người kịp sửa chữa những thiếu sót và sai lầm của mình. Mỗi người đều có cơ hội để đáp ứng bằng chính tình yêu của mình.
Và như vậy, dụ ngôn không chỉ nói đến sự tỉnh thức. Hay nói cách khác, tỉnh thức chính là phải chuẩn bị đầy đủ cho cuộc lữ hành “trên mặt đất đầy đau thương, bi tráng và kỳ diệu này” (Chúc thư của ĐGH Phao-lô VI). Mỗi người phải mang theo đèn, và phải dự trữ dầu, nguồn đem lại ánh sáng, tức là phải có lòng hiếu khách, phải có tình yêu và niềm vui (ý nghĩa của dầu theo Kinh Thánh). Không có dầu, ngọn đèn sẽ tắt, người ta sẽ chìm trong tối tăm, và không được vào dự tiệc cưới.
Giữ ngọn đèn luôn cháy sáng
Nếu có ai được mời đi gặp một nhân vật họ vẫn mong đợi, hẳn là họ sẽ chuẩn bị rất kỹ càng, có khi tỏ ra nóng nảy, bồn chồn. Nếu họ vốn là người thờ ơ, hẳn họ sẽ phải thu xếp để có mặt đúng giờ, có khi còn đến sớm hơn giờ hẹn. Nếu nhân vật được mong đợi lại là người có khả năng làm thay đổi cuộc đời, thì người ta lại càng náo nức chờ đợi, và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Chàng rể trong dụ ngôn chính là Đức Giêsu. Với lòng yêu thương vô bờ, Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Người trọn vẹn vận mạng của tất cả nhân loại cũng như của mỗi người. Người đã đến trần gian để dẫn đưa nhân loại đến tham dự sự sống và niềm vui vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Chính Người đang đến gặp nhân loại và nhân loại phải tiến về với Người, bởi vì Người là sự sống, sự sống đời đời. “Mà sự sống đời đời chính là nhận biết Cha, Đấng duy nhất là Thiên Chúa thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu Kitô” (Ga 17,3).
Chàng rể có thể đến trễ, nhưng người ta vẫn phải chờ đợi, vẫn phải sẵn sàng. Ngọn đèn của mỗi người luôn phải có đủ dầu để đi đón chàng rể. Người ta có thể ngủ quên, nhưng vẫn có thái độ sẵn sàng: khi nghe tiếng kêu vào lúc nửa đêm, họ cũng đủ dầu đèn để đi đón chàng rể và dự tiệc cưới.
Như thế, dầu đèn chính là khát vọng tìm gặp Thiên Chúa. Khát vọng này cần được nuôi dưỡng để khỏi phai tàn trong cuộc chờ đợi. Các cô trinh nữ đi đón chàng rể, lúc khởi đầu tất cả đều vui mừng. Nhưng trong lúc chờ đợi, năm cô đã để cho lòng nhiệt thành của mình nguội dần, và khi chàng rể đến, các cô đâm bối rối, khát vọng của các cô đã tắt lịm. Có biết bao cuộc gặp gỡ đã bị vỡ tan bởi vì ngọn đèn khát vọng đã tắt ngúm.
Đúng vậy, đôi khi cuộc chờ đợi có thể kéo dài và biến thành một thử thách khắc nghiệt, nhất là với những người phải bước đi trong đêm tối, tiến bước rất lâu với cảm tưởng rằng không bao giờ gặp được chàng rể mình vẫn ước mong. Thật ra, tình trạng này là một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa luôn khoét sâu tâm hồn con người, để rồi ngày mai hay một lúc nào đó, Người sẽ bước vào. Phần con người, họ phải nuôi dưỡng lòng nhiệt thành bằng lòng tin, bằng việc cầu nguyện. Thiên Chúa sẽ không để cho kẻ chờ đợi Người phải thất vọng.
Sự nghèo khó nội tâm
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
Đây là chủ đề được nhắc đi nhắc lại trong suốt diễn từ loan báo ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Ở đây, Đức Giêsu đã bày tỏ rõ ràng Người là Đấng Cứu Thế trước khi Người chịu khổ nạn và phục sinh.
Người mong muốn chúng ta chờ đón Người, và không được bỏ cuộc; Người mong muốn chúng ta chuẩn bị dầu đèn để khi Người trở lại, mặc dù bất thình lình, và chúng ta đang thiếp ngủ, chúng ta sẵn sàng đến gặp Người như Người cũng nhận ra chúng ta.
Phải chuẩn bị dầu đèn! Đây là một trách nhiệm nhưng chúng ta hãy yên lòng: Nếu Thánh Thần sử dụng dầu, thì chính Người cũng sẽ quan tâm không để chúng ta thiếu dầu.
Chúng ta nhớ lại câu chuyện bà goá ở Xa-rơ-phát: “vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán” (1 V 17,16). Bà goá này đã đặt tất cả niềm tin vào vị sứ giả của Thiên Chúa, nên vò dầu của bà đã không cạn.
Thật vậy, khi phục vụ Thiên Chúa và người khác, chúng ta vẫn phải khôn ngoan, dự phòng, nhưng cũng cần phải nhớ rằng sự khôn ngoan đích thực và cao cả nhất chính là sự nghèo khó trong tâm hồn, là lòng tin tuyệt đối, là xác tín rằng Thiên Chúa vẫn đang ở bên cạnh chúng ta và nâng đỡ sự yếu hèn, sự mỏi mệt của chúng ta. Chính Người vẫn bao bọc chúng ta trong tình yêu thương của Người để chúng ta luôn trở thành ánh sáng cho thế giới, thành anh em của mọi người, thành người cứu vớt những gì đã hư mất và thành chứng ta sống động của niềm vui.
Giếng nước trong khu vườn,
ngọn đèn tạo ánh sáng,
kho báu trong ngăn tủ,
Man-na trong Hòm Bia.
Lạy Chúa, Ngài là Chúa của con. H. Suso.
Lm. G. Nguyễn Cao Luật