Một bài viết trên tạp chí công giáo Aleteia nhận xét, “Mẹ Têrêsa và công nương Diana có hai cuộc sống rất khác biệt; một bên là vị thánh chấp nhận cuộc đời hàn vi để phục vụ “những người nghèo nhất trong số người nghèo”, bên kia là công nương kiều diễm của hoàng gia Anh. Tuy nhiên, cả hai người phụ nữ này có điểm tương đồng là, họ đều mở rộng tấm lòng nhân hậu cho những người khốn khó, và đây cũng chính là cầu nối để xây dựng một tình bạn vong niên”.
Kính thưa Anh Chị em,
Như tính cách của Mẹ Têrêxa và công nương Diana, Lời Chúa ngày lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô hôm nay là ngày lễ nhớ đến hai vị thánh của những ‘khác biệt và tương đồng’. Chính qua hai tính cáchnày, Chúa Kitô sẽ đặt nền móng cho toà nhà Giáo Hội.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trực tiếp trao ‘chìa khoá Nước Trời’ cho Phêrô, một biểu tượng của thẩm quyền, thì Phaolô chưa một lần gặp Chúa Giêsu trước khi Ngài qua đời; Phêrô chỉ là một ngư phủđánh cá ở vùng quê Galilê, Phaolô là một biệt phái uyên bác từ thành phố đại học Tarsus; ngôn ngữ đầu tiên của Phêrô là tiếng Aram, ngôn ngữ đầu tiên của Phaolô là tiếng Hy Lạp; Phêrô biết Chúa Giêsu sau khi Ngài chịu phép rửa của Gioan, Phaolô chỉ gặp Chúa Phục Sinh ở một vùng lân cận thành Đamas; và trong khi Phêrô được gọi là đá, tâm điểm của sự hợp nhất Hội Thánh, thì Phaolô được gọi làm tông đồ dân ngoại. Mỗi vị đều có những kinh nghiệm rất khác nhau về Đấng đã kêu gọi mình và mỗi người nhận một sứ mệnh cũng rất khác biệt từ Ngài; thế nhưng, chung quy, họ đã cùng nhau xây dựng Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô.
Bên cạnh đó, Phêrô và Phaolô cũng có những điểm rất tương đồng. Nếu Phêrô đã chối Thầy, thì Phaolô cũng đã bách hại Thầy khi bắt bớ Hội Thánh; và một trong những nét tương đồng nhất của hai ngài, là cùng bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá và cả hai đều được đỡ nâng.
Bài đọc thứ nhất hôm nay tiết lộ cho chúng ta điều đã xảy ra với Phêrô. Sách Công Vụ Tông Đồ ghi nhận, “Thấy việc giết Giacôbê đẹp lòng người Do Thái, Hêrôđê cho tống ngục Phêrô, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ”; cũng thế, bài đọc thứ hai, từ trong ngục thất, Phaolô viết cho Timôtê với ý thức rằng, cuộc đời ngài sắp kết thúc, “Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi”. Vậy mà khi hai ngài đi theo con đường thập giá của Thầy, các ngài đều khám phá ra rằng, Chúa đang nâng đỡ các ngài, nâng đỡ một cách đặc biệt. Công Vụ Tông Đồ tiếp tục cho biết, “Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội Thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho ngài”; chính thiên thần Chúa đã vào tận ngục giải thoát Phêrô, khiến ngài tưởng như mơ, “Thiên thần lại bảo Phêrô, “Hãy khoác áo vào mà theo ta””; để cuối cùng, Phêrô kết luận, “Bây giờ, tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do Thái!”. Cũng thế, qua thư Timôtê, Phaolô lại tuyên bố, “Có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn”.Như thế, Chúa đã ở cùng hai ngài, giải thoát hai ngài, đúng như Thánh Vịnh đáp ca tuyên tín, “Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng!”.
Một trong những tương đồng nổi bật nhất chính là triều thiên tử đạodành cho hai ngài; có khác chăng là Phêrô chịu đóng đinh ngược, Phaolô bị chặt đầu; Phêrô trong thành, Phaolô ngoại thành. Vậy mà thật lạ lùng, hai con người ‘khác biệt và tương đồng’ này đã hợp tác với nhau để sau hơn 2000 năm, Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng khắp cùng thế giới.
Anh Chị em,
Dù ở bậc sống nào, ơn kêu gọi của mỗi người chúng ta vẫn là duy nhất.Chúa làm việc qua chúng ta với tất cả sự độc đáo và khác biệt của mỗi người; Chúa không tìm kiếm sự đồng nhất nhưng tìm kiếm sự hợp nhất trong đa dạng. Chúng ta ‘khác biệt và tương đồng’ với nhau vì chúng ta cùng đi trên một con đường Chúa đã đi, “Đường Thập Giá”. Như hai thánh tông đồ, khi cố gắng trung thành với ơn gọi của mình, chúng ta cũng sẽ khám phá ra sự hiện diện bền vững và sự đỡ nâng đặc biệt của Ngài trong cuộc sống. Ngày lễ hôm nay cũng trấn an chúng ta rằng, bất xứng của chúng ta không là trở ngại cho công trình Chúa đang thực hiện; những thất bại của chúng ta không xác định chúng ta là ai. Phaolô sẽ tiếp tục nói, “Ân sủng của Thiên Chúa đối với tôi không hề vô ích”. Cũng thế, ân sủng của Chúa đối với chúng ta trong tình trạng yếu đuối cũng không bao giờ là vô ích nếu chúng ta tiếp tục mở lòng đón nhận công việc của ân sủng như hai thánh tông đồ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đã làm những việc cả thể, lạ lùng trên hai con người yếu hèn và mỏng dòn này; xin hãy cứ làm điều tương tự trên con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
T.Anh chuyển