samedi 9 juillet 2016

GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG

Chúa Nhật XV thường niên  - Năm C
GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG

R. Gutzwiller

1. GIỚI LUẬT
Như Đức Giêsu lên đường đi Giêrusalem, người ta cũng lên đường tiến về Giêrusalem trên trời. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào biết được con đường dẫn đến nơi đó và điều cốt yếu để đạt đích hệ tại điều gì.
Câu hỏi của luật sĩ nói lên 2 chủ đề ấy: ‘Lậy Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?’. Câu trả lời quá rõ. Đức Giêsu để cho luật sĩ tự rút từ sách luật ra câu trả lời: đó là một mệnh lệnh kép về lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.
+ Kính mến Thiên Chúa
Thiên Chúa là cùng đích. Yêu mến Thiên Chúa là con đường. Đây là tâm điểm của Cựu ước và Tân ước, của Lề Luật và Phúc âm, và xét từ bên ngoài, của ngoại giáo và Kitô giáo, qua môi miệng những đại biểu tốt nhất, đều đồng tâm nhất trí như vậy.
Yêu thương là mầu nhiệm thâm sâu nhất của nền đạo đức tự nhiên và của nền luân lý được đặt lên trên nền tảng siêu nhiên. Vì cả 10 giới luật không là gì khác hơn là nhiều phạm vi hoạt động của cùng một giới luật yêu thương. Các nhân đức chỉ là những nhánh phát sinh từ thân cây ấy thôi. Lời cầu nguyện một đàng phát xuất từ tình yêu, đàng khác lại cầu xin tình yêu. Phụng vụ chẳng qua chỉ là thờ kính Thiên Chúa, phát sinh do tinh thần hy sinh và đạo đức, đồng thời cũng là ân huệ Thiên Chúa ban cho con người trong tình yêu thương hợp nhất hay nói cách khác là ‘thông hiệp, hiệp lễ’.
Chính giáo luật cũng nói đến sự liên hệ căn bản với tình yêu. Vì luật là mệnh lệnh của tình yêu, là thân thể mà tình yêu sẽ gán cho một tâm hồn. Bởi vậy, tình yêu là nguyên lý thành lập, là sức mạnh sáng tạo, là thành tố cốt yếu của lòng kính tin, hợp nhất và đơn nhất hoá mọi điều.
+ Yêu thương tha nhân
Nhưng con người không phải là lữ khách độc hành, một mình lên đường đi về với Chúa. Như suốt lịch sử thế giới cho thấy, cuộc đời, theo kế hoạch của Thiên Chúa là một bước đi của các dân tộc đến cùng Thiên Chúa, một đoàn lũ hợp nhau trở về nơi định cư của mình. Đó là lý do tại sao một tu sĩ không nên rút lui vào nơi thanh vắng một mình. Sống cốt yếu là sống cộng đoàn. Thế nên, tình yêu chân thực đối với Thiên Chúa phải thực sự triển nở nơi tình yêu đồng loại.
Những thái độ sẵn lòng đối với Thiên Chúa mà ta có thể sánh như cái đà ‘hàng dọc’ sẽ triển khai thành ‘hàng ngang’ đối với đồng loại. Tôn giáo xét tự nền tảng vốn có tính xã hội, nó không phải là khu vực của một cá nhân mà ở đó có thể quan tâm đến anh em mình hay là không cũng được. Ngay cả một thày tu trong căn phòng nhỏ bé của tu viện, một ẩn sĩ trong sa mạc, tự bản chất vẫn hiện diện một cách ‘xã hội’ trong lời cầu nguyện và thành tâm sám hối.
Không ai có thể và được phép tách biệt khỏi cộng đoàn. Như tình yêu đối với Thiên Chúa nhất thiết phải sinh ra tình yêu đối với đồng loại, thì tình yêu đối với đồng loại cũng vậy phải do từ tình yêu chân thành đối với Thiên Chúa. Người ta có thể coi đó (và thực đã có như vậy) như một tình bằng hữu, một chủ nghĩa nhân đạo, nhưng tình yêu ấy không trợ giúp anh em dựa trên nền tảng chính yếu: cùng nhau bước tiến trên đường về với Chúa. Và vấn đề là ở chỗ đó.
Vậy, sau khi đề cập đến tình yêu kép đôi này, Đức Giêsu nhấn mạnh đến điểm căn bản sâu xa này: ‘hãy làm thế và ông sẽ được sống’. Nói cách khác: ‘anh đã đi đúng đường, đã tiến tới gần đích, ‘là sống trong Chúa’.
2. DỤ NGÔN
Luật sĩ muốn biện bạch. Xét cho cùng, ông chẳng thực tâm trong khi đặt vấn nạn mà cũng chẳng có tinh thần tìm tòi cho bằng ông muốn ‘thử’ Đức Giêsu. Thua cuộc rồi, ông cố tránh né yêu sách gắt gao và hỏi thêm để che đậy sự thất bại và dùng mọi mánh khoé để Chúa phải lúng túng.
Dẫu thế, Đức Giêsu vẫn giải đáp cho vấn nạn ông nêu ra. Ngài đưa ra một thí dụ, thí dụ về một con đường. Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô bị lũ cướp bóc lột và bị đánh đập dở sống dở chết. Ai trên đường đi về với Chúa ắt có thể cũng chịu chung một số phận như thế. Thực ra qua bao thế kỷ, cho thấy con người luôn gặp phải như thế trong suốt cả hành trình lịch sử của mình. Satan đã cướp phá nhân loại này, cướp mất đời sống siêu nhiên phong phú của nhân loại khi còn ở trong vườn Diệu quang xưa kia, khiến nhân loại phải chịu cảnh dở sống dở chết như bây giờ.
Những khả năng hiểu biết về mặt tôn giáo, hành động theo luân lý, đã bị giảm thiểu thật đáng kể. Những khả năng ấy không chết đi, mất đi mà là bị tổn thương trầm trọng. Có những người cũng bước qua con đường ấy và được coi là những người luôn có tình mến Chúa: các tư tế và Lêvi chẳng phải là những người luôn luôn phụng sự Thiên Chúa đó sao?
Họ từ đền thờ ra đi và vẫn khoác trên mình những dáng vẻ hoa mỹ và oai vệ của lễ nghi. Họ bước qua mà cứ phớt tỉnh chẳng màng chi đến những người không may gặp nạn và họ lại còn đấm ngực tự mãn cho rằng thái độ dửng dưng ấy bằng lòng mến yêu Thiên Chúa của họ. Vị tư tế tự nhủ rằng mình hiện diện chỉ để phục vụ Thiên Chúa chứ không để phục vụ nhân loại. Còn Lêvi lại tự nghĩ rằng mình phải cẩn thủ sự thuần khiết của bậc Lêvi, nhân danh tình yêu đối với Thiên Chúa, không để mất nó khi rờ tới một người có thể chết trong tay mình.
Hai thứ người này tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa mà không cần yêu đồng loại. Và những ai cư xử không dựa trên xã hội đang khi vẫn phát huy những việc đạo đức, những nghi tiết những việc phụng thờ, là những người đã muốn tách hẳn tôn giáo khỏi thế tục, muốn hoàn tất thái độ chẳng có chút gì là đạo đức, như các tư tế và Lêvi bỏ qua không màng tới nhân loại đang lâm cảnh đau thương.
Một lữ khách thứ ba xuất hiện, đó là một người ngoại, người xứ Samaria, người này hẳn là phải đi một đoạn đường dài và xa hơn những người kia; có thể là một thương gia, luôn bôn tẩu ngược xuôi. Con người đó hẳn là rất xa lạ với nạn nhân kia, khác quốc tịch, khác cả tôn giáo. Xét mối tương quan nào đi nữa, bên ngoài hay bên trong, dân sự hay tôn giáo, hắn cũng là một kẻ xa lạ hoàn toàn.
Nhưng chợt thấy một người bị lâm nạn nửa sống nửa chết như thế, hắn tiến lại gần ngay. Qua cử chỉ ấy, hắn trở nên một người rất thân cận của nạn nhân. Chính hắn đích thân mang nạn nhân đến quán trọ và vì gấp rút qua hắn đành ra đi; để lại số bạc cần thiết và hứa sẽ trả số còn lại khi trở về. Như thế hắn vẫn tiếp tục quan tâm đến nạn nhân xấu số và trong tâm hồn không thể quên người ấy được, trong khi mong mỏi sớm về gặp lại.
Một người khá xa lạ lại nên người gần gũi, thấy tha nhân lâm nạn, hắn nên bạn thân ngay. Và đó không phải đơn giản là một thứ bác ái cảm tình, màu mè, nhưng thật là một hành vi ra tay trợ giúp. Ta có thể nhận ra tính tốt của hắn qua các chi tiết sau:
‘Lại gần, băng bó thương tích, xức dầu và rượu, đoạn vực người ấy lên lừa của mình mà đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền ông trao cho chủ quán mà bảo: ông hãy săn sóc người ấy, và phải tiêu pha gì thêm thì khi trở về tôi sẽ trả cho ông’.
Người Samaria được đưa ra làm tiêu biểu ấy chính là Đức Kitô. Nhân loại đang cơn hấp hối, Ngài không bỏ rơi mà còn từ trời cao xuống thế, cất bước lên đường, ân cần săn sóc nhân loại, cúi xuống, đổ tràn dầu và rượu các nhiệm tích trên những vết thương do tội lỗi gây nên. Ngài đã dẫn đưa nhân loại vào Giáo Hội là quán trọ trong cuộc hành trình qua bao thế hệ, Ngài đã uỷ thác cho Giáo Hội việc ân cần chăm sóc chữa trị nhân loại; Ngài đã trả bằng giá máu Ngài và còn hứa thanh toán số còn lại trong ngày sau hết, tức là ngày Ngài Quang Lâm: khi ấy mọi thụ tạo được lành lặn toàn vẹn sẽ tiến về cùng đích của cuộc hành trình.
Để kết thúc dụ ngôn, Ngài khuyên bảo: ‘Hãy đi và làm như thế và ông sẽ được sống’.
Như thế, con đường lại được đặt thành vấn đề. Vì từ lúc này, con người biết: mình phải đi con đường nào và phải bước đi trên con đường ấy bằng tinh thần nào; điều chi sẽ xảy đến cho mình và người lữ khách sẽ nhìn rõ bổn phận nào phải thi hành đây. Bởi đó, câu chuyện này phải là một dấu định hướng thực sự.
NGUỒN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire