Trong quyển sách Thất bại Tuyệt vời (The Magnificent Defeat), tiểu thuyết gia và nhà thuyết giảng nổi tiếng Frederick Buechner đưa ra câu hỏi này và tập trung vào ông Gia-cóp, nhân vật của Thánh Kinh. Như chúng ta biết, ông đánh lừa anh Ê-xau hai lần. Thừa lúc anh mình đói và yếu, ông mua quyền trưởng nam của anh mình với giá một bữa ăn. Còn nặng hơn, ông đóng giả Ê-xau, lừa cha và đánh cắp lời chúc phúc và quyền thừa kế của Ê-xau. Tất cả các chuyện này là sai và phải bị trả lẽ, nhưng cuộc đời của ông Gia-cóp dường như ngược lại. Ngược với người anh bị lừa, Gia-cóp có một đời sống sung túc, được Chúa và những người khác yêu mến. Đâu là bài học? Chúa của sự sống thật sự có đứng về phía người làm những chuyện này không?
Tác giả Buechner xây dựng câu trả lời của mình bằng cách chuyển từ thực dụng và tầm ngắn hạn qua thiêng liêng và tầm dài hạn.
Đầu tiên, từ quan điểm thực dụng, câu chuyện của ông Gia-cóp dạy cho chúng ta bài học của riêng mình, biết rằng trong đời sống thực tế, những người như ông Gia-cóp là những người thông minh, xảo quyệt, và tham vọng thường là những người được thưởng theo cách mà những người chậm chạp như ông Ê-xau thường không được. Rõ ràng đây không phải như Bài giảng Trên núi, các lời dạy khác của Sách Thánh, kể cả một số lời dạy khác của Chúa Giêsu, luôn thử thách chúng ta phải thông minh, làm việc cực nhọc và đôi khi phải mưu mô. Chúa không nhất thiết phải giúp đỡ những người tự giúp mình, nhưng Chúa và cuộc sống dường như thưởng cho những người dùng tài năng của mình. Nhưng có một con đường đạo đức tốt ở đây và Buechner mô tả một cách xuất sắc.
Tác giả hỏi: khi ai đó làm những gì ông Gia-cóp làm và mang lại cho họ giàu có trong cuộc sống này, thì hệ quả đạo đức ở đâu? Câu trả lời đến từ Gia-cóp nhiều năm sau đó. Một đêm nọ, khi Gia-cóp ở một mình, có một người lạ nhảy vào, cuối cùng hai người lặng lẽ vật lộn nhau suốt đêm. Ngay khi bình minh ló dạng và dường như Gia-cóp sẽ thắng, mọi thứ đột nhiên đảo ngược. Với một sức mạnh ưu thế, dường như cố kiềm giữ cho đến lúc đó, người lạ mặt chạm vào khớp xương hông của ông làm cho ông bất động. Một cái gì đó biến đổi sâu đậm nơi Gia-cóp, ông cảm nhận mình bất lực. Cuối cùng bây giờ ông biết ông bị đánh bại, ông không còn muốn thoát khỏi sự kiềm kẹp của người lạ, thay vào đó ông bám vào kẻ thù của mình như người chết đuối. Vì sao?
Đây là lời giải thích của Buechner: “Bóng tối đã mờ đi vừa đủ để lần đầu tiên ông có thể lờ mờ thấy đối thủ của mình. Và những gì ông thấy còn khủng khiếp hơn khuôn mặt của tử thần – đó là khuôn mặt của tình yêu. Bao la và mạnh mẽ, bị hủy hoại một nửa vì đau khổ và niềm vui dữ dội, khuôn mặt của người chạy trốn tất cả bóng tối của đời mình để cuối cùng thốt lên: “Tôi không để ngài ra đi, trừ khi ngài chúc phúc cho tôi!” Không phải lời chúc mà bây giờ ông có thể có bằng sức mạnh của mưu mẹo hay sức mạnh của ý chí, nhưng lời chúc ông chỉ có thể có như món quà.”
Có cả một linh đạo ở đây. Lời chúc phúc mà chúng ta mãi chiến đấu chỉ có thể đến với chúng ta như một món quà, chứ không phải là cái gì chúng ta có thể giành lấy nhờ tài năng, mưu mô hay sức mạnh của mình. Nhờ trí óc và mưu mô, ông Gia-cóp trở thành người giàu có được ngưỡng mộ ở thế gian này. Nhưng trong cuộc chiến để có tất cả sự giàu có này, ông đã vật lộn với một lực mà trong vô thức ông xem đó là một người hay một cái gì ông phải vượt lên. Cuối cùng, sau nhiều năm chiến đấu, ông thức tỉnh. Ánh sáng chợt lóe lên, qua thất bại của sự què quặt. Và trong ánh sáng của sự thất bại này, cuối cùng ông thấy trong những gì ông đã đấu tranh trong suốt thời gian này không phải là một ai đó hay một cái gì mà ông phải vượt qua, mà là tình yêu mà ông đã hết sức vật lộn để đạt được và đi tới đàng trước.
Với nhiều người trong chúng ta, đây cũng là sự thức tỉnh thực sự trong cuộc sống, ý thức được trong tham vọng và trong tất cả các kế hoạch mà chúng ta đưa ra để tiến lên, chúng ta không chiến đấu với một ai đó hay một cái gì để vượt lên bằng sức mạnh và trí thông minh của mình; chúng ta chiến đấu với cộng đồng của mình, với tình yêu và với Chúa. Và chắc chắn nó sẽ đánh bại sức mạnh của chính chúng ta (bị đi khập khiễng mãi mãi) trước khi nhận ra những gì chúng ta đang chiến đấu. Và rồi chúng ta sẽ từ bỏ nỗ lực giành chiến thắng, thay vào đó là bám víu như người chết đuối vào khuôn mặt của tình yêu, xin được chúc phúc, một sự chúc phúc mà chúng ta chỉ có thể nhận như món quà.
Tin rằng phúc lành của chúng ta đến từ chiến thắng, chúng ta cố gắng chiến đấu để cuộc sống của mình xa cuộc sống người khác, cho đến một ngày, nếu chúng ta có đủ may mắn để bị đánh bại, chúng ta bắt đầu cầu xin người khác giữ lấy chúng ta.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
NGỌC NGA
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire