Thứ đồ quý giá thì đắt tiền, bởi vì đắt tiền, cho nên mới thấy trân trọng. Nếu một người có thể làm được 16 điều quý giá này, thì có thể là sẽ đạt đến cảnh giới hoàn thiện hoàn mỹ.
Làm người quý ở lương thiện, đẹp ở tâm thái, cuộc sống mới có thể vui vẻ an yên
Làm người quý ở lương thiện, đẹp ở tâm thái, cuộc sống mới có thể vui vẻ an yên. (Ảnh từ eva)
1. Làm người quý ở thiện tâm, đẹp ở làm việc tận tâm
Người xưa có câu: “Tâm chứa đầy chữ thiện, vạn kiếp không bị diệt, trăm ánh đèn dõi theo, ngàn dặm sáng soi”. Hưởng thụ vật chất có thể làm cho người ta mê đắm nhất thời, còn lòng đầy thiện niệm mới đủ để làm cho người khác cả đời hạnh phúc. Thiện tâm giống như nước vậy, nó có thể nuôi dưỡng thắm tươi mọi nội tâm khô cằn.
Quân sư Lưu Bá Ôn thời Chu Nguyên Chương nhà Minh đã từng tự khuyến khích bản thân: “Trên thế gian làm sao có thể làm mọi việc theo ý mình được, chỉ mong rằng trong quá trình mình không thẹn với lòng là tốt rồi!”
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, bất kể chúng ta làm gì đi nữa, chỉ cần luôn làm hết sức mình, thì có thể bớt phải hối hận.
2. Nhân sinh quý ở chỗ thỏa lòng vừa ý, cuộc sống đẹp ở chỗ biết mãn nguyện
Đời người quý ở chỗ biết thỏa mãn, thấy đủ thường vui. Ai cũng có rất nhiều điều để theo đuổi, nhưng rốt cuộc trong đó có bao nhiêu điều thực sự cần thiết?
Con người thường hay quên mất mục tiêu của mình, chỉ biết đắm chìm trong những điệu nhảy, rồi lại luôn ngược đãi bản thân cố chấp tìm kiếm điều gì đó cao xa.
Nhân sinh, thích nhất là được hát vang những khi rảnh, được nghe chim hót những lúc buồn. Khao khát nhất là, được đánh thức bởi tiếng chim ca, được nhấm nháp tách trà quen thuộc, đón người bạn lâu năm đến chơi.
3. Nhân phẩm quý ở chỗ chính trực, lòng người đẹp ở sự tử tế nhân hậu
Trong “Hoài Nam tử” có viết: “Làm người chính trực, mọi điều ác đều tự tan biến”. Làm người phải giữ sự chính trực, ngồi ngay, đi thẳng, làm đúng, đường đường chính chính đứng giữa thế gian.
Người xưa nói rằng: “Hậu đức tải vật”, nghĩa là đức dày mới có thể nâng đỡ được vạn vật. Đất không dày, thì không thể nâng đỡ được núi non và sông biển; lòng người không khoan dung thì không thể có được tình nghĩa sâu đậm.
Nhân hậu, chính là lòng chứa sự lương thiện tử tế, người phụ ta, nhưng ta không phụ người; nhân hậu, chính là trái tim luôn hướng đến sự tốt đẹp, bớt nuôi gai nhọn, trồng thêm nhiều hoa thơm. Khi làm việc chúng ta cần sự thông minh, nhưng khi làm người chúng ta cần phải nhân hậu.
4. Hành thiện quý ở tấm lòng hiếu thảo, tích đức đẹp ở chỗ thầm lặng
Hành thiện quý ở tấm lòng hiếu thảo, tích đức đẹp ở chỗ thầm lặng. (Ảnh từ blog.goo.ne)
Cổ nhân vẫn thường giảng: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong trăm nết thiện thì chữ hiếu đứng đầu, và đó là nền tảng của đạo đức.
Những người bất hiếu chắc chắn là những kẻ vô tình vô nghĩa, không trọng tình cảm, và không có lòng biết ơn. Nếu không hiếu thảo với cha mẹ, vậy thì làm sao có thể có thiện tâm với người khác, cho nên hiếu thảo là điều đứng đầu trong trăm việc thiện.
Hành thiện mà cho người khác biết gọi là dương thiện, còn hành thiện mà không cho người khác biết được gọi là âm đức.
Tư Mã Quang của triều đại Bắc Tống có nói: “Tích vàng để lại cho con cháu, nhưng con cháu chưa chắc biết giữ gìn; lưu trữ sách vở để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã đọc đến. Chi bằng tích lại âm đức trong thế giới chưa rõ tương lai này, để lo toan lâu dài cho con cháu”.
Âm đức giống như gieo hạt vậy, chỉ cần gieo hạt xuống đất thôi, thì không lo rằng mai kia không có cơ hội thu hoạch.
5. Cư xử với người quý ở chỗ thành thật, xử sự ở đời đẹp ở chỗ biết khiêm nhường
Người quân tử trông đường hoàng thẳng thắn, kẻ tiểu nhân thì thường làm ra vẻ đáng thương. Quân tử luôn nuôi dưỡng tấm lòng chân thành. Giỏi ngụy tạo chi bằng trung thực. Những người có tấm lòng chân thành thẳng thắng, cởi mở trung thực luôn luôn giành được thiện cảm và sự kính trọng từ người khác.
Trong “Thái Căn Đàm” có nói: “Đường đi mà hẹp, thì nhường một bước cho người cùng đi; hương vị thơm ngon, thì dành lại 3 phần để mọi người cùng nếm, đây chính là phương pháp mang lại sự an lạc khi đứng trong trời đất”. Khi đi trên một con đường hẹp, hãy biết chừa lối cho người khác, khi gặp những món ngon, phải biết chừa lại 3 phần cho người khác ăn. Đây là cách an toàn nhất để một người có thể đứng vững trên thế giới.
Khi đối nhân xử thế phải biết cách khiêm tốn, không được ngạo mạn háo thắng khắp mọi nơi, không được bốc đồng hùng hỗ trong mọi chuyện, không được tự cao về bản thân, không được vì đắc ý mà ngông cuồng.
6. Giàu có quý ở biết nhân từ, nghèo khó đẹp ở chỗ vẫn còn ý chí
Khi giàu có rồi mà không biết sử dụng nó thật tốt, để rồi trở thành một kẻ chỉ biết giữ của, hay tiêu xài hoang phí, lãng phí vô độ. Vậy thì, sự giàu có đã trở thành một điều có hại, không chỉ làm hại bản thân tan nhà nát cửa, mà còn gây nguy hiểm cho xã hội.
Thực ra thì nếu dùng sự giàu có vào con đường đúng đắn, thì đó không phải là biến nó trở thành một sức mạnh có thể sử dụng vào việc thiện, mang lại lợi ích cho con người, mới đích thực phát huy được tác dụng của sự giàu có hay sao?
Người xưa nói rằng: “Trời muốn người giàu, nhưng không phải để người tiêu xài xa xỉ”, “Giàu có vẫn không quên nuôi dưỡng tấm lòng nhân hậu”, đều là để răn dạy chúng ta học cách sử dụng đồng tiền thật tốt.
Một người nghèo khó một chút cũng chẳng sao, nhưng chúng ta không thể nghèo mất ý chí! Đừng trở thành một người có tầm nhìn hạn hẹp, phải xông ra thế giới rộng lớn, dù không thể làm một người vĩ đại đội trời đạp đất, thì ít ra cũng phải là một người hữu ích và sống một cách xứng đáng với bản thân mình.
7. Gia đình quý ở chỗ hòa thuận, tề gia tốt ở chỗ biết cần kiệm
Gia đình hòa thuận thì vạn sự đều hưng. Một gia đình mà cả ngày bực bội, cãi lộn không ngớt, thì oán khí đó sẽ đuổi đi tài vận trong nhà. Gia đình có hòa thuận thì các thành viên trong gia đình mới khỏe mạnh, mới gặp nhiều may mắn và thịnh vượng.
Theo các điển tích lịch sử, thì hầu như các quốc gia thành công là nhờ sự cần kiệm, diệt vong là do sự hoang phí. Cho dù đó là gia tộc hay triều đại, thì thành công là do sự siêng năng, tiết kiệm, còn suy bại là vì sự xa xỉ vô độ.
Đạo đức là gốc rễ làm người; còn sự giàu có chỉ là vật ngoài thân. Do đó, cần kiệm chính là nền tảng để quản lý gia đình.
8. Vợ chồng quý ở chỗ biết đồng tâm, cặp đôi đẹp ở chỗ bổ sung được cho nhau
Vợ chồng quý ở chỗ biết đồng tâm, cặp đôi đẹp ở chỗ bổ sung được cho nhau. (Ảnh từ gogonews)
“Chu Dịch” có ghi: “Hai người đồng tâm, còn quý hơn cả vàng”. Hai vợ chồng tâm ý tương đồng, hành động nhất trí, thì sức mạnh giống như lưỡi dao sắc bén có thể cắt đứt kim loại.
Mọi khía cạnh của hai vợ chồng, đặc biệt là tính cách, tốt nhất là có thể bù đắp được cho nhau, người mang tính khí nôn nóng thì sẽ dần được làm dịu đi bởi người mang tính chậm rãi; còn người mang tính chất chậm rãi thì cũng sẽ được người nôn nóng đốc thúc, có rất nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc thuộc kiểu bổ sung được cho nhau như thế này.
9. Cơ thể quý ở chỗ được khỏe mạnh, tập thể dục tốt ở chỗ biết kiên trì
Người xưa đặc biệt rất biết trân trọng sức khỏe của mình, vì vậy rất am hiểu về luyện tập dưỡng sinh.
Từ “Dưỡng sinh” xuất hiện lần đầu tiên trong “Trang Tử”. Cái gọi là “dưỡng”, chính là đề cập đến dinh dưỡng, bồi dưỡng, bảo dưỡng, dưỡng dục, tu dưỡng; còn cái gọi là “sinh” thì chính là sinh mệnh. Dưỡng sinh chính là nuôi dưỡng tinh thần và thể chất rồi từ đó đạt được một sức sống khỏe mạnh tràn trề.
Điều quan trọng nhất khi tập thể dục chính là sự kiên trì, sợ nhất là “ba ngày câu cá, hai ngày phơi lưới”.
10. Tự kỷ luật quý ở chỗ biết kiềm chế, mong cầu tốt ở chỗ thích hợp
Nhà nho Trình Di thời nhà Tống nói rằng: “Một khi sự ham muốn không khống chế được, thì tai họa sẽ ào ạt đổ xuống”. Tự kỷ luật chính là kiềm chế được ham muốn.
Kẻ thù lớn nhất trong đời người không phải là ai khác mà là chính bản thân chúng ta, vậy nên, phải biết học cách chiến thắng bản thân, vượt qua bản thân thì mới đạt được trí tuệ to lớn.
Triệt tiêu hoàn toàn những ham muốn là chuyện bất khả thi, nhưng kiềm chế ham muốn thì có thể đạt được sự yên bình.
11. Tình cảm quý ở chỗ chân thành, tính cách đẹp ở chỗ biết cương biết nhu
Trang Tử nói rằng: “Người chân thành làm gì cũng tốt, người không chân thành thì không thể làm động lòng người”. Bất kể là tình thân, tình yêu hay tình bạn, tất cả đều là tài sản lớn nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Khi chúng ta dùng những lời lẽ đơn giản và chân thành để thể hiện những tình cảm này và có được những tình cảm chân thật, thì chúng ta chính là người hạnh phúc.
Tính tình không nên quá cứng nhắc, quá cứng nhắc thì sẽ dễ gãy vỡ; cũng không nên quá mềm mỏng, mỏng quá thì dễ đổ xuống.
Khi chúng ta xử sự, nếu như cứ cố chấp cứng nhắc, mà không biết tùy cơ ứng biến, thì chúng ta sẽ thường xuyên rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, cho nên cần phải học theo đạo “trung dung”, nghĩa là “trong cứng có mềm, trong mềm có cứng, cứng mềm ngang nhau”.
12. Ăn nói quý ở chỗ khiêm tốn, cư xử đẹp ở chỗ điềm đạm
Người xưa nói rằng: “Nền tảng của lương thiện chính là sự khiêm tốn, khởi nguồn của tà ác chính là sự ngạo mạn”. Lúa càng chín, thì đầu càng cúi thấp. Nói lời khiêm tốn chính là một loại cảnh giới. “Người đại tài có bản lĩnh không bao giờ nổi nóng, người trung tài có bản lĩnh đôi lúc cũng nổi nóng, còn kẻ không có tài thì không có bản lĩnh và lúc nào cũng nổi nóng”.
Người xưa nói rằng: “Đứng như cây tùng, ngồi như cái chuông, bước đi như gió”. Cử chỉ điềm đạm tự nhiên chính là biểu hiện của một người có tu dưỡng.
13. Sinh hoạt quý ở chỗ có nề nếp, quần áo đẹp ở chỗ được ngay ngắn
Người xưa nói rằng: “Sinh hoạt có nề nếp thì mới nuôi dưỡng tốt tinh thần”. Mọi thói quen sinh hoạt hàng ngày được theo nề nếp thì sẽ rất có ích cho sức khỏe của con người.
Lúc trời vừa ló dạng thì dương khí được sinh ra từ âm khí, đến lúc giữa trưa, là lúc dương khí mạnh nhất, khi hoàng hôn thì dương khí suy giảm, thay vào đó là âm khí, vào lúc giữa đêm thì âm khí trở nên mạnh nhất.
Con người nên làm những việc vào ban ngày lúc dương thịnh âm suy, còn khi đêm đến, lúc âm thịnh dương suy thì nên đi ngủ an giấc, đó cũng chính là câu mà người xưa hay nói “trời mọc thì làm, trời lặn thì nghỉ”, như vậy thì mới có thể duy trì được sự cân bằng hài hòa của âm dương.
Người xưa rất coi trọng chuyện ăn mặc gọn gàng, “mũ đội phải ngay ngắn, nơ phải được thắt lại, tất giày phải đi sát với nhau”. Ngày nay chúng ta ăn cũng cần mặc cần phải chỉnh tề phù hợp, những trang phục lạ lùng hay dơ bẩn đều gây ảnh hưởng đến hình ảnh của một người.
14. Tiêu khiển quý ở chỗ thư thả nhẹ nhàng, vui chơi tốt ở chỗ có chừng mực vừa phải
Tiêu khiển quý ở chỗ thư thả nhẹ nhàng, vui chơi tốt ở chỗ có chừng mực vừa phải. (Ảnh từ artisoo)
Con người cần giải trí tiêu khiển, nhưng hãy nên chú ý đến cách giải trí, nên giải trí bằng những hoạt động nhẹ nhàng thư thả, như là đánh cờ hay âm nhạc, những thứ này rất có ích trong việc nuôi dưỡng một tính cách thanh lịch nhã nhặn.
Cùng người thân hay bạn bè đi ăn uống vui chơi cũng phải có chừng mực, để tránh mất kiểm soát gây ra những chuyện đáng tiếc, để rồi bản thân phải hối hận.
15. Dưỡng sinh quý ở chỗ tâm tĩnh, ăn uống tốt nhất là thanh đạm
Lão Tử có nói: “Gốc rễ để quay về của mọi thứ trên đời này chính là yên tĩnh, khi yên tĩnh được thì sẽ có tái sinh”. Nơi để quay về của mọi vật trên đời này chính là yên tĩnh, chỉ khi yên tĩnh mới có thể trở lại với cuộc sống. Tĩnh là đạo của trời đất. Chỉ khi con người hợp nhất với trời đất thì mới có thể sống lâu hơn.
Trịnh Bản Kiều thời nhà Thanh có một câu đối sau: “Rau cỏ, cải củ, cơm gạo lức; Ấm gốm, nước trời, trà hoa cúc”. Câu đối này đã mô tả khái quát về cuộc sống hàng ngày của Trịnh Bản Kiều, thức ăn của ông chính là cải xanh rau nấm và cơm gạo, thức uống của ông thì là trà hoa cúc dùng nước tự nhiên, và sử dụng ấm trà bằng gốm truyền thống của Trung Quốc. Ông biết rằng ăn ngũ cốc nguyên hạt, và thường xuyên uống nước tự nhiên, chế độ ăn thanh đạm như vậy rất tốt cho sức khỏe.
16. Kiến thức quý ở chỗ chuyên môn, tay nghề tốt ở chỗ ứng dụng thực tế
Theo đuổi kiến thức đòi hỏi phải chuyên môn hóa, còn học tập kỹ thuật thì cần coi trọng việc ứng dụng thực tế. Người xưa khi học kiến thức thì luôn tuân theo yêu cầu “Tiên bác hậu ước”, tức là trước tiên phải “đào rộng”, học thật nhiều sách rồi, thì sau đó sẽ “đào sâu”, để đạt được một chiều sâu nhất định về kiến thức.
Người xưa thích nói câu “Lấy kỹ năng để cầu đạo”, tức là tất cả các kỹ thuật đến cuối cùng đều là muốn đạt được cảnh giới của “Đạo”.
T.Anh chuyển
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire