jeudi 20 janvier 2022

Nhật Bản chế tạo khẩu trang phát sáng khi người mắc COVID-19 đeo

Nhật Bản chế tạo khẩu trang phát sáng khi người mắc COVID-19 đeo

Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển thành công một loại khẩu trang có thể phát sáng khi phát hiện ra virus COVID-19.



Một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Kyoto, Nhật Bản thông báo họ đã phát triển thành công một loại khẩu trang có thể phát sáng khi phát hiện ra virus corona. Khẩu trang được tạo ra bằng cách sử dụng kháng thể của đà điểu. Sáng chế này mở ra hy vọng về một phương pháp xét nghiệm virus mới với chi phí thấp.

Trong thông cáo báo chí, các nhà nghiên cứu cho biết, khẩu trang có kháng thể của đà điểu sẽ phát sáng ở vùng mũi và miệng những người đã bị nhiễm virus.

Đây là công trình nghiên cứu kết hợp giữa Đại học Kyoto và tiến sĩ thú y Yasuhiro Tsukamoto.

"Chúng tôi có thể sẽ sản xuất hàng loạt kháng thể từ đà điểu với chi phí thấp. Trong tương lai, tôi muốn biến nó thành một kit xét nghiệm mà ai cũng có thể dễ dàng mua và sử dụng", tiến sĩ Tsukamoto cho biết.

Nghiên cứu được thử nghiệm bằng cách cho các đối tượng đã bị nhiễm virus corona đeo khẩu trang này trong 8 giờ. Sau đó, các bộ lọc bên trong khẩu trang được tháo ra và phun một chất hóa học có thể phát sáng khi đặt dưới tia cực tím nếu phát hiện thấy virus. Kết quả là tất cả khẩu trang của những bệnh nhân COVID-19 đã đeo đều phát sáng.

Loại khẩu trang này mang lại hy vọng trong việc phát hiện virus COVID-19 ở những người bị nhiễm mà không có triệu chứng. Nhóm đối tượng này thường từ chối xét nghiệm vì nghĩ rằng mình đang khỏe mạnh, do đó, họ sẽ trở thành những người mang virus và lây nhiễm cho cộng đồng.

Hiện tại, các nhà khoa học đang triển khai nghiên cứu loại khẩu trang có thể phát sáng mà không cần tới sự hỗ trợ của đèn chiếu sáng.

Được biết, tiến sĩ Tsukamoto đã nghiên cứu đà điểu trong nhiều năm và tìm cách điều chỉnh khả năng miễn dịch của chúng để chống lại bệnh cúm gia cầm, các bệnh dị ứng và một số bệnh khác. Trước đây, vị tiến sĩ này cũng đã sáng chế khẩu trang phủ tế bào đà điểu để ngăn chặn sự lây lan của bệnh cúm lợn hoặc sử dụng kháng thể của đà điều để tái tạo mọc tóc.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Tsukamoto đã tiêm một lượng virus corona bất hoạt vào cơ thể đà điểu. Sau đó, họ lấy các kháng thể được chiết xuất từ trứng đà điều để làm khẩu trang. Vì trứng đà điểu lớn hơn trứng gà rất nhiều nên có thể tạo ra nhiều kháng thể hơn. Tuy nhiên, vị tiến sĩ thú y này cho hay họ có thể tiết kiệm được một nửa thời gian nếu sử dụng trứng gà để lấy kháng thể.

Các kháng thể được chiết xuất từ trứng đà điểu chưa được thụ tinh và không thể nở con nên phương pháp này cũng được coi là nhân đạo hơn những phương pháp lấy máu từ các loại gặm nhấm hoặc thỏ.

Tiến sĩ Tsukamoto cho biết, ông đã phát hiện ra mình nhiễm COVID-19 khi một trong những chiếc khẩu trang mà ông tạo ra phát sáng khi chiếu đèn kiểm tra. Ông đã xét nghiệm lại bằng phương pháp tiêu chuẩn của COVID-19 và xác nhận mình đã dương tính với virus.

(Nguồn: Reuters)/soha.vn

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire