vendredi 12 mai 2017

LỜI TỰ THUẬT CỦA TU SĨ ANANDA


LỜI TỰ THUẬT CỦA TU SĨ ANANDA

Tôi là một trong những tu sĩ Phật giáo kỳ cựu trong nước thuộc ngành Phật Sinhala.  Tôi còn là thành viên của Hội đồng tu sĩ Phật Giáo.  Một cách vắn tắt có thể nói tôi là một trong những tu sĩ được những Phật tử ngoan đạo sống trong những vùng chung quanh "kính thờ." 

Nhưng một điều đáng buồn là tôi không nhận được sự an bình thật sự qua cách sống và lề lối tổ chức của tu viện.  Đôi khi cảm thấy như mình là một người bị nhốt tù trong bốn bức tường chật hẹp.  Đó là lý do giải thích tại sao tôi ghi tên học tại Đại học, tiếp tục chương trình học vấn dang dở. 

Khoảng thời gian đó, với một tâm trạng như thế, tôi vẫn luôn dõi tìm một lối thoát, dĩ nhiên một lối thoát hiểu theo nghĩa giải thoát thiêng liêng.  Tôi không muốn từ bỏ chiếc áo cà sa, nhất là tôi rất yêu chuộng giáo huấn Dhamma của Đức Phật Tổ, nhưng một hạnh phúc trong an bình thật sự tôi vẫn chưa nhận được.  Tôi biết rằng niềm hạnh phúc này hiện hữu và con người có thể đạt được nó, nếu chịu khó tìm tòi.  Nhưng coi sự tịch diệt như là cứu cánh tối hậu, hay tiêu diệt đi mọi ước muốn trần thế trong con người đều không phải là những điều có thể tạo cho tôi sự an bình thiêng liêng. 

 Như là một việc đã được sắp xếp từ bao giờ.  Vào khoảng năm 1961, tôi gặp một Linh mục Công giáo, không phải vì chiếc áo dòng ông đang mặc hấp dẫn tôi, nhưng có lẽ vì cái nhân cách đặc biệt thoát ra từ con người ông, và tấm lòng nhân ái vị tha của ông đối với mọi người.  Tôi không ngần ngại làm quen với ông.  Theo tôi nhận xét, ông có thể là người đã tìm thấy hạnh phúc thật thể hiện rõ ràng qua cách sống. 

 Ông bạn mới này của tôi dường như hiểu biết rất nhiều về giáo thuyết nhà Phật.  Thế mà trái lại, kiến thức của tôi về Công giáo gần như không có.  Những gì tôi biết chỉ là những điều tôi đã được nghe do những người Phật tử phán đoán, giải thích, phê bình chủ quan về Công giáo.  Tôi biết rằng đó chỉ là những thành kiến sai lầm về Giáo hội này. 

Do sự chủ quan khi nhìn vào những ngôi nhà thờ xây cất theo Tây phương và lối sống Âu hóa của các Linh mục, tôi vẫn còn ngần ngại trong việc tìm hiểu thêm về Kitô giáo.  Tôi cho rằng một tôn giáo không hoà mình được với phong hoá và lề thói địa phương thì làm sao có thể loan truyền được chân lý cho dân tộc đó, và vì vậy làm sao có thể đáp ứng được sự giải thoát thật sự tôi đang kiếm tìm. 

Tuy nhiên, tôi vẫn không bỏ qua những cơ hội để có thể bàn luận và chất vấn Cha X trong tình thân hữu tôi đã có được với Cha, nhất là để thử nghiệm những điểm đối kháng chống lại các Thày tu Công giáo.   Đối với tôi, các Linh mục Công giáo chỉ là những người đánh cá ra khơi với chiếc bụng lép xẹp, dụ dỗ những con cá ngây thơ bằng miếng mồi giả tạo. 

Nhưng chỉ ngay sau đó thôi, tôi thấy rằng mình sai lầm, vì tôi khám phá ra rằng ông Linh mục này không hề mảy may có ý định khuyến dụ tôi về với tôn giáo ông đang theo.  Trái lại, trong sự ngạc nhiên của tôi, ông Linh mục này lại còn bày tỏ ao ước được thử sống lối sống của các tu sĩ Phật giáo nữa.  Ông cho biết, ông chấp nhận một số những nguyên tắc của Phật giáo và ông đã từng áp dụng phương thế Dhammapada để tĩnh tâm.  Ông lại còn là người theo chủ trương ahimsa (không dùng bạo lực) với các sinh vật thụ tạo nữa. 

 Khi đã thân hơn với ông, tôi cho ông biết về những điều tôi đã nghe phê bình về Giáo hội Kitô giáo.  Tôi tưởng ông sẽ nổi giận, lên tiếng bênh vực cho giáo hội.  Nhưng trái lại, với một thái độ hết sức bình thản ông nói rằng ông không hề trách oán những người đã phê bình Giáo Hội Công giáo.  Có thể có những sai quấy trong Giáo hội, nhưng tất cả nhờ vào sự soi sáng thiêng liêng của Chúa, Giáo hội đã không đi lạc lối và tan rã. 

Khi đề cập đến những khuyết điểm của Giáo hội hay chính là những khuyết điểm của những con người trong Giáo Hội, ông nhấn mạnh đến sự hiện diện của ơn Chúa.  Khi bắt đầu thi hành những phương thế sống, người ta nghĩ rằng họ đang làm những việc lành tốt, nhưng khi kết thúc nó có thể đưa đến những thiệt hại nào đó.  Chính sự hiện diện của quân đội Bồ đào Nha tại Sri Lanka đã là trở ngại cho những nhà truyền giáo trong công việc rao giảng Tin Mừng tại quốc gia này.  Thật là một điều tự nhiên, người ta phán xét về một tôn giáo qua sự tiếp xúc bề ngoài với những người theo tôn giáo ấy.  Điều này tôi có kinh nghiệm trong đời sống: Phái Dhamma cực lực chống lại giai cấp quí tộc, nhưng phái Sangha lại chấp nhận và tán thành giai cấp này. 

Ông bạn Linh mục của tôi không phải chỉ sửa đổi lại những nhận thức sai lầm của tôi về Giáo hội Công giáo, nhưng dần dần đã giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về giáo huấn của Giáo hội và cách sống đạo.   Ông không nói bằng lời, nhưng nói bằng chính đời sống của ông.  Ông biểu tỏ một hạnh phúc thật sự khi được sống trong đời sống nhiệm nhặt của tu viện.  Ông cho biết rằng chính đời sống khổ hạnh của nhà Chúa là yếu tố rất cần thiết cho Giáo Hội Công giáo tại Sri Lanka.  Ông muốn Kitô giáo hòa nhập vào lối sống địa phương để Tin Mừng của Chúa Kitô có thể được thể hiện và chấp nhận dễ dàng hơn cho những người đã sẵn có một lề lối sống đạo, biết tôn trọng luân lý.  Tôi nghĩ rằng đây có thể được coi là một cách thế thật tốt thể hiện vai trò chứng nhân của Chúa Kitô trong một xã hội Phật giáo. 

 Một ngày nọ, tôi có dịp hỏi ông về "niềm hạnh phúc thật."  Ông cho rằng đây là do Ơn Chúa.  Chợt nhận thấy tôi không hiểu danh từ "Ơn Chúa", ông vội giải thích thêm: "Để hiểu về nguồn ơn thiêng liêng này, người ta cần cảm nhận được nó trước đã". 

 "Cảm nhận và nhận chân được chân lý một sự vật" là một cứu cánh của con người.  Từ thuở thiếu thời, tôi đã được Phật Tổ khích lệ để kiếm tìm, nhưng hôm nay đây sự khích lệ đó đã đổi chiều khiến tôi hướng về Kitô giáo. 

Sau buổi nói chuyện, ông trao cho tôi cuốn Kristu Anusaraya, Bản dịch của Sinhala, tác phẩm Gương Chúa Giêsu của Thomas à Kempis.  Tôi đọc cuốn sách này thật kỹ và nhận ra rằng nó đã giúp tôi tiến được một bước thật xa, xa hơn bước tiến tôi đã có được trong suốt những năm tĩnh tâm trong nhà Chùa.  Tác giả diễn giải sự hy sinh với một nhãn quan cao hơn.  Đặt căn bản vào Sách Phúc Âm, tác giả cho thấy tình yêu của Thiên Chúa là động lực chính của sự hy sinh. 

 Tôi nhận ra rằng, người Kitô hữu quan niệm Thiên Chúa là tối thượng so với tất cả thụ tạo, và tình yêu vĩ đại nhất của con người so với tình yêu thiêng liêng của Thiên Chúa chỉ là một hạt bụi vì Ngài là Đấng Sáng tạo.  Như thế, khi người Kitô hữu hy sinh, họ không hy sinh vì phần rỗi cá nhân họ mà họ hy sinh cho tình yêu của Người-Yêu-Thương-Họ.  Điều này khiến tôi an lòng.  Sự an lòng này, tôi nghĩ phải chăng là Ơn Chúa?  Vâng, chính là Ơn Chúa trong tôi. 

 Rồi, ông bạn dìu tôi vào Tân Ước, nhưng tiếc rằng Sách Tân Ước chưa được dịch toàn bộ sang tiếng Sinhala, mà vốn liếng Anh ngữ của tôi lại quá nghèo nàn.  Học thêm Anh ngữ, tôi đọc sách của các tác giả Kitô giáo.  Ngay cả trong những bài thơ cũng đầy dẫy những hình ảnh về Thiên Chúa: Nào là Thiên Chúa Ba Ngôi, Sự Giáng Sinh của Con Một Thiên Chúa, Mẹ Maria, Thiên Đàng-Địa Ngục v.v...  Đầu tiên, những ngôn từ này làm tôi chán ngán, ông bạn Linh mục khuyến khích tôi, những lời giải thích chấm dứt bằng hai chữ "mầu nhiệm"  khiến tôi như Phaolô nhưng gặp chướng ngại vật cản bước trên "Đường đến Damascus" gặp Chúa.  Tôi may mắn lại được tác phẩm "Lead, Kindly Light" của Đức Hồng Y Newman nâng đỡ. 

Một Phật tử không ưa những mầu nhiệm, hơn nữa "mầu nhiệm" tiếng Sinhala là "abirahasa" không có nghĩa giống chữ "mầu nhiệm" của Giáo hội Công giáo, nó chỉ có nghĩa là "một bí mật tuyệt đối". 

 Tuy nhiên, với sự giải thích rõ ràng của ông bạn Công giáo, tôi dần dần vượt qua được những khó khăn này.  Ông giải thích rằng cho đến bây giờ, đối với các nhà khoa học với kỹ thuật tân kỳ hiện đại, cơ thể con người vẫn còn là một bí nhiệm.  Đó là nói về phần thân xác, vậy thì phần tinh thần của con người còn phải vượt xa trí óc của nhân loại đến như thế nào?

 Con đường tôi tìm hiểu về Đức Tin Kitô giáo như thế đó.  Không phải là một Đức Tin mù quáng, mà là một Đức Tin với tất cả sự hiểu biết, lý luận.  Hơn nữa, nó còn giải đáp thỏa đáng trong quan niệm tự nhiên về con người.  Nhờ đó, tôi nhận biết được bản tính nhân loại trong con người của Đấng Cứu Thế. 

Điều làm tôi khâm phục nhất trong Giáo Hội đó là sự lo lắng của những người Kitô hữu đối với tha nhân: Những người ốm đau, những kẻ bần cùng, những người tội lỗi...  Tôi quyết định đi theo Chúa để thực hiện giới răn "yêu người như yêu chính bản thân mình." 

Rồi tôi nhận thấy đời sống tôi thay đổi, không còn bị giam trong bốn bức tường chật hẹp nữa, tôi hít thở bầu không khí tự do.  Tôi nhìn thấy một ngôi sao từ trên cao đang chờ dẫn đường cho tôi đến một chân trời hạnh phúc vĩnh cửu.  Tôi suy niệm mỗi ngày bằng Sách Phúc Âm và cuốn "Gương Chúa Giêsu." 

 Năm 1963, tôi đậu kỳ thi nhập học và theo học tại Đại học.  Anh văn của tôi khá hơn khiến tôi đã có thể đọc được Sách Phúc Âm và các sách khác về Kitô giáo bằng Anh ngữ. 

Một cuốn sách giá trị tôi được đọc trong khoảng thời gian này đó là cuốn sách ghi lại Công Đồng Vaticanô thứ Hai.  Cho đến lúc đó tôi mới thật sự thấy rằng việc tôn giáo phải thay đổi hợp với thời đại là quan trọng, đặc biệt cho các thế hệ trẻ ngày nay. 

 Công việc học dù bận rộn, nhưng cũng không khiến tôi chấm dứt việc tìm hiểu thêm về Giáo Hội.   Tôi học rất chăm và được các giáo sư khen ngợi.   Tôi thấy đời sống sao ý vị quá, đặc biệt khi trong đời sống đó ta biết phục vụ mọi người qua việc hy sinh chính con người mình. 

 Sau khi tốt nghiệp, tôi không còn ý định trở lại tu viện nữa.  Không phải vì tôi có thể tìm được một công việc tốt hay lý do nào khác, nhưng lý do chính để tôi cởi bỏ chiếc áo cà-sa, đó là tôi đã tìm ra Chúa Kitô.  Người là Thiên Chúa và là Thày tôi.  Người đã đến tìm tôi, chỉ cho tôi con đường cứu rỗi với hạnh phúc vĩnh cửu...  Tôi biết, quyết định của tôi sẽ đưa đến việc tôi phải đối diện với những khó khăn khi đi tìm việc làm. 

 Tôi không có khả năng để diễn đạt hết những cảm xúc của tôi trong quá trình trở lại với Chúa.  Bao nhiêu những khó khăn vất vả, nhưng tôi không thể chờ đợi được nữa rồi.  Ý Chúa là như thế.  Tôi học hỏi về Giáo lý, về cách sống đạo và sẵn sàng. 

 Tìm được sự bình an là kết quả đầu tiên của con đường tôn giáo.  Chắc chắn tôi sẽ có được sự bình an này khi tôi được nhận vào Giáo Hội.  Nếu tôi phải tóm tắt lại một cách ngắn gọn những gì Giáo hội có thể đã cho tôi khi tôi trở thành con cái Chúa thì tôi chỉ nói được đó là "Đời Sống".  Tôi muốn nói một đời sống mới, được soi sáng và hướng dẫn do ân sủng thiêng liêng. 


Ananda
T.Anh sưu tầm

Điều Gì Hướng Dẫn Cuộc Đời Bạn?

Điều Gì Hướng Dẫn Cuộc Đời Bạn?
Cuộc đời mỗi người phải được hướng dẫn bởi một điều gì đó. Khi bạn lái xe, chèo thuyền hay chơi thể thao là lúc bạn đang hướng dẫn điều khiển và chỉ đường cho những vật đó. Vậy đâu là sức mạnh hướng dẫn cuộc đời bạn?
Ngay bây giờ có thể bạn đang bị hướng dẫn bởi một vấn đề bởi một áp lực hay bởi một giới hạn nào đó. Có thể bạn đang bị điều khiển bởi một ký ức đớn đau một nỗi sợ ám ảnh một niềm tin vô thức. Có hàng trăm sự kiện giá trị và cảm xúc có thể lèo lái cuộc đời bạn. Sau đây là năm yếu tố chung nhất:
1. Nhiều người bị lèo lái bởi tội lỗi. Họ trải qua cả cuộc đời kéo lê trong ân hận và trốn tránh sự xấu hổ. Những người bị lèo lái bởi tội lỗi thì bị ký ức lôi kéo. Họ để cho quá khứ kiểm soát tương lai của họ. Họ thường trừng phạt chính mình cách vô thức qua việc hủy hoại sự thành công của riêng mình. Khi Cain phạm tội, tội lỗi đã tách lìa anh ra khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa và Thiên Chúa đã phán: “Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất” (St 4,12). Điều này cho thấy phần lớn con người ngày hôm nay đi lang thang qua cuộc đời mình mà không có một mục đích.
Chúng ta là sản phẩm của quá khứ chúng ta, nhưng chúng ta không phải là tù nhân của quá khứ. Thánh ý Thiên Chúa không bị giới hạn bởi quá khứ của bạn. Ngài đã biến Môsê, một kẻ giết người, thành một vị lãnh đạo, đã biến Ghít-ôn, một kẻ hèn nhát, thành một anh hùng dũng cảm và Ngài cũng có thể thực hiện nhiều điều kỳ diệu trong cuộc sống còn lại của bạn. Thiên Chúa luôn thực hiện cho con người một sự khởi đầu mới mẻ. Kinh Thánh nói: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ!” (Tv 32,1).
2. Nhiều người bị lèo lái bởi cơn bực bội và sự phẫn nộ. Họ kìm hãm những nỗi đau và chẳng bao giờ khắc phục được chúng. Thay vì xoa dịu đau khổ bằng sự tha thứ họ lại gợi đi gợi lại nó trong tâm trí. Một số người bị cơn bực bội lèo lái thì làm thinh và tiếp nhận cơn giận dữ của mình trong khi đó một số khác lại thổi phồng và trút cơn giận dữ lên những người khác. Cả hai cách phản ứng này đều không lành mạnh và không có ích lợi gì.
Sự bực bội luôn làm cho bạn đau đớn hơn là người mà bạn đang bực tức. Trong khi người phạm lỗi với bạn có thể đã quên đi sự vi phạm đó và tiếp tục cuộc sống của họ thì bạn cứ giam hãm mình trong nỗi đau và kéo dài quá khứ mãi.
Hãy nghe điều này: Những người làm bạn đau đớn trong quá khứ thì bây giờ không còn gây đau đớn cho bạn nữa trừ phi bạn còn giữ lại nỗi đau ấy qua cơn giận dữ. Quá khứ của bạn vẫn là quá khứ! Không có gì có thể thay đổi quá khứ. Bạn chỉ làm cho mình đau đớn với chính sự chua xót của mình. Vì lợi ích của bạn, bạn hãy học ở nỗi đau đó một bài học rồi bỏ nó đi. Kinh Thánh nói: ”Nỗi sầu khổ làm người điên phải chết và giận hờn làm kẻ dại tiêu vong” (G 5,2).
3. Nhiều người bị lèo lái bởi sự sợ hãi. Những nỗi sợ của họ có thể là kết quả của một kinh nghiệm đau thương của những mong đợi không thực, hoặc của sự lớn lên trong một gia đình có sự kiểm soát chặt chẽ hay thậm chí một khuynh hướng di truyền. Không quan tâm đến nguyên nhân, những người bị lèo lái bởi sự sợ hãi thường bỏ lỡ những cơ hội lớn bởi vì họ sợ phải mạo hiểm. Thay vào đó họ tìm sự an toàn xa tránh những nguy hiểm và cố gắng duy trì tình trạng này mãi.
Sự sợ hãi là một nhà tù tự giam sẽ giữ bạn không thể trở nên những gì Thiên Chúa dự định cho bạn. Bạn phải loại bỏ sự sợ hãi bằng khí giới đức tin và tình yêu. Kinh Thánh nói: ”Tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi; do sợ hãi gây tê liệt nên sống trong sợ hãi - sợ chết sợ xét xử - thì không đưa đến hoàn hảo (I Ga 4,18).
4. Nhiều người bị lèo lái bởi chủ nghĩa duy vật chất. Sự mong muốn thủ đắc là mục tiêu lớn nhất của cuộc đời họ. Bị lèo lái để luôn muốn nhiều hơn dựa trên những quan niệm sai lầm cho rằng việc có thêm sẽ làm mình hạnh phúc hơn, quan trọng hơn và an toàn hơn. Nhưng cả ba ý nghĩ này đều không thực. Chiếm hữu chỉ đem lại chút thỏa lòng tạm thời. Bởi vì chúng ta sẽ dần dần chán tất cả những gì không thay đổi, và rồi muốn những kiểu mới hơn, lớn hơn và tốt hơn.
Cũng thật hoang đường khi cho rằng nếu mình có thêm, mình sẽ trở nên quan trọng hơn. Tự cho mình là quan trọng và quan trọng thật sự là hai điều không giống nhau. Giá trị của bạn không được xác định bởi những vật quý giá của bạn và Thiên Chúa dạy rằng điều quý giá nhất trong cuộc sống không phải là vật chất!
Thật hoang tưởng khi nghĩ rằng có thêm nhiều tiền thì mình sẽ được an toàn hơn. Điều đó không đúng. Của cải có thể mất đi ngay lập tức bởi nhiều yếu tố không thể kiểm soát. Sự an toàn đích thực chỉ có thể tìm thấy nơi những gì không bao giờ bị lấy đi khỏi bạn, đó là tương quan của bạn với Thiên Chúa.
5. Nhiều người bị lèo lái bởi việc muốn làm đẹp lòng tha nhân. Họ để cho những mong đợi của cha mẹ, của vợ chồng, của con cái hay của bạn bè kiểm soát cuộc đời của họ. Nhiều người lớn tuổi vẫn cố gắng tìm kiếm sự chấp thuận của những bậc cha mẹ khó tính. Những người khác lại bị lèo lái bởi những áp lực của đám đông, luôn luôn lo lắng với những điều người khác có thể nghĩ. Đáng tiếc là những người chạy theo đám đông thường đánh mất mình trong đó.
Tôi không biết hết mọi bí quyết để đạt được thành công, nhưng một bí quyết để đi đến thất bại là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Bị kiểm soát bởi những ý kiến của người khác là một cách thức chắc chắn bỏ lỡ thánh ý Thiên Chúa dành cho cuộc đời bạn. Đức Giêsu đã nói: ”Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mt 6,24).
* Năm yếu tố trên đều có sức mạnh điều khiển cuộc đời bạn nhưng tất cả đều dẫn đến chỗ chết, đó là tiềm năng không được sử dụng, sự căng thẳng không cần thiết, và một cuộc đời không hoàn trọn.
Lược dịch từ The Purpose Driven Life
Của Rick Warren Imprint Edition Zondervan USA 2002

T.Anh sưu tầm

mercredi 10 mai 2017

CÙNG SUY GẪM VỚI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGÔ QUANG KIỆT VỀ SỨ ĐIỆP FATIMA

Kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima
Tĩnh tâm tháng 5 (Đan viện Châu sơn Nho quan 5-5-2017)
+ Tgm Giuse Ngô Quang Kiệt

Tháng năm luôn nhắc ta nhớ về Đức Mẹ. Tháng năm năm nay lời nhắc nhớ còn mãnh liệt hơn. Vì ngày 13-05 sắp tới kỷ niệm đúng 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Đây là dịp chúng ta cần ôn lại lời Mẹ nhắn nhủ và đem ra thực hành. Vì sứ điệp Fatima rất quan trọng. Sứ điệp Fatima quan trọng vì những lý do sau.
1.Sứ điệp Fatima và vận mệnh thế giới.
Đức Mẹ hiện ra khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang diễn ra. Đức Mẹ cảnh báo: nếu loài người không ăn năn sám hối và thực hành lời Đức Mẹ thì thế giới sẽ còn chịu nhiều hiểm hoạ. Ba hiểm hoạ mà Đức Mẹ cảnh báo là hoả ngục, chiến tranh và bắt bớ. Trong những nguyên nhân tội lỗi dẫn đến huỷ diệt con người Đức Mẹ cảnh báo về chiến tranh và về những lạc thuyết. Và Đức Mẹ đề cập đến nước Nga từ khi chưa tiến hành cách mạng vô sản.
Quả thực trong nửa đầu thế kỷ 20 đã có hai cuộc chiến tranh và xuất hiện hai lý thuyết lớn. Gây tổn hại cho nhân loại.
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất giết chết 10 triệu người. Chưa kể biết bao nhà cửa, đường xá, cầu cống, nhà máy bị phá huỷ.
Nhưng phá huỷ lớn là người ta không còn tin vào những giá trị nhân văn. Chỉ tin vào sức mạnh bạo lực. Từ đây sẽ củng cố sức mạnh quân sự chính trị để giải quyết các vấn đề trên thế giới. Đó là mảnh đất mầu mỡ cho hai lý thuyết phát-xít và cộng sản phát triển, gây tại hoạ vô cùng cho nhân loại. Đây chính là điều Đức Mẹ đã cảnh báo.
Hai nước Nga và Đức bị thua thiệt. Với tâm trạng nước lớn bị mất mặt, họ quyết tâm phục thù. Đó chính là mầm mống cho chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Quả thật chỉ 20 năm sau thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai nổ ra. Và thiệt hại của nó còn tàn khốc hơn nữa. Tổng cộng có 49 triệu người bị thiệt mạng. Cả Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nên có 2 triệu người chết vì nạn đói năm Ất Dậu.
Sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt lại tiếp tục cuộc chiến tranh lạnh. Thế giới phân cực Đông – Tây. Phía Tây là các nước tư bản trong liên minh Bắc Đại tây dương, gọi tắt là NATO. Phía đông là các nước cộng sản trong Hiệp ước WARSAWA. Chỉ tội cho những nước nhỏ như Việt nam bị dùng làm bãi chiến trường cho hai phe tranh chấp. Thiệt hại vật chất tinh thần không biết kể sao cho xiết.
Nhưng tội lỗi lớn nhất của họ là chống lại Thiên Chúa. Chối bỏ Thiên Chúa. Và tự cho mình là Thiên Chúa. Có mọi quyền sinh sát. Tội này rất trầm trọng. Vì xưa nay chỉ có những cá nhân chống lại Chúa. Ngày nay có cả một thế giới vô thần. Xưa kia chỉ có những người vô thần thực hành cá nhân. Ngày nay có cả một lý thuyết vô thần chống lại Thiên Chúa có hệ thống.
Vì chống lại Thiên Chúa nên huỷ diệt lương tâm con người. Vì chỉ nhắm đến thành công nên dùng mọi phương tiện dù là gian dối nhất, tàn ác nhất. Khiến cho mọi trật tự luân lý đảo lộn. Mọi giá trị đạo đức bị khinh miệt. Thế giới đảo điên. Chỉ có bạo lực thống trị. Đó là một hệ thống gây tội lỗi trên toàn thế giới.
Vì thế, Thiên Chúa quyết định trừng phạt con người. Nhưng Đức Mẹ luôn là người mẹ hiền yêu thương con cái. Nhìn thấy những đứa con hư hỏng sắp bị huỷ diệt, Đức Mẹ đau xót cảm thương. Vì thế, Đức Mẹ đã hiện ra ở Fatima để giải cứu con người và thế giới.
Trong thị kiến thứ hai, chị Luxia nhìn thấy một thiên thần cầm lưỡi gươm lửa để tiêu diệt thế giới. Nhưng từ bàn tay Đức Mẹ đã phát ra một luồng ánh sáng ngăn cản lưỡi gươm. Và sau đó Đức Mẹ đã khuyên nhủ loài người phải thực hành lời Mẹ dạy để tránh được các hiểm hoạ dẫn đến huỷ diệt.
Những sứ điệp đó đã được chứng nghiệm trong 100 năm qua.
2.Sứ điệp Fatima đã ứng nghiệm
Trong thị kiến thứ ba mà người ta thường gọi là bí mật thứ ba, chị Luxia thấy một vị mặc áo trắng đi qua một thành phố. Một nửa thành phố bị cháy rụi đổ nát. Nửa kia đang run rẩy rên xiết. Vị mặc áo trắng tiến lên một ngọn đồi. Trên đỉnh đồi có cây thánh giá thô nhám xù xì. Dưới chân thánh giá có đông đảo các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân thành khẩn cầu nguyện. Biết bao vị chịu tử đạo. Hai bên thánh giá có hai thiên thần cầm chén lễ bằng pha lê hứng máu các thánh tử đạo. Khi vị mặc áo trắng quì xuống, lập tức ngài bị bắn bằng nhiều mũi tên và nhiều viên đạn. Ngài gục xuống.
Ngày 13-5-1981, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolo II bị ám sát. Sau khi dạy giáo lý thường lệ vào ngày thứ tư tại quảng trường thánh Phêrô, ngài đứng trên xe mui trần, đi một vòng quanh quảng trường để chào thăm dân chúng. Ngài bị Ali Agca, một sát thủ người Thổ nhĩ kỳ bắn bốn phát đạn vào ổ bụng.
Al Agca là một tay thiện xạ và đã từng được thuê mướn giết nhiều người. Không ai thoát chết dưới lằn đạn của anh. Khi Đức Thánh Cha bình phục, ngài đến thăm Ali tại nhà tù. Thấy ngài, anh ta sửng sốt hỏi: Sao ngài sống được. Đức Thánh Cha đã trả lời: Anh bắn viên đạn, nhưng Đức Mẹ đã lái viên đạn.
Từ sau biến cố ấy, ngài ý thức đã được Đức Mẹ tuyển chọn để thực hiện sứ điệp của Đức Mẹ, nên ngài chăm chú đọc lại sứ điệp Fatima. Xem lại bản văn bí mật thứ ba vẫn được giữ kín trong văn khố mật của Toà Thánh. Và ngài ra sức thực hành lời Mẹ dạy.
Việc làm đầu tiên của ngài là dâng hiến loài người, đặc biệt nước Nga, cho Đức Mẹ. Ngài dâng 3 lần. Lần thứ nhất vào tháng 6-1981. Ngay khi còn trên giường bệnh, ngài chỉ thị cho Toà Thánh thay ngài cử hành việc dâng hiến. Lần thứ hai vào năm 1982. Và lần thứ ba vào 25-3-1984. Lần này ngài gửi thư cho các giám mục trên thế giới. Yêu cầu các giám mục hiệp ý với ngài để long trọng dâng loài người và những nước cần thiết cho Đức Mẹ. Ngài tự tay soạn một lời kinh dâng hiến rất tha thiết cảm động. Và để thế giới ý thức tầm quan trọng của sứ điệp Fatima, nhân dịp Năm Thánh 2000, ngài đã cho công bố toàn bộ bí mật thứ ba. Có bản văn nguyên thuỷ với chữ viết tay của chính chị Luxia. Có lời chú giải của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, bấy giờ làm Tổng trưởng bộ Giáo lý Đức tin.
Việc thứ hai ngài làm là lần chuỗi. Ngài đã ra quảng trường thánh Phêrô lần chuỗi chung với giáo dân. Có lẽ chưa có vị giáo hoàng nào lần chuỗi chung với giáo dân như thế. Buổi lần chuỗi được ghi vào băng đĩa để phổ biến và khuyến khích mọi người siêng năng lần chuỗi. Ngài còn lập ra Năm Sự Sáng để suy niệm đoạn đời hoạt động công khai của Chúa Giê-su. Như thế phép lần hạt với bốn mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, đã tóm tắt trọn vòng đời dương thế của Chúa Giê-su. Ngài cũng viết Tông thư Kinh Mân Côi để khuyến khích việc tôn sùng Đức Mẹ bằng lần hạt.
Ngài quả là người con đặc biệt của Đức Mẹ đã chuyên chăm thực hành tất cả những lời Mẹ nhắn nhủ tại Fatima. Và kết quả chúng ta đã thấy đó là nước Nga được ơn trở lại, từ bỏ lạc thuyết vô thần. Quả thật lời hứa của Mẹ đã ứng nghiệm tỏ tường. Chỉ trong nháy mắt khối Hiệp ước Warsawa tan rã. Bức tường ô nhục Bá linh sụp đổ. Cả khối Đông Âu tan ra từng mảnh. Bản đồ thế giới được vẽ lại. Không tốn một viên đạn. Không mất một mạng người. Ai có thể làm được nếu không phải quyền năng Đức Mẹ.
3.Sứ điệp Fatima còn tiếp diễn
Người ta không lạ khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolo II sùng kính Đức Mẹ. Nhưng đến Đức Thánh Cha Biển đức XVI thì thật lạ lùng. Ngài vốn là một con người duy lý. Suốt đời viết thần học về Chúa Ki-tô. Nhưng lạ thay khi lên ngôi Giáo hoàng, ngài rất sùng mộ Đức Mẹ. Đặc biệt với Đức Mẹ Fatima. Năm 2010 ngài hành hương đến Fatima. Tại đây ngài giảng một bài gây chấn động thế giới. Ngài nói ba điều. Thứ nhất: tại Fatima cửa trời đã mở ra và người ta được thấy bí mật của trời. Thứ hai: Ai nghĩ rằng sứ điệp Fatima đã chấm dứt thì người đó lầm lớn. Sứ điệp Fatima còn rất hiện thực và hiệu nghiệm. Thứ ba: Tôi tin và cầu nguyện để khi kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, lời hứa Trái Tim Mẹ Sẽ Thắng sẽ được thực hiện.
Đến thời Đức Thánh Cha Phanxico. Khi lên ngôi Giáo hoàng ngài lập tức viết thư cho Trung tâm Fatima xin dâng ngài và triều đại của ngài cho Đức Mẹ. Vì Đức Thánh Cha nói hai lần nên trung tâm coi đó là việc nghiêm trọng. Vì thế chính Đức Hồng Y chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ đào nha đã triệu tập Hội đồng Giám mục và viết thư cho các giám mục bạn Fatima để ngày 13-5-2013 dâng Đức Thánh Cha Phanxico và giáo triều của ngài cho Đức Mẹ.
Đến tháng 10 cùng năm ngài yêu cầu Fatima kiệu tượng Đức Mẹ nguyên thuỷ sang Roma. Để ngày 13-10 năm đó ngài long trọng dâng loài người cho Đức Mẹ.
Tại sao ba vị Giáo hoàng sau cùng này đều quan tâm thực hiện lời Mẹ nhắn nhủ tại Fatima? Thưa vì các ngài đã thấy tầm quan trọng của sứ điệp Fatima có ảnh hưởng tới vận mệnh thế giới. Các ngài cũng đã tận mắt chứng kiến lời tiên báo cũng như lời hứa của Mẹ đã được thực hiện quá tỏ tường. Và đồng thời với cương vị lãnh đạo, với tầm nhìn toàn cầu và với trực giác thiêng liêng các ngài thấy tình hình thế giới vẫn mong manh nguy hiểm, sứ điệp của Mẹ vẫn còn nguyên tính chất thời sự. Vì thế cần tích cực, cấp bách và nghiêm túc thực hiện những điều Đức Mẹ truyền. Để cứu bản thân và cứu thế giới.
4.Sứ điệp Fatima với chúng ta
Nhìn lại tình hình thế giới hôm nay ta thấy không khác gì 100 năm trước.
Nếu 100 năm trước con người chống lại con người thì ngày nay cũng thế.
Về tội giết người, chống lại nhân loại ngày nay chẳng kém, có khi còn hơn thời xưa. Có giết người trực tiếp và giết người gián tiếp.
Giết người trực tiếp đại trà như các vụ khủng bố. Có thể nói thiên niên kỷ thứ ba bắt đầu bằng chiến tranh khủng bố với sự xuất hiện của các nhóm khủng bố ngày càng nhiều và càng tàn bạo.
Đầu tiên và gây chấn động sợ hãi nhất là Al-Qaeda có địa bàn hoạt động toàn cầu. Ghê sợ nhất là cuộc khủng bố cướp máy bay chở khách cho đâm vào toà nhà Tháp đôi tại Mỹ ngày 11-9-2001. Sau đó hàng loạt các tổ chức khủng bố khác. Mạnh nhất và qui mô nhất là nhóm muốn xây dựng các nhà nước Hồi giáo IS xuất hiện tại Syria và Irak. Nhóm này đã đánh chiếm nhiều thành phố của Syria và Irak, giết hại biết bao dân lành, khiến cho hàng chục triệu người phải bỏ quê hương tìm đường tị nạn. Tại Nigeria có nhóm Boko Haram ác độc chưa từng thấy. Bắt các nạn nhân rồi thiêu sống họ. Tại Somalia có nhóm Al-Shebab. Mặt trận An Nusra, chi nhánh của Al-Quaeda, hoạt động tại các quốc gia vùng Địa trung hải. Nhóm Ansar al-Shar’ia khủng bố tại Lybia và Tunisia. Nhóm Hezbollah phát xuất từ Liban nhưng hoạt động toàn cầu, đặc biệt tại Hoa kỳ và châu Âu. Phiến quân Hamas chủ yếu chống người Do thái. Các nhóm khủng bố giờ đây bành trướng khắp thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi chiến tranh khủng bố là thế chiến thứ ba phân mảnh. Đã khiến cho hàng chục triệu người, đặc biệt người công giáo tại Syria và Irak phải bỏ nhà bỏ cửa tị nạn. Các nhà thờ tại Ai cập, Nigeria, Congo và cả ở Malaysia và Indonesia bị đặt bom, bị đốt phá. Ảnh hưởng lớn của nó là khiến cho mọi người sống trong lo âu sợ hãi. Đặc biệt là châu Âu và Hoa kỳ luôn phải đề phòng cẩn mật. Mặc dù thế vẫn có những vụ khủng bố xảy ra trong suốt những năm qua.
Ngoài ra cũng phải kể đến giết người trực tiếp, tuy ít ồn ào, nhưng cũng độc ác và đại trà không khác gì một cuộc chiến tranh lớn, đó là nạn phá thai. 
Tổ chức Y tế Thế giới WHO làm thống kê như sau:
1. China: 7.930.000
2. Russia: 2.287.300
3. Vietnam: 1.520.000
4. USA: 1.365.700
5. Ukraine: 635.600
6. Belarus: 496.045
7. Bulgaria: 205.395
8. Hungary: 194.485
9. Czech Republic: 101.874
10. Romania: 88.327
(Theo HanoiTV ngày 1/10/2016).
Như thế, trong 10 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thì có 9 nước cộng sản hoặc đã từng theo cộng sản. Việt nam xếp hạng ba về tội ác này. Và thật ghê gớm. Chỉ 10 nước này thôi số thai nhi bị giết hại đã là 15.793.426. Tức là hơn cả số nhân mạng thương vong trong thế chiến thứ nhất.
Ngày nay cái chết gián tiếp tăng gấp bội so với thời xưa. Chết gây ra do ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm, đồ tiêu dùng.
Còn tội lỗi hơn cả chống lại loài người đó là tội chống lại Thiên Chúa. Nếu thế kỷ 20 có lý thuyết vô thần chống lại Thiên Chúa có hệ thống, thì thế kỷ 21 còn tinh vi hơn. Cũng chống Thiên Chúa không kém ngày xưa, chỉ có hình thức đồi khác. Nếu xưa có hệ thống vô thần thì ngày nay có vô thần tự phát. Nếu xưa có lý thuyết vô thần, thì nay có vô thần thực hành. Nhưng nguy hiểm hơn cả là việc chống Thiên Chúa được cài đặt vào hệ thống văn hoá và luật pháp. Nhiều nước đã có luật cho phép phá thai, hôn nhân đồng tính, chuyển đổi giới tính, li dị tái hôn, vv… Người ta tự cho mình có quyền quyết định theo ý mình. Như an tử, trợ tử. Tự cho mình có quyền sử dụng sự sống của mình và thân thể của mình bất chấp Thiên Chúa.
Chỉ vài nét sơ lược cũng cho ta thấy thế giới tội lỗi đang chống lại Thiên Chúa và chống lại con người. Thế giới đang đi vào huỷ diệt. Đang tự tiêu diệt mình. Trong tình hình đó, sứ điệp Fatima càng tha thiết hơn. Nếu loài người không tuân giữ lời Đức Mẹ truyền dạy, sẽ rơi vào hố diệt vong.
Riêng tại Việt Nam chúng ta, tình hình không có gì sáng sủa. Chúng ta đang chứng kiến đất nước bị xâu xé. Ngoài khơi thì biển đảo bị xâm chiếm. Đất liền cũng thuộc về ngoại bang. Chúng ta trở thành xa lạ trong đất nước. Nhiều vùng miền ta không được bén mảng vào vì là những đặc khu kinh tế của nước ngoài. Tại Huế, Đà nẵng và Nha trang có nhiều nhà hàng khách sạn người Việt Nam không được phép vào. Chúng ta mất quê hương rồi chăng?
Dân nghèo đang chết dần mòn. Nước chúng ta hơn 70% làm nghề nông. Nhưng đất đai nông nghiệp bị chiếm đoạt để bán chác và chia chác . Nông dân mất đất. Và năm nay thật là thê thảm. Giá nông sản rẻ mạt. Nhất là thịt heo rẻ mạt. Càng nuôi càng lỗ nặng. Đã có nhiều người tự tử. Đã có nhiều gia đình bị vỡ nợ. Đã có nhiều người thả cho heo tự do.
Ngư dân miền Trung cũng bị mất biển. Vì chẳng còn cá. Và hơn một năm nay họ đang chết dần mòn. Vì chẳng có công ăn việc làm. Bị bỏ rơi. Không được đền bù. Không được hỗ trợ.
Tội ác ngày càng gia tăng. Nhưng tệ nhất là tội mất lương tâm. Người ta phạm tội mà vẫn thản nhiên. Giết người cướp của, nhất là phá thai mà chẳng chút áy náy. Còn gian dối thì đã trở thành bản tính. Khắp nơi gian dối. Mọi người nói dối. Mới nhất là vụ Đồng Tâm, ông Nguyễn đức Chung, chủ tịch thành phố Hà nội đã về tận nơi và hứa giải quyết vấn đề tham nhũng đất đai tại huyện Mỹ đức. Nhưng nay ông đã bỏ qua. Một người cấp cao mà coi lời hứa, nhất là lời hứa với dân, lời hứa công khai, chỉ như gió thoảng mây bay như thế, huống hồ là những người khác.
KẾT LUẬN
Chúng ta thấy một bức tranh đen tối về xã hội và con người. Nhưng chúng ta tự biết không thể làm gì được. Vì đó là ma quỉ. Đàng sau tội lỗi chống lại Thiên Chúa và chống lại nhân loại có bàn tay ma quỉ. Chúng ta không làm gì được ma quỉ. Phải cậy trông vào sức mạnh của Chúa và của Đức Mẹ. Chính vì thế việc có thể làm, cần làm và phải làm ngay, đó là thực hiện lời Đức Mẹ dạy.
Hãy ăn năn sám hối. Ý thức trong tội lỗi của nhân loại có tội của chúng ta. Nên hãy ăn năn sám hối tội lỗi của chính mình. Sửa đổi đời sống của chính mình.
Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Đây là phương thế hữu hiệu đã được chứng nghiệm qua lịch sử Giáo hội. Và nhất là được Đức Mẹ khuyến khích thực hành.
Hãy tôn sùng đền tạ Trái Tim Đức Mẹ. Yêu mến Trái Tim Mẹ ta sẽ hoán cải chính mình và hoán cải thế giới. Ở gần Mẹ, Trái Tim Mẹ sẽ uốn nắn đào tạo trái tim của ta. Để chúng ta từ bỏ trái tim chai đá. Có trái tim bằng thịt. Biết yêu thương. Cảm thông. Tha thứ. Và thế giới mới có hoà bình.
Hãy dâng loài người cho Trái Tim Mẹ. Đất nước có quá nhiều vấn đề. Thế giới có quá nhiều vấn đề. Tất cả đều vượt quá khả năng giải quyết của con người. Hãy dâng hiến cho Mẹ. Mẹ sẽ dâng lên Chúa. Khi đất nước và thế giới ở trong Chúa và Mẹ, mọi việc sẽ được giải quyết.
Kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Tình hình thế giới và nhân loại vẫn nguy kịch như xưa. Lời Mẹ kêu mời càng tha thiết hơn xưa. Chúng ta là những người con của Mẹ. Hãy lắng nghe nỗi lòng của Mẹ. Hãy chuyên chăm thực hành lời Mẹ dạy. Ngay hôm nay. Ngay lúc này. Để cứu chính mình khỏi hoả ngục. Cứu đất nước và thế giới khỏi chiến tranh. Cứu Giáo hội khỏi bắt bớ.
T.Anh sưu tầm