samedi 25 avril 2015

ĐIỂM HẸN


ĐIỂM HẸN
 
“Như một giấc mơ buổi sáng, càng sống cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên tươi sáng hơn, và lý lẽ của mọi sự tỏ ra rõ ràng hơn.  Những gì lúc trước làm cho chúng ta khó hiểu trở nên ít bí ẩn hơn, và những con đường quanh co trở thành những đường lộ thẳng.”
(Jean Paul Richter)


Câu nói của nhà văn Jean Paul Richter dường như nói lên kinh nghiệm sống của chính bản thân ông cũng như các môn đệ lúc xưa và nhiều người trong chúng ta.  Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta đã từng trải qua những giai đoạn đen tối hoặc khó hiểu, những giai đoạn làm cho chúng ta hoang mang khi không biết đời mình sẽ đi về đâu.  Chúng ta cũng có những kinh nghiệm “được cứu vớt”, “được dẫn ra” khi chúng ta lướt qua được những thử thách.  Trong những trải nghiệm đó, nếu chúng ta đừng vội lướt qua những kinh nghiệm đáng quý ấy, nhưng biết lắng đọng và nhìn lại những bài học và những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho ta, chúng ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta.  Mỗi Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi luôn tác động trong cuộc sống của mỗi người và giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta chẳng bao giờ cô đơn một mình.

Tuy nhiên trong thân phận con người, mỗi lần cuộc đời chúng ta đi vào ngõ cụt, chúng ta lại luẩn quẩn trong vòng xoay của lo sợ.  Lắm lúc cái khó khăn nhất cho chúng ta không phải là những gì đã xảy đến, nhưng là chúng ta không biết dừng lại để dò xem mình đang đi đâu, hoặc chúng ta không đủ kiên nhẫn để chờ xem những gì sẽ đến, hoặc chúng ta không bình tĩnh đủ để nhận ra và nhắc nhở chính mình về hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho ta trong quá khứ.  Chúng ta quên rằng ngay cả trong những mất mát lớn lao, những cuộc chia tay như cắt ruột, những thất bại như dìm ta xuống lòng đất thẳm sâu, nếu chúng ta biết dừng lại và nhìn lên Chúa, biết bám vào Chúa Con, và biết lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ tìm ra được một sức mạnh siêu nhiên phát xuất từ trong tâm hồn chúng ta.  Và sức mạnh ấy sẽ làm cho chúng ta ngỡ ngàng vì chúng ta biết nó không tự chúng ta mà có.

Khi Chúa Giêsu nói lời chia tay với các môn đệ, Ngài chuẩn bị cho các ông một điểm hẹn vững chắc đó là ở trong tình yêu và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.  Có lẽ Chúa Giêsu cũng biết rõ bản tánh con người nơi các môn đệ cho nên Ngài dặn các ông rất kỹ.  Nếu chúng ta để ý nghe từng lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu với các môn đệ, chúng ta sẽ nhận ra được tâm trạng của Chúa Giêsu lúc ấy như thế nào.  Chúng ta sẽ nhận ra lòng gắn bó, sự xót xa, cũng như một cái gì đó thánh thiêng của sự chia tay, như nhà văn Jean Paul Richter nói: “cảm xúc của con người luôn luôn tinh tuyền nhất và rực rỡ nhất trong lúc hội ngộ và chia tay.”


Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy… anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi… “Thầy ra đi và đến cùng anh em.”  Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Thiên Chúa Cha, bởi vì Thiên Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.

Dù các môn đệ đã được Chúa nhắn nhủ nhưng khi khó khăn xảy đến các ông lại quên hết những giáo huấn của Thầy mình và quên mất Thầy mình là ai.  Nếu chúng ta nhìn lại hành trình của các môn đệ từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu đi vào cuộc tử nạn cho đến giai đoạn sau khi Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta thấy các môn đệ đã thay đổi rất nhiều.  Trước khi Chúa Giêsu đi vào cuộc tử nạn, các ông đã từng là những người làm phép lạ khi Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng.  Các ông đã mạnh bạo tuyên xưng luôn theo Thầy của mình, nhưng khi Thầy Giêsu bị bắt các ông đã quên hết tất cả và đã bỏ trốn.  Và ngay khi Chúa Giêsu sống lại, các ông lại không tin và tưởng rằng đó chỉ là chuyện hão huyền và Thầy Giêsu thật sự đã bỏ rơi các ông, và dường như các ông đã thất vọng - người thì trở lại làng Emmau, kẻ thì trở về với công việc đánh cá.  Và khi Chúa đến với các ông, có lẽ vì đang mải mê trong sự hoang mang sợ hãi, các ông đã không nhận ra Thầy mình.  Tuy nhiên, dần dần Chúa Giêsu đã đánh thức các ông ra khỏi sự sợ hãi hoang mang và giúp các ông vững tin hơn, và từ đó các môn đệ trở nên nhạy bén hơn và nhận ra Ngài là ai khi Ngài đến với họ.

Qua hành trình đức tin của các môn đệ, chúng ta thấy Chúa luôn luôn dẫn dắt và chuẩn bị cho mỗi một người.  Ngài để lại cho các ông Chúa Thánh Thần để chăm sóc và dẫn dắt các ông trong mọi sự và qua đó các ông trở nên những con người mới và nhạy bén trong hành trình tâm linh với Chúa Thánh Thần.  Cũng vậy, chúng ta xin được ơn để học hỏi nơi các ngài ơn biết nhạy bén để nhận ra sư hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống, nhất là những lúc chúng ta gặp thử thách.  Xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết nhìn ra những dấu chỉ tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa trong những tháng ngày qua và trong giây phút hiện tại qua tất cả mọi tạo vật của Ngài.  Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết dừng lại để lắng nghe niềm vui Phục Sinh đang rạo rực trong tâm hồn và biết ôm chặt niềm vui này trong con tim vì đó là bảo chứng tình yêu và là điểm hẹn của Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho nhân loại.
 
P.Anh-NNga sưu tầm

Hàng ngàn người đổ về Pháp xem 'thủy triều thế kỷ'

Hàng ngàn người đổ về
 Pháp xem 'thủy triều thế kỷ'

 
Ngoài tu viện Dòng Benedict thu hút với kiến trúc Pháp thời Trung cổ, hòn đảo Mont Saint-Michel còn hấp dẫn du khách mỗi khi đến mùa thủy triều dâng cao.

  Thủy triều dâng ngập con đường đắp cao ở Mont Saint-Michel

Mới đây, hàng ngàn khách du lịch và người dân địa phương đổ về hòn đảo và tu viện Mont Saint-Michel nằm ở vùng Normandy, Pháp chứng kiến hiện tượng được gọi là “thủy triều thế kỷ” khi nước biển dâng lên mức cao nhất theo chu kỳ 18 năm/lần.
                                                           Hàng ngàn                                      người đổ về Pháp xem 'thủy triều                                      thế kỷ' - 2
Nhìn từ xa, Mont Saint Michel giống như một lâu đài nhỏ xinh xắn

Mont Saint-Michel không giống những hòn đảo khác bởi nó biến đổi không ngừng theo sự thay đổi của thuỷ triều. Khi thủy triều dâng cao Mont Saint-Michel trở thành đảo, khi thủy triều xuống thì nó nối với đất liền. Mont Saint - Michel từng nối với đất liền bằng một cây cầu nhỏ. Năm 1879, một con đường đắp cao được xây dựng để thay thế cho chiếc cầu. Tuy nhiên, khi nước triều dâng vẫn khiến cho toàn bộ đảo Mont Saint-Michel trở nên biệt lập với bờ trong vòng vài phút.
Một năm có 53 ngày, thuỷ triều ở Mont Saint-Michel lên xuống mức đỉnh điểm, có thể cao tới gần 13 m, lên và xuống chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Hiện tượng “thủy triều thế kỷ” thu hút hàng chục nghìn du khách đến các bờ biển chứng kiến cảnh nước biển dâng cao khác thường.
                                                      Hàng ngàn                                  người đổ về Pháp xem 'thủy triều thế                                  kỷ' - 3
Hiện tượng “thủy triều thế kỷ” thu hút đông du khách đến xem
Ngoài sự kiện nước triều dâng, hòn đảo Mont Saint-Michel còn hấp dẫn du khách với nhiều điểm thăm quan lịch sử thú vị. Hàng năm, có khoảng 3,5 triệu du khách tới thăm Mont Saint-Michel. Nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1979 dựa theo các tiêu chuẩn văn hóa, lịch sử và kiến trúc cũng như là vẻ đẹp do con người tạo nên và do thiên nhiên.
Mont Saint-Michel nổi tiếng vì có tu viện của Dòng Benedict, một trong những tiêu biểu cho kiến trúc Pháp thời Trung cổ từng mất hơn 800 năm để hoàn thành. Đỉnh của tu viện có một ngọn tháp nhọn hoắt chĩa thẳng lên bầu trời mang đến sự hùng vĩ và dáng vẻ bí ẩn.
 Hàng ngàn người đổ về Pháp xem                                  'thủy triều thế kỷ' - 4
Khi thủy triều dâng cao Mont Saint-Michel trở thành đảo
Nhìn từ xa, hòn đảo trông giống như một pháo đài nằm trên bãi cát rộng, nhưng quanh Mont Saint-Michel là một thị trấn thu nhỏ, với nhà thờ, bưu điện, các cửa hàng dịch vụ.
Hòn đảo có tổ hợp các công trình kiến trúc kết hợp với tự nhiên độc đáo và vô cùng ký bí. Thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên, nơi đây từng là một pháo đài trọng yếu của nước Pháp. Toàn bộ kiến trúc trên đảo đều mang phong cách Gothic và đa phần được xây dựng bằng đá, mang đến cho kiến trúc của đảo một vẻ đồng nhất.
 Hàng ngàn người đổ về Pháp xem                                    'thủy triều thế kỷ' - 5
Kiến trúc và vẻ đẹp kỳ bí của tu viện Dòng Benedict cũng rất thu hút du khách
                                                  Hàng ngàn người đổ về Pháp xem                                'thủy triều thế kỷ' - 6
 Hàng ngàn người đổ về Pháp xem                                    'thủy triều thế kỷ' - 7
Khi nước rút đi, con đường lộ rõ, như chưa từng chìm dưới biển

P.Anh-Van That sưu tầm

vendredi 24 avril 2015

Khám phá hoàng cung lớn nhất thế giới

Khám phá hoàng cung lớn nhất thế giới
Theo Pháp luật Xã hội
Không nằm ở châu Âu (quê hương của những cung điện), hay tọa lạc trên những vùng đất bí ẩn ở châu Phi, Hoàng cung lớn nhất thế giới đang ngự tại vùng đất Đông Nam Á trù phú.
Đó là cung điện ít được biết đến của hoàng gia Brunei, đất nước giàu có bậc nhất trong khu vực. Cung điện có tên Istana Nurul Iman, theo tiếng Ả rập có nghĩa là: “Cung điện ánh sáng của các vị Thánh”. Đây chính là hoàng cung lớn nhất thế giới hiện nay (vượt xa Buckingham – Anh và Madrid – Tây Ban Nha).
Nhìn từ trên cao, hoàng cung được bao phủ bởi rất nhiều cây xanh.
Tọa lạc trên một ngọn đồi được phủ đầy bóng cây xanh trên hạ lưu sông Brunei, mặt tiền của cung điện hướng về phía Nam nơi có thủ đô Bandar Seri Begawan . Hoàng cung Istana Nurul Iman là nơi ở của quốc vương Hassanal Bolkiah và dòng dõi hoàng tộc của ông. Đồng thời cung điện cũng chính là chỗ ở và làm việc của chính phủ Brunei và văn phòng thủ tướng.
“Cung điện Ánh sáng của các vị Thánh” được thiết kế bởi kiến trúc sư tài danh người Philippine: Leandro V.Locsin, xây dựng bởi công ty xây dựng quốc tế Ayala International. Được xây vào năm 1984, với tổng chi phí là 1,4 tỷ USD (tương đương với khoảng 29 nghìn tỷ VNĐ).
Khung cảnh lộng lẫy, trang nghiêm của hoàng cung Israna Nurul Iman.
Hoàng cung theo kiến trúc Hồi giáo này có diện tích 200.000m2, với 1.788 phòng, 257 phòng tắm, 564 đèn treo nhiều ngọn, 51.000 ngọn đèn, 44 cầu thang bộ, 18 cầu thang máy, 5 hồ bơi đầy đủ tiện nghi. Máy lạnh được gắn khắp nơi trong cung điện, kể cả chuồng nuôi ngựa của nhà vua. Trong hoàng cung có nuôi 200 con ngựa, có 110 gara để đậu xe ở tầng hầm, nhà vua có bộ sưu tập hơn 500 chiếc xe hơi đắt tiền, đáng kể là 165 chiếc Roll – Royce hạng sang làm theo đơn đặt hàng.
Nhà thờ Jame Asr Hassanal Bolkiah (gần hoàng cung) là nhờ
thờ Hồi giáo đẹp và lớn nhất Đông Nam Á. Được xây dựng trong vòng 6 năm với 200 triệu USD (khoảng 4,1 nghìn tỷ VNĐ).
Ngoài ra, trong cung điện còn có một nhà thờ với sức chứa 1.500 người, phòng khách chứa khoảng 4.000 người và phòng ăn rộng đến mức chứa hết 5.000 người. Tất cả các căn phòng, đặc biệt là phòng làm việc của Quốc vương đều được trang trí nội thất cao cấp, sang trọng với thiết kế tinh xảo, làm từ các loại kim loại quý như: vàng, bạc… Hơn thế nữa, phía trên cung điện là một mái vòm làm bằng vàng chói sáng khiến Istana Nurul Iman càng thêm phần lộng lẫy và nguy nga hơn.
Mái vòm màu vàng lộng lẫy của hoàng cung thể hiện uy quyền của quốc vương rất lớn.
Cung điện chính là biểu tượng cho quyền lực của nhà vua và sự giàu có của đất nước dầu mỏ Brunei. Người dân Brunei tự hào về hoàng cung như là một địa điểm linh thiêng và cao quý của những người Hồi giáo, nơi mà đức tin đã được gửi gắm tại quốc vương đáng kính của họ.
Quốc vương Hassanal Bolkiah – ông vua giàu nhất thế giới với tài sản lên khoảng hơn
40 tỷ USD (khoảng 823,5 nghìn tỷ VNĐ). Ngai của ông được làm toàn bộ bằng vàng nguyên chất
Bình thường cung điện không mở cửa tham quan. Tuy nhiên hàng năm sau tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, quốc vương sẽ cho mở cửa 3 ngày để mọi người vào nhận lời chúc từ vua và tham quan hoàng cung. 

jeudi 23 avril 2015

Hoàng thành Huế

Hoàng thành Huế

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Hoàng thành Huế

Hoàng thành Huế: 1. Ngọ Môn 2. Hồ Thái Dịch 3.Cầu Trung Đạo 4. Sân Đại Triều 5. Điện Thái Hoà 6. Đại Cung môn 7. Tả vu, Hữu vu 8. Điện Cần Chánh 8a. Điện Võ Hiển 8b. Điện Văn Minh 9a. Điện Trinh Minh 9b. Điện Quang Minh 10. Điện Càn Thành 11. Điện Khôn Thái 11a. Viện Thuận Huy 11b. Viện Dưỡng Tâm 12. Lầu Kiến Trung 13. Thái Bình Lâu 14. Vườn Ngự Uyển 15. Vườn Cơ Hạ 16.Phủ Nội Vụ 17. Triệu Miếu 18. Thái Miếu 19. Cung Trường Sanh 20. Cung Diên Thọ 21. Điện Phụng Tiên 22. Hưng Miếu 23. Thế Miếu 24. Cửu Đỉnh 25. Hiển Lâm Các 26. Cửa Hiển Nhơn 27. Cửa Hoà Bình 28. Cửa Chương Đức 29. Ngự Tiền Văn phòng 30. Lục Viện 31. Điện Minh Thận

Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội.

Mục lục

Kiến trúc


Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng thành Huế

Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng mãi đến năm 1833 đời vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng 147 công trình.
Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m,[1] xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào: Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.
Hoàng Thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong được bố trí trên một trục đối xứng, trong đó trục chính giữ được bố trí các công trình chỉ dành cho vua. Các công trình ở hai bên được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc (tính từ trong ra): "tả nam hữu nữ", "tả văn hữu võ". Ngay cả trong các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự "tả chiêu hữu mục" (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian).[2]


Cửa Hiển Nhơn hay Hiển Nhân

Mặc dù có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm. Mặc dù quy mô của mỗi công trình có khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu "trùng lương trùng thiềm" (hay còn gọi là "trùng thiềm điệp ốc" - kiểu nhà kép hai mái trên một nền), đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng, mái cũng được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống có tráng men thường gọi là ngói Thanh lưu ly (nếu có màu xanh) hoặc Hoàng lưu ly (nếu có màu vàng). Các cột được sơn thếp theo mô típ long-vân (rồng-mây). Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu, hay theo đề tài tứ thời).[2]

Các khu vực bên trong Hoàng thành


Điện Thái Hoà và khu vực bên trong Ngọ Môn
Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa con số ban đầu.

Các di tích bên trong Hoàng Thành

Ngọ Môn


Một góc Ngọ Môn
Ngọ Môn là cổng chính phía nam của Hoàng thành Huế được xây dựng vào năm Minh Mạng 14 (1834). Ngọ Môn có nghĩa đen là Cổng giữa trưa hay Cổng xoay về hướng Ngọ, là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Về mặt từ nguyên, Ngọ Môn có nghĩa là chiếc cổng xoay mặt về hướng Ngọ, cũng là hướng Nam, theo Dịch học là hướng dành cho bậc vua Chúa.

Điện Thái Hoà và Sân Đại Triều Nghi


Điện Thái Hoà và Sân Đại Triều Nghi
Điện Thái Hoà là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế. Điện cùng với sân chầu là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Trong chế độ phong kiến cung điện này được coi là trung tâm của đất nước. Điện được xây dựng vào năm 1805 thời vua Gia Long. Năm 1833 khi vua Minh Mạng quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại Nội, trong đó có việc cho dời điện về mé nam và làm lại đồ sộ và lộng lẫy hơn.

Cung Diên Thọ


Diên Thọ chính điện
Bài chi tiết: Cung Diên Thọ
Cung Diên Thọ tên ban đầu là cung Trường Thọ, các tên khác là Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ; được bắt đầu xây dựng năm 1803 để làm nơi sinh hoạt của Hoàng Thái Hậu của triều Nguyễn.

Cung Trường Sanh

Bài chi tiết: Cung Trường Sanh
Cung Trường Sanh hay Cung Trường Sinh (còn có tên gọi khác là Cung Trường Ninh), được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ nhất (1821) ở phía Tây Bắc Hoàng thành với vai trò ban đầu là hoa viên, nơi các vua triều Nguyễn mời mẹ mình đến thăm thú ngoạn cảnh. Về sau cung được chuyển thành nơi ăn ở sinh hoạt của một số bà hoàng thái hậuthái hoàng thái hậu. Trong thời kỳ rực rỡ nhất, kiến trúc cảnh quan của Cung Trường Sanh được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thứ bảy của thắng cảnh đất Thần Kinh.

Hưng Tổ Miếu


Miếu môn, cổng vào khu vực các miếu thờ

Hưng Miếu
Khu vực các miếu thờ trong Đại nội nằm bên trái Ngọ môn. Riêng Thái MiếuTriệu Miếu nằm ngoài khu vực này, và nằm bên phải Ngọ Môn.
Hưng Tổ Miếu còn gọi là Hưng Miếu là ngôi miếu thờ cha mẹ vua Gia Long (ông Nguyễn Phúc Luân (hay Nguyễn Phúc Côn) và bà Nguyễn Thị Hoàn), vị trí ở tây nam hoàng thành (cách Thế Miếu chừng 50 mét về phía Bắc).

Thế Tổ Miếu


Thế tổ miếu
Thế Tổ Miếu thường gọi là Thế Miếu tọa lạc ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế, là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn. Đây là nơi triều đình đến cúng tế các vị vua quá cố, nữ giới trong triều (kể cả hoàng hậu) không được đến tham dự các cuộc lễ này.

Triệu Tổ Miếu

Triệu Tổ miếu còn gọi là Triệu Miếu, được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Miếu này nằm ở phía bắc của Thái Miếu trong hoàng thành Huế, là miếu thờ Nguyễn Kim, thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Thái Tổ Miếu

Thái Tổ Miếu còn gọi là Thái Miếu là miếu thờ các vị chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần. Miếu được xây dựng từ năm Gia Long 3 (1804) ở góc đông nam trong Hoàng thành, đối xứng với Thế Tổ Miếu ở phía tây nam.

Hiển Lâm Các


Hiển Lâm Các
Bài chi tiết: Hiển Lâm Các
Hiển Lâm Các được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành vào năm 1822 thời vua Minh Mạng nằm trong khu vực miếu thờ trong hoàng thành Huế, cao 17m và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng Thành. Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vua nhà Nguyễn và các quan đại thần có công lớn của triều đại.

Cửu Đỉnh


Cửu đỉnh tại Huế
Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu, phía tây nam Hoàng thành Huế. Tất cả đều được đúc ở Huế vào cuối năm 1835, hoàn thành vào đầu năm 1837. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một vị hoàng đế của triều Nguyễn, chúng có trọng lượng khác nhau và hình chạm khắc bên ngoài đỉnh cũng khác nhau. 9 đỉnh đó là: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, và Huyền Đỉnh.

Điện Phụng Tiên


Điện Phụng Tiên
Bài chi tiết: Điện Phụng Tiên
Điện Phụng Tiên là một ngôi điện nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa tây của Hoàng Thành được vua Gia Long và vua Minh Mạng xây dựng dùng để thờ cúng các vua triều Nguyễn. Khác với Thế Miếu, điện này tuy cũng thờ các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn nhưng nữ giới trong triều được phép đến đây cúng tế. Ngoài ra, nó còn là nơi lưu trữ nhiều bảo vật của nhiều đời vua nhà Nguyễn. Tháng 2 năm 1947, tọàn bộ điện bị đốt cháy, hiện nay chỉ còn lại cửa Tam Quan và vòng tường thành còn tương đối nguyên vẹn

Chú thích

SỐNG Ý NGHĨA




Chia sẻ



     Hãy chia nhau những gì mình biết 
     Đừng khư khư ích kỷ giữ riêng
     Mai chết đi sẽ bị thất truyền
     Đời ý nghĩa là khi chia sẻ
     Hãy cứ thương đi dù ai ghét 
     Dù ai ganh, bôi bác thị phi
     Thói đời vẫn vậy chấp mà chi
     Đời ý nghĩa là khi tha thứ
     Hãy giúp đỡ đi nếu có thể 
     Đừng nệ hà cân nhắc thiệt hơn
     Cũng đừng mong ai đó trả ơn
     Đời ý nghĩa khi làm thiện nguyện
     Hãy cứ cho đi, đừng tiếc rẻ
     Mai ta về chẳng thể mang theo
     Thế gian biết bao kẻ khó nghèo
     Đời ý nghĩa là khi cống hiến
                              Người Phương Nam
P.Anh-Eva Thiên Thanh sưu tầm