mardi 22 décembre 2020

Il y a un siècle....... Grippe Espagnole



GRIPPE ESPAGNOLE
 

Il y a un siècle...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



NGƯỜI VIỆT NAM - Bạch Diệu An

 

NGƯỜI VIỆT NAM                                                                        Bạch Diệu An

Cung kính dâng Thầy

 

Trong khi tôi chuẩn bị lên đường sang xứ người, Má tôi dạy:

- Khi con qua Canada, con không chỉ là cá nhân con, mà con đại diện cho cả dân tộc VN. Người bản xứ sẽ đánh giá người VN qua mỗi hành động, cử chỉ con làm. Nếu con làm điều tốt, cả dân tộc con sẽ được thơm lây. Nếu con làm điều gì xấu, con sẽ làm nhục cho cả dân tộc con.

 

Nghe Má dạy mà tôi thấy ớn xương sống. Có lẻ Má tôi muốn dùng áp lực cả một dân tộc để tự trấn an trách nhiệm làm mẹ. Trong thâm tâm Má tôi, lúc nào Má tôi đều thấy mình có bổn phận đối với gia đình chồng là phải dạy con nên người tốt. Mặc dù sanh con ai dễ sanh lòng, nhưng xả hội VN vẫn quan niệm: con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.

 

Ba tôi cẩn thận dặn dò:    Mềm mỏng muôn trùng cũng tới,

                                         Nghênh ngang tấc bước khó dời.

 

Qua tới Canada, tôi tự đặt tên mình là “người VN”. Cả một Ðại học mấy ngàn người, vài khuôn mặt bầu bỉnh Á đông chắc chắn là được dân bản xứ chú ý, tới làm quen chuyện trò. Trong khi tôi đang ngồi ở giảng đường, một tên sinh viên “Ðiên” ngồi gần xây qua hỏi chuyện (chúng tôi kêu tắt Canadien là Ðiên, VN là Mít, Á rập là Rệp, vv):

Cô từ xứ nào tới vậy?

Tôi trả lời: từ Việt Nam.

Hắn à lên như quen biết lâu ngày.

Tôi hỏi : anh biết xứ Việt Nam hả?

Hắn ta bảo biết.

Tôi hỏi lại : có phải anh biết xứ tôi qua chiến tranh không?

Anh chàng thành thật trả lời : đúng vậy.

Tôi nghiêm sắc mặt bảo : ngoài chiến tranh ra, xứ tôi có 4000 năm văn hiến.

 

Bao nhiêu vốn liếng nghèo nàn về văn hoá được tôi lần lượt tuông ra không được trôi chảy lắm. Tôi ca tụng cái sâu sắc cuả người Á đông; mối liên hệ gia đình chặc chẻ của ba thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái; tình nghỉa đối đãi nhau……. Cũng may lớp học bắt đầu khi tôi hết ý. Anh chàng lở dại làm quen vội vàng rút lui sau khi mãn giờ học.

 

Thuở nhỏ tôi mê luyện kiếm hiệp, cả ngày ôm sách Kim Dung đọc mê mệt, thích các anh hùng trong truyện như Quách Tỉnh, Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung…. và ghét cay, ghét đắng phiá tà đạo. Vế phần văn hoá…. ngoài các sách vở nhà trường tôi không đọc đến thứ gi khác. Bây giờ có muốn vênh vang về cái hay cuả văn hoá xứ mình cũng chịu thôi .

 

Trong số sách đọc thời nhỏ, trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng tôi nhớ ông Hà Mai Anh kể về một cậu bé nghèo, làm công trên một chiếc tàu lớn chở hành khách. Vài người khách thấy cậu bé dễ thương nên cho tiền cậu. Trong một bưổi cơm, sau khi ăn uống no say, câu chuyện vô tình chuyển thành đề tài chê bai xứ sở cuả cậu nầy. Cậu bé nghe được, tức giận, cầm nắm tiền rải trên bàn nói : tôi không lấy tiền cuả những người đã bôi nhọ xứ sở tôi…….. Các ông khách ngơ ngác nhìn nhau………..

 

Sau ba năm dài xa xứ, lần đầu tiên tôi được trở về thăm Việt Nam do một số sinh viên VN tổ chức, bán giá hạ. Chúng tôi cả trăm người chiếm hết mấy ghế ngồi phiá sau cùng cuả tàu bay. Máy bay ghé Bangkok. Khi rời Bangkok, biết là sắp sưả tới VN, tự dưng chúng tôi thấy tràn trề một thứ tình yêu quê hương và vui mừng sắp sưả trở lại quê nhà. Lúc vưà thấy phi trường Tân sơn nhứt hiện ra ở chân trời, chúng tôi đều xúc động. Có người khởi xướng hát bài : Viêt Nam - Việt nam. Chúng tôi nghẹn ngào hát theo :

…………………………….

Việt Nam hai tiếng nói trên vành môi, Viêt Nam nước tôi ………...

 

Phi cơ đáp xuống. Vưà chạm mắt với ngọn cỏ quê hương, nước mắt tôi trào ra………

 

Một lần nghe tin miền Trung bị lụt lội nặng nề. Xót tình đồng loại, nghĩa đồng bào, chúng tôi sinh viên, khoảng 20 người, tạm xếp việc học hành, bàn bạc kế hoạch cứu trợ. Chúng tôi chia thành nhiều nhóm đi quyên tiền nhiều nơi, nào là thương xá, nhà thờ và ngon hơn nưã, chúng tôi làm văn nghệ, bán vé để lấy tiền cứu trợ. Một đám trẻ kém tài năng về ca nhạc, muá máy vậy mà cũng làm nên chương trình rất xôm tụ.

 

Cái thân cứng như khúc gỗ cuả tôi, được xếp vào màn muá nón! Các anh bảo: tôi biểu cô chỉ nhún đầu gối thôi, đừng nhún hết mình, tại sao cô cứ nhún hết mình hoài vậy. Tôi tội nghiệp cho sự kiên nhẫn cuả các anh, mà tự trách mình tại sao cứ quên hoài.

 

Buổi văn nghệ được trình diễn tại trường Ðại học. Tôi nhớ hình như trường cho mượn rạp không lấy tiền. Vé bán cho tất cả các giáo sư và sinh viên, những người may mắn « bị » chúng tôi chạm mặt trên ngọn đồi Ðại Học. Chúng tôi rất là vui mừng đã bán được hết vé, nhưng khi mở màn chỉ thấy khán giả có nưả rạp. Có lẻ phân nưả kia chỉ mua vé ủng hộ thôi.

 

Mở màn là bài hợp ca Mẹ Việt Nam. Mới bắt đầu ca rất là hay, rồi lạc giọng lúc nào chẳng ai biết. Chúng tôi nở nụ cười duyên thế vào. Có vài màn vũ như muá nón, hoạt cảnh hai bà Trưng, bài dân ca trống cơm, vv….

 

Ðặc sắc nhứt là màn Hội nghị Diên Hồng : mở màn là tiếng trống vang dội, trầm hùng: thùng! thùng! thùng! thùng… thùng… thùng ……

 

Rồi tiếng loa dỏng dạc:

 

Toàn dân nghe chăng……… sơn hà nguy biến ………

Hận thù đằng đằng……. nên hoà!  hay nên chiến!.

 

Các bô lão mặc nguyên bộ đồ đen, khòm lưng chống gậy, đi từ dưới sân khấu lên, dõng dạc giơ cao gậy phát biểu ý kiến: QUYẾT CHIẾN! QUYẾT CHIẾN!

 

Khán giả vỗ tay tán thưởng màn hoạt cảnh tuy ngắn nhưng rất sống động. Theo sử liệu, nhờ sự đoàn kết của dân tộc, ta đã đánh đuổi được quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, đem lại thái bình cho dân tộc.

 

Chúng tôi rất hãnh diện đã làm được một buổi văn nghệ trong phương tiện quá thiếu thốn cuả mình. Trong khi đi tìm một thứ kim khí có thể phát ra tiếng, các anh thấy cái gì nghĩ là xài được đều gỏ thử. Kết quả là các thùng rác nhỏ, lớn cuả trường được biến thành trống . Tiếng trống cơm thanh được đánh bằng thùng rác nhỏ; riêng trống Diên Hồng đã được một anh ráng hết sức bình sanh, dùng bàn tay đập chiếc dép cuả mình vào thùng rác lớn để có được tiếng trống trầm hùng. May là khí cụ được sử dụng sau sân khấu, khán giả chỉ nghe tiếng thôi. Khi màn hạ khỏi phải nói, cánh tay anh bạn mỏi rã rời.

 

Các anh sinh viên chơi thể thao và lo học nên thân thể gầy còm. Mặc quần áo đen, đi lòm khòm trông cũng giống bô lão lắm. (Ấy chết, nói nhỏ thôi, coi chừng các anh nay đã trung niên nghe được!)

 

Rồi một ngày tôi gặp… người Việt Nam thứ thiệt. Người đó là Thầy tôi. Với tự ái dân tộc, với tiền đồ Phật pháp, Thầy đã đứng lên khôi phục Thiền Tông Việt Nam, đã ngủ yên từ bao nhiêu thế kỷ. Dòng thiền Chơn Không nay chuyển mình, theo cánh phụng hoàng, trở lại non ngàn. Thế rồi Thiền viện Trúc Lâm được dựng lên trên đỉnh núi Phụng Hoàng, trên chân núi Yên Tử, trên vùng đất Vỉnh Phúc… lan tràn qua xứ Mỷ, Thiền viện Quang chiếu, Ðại đăng, Vô Ưu, Diệu Nhân…. tới Canada, Thiền tự Ðạo Viên, Tuệ Viên vv và vv…

 

Theo bước chân Thầy, chúng tôi trở về nguồn cội, khoảng 700 năm về trước, thời hưng thịnh cuả Thiền tông VN, thời các vua nhà Trần đã ý thức được đâu là niềm vui,  nỗi khổ, đã xem ngai vàng như đôi dép rách, đã bỏ vào chốn non cao tu hành và chứng đạo, để ngày nay tên tuổi các Ngài đã bừng sống dậy trong lòng người VN trong nước và ngoài nước.

 

Với tâm Bồ Tát, với thân già, với cây gậy, Thầy đã không quản ngại gian nan, đường sá xa xôi, nhọc nhằn đi du hoá các xứ Pháp, Canada, Mỷ, Úc, Bỉ… theo nhu cầu cuả các Phật tử hải ngoại. Nhờ biết điều hoà thân tâm, tới bất cứ xứ nào Thầy đều hoà đồng được với giờ giấc của xứ ấy. Với nụ cười trên môi, với giọng nói rõ ràng, từ bi, chân thật Thầy đã đem rải Cội nguồn truyền thưà cuả Phật tổ, đánh thức con người tỉnh cơn mê, trở về sống lại với bộ mặt thật xưa nay của mình, giải thoát sanh tử.

 

Nhờ Thầy, tôi hiểu được sự thâm diệu của đạo Phật, biết thế nào là lối sống giải thoát, và có chứng nghiệm rằng ông Phật là một nhà phân tâm lý học đại tài. Theo ý kiến cá nhân tôi, đạo Phật không chỉ là con đường dẫn con người ra khỏi sanh tử mà còn là một môn khoa học toàn vẹn về con người trong cỏi ta bà.  Nhờ Thầy, tôi hiểu được đạo Phật không chỉ là những danh từ triết lý sâu xa, bí ẩn mà là rất thực tiễn, áp dụng được trong đời sống hằng ngày, qua từng hành động, ngôn ngữ, cử chỉ và hơi thở. Nhờ Thầy, tôi biết được thực chất của mọi sự việc, chỉ là một sự rổng không, từ đó gánh nặng của cuộc đời vơi nhẹ dần đi.

 

Thầy đã khơi dậy tinh thần bất khuất cuả dân tộc VN thuở xưa thể hiện qua Hội nghị Diên Hồng. Có khác là Thầy dẫn chúng tôi vào một cuộc chiến tâm linh, diệt trừ giặc vọng tưởng, lấy lại chủ quyền cho chân tâm. Khúc ca khải hoàn là niềm vui bất diệt, là cái đẹp không phai…. Được Thầy dạy, chúng tôi mới biết là mỗi con người đều có chân tâm và vọng tưởng.  Tuy biết nhận ra những chú vọng tưởng, nhưng chúng tôi lại lặn hụp trong biển vọng tưởng của mình, mờ mịt, không thấy lối ra.

 

Một lần nữa, với tâm lão bà, Thầy bày cho phương tiện khác, nhắc nhở :

-          niệm trước là Phật, niệm sau là chúng sanh

 

và chỉ thẳng : mắt biết thấy là chân tâm, tai biết nghe là chân tâm, mũi biết ngửi là chân tâm, lưỡi biết nếm là chân tâm, ý biết pháp trần là chân tâm, thân biết xúc chạm là chân tâm. Chân tâm luôn hiện tiền. Chân tâm là ông chủ, rõ ràng thường biết, trùm khắp các căn, không tướng mạo, không sanh diệt...

 

Đem ngôn ngữ mà diễn tả cái không tướng, lời dạy của Thiền sư chỉ là phương tiện giáo hoá, mỗi người phải tự mình khám phá thôi. Khó là ngay chỗ đó! Hay là ngay chỗ đó!

 

Cứng cỏi, vững vàng như một đấng anh quân, cang cường như một anh hùng vỏ sĩ đạo, trí tuệ cuả một vị Thiền sư, Thầy đã đem tất cả nhiệt huyết dạy cho mỗi cá nhân tìm lại chính mình không phân biệt màu da, chủng tộc. Mỗi lần du hoá xứ người, Thầy có vài Phật tử ngoại quốc theo ủng hộ hoặc xin qui y mặc dù ngôn ngữ bất đồng. Nhờ Thầy, Thiền tông VN đã góp mặt với các Thiền phái trên thế giới và nước VN có dịp tiếp đón các thiền sinh từ các quốc gia khác đến học hỏi, tu tập và tham khảo.

 

Gần đây, theo sử liệu, Thầy đã dạy cho chúng tôi biết được nguồn gốc sâu xa của Phật giáo VN đã có khoảng 2000 năm, trước Thiên Chúa giáng sinh. Trong cuộc đời Thầy luôn luôn tìm tận nơi, thấy tận chỗ, nên một lần nữa, Thầy ra Bắc vừa thăm tăng ni, phật tử vừa đi tìm lại dấu tích của những cao tăng Ấn độ đầu tiên, đã mang đạo Phật truyền vào xứ VN.

 

Một sáng tinh sương, dầu hơn 80 tuổi đầu, theo ý nguyện, Thầy đã được 2 đệ tử « kè » lên núi. Trên con đường núi dài 6 cây số, Thầy đã băng rừng… vượt suối… leo dốc đứng…đã biết bao lần Thầy mệt lả người, bước chân rời rã….phải dừng lại để nghỉ ngơi … rồi tiếp tục…. Cuối cùng, Thầy đã lên được tới đỉnh núi. Ngồi xem VCD, tôi bật khóc, khi nhìn thấy bàn tay nhăn nheo của Thầy sờ vào phiến đá, khắc ghi dấu vết Tây Thiên, chứng tích của các Thiền sư Ấn độ đầu tiên đến Viêt Nam, hơn 2 ngàn năm trước, gần như đã san bằng với thời gian. Ý nguyện Thầy đã tròn.

 

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã hoàn thành để dân tộc VN, có dịp quay về một thời Giao Chỉ xa xưa, để hảnh diện về sự văn minh và cầu tiến của tổ tiên đã từng mở rộng cửa, đón tiếp văn minh và đạo đức xứ người, đồng thời cũng hãnh diện là đạo Phật VN đã có hơn hai ngàn năm lịch sử. Bản nguyện Thầy đã trọn.

 

Một niềm vui lớn cho tôi đã gặp được một người vừa có tinh thần quốc gia vừa có trách nhiệm với đạo pháp. Để tỏ lòng biết ơn, tôi kính cẩn cúi đầu chào Thầy với tư cách một người VN và quì lạy Thầy với tư cách một đệ tử.

 

12/2005

dimanche 20 décembre 2020

Vì sao người ta dùng 'Xmas' thay cho 'Christmas'?

 Vì sao người ta dùng 'Xmas' thay cho 'Christmas'?

CHUYỆN BỐN PHƯƠNG Thứ Bảy, 19/12/2020 13:32:00 +07:00

(VTC News) - Từ "Giáng sinh" trong tiếng Anh là "Christmas", tuy nhiên rất nhiều người chỉ viết đơn giản là "Xmas", vì sao lại như vậy?

Trước hết, bạn cần hiểu về từ Christmas - Lễ Giáng sinh - được ghép vào từ 2 từ là Christ và Mass. Trong đó Christ (còn được phiên âm là Ki-tô) là Đấng chịu xức dầu, người Do Thái cổ dùng từ này để gọi đấng được Thiên Chúa sai đến giải cứu dân Chúa, trong ngôn ngữ hiện đại được hiểu là Đấng cứu thế, chỉ chúa Giê-su. Còn Mas là viết tắt của Mass, nghĩa là thánh lễ.

Như vậy, Christmas có nghĩa là ngày thánh lễ của Đấng Christ, chỉ lễ mừng ngày Đức Giêsu giáng sinh cứu chuộc loài người, theo niềm tin Thiên Chúa giáo.

Nguồn gốc cách viết Xmas

Nhưng tại sao người ta dùng Xmas thay cho Christmas, nghĩa là thay Christ chỉ bằng chữ X? Nguyên do là từ Christ trong tiếng Anh vốn có nguồn gốc từ từ Χριστός (đọc là Khrīstos) trong tiếng Hy Lạp, với chữ X đứng đầu. Do đó, viết Xmas thực ra là cách viết tắt, sử dụng phụ âm đầu của từ Christ trong tiếng Hy Lạp.

Vì sao người ta dùng 'Xmas' thay cho 'Christmas'? - 1

Thay cho từ Christmas, người ta hay viết Xmas trong các câu chúc Giáng sinh.

Các học giả hiện chưa khẳng định được từ Xmas được dùng như một cách thay thế cho Christmas từ bao giờ. Tuy nhiên các tài liệu cho thấy cụm từ này bắt đầu phổ biến từ thế kỷ đầu Công nguyên, có học giả cho rằng nó phổ biến từ thế kỷ 13.

Đến thế kỷ 15, Xmas xuất hiện như một ký hiệu được sử dụng rộng rãi thay cho Christmas. Sau khi Johannes Gutenberg phát minh ra máy in vào năm 1436, nhà thờ tổ chức in tài liệu, sách thần học bằng công nghệ này. Thời điểm đó, việc in chữ được thực hiện bằng tay nên rất đắt. Để cắt giảm tối đa chi phí, người ta cố gắng viết gọn, và từ Xmas được dùng thay thế cho Christmas trong các bản in. 

Sau khi Xmas xuất hiện trong các văn bản tôn giáo chính thống, cách viết này càng được phổ biến rộng.

Câu chúc “Merry Christmas” có ý nghĩa gì?

Mặc dù các hoạt động tổ chức Giáng sinh bắt đầu từ thế kỷ thứ tư nhưng chỉ đến năm 1699, cách nói Merry Christmas mới xuất hiện khi một sĩ quan hải quân sử dụng nó trong bức thư thân mật. Cụm từ này xuất hiện lần thứ hai vào năm 1843 trong tác phẩm của Charles Dickens - “Bài hát đón mừng Giáng sinh”.

Trong dịp lễ Giáng sinh, không chỉ tín hữu Thiên Chúa giáo mà phần lớn mọi người đều gửi đến nhau lời chúc Merry Christmas. Trong cụm từ này, Merry có nghĩa là niềm vui. Nghĩa của từ Christmas như giải thích ở trên, nhưng cũng có nghĩa là các con chiên của Chúa (cách dùng trong tiếng Anh cổ). Từ Merry gieo vào lòng người niềm hân hoan, cảm giác ấm áp hạnh phúc vì nó gắn liền với dịp lễ Giáng sinh

Một số người sử dụng từ Happy thay cho Merry để chúc nhau trong dịp Giáng sinh. Cụm từ Happy Christmas trở nên phổ biến trên toàn thế giới vào thế kỷ XIX khi nó được sử dụng bởi chính nữ hoàng Anh Elizabeth II. 

M.N

vendredi 18 décembre 2020

20 Lời Cầu Nguyện Ngắn Gọn Trò Chuyện Với Chúa Trong Một Ngày Bận Rộn – Lời Hứa Của Chúa Trong Kinh Thánh Cho Bạn

 20 Lời Cầu Nguyện Ngắn Gọn Trò Chuyện Với Chúa Trong Một Ngày Bận Rộn – Lời Hứa Của Chúa Trong Kinh Thánh Cho Bạn

6157

Cầu nguyện là cách quan trọng nhất trong mối thông công với Đức Chúa Trời của chúng ta, và chỉ qua Đức Chúa Trời thì chúng ta mới có được sức lực, khả năng, sự khôn ngoan cần thiết để đối diện với một ngày bận rộn.  Nhưng khi ta quá bận, thì liệu lấy đâu ra thời gian để cầu nguyện?  Câu trả lời của tôi có lẽ sẽ khiến bạn ngạc nhiên, đó là: trong mọi lúc mọi nơi.

Đôi khi chúng ta không buộc phải dừng lại tất cả mọi việc để cầu nguyện.  Thay vì đó, hãy để những lời cầu nguyện ngắn gọn và đơn giản sau đây chảy qua tâm trí bạn khi bạn đang làm việc này việc nọ hàng ngày – và cuộc trò chuyện với Đức Chúa Trời sẽ trở thành một bản nhạc nền đi cùng mỗi ngày của bạn và biến đổi chúng thành một điều đẹp đẽ và ý nghĩa một cách lạ lùng.

  1. TẠ ƠN CHA VÌ NGÀY HÔM NAY

“Nầy là ngày Đức Giê-hô-va làm nên, Chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy.” – Thi-thiên 118:24

  1. XIN HÃY Ở CÙNG CON

“Đức Giê-hô-va bênh vực tôi, tôi chẳng sợ;  Loài người sẽ làm chi tôi?

– Thi-thiên 118:6

  1. NGÀI THẬT TỐT LÀNH

“Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, vì Ngài là nhân từ;  Sự thương xót Ngài còn đến đời đời.” – 1 Sử kí 16:34

  1. XIN BAN THÊM SỨC CHO CON NGÀY HÔM NAY

“Chớ mệt nhọc vì sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kì, chúng ta sẽ gặt.” – Ga-la-ti 6:9

  1. GÌN GIỮ CON

“Nầy, Ta đã ban quyền cho các ngươi giày-đạp rắn, bò cạp, và mọi quyền của kẻ nghịch dưới chân; không gì làm hại các ngươi được.”

– Lu-ca 10:19

  1. TẠ ƠN CHÚA VÌ NHỮNG CÔNG VIỆC KHIẾN CON BẬN RỘN

“Nguyện ơn Chúa, là Đức Chúa Trời chúng tôi, giáng trên chúng tôi; Cầu Chúa lập cho vững công việc của tay chúng tôi; Phải, xin lập cho vững công việc của tay chúng tôi.” – Thi-thiên 90:17

  1. LẠY CHÚA, XIN BAN CHO CON SỰ NGHỈ NGƠI

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.  Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.  Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” – Ma-thi-ơ 11:28-30

  1. HÃY GIÚP CON BÀY TỎ TÌNH YÊU

“Lòng yêu thương phải cho thành thật.  Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành.  Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau.” – Rô-ma 12:9-10

  1. HÃY ĐỂ CON GẶP ĐƯỢC NGÀI

“Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu Ta, sẽ đi và cầu nguyện Ta, và Ta sẽ nhậm lời.  Các ngươi sẽ tìm Ta, và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng”

– Giê-rê-mi 29:12-13

  1. ĐỔ ĐẦY CON BẰNG SỰ VUI MỪNG

“Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của Ta ở trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn” – Giăng 15:11

  1. CHỈ CHO CON LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TÔN VINH NGÀI

“Chúa ôi! Trong vòng các thần không có ai giống như Chúa; Cũng chẳng có công việc gì giống như công việc Chúa.  Hết thảy các dân mà Chúa đã dựng nên sẽ đến thờ lạy trước mặt Chúa, và tôn vinh danh Chúa.  Vì Chúa là rất lớn, làm những sự lạ lùng: Chỉ một mình Chúa là Đức Chúa Trời mà thôi.”

– Thi-thiên 86:8-10

  1. XIN BAN CHO CON MỘT TẤM LÒNG RỘNG RÃI

“Lòng rộng rãi sẽ được no nê; Còn ai nhuần gội, chính người sẽ được nhuần gội.” – Châm ngôn 11:25

  1. XÓA BỎ SỰ LO LẮNG TRONG LÒNG CON

“Ta để sự bình an lại cho các ngươi; Ta ban sự bình an Ta cho các ngươi; Ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho.  Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” – Giăng 14:27

  1. GIÚP ĐỠ CON

“Người công bình kêu cầu, Đức Giê-hô-va bèn nghe, Và giải cứu người khỏi các sự gian truân.” – Thi-thiên 34:17

  1. XIN CHO CON NÓI NHỮNG LỜI LÀNH

“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng ăn em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.”  – Ê-phê-sô 4:29

  1. THA THỨ CHO CON VÀ GIÚP CON THA THỨ CHO NHỮNG NGƯỜI KHÁC

“Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi.” – Ma-thi-ơ 6:14

  1. TẠ ƠN CHÚA VÌ NGÀI LUÔN TỂ TRỊ

“Đức Giê-hô-va phán:  Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.” – Giê-rê-mi 29:11

  1. DẠY DỖ CON.  HƯỚNG DẪN CON.  CHỈ CHO CON BIẾT MÌNH PHẢI LÀM GÌ

“Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường lối Ngài, và dạy dỗ tôi các nẻo đàng Ngài.  Xin hãy dẫn tôi trong lẽ thật của Ngài, và dạy dỗ tôi, Vì Ngài là Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi tôi, Hàng ngày tôi trông đợi Ngài.”– Thi-thiên 25:4-5

  1. GỘT SẠCH TÂM TRÍ CON

“Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” – Phi-líp 4:8

  1. TẠ ƠN CHA LẦN NỮA VÀ TẠ ƠN LUÔN LUÔN.

“Phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ đối với anh em là như vậy.” – 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18

Amen!

Biên dịch: Hồng Ân

Nguồn: Ibelieve.com

ÔNG EINSTEN ĐỐI CHẤT VỚI ÔNG THẦY

  ÔNG EINSTEN ĐỐI CHẤT VỚI ÔNG THẦY

ĐỐI THOẠI

Suy ngẫm từ cuộc đối thoại giữa cậu sinh viên Albert Einstein và Giáo sư

Giáo sư: Cậu theo Thiên Chúa Giáo đúng không?
Sinh viên: Vâng thưa Giáo sư.
Giáo sư: Thế có nghĩa là cậu tin vào Chúa?
Sinh viên: Tất nhiên rồi thưa Giáo sư.
Giáo sư: Thế Chúa có tốt không?
Sinh viên: Vâng có chứ.
Giáo sư: Thế Chúa có đầy quyền năng đúng không?
Sinh viên: Vâng.
Giáo sư: Anh trai tôi đã qua đời vì ung thư ngay cả khi anh ấy đã cầu xin Chúa chữa lành bệnh. Chúng ta hầu như ai cũng muốn giúp đỡ những người đang trong cơn ốm đau. Nhưng Chúa thì không. Thế thì Chúa tốt ở chỗ nào?
(Cậu sinh viên im lặng)
Giáo sư: Cậu đâu trả lời được đúng không? Bắt đầu lại nào cậu trẻ. Chúa có tốt không?
Sinh viên: Thưa có.
Giáo sư: Thế quỷ sa tăng có tốt không?
Sinh viên: Không.
Giáo sư: Thế sa tăng từ đâu mà ra?
Sinh viên: Từ … Chúa …
Giáo sư: Đúng vậy. Ta hỏi nhé, thế giới này có cái ác không?
Sinh viên: Có.
Giáo sư: Thế ai tạo ra cái ác?
(Cậu sinh viên không trả lời)
Giáo sư: Trên đời này có bệnh tật? Có sự vô đạo đức? Sự thù oán? Xấu xa? Những thứ kinh khủng đó luôn đầy rẫy trên thế giới này đúng không?
Sinh viên: Vâng thưa Giáo sư.
Giáo sư: Vậy thì ai tạo ra những thứ đó?
(Cậu sinh viên không lên tiếng)
Giáo sư: Khoa học nói chúng ta có 5 giác quan để nhìn nhận thế giới xung quanh. Vậy cậu nói thử xem, cậu có nhìn thấy Chúa bao giờ chưa?
Sinh viên: Chưa thưa Giáo sư.
Giáo sư: Nói cho mọi người nghe xem cậu có nghe thấy Chúa bao giờ chưa?
Sinh viên: Chưa thưa Giáo sư.
Giáo sư: Cậu có bao giờ chạm vào Chúa, nếm được Chúa, ngửi được Chúa chưa? Cậu có bao giờ có bất cứ cảm nhận giác quan một cách thực tế về Chúa chưa?
Sinh viên: Chưa, thưa Giáo sư. Em e là chưa.
Giáo sư: Thế mà cậu vẫn tin vào Chúa?
Sinh viên: Vâng.
Giáo sư: Xét theo Nguyên tắc Thực Nghiệm và Chứng Minh, khoa học cho thấy Chúa không tồn tại? Cậu có gì muốn nói nào?
Sinh viên: Không thưa Giáo sư. Em chỉ có niềm tin của mình thôi.
Giáo sư: Đúng thế, ” niềm tin ”. Đó là một vấn đề lớn của khoa học.
Sinh viên: Thưa Giáo sư, trên đời này có thứ gọi là Nhiệt đúng không?
Giáo sư: … Đúng.
Sinh viên: Vậy có cái thứ gọi là Lạnh không?
Giáo sư: Có.
Sinh viên: Không thưa Giáo sư. Chả có thứ gì gọi là ” Lạnh ”.
(Cả giảng đường trở nên yên tĩnh đến lạ thường khi tình thế bắt đầu chuyển biến)
Sinh viên: Chúng ta có thể có nhiều Nhiệt, thậm chí nhiều Nhiệt hơn, đạt Nhiệt độ cực cao, đạt mức lửa trắng, hay chỉ có chút ít Nhiệt, hoặc không có một tí Nhiệt nào. Chúng ta có thể đạt âm 273 độ C, lúc đó là Nhiệt độ âm tuyệt đối, khi mà không có một tí Nhiệt nào, nhưng chúng ta không thể đi xuống tiếp được. Không có cái thứ gọi là ” Lạnh ”. Lạnh chỉ là từ chúng ta dùng để chỉ trạng thái không Nhiệt. Chúng ta không thể đo độ Lạnh, chỉ có thể đo Nhiệt. Nhiệt là năng lượng. Lạnh không phải là thứ trái ngược với Nhiệt thưa giáo sư. Lạnh chỉ là ” thiếu Nhiệt ”.
(Có tiếng kẹp giấy rơi trên sàn giữa không gian tĩnh lặng)
Sinh viên: Thế còn Bóng Tối thì sao nào Giáo sư? Có thứ gì gọi là Tối không?
Giáo sư: Có chứ. Không có Bóng Tối thì làm sao có ban đêm được?
Sinh viên: Giáo sư lại sai rồi. Tối là tình trạng bị thiếu cái gì đó. Ta có thể có Ánh Sáng yếu, Ánh Sáng thường, Ánh Sáng mạnh, Ánh chớp. Nhưng nếu không có Ánh Sáng, thì ta sẽ có thứ gọi là Bóng Tối đúng không?
Giáo sư: Vậy ý cậu muốn nói là gì thế cậu trẻ?
Sinh viên: Thưa, em nghĩ là các giả thuyết và tiền đề triết học của Giáo sư là có thiếu sót.
Giáo sư: Thiếu sót? Cậu nói rõ hơn xem?
Sinh viên: Thưa Giáo sư, chúng ta đang học về thuyết Nhị Nguyên, hay còn gọi là thuyết hai mặt. Ta tranh luận rằng có sự sống và có cái chết, rằng có vị Chúa tốt và vị Chúa xấu. Nhưng thế tức là chúng ta đang xem Chúa là một cái gì đó hữu hạn, một cái gì mà đó mà chúng ta có thể đo đạt được. Thưa giáo sư, Khoa học còn không thể giải thích được Ý Nghĩ là gì. Ý Nghĩ là thông tin mà bản chất là điện và từ trường diễn ra trong não, đồng thời cũng là thứ mà chúng ta không thể nhìn thấy được hay hiểu và định nghĩa một cách chính xác được. Tương tự, nếu ta xem Cái Chết là trái ngược của Sự Sống tức là ta đã bỏ qua một thực tế rằng Cái Chết không thể tồn tại dưới dạng một cái gì đó. Cái Chết không phải là thứ trái ngược với Sự Sống, mà chỉ là ” thiếu Sự Sống ”.
Do đó, có thể nói những cái ác, cái xấu xa trên thế giới này không hẳn là tồn tại. Đó chỉ là do con người đang thiếu vắng tình thương của một Đấng Tối Cao mà thôi.
Bây giờ em xin hỏi, Giáo sư dạy rằng con người chúng ta tiến hóa từ vượn đúng không?
Giáo sư: Theo quá trình tiến hóa tự nhiên thì đúng, tôi có dạy thế.
Sinh viên: Thế Giáo sư đã nhìn thấy tận mắt quá trình này chưa?
(Vị giáo sư lắc đầu nhẹ kèm với một nụ cười).
Sinh viên: Không một ai từng thấy quá trình tiến hóa diễn ra, thậm chí còn không thể chứng minh được quá trình này còn đang tiếp diễn trong hiện tại. Thế ra Giáo sư không dạy theo ý kiến của mình à? Thế Giáo sư không phải một nhà khoa học, mà chỉ là một kẻ phao tin trên giảng đường?
(Xung quanh bắt đầu ồn ào)
Sinh viên: Cho tôi hỏi, trong phòng này có ai từng thấy được não của Giáo sư?
(Cả giảng đường phá lên cười)
Sinh viên: Có ai nghe được não của Giáo sư chưa? Có ai sờ được, cảm nhận được hay ngửi được nó chưa? Xem ra là chả có ai. Vậy, theo Nguyên tắc Thực Nghiệm và Chứng Minh, khoa học có thể nói rằng Giáo sư không có não. Em không có ý xúc phạm, nhưng xin hỏi bây giờ thì làm sao chúng em có thể tin vào những bài giảng của Giáo Sư nữa?
(Mọi người im lặng. Vị giáo sư nhìn thằng vào cậu sinh viên với một vẻ mặt khó ai hiểu được)
Giáo sư: Chắc có lẽ là cậu phải nghe tôi vì cậu tin vào lời tôi thôi.
Sinh viên: Đấy thưa Giáo sư… Chính xác! Mối liên kết giữa Con Người và Chúa chính là Niềm tin đấy. Và chính nhờ niềm tin mà tất cả vạn vật trong vũ trụ này đều có thể tồn tại và chuyển động.

Cậu sinh viên đó sau này đã trở thành nhà bác học vĩ đại Albert Einstein 
(Albert Einstein là nhà vật lý lý thuyết người Đức, người đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, 
một trong hai trụ cột của vật lý hiện đại)

jeudi 17 décembre 2020

Tình Bằng Hữu- Bạn Già Bs Nguyễn Ý Đức

Tình Bằng Hữu – Bạn Già 

Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức




                    

 Có bạn tốt, tốt cho sức khỏe” – Irvin Sarason

                     

Cụ Nguyễn Ðình Chiểu của chúng ta trang trọng bạn xưa với:

“Trong đời mấy bậc cố tri,

Mấy trang đồng đạo, mấy nghì đồng tâm”

                           

Nhà thơ Lê Đại Thanh viết:

“Bạn là một nửa bản thân tôi

Nửa da thịt, nửa trái tim, khối óc”

           

Còn sau đây là diễn tả tình bạn trong Nhị Ðộ Mai:

“Nghĩa bằng hữu bậc trung trinh,

Thấy hoa mai bỗng động tình xót xa”

              

Nhiều vị tuổi cao cũng có ý nghĩ rằng khi về già, ngoài việc có một sức khỏe tốt, một gia đình êm ấm, thì tình bạn lâu năm là một hành trang quý giá mà họ đã mang theo được cho tới giai đoạn cuối của cuộc đời.

             

Vậy thì bạn hữu là gì? 

Hiểu theo nghĩa thông thường, bạn là một nhóm người thường thì không có liên hệ ruột thịt, gắn bó với nhau qua những tương đồng về hoàn cảnh sinh sống.

              

Họ đến với nhau trong tâm đầu ý hợp, bằng kết nối những tâm tư, những nguồn giao cảm gần giống nhau.

                  

Họ thân với nhau để chia sẻ vui buồn, để cùng thực hiện những hoài bão chung, để nương tựa lẫn nhau.

                      

Họ hiểu nhau, tin tưởng nơi nhau, thích nhau. Đây là một sự gắn bó của thủy chung và thương yêu vị tha và lâu dài. Với nhau, họ là người đồng hành, là người tin cậy.

                    

Bạn hữu khác với người quen biết, gặp nhau trong công việc hằng ngày như ở sở làm, trong cộng đồng, ngoài lối xóm. Đó chỉ là những tiếp xúc trong một thời gian giới hạn và cần thêm nhiều lôi cuốn, kết nối khác nữa để chuyển sang tình bằng hữu.

                         

Trong đời sống hằng ngày, nhiều khi người ta đã lạm dụng chữ bạn. Mới gặp nhau vài lần mà đã nói đó là bạn tôi, cứ như là thật. Ông bà chủ lấy lòng nhân viên, sai ‘bạn ơi làm hộ tôi cái này, cái kia’ sao mà ngọt như mía lùi. Ðể rồi sa thải nhau cũng mau như cắt. 

                        

Bạn hữu thường tập trung vào mấy nhóm. 


Một số người có tinh thần độc lập, tự cho là không cần đến ai. Không phải họ sống cô độc. Nhưng, với họ, những giao tế qua lại thường nhẹ nhàng, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Rồi tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhu cầu, nếu cần thì giao tiếp, nếu không có thể quên đi dễ dàng. Họ sống với hiện tại và thỏa mãn với những người mà họ mới gặp hay đã có sẵn. Cho nên khi mất một giao hữu, họ cũng chẳng tiếc mấy. 

                     

-Những người kỹ tính, lựa bạn mà chơi thì thường gắn bó sâu đậm đặc biệt với một số người mà họ coi là rất thân. Cho nên họ buồn tiếc khi mất bạn. Còn những liên hệ khác thì chỉ là những thiển giao, quen biết nhiều hơn là kết bạn. Họ sống nhiều với bạn xưa và không muốn tìm bạn mới khi tới tuổi cao.

                        

Người hiếu bạn có nhiều bằng hữu hơn: bạn quen từ những năm trước, bạn mới tạo ra sau này. Họ là những người sống với cả quá khứ, hiện tại trong tình bạn và sửa soạn cho tương lai với nhiều bạn bè. Họ luôn luôn dùng giao tế nhân sự để kiếm thêm bạn mới.


Nhiều nhà xã hội học phân biệt bằng hữu tương nhượng, bằng hữu tiếp thu và bằng hữu trong hợp tác.

Đôi bên cho nhau lòng trung thành và tình thương yêu thì có sự cân bằng của tình bạn, đôi bên nương tựa lẫn nhau.

Khi chỉ có một bên cống hiến tất cả và bên kia không đáp lễ thì chỉ có tình bạn một chiều.

Khi chỉ hợp tác vì một quyền lợi, một mục đích mà không có thương yêu, chung thủy thì giao tế không bền và rất giới hạn. 

                     

Đặc điểm của bằng hữu 


Khác với tình anh em, vợ chồng, bạn hữu có những sắc thái riêng biệt. Đây là một giao hảo có tính cách tự nguyện, một ràng buộc riêng tư do đôi bên hiểu ngầm thương lượng, một liên hệ qua lại trong tinh thần bình đẳng tràn đầy thiện tâm, thiện ý.

                  

Vì tự nguyện, có quyền lựa chọn và được chọn lựa nên không ai bắt buộc ai phải là bạn. Nó cũng không có ràng buộc pháp lý như tình nghĩa vợ chồng, hoặc lễ nghĩa huyết tộc như tình anh chị em ruột thịt.

                         

Cho nên dù có liên hệ huyết mạch, người cùng lối xóm, cùng sở làm mà không có tương khí tương đồng thì cũng không trở nên bằng hữu được. Ta có thể tỏ ra hết sức lịch sự với người cùng phòng, cùng sở nhưng không có điều gì bắt buộc ta phải thích và là bạn người đó.

                    

Ta không thể tự coi là bạn của một người khi ta không biết người đó có sẵn sàng nhận ta là bạn không. Tác giả người Pháp J. Delille đã nói: “Cha mẹ là do số phận, bạn bè do lựa chọn”.

                       

Bình đẳng vì tình bạn xây dựng trên cá nhân mỗi con người. Nó không đòi hỏi sự bằng nhau tuyệt đối về học vấn, về địa vị trong xã hội, về sự giàu tiền, lắm bạc như nhau, thành công như nhau. Đã có nhiều tình bạn rất đẹp nảy nở giữa chủ và thợ, giữa thầy và trò, giữa người giàu và người nghèo. 

                      

Tình bạn cũng tôn trọng tính cách độc lập của nhau: mỗi bên có nếp sống riêng tư, tự do quyết định cho đời sống của mình mà không bị bên kia can thiệp. Không có sự áp đặt chủ – nô hoặc khuất phục như lãnh chúa độc tài với thần dân.

                  

Trong tình bạn, đôi bên dành cho nhau những cảm tình tốt, những chăm sóc, quan tâm tận tình, những giúp đỡ khi cần và sự rộng lượng, sẵn sàng với nhau. Thiện ý này không đưa đến sự lợi dụng nhau hoặc phụ thuộc nhau. Người giúp thấy thoải mái làm mà không cho là có bổn phận hoặc bị bắt ép phải làm, mà người nhận không bị ám ảnh là đã đòi hỏi quá nhiều ở bạn.

                    

Vì khi đã phụ thuộc vào nhau thì sự tự do, bình đẳng không còn nữa. Một tình bạn đích thực không những chỉ cởi mở để cho mà còn vui vẻ để nhận.

                     

Tình trạng sẵn sàng với nhau cũng là căn bản của bằng hữu và trong tình bằng hữu, không có sự ghen tị mà còn cần thành thật với nhau, không mầu mè, che đậy. 

                             

Để có bằng hữu 


Tình bạn có thể được xây dựng trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào của con người.

Căn bản là ít nhất họ có cùng một thôi thúc tình cảm, có sự chia sẻ trao đổi những ý nghĩ giống nhau, có cùng sở thích, quyền lợi. Trong tình bạn tuy cũng có những khác biệt nhưng khác biệt này bổ túc cho nhau. Nếu hoàn toàn giống nhau thì đâu còn đối thoại, đồng cảm.

                 

Bạn thường tìm thấy trong các nhóm có chung sinh hoạt: học cùng trường, ở cùng khu phố, làm cùng nghề, cùng thú vui giải trí, cùng lui tới cơ sở tôn giáo. Nó nảy sinh ở những lứa tuổi khác nhau. Nhóm trung niên có lợi điểm là có bạn ở mọi lứa già trẻ, trong khi người già có bạn ở cùng lứa tuổi hoặc trẻ hơn.

                     

Về giống tính thì thường thường đàn ông đàn bà đều có nhiều bạn như nhau, nhưng chồng thì không hay tâm sự nơi bạn mà tin cẩn vợ hơn, còn vợ thì có nhiều bạn gái để tâm sự ngoài chồng mình.


Bằng hữu nảy sinh trong những thôi thúc tình cảm giữa hai người. Thôi thúc càng cao thì bằng hữu càng sâu đậm. 

                

Một câu hỏi thường được nêu ra là tại sao ta có ước muốn gắn bó với đối tượng này mà lại hững hờ với đối tượng khác. Có những tình bạn xuất hiện như tia chớp trên nền trời xanh: mới chỉ gặp một vài lần, chưa biết quá trình, hiện tại của nhau nhưng đã dành cảm tình cho nhau, đã muốn được có bạn và được nhận là bạn. Ý thức chưa thấy gì, nhưng tiềm thức đã nhận ra và tiên đoán là nhiều triển vọng tình bạn sẽ nảy nở sau này.

               

Sự bá vai, chèo kéo, nài nỉ không đưa tới tình bạn, như các cụ ta thường nói: “Thấy sang bắt quàng làm họ”.

                

Đồng nghiệp, đồng sở không đương nhiên thành bằng hữu vì đây chỉ là giao tế khách quan, không vượt qua lãnh vực nghề nghiệp.

                    

Một vấn đề tế nhị là sự xét đoán và chấp nhận trong tình bạn: nhận xét một cách khách quan về việc làm của bạn hoặc chấp nhận và hỗ trợ vô điều kiện. Đa số đều kỳ vọng có sự chấp nhận không phê phán từ bạn mình. Một số khác lại tin cậy ở nhận xét của bạn để quyết định và để học cách hành xử trong hoàn cảnh mới. Như vậy mặc dù con người không thích bị đánh giá, nhưng một nhận xét chân thành của bạn có thể có ích cho họ. 

                           

Bạn già 


Giống như khi mới mở mắt chào đời và trong thời kỳ thơ ấu, tuổi già đôi khi chịu một số phận không mấy vui là phải phụ thuộc vào người khác, nhất là sau khi đã có nhiều mất mát. Họ không còn làm việc, bị giảm lợi tức, con cái đi ở riêng, mất dần bạn bè, người thân yêu, kém sức khỏe, bệnh hoạn. Cho nên về già mà có được những bạn cố tri thân thiết hoặc tạo thêm ra những bạn mới để nương tựa lẫn nhau là một điều rất an ủi. 

                

Nhiều người cho rằng dù họ hàng thân thuộc có giúp đỡ nhưng bằng hữu thường gần gũi nhau hơn, dễ nói với nhau hơn. Và có nhiều điều mà chính người phối ngẫu cũng không đáp ứng được bằng những bạn cố tri. Họ đã cùng vui buồn có nhau từ thuở xa xưa mà bây giờ già rồi vẫn còn qua lại. Họ nương tựa lẫn nhau để có bầu có bạn, hiểu nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Họ lắng nghe nhau tâm sự, kể lại cho nhau những kỷ niệm, những việc đã cùng làm. Họ đối xử, xưng hô thân mật như khi còn để chỏm, mấy chục năm về trước.

                       

Thường thường người già muốn có bạn cùng lứa tuổi, có hoàn cảnh như nhau, sở thích kinh nghiệm như nhau, sống gần nhau để thuận tiện qua lại. Nhưng họ cũng có khuynh hướng là tạo thêm bạn mới ở lứa tuổi trẻ hơn để thay thế vào chỗ của những người bạn cùng tuổi sẽ lần lượt ra đi. Cũng có người già tập trung nuôi dưỡng bạn cố tri, giới hạn tìm thêm bạn mới để tiết kiệm sinh lực và để tránh gặp những trái ý không cần thiết.

                       

Về già cũng có một số hoàn cảnh khiến cho tình bạn gặp trở ngại.

Kém sức khỏe đưa đến không cùng nhau sinh hoạt.

Quá phụ thuộc vào bạn trong các công việc hằng ngày thì đôi khi bạn cũng thấy khó chịu, xa dần.

Lại còn người già giảm khả năng đối thoại với tai nghễnh ngãng, mắt kèm nhèm đều dễ dàng rơi vào cảnh cô lập.

Cũng nhiều người già không có thì giờ dành cho bạn bè vì bận rộn chăm sóc cho sức khỏe của mình hoặc để nghỉ ngơi.

Ngoài ra, có trường hợp khi dư dả thì bạn bè năng tới lui, mà nghèo khó thì lại thưa vắng qua lại. Như tình huống của Nguyễn Hữu Chỉnh:

                  

“Ðã hẳn ai là mặt cố tri;

Giầu sang tìm đến, khó tìm đi”

                   

Tình nghĩa vợ chồng già dù như đũa có đôi, nhưng cũng nên có những bạn riêng để phòng hờ thời gian đơn côi, góa bụa. 

Khi mất người phối ngẫu, lão nam cảm thấy lẻ bóng nhiều hơn vì đã mất người bạn đầu gối tay ấp cả dăm ba chục năm. 

                   

Bình thường quý lão bà có nhiều bạn tâm tình trong suốt cuộc đời. Nhưng khi bạn hiền ra đi, thì cụ bà thấy quan hệ với bằng hữu cũ của vợ chồng giảm dần. Cũng may là các bà dễ dàng tạo thêm bạn mới, giao hảo mới bằng cách tham dự vào nhiều sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo. Đa số bạn của cụ bà khi đó là cô quả cùng cảnh ngộ, chỉ có một số nhỏ có gia đình.

                     

Cho nên khi còn sống với nhau mà bà vợ không chịu giao tế tạo bạn cho mình thì khi ở góa sẽ có nguy cơ cô đơn. Nhất là khi chẳng may khả năng tài chánh lại không được dồi dào. 

                    

Kết luận 

Mặc dù có thể có những căng thẳng, những thay đổi ngoài tầm kiểm soát, tình bạn vẫn giúp người già cảm thấy vui lên rất nhiều. Cho nên mất một bạn cố tri là một tai biến vì nhiều người già cảm thấy không còn đủ thời gian để thay thế cái khoảng trống tình cảm đó.

Hơn nữa, như Simone de Beauvoir đã viết: “Cái chết của người bạn thân thiết là sự đoạn tuyệt đột ngột với quá khứ của mình. Chúng ta không những mất một sự hiện diện mà còn mất cả một phần của cuộc sống mà chúng ta đã gửi gắm nơi họ”.


Bs Nguyễn Ý Đức