vendredi 22 mars 2019

SÁM HỐI THẬT LÒNG

SÁM HỐI THẬT LÒNG

Cha ông chúng ta vẫn khuyên dạy con cháu: “gieo gió gặt bão”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”...  Và trong Thánh Kinh, các câu chuyện như lụt Hồng Thuỷ, thành Sôđôma bị tàn phá v.v… cũng thường được giải thích theo quan niệm báo ứng ấy.

Không lạ gì người Do Thái thời Chúa Giêsu, cũng như chúng ta ngày nay, thích áp dụng nguyên tắc nhân quả “ác giả ác báo” nhưng là áp dụng cho người khác!  Trước hai tai hoạ xảy ra gây chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân “tội lỗi hơn mọi người khác” nên mới bị thảm hoạ như vậy.

Đành rằng, nếu gieo gió thì có thể sẽ gặt bão, song Chúa Giêsu khuyên mỗi người không nên hồ đồ xét đoán người khác, nhưng hãy xem các biến cố đó là cơ hội giúp ta xét lại chính mình mà trở về với nẻo chính đường ngay.  Vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền phán xét chung cuộc trên mọi người.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định một cách quyết liệt về sự cần thiết phải sám hối, phải cải thiện đời sống, bằng không, “tất cả chúng ta sẽ bị huỷ diệt.”  Chúa Giêsu lặp đi lặp lại câu đáng sợ: “tất cả sẽ bị huỷ diệt” (Lc 13, 3.5).

Lý do mà Chúa Giêsu nhấn mạnh về sự sám hối, ăn năn chừa tội, canh tân đời sống, vì đó là bước đầu tiên, bước không thể thiếu, để chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa, Đấng Thánh Khiết Tuyệt Đối.  Chúa muốn đưa toàn nhân loại vào vương quốc Thánh Thiện, yêu thương của Ngài, để chúng ta trở thành “Dân Thánh, dân đặc tuyển” của Ngài, nên Chúa muốn chúng ta cải thiện đời sống, xa bỏ đường lối gian tà, tội lỗi.

Chính vì thế, mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, khi “có người thuật lại cho Chúa Giêsu về một tin giật gân: Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hòa lẫn với máu của các vật sát tế” thì Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này, dạy cho toàn dân việc tối quan trọng là tất cả phải sám hối nếu không thì tất cả sẽ bị huỷ diệt.

Theo lịch sử nước Do Thái, thì 20 năm trước khi biến cố trên xảy ra, thì có người thuộc phe vua Hêrôđê đứng lên xúi giục dân Galilê làm loạn, không nộp thuế cho đế quốc Rôma nữa, và có nhiều người hùa theo (Cv 3, 7).

Chính vì vậy, Hêrôđê và Philatô hiềm khích với nhau.  Tuy nhiên, dù theo phe Vua Hêrôđê, những người đó vẫn phải đến Giêrusalem để thờ phượng Giavê Thiên Chúa như luật dạy, hơn nữa, họ nghĩ rằng, nơi Thành Thánh uy nghiêm như thế, nơi pháo đài an toàn thì Philatô chẳng dám xông vào hành hung.  Thế nhưng, lần này, Philatô ra lệnh tàn sát mấy người thuộc phe Hêrôđê ngay tại nơi hiến tế chiên bò, làm cho máu những người đó hoà lẫn máu của các vật sát tế.

Những người này nghĩ rằng: Chúa Giêsu là Vị Thầy, Một Ngôn Sứ cao cả, Ngài sẽ về phe dân tộc và đạo giáo để bênh vực, và Ngài sẽ có cách trả thù cho những người dân vì yêu nước mà phải chịu tàn sát như thế.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu không thuộc phe phái nào, Ngài đứng trên mọi phe phái chính trị, mục đích của Ngài giáng thế là cốt để cứu vớt sinh linh thoát vòng tội lỗi mà thôi!  Chính vì thế, khi nghe tin ấy, Chúa bảo họ rằng: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilêa bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở Galilêa ư?  Ta bảo các ngươi: không phải thế! Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy” (Lc 13,3).

Cũng vậy, 18 người ở Giêrusalem bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, Chúa bảo dân chúng rằng: “Các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người ở Giêrusalem ư?  Không phải thế!  Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 13,5).  18 người này là những người đang chờ ở bờ hồ Silôê, mong được chữa lành bệnh, thình lình bị tháp sụp đổ đè chết!

Cả 2 biến cố đau thương tuy lấy đi mạng sống của con người, nhưng đó chỉ là sự mất mát, khổ đau cho thân xác, không thể so sánh với sự trầm luân đời đời của linh hồn nếu không sám hối, không cải thiện đời sống!

Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta: Đừng bao giờ xét đoán tội lỗi của một người qua các thảm cảnh hay tai nạn họ phải chịu. “Đừng xét đoán kẻo sẽ bị xét đoán” (Mt 7, 1) Chúa muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta rằng: Mỗi khi thấy các tai họa xẩy ra cho những người chung quanh, chúng ta hãy tự xét mình, để tránh những thảm họa ghê gớm hơn, nếu không sám hối, canh tân đời sống để trở về với Thiên Chúa!  Đó mới là tai họa thảm khốc nhất, là sự huỷ diệt kinh khủng cho linh hồn mãi mãi!  Thành tâm sám hối, cải thiện đời sống là phương cách duy nhất có thể tránh thoát cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, tránh thoát phép công thẳng của Ngài.

Do đó, không bao giờ có ngoại lệ, chỉ trừ Đức Maria, hoàn toàn tinh vẹn, thì tất cả nhân loại, tất cả chúng ta, ai cũng cần phải cải thiện đời sống, nếu không, sẽ chắc chắn bị hủy diệt, hủy diệt đời đời!  Đây là lời cảnh cáo nghiêm trọng của Thiên Chúa: Không sám hối sẽ bị hủy diệt!  Những người bị tai họa kia chỉ bị tàn sát, bị chết về thân xác, nhưng ai không sám hối, sẽ bị đày đọa mãi mãi về linh hồn và cả thân xác bên kia thế giới!

“Sám hối” là từ thường gặp trong Thánh Kinh, nó được kêu gọi bởi Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu, các tông đồ và hôm nay luôn được lặp lại nơi sứ điệp của Giáo Hội.  Bởi sám hối là động thái tiên quyết để đón nhận ơn cứu độ.  Còn sống là còn cơ hội để sám hối!  Nếu không tận dụng tốt cơ hội Chúa ban thì Ngài sẽ cất đi như cây vả không chịu sinh trái (x. Lc 13,6-9).

Sự sám hối trở về không chỉ là hành vi đấm ngực ăn năn mà còn phải chuyển hóa, thay đổi như trong lời mời gọi của Chúa: “Hãy sinh hoa kết trái xứng với lòng ăn năn thống hối.”  Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả truyền cho chúng ta biến đổi sinh hoa kết trái.

Thiên Chúa luôn nuôi hy vọng và chờ đợi ở nơi chúng ta trong kiếp người dù ở thân phận nào, kể cả tội nhân khi sám hối và đơm bông kết trái: Hoa trái của sự thánh thiện.  Hoa trái của việc lành phúc đức.  Hoa trái của đời sống công bằng bác ái.  Hoa trái của đời sống yêu thương và phục vụ mọi người.

Huệ Minh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire