samedi 7 mars 2015

SỐNG TRONG THINH LẶNG


Thinh lặng!  Một điều rất cần thiết cho đời sống nội tâm con người, không riêng gì là người Kitô hữu.  Bất cứ ai, ở địa vị nào, thuộc thành phần nào, bỏ qua sự phân biệt… thì đều cần đến những phút giây trầm tĩnh đi từ khung cảnh bên ngoài cho tới chiều sâu nội tâm.  Cách riêng với người tín hữu, với những ứng sinh hướng tới đời sống hiến dâng cho ơn gọi tu trì, thinh lặng là điều cần được đặt ra, không chỉ như một sự ràng buộc hay một cái gì đó phải có và phải thực hiện, nhưng là một trong những phương thế có thể nói là tương đối tốt để gặp gỡ Đức Kitô, người mục tử mẫu mực, khuôn mẫu để chúng ta vươn tới.

“Giữa ồn ào con tìm kiếm Chúa
Trong thing lặng con tìm thấy Ngài.”

Cuộc sống là chuỗi ngày dài mà mỗi người chúng ta chỉ có thể sống tốt giây phút hiện tại mà không thể biết trước hay là dự đoán trước được tương lai, bởi đó nhiều người vẫn không ngừng nói rằng: “Tương lai là một ẩn số.”  Điều đó có nghĩa là cuộc sống đi ngang qua với giây phút hiện tại.  Nếu ai đó quá chú tâm, lo lắng cho những tháng ngày phía trước thì cũng có những lúc, sự thinh lặng đòi hỏi họ quay về với lòng mình, với chính con người của mình.  Giữa dòng đời được pha tạp hỗn độn với những thứ ồn ào náo động, tâm hồn cũng có những lúc chạy theo vòng xoáy của sự biến động ấy và một khi đã bị cuốn hút bởi muôn vàn tiếng nói khác nhau thì việc giữ cho cõi lòng mình một khoảng lặng là vấn đề phải được lưu tâm trong một sự tự do đích thật.

Vậy thì cốt lõi của sự thinh lặng là gì và vì sao nó trở nên quan trọng đến vậy?Một người không theo bất cứ một tôn giáo nào đã có lần thốt lên: “người công giáo thật là may mắn, vì lẽ những lúc gặp nghịch cảnh trong cuộc đời vẫn còn chỗ tựa nương.”  Thoáng qua có thể nhận thấy, điểm tựa mà họ muốn nói tới không đâu khác ngoài Thiên Chúa, Đấng mà những ai mang danh xưng Kitô hữu tôn thờ và không ngừng mỗi ngày vươn tới, chiêm ngưỡng Ngài là cội nguồn chân lý, là đường, là sự thật và là sự sống, đồng thời là nguồn gốc của mọi cái chân, thiện, mỹ.  Vậy thì nhờ đâu những người vốn không thuộc tôn giáo nào lại nói lên được điều đó nếu như họ không trải qua những phút giây của tiếng nói đi ra từ tận cõi lòng.  Điều này thật đáng cho chúng ta suy nghĩ!

Thật vậy, ngay từ sâu thẳm con tim thì mỗi người luôn ý thức được tầm quan trọng và giá trị cốt lõi khi để cho cõi lòng tìm về ý nghĩa cao quý khởi đi từ sự tĩnh lặng nội tâm.  Theo đó, các môn đệ Chúa Kitô khi lắng nghe tiếng nói trong bức tường của tòa nhà được xây dựng bằng một thứ chất liệu đặc biệt là Lời Chúa, hẳn nhiên tâm hồn dễ dàng đọc được ý nghĩa cuộc đời mình.  Chỉ có vậy, người tín hữu mới nhận ra rằng, căn nguyên của con người mình phát xuất từ đâu và rồi sẽ đi về đâu, để từ đó luôn sống trong tâm tình cảm tạ, rằng được hiện hữu trong thế giới này với muôn ngàn vẻ đẹp là nhờ tình yêu của Thiên Chúa chí tôn, một Thiên Chúa đích thân đi tìm và gặp gỡ, khơi nguồn đối thoại với con người.  Cảm nghiệm như vậy, thì không khó để lý giải lý do vì sao người ngoại giáo vẫn có cái nhìn khách quan và thiện chí về điểm tựa của ngưới tín hữu Chúa Kitô như đã nói trên đây.  Điều đó đòi hỏi phải khơi dậy và phát huy nơi con người mình, từ chính nội tâm của mình một sự trưởng thành về mặt tâm linh, nghĩa là tâm hồn phải đi từ chiều sâu đi lên, để mỗi ngày một thêm tiến triển về lòng mến cũng như sự hòa hợp các nhân đức một cách tiệm tiến, quy hướng mọi sự về với Thiên Chúa.  Hiểu theo cách khác, con người không có sự tĩnh lặng nội tâm thực sự (theo nghĩa tự do nội tâm) thì thật khó để họ nhận ra những vẻ đẹp vốn dĩ luôn tiềm ẩn mà không phải lúc nào cũng khám phá ra được một cách dễ dàng.  Hướng về Đấng tác thành vũ trụ, với người tín hữu chúng ta:

Sự thinh lặng đưa con người trở về với căn nguyên đích thật của mình, nơi xuất phát điểm của mình, nguồn gốc của vũ trụ, của muôn loài... để không ngừng ngắm nhìn một Đấng thánh là Thiên Chúa duy nhất, chân thật và hằng sống, luôn yêu thương con người bằng một tình yêu trên mọi thứ tình yêu.  Đấng tạo dựng trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.

Sự thinh lặng dẫn con người đi vào sa mạc của tình yêu huyền nhiệm, tiếp tục khám phá những nét đẹp tuyệt hảo, những công trình kỳ diệu, những hiện tượng lạ lùng…mà giữa một thế giới biến đổi liên tục thì chỉ trong sự thinh lặng mới giúp chúng ta nhận ra các điều ấy.

Sự thinh lặng giúp con người nhận thấy bản thân mình được tạo dựng một cách “đơn giản nhưng phức tạp,” bởi lẽ con người là một bộ máy hoạt động tinh vi hơn bất cứ loài nào và nơi con người có nhiều nét độc đáo mà càng khám phá thì càng thấy mới lạ, như triết gia công giáo Pháp Gabriel Marcel đã định nghĩa: “Con người là một huyền nhiệm.”  Cùng với đó, chúng ta biết được mình là một thụ tạo thấp hèn, nhưng lại được đặt để hàng đầu trong các tạo vật mà Chúa đã dựng nên, đúng như lời Thánh vịnh:
“Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
Thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm…”

Với bản chất mỏng giòn, yếu đuối thường hay sa ngã.  Con người cảm thấy như mình đang thiếu đi một điều gì đó có thể giúp cho bản thân vững vàng hơn trong cuộc chiến đấu “một mất một còn.”  Sẽ là mất tất cả khi cõi lòng buông xuôi sau mỗi lần gục ngã, sau mỗi lần thất bại.  Sẽ còn lại chính mình khi nội tâm, khi con tim của mình còn giữ lại một tia sáng của niềm tin, của niềm hy vọng, rằng có yếu đuối thì có thêm ý thức được về mình, lại càng phải cậy đến lòng xót thương của Thiên Chúa, cũng như phải xác tín: “Nơi đâu tội lỗi đã ngập tràn, nơi ấy ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20).  Ngạn ngữ La tinh cũng nói: “Sai lầm là chuyện thường tình của con người.”  Tại sao vậy?  Sự thinh lặng sẽ giúp người tín hữu tìm ra câu giải đáp cho mình về điều đó, khi để cho Lời và ánh sáng của Chúa thúc đẩy họ tìm ra được giải đáp thích đáng nhất, hợp lý nhất.  Vẫn còn đó nhiều điều phải nghĩ tới, nhiều ý nghĩa mà chỉ có trong thinh lặng, trong nội tâm, con người mới khám phá ra hết được.  Mỗi người sẽ đọc được giá trị của sự tĩnh lặng, giữa một bầu khí êm đềm, khi xung quanh mình được bao quát bởi Thần khí Thiên Chúa, đấng mà ngay từ thuở ban đầu đã “bay là là trên mặt nước” (St 1, 2).

Cuộc hành trình của mỗi ứng sinh Linh mục cũng trải qua những cảm nghiệm thực thù trong đời sống với những phút giây thing lặng.  Thinh lặng sẽ giúp họ vươn tới gần Thiên Chúa, vươn cao trong sự trưởng thành và vươn xa trên con đường mà họ đang nhịp bước.  Cùng với những nét riêng biệt mà đời sống dâng hiến mang lại, hy vọng rằng lời cầu nguyện trong thinh lặng xuất phát từ thẳm sâu tâm hồn mỗi ngày được nảy nở thêm lên, được phát huy và thăng tiến không ngừng... để từ đó giúp cho mỗi ứng sinh nhận thấy rõ ràng hơn tiếng gọi của Chúa thực sự đang vang vọng, cũng khởi đi từ chính trong bầu khí đó, họ quảng đại đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Thầy chí thánh Giêsu.  Điều đó góp phần làm nên hành trang cho họ tiến những bước dài hơn nữa trong tương lai, một tương lai vẫy gọi và chan chứa niềm hy vọng, một tương lai đầy những điều hứa hẹn…  

Để rồi trên hết, thinh lặng giúp trở về với chính mình để cảm nếm nguồn hồng ân chan chứa, niềm vui mừng khôn xiết khi biết rằng ơn gọi là một huyền nhiệm, một sáng kiến đến từ Thiên Chúa, một lời mời gọi trong sự tự do tuyệt đối của Ngài.

Cuộc sống quanh ta luôn xoay vần, rung chuyển với muôn hình vạn trạng.  Vẻ đẹp hiển lộ và tiềm ẩn luôn song hành.  Nhận biết chúng với tâm tình cảm tạ để quy hướng hết thảy về Thiên Chúa, người Kitô hữu và cách riêng là với những ai đang theo đuổi ơn gọi tu trì cần tập sống và duy trì một đời sống nội tâm sâu xa, để dù sống trong hoàn cảnh nào, môi trường nào, tất cả đều có thể thưa lên: “Trong thinh lặng con tìm thấy Ngài.”

Một vài cảm nghiệm đơn sơ nhưng chân thành, muốn được nói lên để cùng chia sẻ với nhau trong hy vọng giúp nhau thăng tiến qua mỗi ngày sống.  Qua đây, rất mong quý độc giả tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến, những sẻ chia đầy ý nghĩa hơn nữa, vì mong muốn bản thân cũng như cho mọi người có được những cảm nghiệm thực thù khởi đi từ sự thinh lặng trong tâm hồn…

Làng Bàu TCV Xã Đoài

MÙA CHAY, MÙA ĐỔI MỚI



Mùa Chay là thời gian thuận tiện nhất để mỗi người kitô hữu đổi mới con người và đời sống của mình. Đổi mới là quy luật của sự phát triển và tiến bộ.  Chúng ta quan sát thiên nhiên trong những ngày mùa đông giá lạnh, cây cối trở nên cằn cỗi, trơ trụi và xem ra như không còn sức sống.  Nhưng khi mùa xuân về, khí trời ấm áp, cây cối bừng dậy sức sống, chúng đâm chồi nảy lộc, trổ hoa muôn màu sắc trông thật đẹp mắt.  Thiên nhiên và sự sống xung quanh chúng ta thật kỳ diệu!  Qua sự kiện này, chúng ta nhận thấy rằng đổi mới là quy luật của phát triển nơi thiên nhiên.
Đối với người kitô hữu, đổi mới là quy luật của sự nên thánh.  Vì thế, Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải đổi mới mỗi ngày, đổi mới liên lỉ, đặc biệt khi chúng ta bước vào một năm mới và nhất là bước vào Mùa Chay thánh.  Tuy nhiên, chúng ta thử hỏi rằng chúng ta cần phải đổi mới như thế nào?
Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ đổi mới ở bên ngoài như thay đổi dáng dấp, cách ăn mặc, hay nơi chốn sinh sống, nhưng Ngài mời gọi chúng ta phải đổi mới triệt để từ bên trong, đổi mới toàn bộ con người và đời sống của chúng ta.
Để thực hiện được điều đó, thánh Phaolô trình bày về sự đổi mới triệt để và toàn vẹn mà chúng ta có thể tóm tắt qua 3 bước sau đây:
 
1/ Bước thứ nhất, đổi mới là cởi bỏ con người cũ
Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham hố lừa dối” (Eph 4, 22).  Theo thánh Phaolô, cởi bỏ con người cũ là cởi bỏ “con người thuộc hạ giới,” con người sống theo xác thịt với những hành vi: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống vậy.  Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5, 20-21).
Danh sách các thói xấu mà thánh Phaolô đưa ra ở đây chỉ có tính cách tượng trưng, nhưng các tính hư tật xấu này cũng đủ để cản ngăn con người tiến lên với Thiên Chúa.  Chúng là các dây xích cầm buộc con người trong vòng tục lụy và gây ra biết bao nhiêu hậu quả khổ đau cho cuộc sống mỗi người.
Mùa Chay là cơ hội quý báu để chúng ta cởi bỏ con người cũ, từ bỏ các thói hư tật xấu này trong chúng ta.  Nếu không từ bỏ chúng, sẽ không có sự tiến bộ về nhân đức, và như thế chúng ta sẽ không được thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời.  Chính vì thế, Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải lột bỏ con người cũ với các tội lỗi và đam mê xấu xa nguy hại ấy để mặc lấy đời sống mới theo Thánh Thần hướng dẫn.
 
2/ Bước thứ hai là “phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4, 23)
Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba quyền năng và cùng một bản tính như Ngôi Cha và Ngôi Con.  Ngài là Đấng đồng hành với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế.”  Ngài hoạt động trong chúng ta trong mọi trạng huống: như cuồng phong biến đổi, như nước thanh tẩy, như hơi thở ban sự sống, như lửa “đốt cháy” tâm can, như dầu tăng sức mạnh.
Chúng ta cần Chúa Thánh Thần biến đổi con người yếu hèn của mình, đổi mới tâm trí của chúng ta. Bởi vì mọi sai lầm bắt nguồn từ suy nghĩ sai và thiếu hiểu biết của chúng ta đối với đường lối của Thiên Chúa.  Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần biến đổi tâm trí, nghĩa là biến đổi cái nhìn, tư tưởng, quan điểm, nghĩ suy của con người cũ, để có cái nhìn và suy nghĩ của Thiên Chúa, hướng tới sự thật và tình yêu, để thăng hoa trở nên người mới mạnh mẽ, hăng say, đầy tràn nhiệt huyết hơn.
 
3/ Bước thứ ba là mặc lấy con người mới trong Chúa Kitô
“Anh em hãy mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Eph 4, 24). Thánh Phaolô quả quyết rằng: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được Rửa tội để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3, 27). Ngài cũng mời gọi: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13, 14).
Quả thế, Đức Giêsu là con người mới và kiểu mẫu cho chúng ta.  Mỗi người kitô hữu được tạo dựng và tiền định để trở nên giống Chúa Kitô.  Nếu cởi bỏ con người cũ là lột bỏ những thói hư tật xấu, thì trở nên con người mới là mặc lấy Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, mặc lấy trong mình những tâm tình của Chúa Kitô, đó là lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và tha thứ cho nhau (x. Cl 3, 12-14).
Vì thế, chúng ta được mời gọi từ bỏ đời sống cũ, mặc lấy đời sống mới bằng cách rèn luyện các nhân đức, thực hành những giá trị Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã dạy, sống như Chúa đã sống.  Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể được biến đổi toàn bộ con người chúng ta theo khuôn mẫu là Chúa Kitô, từ suy nghĩ, phán đoán, tình cảm, con tim, động lực sống và cả cách hành xử của chúng ta.  Đó là con người mới, nhân cách mới, đời sống mới trong Chúa Kitô.
 
Kết luận
Cha Anthony de Mello trong cuốn “The Song of the Bird” có kể câu truyện về Sufi Bayazid, ông nói về chính mình như sau: Tôi là nhà cách mạng, khi tôi còn trẻ và tất cả lời cầu nguyện của tôi với Chúa là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi thế giới.”   Khi tôi tới tuổi trung tuần và nhận thấy rằng nửa đời người đã qua đi mà không đổi thay được một tâm hồn nào.  Tôi đã thay đổi lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để thay đổi những người liên hệ và gặp gỡ con, như gia đình và bạn bè của con và con sẽ được an lòng.”  Bây giờ, tôi đã già và ngày giờ sắp hết, lời cầu của tôi: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để thay đổi chính con.”  Nếu tôi cầu nguyện điều này ngay từ khởi đầu, tôi đã không phí uổng cuộc đời của mình.
Câu chuyện trên đây muốn nói với chúng ta rằng: sự thay đổi chính mình là sự thay đổi quan trọng nhất.  Nếu muốn thay đổi thế giới, chúng ta phải bắt đầu từ sự thay đổi chính mình.  Mùa Chay là mùa đổi mới.  Hội Thánh kêu gọi các tín hữu canh tân cuộc sống, từ bỏ lối sống cũ, con người cũ, để sống đời sống mới, công chính và thiện hảo hơn theo mẫu gương Chúa Kitô.
Ước mong mỗi người kitô hữu biết sử dụng và sống thời gian Mùa Chay thánh này như là cơ hội để đổi mới chính mình trở nên thành con người mới trong Chúa Kitô.

LM Phêrô Nguyễn Văn Hương
Mùa chay 2015
Phạm Anh chuyển

vendredi 6 mars 2015

Tuổi già, Lời nói thực của một nhóm người già

Lời nói thực của một nhóm người già


Có một tổ ấm của riêng ta, chưa đến lúc chết, xin nhớ muôn ngàn lần chớ bỏ mất nó đi. 
Có một người bạn đời thân thiết, phải cùng đối đãi và chăm sóc tốt cho nhau, 
Có một cái thân thể, tự mình phải biết bảo trọng, có một cái tâm thái tốt, tự mình vui sướng!
 Chúng ta đã già rồi! Nhưng mà hiện tại sức khoẻ vẫn còn tốt, đầu óc hãy còn minh mẫn, già rồi trông cậy vào ai! Phải phân chia ra nhiều giai đoạn mà nói.

Giai đoạn thứ nhứt
Sau khi đã về hưu, tuổi từ 60 đến 70, sức khoẻ cũng như điều kiện hãy còn tốt. Thích ăn gì thì ăn, thích mặc gì thì cứ mặc, thích chơi đùa gì thì cứ chơi đùa, chẳng nên tự bạc đãi mình, vì những ngày giờ này sẽ không còn là bao lâu nữa, cần phải nắm lấy (cơ hội). Nắm giữ một ít tiền, giữ lại căn nhà, biết tự an bài tốt cho con đường sau cùng của mình.
Tình trạng kính tế của con cái được tốt là của chính chúng, con cái hiếu thuận là phẩm hạnh tốt của chúng. Chúng ta chẳng nên cự tuyệt sự giúp đỡ của con cái, không nên cự tuyệt sự hiếu kính của chúng. Nhưng quan trọng nhứt là phải biết tự nương tựa vào chính mình, tự an bài tốt cho sinh hoạt của chính chúng ta.

 Giai đoạn thứ hai
Qua hết đoạn tuổi bảy mươi (tức ở vào tuổi bát tuần) mà không có bệnh hoạn gì, cuộc sống hãy còn được tự do, đó là không có những vấn đề gì lớn xảy ra, nhưng phải nên nhớ rằng mình đúng là đã già rồi, thể lực và tinh lực sẽ không còn tốt nữa, các phản ứng tự nhiên của mình cũng sẽ từ từ xấu đi. 
Nên ăn cơm chậm lại để đề phòng mắc nghẹn; đi đứng cần chậm lại để đề phòng bị té ngã. 
Chẳng nên tranh hơn người, cần biết tự chăm sóc cho chính bản thân mình! 
Đừng nên đi "quán xuyến" việc này việc kia, lo lắng sinh hoạt của con cái. Có người còn đi giữ cháu nội cháu ngoại nữa. 
Cần phải biết "ích kỷ" một chút để, tự chăm sóc, trông coi chính mình.
Mọi việc phải biết để cho nó hoà theo tự nhiên, phải làm tí công việc quét dọn rác, phải biết cố gắng giữ gìn cho cái trạng thái sức khoẻ của mình được lâu dài hơn. 
Để cho cái năng lực tự chủ về cuộc sống của mình có thể kéo dài thêm, không phải nhờ vào sự chăm sóc của người khác, thì có phải là tốt hơn không?  

 Giai đoạn thứ ba
Sức khoẻ đã suy yếu rồi, phải cần đến người giúp chăm sóc cho mình, việc này nhất định phải được chuẩn bị từ trước, tuyệt đại đa số con người ít ai tránh khỏi được cái cửa ải này.
Phải biết điều chỉnh tốt cho lòng mình, phải biết thích ứng với hoàn cảnh, sinh lão bịnh tử, với cái Tử là cái việc thường tình của đời người. 
Ta cứ thản nhiên mà đối diện với nó, vì đó là cái đoạn cuối của đời người, chẳng có gì mà phải sợ nó, đã có chuẩn bị trước rồi, thì chẳng có chi mà cảm thấy phải khó chịu. 
Hoặc là vào viện dưỡng lão, hoặc là mướn người đến nhà trông coi chăm sóc cho mình, lượng sức lượng tình mà làm, nhất định là phải có biện pháp. 
Nguyên tắc là chẳng nên "làm khổ" con cái của mình, đừng để con cái mang nặng cái tâm lý không tốt, làm thêm nhiều công việc nhà, gánh nặng thêm sự tốn hao tài chánh hạn hẹp của gia đình. 
Tự mình phải biết khắc phục thêm một chút, cái cuộc đời nầy của mình, cái gì khổ, cái gì khó khăn cũng đã qua rồi, hãy tin tưởng rằng cái đoạn đường nhân sinh cuối cùng cũng sẽ dễ dàng mà bước qua.

Giai đoạn thứ tư
Đầu óc ta minh mẫn, bệnh tật đeo mang không cách nào thoát khỏi, lúc mà cái phẩm chất của sinh mạng đến điểm tệ hại nhất, phải biết dám đối diện với cái chết, cương quyết không để người nhà phải lao khổ tái cứu sinh, không để bà con thân hữu phải chịu hứng chịu những hao tốn vô ích. 
 "Già rồi" trông cậy vào ai? Chính mình, chính mình, lại vẫn là chính mình. 

Già rồi thì phải làm sao?
Tại sao lại có cái ý nghĩ nầy, đó là do bởi tôi luôn nhận thấy, người già trên 80, không cần phải hạn chế đồ ăn của họ phải thanh đạm, cũng không cần phải giảm cân, ăn được là quan trọng nhứt
Muốn ăn gì thì cứ ăn, có thể cho là ăn được những món ngon của thế gian nầy, để cho cuộc sống càng thêm vui sướng và thích thú. Hạn chế người già không được làm cái nầy, ăn cái kia là đi ngược lại cái nhân tính của con người, mà lại cũng chẳng có gì gọi là căn cứ khoa học cả. 
Trên thực tế, càng ngày càng có nhiều hiển thị chứng cứ của khoa học là, người già cần ăn ngon thêm một chút, cần mập thêm một tí, để cho cơ thể họ có thêm năng lực để đối kháng bệnh tật, đối kháng tính trầm cảm. 
Tôi mong ước là, các cụ lão niên đều có thể hưởng thụ được sự tốt đẹp của đoạn cuối con đường nhân sinh của chính mình, mà không phải lưu lại bất cứ một điều gì hối tiếc. 
Có thể cũng đừng kỳ vọng chờ đợi để lại cho thế hệ kế tiếp. 

 Lời kết luận: 
Câu nói đúng của tục ngữ: "biết lo về tài chánh thì không nghèo, có kế hoạch thì không rối rắm, có chuẩn bị thì không bận rộn". Chúng ta với tư cách là lão niên "dự bị quân" đã có ý tốt chuẩn bị hay chưa? 
Chỉ cần sự việc chưa xảy ra, phải có chuẩn bị cho tốt, sau nầy sẽ khỏi phải lo lắng cho cuộc sống ở tuổi xế chiều.

Thứ nhất: Lão Kiện
Sự chuẩn bị trước tiên là cái khả năng làm cho sức khỏe tốt ở tuổi già, ngày thường cần chú ý đến "tam dưỡng": 
1-ăn uống dinh dưỡng, 
2-chú trọng bảo dưỡng, 
3-phải biết tu dưỡng.

Thứ hai: Lão Cư
a/-  Đối với sự việc cùng con cháu ở chung, phải rán nhẫn nhịn bằng cách im hơi lặng tiếng trong cuộc sống, chi bằng 
b/- Vui sống hưởng thụ với cuộc sống đơn lẻ độc thân, bất luận là trong thành phố hay khu ngoại ô, những nơi thích hợp cho chính bản thân mình, đồng thời là nơi có những quán ăn gần nhà mà mình ưa thích nhứt.

 Thứ ba: Lão Bổn
- Đã nuôi dưỡng được con cái, mà không thể có cách nào để dưỡng già. Là cha mẹ của người ta thì phải nhớ biết tự lập tự cường, chưa vào trong quan tài thì đừng bao giờ chia gia sản.

Thứ tư: Lão Hữu
- Có được một người bạn tốt, người hảo hữu cùng ăn chung và người bạn đời đều quan trọng như nhau, bình thường cần phải biết kết rộng thiện duyên, nhận thức nhiều về các loại bằng hữu, là để hưởng thụ được cái bí quyết của nhân sinh.
 Nói tóm lại, dù bạn là một trường thọ lão ông hay lão phụ, cuối cùng, bạn cũng chỉ là một con người.
Cái câu nói nầy thật không bi thiết chút nào, lại cũng không có gì phải lo sợ, hoàn toàn do bạn tự an bài cách sống như thế nào, để coi bạn có hay không có cái tâm lý thành thục, có yêu thích cái gì đó thì rất đáng để bạn trực tiếp đi làm. 
Có được cái sức khoẻ tốt hay hạnh phúc, cũng đừng hy vọng để lại cho con cái.
Các lão bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ là chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ thứ nhất bị con cái bỏ rơi. 
 Xin đừng có "nhân tại thiên đàng, tiền tại ngân hàng", cái gọi là "một mình rất buồn tẻ", "già rồi mà chẳng có ai phục dịch", những tín hiệu phiến diện v.v và v.v... đã là những câu nói lỗi thời từ lâu rồi.
Hãy nhận thức cách rõ ràng là: tiền tài, giàu sang chỉ là những số tự mà thôi, danh lợi cũng chỉ là một đoản kỳ tạm hư vinh, cuộc sống mới đúng là cái toàn diện của đời người, 
 Hãy là cái người "vui sống hưởng thụ cái cảnh già độc thân", thì cuộc đời mình sẽ có những mùa Xuân rực rỡ trở lại, với chính mình, điều kiện là: thân thể cường tráng, có tiền, có thì giờ, có bạn bè, lại cũng có cái không gian chuyên thuộc của riêng mình. 
Có đủ sức độc lập tự chủ, có được cái lạc thú nhân sinh, chắc chắn là tự mình cung cấp cho mình cái công đức tối đại vậy.


Tác giả - không rõ tính danh 
Bài dịch sang Việt Ngữ do Thầy  Sydney thực hiện
Hồng Phúc sưu tầm

jeudi 5 mars 2015

Anh Đào Đà Lạt .

 Anh Đào Đà Lạt .
 Hình ảnh Xuân Đà lạt với anh đào quyến rũ cùng lời chúc AN KHANG, THỊNH VƯỢNG, NHƯ Ý đến toàn thể bạn hữu để cùng ngắm nhìn về Đà lạt thân yêu.  Yêu quá và nhớ quá hình ảnh Đà lạt và anh đào…. Đà lạt vẫn còn đẹp với hình ảnh hoa đào.


  Sắc hồng quyến rũ  
những ngày Tết Ất Mùi:
Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 2
Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 3
Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 4 Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 5
Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 6Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 7
Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 8

Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 11
Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 12
Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 13
Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 14
Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 15
Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 16
Ngắm một Đà Lạt quyến rũ với mai anh đào ngày xuân - 17
                       DU XUÂN ĐÀ LẠT .

Tuyết Loan chuyển

mercredi 4 mars 2015

2 nữ tướng ngành sữa vào danh sách quyền lực nhất châu Á

Danh sách của Forbes năm nay có tên cả 2 bà chủ doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam là Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm CEO Vinamilk và Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH.
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen). Các đại diện năm nay đến từ 16 quốc gia và tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh. Trung Quốc thống trị danh sách với 14 đại diện, theo sau là Ấn Độ, Thái Lan và Singapore.
Năm nay, Việt Nam chỉ có 2 đại diện. Đó là bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH.
mai-kieu-lien-1255-1425092711.jpg
Bà Mai Kiều Liên đã 4 năm liên tục vào top doanh nhân nữ quyền lực châu Á. Ảnh: Forbes
Forbes nhận xét Vinamilk là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. Theo hãng nghiên cứu Nielsen, hãng hiện có 51% thị phần sữa nước. Doanh thu năm 2014 của công ty đã tăng 14% lên 1,7 tỷ USD nhờ có 2 nhà máy mới. Bà Mai Kiều Liên đang nỗ lực đưa con số này lên 3 tỷ USD năm 2017 bằng cách mở rộng ra nước ngoài.
Vinamilk hiện xuất khẩu sang 30 quốc gia và đang tăng bán sản phẩm tại Trung Đông, châu Phi và Cuba. Dù vậy, Vinamilk cũng đang đối mặt với một số khó khăn. Lợi nhuận năm ngoái gần như đứng yên do giá nguyên liệu thô - chủ yếu là bột sữa nhập khẩu - tăng cao.
thai-huong-4315-1425092711.jpg
Bà Thái Hương là đại diện thứ 2 của Việt Nam năm nay. Ảnh: Forbes
Bà Thái Hương là đại diện mới nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này. Bà mới chỉ tham gia vào lĩnh vực sữa từ năm 2009 với cam kết thay đổi ngành sữa Việt Nam. Từ đó, Tập đoàn TH đã đầu tư 450 triệu USD để nhập khẩu và nuôi bò, nhằm sản xuất sữa sạch với công nghệ Israel. Hãng hiện sở hữu đàn bò 40.000 con trên diện tích 8.100 hécta và đang có kế hoạch nâng lên 37.000 hécta. TH ước tính doanh thu năm 2014 vượt 200 triệu USD với một phần ba thị phần sữa tươi trong nước. Đây là thách thức với hãng sữa lớn nhất Việt Nam - Vinamilk. Bà Thái Hương tham gia kinh doanh năm 1994 và là nhà sáng lập Ngân hàng Bắc Á. Hiện bà vẫn là chủ tịch nhà băng này.
Để chọn ra danh sách năm nay, Forbes dựa trên các tiêu chí: doanh thu công ty (thường là hàng tỷ USD), vị trí của ứng cử viên trong công ty và mức độ tham gia vào công việc. Bà Mai Kiều Liên đã lọt danh sách này từ năm 2012. Năm 2013, Việt Nam có thêm một đại diện là bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang. Còn năm ngoái, Việt Nam có 3 đại diện, thêm bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á (SeAbank).
Hà Thu

10 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới

Danh sách năm nay của Forbes vẫn có nhiều tên tuổi quen thuộc như Bill Gates, ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg hay ông chủ Alibaba - Jack Ma.
 
1. Bill Gates
Tài sản ròng: 79,2 tỷ USD
Bill Gates đã giữ vị trí này 16 lần trong 21 năm qua. Ban đầu, nhờ hoạt động kinh doanh xuất sắc của Microsoft - Tập đoàn công nghệ do Gates đồng sáng lập vào năm 1975, tài sản ròng của ông tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, 15 năm qua, Gates đã dần bán cổ phần của mình. Trong 12 tháng tính tới tháng 2/2015, số cổ phiếu ông nắm giữ đã giảm một phần ba.
 
 
2. Larry Ellison
Tài sản ròng: 54,3 tỷ USD
Sau khi xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), năm 1977, Larry thành lập hãng phần mềm Oracle và phát triển với tốc độ chóng mặt. Năm 2014, doanh thu của Oracle đã đạt 38,3 tỷ USD. Tháng 9/2014, Larry gây chấn động giới công nghệ khi từ chức CEO. Hiện ông là Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ của Oracle.
 
 
3. Jeff Bezos
Tài sản ròng: 34,8 tỷ USD
Dù trải qua năm 2014 khó khăn với sự thất bại của smartphone đầu tiên và áp lực gia tăng từ nhà đầu tư, CEO Amazon - Jeff Bezos vẫn có bước khởi đầu năm 2015 khá mạnh mẽ. Amazon đã giành giải thưởng Quả cầu vàng cho “Transparent” ở hạng mục series phim truyền hình xuất sắc nhất và nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Đây là những bước tiến mạnh mẽ vào ngành công nghiệp điện ảnh. Hiện Amazon không chỉ bán hàng trực tuyến, mà còn cung cấp mọi thứ từ dịch vụ máy chủ cho tới tã lót.
 
 
4. Mark Zuckerberg
Tài sản ròng: 33,4 tỷ USD
CEO kiêm đồng sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới - Mark Zuckerberg đã dẫn dắt Facebook lên một tầm cao mới. Năm 2014, doanh thu của Facebook tăng 58% lên 12,5 tỷ USD nhờ quảng cáo trên di động tăng vọt. Hiện Facebook có 1,4 tỷ người dùng trên toàn cầu.
 
 
5. Larry Page
Tài sản ròng: 29,7 tỷ USD
Hãng tìm kiếm Google của Larry Page được coi là một trong những công ty có ảnh hưởng nhất trong kỷ nguyên số. Ngoài thống trị lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến với 65% thị phần, Google còn tạo ra hệ điều hành Android đang được sử dụng trên hơn một tỷ thiết bị di động toàn cầu. Tháng 10/2014, Larry đã chuyển giao phần lớn công việc hàng ngày của mình cho Sundar Pichai để có thể tập trung vào chiến lược dài hạn.
 
 
6. Sergey Brin
Tài sản ròng: 29,2 tỷ USD
Nhà đồng sáng lập Google - Sergey Brin là người điều hành Google X, bộ phận bí mật của đại gia tìm kiếm. Bộ phận này đầu tư vào các dự án nhiều rủi ro như kính áp tròng thông minh, turbin gió trên không, hay kính Google Glass.
 
 
7. Jack Ma
Tài sản ròng: 22,7 tỷ USD
Cựu giáo viên tiếng Anh - Jack Ma đã khiến cả thế giới phải chú ý khi IPO cho Tập đoàn Thương mại Điện tử Alibaba tại Mỹ năm ngoái. Đợt IPO này đã mang về cho họ 25 tỷ USD. Ngoài Alibaba, tỷ phú còn hàng loạt khoản đầu tư khác, như vào đội bóng đá hay hãng phim.
 
 
8. Steve Ballmer
Tài sản ròng: 21,5 tỷ USD
Tháng 2/2014, Steve Ballmer rời vị trí CEO Microsoft và không lâu sau đó trở thành ông chủ của đội bóng rổ Los Angeles Clippers. Ông đã mua lại đội bóng này với giá 2 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử các đội tham gia giải nhà nghề Mỹ - NBA.
 
 
9. Laurene Powell Jobs
Tài sản ròng: 19,5 tỷ USD
Laurene Powell Jobs đang ngày càng trở thành cái tên có tầm ảnh hưởng trong giới chính trị và xã hội kể từ sau cái chết của chồng mình - Steve Jobs, 3 năm trước. Bà là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Emerson Collective – tổ chức chuyên tập trung vào các hoạt động nhằm cải cách xã hội, giúp đỡ sinh viên nghèo…
 
 
10. Michael Dell
Tài sản ròng: 19,2 tỷ USD
Năm 1984, khi mới 19 tuổi, Michael Dell thành lập hãng máy tính Dell tại phòng ký túc xá ở Texas với số vốn 1.000 USD. 4 năm sau, Dell lên sàn chứng khoán với vốn hóa 85 triệu USD. Năm 2013, khi hãng máy tính này được mua lại toàn bộ và rút niêm yết, Dell đã được định giá 25 tỷ USD. 
 
Thanh Tuyền (theo Forbes)
Nguồn

dimanche 1 mars 2015

Thương nhớ Sài Gòn


Những khoảnh khắc còn tươi rói
Description: [141594]duong_tu_do_o_sai_gon
Con đường từ nhà trọ đến trường ngắn và đẹp, chỉ qua một ngã tư là tới. Cả ba đường Thành Thái (nay là An Dương Vương), Trần Bình Trọng, Nguyễn Hoàng (nay là Hùng Vương) đều trồng chỉ một loại cây, cao, thẳng tắp và có một dạng hoa tuyệt vời: cây dầu. Tuổi của cây có lẽ đã hơn trăm năm, muốn nhìn thấy ngọn phải ngước lên mỏi cổ. Đường Cộng Hoà (nay là Nguyễn Văn Cừ) của trường Khoa học lại có một loại cổ thụ tàn lá rất rộng, sà thấp, và hoa cùng họ với mimosa: cây còng. Hoa còng màu hồng tím, mỏng mảnh, duyên dáng, trông hệt như một bông phấn, nở kín tán lá, cứ vào buổi chạng vạng là toả một mùi thơm dịu ngọt cả cung đường.
Hoa dầu bay trên đường đi học…
Sân trường Khoa học cũng đầy cây to. Cùng với còng là cây lim xẹt hoa vàng, không hương nhưng hoa nho nhỏ, rất đáng yêu. Tới mùa hoa nở, trên cao đan kín một màu vàng rực rỡ còn mặt đất thì tràn ngập một lớp dày những đoá hoa vàng rụng. Khiêm tốn hơn là hoa sứ, thua kém cả chiều cao lẫn tuổi tác so với các loại cổ thụ kia, nhưng hoa sứ trắng và hồng năm cánh mịn màng thanh tân cũng góp thêm một mùi hương dịu dàng trên những tà áo dài nữ sinh viên… Nam sinh viên Khoa học nhiều người làm thơ, viết nhạc… có thể bởi được “xúc tác” từ những mùa hoa/màu hoa đầy kín cả sân trường như thế…
Description: Mưa Sài Gòn trên đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi). Ảnh: Darryl Henley.
Mưa Sài Gòn trên đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi). Ảnh: Darryl Henley.
Có những lần đi học trễ, tôi ba chân bốn cẳng bước thật nhanh để kịp vào giảng đường trước khi giáo sư có mặt. Vậy mà, bỗng dưng một cơn gió, rồi cả một bầy chim hàng trăm con từ những cành cây cao tít tung cánh bay xuống, lượn lờ chao liệng thật lâu quanh tà áo dài khiến tôi sững sờ dừng lại, ngơ ngẩn ngắm nhìn. Sài-Gòn-cây đáng nhớ nhất của tôi chính là những hàng dầu với thứ hoa diệu kỳ này… Giữa một đô thị tràn ngập dân tị nạn chiến tranh từ khắp nơi đổ về, giữa bầu không khí căng thẳng của quãng cuối cuộc chiến dài dằng dặc và màu vàng hoả châu ủ ê mỗi tối, cùng tiếng bom dội về từ vùng ven và khói lựu đạn cay trong sân trường tranh đấu… vậy mà cảnh hoa dầu bay khiến tôi hầu như quên hết… Hoa dầu ơi, cây dầu ơi… Bốn mươi năm, sau khi hàng cây giữa trung tâm Sài Gòn bị đốn hạ, người ta cho biết nhiều thân dầu đã bị rỗng còn bộ rễ bị cùi, chỉ sót lại một túm nhỏ đã mục, có thể bị giật đổ bởi bất kỳ cơn gió lớn nào… Tại sao? Tôi nghe rằng mỗi một cây trồng dọc những con đường của đô thị Sài Gòn đều được lập hồ sơ/tiểu sử để hàng năm, các bác sĩ cây khám bệnh và chăm sóc thuốc thang cho cây giữ được sức khoẻ vững bền cùng năm tháng. Cái gì/từ đâu đã khiến cho những cổ thụ hàng trăm năm tuổi bỗng trở nên èo uột yểu mệnh một cách đáng thương làm vậy?
Đường về Bảy Hiền ít vui nhiều buồn…
Nhà chú thím tôi ở Bảy Hiền. Để về nhà thím, tôi có thể đi hai chặng xe buýt hoặc xe lam: từ nhà trọ xuống Sài Gòn và từ Sài Gòn về Bảy Hiền. Xe buýt lúc nào cũng đông đặc, chen lấn khủng khiếp và tôi thường đứng để không bị xô đẩy bởi những kẻ giành ghế. Xe lam vốn thấp nhỏ và ghế chỉ đủ cho tám/mười người nhưng thường xuyên chở gần gấp đôi, vì nhiều khách sẵn lòng ngồi túm tụm giữa lòng xe, để sớm đến được nơi cần đến.
Description: Đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn cũ, nay là đường Cách mạng tháng Tám. Ảnh: Darryl Henley.
Đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn cũ, nay là đường Cách mạng tháng Tám. Ảnh: Darryl Henley.
Khách đi xe buýt xe lam nếu không phải sinh viên học sinh thì phần đông là người bình dân, tay xách nách mang. Nổi bật nhất là những người lính về phép. Chiến trận đang ác liệt. Lính thường có phép thưởng sau một trận đánh lớn. Những người lính da cháy nắng trong bộ binh phục bám đầy bụi đường, mũ sắt trên đầu, mồ hôi nhễ nhại, và luôn lộ vẻ âu lo nôn nóng. Tôi thường nép người tối đa, thu gọn hai tà áo dài khi có một hành khách như thế lên ngồi cạnh mình trên chiếc xe lam chật chội. Lúc xe chạy ngang quãng dài chỉ có toàn quán bar trên đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) tôi luôn nhìn ra. Khi nào cũng có vài cô gái trang phục tiêu biểu cho nghề nghiệp của họ: váy cực ngắn và áo lộ ngực, lấp ló sau những ánh đèn xanh đỏ. Quãng đường này người dân chẳng mấy khi đến gần, vì không có nhu cầu và vì sợ bị vạ lây do chất nổ hoặc do xô xát… Từng có những người lính không kiềm chế được sự giận dữ trước biển cấm dành cho họ, những kẻ từ tiền tuyến trở về, những kẻ đang lấy sinh mạng để bảo vệ an ninh cho thành phố…
Nếu đi xe lam tuyến đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám), tôi sẽ đi bộ một đoạn qua bệnh viện Vì Dân sau khi xe tới bến. Ở bùng binh giữa ngã tư Bảy Hiền có một áp phích với khẩu hiệu và hình vẽ ba cán bộ Việt Cộng răng hô mặt tóp đang đu trên một cọng đu đủ, bên cạnh là lá cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Giải phóng miền Nam.
Chiến tranh mỗi phút giây và trong từng mảnh nhỏ cuộc sống suốt cả tuổi trẻ tôi. Thời sinh viên, tâm trí tôi thường xuyên tràn ngập một nỗi buồn mênh mang, rã rượi, một nỗi đau không thể gọi tên… Thời đó, tôi nhớ rằng người Việt đang bắn giết lẫn nhau và chẳng biết đến bao giờ tấn thảm kịch này mới chấm dứt…
Đường Lê Lợi và chuyện phim chuyện đời…
Trung tâm Sài Gòn là nơi tôi đi lại nhiều nhất, sau trường Khoa học. Trừ những lần có hai chị từ Đà Nẵng vào chơi, tôi thường xuống phố một mình. Xuống xe, tôi đến ngay chỗ bán thứ mình cần mua hoặc vào ngay rạp có bộ phim muốn xem, không dành thời gian để “bát phố” như hầu hết mọi người.
Chiến tranh vẫn đeo đẳng tôi trong rạp xi nê. Bao giờ cũng là một phim thời sự trước khi chiếu phim chính. Và bao giờ cũng là lửa cháy, bom rơi đạn nổ và máu đổ người ngã… Máu đổ nhiều đến mức có vẻ như máu chẳng còn là thứ gì đáng quý nữa…
Description: Rạp Rex ở ngã tư Lê Lợi, Pasteur. Ảnh: Darryl Henley.
Rạp Rex ở ngã tư Lê Lợi, Pasteur. Ảnh: Darryl Henley.
Rex, Eden, Vĩnh Lợi là cụm rạp duy nhất tôi xem phim suốt những năm đại học. Bộ phim Vĩnh biệt tình em tôi xem đi xem lại mấy lần. Tôi bị ám ảnh bởi đoàn tàu lửa hỗn loạn trong chiến tranh, cảnh mùa đông ngập tuyết và những người lính mặc áo khoác nặng nề vung súng chạy và gào thét rồi bị bắn chết, ngã gục trên tuyết trắng. Tôi cũng muốn nhìn ngắm đôi mắt thăm thẳm luôn tràn đầy những câu hỏi của Lara (diễn viên Julie Christie) và vẻ đẹp đàn ông với bộ ria Nga của Zhivago (diễn viên Omar Sharif), và nghe không chán thanh âm da diết, giằng xé của bài hát Lara’s Theme…
Tôi cũng giữ mãi ấn tượng bộ phim Việt Người tình không chân dung để lại trong mình, bởi chuyện phim, diễn xuất của dàn diễn viên nổi tiếng bên cạnh vẻ đẹp và sự nhập vai tuyệt vời của nữ minh tinh Kiều Chinh. Tôi thích phim vì chất nhân văn của nó, về cuộc chiến tranh đang tàn sát bao nhiêu thanh niên và xé nát bao mối tình đẹp đẽ, biến tình yêu thành những vành khăn trắng. Bài hát trong phim cũng hay, đớn đau, sâu thẳm. Nó trùng hợp với những gì tôi hình dung về những người lính vô danh ở cả hai bên chiến tuyến…
Có một lần, ra khỏi rạp Rex, trên đường Lê Lợi, tôi bất ngờ chạm mặt một sinh viên sĩ quan trong lễ phục trường Lục quân Thủ Đức. Đó là Nguyễn, bạn cùng chứng chỉ SPCN, cùng nhóm thực tập với tôi. Anh chàng đen nhẻm, trông khác hẳn so với khi mặc sơmi trắng ngồi cạnh tôi trong giảng đường. Tôi hiểu là Nguyễn đã thi hỏng và phải nhập ngũ (trong khi tôi đậu ngay kỳ đầu). Vì tình thân với Nguyễn, tôi cho phép mình hỏi bằng giọng chê trách: sao Nguyễn không lo học, để thi rớt rồi phải vô lính thế này? Nguyễn nhìn tôi lúc lâu rồi mới đáp: bạn mà lại hỏi tôi câu đó sao? Giọng Nguyễn có gì đó chua chát, trách móc. Và tôi hiểu ngay mình đã sai. Tôi chẳng bao giờ để ý tới những “cậu bé” cùng lớp, nên tôi trở thành kẻ quá vô tâm… Sau lần đó, tôi không gặp lại Nguyễn. Chẳng rõ sau những cơn địa
chấn kinh hoàng trên đất nước, bạn tôi giờ phiêu dạt nơi nào…
Sài Gòn của tôi… Hàng ngàn câu chuyện, hàng ngàn hồi ức, hàng ngàn gương mặt… Chỉ cần phăng được đầu mối thì cả quá khứ sẽ ùa về, chật cứng trái tim tôi… Và tất cả hãy còn tươi rói, hãy còn nguyên vẹn, như mới hôm qua…
Ngô Thị Kim Cúc




Sài Gòn cà phê & nhạc sến
Description: [141639]20080918_IMG_3448
Thằng bạn ở Thuỵ Sĩ về chơi Việt Nam, trên đường tới Hội An, ghé quán càphê ven đường “Cho ly càphê đá Sài Gòn”. Càphê mang ra, chưa nếm, y đã lắc đầu, “Không phải. Càphê là càphê kiểu Sài Gòn, có biết không?” “Dạ, dạ… biết”. Dân miền Trung nhẫn nại. Cái gì cũng biết (trừ những cái không biết). Ly càphê khác mang ra. Cũng không phải!
Tôi sống ở cái đất Sài Gòn này gần mãn kiếp, mấy tiếng càphê Sài Gòn đã nhạt nhoà từ thuở tám hoánh. Nay, nghe một khứa Tây da vàng, biệt xứ 40 năm (xẹt đi xẹt lại Việt Nam giỏi lắm là vài ba lần) dõng dạc: “càphê kiểu Sài Gòn”. Thấy sốc!
Tôi không nhớ mình đã uống càphê từ lúc nào. Chắc từ thuở biết bưng bê, uống vụng càphê của các bậc bề trên hơi nhiều. Nhưng chỉ thèm càphê khi thấy mấy ông khách ở tiệm càphê các chú (Tàu) đổ càphê sữa vào dĩa, chấm bánh tiêu. Thèm càphê hay bánh tiêu? Tôi không biết, có thể cả hai.
Nhưng vị đắng càphê bắt đầu biết nếm từ lúc nào thì tôi biết chắc. Đó là những tháng ngày của năm 1972, khi bè bạn bỗng chốc xếp bút nghiên ra đi. Thằng về, thằng đi… luôn. Đóng đô ở quán càphê nhiều hơn lớp học. Càphê có đường hay không đường đều đắng như nhau. Vị đắng quá dư để nhận lời uỷ thác, mày đưa thư này cho em… giùm tao, mà đợi tao đi rồi hãy đưa. Chết thiệt sắp tới nơi rồi, không ngán, mà lòng vẫn còn “chết nhát” vì mái tóc dài. Thua xa bọn trẻ @ thời nay.
Cô chủ quán không biết pha kiểu gì, pha vớ, chứ không phải pha phin, mà ly càphê sữa đá 80 đồng ngon không thể tả. Sau này nếm thử Starbucks, Maxell House, Green Mountain… cũng không thể bằng. Sức mạnh của dĩ vãng nặng oằn vai.
Càphê ngon nhất Sài Gòn, theo cái lưỡi tôi, ở góc số 4 Duy Tân. Chỉ là quán vỉa hè, không bảng hiệu, mà tụi tôi gọi là càphê lá me, mà hình như ở đó chẳng có cây me nào thì phải. Hồi đó tôi học ở đại học Khoa học, mà mấy bà bên Khoa học, nói phải tội, khô khan và nặng vía. Tôi phải vượt qua càphê Năm Dưỡng gần trường, đến ngồi đồng ở càphê lá me, chiều chiều ngắm mấy cô Luật khoa, Văn khoa tha thướt. Trời ơi, nắng Sài Gòn mát rượi chứ không “chợt mát” như thi sĩ Nguyên Sa vã mồ hôi làm bài thơ Áo lụa đâu.
Quẹo trái chừng vài trăm mét là đường Cường Để, con đường đẹp nhất Sài Gòn, hai bên đường là những biệt thự lâu đời, chủng viện, tu viện cổ kính với hàng cây cổ thụ cả trăm tuổi… Lá đổ muôn chiều là con đường này, chẳng cần đợi tới mùa thu. Bây giờ nơi đây là nhà cao tầng, khu thương mại, ồn ào náo nhiệt, đi quờ quạng kẹt xe. Cả trăm cây cổ thụ bị đốn trên con đường vài trăm mét thì đâu còn gì để nói thêm nữa. Mất hết…
Cảnh đẹp, người đẹp, càphê không ngon sao được. Mà càphê lá me ngon thiệt, chứ không phải tôi mù quáng cái đẹp nói bừa. Cô chủ quán không biết pha kiểu gì, pha vớ, chứ không phải pha phin, mà ly càphê sữa đá 80 đồng ngon không thể tả. Sau này nếm thử Starbucks, Maxell House, Green Mountain… cũng không thể bằng. Sức mạnh của dĩ vãng nặng oằn vai.
Luận về càphê ngon dở hơi bị khó, mỗi người mỗi gu, chân lý đa dạng. Nhưng càphê Sài Gòn chắc là luận được. Từ luận được cho đến hết luận… nổi. Người ta cứ đồn càphê Sài Gòn độn bắp, độn cau, rượu đế, mắm muối… toàn là mấy thứ dân dã. Có lửa, có khói. Lời đồn này đúng. Càphê Tây cũng đâu phải nguyên chất, họ độn, nhưng độn thứ khác. Thích nghi văn hoá mà! Càphê Sài Gòn không độn bắp rang làm sao có độ sánh, càphê đá mà lỏng le coi sao được. Càphê không thêm cau rang làm sao đủ đắng mà ngẫm chuyện đời. Càphê đá làm gì có chuyện hương thơm thoang thoảng nếu không tẩm chút rượu. Rồi cũng phải mắm muối chút đỉnh cho đậm đà… Những thứ lằng nhằng này coi như là… phụ gia, chứ “chính gia” vẫn phải là càphê rang sao cho tới tới… Bí quyết ngon dở là ở chỗ đó.
Description: Kiểu cà phê ve chai ở Sài Gòn. Ảnh: Trần Việt Đức.
Kiểu cà phê ve chai ở Sài Gòn. Ảnh: Trần Việt Đức.
Rồi theo thời thế, mọi thứ đổi đời. Phụ gia trở thành chính gia, chính gia thành phụ gia. Đổi đời thêm cú nữa, càphê biến luôn, chỉ còn đậu nành và hoá chất. Muốn đắng có ký ninh, hạt mắt rồng, dexamethasone. Muốn sánh có a dao gelatin. Muốn đen có nước màu caramel. Hương càphê thì vô vàn nhớ không hết. Muốn bọt? Đã có lauryl sulfate (tạo bọt xà phòng). Làm gì còn “càphê kiểu Sài Gòn” hở thằng bạn Tây da vàng kia, thèm lauryl sulfate hay sao mà ngồi đó làu bàu.
Thiệt ra, càphê Sài Gòn vẫn còn, vẫn có vẻ đẹp của riêng nó – vẻ đẹp của ký ức.
Càphê lề đường làm gì có âm nhạc, chỉ có âm thanh đường phố, tiếng rao hàng, tiếng còi xe, và cái “mát rượi” riêng tư. Càphê nghe nhạc phải vào quán đèn mờ, máy Akai băng cối, những bản tình ca diễm lệ, tiếng hát cao sang Lệ Thu, Khánh Ly… Thời cuộc hơn, thì nghe ca khúc da vàng, đại bác ru đêm, người chết hai lần… Bè bạn về phép (có khi chúng liều mạng “nhảy dù” cũng không chừng) lại kéo nhau ra quán nhậu. Nhậu đã rồi tới quán càphê Chiêu trên đường Cao Thắng. Ở quán nhậu thì tranh nhau nói, tới quán càphê, chẳng thằng nào buồn nói. Càphê và khói thuốc. Càphê nhỏ giọt. Giọt có buồn không? Mờ quá không thấy giọt, nhưng nỗi buồn thì thấy.
Dạo sau này tôi đổ đốn khoái nhạc sến, từ khoái tới mê chỉ là gang tấc. Giác ngộ tiệm tiến qua nhiều ngõ khác nhau. Một trong những ngõ đó là nhạc kẹo kéo. Xe kẹo kéo chiều chiều đẩy ngang nhà, mở to những bản nhạc sến một thời. Chưa hát nhạc sến bao giờ, mà sao trong đầu lại hát theo. Thời gian chưa đủ nghe hết bản nhạc thì tiếng hát đã xa dần, và cái đầu lại lẩm bẩm hát tiếp, thuộc lời nhạc sến từ thuở nào chẳng hay. Cù cưa với ký ức kiểu này thì con đường tới bến giác mê cũng chẳng bao xa.
Một ngõ giác ngộ khác, khi tiếng lòng lời ca bỗng nhiên gặp nhau. Cách nay 7 – 8 năm gì đó, tôi ra Hà Nội có chuyện, nhân tiện ghé quê ngoại. Mẹ tôi bệnh nằm một chỗ, hớn hở dặn dò, con về phải ghé người này trước, thăm người nọ sau, nói mẹ biếu người này cái này, người kia cái kia… Quê mẹ tôi ở làng Chử Xá, mảnh đất của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nửa tiên nửa tục, nên có máu lãng tử, nhảy cóc qua đời mẹ tôi, tới tôi thành gen trội. Trước hôm đi, bè bạn kéo nhau ra Hóc Môn nhậu gà hấp hèm. Đất ven đô hồi đó còn hơi vắng, nhưng cũng đã lên vàng, chẳng vàng 4 số 9, thì cũng 9 số 4, hơi hướm “văn minh” đã len tới. Dàn nhạc lưu động, cũng bass treble ra trò, đến trước quán vừa bán kẹo, vừa mượn nhạc đệm karaoke chơi nhạc sống. Ca sĩ toàn mấy em pêđê, ở đâu mà ra nhiều thế! Bản Sương trắng miền quê ngoại nghe nhiều rồi, hôm đó nghe lại thấm. “Một mai con về quê ngoại chơi, để mẹ nhắn lời thăm….” Trời ơi, giọng mấy em pêđê mà ẻo thì tới mức tận cùng sến… rện. Càng nghe càng thấm.
Đất Sài Gòn tìm đâu ra càphê nhạc sến. Dù càphê ở những quán deluxe không quá tệ như càphê đậu nành, nhưng chắc chắn không phải là “càphê Sài Gòn”. Càphê gì mà đen thui đặc sệt, chỉ là một kiểu càphê bá đạo có bản quyền. Nhạc thì ầm ầm DJ uốn éo, khổ cho cái đầu già cổ lỗ sĩ. Cũng có quán chơi nhạc trữ tình, nhạc của một thời, nhưng nhìn cách bài trí của quán, tôi đã cảm thấy kiểu “một thời” đó là cái mà mình muốn quên. Như lúc này, tôi không còn muốn nghe ca khúc da vàng nữa. Nghe mà ngượng, thì nghe làm gì?
Vài năm trở lại đây, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn, tôi vẫn hay ghé xe càphê đường Nguyễn Minh Chiếu chỉ để nghe nhạc sến, chẳng phải đến từ dàn Onkyo loa Bose, mà từ cái máy cassette nhỏ xíu rù rì trong hẻm. Ngồi cả giờ đồng hồ, đến khi rời quán mà ly càphê vẫn còn quá nửa, đá tan loãng hết rồi. Dĩ vãng vay mượn càphê, để cái vẻ bụi bặm của quán, và nhạc sến dẫn tôi về miền ký ức. Tiếng đại bác đâu còn ru đêm nữa, nó như dội ngược vào lòng. Nhiều bản nhạc từ hồi xửa hồi xưa, giờ nghe lại, rồi lẩm nhẩm hát theo mà chạnh lòng, “… Tiếng còi đêm lướt mau, đoàn tàu đi về mãi, mà bạn thân tôi nơi đâu…” Thấy tiếc và nhớ. Nhớ ngẩn người!
Vũ Thế Thành