mardi 8 septembre 2020

Be Resilient - Hãy Kiên Cường Lên

 Một đồng nghiệp của tôi vừa tự tử. Làm tôi nhớ đến từ “resilience”.


“Resilience” là từ tôi bổ sung vào tự điển cá nhân khi vừa bước chân sang Mỹ. Nghĩa của nó là “sự kiên cường”. Nó đến với tôi khi tôi đang trải qua một trong những khoảnh khắc khốn khổ nhất của đời mình. Chồng tôi xuất huyết não, phải giải phẫu não chín giờ đồng hồ vì nếu không, anh có thể chết trong 24 tiếng. Tôi phải ký giấy chấp nhận rủi ro anh có thể ra đi nếu phẫu thuật không thành công. Cầm một xấp giấy mấy chục trang hứa hẹn không kiện cáo bệnh viện nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra, tôi khóc ròng. Năm đầu tiên ở Mỹ chúng tôi không ở gần bất cứ một người thân nào, và không có bất kỳ ai để bám víu nương tựa.



Một bà y tá da đen đi ngang, thấy tôi đứng như trời trồng, bà hiền từ nắm tay tôi và nói “kiên cường lên, không sao đâu con gái”, sau khi tôi theo xe đẩy anh xuống phòng phẫu thuật và bị yêu cầu “chị hãy đợi ở đây”. Tôi khóc ướt hết bờ vai bà. Sau này, những khi bị mất việc, khi bị tin xấu hay những cú sốc nặng nề hơn tôi vẫn nhớ giây phút đó, nhớ bà y tá già hiền hậu ôm tôi và nói “Be resilient” (kiên cường lên con gái).

Hôm xưa tôi có xem một video do một cô tiến sĩ tâm lý học người New Zealand về cách giải quyết những khủng hoảng cuộc đời. Cô kể sau khi học thạc sĩ ở Mỹ, cô quay về New Zealand làm tiến sĩ về “cách giải quyết khủng hoảng cá nhân”. Cô tự tin cho rằng cô biết hết mọi thứ về sự kiên cường, cho đến khi con gái 12 tuổi của cô đi chơi cùng bạn thân. Mẹ bạn, bạn và cô bé cả ba bị một chiếc xe chạy vượt đèn đỏ tông chết tại chỗ. Cô nói lúc đó cô mới hiểu đau khổ là gì, chịu đựng là gì.

Cô nêu lên ba cách để người ta kiên cường hơn, khi bị mất job, khi người thương qua đời, khi bị sẩy thai, khi nhà cháy, lũ lụt... khi bị lừa tiền/ tình, khi nghe tin mình/ người thân mình bị bệnh nan y.

Bước 1: Chấp nhận đời là vô thường. Những điều đẹp đẽ sẽ không là bất biến. Shit happens - chuyện gì cũng có thể xảy ra hết. Những hình ảnh hoàn hảo người ta chia sẻ trên mạng xã hội làm loài người mong đợi đời phải đẹp như mơ. Thực ra đời không bao giờ như thế mãi mãi. Life is suffering. Cứ sống là phải chịu đựng. Đã là người, có ràng buộc thương ghét là có chịu đựng, dù có cố tránh né. Thay vì than trời trách đất “tại sao là con?”, hãy hỏi “tại sao không phải là con mà là người khác đang phải gánh điều đó?”.

Bước 2: Hãy nhìn quanh, săn tìm những điều tốt đẹp đang xảy ra với bạn. Hunt the good - đời luôn có xấu có tốt, vấn đề là mình tập trung năng lượng cho bên nào thôi. Cuối ngày ngồi yên nghĩ đến ba điều tích cực đẹp đẽ nhất đã xảy ra cho mình trong ngày, và biết ơn cuộc đời vì điều đó. Cô nghĩ đến đứa con gái xinh xắn 12 tuổi chết đột ngột nhưng cô cũng nghĩ bé ra đi thật nhanh, không hề đau đớn, và cô còn hai thằng con 7-8t đang rất sốc, cần bố mẹ. Giữa chết và sống, hãy chọn sự sống. Choose life, not death.

Bước 3: Lúc khổ đau cùng cực, hãy tự hỏi bản thân câu này “cái mình làm bây giờ lúc này đang giúp mình, hay đang hại mình?” Như cô tiến sĩ tâm lý đó, cô tự hỏi mình có muốn ra toà giáp mặt kẻ tông chết con mình hay là sẽ chọn gặp anh ta sau này? Như lúc bị mất job, thay vì nghĩ đến thu nhập bị mất, gia đình sẽ không có tiền sống, bạn nghĩ “mình cứ khổ sở, dằn vặt thế này thế nọ, là tốt cho mình hay tệ cho mình?”; có thể bạn cần nghĩ “hay là mình từ từ tìm job khác, tập trung rải truyền đơn ít nhất ngày một cái? Mình sẽ chấp nhận đi cày xa nhà hơn một tí, miễn là có thể có đồ ăn cho con, miễn sao có food on the table”.

Hôm nay tôi nghe tin một chị bạn người Mễ Tây Cơ trong công ty tự tử không thành công vì công ty tôi mới ra quyết định lay off thêm 50 người nữa (do covid), tôi chợt nhớ đến từ “kiên cường” này. Những lúc khốn cùng nhất của cuộc đời, bạn hãy tự nói với mình "Be resilient", “Be resilient.” Kiên cường lên. Hãy kiên cường lên. Đừng để mình bị đời nuốt chửng!

LÂM VÂN AN

05-09-2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire