Affichage des articles dont le libellé est Ảnh Hưởng Của Những Biến Chuyển Lịch Sử Đến Văn Học Việt Nam Thời Cận Đại. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Ảnh Hưởng Của Những Biến Chuyển Lịch Sử Đến Văn Học Việt Nam Thời Cận Đại. Afficher tous les articles

dimanche 11 août 2013

Ảnh Hưởng Của Những Biến Chuyển Lịch Sử Đến Văn Học Việt Nam Thời Cận Đại


Cụ Trương Vĩnh Ký


Ảnh Hưởng Của Những Biến Chuyển Lịch Sử Đến Văn Học Việt Nam Thời Cận Đại

Trình bày tại Viện Việt Học, California, 13-7-2013)

Bài nầy chỉ nhắm trình bày ảnh hưởng của những biến chuyển lịch sử đến văn học Việt Nam trong bối cảnh mở rộng bang giao quốc tế thời cận đại, chứ không đi vào giai đoạn toàn cầu hóa kinh tế chỉ mới diễn ra vào khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ vừa qua khi nhiều nước bãi bỏ hàng rào quan thuế để việc trao đổi kinh tế được rộng rãi, dễ dàng; và bài nầy cũng không đi vào phần văn chương của đề tài.

1.- VIỆT NAM MỞ RỘNG BANG GIAO QUỐC TẾ
Trước thế kỷ 19, Việt Nam chỉ giao thiệp với Trung Hoa và một số nước ĐNÁ. Từ các vua đầu nhà Nguyễn, tức từ năm 1802 trở đi, Việt Nam bắt đầu liên lạc thêm với vài nước phương Tây. Lúc đó, tại Âu Châu, do sự phát kiến máy chạy bằng hơi nước trong cuộc cách mạng kỹ nghệ, phương tiện giao thông phát triển, các nước Âu Châu bắt đầu mở cuộc tìm kiếm thuộc địa khắp thế giới.

Trong khi Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan tìm đến các nước Á Châu khác, Pháp đến đánh Việt Nam từ năm 1858, chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ năm 1862, ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ năm 1867, buộc Việt Nam phải nhượng toàn bộ Nam Kỳ cho Pháp làm thuộc địa năm 1874, rồi đặt nền bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam năm 1884. Điều 1 hòa ước 1884 buộc Việt Nam phải lệ thuộc Pháp về ngoại giao. Lúc đó, Pháp là một cường quốc, bang giao rộng rãi với nhiều nước trên thế giới, nên qua nước Pháp, Việt Nam bắt đầu giao thiệp thêm với nhiều nước ngoài vùng Đông Nam Á.  Từ đó, nền bang giao quốc tế của Việt Nam càng ngày càng rộng mở cho đến ngày nay.

2.- THAY ĐỔI CHỮ VIẾT VÀ GIÁO DỤC

Sự bảo hộ của người Pháp đưa đến nhiều thay đổi quan trọng về tất cả các mặt trong đời sống của người Việt. Về văn hóa, quan trọng nhất là sự thay đổi chữ viết và hệ thống giáo dục. Người Việt nói tiếng Việt, nhưng từ thời Ngô Quyền lập quốc năm 939 cho đến thời nhà Nguyễn, các triều đại quân chủ dùng chữ Nho, tức chữ Hán và nói nôm na là chữ Tàu, làm chuyển ngữ trong hành chánh và giáo dục.

Khi Pháp bảo hộ, để đào tạo viên chức cho chế độ mới, nhà cầm quyền thực dân Pháp nghĩ ngay đến việc thay đổi hệ thống giáo dục và chữ viết của người Việt Nam.

a) Giai đoạn Pháp thăm dò (1861-1906):

Mẫu tự la-tinh và chữ quốc ngữ: Khi đến Đại Việt truyền đạo Thiên Chúa từ cuối thế kỷ 16, các giáo sĩ Tây phương cùng một số giáo dân Việt, dựa theo mẫu tự La-tinh, sáng chế ra một thứ chữ mới mà sau nầy được gọi là chữ quốc ngữ. Đầu năm 1861, Pháp chiếm ba tỉnh miền đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường). Phó đô đốc Léonard Charner, tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Viễn đông, ra nghị định ngày 21-9-1861, thành lập Collège Annamite-Français de Monseigneur l’Évêque d’Adran tại Sài Gòn, là trường thông ngôn dạy người Việt học chữ Pháp đồng thời dạy người Pháp học tiếng Việt bằng thứ chữ mới theo mẫu tự la-tinh. (John DeFrancis, Colonialism and Language Policy in Vietnam, New York: Moulton Publishers, 1977, tr. 76.)

Chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ: Sau hòa ước Giáp Tuất (18-3-1874), sáu tỉnh Nam Kỳ trở thành thuộc địa Pháp. Thống đốc Nam Kỳ là Louis Lafont, ban hành nghị định ngày 6-4-1878, theo đó kể từ 1-1-1882, ở Nam Kỳ, tất cả các giấy tờ như công văn, nghị định, quyết định, bản án, lệnh… đều viết bằng mẫu tự la-tinh, tức chữ Pháp hay quốc ngữ, chứ không còn viết bằng chữ Nho. Cũng từ 1-1-1882, ở Nam Kỳ chỉ những người biết quốc ngữ mới được tuyển dụng vào các cơ quan hành chánh cấp phủ, huyện, tổng. (Alfred Schreiner, Abrégé de l’histoire d’Annam, Deuxième édition, Sai Gòn: 1906, tr. 340.) Điều nầy có nghĩa là bên cạnh chữ Pháp, quốc ngữ chính thức trở thành chuyển ngữ của dân chúng Nam Kỳ, và chữ Nho không còn được sử dụng ở Nam Kỳ.

Chữ quốc ngữ ở Trung và Bắc Kỳ: Pháp bảo hộ Trung và Bắc Kỳ bằng hòa ước Giáp Thân (6-6-1884). Lúc đầu Pháp duy trì nền giáo dục Nho học để tránh va chạm với quan lại triều đình Huế mà đại đa số xuất thân khoa bảng Nho học. Năm 1887, Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, bắt đầu mở những trường dạy tiếng Pháp, trong khi vẫn để cho triều đình Việt Nam tiếp tục mở những khoa thi Nho học (thi Hương và thi Hội).

b) Tiến trình thay đổi giáo dục và thi cử (1906-1918):

Học chế 14-9-1906: Sau thời gian thăm dò, Pháp bắt đầu tổ chức giáo dục Pháp Việt. Quyền toàn quyền Đông Dương là Broni ban hành học chế ngày 14-9-1906 quy định các trường học Việt Nam gồm ba cấp ấu học, tiểu học và trung học, đều có dạy quốc ngữ. Ai đậu kỳ thi cuối khóa cấp trung học, được gọi là thí sinh và sẽ được dự kỳ thi hương. (Louis Cury, La société annamite, les lettrés – les mandarins – le peuple (Thèse pour le doctorat), Paris: Jouve et Cie, Éditeurs, 1910, tt. 24-33. (Nghị định do quyền toàn quyền Broni ký ngày 14-9-1906.)

Vận động cải cách của các nhà khoa bảng Việt: Trong khi đó, các nhà khoa bảng cựu học cấp tiến vào đầu thế kỷ 20 do Phan Châu Trinh khởi xướng, mở phong trào Duy tân, vận động cải cách văn hóa, chính trị trên toàn quốc, kêu gọi bãi bỏ Nho học, cổ xúy việc học quốc ngữ để nâng cao dân trí, vì một lý do đơn giản: quốc ngữ dễ học, dễ viết, dễ phổ cập hơn chữ Nho. Các ông vận động mở trường dạy quốc ngữ khắp nước, rầm rộ nhất là ở Quảng Nam (1905), Bình Thuận (trường Dục Thanh, 1907) và Hà Nội (Đông Kinh Nghĩa Thục, 1907).

Học chánh tổng quy, bãi bỏ các kỳ thi Nho học: Từ năm 1909, quốc ngữ được đưa vào chương trình thi hương trên toàn Trung và Bắc Kỳ. Khi đến Đông Dương làm toàn quyền lần thứ hai từ năm 1917, Albert Sarraut ra nghị định 21-12-1917 về “Quy chế chung về ngành giáo dục công cộng ở Đông Dương” (Règlement général de l’instruction publique en Indochine), thường được gọi là “Học chánh tổng quy”, áp dụng cho toàn cõi Đông Dương để thay thế cho học chế Broni. Đặc biệt, phần cuối tổng quy nầy định rằng các trường chữ Nho của tư nhân hay của triều đình Huế, kể cả quốc tử giám, đều được xếp vào loại trường tư và phải tuân theo quy chế của chính quyền Pháp. (Dương Kinh Quốc, Việt Nam: Những sự kiện lịch sử (1858-1918), Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 1999, tt. 375-378.)

Sau “Học chánh tổng quy” năm 1917, thi hương bị bãi bỏ ngay ở Bắc Kỳ. Ở Trung Kỳ còn kỳ thi Hương năm 1918, rồi chấm dứt luôn. Như thế là nền giáo dục Nho học hoàn toàn bị dẹp bỏ. Ở đây xin ghi nhận công ơn của sử gia Trần Trọng Kim. Khi Pháp thay đổi chữ viết và hệ thống giáo dục Việt Nam, Pháp âm mưu cắt đứt truyền thống dân tộc Việt, đào tạo các thế hệ thanh thiếu niên mới không biết chữ Nho, nên không thể đọc và học lịch sử đất nước vốn viết bằng chữ Nho. Sử gia Trần Trọng Kim đã có công soạn ngay bộ Việt Nam sử lược bằng quốc ngữ và ấn hành lần đầu năm 1920 tại Hà Nội (tức là ngay sau khi học chánh tổng quy của Albert Sarraut bãi bỏ Nho học), giúp cho lớp thanh thiếu niên mới, chỉ biết chữ Pháp và quốc ngữ mà không biết chữ Nho, có thể tiếp tục học lịch sử Việt Nam.

3.- ẢNH HƯỞNG VỀ ĐỀ TÀI VĂN HỌC

Đề tài yêu nước, tranh đấu: Văn chương chữ Hán cũng như văn chương chữ Nôm dưới thời nhà Nguyễn khá thịnh hành, thường xoay quanh đề tài ngâm vịnh, tả cảnh, tả tình nhẹ nhàng nhằm mục đích giải trí. Khi Pháp đánh chiếm và bảo hộ Việt Nam, sĩ phu chuyển hướng qua đề tài yêu nước và tranh đấu chống Pháp, bắt đầu từ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), qua thế hệ Phan Châu Trinh (1872-1926), Trần Quý Cáp (1870-1908), Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), các tác giả trong Đông Kinh Nghĩa Thục và kéo dài đến năm 1945.

Văn chương lãng mạn: Cùng với sự du nhập văn hóa Pháp, các nền triết học, chính trị, văn học, nghệ thuật tây phương cũng tràn vào Việt Nam, tạo thành nguồn cảm hứng cho những đề tài mới mẻ. Lúc đầu nổi bật nhất là khuynh hướng văn chương tình cảm, lãng mạn và xã hội, từ Truyện thầy Lazaro Phiền của P. J. B. Nguyễn Trọng Quản do nhà xuất bản J. Linage ấn hành năm 1887 tại Sài Gòn, nghĩa là đúng 30 năm trước khi Nho học bị bãi bỏ theo học chế tổng quy của Albert Sarraut (1917).

Sau đó đến các tác giả Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, các tác giả Tự Lực Văn Đoàn… Ngoài truyện ngắn, tiểu thuyết, phong trào thơ lãng mạn rất thịnh hành một thời, xuất hiện nhiều thi sĩ danh tiếng mà hầu như ai cũng biết.

Chủ nghĩa cộng sản, tranh đấu giai cấp: Đảng Cộng Sản Đông Dương được thành lập năm 1930. Từ đây, CS cổ xúy đề tài về chủ nghĩa CS, về tranh đấu giai cấp. Trong cuộc họp ban Thường vụ trung ương đảng CSĐD từ 25 đến 28-3-1943, tổng bí thư Trường Chinh đưa ra “Đề cương văn hóa Việt Nam”, đặt văn nghệ phục vụ chính trị.

Năm 1949, Mao Trạch Đông và đảng Cộng Sản Trung Quốc chiếm được lục địa Trung Hoa. Đầu năm 1950, Hồ Chí Minh qua Trung Quốc và Liên Xô xin viện trợ. Nhờ sự giúp đỡ của CSTQ, Việt Minh chiến thắng ở Đồng Khê ngày 16-9-1950, vừa củng cố thế lực Việt Minh, vừa mở cửa biên giới sang Trung Quốc. Tư đây, CSVN rập khuôn theo đường lối văn nghệ của CSTQ, mở cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân, thanh lọc hàng ngũ đảng CS.

Nếu trước đó, cho đến năm 1950, trong chiến khu Việt Minh, người ta còn nghe hát những bản nhạc lãng mạn như “Suối mơ”, “Thiên Thai”, thì sau đó trí thức văn nghệ sĩ phải dứt khoát theo chủ nghĩa cộng sản Từ đây, đề tài văn chương tại vùng CS hoàn toàn chuyển hướng qua đấu tranh giai cấp, ca tụng chủ nghĩa CS, lãnh tụ CS Việt Nam và thế giới  (Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập 2, Quyền bính, bản điện tử, tiểu mục “Xiềng xích nhân văn”.)

Tiếp nối khuynh hướng lãng mạn: Cũng trong năm 1949, cựu hoàng Bảo Đại ký kết với tổng thống Pháp là Vincent Auriol hiệp định Élysée ngày 8-3-1949, thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam. Quốc Gia Việt Nam chuyển qua giai đoạn hậu thuộc địa, nền văn học lãng mạn thời Pháp thuộc tiếp tục kéo dài thêm một thời gian cho đến khi hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954.

4.- ẢNH HƯỞNG VỀ HÌNH THỨC VĂN HỌC
Chẳng những đề tài thay đổi theo những biến chuyển chính trị, mà hình thức văn chương Việt Nam cũng thay đổi theo thời cuộc.

Tiểu thuyết văn xuôi: Thời nhà Nguyễn, tiểu thuyết thường được viết bằng văn vần, thể lục bát hay song thất lục bát (Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc…). Qua thời Pháp thuộc, tiểu thuyết được viết bằng văn xuôi như người Pháp, mở đầu bằng Truyện thầy Lazaro Phiền của P. J. B. Nguyễn Trọng Quản năm 1887 (đã viết ở trên).

Truyện ngắn và truyện dài càng ngày càng nhiều ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn. Nhiều nhà văn bắt đầu dịch các truyện Tàu, sau đến dịch các truyện Pháp và truyện của các nước khác qua bản Pháp ngữ như truyện Nga, Mỹ, Đức… Bên cạnh truyện dịch còn có các truyện phóng tác theo các truyện Tây phương nhưng dựa trên khung cảnh xã hội Việt Nam.

Thơ mới: Trước đây, các thi sĩ cổ điển làm thơ Đường theo thể 8 câu 7 chữ, thơ 5 chữ (ngũ phong) và phú. Thơ Đường luật (8 câu 7 chữ) phải tuân niêm luật đối câu, đối chữ, đối nghĩa rất khó khăn, càng ngày càng ít người sử dụng. Thơ lục bát và song thất lục bát là hai thể thơ gốc từ người Việt, vẫn còn được sử dụng. Vào đầu thập niên 30, xuất hiện thể thơ mới. Bài “Tình già” của Phan Khôi (1887-1959) trên báo Phong Hóa (Hà Nội) ngày 24 janvier 1933 có thể là bài mở đầu cho phong trào thơ mới và thơ tự do rất phóng khoáng, không theo khuôn khổ thơ nhất định.

Các sinh hoạt văn học khác: Một hình thức văn học hoàn toàn mới mẻ với người Việt Nam là ngành báo chí, hết sức phong phú. Tờ báo tiếng Việt đầu tiên bằng thứ chữ mới là tờ Gia Định Báo, ra số đầu ngày 15-4-1865. (Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 [tái bản, hiệu đính và bổ sung], Nxb. TpHCM, 2000, tt. 55-59.) Báo chí phát triển nhanh chóng nhờ kỹ nghệ in càng ngày càng tân tiến và phổ thông. Ngoài ra, còn có những bài tùy bút (ngày nay gọi là bút ký), phê bình văn học, bình luận chính trị, bút chiến rất sôi động.

5.- ẢNH HƯỞNG CỦA HIỆP ĐỊNH GENÈVE: HAI DÒNG VĂN HỌC

Một biến cố biến cố lịch sử lớn ảnh hưởng đến văn học Việt Nam là hiệp định Genève ngày 20-7-1954, chia hai nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17.

Văn học ở Bắc Việt Nam: Dưới chế độ mới của cộng sản ở phía bắc vĩ tuyến 17 sau năm 1954, các văn nghệ sĩ Bắc Việt Nam (BVN) bị bắt buộc phải theo sát giáo điều Mác xít và đường lối chính sách của nhà nước, đến nỗi có người đã phát biểu: “Hai năm hòa bình, chúng ta thấy nhiều nhà văn (trước kia) có tài, (ngày nay) bị buộc chặt vào địa vị, bằng những sợi lụa có tẩm độc. Tác phẩm của họ (ngày nay) chỉ là chỉ thị, kế hoạch, công văn, thông cáo…” (Phát biểu của thi sĩ Hoàng Huế gởi Đại hội Văn nghệ Toàn quốc, đăng trên Giai Phẩm Mùa Xuân, Hà Nội, 1956.  Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Sài Gòn: Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa, 1959, tt. 11-12.)

Nhiệm vụ mới của giới văn nghệ sĩ được Trường Chinh, uỷ viên Bộ chính trị đảng Lao Động (hậu thân của đảng CSĐD), Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 7-7-1960), quy định trong bài “Tăng cường tính đảng, đi sâu vào cuộc sống mới để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa” đọc trước Đại hội Văn nghệ Bắc Việt năm 1962: “Văn nghệ sĩ phải thừa nhận rằng văn nghệ phục vụ chính trị, phục vụ đường lối chính sách của đảng. Văn nghệ sĩ phải trung thành với lý tưởng cộng sản và đấu tranh không mệt mỏi cho chủ nghĩa xã hội. Văn nghệ sĩ bằng hoạt động văn nghệ và hoạt động xã hội của mình cần luôn luôn phấn đấu để tăng cường sự lãnh đạo của đảng, củng cố lòng tin của quần chúng đối với đảng, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin…” (Thân Trọng Mẫn: “Từ phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đến Cao trào văn nghệ phản kháng 1986-1989, trong tuyển tập nhiều tác giả Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, California: Nxb. Lê Trần, 1990, tr. 24.)

Vì vậy văn học BVN từ 1954 đến 1975 chỉ sôi động giai đoạn từ 1954 đến 1956 khi các văn nghệ sĩ vận động đòi quyền tự do sáng tác và yêu cầu đảng CS, lúc đó có tên là đảng Lao Động (LĐ) đừng can thiệp công việc sáng tác của họ. Đảng LĐ liền thanh trừng, đàn áp, bắt bớ, tù đày những văn nghệ sĩ nầy, tạo ra vụ án “Nhân văn và Giai phẩm”. Văn nghệ sĩ BVN trở thành những văn công của đảng, phục vụ công cuộc cai trị độc tài và nhất là cuộc xâm lăng miền Nam từ năm 1960. Từ đó, văn học BVN “chỉ là chỉ thị, kế hoạch, công văn, thông cáo…” đúng như thi sĩ Hoàng Huế đã phát biểu.

Văn học Nam Việt Nam: Nếu BVN hoàn toàn bưng bít, thì ngược lại, Nam Việt Nam (NVN) chủ trương tự do tư tưởng, tự do sáng tác, mở cửa đón nhận tất cả các luồng văn hóa mới từ nhiều nước khác nhau. Ngoài văn hóa Pháp và Âu Châu, nền văn hóa Hoa Kỳ tràn vào NVN khi người Mỹ càng ngày càng đông đảo ở NVN và sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ du học.

Chẳng những văn học mà cả âm nhạc và điện ảnh Hoa Kỳ ảnh hưởng mạnh đến giới trẻ Việt Nam.

Điểm đặc biệt là dù NVN phải chống trả cuộc xâm lăng của BVN, văn nghệ sĩ NVN được tự do sáng tác nên nền văn học nghệ thuật NVN rất phong phú, đa dạng. Bên cạnh những tác phẩm chiến đấu, lại xuất hiện nhiều văn thơ và nhất là ca nhạc thở than uỷ mỵ. Từ sự uỷ mỵ nầy, nhiều tác phẩm phản chiến xuất hiện, làm xói mòn và sa sút rất nhiều tinh thần chiến đấu của chiến sĩ ngoài tiền tuyến.

Tự do sáng tác tạo nên một khác biệt lớn lao giữa chế độ miền Nam tự do dân chủ với chế độ miền Bắc cộng sản độc tài. Đây là một ưu điểm của NVN, nhưng đồng thời cũng là một nhược điểm của NVN vì BVN không bỏ qua cơ hội lợi dụng quyền tự do sáng tác để gây suy nhược tinh thần chiến sĩ, làm rối loạn và băng hoại xã hội miền Nam.

6.- ẢNH HƯỞNG CỦA HIỆP ĐỊNH PARIS: VĂN HỌC HẢI NGOẠI

Sau hiệp định Paris ngày 27-1-1973, Hoa Kỳ rút quân khỏi NVN và ngưng viện trợ cho NVN. Nam Việt Nam một mình tiếp tục chiến đấu chống cuộc xâm lăng của BVN. Trong khi đó, BVN vẫn được Liên Xô và Trung Cộng viện trợ đầy đủ, và còn viện trợ gấp 4 lần so với trước hiệp định Paris. Cuối cùng NVN thất bại ngày 30-4-1975. Cộng sản BVN chiếm được toàn thể lãnh thổ Việt Nam.

Ở trong nước sau năm 1975, văn nghệ sĩ bị gò bó theo giáo điều CS, chỉ được ca tụng thành quả của đảng CS, ca tụng những gương anh hùng xã hội chủ nghĩa, đả kích những người vượt biên là những người phản quốc… Đảng CSVN kiểm soát rất chặt chẽ các sinh hoạt văn hóa, sáng tác.

Sau ngày 30-4-1975, nhiều người bỏ nước ra đi tìm tự do và định cử ở nước ngoài. Người Việt nước ngoài càng ngày càng đông, hoàn toàn tự do sáng tác đủ loại đề tài. Càng ngày đề tài của văn nghệ sĩ hải ngoại càng mở rộng, đa dạng. Nhờ tự do dân chủ, nhờ điều kiện học hành thoải mái, người Việt ở hải ngoại có thể sáng tác, nghiên cứu tất cả các đề tài văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội mà không bị cấm đoán. Có nhiều người viết tiếng Anh hay tiếng Pháp tùy theo địa phương cư trú. Tính theo tỷ lệ dân số, số lượng tác phẩm xuất hiện ở hải ngoại rất dồi dào so với tác phẩm ở trong nước.

Nhà nước CS cho rằng nền văn học hải ngoại là nền văn học phản động, lưu vong, mất gốc, nhưng thực tế cho thấy nền văn học Việt Nam hải ngoại tiếp nối nền văn học NVN hay Việt Nam Cộng Hòa, dựa trên căn bản truyền thống dân tộc cổ truyền, trong khi người Việt tiếp thu thêm những tinh hoa văn hóa nước ngoài khi đến định cư tại các nước trên thế giới. Trong tương lai, một khi chế độ cộng sản bị giải thể, chắc chắn nền văn học nghệ thuật hải ngoại sẽ hồi hương và sẽ là nền tảng thúc đẩy nền văn học nghệ thuật trong nước phát triển trở lại.

7.- ẢNH HƯỞNG CỦA COMPUTER VÀ INTERNET

Khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ vừa qua, sự phát triển của computer và Internet là một biến cố lịch sử trọng đại, có thể xem là cuộc cách mạng kỹ nghệ thế giới lần thứ hai, làm thay đổi toàn bộ xã hội các nước trên thế giới, kể cả Việt Nam cộng sản.

Computer giúp việc học hỏi, nghiên cứu, sáng tác dễ dàng, nhanh chóng. Ngành computer hải ngoại phát triển mạnh và sớm hơn trong nước là một trong những lý do mà người Việt ở hải ngoại sáng tác nhiều hơn ở trong nước.

Sự bộc phát của computer đi kèm với sự bùng nổ của Internet, nhất là những trang web xuất hiện vào đầu thập niên 90. Tuy cố gắng ngăn cản, nhưng CS không thể chận đứng hoàn toàn Internet. Qua computer và internet, dân chúng trong nước có thể truy cập được những thông tin, sách báo ở hải ngoại mà lâu nay CSVN bưng bít, che đậy, giấu diếm. Nhờ đó, dân trí trong nước dần dần lên cao trở lại.

Trước đây, CSVN kiểm soát việc in ấn sách báo trên giấy rất chặt chẽ. Ngày nay, các văn nghệ sĩ trong nước chỉ cần phóng lên mạng thông tin toàn cầu sáng tác của mình, thì người Việt trong nước và trên khắp toàn cầu đọc ngay được dễ dàng. Điều nầy kích thích văn nghệ sĩ trong nước sáng tác mạnh mẽ hơn, và đề tài tự do đa dạng hơn, chứ không còn bị gò bó trong giáo điều CS.

Thêm nữa, các blog xuất hiện càng ngày càng nhiều, vừa giải trí, vừa thông tin, vừa giải bày tâm sự, vừa tranh đấu đòi hỏi tự do dân chủ một cách bất bạo động. Ai cũng có thể viết blog, ai cũng có thể mở facebook.

Một mặt CS xây dựng bức tường lửa, ngăn chận thông tin trên Internet, một mặt công an CS truy lùng, bắt giam, tù đày những người viết mà CS kết tội là phản động, nhưng sự xuất hiện của computer và Internet tạo hoàn cảnh thuận tiện cho “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” ở trong nước, và thúc đẩy nền văn học trong nước nhảy vọt đáng kể trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, khi nền kinh tế chỉ huy của CS suy sụp, đảng CS bắt buộc phải mở cửa, chuyển qua kinh tế thị trường tức kinh tế tự do để cứu nguy cho đảng CS. Từ đó Việt Nam dần dần tiến vào thị trường thế giới, dầu nhà nước CS vẫn “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khi Việt Nam mở cửa, các nước trên thế giới, nhất là các tổ chức theo dõi nhân quyền, đã can thiệp, giúp đỡ cho văn nghệ sĩ trong nước mạnh dạn đề cập đến nhiều đề tài mà lâu nay bị CS cấm kỵ.

8.- KẾT LUẬN
Lịch sử là quá khứ của con người. Văn học là sàn phẩm của con người. Lịch sử luôn luôn tác động đến văn học và ngược lại văn học phản ảnh những biến chuyển lịch sử. Những thay đổi lớn lao trong lịch sử Việt Nam từ 1884 cho đến nay làm cho văn học thay đổi mạnh mẽ đồng thời cũng được các tác phẩm văn học ghi lại dấu ấn khá rõ ràng.

Khi bị Pháp bảo hộ năm 1884, nền văn học bị ảnh hưởng tận gốc rễ do việc thay đổi chữ viết, hệ thống giáo dục và văn hóa. Người Pháp muốn cắt đứt truyền thống quá khứ để đào tạo một thế hệ trí thức mới, phục vụ chế độ Pháp thuộc. Nền văn học từ thời Pháp thuộc hoàn toàn khác biệt với nền văn học cổ điển, từ hình thức đến nội dung.

Sau thời Pháp thuộc, từ năm 1945 cho đến nay, lịch sử Việt Nam trải qua những thay đổi chính trị lớn lao nên văn học cũng trải qua những biến thái lớn lao về nội dung lẫn hình thức. Tuy nhiên, có thể do hoàn cảnh gò bó về chính trị ở trong nước, hoàn cảnh khó khăn khi mới lập nghiệp ở nước ngoài, nên chưa xuất hiện những tác phẩm văn chương khai thác hết những góc cạnh lịch sử Việt Nam vừa qua, tạo ra những tác phẩm vĩ đại như Cuốn theo chiều gió của Magaret Mitchell (Hoa Kỳ) hay Chiến tranh và hòa bình của Leon Tolstoi (Nga). Hy vọng, một khi đất nước thực sự tự do dân chủ, thanh bình thịnh trị, người Việt trong và ngoài nước bình tâm sáng tác, sẽ xuất hiện những tác phẩm văn chương lớn, phản chiếu lại toàn cảnh lịch sử đầy giông bão của đất nước chúng ta từ thế kỷ 19 cho đến ngày nay.

TRẦN GIA PHỤNG
(California, 13-7-2013)