Siêu thị 'không thu ngân' của Amazon
Khách đến Amazon Go lấy thứ gì họ muốn rồi bước đi mà không phải xếp hàng chờ thanh toán hay dùng tiền mặt.
Đại diện Amazon mới đây xác nhận với The Seattle Times sẽ mở thêm chi nhánh Amazon Go tại Chicago và San Francisco, Mỹ, nhưng chưa nêu thời gian cụ thể.
Sáng kiến siêu thị "không thu ngân" được đưa ra nhằm loại bỏ phiền toái từ việc phải xếp hàng thanh toán. Trước đó, siêu thị Amazon Go đầu tiên chính thức vận hành hồi tháng 1 ở thành phố Seattle, sau 5 năm phát triển và 14 tháng thử nghiệm bởi các nhân viên Amazon. Chi nhánh này nằm ở tầng trệt trụ sở Seattle của hãng bán lẻ trực tuyến và rộng khoảng 167 m2.
Điểm khác biệt của Amazon Go là quy trình tính tiền diễn ra tự động, nhờ hàng trăm camera theo sát cử chỉ của khách hàng.
Người mua chỉ việc lấy đồ và bước ra ngoài, hóa đơn tự cập nhật theo thay đổi hành vi của họ tại siêu thị và sau cùng được gửi đến tài khoản Amazon cá nhân. Không có nhân viên thu ngân, cũng không có chuyện phải xếp hàng đợi trả tiền.
Để sử dụng, trước hết khách hàng cần tải về ứng dụng Amazon Go và quét tại lối vào.
Bên trong siêu thị tự động Amazon Go được trang bị công nghệ "Cứ việc ra khỏi đây"
Amazon biết khách lấy gì khỏi kệ
Bất cứ khi nào khách hàng cầm lấy một sản phẩm hay đổi chúng tại Amazon Go, camera sẽ ghi lại hành vi đó.
Để dễ hình dung, công đoạn này tương tự cách giỏ hàng thương mại điện tử hoạt động: khi một sản phẩm được lấy khỏi giá hoặc trả lại, việc cộng vào hoặc trừ đi trong đơn hàng tổng tự động diễn ra. Ra khỏi cửa, người mua nhận hóa đơn cuối cùng trên tài khoản Amazon của họ.
Hàng hóa không gắn chip theo dõi mà camera thực hiện toàn bộ nhiệm vụ này. Để đảm bảo tính chính xác, các mặt hàng được đồng bộ. Chẳng hạn, Amazon Go không bày bán sản phẩm nhiều hình dạng và khối lượng khác nhau. Thay vào đó, chúng được phân cắt, cân và đóng gói một cách thống nhất.
Cửa hàng cung cấp các bữa ăn, thực phẩm làm sẵn như sandwich hay salad, cũng như đồ lặt vặt từ cà phê tới giấy vệ sinh. Khi khách hàng ghé qua, lựa chọn loại này hay chuyển sang loại khác, Amazon ghi lại dữ liệu về sở thích của họ.
Các mặt hàng được đồng bộ về hình dáng và cân nặng để Amazon Go tiện tính tiền tự động. Ảnh: Bloomberg.
|
Mưu tính trộm hàng tại Amazon Go thất bại
Công nghệ cảm biến camera độc quyền của Amazon có tên "Cứ việc ra khỏi đây", ám chỉ rằng hành động lấy hàng mà không trả tiền nằm trong tầm ngắm của họ.
Phóng viên công nghệ của tờ New York Times, Nick Wingfield, từng thử nghiệm trộm hàng và thất bại.
Anh kể: "Với sự cho phép từ Amazon, tôi 'giỡn' hệ thống camera bằng cách dùng túi bọc quanh lốc soda khi chúng còn trên giá, giấu dưới cánh tay và đi khỏi". Kết quả anh tiết lộ: "Amazon vẫn tính tiền tôi trong tài khoản".
Thông tin từ Bloomberg cho biết trong giai đoạn thử nghiệm, 3 nhân viên Amazon còn giả trang Pikachu để cố đánh lừa các thuật toán nhưng vô ích.
Hai vị trí cần đến con người: làm đồ ăn và rà soát khách mua rượu
Theo luật, Amazon Go vẫn phải kiểm tra giấy tờ người mua đồ uống có cồn, để đảm bảo họ đủ tuổi. Vì camera chưa làm được việc này, sẽ có một người ngồi tại khu vực rượu bia rà soát.
Mặc dù vậy, toàn bộ nhân viên thu ngân được thay thế bằng máy móc. Thu ngân là việc làm phổ biến thứ hai ở Mỹ, với khoảng 3,5 triệu nhân viên. Đó là lý do Công đoàn Lao động Thực phẩm và Thương mại Quốc tế đang ra sức phản đối bách hóa kiểu này.
Nhân viên Amazon Go (áo da cam) hỗ trợ khách và rà soát người mua rượu. Ảnh: Bloomberg.
|
Sức chứa chỉ 97 người, đã bao gồm nhân viên
Không có người tính tiền nhưng Amazon Go không thiếu nhân công khác. Từ nhân viên hỗ trợ khách, người bốc vác tới đội ngũ chuẩn bị thực phẩm, đều nằm trong giới hạn 97 con người có thể xuất hiện cùng lúc trong siêu thị, theo USA Today.
Mục tiêu chính Amazon Go hướng đến là sự tiện lợi, xóa bỏ mệt mỏi khi phải "nối đuôi" nhau chờ thanh toán. Trớ trêu thay, vì sức chứa có hạn, người ta lại chứng kiến khách xếp hàng bên ngoài bách hóa này trong ngày khai trương tại Seattle.
Được hoàn tiền nếu hệ thống mắc lỗi
Theo chia sẻ của Phó chủ tịch Amazon Go, Gianna Puerini, với The Seattle Times, hóa đơn được cung cấp qua ứng dụng Amazon Go, người dùng chỉ việc vuốt trên điện thoại để khấu trừ khoản tiền bị tính sai mà không phải quay lại cửa hàng.
Hiện Amazon còn kín tiếng về kế hoạch tiếp theo cho công nghệ "Cứ việc ra khỏi đây". Chưa có thông báo nào về khả năng công nghệ này được áp dụng cho Whole Foods, chuỗi siêu thị nông sản hữu cơ Amazon thâu tóm năm ngoái trong thương vụ khổng lồ 13,7 tỷ USD; hay liệu hãng có nhượng quyền sử dụng nó cho những nhà bán lẻ khác.
Quốc Việt
Theo Entrepreneur
Theo Entrepreneur