Ngày mai không còn thấy nhau
Lê Ngọc Anh
June 4, 2019
Lúc còn trẻ tôi thường được nghe nói: "Khi về già, người ta thường nhớ chuyện cũ và chuyện ngày xưa.” (Hình minh họa: Jean-Philippe Ksiazek/AFP/Getty Images)
LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: ngoclan@nguoi-viet.com
Buổi sáng thức dậy, tôi pha cho mình một tách trà xanh đầu ngày. Hương trà cho tôi cảm giác sảng khoái khi đứng bên cửa sổ chan hòa ánh nắng. Trước mắt tôi là dãy núi chập chùng và nhìn xuống dưới đường là hai hàng cây hoa vàng rực rỡ. Thân cây to như cây phượng vĩ, nhưng những nhành lá và hoa thì mong manh, chúng như đang lả lơi với gió. Con đường ngập hoa vàng; màu hoa vàng đem tôi trở về ký ức của một thời tuổi trẻ, nơi chốn xưa có núi có rừng và có những đóa hoa dã qùy vàng đẹp đẽ.
Nơi tôi đang ở là một vùng sa mạc của Nam California: nắng, nóng, và gió. Sáng nay là một ngày nắng đẹp, chỉ một rặng núi và hai hàng cây hoa vàng vẫn có thể làm cho tôi xúc động nhớ về một thời tuổi trẻ của mình ở Pleiku. Chợt thoảng thốt giật mình tự hỏi mình còn bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, và bao nhiêu ngày để uống một tách trà nóng và còn có dịp được gặp gỡ thầy cô cùng với bạn bè.
Lúc còn trẻ tôi thường được nghe nói: “Khi về già, người ta thường nhớ chuyện cũ và chuyện ngày xưa.” Mình không hiểu tại sao và thắc mắc: “Người ta nghĩ để hối tiếc hay là hoài niệm với muôn vàn cảm xúc?” Bây giờ mình cũng ở trong tình trạng đó, những gì thuộc về quá khứ đôi khi còn làm mình rõ hơn hiện tại. Ai còn? Ai mất?
Sau một lần họp mặt lại thấy vắng đi một vài khuôn mặt. May mắn là ốm đau, bệnh tật còn ít buồn hơn là từ giã cõi tạm để đi về một nơi xa lắm, một nơi rồi ai cũng phải đến mà chẳng phải hẹn nhau. Tôi tự thầm hỏi: “Chừng nào tới phiên mình đây? Sẽ có những ai đi đưa tiễn mình nhỉ, những ai sẽ nhỏ cho mình những giọt nước mắt tiếc thương và buồn bã buông những cành hoa xuống huyệt mộ? Ai sẽ đi sau quan tài để tiễn bạn mình đi vào lò hỏa táng?” Cát bụi trở về với cát bụi.
Khi còn độ tuổi thanh xuân, tôi là người cầu toàn nên khó tính, khó ngay cả với chính mình, nhưng rồi có những biến cố lớn lao xảy ra cho gia đình cũng như cho riêng tôi, đã làm tôi thay đổi một số quan niệm sống. Thời điểm đó tôi đang có những người tôi thương yêu, nhưng chỉ trong khoảng khắc chiến tranh đã mang đi tất cả. Tôi đau khổ và tiếc nuối, tự trách tại sao mình đã không làm điều này hay làm điều kia?
Cũng chỉ vì cái tôi, nhưng những cái tôi đó là do tôi bị đạo lý và nề nếp gia đình tạo ra. Có những điều rất đơn giản mà tôi không dám làm để rồi ân hận mãi. Đến khi làm vợ và làm mẹ, tôi đã sống hết mình cho gia đình và cho người thân. Tôi đã trao ra mà không tính toán hoặc so đo hơn thiệt. Tôi không bao giờ hối tiếc dù rằng khi hành xử như thế đôi khi tôi bị thiệt thòi về cả tinh thần lẫn vật chất. Tôi yêu thương như thể ngày mai không còn thấy nhau.
Trong sinh hoạt cộng đồng không thể nào tránh khỏi những va chạm đôi khi làm tổn thương mình, nhưng tôi đã nén cái tôi của mình lại vì chủ trương làm công việc chung, mình phải bỏ cái tôi của mình qua một bên. Mặc dầu tôi là một người thẳng thắn và nóng tánh, nhưng tôi xử sự một cách đằm thắm và nhẫn nhịn, vì tôi không muốn vì cái tôi của mình lớn quá sẽ làm cho nhiều người không vui. Tôi không muốn làm người khác mất vui chỉ vì mình muốn chứng tỏ rằng mình là quan trọng.
“Nhân vô thập toàn,” người xưa đã nói như thế. Tôi không phải là người thập toàn, nhưng tôi muốn những người xung quanh tôi, anh chị em và bạn bè được thoải mái và vui vẻ khi có sự hiện diện của tôi. Tôi sợ sẽ phải ân hận vì mình đã không kiềm chế được chính mình. Ngày mai ta có còn thấy nhau nữa không?
Bạn hãy xin lỗi ai đó nếu bạn lỡ làm họ buồn, một lời xin lỗi không làm mình mất giá trị, nhưng nó là một ly nước mát làm nguội đi những giận hờn. Còn nếu họ không thông cảm thì đó là chuyện của họ. Bạn cũng nên thông cảm cho những người đã làm mình buồn hoặc đôi khi họ làm tổn thương bạn. Hãy nén giận và lấy một lý do tích cực nào đó để biện minh cho cách hành xử của người ấy, mình sẽ dễ thông cảm và bỏ qua.
Nói thì dễ nhưng làm được thì khó lắm, nhưng nếu bạn thấy đường đi của chúng ta gần đến thì hành trang chúng ta mang về nơi xa ấy là tình yêu thương và sự cảm thông được đong đầy trong trái tim, chứ không phải một ba lô mang nặng những hờn giận, hơn thua, và sự tự tôn đè nặng lên đôi vai mình, rồi chúng ta sẽ phải lê những bước chân nặng nề về cõi vô tận.
Xin đến với nhau bằng tâm thức vọng về và bằng những tình cảm yêu thương vô vị lợi của thuở học sinh ngây thơ. Đừng quá chấp nhất những chuyện nhỏ nhặt, cái gì cũng đem lòng thông cảm ra trao đổi, như vậy lòng mình sẽ được nhẹ nhàng hơn.
Không biết ngày mai mình có còn gặp nhau và còn thấy nhau nữa không, vì vậy hôm nay chúng ta cùng trao nhau một nụ cười và một lời chào thân ái. Như vậy chúng ta đã tặng nhau một bầu trời yêu thương, một món quà vô giá không thể mua bằng tiền. Bạn tặng tôi một đóa hồng thật nhỏ bé và tôi mang đi đóa hồng, nhưng dư hương của đóa hồng vẫn còn thoảng trên tay bạn. Cảm ơn bạn đã yêu chúng tôi, những người bạn già và cũng là những người bạn nhỏ của một thời áo trắng nơi Phố Núi Pleiku nắng bụi mưa buồn, nhưng nhiều tinh thần và tình thân.
“Tình người Pleiku cao như Núi Chư Hờ Rông,
Lòng người Pleiku như nước Biển Hồ mênh mông.”
(Trích bản nhạc “Liên Trường Pleiku Tình Khúc” của Tô Quốc Thắng) (Lê Ngọc Anh)
M.Trang chuyển