Affichage des articles dont le libellé est Bài phát biểu của Tổng Thống Obama trước ĐTC Phanxicô. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Bài phát biểu của Tổng Thống Obama trước ĐTC Phanxicô. Afficher tous les articles

lundi 28 septembre 2015

Bài phát biểu của Tổng Thống Obama trước ĐTC Phanxicô

Bài phát biểu của Tổng Thống Obama trước

ĐTC Phanxicô


(Nhà Trắng, 23.9.2015). 

Chào buổi sáng!
Chúa đã làm nên một ngày thật tuyệt vời!
Kính thưa Đức Thánh Cha, Michelle và tôi xin chào mừng Ngài đến với Nhà Trắng. Ở đây thường không đông người như thế này – nhưng tầm mức và tinh thần của cuộc gặp gỡ ngày hôm nay chỉ phản ánh phần nào lòng yêu mến sâu xa của 70 triệu người Công Giáo Mỹ… và con đường sứ điệp tình yêu và hy vọng của Ngài đã truyền cảm hứng cho biết bao người, trên khắp đất nước chúng tôi và trên toàn thế giới. Thay lời cho người dân Mỹ, thật là vinh dự lớn lao và là đặc ân cho tôi được chào đón Ngài đến với nước Mỹ.

Hôm nay, chúng ta đánh dấu nhiều điểm khởi đầu. Thưa Đức Thánh Cha, Ngài được chúc mừng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ. Đây là chuyến thăm nước Mỹ đầu tiên của Ngài. Và Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên chia sẻ Thông Điệp trên Twitter.

Thưa Đức Thánh Cha, chuyến thăm của Ngài không chỉ cho phép tôi, trong cách thế khiêm tốn, đáp lại lòng hiếu khách đặc biệt mà Ngài rộng mở với tôi tại Vatican năm ngoái. Nó cũng cho thấy biết bao người dân Mỹ, từ mọi nền văn hóa và thuộc mọi niềm tin, quý trọng vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc phát triển đất nước. Ngay từ thời tôi làm việc tại các khu phố nghèo cùng với Giáo Hội Công Giáo tại Chicago, đến thời tôi làm Tổng Thống, tôi đã tận mắt thấy cung cách mà mỗi ngày, các cộng đồng Công Giáo, các linh mục, các nữ tu, và các giáo dân nuôi những người đói khát, chữa lành người đau ốm, che chở người vô gia cư, giáo dục các trẻ em, và củng cố đức tin nâng đỡ rất nhiều người.
Điều ấy thật đúng trên đất Mỹ, cũng đúng trên toàn thế giới. Từ đường phố nhộn nhịp của Buenos Aires tới ngôi làng xa xôi ở Kenya, các tổ chức Công Giáo phục vụ người nghèo, giúp đỡ các tù nhân, xây dựng các trường học và nhà ở, thành lập các cô nhi viện và các bệnh viện. Và khi Giáo Hội đứng về phía những người đấu tranh để phá vỡ xiềng xích của nghèo đói, thì đó cũng là tiếng nói và niềm hy vọng cho những ai đang tìm cách bẻ gãy xiềng xích của bạo lực và áp bức.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, niềm vui nồng nhiệt xung quanh chuyến viếng thăm của Ngài phải được ghi nhận, không chỉ do vai trò của Ngài trong tư cách là Giáo Hoàng, mà còn do những phẩm tính độc đáo của Ngài trong tư cách là một con người. Với lòng khiêm tốn của Ngài, Ngài mang lấy một sự đơn sơ, lịch thiệp trong lời nói và sự quảng đại trong tinh thần, chúng tôi nhìn thấy một mẫu gương sống động cho những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Đấng là vị lãnh đạo có thẩm quyền luân lý không chỉ trong lời nói mà còn trong hành động.

Ngài mời gọi tất cả chúng ta, Công Giáo cũng như không Công Giáo, đặt “người nhỏ bé nhất” vào tâm điểm của sự quan tâm của chúng ta. Ngài nhắc chúng ta rằng, trong cái nhìn của Thiên Chúa, sự đo lường của chúng ta như là các cá nhân, như là các xã hội, không được xác định bởi sự giàu có hay quyền lực hay địa vị hay danh tiếng, nhưng xác định bởi cách thế chúng ta đáp lại lời mời gọi của Kinh Thánh để nâng đỡ người nghèo và người bị thiệt thòi, thúc đẩy công bằng và chống lại bất công, và đảm bảo rằng, mỗi người có thể sống đúng phẩm giá – bởi vì tất cả chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

Ngài nhắc chúng ta nhớ rằng “sứ điệp mạnh mẽ nhất của Thiên Chúa” là lòng thương xót. Điều ấy có nghĩa là chào đón người lạ với sự đồng cảm và con tim rộng mở, từ những người tị nạn phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh tàn phá, đến những người nhập cư phải rời bỏ nhà cửa để đi tìm cuộc sống tốt hơn. Điều ấy có nghĩa là diễn tả sự cảm thông và tình yêu với những người chịu thiệt thòi và bị gạt ra bên lề, với những người chịu đau khổ, với những người đang tìm sự cứu độ.

Ngài nhắc chúng ta nhớ về cái giá phải trả cho chiến tranh, đặc biệt là những người cô thế và người không có khả năng tự vệ, và thúc giục chúng ta hướng tới tính khẩn thiết của hòa bình.

Thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi biết ơn Ngài vì sự nâng đỡ vô giá mà Ngài dành cho chúng tôi trong những bước khởi đầu với nhân dân Cuba, với lời hứa cho mối tương quan tốt hơn giữa hai quốc gia, cho sự hợp tác hơn nữa, và cho đời sống tốt hơn với người dân Cuba. Chúng tôi cám ơn Ngài vì tiếng nói đầy nhiệt huyết của Ngài chống lại các cuộc xung đột chết người. Các xung đột ấy tàn phá cuộc sống của quá nhiều người nam nữ và trẻ em. Chúng tôi cám ơn Ngài vì Ngài mời gọi các quốc gia chống lại chiến tranh và giải quyết các tranh chấp thông qua ngoại giao.

Ngài nhắc chúng ta nhớ rằng, con người chỉ thực sự tự do khi họ có thể thực hành đức tin của mình cách tự do. Ở nước Mỹ này, chúng ta trân quý tự do tôn giáo. Thế nhưng, trên thế giới ngay lúc này đây, những người con của Chúa, kể cả các Kitô hữu, bị phân biệt đối xử, thậm chí bị giết chết vì đức tin của mình. Các tín hữu bị ngăn cản, không được tụ họp tại nơi thờ phượng. Họ bị tù đày. Các nhà thờ bị phá hủy. Vì thế, chúng tôi cùng với Ngài đứng về phía bảo vệ tự do tôn giáo và thúc đẩy đối thoại liên tôn, biết rằng mọi người ở mọi nơi phải có khả năng sống đức tin cách tự do khỏi nỗi sợ hãi và khỏi sự đe dọa.
Thưa Đức Thánh Cha, Ngài nhắc chúng tôi nhớ rằng, chúng ta có bổn phận thánh thiêng bảo vệ hành tinh của chúng ta. Đây là món quà tuyệt với Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng tôi ủng hộ lời mời gọi của Ngài đối với các nhà lãnh đạo thế giới, cho việc nâng đỡ những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trong sự biến đổi khí hậu, cho việc xích lại gần nhau để bảo vệ thế giới của chúng ta cho các thế hệ tương lai.

Với sự Thánh Thiện, trong lời nói và hành động của Ngài, Ngài là tấm gương đạo đức sâu sắc. Và với những lời nhắc nhẹ nhàng nhưng kiên quyết về bổn phận của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau, Ngài đang lôi kéo chúng ta ra khỏi sự tự mãn. Tất cả chúng ta, nhiều lần, có thể kinh nghiệm sự khó chịu, khi chúng ta nhận thấy khoảng cách giữa cung cách sống hằng ngày với những gì chúng ta biết là thật là đúng. Nhưng tôi tin rằng, sự khó chịu ấy là một phúc lành, vì nó chỉ ra cho chúng ta điều gì đó tốt hơn. Ngài đánh thức lương tâm chúng ta khỏi giấc ngủ mơ; Ngài mời gọi chúng ta vui trong Tin Mừng, và trao tặng chúng ta sự tự tin để đến với nhau, trong khiêm tốn và phục vụ, và theo đuổi một thế giới yêu thương hơn, công bằng hơn, và tự do hơn. Ở đây và trên khắp thế giới, cầu chúc cho thế hệ chúng ta lưu tâm đến lời mời gọi của Ngài để “không bao giờ đứng bên ngoài chuỗi hy vọng sống động này!”

Vì món quà hy vọng lớn lao mà Ngài dành cho nước Mỹ, thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi cám ơn và chào đón Ngài, với niềm vui và lòng biết ơn.
Chuyển ngữ: Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J

Hiền sưu tầm