Có
lẽ chúng ta đã nghe nói nhiều đến việc truyền giáo. Năm nào cũng nghe,
nghe nhiều. Vậy thì truyền giáo là gì? Truyền giáo không phải là tuyên
truyền, không phải là quảng cáo. Truyền giáo cũng không phải là áp đặt,
cưỡng chế người khác theo mình, cũng không phải là mua chuộc, dụ dỗ
người khác theo đạo bằng tiền của, bằng quyền lợi hay bằng những hứa hẹn
suông. Truyền giáo là chia sẻ niềm vui, hạnh phúc vì được đón nhận Tin
Mừng của Đức Kitô. Thế nhưng, bao nhiêu người cảm thấy hạnh phúc vì được
biết Chúa. Có nhiều người tôi tin rằng, đi đạo là chỉ giữ một số các
quy định, một số các lề luật, tham dự các nghi thức, để sau này được lên
Thiên đàng. Chấm hết. Còn việc truyền giáo là việc của các linh mục,
các nam nữ tu sĩ, của Tiểu ban Truyền giáo, hay của một số người có ơn
gọi đặc biệt, như thánh Phaolô, thánh Phanxicô Xaviê, v,v…, chứ chẳng
phải là việc của mình. Tuy nhiên, truyền giáo là ơn gọi, là trách nhiệm
gắn liền với mọi người Kitô hữu. Bao lâu còn là Kitô hữu, bấy lâu còn
phải loan báo Tin Mừng. Có thể chúng ta không có khả năng lôi kéo,
thuyết phục để cho người khác theo đạo, nhưng “nói” cho người khác biết
về đạo bằng chứng tá đời sống thì ai ai cũng có thể làm được. Vậy chứng
tá cụ thể đó là gì?
- Trước hết là chứng tá bằng đời sống cầu nguyện hy sinh
Đây là hoạt động đi đầu và không thể thiếu trong việc loan báo Tin
mừng. Nhìn thấy gương chúng ta cầu nguyện, gương chúng ta hy sinh, người
ta sẽ được đánh động, được cảm hoá. Nếu đời sống tâm linh của chúng ta
được cắm rễ sâu trong đời sống cầu nguyện hy sinh, thì mọi việc ta làm
đều có giá trị truyền giáo, đều có khả năng làm cho người khác nhận biết
Chúa và đem lại rất nhiều lợi ích cho các linh hồn. Như vậy, ngồi ở
nhà, chúng ta vẫn có thể truyền giáo.
Không ai có thể nói là tôi không có thì giờ để cầu nguyện. Không ai
có thể nói là tôi không có cơ hội để hy sinh. Và để rèn luyện được nếp
sống thấm nhuần tinh thần cầu nguyện hy sinh, có sức giới thiệu Đức Kitô
cho người khác, thiết tưởng chúng ta có thể nhờ đến Chuỗi Kinh Mân Côi.
Nhờ Mẹ dẫn chúng ta bước đi từng bước nhỏ trên đường vâng phục thánh ý
Chúa và phục vụ các linh hồn.
- Thứ đến là chứng tá bằng lối sống hiệp nhất yêu thương
Truyền giáo bằng việc giảng dạy, bằng sách báo, bằng các lớp Giáo Lý,
bằng các lễ nghi, bằng các hoạt động tôn giáo, thực tế là rất cần.
Nhưng cách truyền giáo hữu hiệu nữa là chính nếp sống đạo đức nổi trội
của chúng ta về sự hiệp nhất yêu thương: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy thương yêu nhau”.
Tình yêu thương hiệp nhất ấy được thể hiện qua cách suy nghĩ, cách phán
đoán, cách chọn lựa, cách đối xử, cách phản ứng, cách hiện diện, cách
phục vụ nói năng, ăn uống, giải trí, cách dùng thời giờ, sức khoẻ, của
cải, v.v…
Một khi tất cả nếp sống của chúng ta phảng phất hương thơm của tình
hiệp nhất yêu thương thì dù ở đâu, nếp sống ấy cũng là truyền giáo.
Nói cách khác, những dấu chỉ yêu thương hiệp nhất giữa mọi người
trong gia đình, trong hội đoàn, trong giáo xứ là dấu chỉ loan báo Tin
mừng hữu hiệu nhất, giá trị nhất. Ngược lại, nếu thiếu tình bác ái yêu
thương thì những việc tông đồ truyền giáo sẽ phản tác dụng. Xin dẫn
chứng:
Một cô gái ngoại giáo lấy người Công giáo, láng giềng, bà con thấy cô
ta đẹp người đẹp nết, nên giục cô ta vào đạo. Cô ta trả lời: “Khi nào cháu thấy đạo Chúa hơn đạo Phật, cháu mới vào”.
Tìm hiểu, người ta mới biết được bà mẹ chồng dù rất siêng năng đọc
kinh, dự lễ, và đã từng bỏ ra gần cả một chục triệu bạc cùng với nhiều
bà khác giúp cha sở đi Roma xin ơn Đức Giáo hoàng, nhưng bà đã từng sang
giật nồi, lấy niêu của một bà hàng xóm nghèo chưa có tiền trả nợ cho
bà. Cô dâu in trong lòng hình ảnh không tốt về mẹ chồng và về đạo. Bởi
đó cô nhất quyết không theo đạo bao lâu chưa thấy người theo đạo sống
tốt hơn.
Quả vậy, người Công Giáo sống lỗ mãng, ngoa ngoắt, đanh đá, chanh
chua, gian dối, tham lam, bất công, trộm cắp, hận thù, ghen ghét…. sẽ là
một phản chứng cho Tin Mừng ghê ghớm. Ta vẫn thường nghe một câu nói
đầy phủ phàng cay đắng từ những anh chị em lương dân: “Tin đạo chứ không tin người có đạo”. Và
có khi vì có thành kiến, có ác cảm với người có đạo nên người ta có
thành kiến, có ác cảm với đạo luôn. Có khi vì sợ người có đạo nên người
ta sợ đạo luôn.
- Sau nữa là chứng tá bằng nếp sống có văn hóa, văn minh
Ngày hôm nay, xã hội đang phải đối diện với biết bao tệ nạn, môi
trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, các giá trị đạo đức luân lý bị băng
hoại. Chính vì thế nỗ lực của xã hội là xây dựng nếp sống lành mạnh, có
văn hoá, văn minh. Đi đâu chúng ta cũng thấy có các bảng hiệu “khu phố
văn hoá”, “thôn văn hoá, ấp văn hoá”…, lẽ nào chúng ta lại đứng ngoài,
lẽ nào chúng ta lại không chung tay góp sức mình vào việc đó. Dĩ nhiên,
nền văn hoá mà chúng ta phải xây dựng không phải là văn hóa sự chết, văn
hoá tiêu diệt sự sống, mà là nền văn hóa bảo vệ và thăng tiến sự sống,
sự sống ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Nền văn minh mà chúng ta phải
kiến tạo không phải là văn minh của nền khoa học kỷ thuật khô cứng hay
của chủ nghĩa duy vật hưởng thụ cực đoan, mà là nền văn minh của tình
thương, nền văn minh của lòng bao dung tha thứ.
Như mọi người khác, người Công Giáo cũng đang hiện diện tại mọi môi
trường xã hội hôm nay. Chúng ta cũng làm ăn sinh sống trong mọi lĩnh
vực: kinh doanh, sản xuất, buôn bán… nhưng chúng ta làm việc với tinh
thần khác: tinh thần công bình bác ái và phục vụ hy sinh.
Năm Đức Tin sắp kết thúc, nhưng đời sống đức tin thì không kết thúc.
Đức tin vẫn là một hành trình dài với nhiều thử thách cam go. Hãy nỗ lực
sống chứng tá đức tin một cách thiết thực ngay trong môi trường cụ thể
chúng ta đang sống, với những con người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Chúa
Kitô cần đến chúng ta để đem Tin Mừng vào lòng các dân tộc. Chúa Kitô
cần đến tâm hồn quảng đại, cần đến đời sống chứng tá của chúng ta để bày
tỏ cho anh em mình tình yêu thương vô biên của Người. Một đời sống
chứng tá đượm chất cầu nguyện hy sinh, một đời sống chứng tá đậm chất
hiệp nhất yêu thương và một đời sống chứng tá đầy chất văn hoá văn minh
là một đời sống truyền giáo luôn có ý nghĩa đặc biệt nhất. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long