Chúa can thiệp như thế nào?
Một biến cố có tầm vóc như đại dịch Covid-19 không khỏi khiến nhiều người nghĩ rằng phải có bàn tay Thiên Chúa nhúng vào. Người thì cho rằng thế giới đã quá sa đọa đến nỗi Chúa phải để xảy ra một biến cố như trận hồng thủy thời ông Nôê để trừng phạt, thậm chí tiêu diệt, những người tội lỗi. Kẻ khác lại cho rằng Chúa dùng cơn đại dịch này để cảnh tỉnh thế giới và nếu ai biết ăn năn hối cải quay về với Chúa thì sẽ được cứu thoát.
Chúa Giêsu có bao giờ dạy chúng ta dùng bất cứ phương tiện gì, miễn là đạt được kết quả tốt không? Cứu cánh biện minh cho phương tiện ư? Chắc chắn là không! Vậy sao Chúa có thể dùng một phương tiện xấu, một sự dữ, là con virút Corona để trừng phạt người này hay để cứu giúp người kia được chứ? Chúa là Cha chúng ta nên sửa dạy chúng ta thì có, nhưng trừng phạt thì không. Vả lại, nếu trừng phạt người này thì cũng phải trừng phạt người kia thì mới công bằng, vì ai lại chẳng có tội? Chẳng lẽ lòng thương xót còn biết phân biệt tội lớn tội nhỏ, tội nhiều tội ít sao? Mặt khác, cũng vì Chúa là Cha chúng ta, nên chắc chắn Người phải quan tâm đến chúng ta, nhất là khi chúng ta bị sự dữ hoành hành, Chúa Giêsu chẳng dạy chúng ta thưa với Chúa Cha rằng: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ” sao? Vậy Người can thiệp thế nào để cứu chúng ta khỏi sự dữ đây?
Trước tiên, nếu chúng ta chỉ xin và trông mong Chúa ban điều lành và tránh điều dữ cho mình cùng người thân, thì có thể chúng ta sẽ không bao giờ thấy Chúa can thiệp. Chúa là Đấng Toàn Thiện làm sao Người lại gây ra sự dữ được? Và vì Người không làm ra sự dữ, Người cũng không thể ngăn chận sự dữ, khi Người còn phải tôn trọng tự do của con người. Điều lành thì đương nhiên Chúa muốn ban cho chúng ta rồi, nhưng, cũng vì tôn trọng tự do của mỗi người, Chúa chỉ có thể can thiệp cho những ai kêu cầu Người. Tuy nhiên, đường lối của Chúa làm sao chúng ta tỏ tường và nếu chúng ta cứ trông mong Chúa can thiệp theo cách chúng ta muốn và ngay lập tức, thì chúng ta cũng chẳng bao giờ thấy Chúa can thiệp. Thật vậy, trừ trường hợp hiếm hoi Chúa can thiệp qua phép lạ nhãn tiền, con đường thông thường của Chúa khi can thiệp là bằng cách tác động lên tâm hồn chúng ta, hầu làm chúng ta ngày càng trở nên đồng hình động dạng với Con của Chúa, để rồi cũng như Đức Giêsu trên thập giá, chúng ta biết hiến mình vì anh em và, khi bị sự dữ bủa vây, chúng ta có thể thốt lên như Người: “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Vì xét cho cùng, sự dữ lớn nhất là lòng thù hận, và đi kèm với nó là lòng ích kỷ, và khi chúng ta đã chiến thắng được sự dữ lớn nhất này rồi, thì chúng ta không còn phải sợ những sự dữ khác nữa. Vả lại, vấn đề chính không phải là sự dữ, mà là chúng ta phải chống chọi một mình với sự dữ. Thật vậy, mọi sự dữ rồi sẽ vượt qua nếu chúng ta có được một bàn tay nâng đỡ hay một sự hiện diện yêu thương, cho dù là của Chúa hay của loài người. Hơn nữa, như thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Nếu trước mọi sự dữ, chúng ta nhận ra được những giới hạn, sự yếu đuối, sự bất lực của mình để trở nên khiêm tốn hơn, rồi cậy dựa và sống phó thác vào Chúa hơn, thì sự dữ không những không làm hại được chúng ta, mà còn góp phần sinh ơn ích cho chúng ta nữa.
Vậy, còn những người không biết hoặc biết nhưng không kêu cầu Chúa thì Chúa sẽ để mặc họ à? Chính lúc này hơn bao giờ hết chúng ta phải vận dụng ơn các thánh thông công. Khi chúng ta cầu nguyện cho người khác, Chúa rất hài lòng vì thấy con cái Chúa biết quan tâm đến nhau như thế. Nếu cần, Chúa sẽ can thiệp, và nếu người không kêu cầu Chúa có cự lại Chúa và nói: “Tôi có nhờ Chúa đâu mà Chúa lại xen vào chuyện của tôi như thế?” Chúa sẽ có “cớ” để trả lời: “Con ơi, Cha có xâm phạm gì tự do của con đâu. Nhưng chẳng lẽ Cha không có quyền nhậm lời con của Cha cũng là anh em của con, khi người ấy đã xin Cha can thiệp cho con à?”