Affichage des articles dont le libellé est Vác thập giá với Chúa Giê-su. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Vác thập giá với Chúa Giê-su. Afficher tous les articles

jeudi 22 mars 2018

Vác thập giá với Chúa Giê-su



Trong mùa chay và đặc biệt trong tuần thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta thông hiệp sâu xa vào cuộc thương khó của Chúa Giê-su và cùng vác thập giá với Ngài. Việc này có ý nghĩa gì và có mang lại lợi ích gì không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua mấy điểm sau đây:

Chúa Giê-su không vác thập giá một mình
Khi vác thập giá lên đồi Can-vê, Chúa Giê-su muốn cho ông Si-mon cùng vác thập giá với Ngài, muốn có Mẹ Ma-ri-a, thánh Gioan cùng đồng hành, cùng thông phần đau khổ với Ngài từ lúc bắt đầu cuộc thương khó cho đến lúc Ngài nhắm mắt tắt hơi.

Chúa Giê-su mời ta vác thập giá với Ngài
Và hôm nay, Ngài kêu gọi mỗi người chúng ta cùng vác thập giá với Ngài. Ngài nói: “Ai muốn theo tôi thì hãy vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).
Để thực hiện việc này, Ngài lập nên bí tích Thánh tẩy (Rửa tội) để tháp nhập chúng ta vào Thân mình Ngài, trở thành một chi thể trong Thân thể Ngài[1]. Rồi Ngài lại cho trao cho chúng ta chức linh mục (vai trò tư tế) của Ngài[2] để chúng ta cùng hiến tế với Ngài mọi lúc mọi nơi.
Thế là từ đây,
Vì đã trở nên vai của Chúa Giê-su, gánh nặng chúng ta đang mang cũng chính là thập giá mà Chúa Giê-su đang vác;
Vì đã trở nên bàn tay, bàn chân… của Chúa Giê-su, những đau thương ta chịu hôm nay cũng chính là những mũi đinh nhọn đâm thâu tay chân Ngài… và máu của các thánh tử đạo đổ ra hôm nay cũng chính là máu của Chúa đổ ra cho nhiều người được tha tội.
Như thế, Chúa Giê-su cần có chúng ta vác thập giá với Ngài, chịu khổ nạn với Ngài để đền tội cho vô vàn tội nhân đang phạm đủ mọi thứ tội lỗi khắp nơi trên thế giới.

Vác thập giá cách nào?
Vác thập giá theo Chúa Giê-su không phải là vác cây gỗ hình chữ thập đi lui đi tới, nhưng là kết hợp với Chúa Giê-su để làm những việc bổn phận hằng ngày.
Trước hết chúng ta hãy nhớ rằng hôm nay, Chúa Giê-su đang sống trong ta như lời thánh Phao-lô dạy: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là chính Chúa Giê-su đang sống trong tôi” (Galat 2, 20).
Vì có Chúa Giê-su đang sống trong ta và ta là chi thể của Ngài, nên những việc ta làm không còn là việc ta làm nữa, mà là “chính Chúa Giê-su đang làm” việc đó trong ta. 
Vậy thì khi tôi quét rác, “không còn là tôi, mà là Chúa Giê-su” đang quét trong tôi… Khi tôi vất vả cực nhọc, “không còn là tôi, mà là Chúa Giê-su” đang chịu vất vả cực nhọc trong tôi…
Như thế, nếu chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su, thì chính Chúa Giê-su đang tiếp tục cuộc thương khó của Ngài trong thân mình chúng ta, qua mỗi công việc ta làm, và khi ta làm bất cứ việc gì với Chúa, là cùng vác thập giá với Chúa.

Vác thập giá hằng ngày với Chúa
Đề nghị: Mỗi sáng, chúng ta hãy thưa với Chúa một câu: “Lạy Chúa Giê-su, xin cùng làm việc với con suốt ngày hôm nay.”
Và mỗi tối trước khi đi ngủ, cũng nhớ thưa với Chúa một câu: “Con xin dâng mọi việc con làm cho Chúa.”
Thế là có Chúa Giê-su làm việc với ta suốt ngày. Đời ta ý nghĩa biết bao!
Thế là ta đang vác thập giá với Chúa Giê-su suốt ngày. Biết bao nhiêu là công phúc!
Như vậy, những công việc ta làm hằng ngày sẽ trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa” như lời thánh Công đồng Vatican II dạy:
“Người giáo dân, vì đã được hiến dâng cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy, mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần… tất cả những việc đó đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô…”[3]
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con cùng vác thập giá với Chúa mỗi ngày bằng cách kết hợp với Chúa mà làm mọi việc bổn phận của chúng con, qua đó, chúng con thi hành vai trò linh mục (tư tế) của mình, đồng thời tham gia vào công trình cứu độ của Chúa.
Linh mục I-nha-xi-ô Trần Ngà



[1] Giáo lý HTCG số 1267
[2] Hiến Chế tín lý về Giáo hội, chương IV, số 34
[3] Hiến Chế tín lý về Giáo hội, chương IV số 34

Ngọc Nga và T.Anh sưu tầm